Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

26/04/2019

Cụ bà ở tù oan 40 năm, giá điện được giấu kín như bí mật quốc phòng

RFA tiếng Việt

Nỗi oan chôn chặt 40 năm của một gia đình vì pháp luật lỏng lẻo (RFA, 26/04/2019)

Một gia đình bị bắt oan, bị tù oan rồi được thả đã không thể kêu oan suốt 40 năm qua vì luật lúc bấy giờ không quy định phải cấp giấy trả tự do cho người bị tạm giam.

oan1

Các nạn nhân đến nhận và xem lại quyết định đình chỉ vụ án ở Viện Kiểm sát Tây Ninh hôm 4/4/2019. Photo courtesy of thanhnien

Bị bắt, bị tra tấn, được thả

Chỉ trong hai đêm gần cuối tháng 7 năm 1979, một gia đình tám người ở Tây Ninh đang yên ấm bỗng tan nát bởi bị nghi liên quan đến "vụ cướp năm chỉ vàng" tại nhà máy xay xát ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh.

Tám người bị bắt gồm vợ chồng ông Nguyễn Thành Nghị, bà Võ Thị Thương cùng con trai Nguyễn Văn Dũng (sinh năm 1961) ; vợ chồng ông Hồ Long Chánh, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan với bào thai 5 tháng tuổi ; vợ chồng ông Nguyễn Văn Chiến, bà Nguyễn Thị Lan ; ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958 là em bà Nguyễn Thị Ngọc Lan.

Ông Nguyễn Văn Dũng sinh 1961 (Dũng nhỏ) nhớ lại :

"Cũng 40 năm rồi từ cái đêm 26-27/7/1979. Chỉ trong một đêm mà tám người trong thân tộc đau khổ cho tới bây giờ, tan nát đổ vỡ. Cả gia đình ly tán, con cái nhà cửa mất hết, tha phương cầu thực khắp nơi làm thuê làm mướn kiếm sống. Biết kêu ai vì mình là dân không rành về luật pháp. Đến bây giờ mọi người cũng trong hoàn cảnh khó khăn, bà già thì 94 tuổi rồi".

Trong quyết định đình chỉ điều tra của cả tám người đều ghi bị nhục hình nên khai không đúng sự thật và bị tù oan.

Tại buổi gặp gỡ từng nạn nhân với đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao sáng 25/4 vừa qua, những nạn nhân vẫn nhớ như in tên của những người đã đánh họ. Luật sư Phạm Công Út, một người trong nhóm luật sư đại diện cho bảy nạn nhân khẳng định :

"Từng nạn nhân thì họ đều khai đích danh hai ông Phùng Văn Tiết và Nguyễn Văn Rức đã dùng nhục hình với họ một cách tàn nhẫn để buộc họ phải nhận một cái tội mà họ không hề gây ra. Đây là cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự của hai người này. Vấn đề còn lại là thời hiệu. Trước mắt là cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân tối cao sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can".

Ông Phùng Văn Tiết và Nguyễn Văn Rức là công an của đội Điều tra Công an huyện Trảng Bàng lúc bấy giờ.

Trò chuyện với RFA, ông Dũng sinh năm 1958 (Dũng lớn) cho rằng họ dùng nhục hình vì chuyên môn họ không có, sự phán đoán, nhận định sự việc không có cộng với tính độc đoán, mơ hồ họ bắt oan. Ông nhấn mạnh người dùng nhục hình với ông phải chịu trách nhiệm với ông vì chiếm đoạt tất cả tương lai sự nghiệp của ông.

oan2

Đại diện phía nguyên đơn (Luật sư Phạm Công Út) tại một phiên tòa. Photo courtesy of baomoi

Sau hơn 3 năm 9 tháng, ngày 11/05/1983, cả gia đình được thả nhưng chỉ duy nhất một người có quyết định đình chỉ điều tra là ông Nguyễn Văn Dũng sinh năm 1958. Bảy người còn lại mang mặc cảm bị can suốt bao năm qua. Đến nay một người đã mất là ông Nguyễn Thành Nghị, người cao tuổi nhất đã 94, người nhỏ tuổi nhất cũng đã 58.

