An toàn thực phẩm, ô nhiễm : Quan ngại hàng đầu của người Việt (VOA, 18/05/2019)
Lo lắng lớn nhất của người dân Việt Nam là an toàn thực phẩm, ô nhiễm và tham nhũng, theo một khảo sát mới nhất. Khảo sát này cũng cho thấy chính phủ chưa hành động đủ về những vấn đề này.
Thủ đô Hà Nội ngày càng đối mặt với vấn đề ô nhiễm
An toàn thực phẩm đứng đầu danh sách 13 mối quan ngại với 86% những người được vấn ý đề cập đến trong một nghiên cứu ý kiến công chúng do công ty nghiên cứ thị trường Indochina Research Vietnam Ltd thực hiện hồi cuối tháng Tư. Cùng nằm trong năm mối quan ngại hàng đầu là giáo dục và y tế. Những người thực hiện thăm dò gọi đây là điều ngạc nhiên và thú vị khi mà những kết quả này cũng giống hệt những quan ngại lớn nhất của người Việt trong cuộc thăm dò hai năm trước.
"Kết quả này cũng tương tự như hồi năm 2017 và cho thấy những vấn đề mà người dân quan tâm vẫn còn đó và chưa được giải quyết", Indochina Research, vốn có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận định.
Mặc dù những vấn đề này tồn tại qua nhiều năm, nhưng nếu xem xét kỹ hơn số liệu sẽ cho thấy có sự khác biệt theo giới tính, thu nhập và địa lý.
Ví dụ như vấn đề ô nhiễm, vốn nắm giữ vị trí thứ hai trên toàn bảng tổng sắp. Nhưng người dân ở Hà Nội lo lắng nhiều hơn với 82% người được vấn ý đề cập đến, so với 73% ở thành phố Hồ Chí Minh. Vị trí địa lý giải thích cho sự khác biệt này do thủ đô Hà Nội nằm gần hơn với các tỉnh miền Nam Trung Quốc vốn đông đúc các nhà máy sản xuất và điều này vẫn luôn tạo ra không khí bẩn nhiều hơn ở Hà Nội so với thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy người dân trên cả nước xem không khí là nguy cơ ngày càng tăng. Người dân Việt Nam không thể chấp nhận việc các doanh nghiệp kiếm tiền bằng cách làm ô nhiễm môi trường.
"Ô nhiễm đã từng được chấp nhận là hậu quả phụ của quá trình phát triển công nghiệp và được đề cập như là tiến bộ kinh tế", tác giả Thu Vân viết trên một bài xã luận trên tờ Việt Nam News, cơ quan ngôn luận của chính phủ, và kêu gọi các quan chức chính phủ phải hành động. "Đã đến lúc họ phải xem ô nhiễm là cuộc khủng hoảng sức khỏe của công chúng".
Tác giả bài báo cho rằng quốc gia đông nam Á này cần phải giảm số lượng xe hơi lưu thông trên đường, buộc các tài xế phải sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường, trấn áp các xí nghiệp gây ô nhiễm và chuyển hướng ra khỏi các nhà máy nhiệt điện than.
Các câu phản hồi trong cuộc khảo sát của Indochina Research cũng khác biệt theo giới tính. Công ty này cho biết nữ giới có khuynh hướng bày tỏ quan ngại về quấy rối tình dục, y tế và an toàn thực phẩm nhiều hơn so với nam giới.
Kết quả đó cũng phù hợp với kết quả của một nghiên cứu hồi tháng 3 do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đồng tài trợ.
"Phụ nữ để ý đến những vấn đề tinh tế hơn", bà Caterina Meloni, cố vấn về giới tính và hội nhập xã hội của dự án Green Invest Asia của USAID, nhận định. "Họ tìm kiếm những cách tốt nhất để chi tiêu thu nhập của họ để bảo vệ sức khỏe gia đình, sự bền vững của đất nước họ, và sự an lạc của cộng đồng".
Nghiên cứu của Green Invest Asia cho thấy an toàn thực phẩm là một vấn đề lo lắng ở Việt Nam nhiều hơn ở Indonesia, Philippines hay Singapore.
