Ân Xá Quốc Tế báo động số tù nhân chính kiến tại Việt Nam tăng mạnh (RFI, 13/05/2019)
Trong bản báo cáo "Tù nhân lương tâm tại Việt Nam" được công bố hôm nay, 13/05/2019, tổ chức Ân Xá Quốc Tế cho biết, hiện tại có 128 tù nhân chính kiến đang bị bắt giữ tại Việt Nam, thay vì 97 người như trong bản nghiên cứu một năm trước đây.
Theo Ân Xá Quốc Tế, Việt Nam tăng cường trấn áp, số tù nhân lương tâm tăng nhanh trong năm 2018 - Capture d'image :www.amnesty.org
Theo Amnesty International, luật an ninh mạng là nguyên nhân khiến số tù nhân bị bắt vì bày tỏ chính kiến trên các mạng xã hội tại Việt Nam tăng nhanh trong một năm qua.
Cụ thể là trong số 128 nhà bất đồng chính kiến đang bị giam trong các nhà tù tại Việt Nam, 10 % bị cáo buộc vi phạm pháp luật chỉ vì có "những lời bình luận trên các mạng xã hội, như Facebook".Các tù nhân chính kiến tại Việt Nam bị "giam giữ trong những điều kiện tồi tệ và có nhiều yếu tố chứng minh rằng họ bị tra tấn, bị ngược đãi, bị giam giữ tại những nơi bí mật (...) không được cung cấp thuốc men, nước sạch (...)".
Giám đốc Ân Xá Quốc Tế đặc trách khu vực Đông Á và Đông Nam Á, Nicholas Bequelin, báo động : Việt Nam không chỉ đàn áp những tiếng nói đối lập về mặt chính trị, mà còn mở rộng các chiến dịch đàn áp này đến những ai lên án các hành vi tham nhũng, hay mọi hành vì đấu tranh vì cộng đồng".Trong danh sách 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, có nhiều luật gia, người viết blog, hay những nhà đấu tranh vì môi trường, vì dân chủ (...)". Ông Becquelin kết luận : "Quyền bày tỏ lập trường tại Việt Nam đang bị đe dọa".
Báo cáo của Amnesty International được công bố đúng vào lúc một phái đoàn Mỹ chuẩn bị đến Hà Nội tham dự "đối thoại nhân quyền" vào cuối tháng 5/2019. Ân Xá Quốc Tế kêu gọi Washington gây sức ép với phía Hà Nội, đòi Việt Nam trả "tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính kiến".
Thanh Hà
***************
Ân Xá Quốc Tế : Hà Nội đang giam giữ ít nhất 128 tù nhân lương tâm (Người Việt, 13/05/2019)
Chế độ Hà Nội đang cầm tù ít nhất 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) cho biết hôm Thứ Hai 13/5/2019.
Bà Trần Thị Nga. (Hình : Internet)
Theo Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (AI) có trụ sở chính ở London, Anh Quốc, số tù nhân lương tâm tại Việt Nam gia tăng đến một phần ba sau khi chế độ Hà Nội đưa ra luật "An ninh mạng" hồi Tháng Sáu năm ngoái. Chủ đích của cái luật vừa kể chỉ nhằm triệt hạ những người sử dụng các mạng xã hội để bày tỏ quan điểm cá nhân về các sự sai trái của nhà cầm quyền CSVN, đi ngược lại Bản tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng như Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà Hà Nội đã ký cam kết tuân hành.
Theo tổ chức AI, chỉ kể từ đầu năm tới cuối Tháng Ba 2019, đã có 10 người bị bắt vì dùng mạng xã hội để phát biểu ý kiến cá nhân. Năm ngoái, ít nhất có 97 người bị bắt. Danh sách mà tổ chức AI gọi là tù nhân lương tâm tại Việt Nam căn cứ trên những dữ kiện và tài liệu mà họ có thể thu thập và kiểm chứng được. Cho nên họ vẫn cho rằng số tù nhân lương tâm tại Việt Nam hiện nay thật sự còn nhiều hơn nữa.
Cách đây vài tuần lễ, 15 tổ chức xã hội dân sự quốc tế và Việt Nam nói rằng chế độ Hà Nội đang giam giữ ít nhất 251 nhà hoạt động nhân quyền trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự so với 165 trường hợp vào tháng 11 năm 2017. Họ cho rằng CSVN vẫn là quốc gia giam giữ nhiều tù nhân lương tâm thứ hai ở Đông Nam Á, chỉ sau Myanmar.
