Việt Nam cam kết làm việc về các vấn đề Mỹ quan tâm (VOA, 31/05/2019)
Sau khi Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa Việt Nam cùng một số nước Đông Nam Á và các đồng minh khác vào danh sách cần giám sát về thao túng tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hôm 30/5 đã lên tiếng, cho biết sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Bộ Tài chính Mỹ quan tâm trên tinh thần hợp tác, theo Reuters.
Tư liệu : một nhân viên ngân hàng kiểm lại tiền đôla tại một ngân hàng ở Hà nội, ngày 12/8/2015.
Ngân hàng nhà nước tuyên bố sẽ không tạo "lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không lành mạnh", sau khi chính quyền của Tổng thống Trump nêu lên quan tâm về chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo bán thường niên đệ trình lên quốc hội hôm 29/5, Bộ Tài chính Mỹ công bố danh sách 9 đối tác thương mại lớn cần phải giám sát, trong đó có Việt Nam. Các nước còn lại gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Ireland, Singapore, và Malaysia.
Ngân hàng nhà nước cho biết sẽ điều hành tỷ giá linh hoạt, "phù hợp với các điều kiện của thị trường nội địa và quốc tế".
Ngân hàng trung ương của Việt Nam cho hay sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế một cách hợp lý.
Hoa Kỳ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu Việt Nam, nước có số thặng dư mậu dịch ngày càng lớn với Hoa Kỳ, vốn đã tăng lên tới 13,47 tỉ USD trong quý đầu tiên của năm nay, so với 10,19 tỉ cách đây 1 năm.
*****************
‘Vì sao Giám đốc Nhật Cường trốn thoát khi đang trong tầm ngắm ?’ (VOA, 31/05/2019)
Người phát ngôn của Bộ Công an ngày 31/5 cho biết ông Bùi Quang Huy, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Kỹ thuật Nhật Cường, không trình diện, cũng không có mặt ở nơi cư trú kể từ lúc khám xét cho đến khi khởi tố vụ án.
Tổng giám đốc Bùi Quang Huy (ảnh nhỏ) bị truy nã và các cửa hàng của công ty Nhật Cường bị công an khám xét.
Thông tin trên được Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng-Người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam, đưa ra trong cuộc họp báo Chính phủ vào ngày 31/5, giữa lúc ngay tại Hà Nội vừa xảy ra vụ bỏ trốn mới nhất của người đứng đầu công ty Nhật Cường, một doanh nghiệp đang bị nghi có dính dáng đến "nhóm lợi ích" hay "sân sau của ai đó".
Thành lập vào năm 2011, Nhật Cường Software ban đầu chỉ là một trung tâm công nghệ thông tin với một chuỗi các cửa hàng điện thoại di động ở Hà Nội.
Tuy nhiên, việc công ty này sau đó "qua mặt" các ông lớn trong ngành viễn thông khi nhận được hàng loạt các hợp đồng cung cấp dịch vụ phần mềm cho các cơ quan nhà nước ở Hà Nội, trong đó có rất nhiều dịch vụ quan trọng như xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư của gần 8 triệu dân Hà Nội cho công an thành phố, phần mềm quản lý tội phạm, phần mềm hộ chiếu online, hệ thống quản lý quỹ nhà tái định cư các cấp…
Khách hàng của Nhật Cường bao gồm một loạt các cơ quan công quyền ở Hà Nội, từ UBND thành phố, công an thành phố cho tới các Sở Y tế, Công thương, Giáo dục Đào tạo, Thông tin Truyền thông... Thực tế này đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh mối quan hệ thực chất của doanh nghiệp non trẻ này với các nhóm lợi ích trong bộ máy nhà nước.
Khi lực lượng công an bất ngờ ập vào khám xét chuỗi cửa hàng điện thoại Nhật Cường Mobile vào ngày 9/5, không ít những người am hiểu về tình hình chính trị, thời sự Việt Nam đã đặt ngay câu hỏi trên các trang mạng xã hội về "động cơ đằng sau" của vụ "đánh Nhật Cường".
Sự việc càng trở nên thu hút sự chú ý của công luận hơn khi báo chí đưa tin Tổng giám đốc Bùi Quang Huy của công ty này bỏ trốn ngay trong thời gian Nhật Cường đang "trong tầm ngắm", dẫn đến việc Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ công an, phải ra lệnh truy nã Bùi Quang Huy, 45 tuổi, vào ngày 18/5 về tội "Buôn lậu và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội vào ngày 20/5, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng của Bến Tre cho rằng "có cơ sở" để nghi ngờ ông Bùi Quang Huy bỏ trốn "không phải là ngẫu nhiên".
"Trường hợp này giống với vụ Vũ Đình Duy, nguyên tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex). Có ý kiến cho là có bàn tay trong để tiếp tay cho Huy bỏ trốn, không chỉ ngẫu nhiên", báo Người Lao Động dẫn lời ông Lưu Bình Nhưỡng nói.
Đại biểu của tỉnh Bến Tre còn cho rằng "có sự khuất tất" trong vụ này, khi ông đặt câu hỏi "Sao bắt hàng được mà bắt người thì không ? Nhẽ ra lúc đó anh có thể khởi tố vụ án và bị can cùng lúc".
Vụ truy nã Bùi Quang Huy là sự việc mới nhất tiếp theo hàng loạt các vụ cán bộ tham nhũng, doanh nghiệp bị điều tra bỏ trốn ra nước ngoài nổi bật gần đây như Trịnh Xuân Thanh, Vũ "nhôm" (Phan Văn Anh Vũ), Vũ Đình Duy…
"Riêng Bùi Quang Huy, từ lúc khám xét đến lúc khởi tố vụ án, đã không đến trình diện, mặc dù đã vận động gia đình, và cũng không có mặt ở nơi cư trú. Do vậy, ngày 18/5, cơ quan cảnh sát điều tra đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Bùi Quang Huy", người phát ngôn Bộ Công an cho biết trong cuộc họp báo ngày 31/5.
