Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

16/03/2017

Áp lực sau khi sinh của phụ nữ Việt

Nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi sinh nở phải chịu đựng nhiều áp lực trong cuộc sống, thậm chí có những người rơi vào tình trạng trầm cảm.

phunu1

Một bà mẹ với con nhỏ tại một trung tâm chăm sóc sức khoẻ địa phương ở tỉnh An Giang. AFP photo

Phụ nữ khi lập gia đình ai cũng mong chờ đến ngày được làm mẹ. Trách nhiệm và nghĩa vụ của một người mẹ thiêng liêng, cao cả tới mức người ta gán cho nó hai chữ "thiên chức". Sau hơn chín tháng mang nặng đẻ đau, trải qua bao khó khăn trong giai đoạn thai nghén, người mẹ cuối cùng cũng được ôm ấp con mình trong vòng tay. Tuy nhiên, hạnh phúc mới không kéo dài được bao lâu thì người phụ nữ nói chung và đặc biệt là phụ nữ Việt Nam phải đối mặt với nhiều áp lực khác nhau trong cuộc sống, dẫn đến tình trạng trầm cảm sau sinh ngày càng tăng cao ở phụ nữ.

Trước đó bác sĩ Nguyễn Thị Như Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo trong đề tài 'Tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở phụ nữ Việt Nam đến sinh tại Bệnh viện Hùng Vương' tiết lộ con số gần 41% phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Một nhóm chuyên gia khác cũng thực hiện nghiên cứu tại bệnh viện Từ Dũ cho biết 90% bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh ở mức độ vừa hay nặng và 41,2% có ý nghĩ hay hành vi tự tử.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh đã trở thành một chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm trong xã hôi. Theo tìm hiểu của chúng tôi, những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này xuất phát từ những áp lực nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của phụ nữ sau khi sinh. Nhưng khi những vấn đề nhỏ không được giải quyết, tâm sự, chia sẻ ; ngày qua ngày những áp lực đó sẽ chồng chất lên nhau khiến nhiều phụ nữ rơi vào trạng thái tuyệt vọng, đau khổ và thậm chí không muốn sống nữa.

Khó khăn về kinh tế

Chị Hà, một người dân quê ở Vĩnh Phúc, chia sẻ với chúng tôi về những nỗi lo lắng thường trực chị phải chịu đựng kể từ khi cậu con trai lọt lòng :

Không biết mọi người thế nào chứ con nhà chị hay ốm đau, rồi quấy khóc vào ban đêm, rồi bướng kinh khủng luôn và nghịch lắm.

Gia đình nhà chị bị có áp lực về kinh tế chưa ổn định và trình độ dân trí kém nên chưa phổ cập để nuôi con theo khoa học hiện đại bây giờ. Muốn sắm sửa cho con nhiều thứ nhưng không có điều kiện để đáp ứng chẳng hạn. Muốn đi học lớp về chăm con nhưng không có điều kiện, rồi thời gian thì còn đi làm. Trình độ dân trí như vậy là thấp vì không nắm bắt được kiến thức nuôi con.

Không có kinh tế thì làm sao sắm sửa được cho con cái tốt nhất. Ví dụ như cái gối đầu chẳng hạn, người ta có điều kiện thì mua cho con cái gối cao su non 400-500 ngàn. Mình chẳng có tiền thì dùng đồ rẻ thôi.

Những tưởng khó khăn về kinh tế, tiền bạc chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt thường ngày của đôi vợ chồng và đứa con nhỏ, nhưng chị Hà cho biết thêm cũng vì không có tiền thuê người trông con để có thể đi làm nên gia đình chị phải chịu cảnh bố mẹ không được sống gần con :

Giờ chưa có điều kiện nên phải đưa con về quê cho ông bà nuôi để đi làm. Xa con, nhớ con !

Gần đây báo chí trong nước cũng liên tục đưa tin về các vụ phụ nữ sau khi sinh con một thời gian tự tử vì quá áp lực với cuộc sống. Có trường hợp một bà mẹ trẻ chỉ còn 24 kg sau khi con chào đời mới được 5 tháng. Chị Liên, ở Yên Bái cũng chia sẻ một câu chuyện khác :

Trước chỗ chị có một mẹ bị trầm cảm mất sớm vì bất đồng về quan điểm nuôi con hiện đại với cổ hủ. Cho con ăn cái này tốt, cái kia không tốt, rồi chuyện kiêng cữ. Nhà chồng cũng khó, con dâu muốn theo ý con dâu, mẹ chồng muốn theo ý mẹ chồng nên bất đồng, sinh ức chế trong bản thân, dẫn đến sữa cũng mất nhiều.