"An toàn thực phẩm là quan ngại hàng đầu của phụ nữ ở Việt Nam, nơi phụ nữ sẵn sàng trả thêm một số tiền lên đến 30% mức giá cho những thực phẩm hữu cơ được chứng nhận là bền vững và tỷ lệ này cao hơn ở những quốc gia được khảo sát khác", cơ quan này cho biết trong một thông cáo.
Người Việt hàng ngày lo lắng bởi vì họ không biết nguồn gốc thực phẩm của họ. Vấn đề này không chỉ không hề giảm bớt kể từ khi Indochina Research thực hiện cuộc khảo sát của họ hồi năm 2017 nhưng một số nguy cơ mới cũng xuất hiện. Bên cạnh khả năng bị ngộ độc thực phẩm, cho dù là ở tiệc cưới, ở các quán nhậu hay do dịch tả lợn vốn đã lan nhanh ở Châu Á trong những tháng vừa qua, trong đó có Việt Nam.
Những quan ngại khác được nêu lên trong khảo sát ý kiến mới nhất của Indochina Research là tiếp cận nước sạch, hiện tượng tăng nhiệt toàn cầu, chất lượng báo chí, cạnh tranh bất bình đẳng và phân biệt giới tính.
**********************
Hàng trăm tấn cá chết trên sông La Ngà, dân Sài Gòn lo nước nhiễm độc (Người Việt, 18/05/2019)
Tin hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà ở huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, bị chết chỉ sau một đêm khiến nhiều người dân lo ngại về nước máy nhiễm độc, do đây cũng là nguồn nước chảy vào hồ Trị An–nơi cung cấp nước sạch cho Sài Gòn.
Hàng trăm tấn cá nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà chết chỉ sau một đêm. (Hình : VietnamNet)
Báo VietnamNet hôm 18 tháng Năm cho hay : "Bộ Tài Nguyên Môi Trường đề nghị tỉnh Đồng Nai truy tìm nguồn thải ra sông, tìm nguyên nhân cá chết trắng sông La Ngà thời gian qua. Trước đó, Công An tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Phòng Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Về Môi Trường (PC05) phối hợp điều tra vụ cá chết hàng loạt trên sông La Ngà. Chi Cục Thủy Sản Đồng Nai đã lấy các mẫu cá chết để gửi phân tích, hiện đang chờ kết quả để làm rõ nguyên nhân".
Tờ báo cũng dẫn nguồn tin từ Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường Đồng Nai rằng có một số cơ sở sản xuất ở khu vực ven sông La Ngà được phép xả thải ra sông nhưng "được kiểm soát chặt chẽ, có hệ thống quan trắc truyền dữ liệu về Sở Tài Nguyên-Môi Trường để giám sát".
Trong khi nguyên nhân khiến hàng trăm tấn cá chết chưa được công bố, người dân Sài Gòn càng lo lắng thêm trước việc báo chí nhà nước đưa tin thiếu trách nhiệm.
Tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời ông Trần Kim Thạch, trưởng Phòng Quản Lý Chất Lượng Nước, thuộc Tổng Công Ty Cấp Nước Sài Gòn (Sawaco) : "Vụ cá chết trên sông La Ngà nằm ở phía thượng nguồn của hồ Trị An. Đây chỉ là một nhánh nhỏ của sông Đồng Nai nên không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động cấp nước của Sawaco. Nước trên sông La Ngà lưu lại trong hồ Trị An rất lâu, có khi cả tháng mà không thể chảy về ngay trạm xử lý nước của công ty. Khi nước được lưu lại ở hồ Trị An thì hồ cũng có khả năng tự làm sạch nguồn nước này vì nước của sông La Ngà chỉ chiếm một phần nhỏ. Thời điểm này là mùa mưa nên lưu lượng nước đổ về hồ Trị An là rất lớn, lượng nước này có thể được pha loãng. Phòng Quản Lý Chất Lượng Nước vẫn phối hợp với phía đầu nguồn khi có vấn đề gì sẽ báo ngay với nhà máy. Vì vậy, người dân Sài Gòn cứ yên tâm sử dụng nguồn nước này".
