Mỗi khi gần đến khóa họp thường niên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, những ý tưởng cải cách Hội đồng Bảo an của định chế quốc tế lớn nhất thế giới lại nổi lên. Nhưng lần này đề xuất cải cách lại được đưa ra từ Hoa Kỳ, một trong những tác nhân chủ chốt của Hội đồng Bảo an, đã thu hút sự chú ý của giới quan sát, bởi người ta đều thấy bóng dáng Nga, Trung Quốc trong ý tưởng của Washington.
Chủ tịch Tập Cận Bình sánh bước cùng Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev tại Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức hợp tác Tượng Hải
Giữa cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Liên Hiệp Quốc thường xuyên bất lực trên các hồ sơ tranh chấp địa chính trị lớn, lời kêu gọi cải cách của Washington không giấu được những bức bối trước Nga, một thành viên thường trực cùng với Trung Quốc, luôn phủ quyết các đề xuất của phương Tây một cách có hệ thống.
Cho đến giờ, để tránh không bị Nga hay Trung Quốc ngăn cản các sáng kiến của của mình ở Hội đồng Bảo an, các nước phương Tây phải sử dụng đến những quy định và thủ tục khác. Như để tỏ lập trường trước cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, hồi đầu năm, phương Tây buộc phải nhờ đến lá phiếu của 193 nước thành viên ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngôn từ và nội dung của văn kiện đưa ra Đại hội đồng cũng phải được cân nhắc kỹ lưỡng vì các thành viên của Liên Hiệp Quốc luôn chia rẽ, theo những ảnh hưởng địa chính trị khác nhau hay những tính toán lợi ích riêng. Hơn nữa văn kiện thông qua ở Đại hội đồng chỉ mang tính hình thức, không ràng buộc thực thi như ở Hội đồng Bảo an, một định chế có nhiệm vụ chính để bảo đảm trật tự thế giới.
Theo AFP, trong một phát biểu gần đây, đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Linda Thomas-Greenfield đã bày tỏ ủng hộ những "đề xuất nhạy cảm và đáng tin cậy" nhằm mở rộng hoặc cải cách Hội đồng Bảo an. Tức là cơ quan này sẽ không chỉ gói gọn trong tay của 5 thành viên thường trực hiện nay (Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Anh Pháp) cùng 10 thành viên không thường trực, được bầu lại 2 năm một lần.
Đại diện của Mỹ nhấn mạnh : "Chúng ta không nên bảo vệ một hiện trạng không thể giữ được nữa và đã lạc hậu". Ám chỉ đến Nga, bà đại sứ Mỹ nhận xét rằng "mọi thành viên thường trực sử dụng quyền phủ quyết để bảo vệ những hành động của riêng mình sẽ mất hết giá trị đạo đức và phải chịu trách nhiệm".
Những kiểu phát biểu như vậy có thể khiến Bắc Kinh và Moskva cười mỉm khi họ nhớ lại thời cựu tổng thống Georges W. Bush, Hoa Kỳ cũng đã không ngần ngại sử dụng các tiểu xảo lách Hội đồng Bảo an để mở cuộc tấn công Irak.
Bà Naledi Pandor, ngoại trưởng Nam Phi, một trong số nước từ lâu nay vẫn mong muốn có chân trong Hội đồng Bảo an, cho rằng lật lại vấn đề quyền phủ quyết ở Hội đồng Bảo an chỉ vì việc Nga sử dụng lá phiếu đó thì quả là một điều gì đó không thực tâm.
Theo Richard Gowan, nhà phân tích của cơ quan nghiên cứu khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), những lo lắng của Hoa Kỳ xung quanh việc Hội đồng Bảo an bị đình trệ chức năng là thành thực. "Nhưng đó cũng là cách khéo léo để chỉ mặt Trung Quốc và Nga. Bởi chúng ta đều biết đây là hai nước ngần ngại nhất trong việc cải cách Hội Đồng".