Ông Dũng lớn cho biết lý do vì sao chỉ mình ông có được quyết định đình chỉ lúc được thả :

"Anh là người duy nhất nhận quyết định đình chỉ. Những người kia được thả vào buổi sáng, anh được thả khoảng hơn hai giờ chiều chứ không cùng lúc. Mới đầu anh cũng nghĩ mình không cần giấy tờ gì cả và mừng như chim sổ lồng. Nhưng vì anh là quân nhân nên anh sực nhớ mình phải có giấy tờ gì để chứng minh với đơn vị là mình là người bị oan nên anh quay lại nhờ quản giáo cho xin miếng giấy trả tự do chứ anh cũng không biết nó là giấy gì. Sau này anh mới biết đó là quyết định đình chỉ điều tra".

Vì sao không thể kêu oan ?

Trò chuyện với RFA, Luật sư Phạm Công Út nhớ chi tiết số phận từng con người. Ông chậm rãi kể rằng khi được thả ra sau 1.386 ngày bị giam cầm họ trở về nhà thì nhà đã mất, ruộng không còn. Họ trắng tay không còn gì ngoài tiếng đời là một gia đình bất lương. Họ xấu hổ, đau đớn, tủi nhục rời bỏ xứ sở lưu lạc để trốn tránh thân phận ‘bị can’, nhưng họ không thể kêu oan vì họ không có giấy tờ gì chứng minh mình bị oan :

"Thời điểm năm 1983 chưa có Bộ luật tố tụng hình sự, tất cả áp dụng bằng sắc luật 03/1976. Sắc luật lúc đó rất sơ sài và hệ thống bộ máy tư pháp chưa hoàn thiện nên việc tống đạt một văn bản tố tụng không có biên bản ký nhận.

Bên cơ quan giam giữ thì do luật pháp chưa hoàn thiện, không quy định thủ tục thả người bị giam thì phải đưa giấy tờ và phải ký tên. Chỉ một mình ông Dũng yêu cầu quyết định ra tù để về trình báo đơn vị do biến mất mấy năm trời. Còn bảy người kia như những con chim sổ lồng, họ không dám đòi hỏi gì hết, họ chỉ mơ ước tự do mà thôi.

Họ không có gì chứng minh họ bị oan nên họ không có cơ hội kêu oan. Chữ nghĩa thì không biết, tiền bạc thì không có".

Theo luật sư Phạm Công Út thì khi truyền thông trong và ngoài nước cũng như dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì bảy người còn lại nhận được bảy bản photocopy quyết định đình chỉ được ký từ năm 1983.

oan3

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc (một trong các luật sư đại diện) cùng ông Nguyễn Văn Dũng (Dũng lớn) Photo courtesy of dantri

Vì trước đây chỉ có mình ông Dũng lớn có giấy tờ khi được thả nên chỉ mình ông có thể kêu oan, đòi bồi thường. Ông đã kiện, yêu cầu bồi thường hơn 10,4 tỉ đồng nhưng qua 2 cấp xét xử là Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh chỉ chấp nhận bồi thường 615 triệu đồng. Ông Dũng đang khiếu nại bản án trên. Ông cho biết khi giải quyết bồi thường không thỏa đáng thì ông đưa ngay ra tòa với mục đích lên tiếng cho những người còn lại :

"Mục đích anh đưa ra tòa để lên tiếng cho những người bị bắt chung trong vụ án này là thân tộc họ hàng, anh em ruột của anh".

Ông Dũng nhỏ cho biết sau khi được thả vài năm cũng từng nghĩ đến chuyện đi kêu oan nhưng vô vọng :

"Mấy năm đầu có lên Viện kiểm sát hỏi thì họ nói giờ chưa có luật bồi thường nên về đi khi nào có thì họ gọi. Sau đó ông ở Viện kiểm sát chết rồi cũng không biết gì hết, không biết nhờ ai…

Trước kia thì tuyệt vọng vì tiếng kêu không thấu được ở trên. Đơn đi thì có mà đơn về thì không, không một ai trả lời hết. Nhiều năm tuyệt vọng rồi. Khi gặp được các luật sư thì tui tụi hy vọng có ngày mình được giải oan, được trả lại sự công bằng, trả lại quyền công dân".

Bồi thường

Những nạn nhân chúng tôi được trao đổi qua điện thoại đều cho biết trước đây họ chưa bao giờ dám nghĩ đến ngày được minh oan chứ nói gì đến bồi thường. Bây giờ bồi thường với họ bao nhiêu cũng không thể bù đắp những mất mát quá lớn trong cuộc đời họ.

Luật sư Phạm Công Út cũng cho biết nguyện vọng lớn nhất của các nạn nhân là được minh oan một cách công khai :

"Họ đòi hai vấn đề : Thứ nhất phải xin lỗi công khai tại địa phương nơi cư trú ; phải cải chính trên báo chí trong ba số liên tiếp, báo trung ương và báo địa phương mà trường hợp này họ chỉ định báo Thanh Niên vì đã đồng hành cùng họ phủi lớp bụi thời gian của vụ án. Báo địa phương là báo tây Ninh.

