Người Khmer Krom muốn đòi quyền tự trị ở Việt Nam (RFA, 05/06/2019)
Liên đoàn Khmer Kampuchea Krom và đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) đang tìm kiếm các quyền tự trị cho người Khmer Krom ở Việt Nam.
Hình chụp hôm 4/6/2019 : Các thành viên của cộng đồng Khmer Kampuchea Krom tại Phnom Penh kỷ niệm 70 năm vùng đất bị trao về cho Việt Nam - Photo : RFA
Tuyên bố này được đưa ra tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm vùng đất của người Khmer Kampuchia Krom bị người Pháp cắt cho Việt Nam vào năm 1949. Tuy nhiên trên thực tế, người Việt Nam đã quản lý vùng đất này từ thế kỷ 17.
Buổi lễ có sự tham gia của khoảng 2.000 người Khmer Krom và đại diện của Quốc vương Sihmaoni diễn ra tại The Hague, Hà Lan vào cuối tuần qua.
Ông Son Yoeng Ratana, đại diện báo chí của Liên đoàn Khmer Kampuchia Krom cho Đài Á Châu Tự Do biết tổ chức này đang tìm hiểu cách đòi các quyền tự trị cho người Khmer Krom ở Việt Nam. Ông cho biết chính phủ Việt Nam hiện đang hạn chế các quyền của người Khmer Krom, bao gồm các quyền tiếp cận mạng xã hội, sử dụng ngôn ngữ Khmer và tôn giáo của người Khmer Krom.
"Chúng tôi đòi hỏi sự tuân thủ theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đòi hỏi các quyền tự trị vì chúng tôi là những người bản địa", ông Son Yoeng Ratana phát biểu tại buổi lễ.
Tuyên bố của đảng Cứu quốc Campuchia, đảng chính trị đối lập đang bị cấm hoạt động ở Campuchia, viết : "Việc chiếm đóng lãnh thổ của người Khmer Kampuchea Krom của phía Việt Nam là bất hợp pháp. Không có người Campuchia nào đồng ý trao đất cho Việt Nam".
Phó Chủ tịch CNRP Mu Sochua nói với Đài Á Châu Tư Do rằng nếu đảng của bà giành được quyền ở xứ Chùa tháp thì đảng này sẽ tìm kiếm các quyền tự trị cho người Khmer Krom ở Việt Nam và đòi lại lãnh thổ của Khmer Krom.
Đảng CNRP bị tòa án ở Campuchia cấm hoạt động vào tháng 11/2017.
Sok Ey San, người phát ngôn của Đảng Nhân dân cầm quyền tại Campuchia viết trên Facebook rằng việc đòi lại đất cho người Khmer Kampuchea Krom chỉ là một giấc mơ.
Hiện có khoảng một triệu người gốc Khmer Krom đang sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có đông người Khmer Krom nhất là Sóc Trăng, vốn là tên có nguồn gốc từ tiếng Khmer.
*************************
Con gái nhà hoạt động nhân quyền sắp bị Đức trục xuất về Việt Nam (VOA, 04/06/2019)
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân, con gái của nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân, cho VOA biết có nhiều khả năng cô sẽ bị chính phủ Đức trục xuất trong hai tuần nữa.
Cô Nguyễn Quang Hồng Ân.
Từ thành phố Nuremberg, sinh viên âm nhạc Nguyễn Quang Hồng Ân nói cô có thể bị trục xuất ra khỏi Đức trước ngày 16/6.
"Rất rõ ràng là họ chỉ cho tôi có hai tuần. Họ nói rằng lệnh trục xuất đã có và đơn tị nạn bị bác rồi. Họ có thể trục xuất bất cứ lúc nào. Họ đã đưa ra lời cảnh cáo rất rõ ràng như vậy".
Trước đó, vào hôm 26/3/2019, nhà hoạt động nhân quyền Nguyễn Quang Hồng Nhân và vợ đã bị trục xuất từ Đức về Việt Nam trong khi gia đình ông đang chờ xin Canada cấp quy chế tị nạn. Khi ấy, theo cô Hồng Ân, hộ chiếu của cô đã hết hạn, nên chưa bị trục xuất cùng cha mẹ
VOA chưa liên lạc được với chính quyền thành phố Nuremberg cũng như Sở Di trú Đức để xác nhận tin cô Hồng Ân sắp bị đưa về Việt Nam.
Cô Hồng Ân cho biết các cộng đồng ở Đức đã lên tiếng bảo vệ cô và gia đình nhưng chính quyền thành phố cương quyết "mạnh tay trục xuất".
"Họ lên tiếng cũng rất nhiều. Không chỉ cộng đồng người Việt mà các đảng phái đối lập như SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức), Grune, STV…cũng lên tiếng, nhưng tôi cảm thấy chính quyền lại làm lơ, họ lại muốn mạnh tay trục xuất".
Trong bức thư của Cộng đồng người Việt vùng Nuremberg gửi chính quyền thành phố và các cơ quan hữu quan hôm 1/6, ông Nguyễn Thế Bảo, Phó Chủ tịch Cộng đồng, viết :
"Tất cả chúng tôi một lần nữa kinh hoàng trước hành vi của chính quyền thành phố ngày 31/05/2019, đã khiến Hồng Ân một lần nữa rơi vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc".
Ông Hồng Nhân, cha của cô Hồng Ân, là một nhà hoạt động nhân quyền và từng bị giam cầm ở Việt Nam trước khi đến Đức xin tị nạn vào năm 2015.
"Báo chí Việt Nam, Hội Cờ Đỏ, Nghệ An Thời báo… lên án ba mẹ tôi rất dữ. Tinh thần ba tôi tệ dần, cảm thấy cả cuộc đời đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam… nay đã mất hết. Một đất nước tự do nơi mình tìm đến lại đối xử như vậy…Ba tôi cảm thấy thất vọng".