Cùng với những biến động của thế giới, làm mới bản thân của Hội đồng Bảo an an là một nhu cầu chính đáng nhưng lại không dễ thực hiện. Từ năm 2005, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lúc bấy giờ là ông Kofi Annan đã đưa ra đề xuất cải cách một cách nghiêm túc, trong đó có việc mở rộng số thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, nhưng không thành hiện thực, vì bất đồng giữa các thành viên. Vào lúc đó, các nước như Brazil, Đức, Ấn Độ và Nhật Bản cùng nộp đơn để được có chân trong thường trực Hội đồng Bảo an nhưng chưa bao giờ được chấp thuận.
Trung Quốc đã chống lại kịch liệt việc trao thêm ghế ở Hội đồng Bảo an cho một cường quốc ở Đông Á.
Mới đây, cuối tháng 8 vừa rồi, Vụ thông tin của phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức tại Oslo thủ đô Na Uy, một cuộc hội thảo có tên gọi "Cải cách Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc : Một cách tiếp cận mới để tái cấu trúc trật tự quốc tế". Đã có rất nhiều tham luận được trình bày nhưng vẫn dừng lại ở như một hội nghị khoa học không có gì mới.
Vẫn theo chuyên gia Richard Gowan, dường như Washington không có mục đích rõ ràng trong các ý tưởng cải cách Liên Hiệp Quốc, chỉ nêu ra "để thằm dò sân bãi, để thách thức Trung Quốc và Nga", như thế thì sáng kiến đó rồi có lúc sẽ xẹp xuống.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 20/09/2022
Minh Anh, RFI, 02/10/2021
Thứ Sáu 01/10/2021, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có cuộc họp khẩn, bàn về những vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Triều Tiên. Kết thúc cuộc họp, 5 nước thành viên thường trực đã không đưa ra được một thông cáo chung.
Ngày 01/10/2021, 5 ủy viên thường trực Hội Đồng Bảo có cuộc họp khẩn bàn về những vụ thử tên lửa gần đây của Bắc Triều Tiên, nhưng không đưa ra được một thông cáo chung. © AP - Mary Altaffer
Nguyên nhân là vì dự thảo tuyên bố chung do Pháp đề xuất đã bị Nga và Trung Quốc bác bỏ. AFP dẫn lời một nhà ngoại giao ẩn danh giải thích rõ trên thực tế, trong dự thảo văn bản, Paris muốn một tuyên bố chung trước báo chí, bày tỏ "mối quan ngại" của Hội đồng Bảo an trước những hoạt động của Bình Nhưỡng và kêu gọi "áp dụng đầy đủ các biện pháp trừng phạt". Tuy nhiên, Nga và Trung đều cho rằng "giờ chưa phải lúc, cần có thêm thời gian để phân tích tình hình".
Cuộc họp kín kéo dài hơn một giờ đồng hồ, được triệu tập theo đề nghị của Hoa Kỳ - một hành động hiếm có từ năm 2017, cũng như từ Pháp và Anh. Mục tiêu là để xem xét vụ thử tên lửa diễn ra hồi đầu tuần (28/09/2021) mà Bình Nhưỡng cho là loại "siêu thanh". Hai ngày sau, vài giờ trước phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an, Bắc Triều Tiên lại thông báo tiếp thử thành công tên lửa phòng không, được phát triển gần đây.
Hãng tin Pháp nhắc lại là vào năm 2017, chính quyền Donald Trump đã thành công trong việc thông qua 3 biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề nhắm vào Bắc Triều Tiên sau loạt thử hạt nhân và tên lửa. Kể từ đó, Hội đồng Bảo an chưa bao giờ tìm lại được một quan điểm chung.
Nga và Trung Quốc nhiều lần đề nghị dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận nhưng không thành. Tổng thống Biden, sau 8 tháng nhậm chức, vẫn chưa có một chiến lược rõ ràng nào về hồ sơ Bắc Triều Tiên.
Cũng trong ngày hôm qua, thứ trưởng quốc phòng Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản có cuộc trao đổi qua điện đàm để thảo luận về hồ sơ Bắc Triều Tiên. Kết thúc cuộc họp, trong thông cáo chung, 3 bên đồng tình về việc "sắp tới hợp tác chặt chẽ tìm cách giải quyết" nhiều vấn đề như an ninh bán đảo Triều Tiên và khu vực, kể cả những vụ thử tên lửa gần đây nhất từ Bắc Triều Tiên.
