Việt Nam khởi tố 5 người tổ chức cho 149 du khách bỏ trốn ở Đài Loan (VOA, 08/05/2019)
Giới hữu trách Việt Nam hôm 6/5 đã khởi tố bị can đối với 5 người tổ chức cho 149 người Việt sang du lịch Đài Loan và bỏ trốn để ở lại đây.
Một số du khách Việt Nam bỏ trốn bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ.
Truyền thông trong nước dẫn thông tin từ Bộ Công an Việt Nam cho biết cơ quan an ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi Đài Loan" trong vụ 149 du khách Việt bỏ trốn ở Đài Loan từ ngày 21-23/12/2018.
5 người bị khởi tố bao gồm : Nguyễn Xuân Hùng, 41 tuổi, ở Hà Nội ; Vũ Nhật Tuấn, 49 tuổi, ở Hà Nội ; Trần Văn Danh, 30 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh ; Nguyễn Thị Thanh Hà, 35 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh ; và Nguyễn Lâm Sỹ, 35 tuổi, ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Vụ 149 du khách Việt biến mất khỏi Đài Loan là sự việc du khách nước ngoài bỏ trốn lớn nhất ở nước này từ trước đến nay.
Đoàn du khách Việt với 153 người đã nhập cảnh vào Đài Loan thành nhiều nhóm từ ngày 21 đến 23/12/2018. Ngay sau khi đến đây, 152 người đã biến mất, chỉ còn lại 1 hướng dẫn viên du lịch.
Cơ quan di trú Đài Loan đã phải lập một đội đặc nhiệm để truy lùng những du khách bỏ trốn này.
Ngoài 6 người ra trình diện, 3 người tự ý bỏ về nước và những người bị bắt, vẫn còn 56 người chưa rõ tung tích, theo số liệu chính thức của Đài Loan vào ngày 19/2.
Tất cả các du khách bỏ trốn trên đều sang Đài Loan theo chương trình nới lỏng thị thực Quan Hồng mà Đài Loan cấp cho 6 quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhằm khuyến khích du lịch tại đây.
Tuy nhiên, theo cơ quan quản lý du lịch của Đài Loan, kể từ khi áp dụng chương trình Quan Hồng vào tháng 11/2015, đã có 566 du khách biến mất, trong đó có 409 người từ Việt Nam.
*******************
Hàn Quốc dừng tuyển lao động tại 10 tỉnh của Việt Nam (VOA, 07/05/2019)
Chính phủ Hàn Quốc vừa ra quyết định dừng tuyển chọn lao động tại 10 tỉnh của Việt Nam theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) năm 2019 do có nhiều người Việt cư trú bất hợp pháp tại nước này.
Người Việt Nam đến xin visa ở Đại sứ quán Hàn Quốc ở Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình Việt Nam Express)
Báo Thanh Niên trích lời ông Tống Hải Nam, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) ngày 6/5 cho biết chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tạm dừng tuyển lao động trong năm 2019 đối với 40 quận, huyện tại 10 tỉnh của Việt Nam, đa phần thuộc khu vực phía Bắc.
10 tỉnh này bao gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Dương, Nam Định, Thái Bình, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên nơi có hơn 60 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Trang VietnamNet cho biết 40 quận, huyện tại 10 tỉnh này có hơn 30% trong tổng số lao động Việt tại Hàn Quốc lưu trú quá hạn.
Truyền thông trong nước dẫn lời ông Nam nói : "Năm 2020 sẽ tiếp tục dừng tuyển lao động tại các địa phương không giảm được tỷ lệ và số lao động cư trú bất hợp pháp".
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong năm 2018 Việt Nam có 6.538 lao động làm việc tại Hàn Quốc.
******************
Công nhân Việt biểu tình ở Ðài Loan đòi bỏ môi giới tuyển dụng (VOA, 06/05/2019)
Công nhân nhập cư Việt Nam biểu tình trước văn phòng Kinh tế và Văn hóa Việt Nam (VECO) ở Đài Bắc hôm Chủ nhật 5/5, kêu gọi tuyển dụng trực tiếp và loại bỏ hệ thống môi giới tuyển dụng hiện tại.
Cảnh sát Đài Loan phát hiện một lao động Việt trốn trong tủ lạnh. Photo Central News Agency.
