Bộ Giao thông và vận tải xem xét phương án di dời trạm BOT T2 (RFA, 31/05/2019)
Bộ Giao thông và vận tải hôm 30/5/2019, cho báo chí biết bộ đang cân nhắc khả năng di dời trạm thu phí đường bộ BOT T2 trên Quốc lộ 91.
Trạm thu phí T2 trên tuyến Quốc lộ 91. Nguồn : nld.com.vn
Đây là trạm thu phí mới được thông xe hồi giữa tháng 5 nhưng đã bị đông đảo người dân phản đối vì cho rằng trạm đặt ở vị trí không hợp lý. Nhiều lái xe cho biết họ phải trả tiền cho toàn tuyến quốc lộ trong khi tuyến đường xây mới chỉ chưa tới 300m.
Theo Bộ Giao thông và vận tải, bất hợp lý tại trạm thu phí T2 tồn tại ở cả 2 hướng, từ Quốc lộ 80 đi Kiên Giang - An Giang và hướng từ An Giang - Đồng Tháp khi qua trạm T2 trên Quốc lộ 91.
Tin cũng cho biết, Bộ Giao thông và vận tải đang cập nhật lưu lượng xe để tính toán phương án tài chính của dự án. Phương án giải quyết sẽ căn cứ trên phương án tài chính, đảm bảo hoàn vốn trả nợ ngân hàng, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người dân và doanh nghiệp.
Cũng trong ngày 30/5/2019, tại phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, Đại biểu quốc hội Đôn Tuấn Phong thuộc đoàn An Giang cũng đã đề cập đến những bất cập của trạm thu phí BOT T2. Theo ông Phong, việc mở rộng đường 91 là cần thiết, nhưng có sự bất cập về vị trí đặt trạm thu phí.
Hôm 25/5, sau nhiều ngày vấp phải sự phản đối của người dân, Bộ Giao thông và vận tải đã quyết định tạm dừng thu phí trạm T2 để Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị khảo sát, kiểm điểm lưu lượng xe, đề xuất phương án giảm giá cho xe qua trạm theo kiến nghị của các tài xế.
****************
Cầu sập sau khi vừa dừng thu phí BOT (RFA, 31/05/2019)
Một chiếc cầu ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa bị sập vào đầu giờ chiều ngày 31/5, chỉ vài tháng sau khi chấm dứt thu phí BOT vào tháng 2 vừa qua. Truyền thông trong nước trích nguồn tin từ Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa và loan tin này hôm 31/5.
Một chiếc cầu ở xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp vừa bị sập vào đầu giờ chiều ngày 31/5, chỉ vài tháng sau khi chấm dứt thu phí BOT vào tháng 2 vừa qua. Courtesy mt.gov.vn
Cây cầu Tân Nghĩa là một cây cầu được đầu tư theo hình thức BOT.
Theo Thanh Niên, cầu bị sập nhịp giữa cầu và khiến một xe tải chở hàng hóa và tài xế rơi xuống sông, đồng thời khiến một xe ba gác và hai người khác rơi theo.
Cầu sập đã đè lên một ghe sắt đang lưu thông trên kênh. Cầu sập cũng khiến giao thông tê liệt.
Sài Gòn Giải Phóng trích lời ông Lê Chí Trung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Nghĩa cho biết cầu sập không gây thiệt hại về người và hiện chưa thống kê được thiệt hại tài sản.
Tuy nhiên theo Thanh Niên, cầu sập đã khiến người điều khiển xe ba gác bị thương ở phần ngực và phải vào bệnh viện.
Cầu Tân Nghĩa qua kênh Tháp Mười ở xã Tân Nghĩa, có tổng vốn đầu tư 5 tỉ đồng, được đầu tư theo hình thức BOT và hoàn thành vào tháng 12 năm 2007. Vào tháng 2 năm 2019, chính quyền địa phương đã mua lại dự án này từ nhà đầu tư và tạm ngừng thu phí sau hơn 11 năm.
******************
Vấn nạn trẻ em Việt Nam chết đuối nhiều (RFA, 31/05/2019)
Thực trạng
Thống kê của Bộ Y tế và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cho thấy trung bình hàng năm giai đoạn từ năm 2010 -2015 có khoảng 3000 trẻ trong nước chết đuối. Đến năm 2016 số em tử vong do chết đuối là 2110 trường hợp và từ năm 2017 đến nay tổng hợp số liệu báo cáo từ các địa phương chưa đầy đủ thì con số này khoảng 2000. Tỉ lệ này được cho là cao nhất khu vực Đông Nam Á và cao gấp 10 lần các nước phát triển.