Minh Anh
******************
Trọng Nghĩa, RFI, 01/10/2021
Sau khi bị dời lại một hôm theo yêu cầu của Nga và Trung Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc họp vào hôm nay, 01/10/2021 để thảo luận về vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa siêu thanh. Trong một động thái bị cho là khiêu khích, vài giờ trước cuộc họp, Bình Nhưỡng lại tiến hành một vụ thử tên lửa khác.
Bức ảnh được báo nhà nước Bắc Triều Tiên Rodong Sinmun đăng, cho thấy một tên lửa được phóng lên bầu trời, ngày 30/09/2021. STR KCNA VIA KNS/AFP
Trong một bản tin công bố hôm nay 01/10, hãng thông tấn chính thức của Bắc Triều Tiên, KCNA, cho biết : "Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên ngày 30/09 đã tiến hành bắn thử một tên lửa phòng không mới vừa được phát triển gần đây". KCNA đã hoan nghênh rằng "hiệu suất chiến đấu đáng chú ý của tên lửa đã được kiểm chứng, với việc sử dụng các công nghệ quan trọng mới". Một bức ảnh chụp tên lửa bay lên bầu trời sau khi vụ phóng đã được tờ báo chính thức Rodong Sinmun công bố.
Theo hãng tin Pháp AFP, vụ bắn thử mới này có vẻ khiêu khích, vì diễn ra chỉ vài giờ trước cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an do Washington, Paris và Luân Đôn yêu cầu, để bàn về vụ bắn tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng, được Bình Nhưỡng giới thiệu là "siêu thanh". Cuộc họp khẩn dự kiến được tổ chức vào hôm qua, nhưng đã bị hoãn qua ngày hôm nay theo yêu cầu của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng và Nga.
Bắc Triều Tiên từ lâu nay đã nổi tiếng với chiến thuật được cân nhắc kỹ lưỡng là sử dụng thử nghiệm vũ khí để làm gia tăng căng thẳng. Theo chuyên gia Soo Kim thuộc trung tâm tham vấn RAND Corporation của Mỹ, với những vụ thử gần đây, Kim Jong Un đang tìm cách trắc nghiệm phản ứng của Washington để xem Bình Nhưỡng có thể khiêu khích tới mức nào.
Phản ứng trước hành động của Bắc Triều Tiên, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào hôm qua đã tố cáo Bình Nhưỡng tạo thuận lợi cho "sự bất ổn định và tình trạng mất an ninh" khi liên tiếp vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Trọng Nghĩa
Những tuyên bố của Việt Nam không khớp với những gì diễn ra trên thực tế.
Với cương vị là chủ tịch luân phiên của Hội đồng Bảo an của Liên Hiệp Quốc trong tháng 4/2020, Việt Nam đang hối thúc "tất cả các bên" ngồi lại và đối thoại, đồng thời lên án việc quân đội Myanmar sử dụng bạo lực nhắm vào người biểu tình. Chính quyền Việt Nam đang khẳng định với các bên rằng họ rất coi trọng vấn đề nhân đạo tại Myanmar. Nhưng những việc họ làm cho thấy một thực tế rất khác.
Phát biểu tại lễ nhậm chức chủ tịch Hội đồng Bảo an hôm 1/4, Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi "tất cả các bên ngồi lại và đối thoại, tìm kiếm bất cứ cơ hội nào để ngồi xuống và đối thoại". Ông nhấn mạnh rằng, không phải "hai bên" mà là "tất cả các bên" cùng tham gia đàm phán. Ngài đại sứ cũng không quên khẳng định, ASEAN sẽ cố gắng tìm kiếm tất cả các kênh để liên lạc với Myanmar.
