Dân mạng phẫn nộ việc Trung Quốc tung cảnh thảm sát Gạc Ma để tuyên truyền (VOA, 25/04/2019)
Cộng đồng mạng phẫn nộ trước hình ảnh được cho là tàu Trung Quốc xả súng vào các công binh Việt Nam ở Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988 được Bắc Kinh đưa vào đoạn video chào mừng 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc.
Trung Quốc đưa hình ảnh thảm sát Gạc Ma vào video tuyên truyền
Đoạn video này được đưa lên trang chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc với hình ảnh mà các nhà hoạt động trong nước tin là binh sĩ hải quân Việt Nam bị thảm sát trên đá Gạc Ma.
Nhà hoạt động Lê Thăng Long ở Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ với VOA nhận định của ông về đoạn băng mang tính truyên truyền của Hải quân Trung Quốc xuất hiện từ ngày 16/4 và gây phản ứng mạnh trên cộng đồng mạng Việt Nam.
"Đặc biệt nghiêm trọng là trong phần mở đầu có quay lại cảnh sát hại 64 chiến sĩ Việt Nam tại đảo Gạc Ma và năm 1988 và một số hình ảnh Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Tôi cảm thấy rất buồn về việc này. Tôi nghĩ rằng mình cần có tiếng nói và đã gửi bức thư cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Đoạn video được Trung Quốc tung ra trong bối cảnh Việt Nam cử hai chiến hạm hiện đại nhất của nước này là 011- Đinh Tiên Hoàng và 015-Trần Hưng Đạo sang TP Thanh Đảo tham dự lễ duyệt binh nằm trong khuôn khổ các sự kiện kỉ niệm 70 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, diễn ra vào ngày 24/03.
Theo báo Quân đội Nhân dân, thay mặt phía Việt Nam tham dự lễ duyệt binh là Phó Đô đốc Phạm Hoài Nam, Tư lệnh Hải quân Việt Nam.
Hải chiến Gạc Ma năm 1988 là một cuộc chiến chớp nhoáng nhưng đẫm máu, cướp đi sinh mạng của 64 binh sĩ Việt Nam.
Blogger Nguyen Thanh viết trên Facebook : "Thước phim chiếu kỉ niệm mở đầu bằng hình ảnh đánh chiếm Gạc Ma… Công khai dắt mũi Việt Nam trước mặt Thế giới… Còn gì đau hơn !".
Ông Lê Thăng Long nói :
"Tại sao một nước lớn như Trung Quốc phải đưa cảnh giết người nước khác để xem đó là niềm tự hào ? Tại sao phải truyên truyền rộng rãi việc này ?
"Tôi tin rằng việc hợp tác hữu nghị giữa hải quân các nước là cần thiết thay vì phải đối đầu với nhau. Tôi mong là các vấn đề tồn đọng liên quan đến việc Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam trước đây sẽ được giải quyết trong Hòa Bình".
Cựu binh Gạc Ma Lê Hữu Thảo nói với VOA :
"Mình không kích động chiến tranh hay khơi dậy để làm gì, nhưng đó là sự thật của lịch sử và nền hòa bình đã phải trả giá bằng xương máu. Đối với Trung Quốc, thật sự mà nói chúng ta không có cái gì vĩnh viễn, bạn cũng không vĩnh viễn và thù cũng không vĩnh viễn".
Truyền thông Trung Quốc cho hay, tổng cộng có 61 quốc gia gửi các phái đoàn tới tham dự sự kiện được cho là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ sức mạnh hải quân.
Phía dưới đoạn video cũng dẫn số liệu nói rằng Trung Quốc đã tiến hành "hơn 1.200 cuộc chiến lớn nhỏ" trên biển trong 70 năm qua.
Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc nói rằng : "Trong tương lai, Hải quân Trung Quốc sẽ gìn giữ hòa bình, bình yên của đại dương cùng với hải quân các nước trong thực tiễn quan niệm an ninh mới là an ninh chung, tổng hợp, hợp tác và bền vững, thúc đẩy phát triển phồn vinh của hải dương, tiếp tục ra sức xây dựng "cộng đồng cùng chung vận mệnh trên biển".