"Cuộc nghiên cứu chứng tỏ Việt Nam siết chặt tất cả mọi mặt trong đời sống công cộng cũng như riêng tư", ông Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực Đông và Đong Nam Á của tổ chức AI phát biểu qua một bản tuyên bố.
Theo ông, quyền tự do phát biểu những gì người ta nghĩ tại Việt Nam (vì bị nhà nước dùng luật lệ hình sự để tước đoạt) càng ngày càng làm người ta gia tăng nguy cơ bị bắt.
"Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam càng ngày càng trở nên nhạy cảm (đối với các lời chỉ trích trên mạng)". Ông Bequelin nói. "Công dân của họ đã phải trả giá vô cùng đắt vì những gì họ nói hoặc chỉ vì họ tiếp xúc với ai đó".
Những lời phát biểu của một thành viên tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế AI đưa ra trong bối cảnh nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang cố gắng củng cố quan hệ nhiều mặt với Hoa Kỳ và Liên Âu. Trong tuần này, một số viên chức chính phủ Mỹ sẽ tới Hà Nội đối thoại nhân quyền theo chu kỳ hai năm một lần.
AI nói từ khi chế độ Hà Nội áp dụng Bộ luật hình sự mới được sửa đổi, áp dụng từ năm 2018 thì ít nhất đã có 34 người bị kết án tù theo các điều 117 (làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại nhà nước), điều 118 (kích động, lôi kéo, tu tập nhiều người phá rối an ninh…).
Mới ngày 10/5/2019 vừa qua, hai phụ nữ đã bị kết án tù với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 117 Luật Hình Sự. Họ bị vu cho tội làm truyền đơn kêu gọi biểu tình chống hai luật "Đặc khu kinh tế" và luật "An ninh mạng" hồi năm ngoái tại tỉnh Đồng Nai. Bà Vũ Thị Dung, 54 tuổi, bị kết án 6 năm tù trong khi bà Nguyễn Thị Ngọc Sương, 51 tuổi, bị kêu án 5 năm tù.
AI đặc biệt lưu ý đến 3 trường hợp tù nhân lương tâm bị bắt giữ hồi năm 2017 và bị các bản án tù rất nặng là bà Trần Thị Nga, hai sinh viên Phan Kim Khánh và Trần Hoàng Phúc. Cả ba đều bị cáo buộc tội "Tuyên truyền chống nhà nước" theo điều 88 của bộ luật hình sự cũ.
Phan Kim Khánh và Trần Hoàng Phúc bị kết án 6 năm tù và bà Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù. (TN)
******************
Ân Xá Quốc tế công bố danh sách 128 tù nhân lương tâm, thúc giục Mỹ áp lực Việt Nam về nhân quyền (RFA, 13/05/2019)
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) hôm 13/5/2019 công bố một bản danh sách gồm 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động.
Tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Hóa tại phiên tòa ở Hà Tĩnh hôm 27/11/2017 - AFP
Trong bản danh sách này có anh Nguyễn Văn Hóa, là phóng viên của Đài Á Châu Tự Do, người bị bắt giữ hồi tháng 1/2017 khi đang ghi nhận những hình ảnh người dân miền Trung biểu tình liên quan đến thảm họa môi trường do công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra và bị kết án 7 năm tù giam.
So với bản danh sách cũng của tổ chức này công bố hồi tháng 4/2018 thì con số tù nhân lương tâm đã gia tăng 1/3, lên đến con số 31 người.
Giải thích về sự gia tăng đột biến này, ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách tổ chức chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở 2 nước ở Việt Nam và Campuchia cho rằng, xu hướng này xảy ra sau các cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018.
"Thì theo nghiên cứu của chúng tôi, trong nửa cuối năm 2018, tức là chúng ta tính từ tháng 6 trở về sau và đến đầu năm 2019 chúng tôi nhận thấy là các cấp chính quyền Việt Nam đã gia tăng bắt bớ, xử tù những người hoạt động xã hội, cũng như những người bảo vệ nhân quyền, cả những nhà báo ở Việt Nam nữa.