Một tuần sau đó, vào ngày 9/4/2021, trong cuộc họp theo phương thức Arria về Myanmar (Arria-Formula Meetings), Đại sứ Đặng Đình Quý thay mặt cho Việt Nam bày tỏ sự quan tâm đến vấn đề nhân đạo ở Myanmar.
Đại sứ Đặng Đình Quý (ngồi chính diện) đại diện cho Việt Nam tổ chức họp báo công bố chương trình làm việc tháng Tư của Hội đồng Bảo an vào ngày 1/4/2021. Ảnh : UN Web TV.
Cuộc họp theo phương thức Arria là cuộc họp không chính thức được một thành viên của Hội đồng Bảo an triệu tập. Thành phần tham dự gồm có các thành viên Hội đồng Bảo an, đại diện các chủ thể phi nhà nước, các quan sát viên quốc tế và đại diện các tổ chức quốc tế, nhằm mục đích tham vấn thông tin cho Hội đồng Bảo an về một vấn đề quốc tế hoặc khu vực mang tính nghiêm trọng.
Cuộc họp về Myanmar ngày 9/4 do nước Anh triệu tập. Các nước bảo trợ gồm có Estonia, Pháp, Ireland, Na Uy và Mỹ. Việt Nam chỉ tham gia như một nước thành viên.
Trong cuộc họp, ông Đặng Đình Quý nói : "Chúng tôi lên án việc sử dụng vũ lực với dân thường, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em […]. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là cứu tính mạng và đảm bảo an toàn, an ninh cho người dân và đảm bảo tài sản viện trợ nhân đạo có thể đến được tất cả những người cần trợ giúp, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương".
Cũng trong hội nghị Arria về Myanmar, Đại sứ Quý đề cao vai trò của ASEAN, một cơ chế khu vực, trong việc "sẵn sàng hỗ trợ Myanmar một cách hòa bình và mang tính xây dựng". Ông cũng khẳng định ASEAN đang "tận dụng tất cả các cơ chế liên quan để hỗ trợ Myanmar".
Điều trớ trêu là, Việt Nam lại chính là nước ngăn cản đồng thuận ASEAN trong các cuộc đối thoại của tổ chức này về vấn đề Myanmar trước đó. Trong cuộc họp khẩn cấp của ASEAN vào ngày 2/3/2021, Việt Nam và Thái Lan đã chống lại lập trường cứng rắn của bộ ba Indonesia – Malaysia – Singapore và ngăn chặn các đề xuất trừng phạt trong tuyên bố của Brunei – chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2021.
Quan điểm khi Việt Nam đảm nhận vị trí chủ tịch Hội đồng Bảo an dường như mâu thuẫn với các hành động và lập trường của Việt Nam về Myanmar trước đó.
Vào ngày 10/3/2021, Việt Nam cùng với Trung Quốc, Ấn Độ và Nga đã loại bỏ những câu chữ lên án cuộc đảo chính ở Myanmar, trong một tuyên bố của chủ tịch Hội đồng Bảo an do Anh soạn thảo. Các nhà hoạt động nhân quyền đã lên án hành động này.
Bình luận về việc này, ông Phil Robertson, phó giám đốc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực Châu Á (Human Rights Watch – HRW) viết trên Twitter : "Người dân Miến Điện nên biết rằng, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc không hành động đối với cuộc đảo chính quân sự của Myanmar, thì đây là những kẻ thủ ác đã ngăn chặn hành động của tổ chức : Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam".
Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam (phải) tiếp đón Thống tướng Min Aung Hlaing trong chuyến thăm ngày 18/12/2019. Việt Nam từ lâu đã thiết lập quan hệ với giới quân đội Myanmar. Ảnh : Vietnamnet.
Ngoài ra, Việt Nam cũng là nước cử đại diện tham dự Ngày Lực lượng Vũ trang hàng năm của Myanmar (27/3), trong lúc các chính phủ quốc tế đang lên án và tẩy chay chính quyền quân đội. Cũng trong ngày này, quân đội Myanmar đã bắn chết 114 người vô tội, trong đó có trẻ em.