*****************
Dự án Sun Group : ‘Vì lợi ích riêng bán đứng lợi ích công’ (Người Việt, 25/04/2019)
Ba ngày sau khi ông Trương Quang Nghĩa, bí thư Thành Ủy Đà Nẵng, được các báo nhà nước tường thuật chỉ đạo "sẽ rà soát các dự án ven sông Hàn", mạng xã hội xuất hiện cáo buộc ông này "tiêu chuẩn kép" với dự án của Tập Đoàn Sun Group.
Dự án lấn sông Hàn của Tập Đoàn Sun Group. (Hình : Facebook Nguyen Anh Tuan)
Blogger, nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn viết trên trang cá nhân : "Dự án Marina lấn sông Hàn, dự án của Sun Group cũng lấn sông Hàn. Marina phân lô xây biệt thự, Sun Group cũng phân lô xây biệt thự. Thế nhưng, trong khi có hàng trăm bài báo nhắm vào Marina, chỉ ra hàng loạt dấu hiệu sai phạm từ việc lấn sông của dự án này, khiến chính quyền Đà Nẵng phải tạm dừng dự án…, vẫn không có báo nào đề cập đến Sun Group. Ngay giờ phút này dự án vẫn đang được Sun Group gấp rút thực hiện để kịp rao bán. Vì sao lại tiêu chuẩn kép như vậy ?"
Ông Tuấn đưa cáo buộc rằng báo cáo "Đánh Giá Tác Động Môi Trường" của dự án Sun Group đã hết hạn hai năm" và lẽ ra, dự án này "phải bị thu hồi vì chậm triển khai theo Luật Đất Đai, tương tự như nhiều dự án khác mà thành phố Đà Nẵng đã thu hồi năm ngoái".
"Đà Nẵng đang ngày một đông dân hơn, nhu cầu về những không gian công cộng còn bức thiết hơn, lẽ ra phải chắt chiu để dành cho tương lai, cớ sao vì những lợi ích riêng tư trước mắt mà bán đứng lợi ích của cộng đồng thành phố ?" theo Facebook Nguyen Anh Tuan.
Cận cảnh dự án lấn sông Hàn của Tập Đoàn Sun Group. (Hình : Facebook Nguyen Anh Tuan)
Trước đó, các báo nhà nước đồng loạt đăng tải các bài báo cáo buộc dự án Marina Complex Đà Nẵng của bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai, "đóng kè bao và đổ đất ra phía mặt sông Hàn gây nên những lo ngại thay đổi dòng chảy sông Hàn".
Sau đó báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh còn dẫn yêu cầu của ông Trương Quang Nghĩa về việc "tạm dừng để rà soát lại toàn bộ dự án Marina Complex Đà Nẵng".
Tờ Lao Động trích lời Bí Thư Nghĩa : "Đà Nẵng sẵn sàng chấp nhận ‘đụng chạm’ trực diện với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp để đồng thời thực hiện mục tiêu hướng về cộng đồng, vì sự phát triển bền vững".
Thế nhưng với sai phạm tương tự bên bờ sông Hàn, Tập Đoàn Sun Group nghiễm nhiên nhận được sự im lặng của báo chí và giới chức.
Hồi tháng Chín, 2018, một số blogger tại Đà Nẵng bày tỏ sự bực tức trên mạng xã hội về "thư cảm ơn" do ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng, gửi Tập Đoàn Sun Group.
Trong bức thư gây tranh cãi, ông Dũng viết : "Ủy Ban Nhân Dân thành phố Đà Nẵng chân thành cảm ơn Sun Group và TA Corporation đã đầu tư, thiết kế, thi công công trình Cầu Vàng vô cùng ấn tượng. Hình ảnh cây cầu được nâng đỡ bởi đôi bàn tay màu xám tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng, vẽ nên một cung đường đầy mê hoặc giữa lưng chừng trời".
Bức thư được bàn tán trên mạng trong bối cảnh từ chục năm nay, Tập Đoàn Sun Group đã làm người dân Đà Nẵng bất bình vì chuyện chiếm luôn lối đi xuống bãi tắm công cộng Bắc Mỹ An khi triển khai dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise, nay đổi tên thành Premier Village.