Bất đồng trong cách nuôi con

VIETNAM-POPULATION-SEX-RATIO-BABIES

Các bà mẹ với con nhỏ ở thôn Thổ Hà, tỉnh Bắc Ninh. AFP photo

Nếu chị Hà phải ngược xuôi lo toan những bộn bề về tiền bạc để trang trải cuộc sống, thì chị Liên may mắn hơn vì kinh tế gia đình khá ổn định, có khoản dư dả để lo cho con giai đoạn hậu sinh. Tuy nhiên, áp lực sau sinh của chị lại là câu chuyện khác :

Kinh tế nhà chị cũng tạm ổn, nhưng chỉ có vấn đề ở khác vùng miền nên cách chăm sóc khác. Ở đây thì bảo đẻ xong uống nhiều nước mới có sữa, nhưng ở quê chị bảo phải kiêng nước hết tháng, ra ngoài tháng mới được ăn ít canh từ từ thôi.

Chồng đi làm xa, đêm hôm chăm con cũng vất vả. Con bé con nhà chị mấy tháng đầu nó hay khóc đêm lắm. Đang đi làm mà nghỉ ở nhà với chồng thì không sao, ở với bố mẹ chồng mình không thể thoải mái được. Chồng đi làm xa mình thiếu thốn tình cảm.

Nhiều áp lực khó bày tỏ

Hiện tại có rất nhiều chương trình giáo dục tiền sản dành cho cả người mẹ và người cha, giúp trang bị kiến thức để chăm con tốt hơn và phòng tránh những áp lực dẫn đến trầm cảm sau sinh ở phụ nữ. Các chuyên gia cũng khuyến khích phụ nữ trong quá trình mang thai và sau khi sinh con nên có những người bạn để chia sẻ, tâm sự, vơi bớt đi những gánh nặng trong tâm lý.

Chị Liên cho biết cách chị vượt qua những muộn phiền khi nuôi con thơ :

Tự vượt qua mọi chuyện thôi. Lâu lâu chuyện vui còn kể được với bố mẹ đẻ chứ chuyện buồn kể với mẹ đẻ thì mẹ lại sốt ruột nên chẳng kể với mẹ được nhiều, chỉ kể với chồng thôi. Chồng mà không thông cảm thì là điều lớn nhất. Ở trên chị, có gia đình, chồng được chiều quen rồi, vì gia đình có 5 chị em gái, có mỗi anh này là con trai. Lấy vợ về, vợ mà cãi một cái là đi mách các chị ấy, các chị lại xâu vào chửi vợ anh ấy. Thành ra bị cô lập, chị ấy trầm cảm mãi mới vượt qua được.

Nếu chồng không hiểu mình thì trầm cảm dễ xảy ra lắm. Sau sinh nhạy cảm lắm, lại hay tủi thân. Hơi động một cái là nước mắt ứa ra rồi, buồn chán lắm.

Chúng tôi trò chuyện với một bà mẹ bỉm sữa khác là chị Tâm ở Thái Bình. Chị may mắn được làm dâu một gia đình có điều kiện nên không phải lo lắng gánh nặng tài chính khi nuôi con. Nhưng sống giữa vùng nông thôn còn lạc hậu, một phụ nữ trẻ như chị khó kiếm được công ăn việc làm để được độc lập về kinh tế. Suốt nhiều năm nay chị chung sống với gia đình chồng, con còn nhỏ không thể tay xách nách mang ra ngoài xã hội kiếm tiền. Mọi khoản chi phí trong cuộc sống phụ thuộc hết vào gia đình chồng. Chị chia sẻ trong sự buồn chán :

Cuộc sống sau khi sinh của mình khá là vất vả. Sau khi sinh thì ở nhà nuôi con không có việc gì làm. Nhiều lúc cảm thấy mình bị phụ thuộc, không được tự do. Muốn làm gì cũng không có tiền. Nên phụ nữ sau khi sinh hay bị trầm cảm. Một thời gian mình cũng bị trầm cảm vì cái đó. Rồi những lúc con quấy khóc, chồng không hiểu cho, không biết cách chăm con nên có một mình mình vất vả chăm con thôi nên nhiều lúc mệt mỏi. Áp lực vậy nhưng không tìm được người chia sẻ, nhà ngoại thì ở xa, một mình mình tự túc nuôi con nhiều lúc áp lực lắm.