Mặc dù truyền thông trong nước luôn khẳng định Việt Nam đang "tham gia một cách chủ động, tích cực" trong các cuộc họp về Myanmar tại ASEAN và tại Hội đồng Bảo an, nhưng thực tế lại không như vậy. Cho đến nay, đã qua hai phần ba thời gian nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên, nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết vấn đề Myanmar.
Cuộc họp theo phương thức Arria ngày 9/4 là do nước Anh triệu tập. Việt Nam hiện chưa tổ chức một cuộc đối thoại nào về vấn đề Myanmar trong cương vị chủ tịch luân phiên. Vấn đề Myanmar cũng không được đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an trong nhiệm kỳ tháng 4/2021 của Việt Nam. Các vấn đề mà Hội đồng Bảo an thảo luận trong tháng này gồm có tình hình Libya, Yemen, Kosovo, quyền phụ nữ và bạo lực tình dục, khu vực Các Hồ Lớn (Great Lakes) ở Châu Phi, vũ khí hóa học Syria, hoạt động rà phá bom mìn, v.v…
Ngoài ra, việc Việt Nam, trong vai trò chủ tịch Hội đồng Bảo an, cố gắng "dính líu" ASEAN vào vấn đề Myanmar cho thấy một lập trường bất nhất.
Trong ASEAN, Việt Nam hầu như không có nỗ lực gì trong việc giải quyết khủng hoảng Myanmar. Như đã nhắc đến ở trên, trong cuộc họp ngày 2/3/2021 của ASEAN về vấn đề Myanmar, Việt Nam im lặng trong khi các nước như Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia đưa ra những tuyên bố rất mạnh mẽ.
Sự im lặng của các nước như Việt Nam và Thái Lan khiến ASEAN không thể thông qua đề xuất trừng phạt phe đảo chính. Hành động này đã đi ngược lại những nỗ lực ngoại giao của Indonesia và tuyên bố của chủ tịch ASEAN do Brunei đưa ra ngay sau khi quân đội Myanmar đảo chính.
Người biểu tình tại Yangon phản đối việc Thống tướng Min Aung Hlaing tham gia hội nghị của ASEAN tổ chức vào ngày 24/4/2021. Ảnh : AP.
ASEAN từ lâu đã được biết đến là một cơ chế lỏng lẻo và dễ bị chia rẽ. Với nguyên tắc "đồng thuận" (ASEAN Consensus), chỉ cần một lá phiếu phủ quyết của bất kỳ quốc gia thành viên nào cũng có thể ngăn chặn quyết định chung của tổ chức. Do đó, tổ chức này đã không thể đưa ra được những quyết định quan trọng về vấn đề Myanmar.
Nếu ASEAN trở thành diễn đàn chính để giải quyết xung đột ở Myanmar, thì khả năng cao là mọi chuyện chẳng đi đến đâu, nhưng Việt Nam sẽ đóng một vai trò quan trọng và được quốc tế chú ý, vì nước này vừa là thành viên ASEAN và hiện đang là chủ tịch của Hội đồng Bảo an.
Tình hình ở Myanmar đang ngày càng bất ổn. Theo tổ chức Assistance Association For Political Prisoners (Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị), tính đến ngày 22/4, đã có 3.370 người bị giam giữ và 739 người bị quân đội bắn chết kể từ vụ đảo chính ngày 1/2/2021. Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc cũng cảnh báo rằng, Myanmar đang trên bờ vực của một cuộc nội chiến.
Trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Đặng Đình Quý tuyên bố rằng Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề nhân đạo và nhân quyền trong cuộc khủng hoảng Myanmar. Đại diện phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam trước đó cũng liên tục khẳng định rằng họ rất quan ngại về tình hình thương vong tại Myanmar.
Nhưng Việt Nam không đủ quan ngại để đưa ra hành động gì cụ thể.
Ở Myanmar, Mytel và tập đoàn quốc doanh Viettel bị các tổ chức xã hội dân sự chỉ đích danh về việc hỗ trợ quân đội Myanmar thực hiện các tội ác chiến tranh, tội ác chống loài người nhắm vào các sắc tộc thiểu số.