Vị đại diện công ty cấp nước cũng là nguồn tin duy nhất trong bài báo để tờ báo của Sở Tư Pháp thành phố ở Sài Gòn dẫn đến kết luận rằng cá chết trên sông La Ngà "không ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước".
Phát ngôn "hồ Trị An có khả năng tự làm sạch nguồn nước" của ông Thạch khiến người ta nhớ lại câu nói từng nhận nhiều chỉ trích của Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trong vụ Formosa năm 2016 : "Biển miền Trung có thể tự làm sạch chất ô nhiễm, đào thải độc tố".
Thời điểm xảy ra vụ 1.500 tấn cá chết trên sông La Ngà vào tháng Năm, 2018, báo VnExpress cho biết : "Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai cho biết, kết quả kiểm tra cho thấy mẫu nước tại hiện trường cá chết trên sông La Ngà có nồng độ NH4 (Amoni), NO2 (Nitrite) vượt giới hạn cho phép nhiều lần. Lượng nước từ thượng nguồn chảy về có thể cuốn theo các chất ô nhiễm làm tăng tính độc của một số khí như NH3, H2S, CH4, NO2… dẫn đến cá bị sốc, chết hàng loạt".
Sông Đồng Nai, có một nhánh là sông La Ngà cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20 triệu người dân của sáu tỉnh thành : Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận. Nguồn nước này còn được dùng cho nuôi trồng trong nông nghiệp và nước dùng cho công nghiệp.
Hồi tháng Năm, 2018, giới hoạt động xã hội dân sự từng dấy lên lời kêu gọi nhà chức trách phải lập tức điều tra và công bố nguyên nhân nguồn độc, nguồn ô nhiễm để ngăn chặn nạn cá chết trên sông La Ngà tái diễn. Theo họ, nguồn nước nuôi cá cũng là nước ăn uống của người dân, cá chết là nước có vấn đề, mà hàng triệu người phải ăn uống từ nguồn nước đó thì không thể chậm trễ, không thể coi là chuyện nhỏ. Tuy vậy, yêu cầu này đến nay không được hồi đáp và người ta chỉ thấy trên mặt báo lời biện minh, trấn an mang tính chiếu lệ của đại diện công ty cấp nước. (T.K.)
*******************
Sông Đồng Nai đang chết dần vì ô nhiễm và ‘cát tặc’ (Người Việt, 18/05/2018)
Sông Đồng Nai là một trong ba con sông lớn nhất Việt Nam, sau sông Hồng và sông Mê Kông nhưng hiện đang bị chết và biến dạng do "cát tặc" và ô nhiễm nặng nề.
Người dân xã Nam Cát Tiên bất lực không cản được "cát tặc". (Hình : Người Lao Động)
Nói với báo Người Lao Động ngày 18 tháng Năm, 2019, hơn 20 gia đình có đất nằm dọc hai bên sông Đạ Huoai – một nhánh sông đổ vào thượng nguồn sông Đồng Nai, ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), cho biết hơn một năm nay, nhiều chiếc ghe trang bị vòi rồng gầm rú ầm ĩ thường xuyên cạp vào bờ, khoét sâu vào đất hoa màu để hút ngoạm cát khiến vườn tược "bay" cả xuống sông.
Ông Trần Xuân Chỉnh, người dân tại đây, cho biết khi ghe hút cát áp sát bên bờ, người dân tập trung để chống đối, nhưng không cản được "cát tặc" (những tàu ghe hút cát lậu).
Mất đất đai, tài sản, họ đi trình báo thậm chí gửi đơn cho chính quyền địa phương nhưng không kết quả. "Chúng tôi kêu cứu khắp nơi, bởi vì nghèo chỉ còn có miếng đất vườn sau này mong để cho con cái lớn lên không có nghề nghiệp thì còn có đất làm nông mưu sinh, lập gia đình nhưng giờ đây trôi tuột cả, có nơi lở loét sâu hàng chục mét…", ông Đinh Văn Thuận nói.