Trong bảy người này có ba nơi cư trú. Một là xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng tỉnh Tây Ninh. Số còn lại lưu lạc ở hai xã khác thuộc huyện Dầu Tiếng. Viện kiểm sát phải đến những nơi này tổ chức xin lỗi công khai các nạn nhân.

Thứ hai là phải bổi thường danh dự, sức khỏe, uy tín của họ bằng tiền và trả lại tài sản mất mát bằng hiện kim theo quy định của Nhà nước".

oan4

 Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh cho biết đã nhận được đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai của cụ bà 94 tuổi Võ Thị Thương. Photo courtesy of Thanhnien

Bà Võ Thị Thương năm nay đã 94 tuổi bày tỏ nguyện vọng của mình với luật sư là bà muốn được minh oan để ngày bà về nơi chín suối bà sẽ nói với ông Nguyễn Thành Nghị rằng gia đình mình đã được minh oan. Bà giờ như ngọn nến trước gió không biết sẽ tắt lúc nào. Luật sư Phạm Công Út cho biết các luật sư đã cảnh báo với bên cơ quan làm oan (Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Tây Ninh) rằng phải làm đúng luật. Ông cho biết bất cứ sự chậm trễ nào trong việc minh oan cho người dân khi một trong những người này qua đời, sẽ tạo sự phẫn nộ ghê gớm. Nói về thủ tục minh oan, bồi thường, luật sư Phạm Công Út cho biết :

"Thủ tục bồi thường đã gởi cho bên cơ quan làm oan. Với sáu người còn sống thì bồi thường tính đến ngày 4/4/2019, riêng ông Nguyễn Thành Nghị thì tính đến ngày 23/4/2019 do thủ tục hành chánh.

Luật trách nhiệm bồi thường Nhà nước sửa đổi bổ sung 2015 thì sau khi thụ lý họ chỉ có 15 ngày để xác minh thiệt hại về tinh thần, thể chất, tài sản. Nếu phức tạp thì có thể kéo dài đến 30 ngày hoặc phải thỏa thuận với người bị oan về thời gian xác minh.

Theo luật mới thì bên yêu cầu bồi thường sẽ kèm theo yêu cầu tạm ứng kinh phí bồi thường trong vòng hai ngày làm việc sau khi thụ lý hồ sơ. Tôi hy vọng trong vài ngày tới thì những nạn nhân sẽ được nhận tạm ứng".

Vụ án oan 40 năm đã khép lại nhưng những tổn thất của những nạn nhân thì không thể nào bù đắp được bằng vật chất như lời ông Hồ Long Chánh :

"Quá đau khổ, bây giờ có bồi thường bao nhiêu cũng không thể giải quyết được về tinh thần. Mấy chục năm mất mát từ tinh thần, vật chất, con người…đau cả thể xác lẫn tâm hồn".

Ông nói thêm rằng được minh oan con người trong sáng, trong sạch là một danh dự quá lớn lao và ông mang ơn những luật sư, họ là những đại ân nhân của gia đình ông.

Diễm Thi

********************

Đề xuất giá điện chưa công bố được đóng dấu mật : Vì sao ? (RFA, 26/04/2019)

Bộ Công thương vừa đề xuất phương án điều chỉnh giá điện vào diện mật trong bối cảnh giá điện đều tăng mạnh hồi hạ tuần tháng 3. Dư lận đặt vấn đề vì sao phải đưa vào diện mật ?

oan5

Công nhân Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đang kiểm tra đồng hồ điện. AFP

Thắc mắc của người tiêu dùng

Truyền thông trong nước hôm 26/4 cho biết Bộ Công thương mới đây đã gửi công văn tới các bộ, ngành để lấy ý kiến dự thảo Danh mục bí mật nhà nước ngành Công thương, trong đó báo cáo điều hành kinh doanh và phương án chỉ đạo, điều chỉnh giá điện chưa công bố được đóng dấu mật.

Đề xuất vừa nêu của Bộ Công thương vấp phải sự chỉ trích của dư luận, mặc dù Bộ Công thương có giải trình sau 10 năm áp dụng và thực hiện danh mục bí mật được Thủ tướng chính phủ ban hành năm 2008, danh mục bí mật của ngành Công thương đã có sự thay đổi và cần phải thay đổi để phù hợp luật pháp.