Ngoài việc gián tiếp tạo ra nguồn tiền cho Tatmadaw hoạt động và tham nhũng, Mytel còn cung cấp dữ liệu khách hàng để quân đội giám sát, theo dõi và truy lùng các nhà hoạt động và người bất đồng chính kiến.
Biểu tình kêu gọi tẩy chay Mytel tại Myanmar. Ảnh : RFA.
Mặc dù mới chỉ đi vào hoạt động từ năm 2018, Mytel đã phải hứng chịu nhiều chiến dịch tẩy chay vì vấn đề nhân đạo. Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi quốc tế, Việt Nam vẫn đang tiếp tục hoạt động đầu tư, liên doanh với quân đội Myanmar.
Theo các tài liệu bị rò rỉ do tổ chức Justice For Myanmar (JFM) khai thác được, Mytel phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Viettel và nhà nước Việt Nam. Trong ba năm đầu hoạt động, Mytel dự kiến cần 1,38 tỷ USD. Viettel đã đồng ý cung cấp phần lớn số tiền này, với khoản đầu tư 169 triệu USD và khoản cho vay lên tới 903 triệu USD. Ngoài việc cung cấp tài chính, Viettel còn đưa các nhà quản lý và đội ngũ chuyên gia kỹ thuật từ Việt Nam sang để hỗ trợ Mytel.
Trong nước, Việt Nam vốn bị đánh giá là có hồ sơ nhân quyền tồi tệ và đang lợi dụng dịch Covid-19 để gia tăng đàn áp.
Chính phủ Việt Nam bị các tổ chức quốc tế cáo buộc sử dụng các điều luật mơ hồ để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Theo tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International), chính phủ Việt Nam hiện đang gia tăng việc bắt bớ và đe dọa, sách nhiễu các nhà hoạt động, nhà báo, blogger và những ứng viên độc lập trong những ngày kề cận kỳ bầu cử Quốc hội.
Sứ mạng của Việt Nam khi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bảo an
Khi bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 1/2020, Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng cầu nối giữa các cường quốc trong Hội đồng Bảo an. Trong lần thứ 2 đảm đương cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 4/2021), Việt Nam bị "kẹt" giữa hai "ông lớn" là Mỹ (giữ ghế Chủ tịch vào tháng 3) và Trung Quốc (giữ ghế Chủ tịch vào tháng 5). Hiện tại, hai cường quốc này không chỉ "đối địch" mà còn có cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược về cuộc khủng hoảng ở Myanmar, với việc bạo lực leo thang ở quốc gia Đông Nam Á này sau khi quân đội nắm chính quyền từ ngày 1/2.
Hình minh hoạ. Biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar hôm 8/4/2021 - AFP
Trả lời câu hỏi của báo chí liệu Việt Nam có thể giúp Washington và Bắc Kinh tìm thấy điểm chung trong cách phản ứng với diễn biến phức tạp ở Myanmar, ngày 24/3, Đại sứ Đặng Đình Qúy – Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc nhấn mạnh : "Chúng tôi cố gắng làm cho tất cả mọi người đều hài lòng, để chúng tôi cũng cảm thấy vui vẻ. Đây là cách duy nhất để một quốc gia vừa và nhỏ như Việt Nam có thể sống trong một thế giới nhiều biến động và đầy thử thách".
Dù tháng 4/2021 là cơ hội để Việt Nam xoa dịu căng thẳng đang leo thang ở Myanmar, song chưa rõ Hội đồng Bảo an có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào. Các thành viên đã đưa ra 3 tuyên bố về tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này, song không mấy hiệu quả. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW) kêu gọi Hội đồng Bảo an áp đặt các biện pháp trừng phạt và cấm vận vũ khí, song có lẽ Việt Nam sẽ không ủng hộ các bước đi như vậy vì ưu tiên của Việt Nam là can dự hơn là đối đầu với chế độ quân sự Myanmar.
Ngày 5/4, Brunei, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ủng hộ việc tổ chức cuộc họp của các nhà lãnh đạo khu vực để thảo luận về diễn biến ở Myanmar, đồng thời cho biết đã yêu cầu các giới chức chuẩn bị cho một cuộc họp ở Jakarta, Indonesia.