Theo ông Thuận, dọc con sông hoang dã giờ đây lở loét những vực sâu. Dưới lòng sông mùa cạn, cả dải sông bị băm nát bởi xe ben chở cát tập trung ngay hai bên bờ. Từ triền cao, có thể nhìn thấy những bãi cát khổng lồ do xe ben và ghe chở vào, đổ tràn nhiều nơi trong vùng.
"Chúng tôi mất tài sản, còn bị đe dọa. Nhiều lần ‘giang hồ’ tìm đến nhà dọa đánh, rồi còn thương lượng mua đất bên bờ để khai thác cát, giống như một dạng đền bù nhưng chúng tôi nhất quyết không bán…", một người dân đề nghị giấu tên do sợ bị trả thù nói.
Nhiều đoạn kênh rạch bị ô nhiễm do nước thải trước khi dẫn ra sông Đồng Nai. (Hình : Giao Thông)
Cũng theo tờ Người Lao Động, ngoài vấn nạn khai thác cát lậu tái diễn ở thượng nguồn, tình trạng nước thải ô nhiễm hòa nước sông Đồng Nai vẫn không có dấu hiệu chấm dứt. Điển hình là đoạn ở vùng giáp ranh Sài Gòn – Bình Dương – Đồng Nai, hiện hai bên bờ sông hệ thống cống nước xả thải khắp nơi ồ ạt chảy ra.
Ở đoạn chảy qua thành phố Biên Hòa, con sông đang oằn mình gánh nước thải của đô thị cả triệu dân, cùng với các khu công nghiệp. Phía quận 9 (Sài Gòn), thị xã Dĩ An (Bình Dương) với các nhà máy, cơ sở sản xuất mọc lên ngày càng nhiều, việc tiêu tán nước thải từ sinh hoạt đến công nghiệp cũng dồn về sông Đồng Nai.
Trong các nguồn xả thải trên, các cơ quan chuyên môn đánh giá nguồn xả từ Khu Công Nghiệp Biên Hòa 1 là nguy hiểm nhất. Ông Nguyễn Phú Cường, bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai, thừa nhận : "Khu Công Nghiệp Biên Hòa 1 đang gây ô nhiễm môi trường rất lớn cho sông Đồng Nai, ảnh hưởng đến hàng triệu người dân các tỉnh Đông Nam Bộ".
Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ, trưởng Ban Điều Hành Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, sông Đông Nai "là mạch sống quan trọng nhất bảo đảm sự phát triển thịnh vượng của các địa phương nằm trên lưu vực". Do đó cần phải cấp bách cứu sông Đồng Nai.
"Giải pháp quan trọng nhất và cũng mạnh mẽ nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường, Ủy Ban Bảo Vệ Môi Trường Lưu Vực Sông Đồng Nai cần có hành động quyết liệt với trách nhiệm và quyền lực quản lý nhà nước được giao ; cùng các tỉnh, thành phố có giải pháp cụ thể ngăn chặn tất cả hành động tác động đến môi trường sông Đồng Nai. Nếu không hành động thì không ai có thể cứu được sông Đồng Nai", ông Tứ kêu gọi. (Tr.N)
******************
Ai ‘chống lưng’ cho những kẻ phá đồi thông Lâm Đồng ? (Người Việt, 17/05/2019)
Không chỉ phá rừng, nhiều đồi thông ở huyện Lâm Hà đang bị san ủi trái phép với sự lơ là, thậm chí tiếp tay của chính quyền địa phương.
Đồi thông tại tiểu khu 263B bị Công tTy Nghiêm Hà mổ xẻ, mang đất đi bán. (Hình : VOV)
Báo VOV-Đài Tiếng Nói Việt Nam ngày 17 tháng Năm, 2019, cho hay không chỉ "nóng" chuyện phá rừng, hạ độc rừng thông để chiếm đất, hiện tại nhiều xã ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng) còn xảy ra việc san ủi đồi thông, nạo mặt bằng trái phép trước sự lơ là, xử lý qua loa của giới hữu trách.