Theo đại diện của Bộ Công an, do trong thời gian khám xét, Bộ Công an chưa khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy nên chưa thể áp dụng biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật.
Đến ngày 14/5, khi đã thu thập đủ chứng cứ, tài liệu, cơ quan Cảnh sát Điều tra mới khởi tố vụ án và khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Bùi Quang Huy và 8 người khác. Ông Huy và nhóm người trên bị cho là đã thực hiện hành vi phạm tội buôn lậu có tổ chức, xuyên quốc gia, lập 2 hệ thống sổ sách kế toán tài chính để ngoài sổ sách hàng ngàn tỉ đồng doanh thu.
Ngoài ra, theo thông tin từ Giám đốc Sở Thông tin Truyền Thông Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Kỳ, nói với báo giới ngày 30/5, thành phố này đã chi trả cho công ty Nhật Cường trên 7 tỷ đồng trong vòng 3 năm qua, chiến 0,49% tổng số ngân sách cho công nghệ thông tin của thành phố, để cung cấp các dịch vụ phần mềm cho Hà Nội. Công ty này cũng là đơn vị thực hiện 7 gói thầu mua sắm cho thành phố, với tổng kinh phí hơn 12 tỷ đồng.
*****************
‘Việt Nam sẽ không tránh khỏi tác động của thương chiến Mỹ-Trung’ (VOA, 30/05/2019)
Trong mấy ngày gần đây, các hãng tin tài chính quốc tế đều nhắc tới Việt Nam như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu bấp bênh do sự leo thang trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. Nào là kinh tế Việt Nam phát triển nhanh nhất trong khối ASEAN, thậm chí sắp sửa ‘qua mặt’ Singapore, hầu hết đều cho rằng Việt Nam đã được hưởng lợi trong cuộc chiến tranh thương mại đang tiếp diễn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh và Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink ở Hà Nội, ngày 15/5/2019. Photo US Embassy Hanoi
Nhưng hôm 30/5 Ngoại Trưởng kiêm Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh khuyến cáo rằng Việt Nam ‘sẽ không tránh khỏi tác động của thương chiến Mỹ-Trung’.
Nikkei Asian Review trích lời ông Phạm Bình Minh, thừa nhận những lợi ích ‘ngắn hạn’ của thương chiến Mỹ-Trung, nhưng ông nói xung đột kéo dài sẽ có những hậu quả đối với kinh tế Việt Nam.
"Việt Nam sẽ không tránh khỏi những tác động của chủ nghĩa bảo hộ thương mại" do tính cách mở của nền kinh tế Việt Nam, ông Phạm Bình Minh nói tại hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 25 ở Tokyo, Nhật Bản, do tập đoàn Nikkei tổ chức.
"Có người cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó đúng tới một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam".
BTNG/Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh
Ông Phạm Bình Minh nói GDP của Việt Nam lệ thuộc nặng nề vào hàng xuất khẩu, khiến cho Việt Nam trở nên nhạy cảm ngay cả với những thay đổi nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu.
Trung Quốc và Hoa Kỳ là hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, về cả mặt công nghệ và giá trị thương mại. Ông Phạm Bình Minh nói Việt Nam đang theo sát tình hình và "sẽ thực thi bất cứ biện pháp cần thiết nào để thích ứng".
Để chống lại chủ nghĩa bảo hộ, Phó Thủ tướng Việt Nam hối thúc việc đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), môt hiệp định thương mại tự do bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 nước Đông Nam Á.
Nikkei Review trích lời ông Phạm Bình Minh nói trong một cuộc phỏng vấn dành cho tạp chí này sau bài phát biểu của ông tại hội nghị :
"Có người cho rằng Việt Nam được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại. Điều đó đúng tới một mức độ nào đó. Tuy nhiên, chủ nghĩa bảo hộ sẽ có tác động lâu dài tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam".
Vẫn theo Nikkei, ông Minh khuyến cáo rằng "nếu xung đột thương mại Mỹ-Trung kéo dài, thì khâu sản xuất của chúng tôi sẽ bị tác động". Theo ông, Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc nhập khẩu các bộ phận và nguyên liệu, ngoài những tác động do sự giảm sút trong mức cầu trên toàn cầu.
Trong khi Việt Nam đang thu hút thêm đầu tư, ông Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam sẽ ưu tiên cho lĩnh vực công nghệ cao, và sẽ thận trọng trong việc tuyển chọn những đầu tư có phẩm chất. Ông nói Việt Nam sẽ đề cao cảnh giác chống lại những giao dịch chỉ nhằm chuyển hàng hóa qua Việt Nam với mục đích tránh các rào cản thương mại giữa hai cường quốc kinh tế lớn của thế giới.
Ông Phạm Bình Minh nói cho tới nay, Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng cao, tới gần 7%, trong quý 1. Ông bày tỏ tin tưởng là Việt Nam sẽ duy trì được đà tăng trưởng đó trong năm nay.
Trả lời câu hỏi của Nikkei về quan hệ với Trung Quốc trong bối cảnh các cuộc tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, Phó Thủ tướng Việt Nam nói : "Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng các quan hệ hữu nghị, và đa dạng các quan hệ đối ngoại, đồng thời duy trì các quan hệ thực tiễn với nước láng giềng Trung Quốc của chúng tôi".