Hãng thông tấn CNA loan tin rằng hơn 20 công nhân nhập cư Việt Nam đã tập trung trước VECO, được xem là Đại sứ quán Việt Nam tại Đài Loan trên thực tế, kêu gọi Việt Nam và Đài Loan thiết lập hệ thống tuyển dụng trực tiếp giữa hai chính phủ để thay thế hệ thống môi giới tuyển dụng hiện tại mà họ lên án là bóc lột người lao động thậm tệ.
Người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Hoa kêu gọi "tuyển dụng trực tiếp", "hủy bỏ môi giới", và "chấm dứt bóc lột sức lao động".
CNA dẫn số liệu thống kê của của Bộ Lao động Ðài Loan cho biết số lao động nhập cư ở Đài Loan tính đến tháng 3 năm nay là 704.800 người, trong đó có hơn 220.000 người lao động Việt Nam.
Một người biểu tình yêu cầu giấu tên vì sợ bị trả thù nói với CNA rằng phí môi giới mà người lao động Việt Nam phải trả để làm việc ở Ðài Loan cao gấp hai đến ba lần so với lao động nhập cư từ các quốc gia khác.
Ít nhất hai nhóm công nhân cho biết người lao động Việt Nam phải trả 5.000-7.000 đôla Mỹ để làm việc tại Đài Loan, gấp hai đến ba lần so với các nước xuất khẩu lao động khác. Thêm vào đó, khi được xếp việc trên hòn đảo, một nhân công Việt Nam mỗi tháng còn phải trả 50-60 đôla cho đại lý tư nhân Đài Loan để được trợ giúp ở lại đảo quốc này.
Người biểu tình nói các quan chức Việt Nam biết về những hành vi bất hợp pháp này, nhưng công nhân muốn nộp đơn khiếu nại lên VECO phải trả một khoản phí khác, theo CNA.
Nhiều người nói họ được mời chào công việc nhẹ nhàng mà mức lương khá, đến 1.000 đôla một tháng. Nhưng trên thực tế, mức lương trung bình của một lao động xuất khẩu người Việt trên đảo này hiếm khi vượt quá 500 đôla.
Ngoài phí môi giới bắt buộc, người lao động Việt Nam ở Đài Loan còn phải trả phí hộ chiếu, phí kiểm tra y tế và đặt cọc để đảm bảo họ sẽ không chạy trốn khỏi chủ thuê lao động.
Bất chấp các công nhân xuất khẩu hợp pháp bị các hệ thống môi giới bóc lột thậm tệ như vậy, nhiều người lao động Việt Nam vẫn nhắm tới đảo quốc này với hy vọng kiếm được thu nhập khá hơn, thậm chí bằng con đường chui. Thời gian qua có nhiều người Việt đến Đài Loan theo visa du lịch, rồi trốn ở lại để lao động chui. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.
(Theo CNA, RFA, Tuoi Tre)
*******************
Thấy gì qua cuộc biểu tình của lao động Việt Nam ở Đài Loan ? (RFA, 06/05/2019)
Sáng Chủ Nhật ngày 5/5/2019 hàng chục lao động Việt Nam ở Đài Loan đã tổ chức cuộc biểu tình đòi chấm dứt tình trạng môi giới xuất khẩu lao động đang trục lợi bằng mức phí cao bất hợp lý.
Hàng chục công nhân gười Việt biểu tình trước Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam
Đây không phải là lần đầu tiên lao động Việt Nam biểu tình ở Đài Loan để đòi hỏi quyền lợi của họ, song nếu như trước đây các cuộc biểu tình thường nhắm đến Chính phủ Đài Loan đòi cải thiện các điều kiện làm việc, lương bổng, thì lần này lao động Việt Nam đã tổ chức biểu tình ngay trước Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc (tương đương sứ quán Việt Nam) nhằm chỉ đích danh Chính phủ Việt Nam là đối tượng chịu trách nhiệm chính cho tình trạng môi giới bóc lột lao động Việt Nam.
Một người lao động đã thể hiện rõ quan điểm này qua phần phát biểu công khai trong cuộc biểu tình :
"Tôi thắc mắc Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không ? Nếu đúng như vậy thì vì sao những người lao động đến từ các nước như Indo, Thái Lan, hay Philippines chỉ phải trả mức phí từ 1000-3000 USD, còn người Việt Nam chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưỡng như vậy ?" [1].