Các em nhỏ vui chơi tại ao làng. (Ảnh minh họa) AFP
Từ đầu năm 2019 đến nay cũng đã liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp trẻ em bị chết đuối, Một số vụ điển hình gần đây như vụ 8 em học sinh tại tỉnh Hòa Bình, 4 em tại Thanh Hóa và hàng loạt các vụ lớn nhỏ khác tại khu vực Hòa Bình, Quảnh Bình, Khánh Hòa…Vụ mới đây nhất vào hôm 30/5 tại Nghệ An có 5 em học sinh lớp 8 rủ nhau ra đập tắm dẫn đến tử vong.
Nhận định về điều này anh Trần Thiện Tùng, chuyên gia về truyền thông và cũng là người thường xuyên có các hoạt động bảo vệ cho trẻ em tại vùng sâu vùng xa nói với chúng tôi rằng, đa số các trường hợp chết đuối xảy ra tại các khu vực nông thôn.
"Do trẻ em tại khu vực nông thôn các em được nghỉ học, người lớn, nhà trường ít có thời gian để ý đến các em hơn và tại khu vực nông thôn sẽ không được như tại các thành phố là có các lớp bơi miễn phí mùa hè. Còn khu vực nông thôn các em không đủ điều kiện nên phải tự học bơi lẫn nhau nên đó có thể là một trong những lý do xảy ra những trường hợp chết đuối thương tâm như vậy".
Nhà trường và các cơ quan chức năng
Theo kết quả điều tra của Tổ chức Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) chết đuối là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong đối với trẻ em tại Việt Nam. Đây không chỉ là trách nhiệm của gia đình mà là của toàn xã hội, vì vậy cần đưa môn học về kỹ năng bơi lội và an toàn chống chết đuối vào chương trình giáo dục cho trẻ em.
Xác nhận điều này, anh Trần Thiện Tùng cho biết, chương trình này cũng đã được áp dụng tại các thành phố lớn trên cả nước.
"Tại thành phố Hồ Chí Minh hay các thành phố lớn thì cứ đến dịp hè là các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các lớp bơi miễn phí cho các em học sinh hoặc tổ chức định kỳ hàng năm như tại Sài Gòn thì cũng tổ chức gần 10 năm nay rồi nên nhờ vậy nó cũng sẽ hạn chế được những chuyện đuối nước như vậy".
Đồng ý điều này, một giáo viên hiện đang công tác giảng dạy tại một trường học ở thành phố Hồ Chí Minh cho hay, cách đây vài năm sau sự việc chết đuối của một số em học sinh, từ đó thành phố Hồ Chí Minh đã ra quy định bắt buộc các em phải phổ cập bơi lội.
"Hiện nay tại thành phố Hồ Chí Minh những bé bắt đầu vô lớp ba là bắt buộc phải đi học bơi và nó đã được đưa vào chương trình phổ cập luôn và buộc các em sau khi học xong lớp 5 là phải biết bơi, có chứng nhận bằng đầy đủ nên trường nào cũng tổ chức cho các em đi học bơi và nó là một trong những môn học của các em luôn. Chương trình này cũng đã được bắt đầu vài năm nay rồi".
Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2016 – 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu kiểm soát mọi tình huống đối với trẻ em và đặc biệt là tai nạn do chết đuối.
Do đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam yêu cầu các cơ quan tăng cường phối hợp với các bộ ngành xây dựng thông tin, tổ chức thông tin, giáo dục và truyền thông về phòng chống chết đuối trẻ em đến mọi tầng lớp, đặc biệt tại các khu vực vùng nông thôn khó khăn có tỉ lệ chết đuối cao.
Trở ngại
Các em nhỏ nhảy cầu tắm sông. (Ảnh minh họa) AFP
Ông Thái Văn Thành, giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Nghệ An trao đổi với báo Tuổi Trẻ hôm 30/5 rằng, Nghệ An được xem là một trong ba tỉnh có số lượng học sinh tử vong do chết đuối nhiều nhất cả nước trở thành vấn đề nóng được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, ông cho biết việc triển khai dạy bơi cho các em còn nhiều khó khăn.
Trích nguyên văn giải thích của ông Thái Văn Thành :
"Việc dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó có rất ít trường học được đầu tư bể bơi, hầu như là chưa có bởi vì thiếu kinh phí xây dựng. Đội ngũ giáo viên môn thể dục biết bơi và biết dạy bơi còn hạn chế và thiếu, hơn nữa trường không có bể bơi, không có cơ sở vật chất để dạy. Kinh phí xây dựng bể bơi riêng ngành giáo dục không thể làm được".