Lướt qua trang fanpage các tờ báo mạng của truyền thông quốc nội, hàng chục câu hỏi của độc giả thắc mắc rằng mặt hàng thiết yếu như điện cần gì phải bảo mật khi điều chỉnh giá, vì dù tăng ở mức nào thì người tiêu dùng cũng buộc phải chấp nhận mà không có lựa chọn.

Không ít độc giả còn cho rằng Bộ Công thương đề xuất đưa việc điều chỉnh giá điện vào diện mật là không ổn vì hàng hóa và giá cả cần được công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường ; không những vậy mà Bộ Công thương còn phải có trách nhiệm thông báo cho doanh nghiệp trước khi chính thức áp dụng giá mới để doanh nghiệp không bị thụ động trong việc hoạch định kinh doanh và sản xuất.

Nhà báo tự do Võ Văn Tạo, từ Nha Trang vào tối ngày 26 tháng 4 lên tiếng với RFA rằng có những thông tin cần được đưa vào danh mục bảo mật của quốc gia, của cơ quan, của tập đoàn kinh doanh… là điều hiển nhiên, thế nhưng đề xuất Bộ Công thương đưa ra Dự thảo đệ trình xin điều chỉnh giá điện vào danh mục bí mật khiến cho dư luận rất phẫn uất.

"Có một điều bất hợp lý là Nhà nước để cho ngành điện độc quyền kinh doanh, không có tư nhân nào chen vào được. Trước đây mười mấy năm, có những Đại biểu Quốc hội tại Diễn đàn họp Quốc Hội đã nói thẳng rằng điện là một trong những ngành năng lượng, là ngành ‘lương nặng’, tức là nói láy của ‘năng lượng’ vì lương bổng và chế độ thưởng…rất cao. Bởi vì họ độc quyền, cho nên họ tự có thể quy định chi phí, lương theo ý của họ muốn. Khi họp hành xét duyệt kế hoạch hàng năm thì họ chỉ cần đưa phong bì cho các bộ, ngành liên quan như Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ…và kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ được thông qua. Thế thì chỉ có chết dân thôi vì giá điện bao nhiêu là do họ áp đặt lên người dân".

Cứ tăng giá

Bộ Công thương, vào ngày 20 tháng 3 năm 2019 thông báo giá điện chính thức tăng thêm 8,36% sau gần 3 năm giá điện không thay đổi. Ngay sau khi thông báo này được phổ biến, Giáo sư-Tiến sĩ Trần Đình Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), hiện là Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam nhiệm kỳ 2018-2022 cho RFA biết vì sao ngành điện phải tăng giá :

"Gần ba năm vừa rồi Chính phủ không có chủ trương tăng giá điện, dù yếu tố đầu vào quyết định giá thành sản xuất điện năng liên tục tăng. Vì vậy để ngành điện có thể hoạt động hiệu quả và có thể trang trải những chi phí của mình, nên giá điện năm nay bắt buộc phải tăng để kịp với những biến động cùa các yếu tố đầu vào cấu thành giá điện".

oan6

Nhà máy Nhiệt điện than Vĩnh Tân 1, ở Bình Thuận. Photo : RFA

Cục trưởng Cục điều tiết điện thuộc Bộ Công thương,ông Nguyễn Anh Tuấn được truyền thông trong nước dẫn lời giải thích nguyên nhân tăng giá điện là do một số yếu tố đầu vào tăng giá như than tăng 2,6-2,7%, khiến phí phát điện tăng thêm 2.000 tỷ đồng. Còn ông Đinh Quang Trí, Phó Tổng giám đốc EVN tuyên bố sau khi tăng giá, EVN sẽ thu về 20.000 tỷ đồng, nhưng lại phải chi hơn 21.000 tỷ đồng và do đó dù tăng giá điện lên 8,36%, nhưng EVN vẫn lỗ 1.000 tỷ đồng.

Giá điện tại Việt Nam được ghi nhận nằm trong nhóm giá thấp so với các nước trong khu vực. Mặc dù ngành điện của Việt Nam có lý do để tính toán tăng giá ở mức 8, 36% cho việc bù lỗ các chi phí đầu vào, tuy nhiên một số chuyên gia kinh tế đã bày tỏ lo lắng rằng việc tăng giá các mặt hàng cơ bản này sẽ đẩy giá nhiều mặt hàng khác lên cao, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Báo Công thương, vào tháng 12 năm 2018, dẫn nguồn theo tính toán của Tổng cục Thống kê, dự báo dưới tác động của thuế môi trường cho mặt hàng xăng dầu, điều chỉnh giá điện, diễn biến giá cả dịp Tết…sẽ tác động đến Chỉ số tiêu dùng (CPI) quý I/2019 có thể tăng khoảng 3,6 - 3,85% so với cùng kỳ năm 2018, là mức tăng cao.

