Bộ trưởng Quốc phòng Philippines mới cho báo chí nước này biết rằng ông từng gợi ý cho đại sứ Việt Nam ở Manila về chuyện trang bị vũ khí cho các đội tàu cá để đương đầu với phiến quân Abu Sayyaf, trong khi nhiều công dân Việt bị tổ chức phiến quân này bắt cóc trên biển. Tuy nhiên, quan chức này nói rằng gợi ý đó đã bị "bác bỏ".
Ngoài ra, ông Delfin Lorenzana còn đề xuất với nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam ở Philippines về chuyện các tàu của người Việt thông báo cho chính quyền địa phương khi chuẩn bị đi vào vùng vẫn còn giao tranh để được bảo vệ, trang ABS-CBN News mới đưa tin.
Ông Lorenzana nói thêm với báo chí địa phương rằng con số nạn nhân nước ngoài bị Abu Sayyaf bắt cóc gần tăng gấp đôi, lên 31 người, kể từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền, và phần lớn các con tin hiện bị cầm giữ là công dân Việt Nam. Theo AFP, nhà lãnh đạo Philippines "rất quan tâm" tới chuyện chấm dứt vấn nạn này.
VOA Việt Ngữ sáng 16/3 đã gọi điện tới Đại sứ quán Việt Nam ở Philippines để xin phỏng vấn, nhưng một cán bộ yêu cầu gửi câu hỏi bằng văn bản.
Tới tối cùng ngày, cơ quan đại diện ngoại giao này vẫn chưa hồi đáp một email, muốn xác nhận lại rằng có đúng đại sứ Việt Nam đã bác gợi ý của phía Philippines hay không, cũng như việc đại sứ quán Việt Nam ở Manila đã phối hợp như thế nào với chính phủ sở tại để tìm cách giải thoát cũng như hỗ trợ các con tin đang bị bắt.
Hồi năm 2015, sau khi trở về đất liền vì bị "tàu lạ" bắn, làm một ngư dân thiệt mạng, thuyền trưởng Bùi Văn Cu ở Quảng Ngãi cho VOA Việt Ngữ biết ông muốn mang súng khi trở lại "bám biển, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ".
Khi đó, ông cho rằng 8 kẻ tấn công mặc thường phục đi trên hai chiếc thuyền "là người Philippines", và rằng ông đã đề xuất chính quyền phải bảo vệ ngư dân Việt Nam cũng như khả năng được mang súng ra biển.
Ông nói thêm : "Tôi cũng có đề nghị với cấp trên là làm sao giải quyết cho người dân để họ ra khơi để bám biển để giữ chủ quyền biển đảo. Chứ tình hình như hiện nay thì người dân rất là không dám. Họ sợ quá. Người dân với người dân cũng nghĩ là đi làm với nhau, nhưng người dân của Philippines có súng, còn người dân của Việt Nam không có súng. Tôi đề nghị với cấp trên đó nhưng hiện nay chưa nghe nói gì. Mang súng thì nhà nước có cho hay không ? Nếu nhà nước mà họ cho thì tôi cũng làm như vậy để giữ tài sản, và cũng giữ biển đảo của Việt Nam. Sợ là cấp trên không cho mình làm như vậy".
Hai năm sau, trả lời VOA Việt Ngữ hôm 16/3, ông Cu cho biết vẫn chưa có thông tin về chuyện ngư dân được mang theo vũ khí khi đi đánh bắt hay không.
Ông nói : "Bao giờ chính phủ cho phép thì mình mang còn họ không cho thì thôi. Mang theo ví dụ cướp biển cướp đồ thôi chứ còn [lực lượng] chức quyền thì mình không dám làm cái gì. Mình là người dân mà, có dám mang theo vũ khí đâu".
Theo phía Philippines, không chỉ có ngư dân Việt mà thủy thủ tàu viễn dương hiện cũng nằm trong tay Abu Sayyaf. Nhóm phiến quân hoạt động mạnh ở miền nam quôc gia Đông Nam Á này đang mở rộng việc bắt cóc đòi tiền chuộc cũng như sử dụng con tin làm "lá chắn sống" trong cuộc đối đầu với quân chính phủ.
Hôm 15/3, quân đội Philippines xác nhận rằng tổ chức bị coi là khủng bố này đã sát hại một trong số các con tin người Việt bị bắt cóc hồi tháng Hai, khi nhóm này tìm cách tháo chạy khỏi sự truy đuổi của quân chính phủ.
Khi được hỏi về khả năng trang bị vũ khí cho ngư dân nhằm giúp họ đương đầu với những bất trắc trên biển, ông Nguyễn Ngọc Đức, Chánh văn phòng Hội Nghề cá Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ : "Ngư dân đi đánh bắt trên biển thì việc làm của ngư dân là đi đánh bắt cá. Việc đi bắt cá thì người ta chỉ sử dụng ngư, lưới cụ thôi, còn cái việc mang theo các trang thiết bị như vậy thì chúng tôi chưa có quy định rõ ràng của chính phủ Việt Nam cho nên chúng tôi không có ý kiến về việc đó được".
Hồi đầu năm 2015, trong bối cảnh có tin tàu cá Trung Quốc được trang bị vũ khí khi đi đánh bắt ở Biển Đông, báo chí Việt Nam đưa tin rằng lực lượng kiểm ngư sẽ được trang bị các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi ngạt, hơi cay và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này.
Ngoài ra, tin cho hay, lực lượng này còn được trang bị vũ khí quân dụng như súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này. Tuy nhiên, tới nay, chưa rõ kế hoạch này đã đi tới đâu.
Viễn Đông