Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/05/2019

Đường sắt Cát Linh Hà Đông, dự án lấp sông Hàn, xử tù vì biểu tình

Tổng hợp

Ban quản lý đường sắt Cát Linh Hà Đông : Tổng thầu Trung Quốc thiếu kinh nghiệm, liên tục sai hẹn (RFA, 11/05/2019)

Trước tình trạng tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội liên tục trễ hẹn trong nhiều năm, Ban Quản lý Dự án này cho báo Dân Trí biết, nguyên nhân là do Tổng thầu Trung Quốc liên tục lỗi hẹn và thiếu kinh nghiệm.

catlinh1

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông - AFP

Báo Dân Trí hôm 11/5 trích lời của đại diện Ban quản lý dự án cho biết dự án hiện còn 1% khối lượng xây dựng và thủ tục nghiệm thu hoàn chỉnh để kết thúc dự án nhưng đều ảnh hưởng đến công tác nghiệm thu tổng thể từng hạng mục và toàn dự án. Đại diện Ban quản lý cho biết đây là các vấn đề mà Tổng thầu Trung Quốc chưa lường trước được trước khi cam kết với Bộ Giao thông Vận tải là sẽ đảm bảo hoàn thành dự án tối đa trong 6 tháng.

Theo Dân Trí, Tổng thầu Trung Quốc cũng chưa cung cấp được đầy đủ hồ sơ tài liệu an toàn, chưa thực hiện được một số thử nghiệm quan trọng của đoàn tàu, chưa vận hành thử toàn bộ hệ thống, chưa có đủ hồ sơ hệ thống quản lý an toàn vận hành.

Trước đó, vào dịp lễ 30/4 và 1/5, truyền thông trong nước loan tin cho biết tuyến đường sắt Cát Linh Hà Đông đã không thể hoàn thành để phục vụ người dân vào dịp lễ. Trước đó, đoàn tàu cũng trễ hẹn hoàn tất vào dịp Tết nguyên đán hồi đầu năm nay.

Dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông được khởi công từ năm 2011 với vốn ban đầu là 419 triệu đô la với dự kiến hoàn tất vào năm 2013 nhưng đã không thể hoàn tất theo dự kiến và còn bị đội vốn lên 886 triệu đô la. Trong số này có đến hơn 600 triệu đô la là tiền vay của Trung Quốc.

Truyền thông trong nước những ngày gần đây đưa tin và hình ảnh cho thấy một số hạng mục công trình đã bị hư hại dù chưa đi vào hoạt động.

******************

Hai dự án Sun Group không bị ‘sờ gáy’ vì sếp là quan chức lớn (Người Việt, 115/05/2019)

Những ngày qua, công luận vẫn thắc mắc vì sao Tập Đoàn Sun Group có hai dự án lấn sông Hàn là Olalani và Euro Village không bị "sờ gáy" trong lúc dự án Marina Complex của Công ty Quốc Cường Gia Lai bị báo chí nhà nước và chính quyền "đập tơi tả".

catlinh2

Cận cảnh dự án lấn sông Hàn của Tập Đoàn Sun Group. (Hình : Facebook Nguyen Anh Tuan)

Hôm 11 tháng Năm, người ta phát giác ông Đặng Minh Trường, chủ tịch Hội đồng quản trị của Sun Group có tên trong danh sách ủy viên Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam ở thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2014–2019.

Trong danh sách đăng trên trang web Mattran.Danang.gov.vn, người ta thấy tên ông Trường được ghi chú là "tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt trời (Sun Group)". Đây là chức danh cũ của ông này trước ghi ngồi vào ghế chủ tịch Sun Group hồi tháng Giêng, 2019.

Điều đáng nói là hôm 7 tháng Năm, UBMTTrung Quốc Việt Nam ở thành phố Đà Nẵng tổ chức "Hội nghị Phản biện xã hội về các dự án lấn sông Hàn" và chỉ "chĩa múi dùi" vào dự án của Công ty Quốc Cường Gia Lai trong lúc hai dự án của Sun Group bị phớt lờ, dù giới hoạt động xã hội cáo buộc chúng "có mức độ lấn sông quy mô hơn".

Trong hai ngày 9 và 10 tháng Năm của đại hội nhiệm kỳ mới, bằng hình thức hiệp thương, ông Trường được ghi nhận tái cử chức danh ủy viên Mặt Trận Tổ Quốc.

Liên quan đến vụ dự án Sun Group lấn sông Hàn, blogger nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn bình luận trên trang cá nhân : "Sun Group đang chuẩn bị chia hàng trăm lô nhà liền kề, biệt thự và xây cao ốc, trong khi Đà Nẵng đang rất cần công viên bờ sông phục vụ cho cộng đồng. Nếu nói về pháp luật hiện hành thì lẽ ra thành phố phải thu hồi khu đất của Sun Group vì đã chậm triển khai, theo Luật Đất Đai và Luật Đầu Tư hiện hành. Năm ngoái thành phố đã thu hồi hàng chục khu đất với lý do tương tự, nhưng không hiểu sao lại chừa khu đất này ra".

"Khu Euro Village của Sun Group tới giờ phút này vẫn độc chiếm khúc sông Hàn đẹp nhất giữa cầu Rồng và cầu Trần Thị Lý dành riêng cho vài chục gia đình, trong đó có cả cựu giám đốc Công an Đà Nẵng Lê Văn Tam và những quan chức khác, ngăn cản cộng đồng tiếp cận. Trước sự thách thức của Sun Group, chính quyền Đà Nẵng nếu không có động thái mạnh, ắt hẳn sẽ khiến công chúng nghi ngờ rằng mọi chỉ đạo trước cử tri lẫn tuyên bố chỉ nhằm xoa dịu dư luận, rồi đâu lại vào đấy, phía sau vẫn bật đèn xanh cho Sun Group chiếm bờ sông", theo Facebook Nguyen Anh Tuan.