Bà Bích Lan, một người dân ở Sài Gòn nói với RFA về chi phí trả tiền điện sau khi mặt hàng này tăng giá trong vòng 1 tháng qua :

"Tăng lên ở mức 8% theo luật. Nói chung, những doanh nghiệp sản xuất thì thấy bị ảnh hưởng nhiều, còn tiêu thụ điện dân dụng thì nếu xài nhiều phải trả thêm mấy chục đến 100 ngàn đồng. Xăng và điện tăng lên thì tất cả đều lên. Sắp tới đây lương thực thực phẩm đều lên hết vì siêu thị đã thông báo một số sản phẩm tăng lên mấy chục phần trăm. Hình như người dân được tập huấn dần thành thói quen, một là cầm tiền nhìn chịu đói hoặc hai là cứ nghĩ sức khỏe là trên hết và bấm bụng mà ăn. Ví dụ như hồi xưa ăn 10 con tép, còn bây giờ ăn 5,6 con thì cũng phải ăn".

Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, chuyên thu mua, gia công, chế biến, xuất khẩu lúa gạo, cho biết giá điện tăng ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của công ty ra sao :

"Tăng giá điện như vậy thì rất là ảnh hưởng và khó khăn lắm cho người nông dân và thương lái mua lúa đem về nhà máy để gia công, rồi doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ ngày xưa, tôi gia công gạo, ăn 270 đồng của người thương lái mua lúa khô để về nhà máy mình gia công ; bây giờ giá tăng lên, tôi tăng giá thì người ta không chấp nhận. Nói chung là rất khó khăn cho doanh nghiệp và người thu mua".

Bao giờ tư nhân hóa ?

Tại "Diễn đàn năng lượng Việt Nam : Những thách thức trong đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững", diễn ra trong ngày 9 tháng 8 năm 2018, Phó Tổng Giám đốc EVN, ông Ngô Hải Sơn cho biết tốc độ tiêu thụ điện tại Việt Nam gia tăng bình quân khoảng hơn 12%/năm từ 2003 đến 2018 và dự kiến tốc độ này sẽ tăng trưởng ở mức cao, gần 300 tỷ kWh vào năm 2020 và gần 650 kWh vào năm 2030. Ông Ngô Hải Sơn nhấn mạnh nguồn điện hiện nay đáp ứng chỉ 1/3 mục tiêu, bởi nguyên nhân là do nhiều dự án nguồn điện, nhất là ở khu vực miền Nam bị chậm tiến độ và các nhà máy nhiệt điện than chưa được khởi công xây dựng. Phó Tổng Giám đốc EVN còn nhấn mạnh không loại trừ khả năng Việt Nam bị thiếu điện sau năm 2030 nếu mực nước thủy điện về kém hơn cũng như chưa kịp thời có nguồn mới thay thế…

Truyền thông trong nước trong thời gian gần đây thường xuyên đăng tải ý kiến của một số chuyên gia kêu gọi Nhà nước cần nhanh chóng thị trường hóa để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, không thể tiếp tục độc quyền cho một doanh nghiệp nhà nước duy nhất là EVN dựa trên nền tảng "bao cấp".

Báo mạng Dân Trí, hồi hạ tuần tháng 8 năm 2016, dẫn lời phát biểu của Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam rằng "ngành năng lượng cần đặt mục tiêu thay đổi được cơ chế giá. Đặc biệt, cần thay đổi tư duy vượt lên để thay đổi đẳng cấp. Cùng với đó, cơ chế thị trường cần thay đổi cơ bản nhưng không gây xung đột xã hội bởi giá điện mang tính chính trị rất cao".

Trong khi người tiêu dùng chờ đợi được nghe Bộ Công thương chính thức giải thích vì sao việc điều chỉnh giá điện cần được đưa vào diện mật, rất nhiều "thượng đế" là khách hàng của EVN khắp Việt Nam chia sẻ với RFA rằng họ tiết kiệm tiền điện trong mùa nắng nóng kỷ lục năm 2019 bằng cách tự nguyện tăng ca ở công xưởng, nhà máy hay cùng gia đình thường xuyên đến những nơi có máy điều hòa như siêu thị để trốn nóng.

Hòa Ái

Quay lại trang chủ
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)