003854

Các bà mẹ được hướng dẫn cách chăm sóc con tại bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, tại Sài Gòn. AFP photo

Nhiều phụ nữ Việt Nam luôn đặt câu hỏi rằng tại sao cũng là phụ nữ, cũng cùng cảnh con thơ như nhau mà người phương Tây nuôi con nhàn hạ đến như vậy. Có lẽ một phần do đa số phụ nữ phương Tây đều có công ăn việc làm, mức sống cao hơn cũng như có kế hoạch cụ thể trước khi sinh con, họ chuẩn bị cả về mặt vật chất và tinh thần nên sau khi sinh cuộc sống có phần an nhàn hơn.

Một khía cạnh khác mà khó có thể phủ nhận là do phụ nữ Việt còn phải gắn bó với truyền thống "làm dâu" đã lâu đời trong văn hóa người Việt. Phụ nữ Việt lấy chồng nhiều người phải chung sống, phụng dưỡng bố mẹ chồng, thậm chí là cả anh em của chồng. Những mâu thuẫn vì thiếu hòa hợp trong lối sống với gia đình chồng dễ đẩy người phụ nữ sau sinh vốn nhạy cảm vào tình trạng "tủi thân".

Chị An, ở Quảng Ninh, tâm sự về sự mệt mỏi khi sống dưới một mái nhà nhiều thế hệ khác nhau :

Nhà chồng có bố mẹ chồng và ba anh em trai. Ăn uống, tắm giặt ... tất cả dùng chung hết. Đi làm về để tiền ra mua thức ăn và sinh hoạt riêng ra đình mình. Có bếp riêng nhưng khi ăn thì bê vào trong phòng ngủ của mình. Ăn xong thì ở ngoài chỗ nhà tắm thì rửa ráy chung ở đó. Hai chú kia cũng có vợ và mỗi người đẻ hai đứa con.

Cũng giống như phần lớn phụ nữ khác, chị An cũng phải đối mặt với áp lực tiền bạc khi ở nhà chăm con không thể phụ chồng lo làm ăn kinh tế :

Tại vì không đi làm, phải ở nhà bế con. Không đi làm công nhân viên chức nhà nước, lao động tự do nên phải bế con cho tới lúc con cứng cáp thì mới đi làm được. Ở nhà không đi làm được nên không có tiền sinh hoạt. Tất cả phụ thuộc vào số tiền chồng làm ra. Một mình chồng phải nuôi hai vợ chồng và hai đứa con. Áp lực kinh tế tiền tài là gánh nặng thứ nhất đó.

Áp lực về tâm lý

Ngoài những áp lực được những người mẹ đang nuôi con nhỏ trực tiếp chia sẻ, phụ nữ sau sinh cũng có thể bị trầm cảm do trải qua những đau đớn trong quá trình sinh nở, tâm lý nghĩ mình xấu đi sau khi sinh, và những bối rối về trách nhiệm làm mẹ. Những người phụ nữ không được hạnh phúc trong hôn nhân, hoặc không được gia đình, xã hội giúp đỡ cũng rất dễ nảy sinh phẫn uất.

Tuy nhiên, có thể nói những nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh trầm cảm ở phụ nữ Việt Nam sau sinh là nỗi lo toan về kinh tế và những mâu thuẫn trong gia đình do truyền thống sống chung cùng gia đình chồng một phần gây nên.

Ở những vùng nông thôn nơi mà kiến thức người dân chưa được cải thiện, phụ nữ lập gia đình thường bị áp lực phải sinh con ngay dù chưa sẵn sàng về mọi mặt, vì người xưa quan niệm "trời sinh voi, trời sinh cỏ". Đây là quan niệm sai lầm khiến phụ nữ phải đối mặt với sự mỏi mệt, lo toan trăm bề vì sinh con khi chưa có sự chuẩn bị, kế hoạch rõ ràng.

Chừng nào những vấn đề này được khắc phục thì khi đó phụ nữ Việt Nam sẽ không còn nhiều người lâm vào tình cảnh chán chường, đau khổ sau khi sinh con.

Lan Hương, phóng viên RFA

Quay lại trang chủ
Read 989 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)