ASEAN hoạt động dựa trên nguyên tắc đồng thuận, song bất đồng giữa 10 nước thành viên về cách ứng phó với việc quân đội dùng vũ lực đối với dân thường và chính sách không can thiệp đã làm hạn chế khả năng hành động của khối.
Vậy Hội đồng Bảo an có thể làm gì khác để khiến quân đội Myanmar đảo ngược hướng đi ? Theo Đại sứ Đặng Đình Quý, "chúng ta cần sự tham gia của tất cả các bên liên quan đến Myanmar. Nếu chúng ta khiến bất kỳ bên nào ở Myanmar cảm thấy họ không được tham gia, hoặc cảm thấy rằng họ bị cô lập, mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn".
Về khả năng áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, điều mà Trung Quốc cực lực phản đối, Đại sứ Đặng Đình Qúy nêu rõ lập trường của Việt Nam : "Chúng tôi không ủng hộ các biện pháp trừng phạt đơn phương, song với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an và là thành viên của Liên Hiệp Quốc, chúng tôi tuân theo tất cả các quyết định của Hội đồng Bảo an, miễn là nó hiệu quả và không tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân cũng như tình hình nhân đạo của quốc gia liên quan".
Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, thành viên toàn cầu trong Chương trình Châu Á tại Trung tâm Wilson ở Washington, nói với Passblue.com : "Tôi nghĩ Việt Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực tìm kiếm những kết quả nhất định, nếu chúng ta cần một nghị quyết, nếu chúng ta cần tổ chức một cuộc họp đặc biệt, nếu chúng ta cần đưa ra bất kỳ tuyên bố nào, bất kỳ cuộc hội thoại nào về vấn đề này… Tôi sẽ theo dõi sự cân bằng quyền lực đang thay đổi giữa các ủy viên thường trực và các thành viên không thường trực. Có thể thấy, Việt Nam đã cố gắng đóng vai trò cầu nối, không chỉ với P5 (Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ) mà còn với một số thành viên khác".
Người Myanmar phải tự cứu mình
Lúc ban đầu, khi giới trẻ Myanmar đứng lên chống lại chính quyền quân đội, họ tin rằng cộng đồng quốc tế sẽ ra tay giúp đỡ họ. "Hãy cứu chúng tôi" là dòng chữ bằng tiếng Anh trên áo thun của những người biểu tình phản đối vụ đảo chính ngày 1/2/2021. Hai tháng sau với 550 cái chết, những người đấu tranh dân chủ ở đất nước có hàng nghìn ngôi chùa này hiểu rằng họ đang "đơn thương độc mã".
Nhiều quốc gia Phương Tây lớn tiếng đả kích việc thảm sát thường dân. Những biện pháp trừng phạt đưa ra chỉ "nhẹ nhàng". Thực tế là sẽ không ai giúp giải phóng người Myanmar ra khỏi ách độc tài. Mà họ phải tự cứu lấy mình.
Cuộc đấu tranh dân chủ của Myanmar sẽ còn dài, và những hóc búa của bài toán này càng phản ánh sự mong manh của nền dân chủ khu vực.
Trung Quốc, vốn có nhiều mối quan hệ làm ăn với giới quân đội, khó có thể ủng hộ một cuộc cách mạng, hay đơn giản là chấp nhận dân chủ đạt được vầng hào quang ngay sát biên giới của mình. Trong khi đó, Mỹ có lựa chọn khác. Mắc kẹt trong cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ-Trung, Myanmar có nguy cơ rơi vào một đường hầm dài của đấu tranh và đau khổ.
Nguyễn Văn Trọng
Nguồn : RFA, 08/04/2021
Hành động của Trung Quốc không xứng với vai trò thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc
Tình hình Biển Đông tiếp tục dậy sóng với những hành động ngày càng hung hăng, quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền một cách phi pháp tại khu vực biển quan trọng đó. RFA phỏng vấn Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, một thành viên Quỹ nghiên cứu Biển Đông, người vừa soạn một bản Kiến nghị bãi nhiệm tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc.