Chỉ tính đến những người bị bắt liên quan đến việc dự luật Đặc khu và An nin mạng, chúng ta nhận thấy trong các cuộc biểu tình rầm rộ trên khắp đất nước Việt Nam vào tháng 6/2018. Sau cuộc biểu tình đó kéo theo làn sóng bắt bớ rất là rầm rộ ở các địa phương ở Việt Nam mà tập trung chủ yếu là ở phía Nam.
Ân xá Quốc tế có nhận thấy rằng hầu hết các địa phương như Bến Tre, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh là những địa phương có rất nhiều người bị bắt sau cuộc biểu tình vào tháng 6/2018.
Thêm một điều nữa là có nhiều người bị bắt chỉ vì bày tỏ chính kiến của họ về luật Đặc khu và An ninh mạng trên mạng xã hội và đặc biệt là Facebook.
Chính vì làn sóng bắt bớ diễn ra rất rầm rộ diễn ra ở các tỉnh thành khác nhau dẫn đến việc con số TNLT gia tăng 1 cách đáng kể", ông Nguyễn Trường Sơn nói qua điện thoại với RFA.
Thông cáo báo chí đăng tải trên trang web của Ân xá Quốc tế cũng nhắc đến cuộc đối thoại nhân quyền Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ diễn ra trong tuần này, đồng thời thúc giục Mỹ gây sức ép với Việt Nam về vấn đề này.
"Trong cuộc đối thoại sắp tới, chính phủ Hoa Kỳ nên nhắc lại ở mức cao nhất rằng nếu không có tiến bộ thực sự về quyền con người thì sẽ có giới hạn cho mối quan hệ Mỹ-Việt. Sự tiến bộ đó nên được đo lường bằng các hành động cụ thể, bao gồm cả việc phóng thích ngay lập tức và vô điều kiện tất cả các tù nhân lương tâm", thông cáo nêu rõ.
Theo tìm hiểu của Đài Á Châu Tự Do, từ đầu năm 2019 đến nay Việt Nam đã kết án ít nhất 10 nhà hoạt động với tổng cộng 108 năm tù giam. 12 người khác cũng được ghi nhận là bị bắt giữ vì các cáo buộc liên quan đến An ninh Quốc gia, trong đó có ông Trương Duy Nhất, blogger của RFA bị cho là an ninh Việt Nam bắt cóc từ Thái Lan dẫn giải về Việt Nam.
*****************
Ân xá Quốc tế hối thúc Việt Nam tôn trọng nhân quyền trưóc đối thoại Việt-Mỹ (VOA, 13/05/2019)
Ngày càng có nhiều người bị bỏ tù tại Việt Nam vì đã bày tỏ quan điểm bất đồng trên các trang mạng xã hội như Facebook từ khi luật an ninh mạng có hiệu lực hồi đầu năm nay. Tổ chức Ân xá Quốc tế hối thúc Hoa Kỳ hãy chất vấn Hà nội về những vụ bắt bớ ngày càng tăng trong cuộc đối thoại nhân quyền với Việt Nam trong tuần này.
Tư liệu : Đối thoại Nhân quyền Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 22 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ, ngày 17/5/2018. Twitter EAP US Department of State
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói con số tù nhân lương tâm đã tăng vọt ở Việt Nam trong năm vừa rồi tính cho tới tháng Ba, 2019, lên tới 128 người, so với chỉ có 97 người trong năm trước đó.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế đặt trụ sở ở London hôm 13/5 nói rằng dựa trên các số liệu mà họ thu thập, hiện có ít nhất 128 tù nhân lương tâm bị giam giữ ở Việt Nam, tính cho tới cuối tháng Ba năm 2019. Trong danh sách 128 tù nhân lương tâm tại Việt Nam, có nhiều luật gia, blogger, và những nhà đấu tranh cho môi trường, hoặc đấu tranh vì dân chủ.
Giám đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Hội Ân xá Quốc tế, ông Nicholas Bequelin, nói : "Việt Nam không chỉ đàn áp những tiếng nói đối lập về chính trị mà còn mở rộng các chiến dịch đàn áp đến những ai lên án các vụ tham nhũng hay môi trường, vi đấu tranh vì cộng đồng".
Ông Bequelin báo động rằng "quyền của người dân Việt Nam được nói lên những điều mình nghĩ" ngày càng bị đe dọa.