Đến nay, các báo nhà nước tuyệt nhiên giữ im lặng trước mọi cáo buộc về các vụ bê bối của Sun Group tại Đà Nẵng.

Hồi tháng 9/2018, một số blogger tại Đà Nẵng bày tỏ sự bực tức trên mạng xã hội về "thư cảm ơn" do ông Đặng Việt Dũng, phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, gửi Tập đoàn Sun Group.

Trong bức thư gây tranh cãi, ông Dũng viết : "Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng chân thành cảm ơn Sun Group và TA Corporation đã đầu tư, thiết kế, thi công công trình Cầu Vàng vô cùng ấn tượng. Hình ảnh cây cầu được nâng đỡ bởi đôi bàn tay màu xám tạo nên khung cảnh đẹp ngỡ ngàng, vẽ nên một cung đường đầy mê hoặc giữa lưng chừng trời".

Bức thư được bàn tán trên mạng trong bối cảnh từ chục năm nay, Tập Đoàn Sun Group đã làm người dân Đà Nẵng bất bình vì chuyện chiếm luôn lối đi xuống bãi tắm công cộng Bắc Mỹ An khi khai triển dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Sunrise, nay đổi tên thành Premier Village. (T.K.)

****************

Việt Nam : Thêm hai người bị án tù vì chống dự luật Đặc Khu (RFI, 12/05/2019)

Hôm 11/05/2019, báo chí chính thức tại Việt Nam cho biết, một tòa án tại tỉnh Đồng Nai kết án tù hai phụ nữ, bị cáo buộc kêu gọi biểu tình chống hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi năm 2018. Một số nhà hoạt động nhân quyền tố cáo chính quyền gây áp lực để đương sự phải nhận luật sư "chỉ định", nhằm dễ bề khép tội.

catlinh3

Biểu tình tại Hà Nội phản đối dự án luật về 3 đặc khu kinh tế - hành chính, ngày 10/06/2018. Reuters/Staff

Hai bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, cư trú tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị khép tội "làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" (Điều 117 Bộ luật Hình Sự Việt Nam). Bà Dung bị án 6 năm tù, bà Sương bị phạt 5 năm tù.

Theo cáo trạng của cơ quan công tố Việt Nam, bà Vũ Thị Dung đã viết hơn 100 tờ truyền đơn có nhiều nội dung kêu gọi "Tổng biểu tình ngày 13/10/2018 ; biểu tình tại nhà thờ Fatima và trên toàn quốc ; xuống đường chống lại áp bức, tẩy chay hàng Trung Quốc…". Hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương bị bắt vào hồi tháng 10/2018.

Trả lời RFI Tiếng Việt, bà Trần Thu Nguyệt (Sài Gòn), một nhà hoạt động nhân quyền đã tiếp xúc với con của bà Vũ Thị Dung, cho biết :

"Con của chị Dung có nói là khi họ khám xét nhà, thì không thấy có một tài liệu gì hết. Duy nhất chỉ có một tấm biểu ngữ viết bằng tay của chị Dung, với nội dung : Phản đối dự luật đặc khu, cho Trung Cộng thuê đất. Khi họ kiểm tra trên điện thoại của chị Dung, cháu kể là khi vào Facebook của mẹ cháu, thấy chia sẻ một số clip của những người hay kêu gọi biểu tình, bạo động. Chỉ có mỗi vậy thôi, họ làm giấy và quyết định bắt đưa đi.

Bên phía an ninh, họ ép không được nhận lời luật sư bên ngoài. Họ đưa luật sư chỉ định của phía bên tòa án ra. Con của chị Dung có nói với tôi hồi sáng nay như vậy. Theo lời kể, tôi biết là hoàn toàn do phía an ninh họ dựng chuyện, vu khống. Tôi cũng nói chuyện với con chị Dung, để cháu phân tích cho mẹ biết, không nên tin phía bên an ninh. Không nên tin những người mà nhà cầm quyền chỉ định. Họ chỉ nói để cho mình chấp nhận ký vào bất cứ tờ giấy biên bản nó sắp đặt sẵn, rồi nó ghép tội cho mình.

Đã bị rồi, bây giờ mình phải bảo vệ bản thân mình. Nên làm đơn kháng cáo trong vòng 15 ngày. Bởi sau đó thì hết hạn. Và yêu cầu có luật sư của mình, không chấp nhận luật sư mà nhà cầm quyền đưa tới".

Theo AFP, dự luật lập Đặc khu kinh tế hồi năm ngoái của chính quyền, mở cửa cho nước ngoài thuê đất 99 năm, bị dân chúng tại Việt Nam phản đối dữ dội. Kể từ đó đến nay, nhiều nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc chính quyền Việt Nam bỏ tù nhiều người biểu tình, sau các phiên tòa xét xử chóng vánh, không bảo đảm thủ tục tố tụng.

Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW, hồi tháng 2/2019, khuyến cáo các định chế quốc tế gây áp lực buộc chính quyền Việt Nam hủy bỏ nhiều điều khoản trong Bộ luật Hình Sự, bị coi là các công cụ đàn áp quyền tự do ngôn luận và những người bất đồng chính kiến. Trong số các điều khoản nói trên, có điều 117 được áp dụng để khép tội hai bà Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương. HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi Bộ luật Hình sự cho phù hợp với Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), mà Việt Nam đã tham gia.

Chính quyền Việt Nam cũng bị tố cáo đã trì hoãn việc thông qua luật Biểu Tình, để người dân có thể thực thi quyền biểu tình, quyền bày tỏ chính kiến nơi công cộng, được Hiến pháp bảo vệ.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)