Thật trớ trêu khi người Việt đi lao động ở xứ người lại có thể thực hiện các quyền dân sự chính trị dễ dàng hơn người Việt Nam trong nước. Như đang thấy, các bạn lao động Việt Nam có thể dễ dàng đăng ký, tổ chức và tham gia một cuộc biểu tình hợp pháp, ôn hoà nhằm đòi quyền lợi chính đáng cho đoàn thể của mình.
Bên cạnh đó, thêm một lần nữa Chính phủ Việt Nam lại bị đem ra so sánh với chính phủ các nước trong vùng về việc bảo vệ quyền lợi cho công dân xa xứ của mình, sau vụ Đoàn Thị Hương. Người Việt đang ngày càng ý thức rõ hơn rằng chính quyền phải lấy việc phục vụ người dân làm lý do tồn tại của mình bởi vì nó sống nhờ vào tiền thuế của người dân.
Nguyễn Anh Tuấn
[1] https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/1145615005618182?s=100000147078725&v=e&sfns=mo
***************
Công nhân Việt tại Đài Loan biểu tình đòi chính phủ Việt Nam bỏ môi giới bóc lột lao động (RFA, 06/05/2019)
Vào trưa ngày 5/5/2019, hàng chục lao động Việt tại Đài Loan đã tổ chức biểu tình trước văn phòng Văn Hóa - Kinh tế của Việt Nam ở Đài Bắc, phản đối môi giới lao động tư nhân ở Việt Nam vì coi đây là một hình thức bóc lột người lao động.
Công nhân Việt Nam tại Đài Loan biểu tình trước văn phòng Văn hoá - Kinh tế Việt Nam tại Đài Bắc hôm 5/5/2019 - Photo : RFA
Những người biểu tình mang theo các biểu ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Trung với các dòng chữ kêu gọi "hỦy bỏ môi giới", "chấm dứt bóc lột sức lao động".
Chị Thanh Hải, một người lao động Việt tại Đài Loan, người có mặt tại cuộc biểu tình, cho Đài Á Châu Tự Do biết :
"Em qua đây hết hơn 6.000 đô la. Ở làng em mọi người đi cũng đông, em hỏi đi công ty nào thì họ chỉ em đi. Qua rồi là không có liên lạc được với môi giới ở nhà".
Anh Bạch Thế Du, đại diện Công hội di công Việt Nam - một tổ chức chuyên giúp đỡ cho những công nhân và cô dâu Việt Nam tại Đài Loan, đã đọc một tuyên bố ngắn. Tuyên bố viết :
"Chính phủ Việt Nam có phải là một chính phủ phục vụ vì dân, phục vụ cho nhân dân hay không ? Nếu đúng như vậy thì tại sao những người lao động đến từ các nước như Indonesia, Thái Lan hay Philippines, họ chỉ phải trả mức phí từ 1.000 đến 3.000 đô la, mà người Việt chúng ta phải trả mức phí cao ngất ngưởng đến như vậy ? Hay chính phủ Việt Nam là chính phủ chỉ biết quan tâm đến thuế phí, tham nhũng, o ép người dân, chỉ biết bắt tay với công ty môi giới bóc lột và hút máu của người lao động".
Theo số liệu thống kê của Bộ Lao Động Thương Binh và Xã hội, trong năm 2018, số lao động Việt ở Đài Loan là hơn 60.000 người. Đài Loan là thị trường thứ hai sau Nhật Bản về thu hút lao động Việt Nam.
Theo quy định của chính phủ Đài Loan, kể từ ngày 1/1/2017, lương cơ bản của người lao động ở Đài Loan là khoảng 21.000 Đài tệ, tương đương khoảng hơn 15 triệu đồng. Đây là mức lương cao gấp 3 thậm chí 4 lần mức lương của công nhân ở Việt Nam.
Thời gian qua có nhiều người Việt đã đến Đài Loan theo visa du lịch để lao động chui với hy vọng kiếm thu nhập khá. Một số đã bị cảnh sát Đài Loan bắt giữ và trục xuất về lại Việt Nam.