Anh Trần Thiện Tùng cho rằng, đưa lý do nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng là điều không hợp lý. Anh đưa ví dụ :
"Nếu trước mắt chưa phối hợp được như thế thì có một số nhà hảo tâm đã bỏ tiền ra để xây những hồ bơi cho trẻ em đến học miễn phí như tại Thái Bình thì những việc làm như vậy đáng khích lệ nên thành ra nói trách nhiệm thì khó đối với tình hình chung như vậy. Các cơ quan chức năng có thể bỏ kinh phí hoặc vận động nguồn xã hội hóa để mở các lớp bơi miễn phí cho trẻ em vì cần phải phòng chống chứ để đến khi sự việc xảy ra rồi để lại những hậu quả thương tâm như thế thì nó càng khó giải quyết hơn nữa".
Trong một báo báo của Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2016 đến nay sau khi phát động chương trình "Bể bơi cho em" đã xây dựng 21 bể bơi tại 21 trường học với tổng kinh phí hơn 7 tỷ đồng từ sự đóng góp của các doanh nghiệp và người dân tại địa phương. Đến nay đã dạy bơi miễn phí cho hơn 6000 em học sinh.
Còn theo nhận định của vị giáo viên vừa nêu thì thông thường ở các khu vực nông thôn nơi mà nhiều trẻ đều cũng biết bơi, tuy nhiên những trường hợp chết đuối có thể vì những yếu tố khác thường.
"Các bé bị đuối nước này là tại khu vực địa phương nên các bé rất rành, ham hiểu về địa bàn địa thế tại khu vực của mình, nhưng có thể do sự thay đổi thời tiết hay thay đổi tự nhiên mà các bé không được biết và dẫn đến tình trạng như vậy. Như hiện nay tại khu vực sông Hồng đã thay đổi, đồi cát ở Bến Tre, biển Cửa Đại cũng thay đổi về địa hình, mà chính quyền địa phương không theo dõi kịp nên có tình trạng như vậy".
Do đó, vị giáo viên khẳng định rằng các cơ quan chức năng ngoài việc dạy kỹ năng bơi lội cần thường xuyên khảo sát địa hình và tuyên truyền cho các em cũng như gia đình hiểu về sự nguy hiểm tại các khu vực sông suối ao hồ cho dù các em có biết bơi nhưng sự thay đổi của thiên nhiên là điều không lường trước được.
*******************
Dịch tả lợn Châu Phi lan ra 48 tỉnh thành Việt Nam (RFA, 31/05/2019)
Dịch tả lợn Châu Phi hiện đã lan tới 48/63 tỉnh thành ở Việt Nam với tổng cộng 300 huyện, trên 3000 đàn heo ; số lượng heo bị tiêu hủy lên tới 2 triệu con, chiếm 6,5% tổng số heo của cả nước.
5555555555555555
Dịch tả lợn Châu Phi đang lây lan nhanh tại các địa phương phía Bắc, Việt Nam và đã có gần 2500 con lợn bị tiêu hủy tính đến ngày 28/02/19. Courtesy : Ảnh chụp màn hình congthuong.vn
Đó là số liệu được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố hôm 31/5 tại phiên thảo luận ở Quốc hội.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày cho biết ông Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định Dịch tả lợn Châu Phi hiện nay gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngành chăn nuôi tại Việt Nam và là vấn đề chưa từng xảy ra ở Việt Nam và ngành chăn nuôi thế giới.
Theo ông Bộ trưởng, diễn biến thời tiết phức tạp và tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ tại Việt Nam sẽ khiến dịch bệnh tiếp tục lan rộng, đặc biệt tấn công những trang trại lớn, nếu như không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp Việt Nam nói giải pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học là vũ khí duy nhất để ngăn, không để dịch lan rộng tiếp.
Báo trong nước nói hiện vẫn còn hơn 90% đàn lợn vẫn sạch, không bị bệnh ở Việt Nam nên cần tuyên truyền để người dân không quay lưng với thịt lợn, và đồng thời cảnh báo giá thịt lợn trên thị trường có thể sốt cao vào quý III, IV do khủng khoảng thiếu.
Ông Nguyễn Xuân Cường nói từ chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công thương đã cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các doanh nghiệp, Sở Công thương họp bàn giết mổ để dự trữ thịt đông lạnh vào ngày 30/5.
Ngành chăn nuôi heo ở Việt Nam được nói đạt 94 ngàn tỷ đồng, chiếm 10% tổng giá trị ngành nông nghiệp.
Tại Việt Nam, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện đầu tiên tại tỉnh Hưng Yên vào đầu tháng 2 vừa qua.
Ở khu vực Châu Á, Trung Quốc và Mông Cổ là hai quốc gia có dịch tả lợn Châu Phi trước khi dịch này bùng phát ở Việt Nam.