Cụ thể, tại Tiểu Khu 292, thuộc xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), một người dân "có máu mặt" đã ngang nhiên thuê máy xúc san gạt trái phép hơn 13,000 mét vuông đất lâm nghiệp, nơi Thủ tướng Chính phủ CSVN đang chỉ đạo "điều tra, xử lý" vụ hơn 10 hécta rừng thông bị hạ độc chết đứng hôm 3 tháng Tư vừa qua.
Tuy Ủy Ban Nhân Dân xã Tân Thanh có lập biên bản "xử phạt hành chính" cả người thuê và bên thi công, nhưng chỉ hai ngày sau sự việc này lại tái diễn mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.
Tương tự, ngày 1 tháng Năm, Ủy Ban Nhân Dân xã Gia Lâm (huyện Lâm Hà) bắt quả tang một người thuê máy xúc san gạt đất rừng tại Tiểu Khu 274 và lập biên bản "đình chỉ".
Tuy nhiên, lấy lý do "không có xe đưa máy xúc về trụ sở" chính quyền xã Gia Lâm đã giao cho chính người vi phạm quản lý, để rồi sau đó người này tiếp tục việc múc đất, công khai lấn chiếm đất rừng, coi như không có việc gì xảy ra.
San ủi đồi thông, kể cả san gạt mặt bằng trên đất nông nghiệp đang bị tỉnh Lâm Đồng nghiêm cấm. (Hình : VOV)
Chưa hết, điều làm người dân bất bình là ở huyện Lâm Hà, việc san ủi đồi thông trái phép còn diễn ra công khai vì được Ủy Ban Nhân Dân xã ký giấy cho phép.
Chẳng hạn, khu đồi thông thuộc Tiểu Khu 263B sau trụ sở của Công Ty Trách Nhiệm Hữu Hạn Vật Liệu Xây Dựng Nghiêm Hà (thôn 2, xã Mê Linh) đã bị xẻ nửa và múc rỗng, lấy đất chở đi bán. Hậu quả nơi đây đã bị tạo thành vực taluy đất cao hơn 10mét, khiến đồi thông có thể bị sạt lở bất kể lúc nào và những trụ điện cao thế gần đó cũng bị trơ phần móng bởi đất xung quanh đã bị "gặm" sạch.
Để chứng minh việc san ủi là hợp pháp, bà Lê Thu Hà, phó giám đốc Công Ty Nghiêm Hà, đưa ra một "Đơn xin dọn dẹp khuôn viên công ty" có chữ ký và xác nhận của ông Đào Xuân Dũng, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã Mê Linh, nhưng không có đóng dấu đỏ.
"Trước khi làm thì tôi cũng có xin là chỉ dọn dẹp thôi và trên xã thì người ta cũng đã chấp nhận. Hôm tôi đi xin thì anh Dũng ký rồi, nhưng người giữ con dấu hôm ấy đi ra huyện (huyện Lâm Hà) nên chưa đóng dấu được", bà Thu Hà giải thích với báo VOV.
Điều đáng nói sau đó là con dấu đỏ chói của Ủy Ban Nhân Dân xã Mê Linh đã được đóng bổ sung ngay trong tờ đơn, khi nhân viên bà Hà chạy lên xã chỉ sau 10 phút.
Nói về thẩm quyền của mình trong việc ký giấy cho phép Công Ty Nghiêm Hà san ủi đồi thông, múc đất đi bán, ông Đào Xuân Dũng, giải thích với báo VOV rằng "mình chỉ đồng ý cho phép múc đất dọn dẹp taluy nhưng phải bảo đảm hành lang bảo vệ rừng theo quy định cách hành lang từ 8-10mét".
Thế nhưng việc "dọn dẹp taluy" của Công Ty Nghiêm Hà đã làm cả khu đồi thông sắp biến mất và tất nhiên, khu đất này sẽ trở thành tài sản riêng của chính công ty này. (Tr.N)