Theo lời Giám Đốc đặc trách Đông Á và Đông Nam Á của Ân xá Quốc tế thì "chính quyền Việt Nam ngày càng tỏ ra nhạy cảm, và người dân của họ đang phải trả một cái giá ‘khủng khiếp’, đơn giản chỉ vì những gì mà họ đã nói, hoặc những ai họ đã gặp".
Đưa tin này, hãng tin Bloomberg cũng nhắc tới luật an ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019, buộc các công ty internet quốc tế như Alphabet Inc của Google và Facebook, phải mở văn phòng ở Việt Nam và lưu trữ dữ kiện về những người sử dụng, nhưng Việt Nam chưa loan báo chi tiết luật an ninh mạng sẽ được thực thi như thế nào. Bloomberg nói Bộ Ngoại giao Việt Nam cho tới giờ này, chưa đáp ứng yêu cầu bình luận của họ.
Reuters trích dẫn Ân xá Quốc tế định nghĩa tù nhân lương tâm là "những người không sử dụng hoặc cổ vũ bạo động, nhưng bị bỏ tù chỉ vì lý lịch, hoặc vì những gì mà họ tin tưởng".
Reuters dẫn lời ông Nguyễn Trường Sơn, một nhà hoạt động cho Ân xá Quốc tế, nói :
"Trong năm qua, chính quyền Việt Nam rõ rệt đã có nỗ lực đàn áp truyền thông xã hội. Họ nhận thức rằng Facebook là một trong những diễn đàn an toàn cuối cùng, nơi mà mọi người có thể bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa, trao đổi thông tin, và tranh luận với nhau. Đó chính là những điều mà họ sợ nhất".
Ân xá Quốc tế nói các tù nhân lương tâm thường bị biệt giam trong các điều kiện tệ hại, không có nước sạch để uống, không được hít thở không khí trong lành. Nhiều người bị khước từ, không cho điều trị y tế.
Phúc trình của Ân xá Quốc tế được công bố giữa lúc Hà nội đang tăng cường các quan hệ ngoại giao với ca3a Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nói Hoa Kỳ phải tái khẳng định với Hà nội rằng việc thắt chặt các quan hệ song phương sẽ tùy thuộc vào những tiến bộ về nhân quyền.
Các giới chức Mỹ đang chuẩn bị tới Việt Nam trong tuần này để tham gia cuộc "đối thoại nhân quyền" với Việt Nam, vốn được tổ chức mỗi hai năm một lần.
Trong một diễn biến liên quan, Luật sư Lê Công Định cho biết trên trang Facebook cá nhân rằng ông đang bị canh giữ và "cấm ra khỏi nhà. Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019".
3 tù nhân lương tâm được Tổ chức Ân xá Quốc tế nêu tên
1. Phan Kim Khánh, sinh viên và nhà báo độc lập, bị bắt vào tháng 3 năm 2017, bị tuyên án 6 năm tù, 3 năm quản chế về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam" dựa trên điều 88 của Bộ Luật Hình sự 1999. Ngoài việc điều hành 2 trang blog chống tham nhũng, một trong những tội được nêu lên là liên lạc với các cựu tù nhân lương tâm, như Điếu Cày.
2. Trần Thị Nga, thành viên của Hội Phụ nữ Nhân quyền, bị bắt vào tháng 1 năm 2017, vì "tải clip video và tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước trên internet". Bà bị tuyên án tù 9 năm, quản chế 5 năm theo điều 88, luật hình sự Việt Nam.Trần thị Nga là một nhà hoạt động tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và môi trường ở Việt Nam. Trước khi bị bắt, bà phản đối Formosa-Hà Tĩnh về thảm họa môi trường biển miền Trung, và giúp đỡ dân oan khiếu kiện đất đai.
3. Trần Hoàng Phúc, sinh viên luật tranh đấu vì dân chủ và môi trường, thành viên của phong trào Chấn Hưng Nước Việt, bị bắt vào tháng 6 năm 2017 về tội tuyên truyền chống nhà nước, theo điều 88 Luật Hình sự 1999. Trần Hoàng Phúc là một thành viên của chương trình Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI), từng bị chặn, không cho gặp Tổng thống Barack Obama khi ông tới thăm Việt Nam.