Khi hoàn thành khu nghỉ dưỡng, thay vì bàn giao cho cộng đồng xung quanh lối xuống bãi tắm công cộng có từ trước năm 1975, Sun Group xây dựng tháp đồng hồ giữa đường và đặt rào cản chiếm luôn làm bãi đỗ xe và lối đi nội bộ, thu lợi cho riêng họ.
Công luận càng bất bình hơn là đến nay, truyền thông trong nước tuyệt nhiên chỉ đăng những bài ca ngợi, "nói tốt" cho Sun Group, còn những bài đưa thông tin bất lợi như cáo buộc tập đoàn này tàn phá môi trường hoặc chiếm hữu tài sản, đất đai của người dân, hình thành "đặc khu kinh tế Sun Group" thì mau chóng bị gỡ bài.
Đáng lưu ý, ngay cả những post đăng về "mặt trái" của Sun Group trên mạng xã hội cũng bị gỡ bài hoặc xóa tài khoản vì "vi phạm chính sách cộng đồng". (T.K.)
*******************
Bắt chánh thanh tra Bộ Thông Tin ‘bảo kê’ đánh bạc (Người Việt, 25/04/2019)
PHÚ THỌ, Việt Nam (NV) – Điều tra giai đoạn 2 vụ đánh bạc liên quan đến hai cựu tướng Công an tại tỉnh Phú Thọ, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông chánh thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam.
Ông Đặng Anh Tuấn, chánh thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, vừa bị bắt. (Hình : Người Lao Động)
Chiều 25/04/2019, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố, khám xét nơi ở, nơi làm việc và bắt tạm giam ông Đặng Anh Tuấn (49 tuổi), chánh thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông, về tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".
Đây là diễn biến mới nhất khi Công an tỉnh Phú Thọ mở rộng điều tra vụ án đường dây đánh bạc kếch xù qua mạng Internet do ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch Công ty cổ phần Công Nghệ Cao (CNC), cùng ông Phan Sào Nam, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc Công ty VTC Online, cầm đầu và được hai cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa "bảo kê".
Theo báo Thanh Niên, ông Đặng Anh Tuấn công tác tại Vụ Pháp Chế, Bộ Thông tin và truyền thông, từ năm 2002 đến 2008. Năm 2015, ông Tuấn được bổ nhiệm làm chánh thanh tra bộ này cho đến lúc bị bắt.
Công an khám xét nơi làm việc của ông Đặng Anh Tuấn vào chiều 25 tháng Tư, 2019. (Hình : Thanh Niên)
Hồ sơ điều tra của Công an cho biết, vào tháng Mười, 2016, bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông ký quyết định "Thành lập đoàn kiểm tra nhằm xác minh việc chấp hành quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet" tại một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet.
Qua đó, đoàn kiểm tra phát hiện Công ty CNC của ông Dương đang hoạt động tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng Internet bằng game bài Tip.Club và đã yêu cầu "xử lý".
Trước đó, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Phú Thọ đã đưa 92 bị cáo trong vụ đánh bạc ngàn tỷ này ra xét xử, trong đó có ông Phan Văn Vĩnh, trung tướng, nguyên tổng cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an bị tuyên án 9 năm tù ; ông Nguyễn Thanh Hóa, thiếu tướng, nguyên cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm sử dụng công nghệ cao, 10 năm tù cùng tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dương bị tuyên phạt 10 năm tù về tội "tổ chức đánh bạc" và "rửa tiền ;" ông Phan Sào Nam nhận mức án 5 năm tù cùng các tội trên. Chưa hết, 88 bị cáo còn lại bị tòa tuyên phạt từ cảnh cáo, phạt tiền và cao nhất là 4 năm tù.
Đáng chú ý, Hội đồng xét xử cho rằng "trong vụ án này, số lượng bị cáo lớn, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức. Đến nay, cơ quan điều tra mới khởi tố 105 bị can, trong đó đưa ra xét xử 92 bị cáo, còn lại 13 người đang bỏ trốn. Ngoài ra, còn rất nhiều người phạm tội khác chưa bị khởi tố, đang tiếp tục làm rõ trong giai đoạn 2 của vụ án". (Tr.N)