Việt Nam trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (VOA, 07/06/2019)
Việt Nam vừa đắc cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau phiên bỏ phiếu ngày 7/6, với tỷ lệ bầu chọn 192/193.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong một buổi họp của Hội đồng. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Viết trên trang Twitter ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói "Việt Nam tự hào và vinh dự được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021".
"Chúng tôi sẽ dùng hết khả năng để thực hiện nghĩa vụ của một ủy viên Hội đồng nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế", ông Phạm Bình Minh viết tiếp.
Là ứng viên duy nhất trong nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam khá tự tin vào khả năng trúng cử vào cơ quan chuyên giải quyết xung đột và khủng hoảng đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Trưởng phái đoàn Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, trong một cuộc phỏng vấn với TTXVN trước đó cho biết đã có 120 nước trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam qua văn bản, còn khoảng 30-40 nước cam kết ủng hộ miệng do chưa hoàn thành thủ tục.
Sau khi trúng cử, Việt Nam sẽ thay thế vị trí của Kuwait tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 1/1/2020.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có 15 ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được bầu theo nhiệm kỳ mỗi 2 năm.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trước đó, Việt Nam từng giữ vị trí này trong nhiệm kỳ 2008-2009.
********************
Xuất hiện trên ‘văn bản’, ông Trọng chỉ đạo ‘kiên định chủ nghĩa xã hội, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng’ (VOA, 06/06/2019)
Sau nhiều tuần lễ vắng mặt, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 6/6 tái xuất hiện qua một văn bản chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong văn bản đó, "kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" và "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng" là 2 trong số các "quan điểm định hướng" mà ông Trọng nhấn mạnh cần phải "quán triệt".
Hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 14/5/2019 trên truyền thông Việt Nam.
Trong bài viết dài gần 7 trang gửi cho các cấp ủy đảng về công tác chuẩn bị đại hội, mà báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tin vào ngày 6/6, người đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra 6 "quan điểm định hướng".
Ngoài hai quan điểm đầu tiên là "kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" và "tăng cường vai trò của Đảng", ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến việc "phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân", "chỉnh đốn Đảng", "nâng cao niềm tin" đối với Đảng, "đổi mới công tác nhân sự", tiếp tục phòng chống tham nhũng…
"Một Đảng mà giấu giếm khuyến điểm của mình là một Đảng hỏng", ông Trọng dẫn lại lời của Hồ Chí Minh trong bài viết khi đề cập đến công tác "phê bình" và "tự phê bình" trong đảng.
Bài viết "định hướng" đánh dấu lần tái xuất tiếp theo sau ba tuần vắng bóng kể từ lần xuất hiện trở lại đầu tiên của ông Trọng vào giữa tháng 5, sau một tháng vắng mặt trước đó vì tình trạng "sức khỏe bị ảnh hưởng" sau chuyến công tác ở Kiên Giang hồi tháng 4.
Riêng trong phần chỉ đạo về công tác cán bộ, ông Trọng đề cập đến việc phải nghiêm cấm tình trạng "chạy quyền", "chạy chức", "chạy cơ cấu", "nâng người này, hạ người kia", "bè phái", "lợi ích nhóm"…
Ông cũng không quên nhắc đến công tác báo chí, tuyên truyền, khi cho rằng thời điểm chuẩn bị đại hội "cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá…"
Sự vắng mặt liên tục của ông Nguyễn Phú Trọng trong gần hai tháng qua đã gây ra nhiều chú ý và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông.
Bất chấp sự kiện ông bất ngờ xuất hiện trở lại trong một buổi họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vào ngày 14/5 và vài ngày sau, những đồn đoán có vẻ như đã chấm dứt sau lần xuất hiện này lại nổi lên, sau khi ông Trọng tiếp tục vắng bóng, nhất là trong ngày trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 hôm 29/5, mà báo chí trước đó loan tin rằng ông Trọng sẽ là người trực tiếp trình lên Quốc hội.