Người Việt Nam tuần hành chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 11 tháng 5 năm 2014. AFP
Diễm Thi : Trước hết xin ông nhận định về một số diễn biến mới nhất liên quan Biển Đông sau công hàm Việt Nam gởi Liên Hiệp Quốc hôm 30 tháng 3 ?
Lê Trung Tĩnh : Các giới Việt Nam đang rất quan tâm đến nội dung, chi tiết và các phát hiện mới, phát hiện cũ mà China mang ra làm vũ khí mới để tiến chiếm Biển Đông của thế giới và Hoàng Sa Trường Sa của Việt Nam.
Ngày 30/3/2020, Việt Nam gửi Công hàm số 22/HC-2020, một trong các nội dung là khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau đó ngày 17/4/2020, China cũng đã gửi Công hàm số CML/42/2020 phản bác lại công hàm của Việt Nam. China khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền của họ trên các quần đảo và trên Biển Đông, viện dẫn Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đây là một mâu thuẫn khi chính China đã không coi UNCLOS ra gì khi áp đặt yêu sách đường chữ U chiếm trọn Biển Đông của họ mặc dầu đã bị yêu sách này đã bị tòa Tòa án Trọng tài Thường trực xử bất hợp pháp vào năm 2016 trong vụ kiện giữa China và Philippines.
Một mâu thuẫn khác là China đã cưỡng chiếm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam bằng vũ lực, một điều rõ ràng trái với những dòng đầu tiên của Hiến chương Liên Hợp Quốc : "thực hành khoan dung và chung sống hòa bình với nhau như những người hàng xóm tốt".
Việc vi phạm các nguyên tắc với vai trò là Thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, một vị trí cầm cân nảy mực trong Liên Hợp Quốc, cho thấy China chỉ giải thích vấn đề có lợi cho họ. Hay nói một cách dễ hiểu China ỷ quyền cậy thế hơn là tôn trọng các nguyên tắc và trách nhiệm của vị trí họ đang có để hành xử đúng mực.
Đó là lý do chúng tôi làm Kiến nghị, nhắc với thế giới các vi phạm của China và yêu cầu bãi nhiệm họ khỏi vị trí thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Diễm Thi : Nhờ ông tóm tắt một số thông tin về bản Kiến nghị bãi nhiệm tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của Trung Quốc đang kêu gọi ký tên ?
Lê Trung Tĩnh : Chúng tôi sử dụng đúng các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để đề nghị bãi nhiệm tư cách thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của China.
Kiến nghị chỉ ra việc China đã vi phạm nhiều lần, trong nhiều năm, các nguyên tắc, mục tiêu và nguyên tắc cơ bản và nền tảng của Liên Hợp Quốc thể hiện trong Hiến chương của tổ chức này. Ví dụ như China vi phạm nguyên tắc "khẳng định niềm tin vào những quyền con người cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người" trong việc họ áp đặt ở nước họ một chế độ độc tài, hay xâm chiếm và áp đặt chế độ thanh lọc văn hóa và sắc tộc tại Tây Tạng và Tân Cương. Hay China vi phạm mục tiêu "cứu các thế hệ tương lai khỏi tai họa của chiến tranh" trong việc họ dùng vũ lực xâm chiếm các quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988.
Kiến nghị kêu gọi Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên tiến hành bãi nhiệm China khỏi vị trí thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Kiến nghị cũng nêu lên cách thức để có thể tiến hành điều này theo đúng các điều khoản của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Diễm Thi : Và cụ thể về tác giả của Kiến nghị, thưa Tiến sĩ ?
Lê Trung Tĩnh : Tôi là người soạn thảo chính của Kiến nghị này trước khi chia sẻ để nhận góp ý trong các nhóm nghiên cứu, hoạt động về Biển Đông và công pháp quốc tế. Dầu được góp ý cách này hay cách khác bởi nhiều người, các sai sót nếu có về câu chữ cũng như lập luận trong Kiến nghị là của riêng tôi.
Nhân đây tôi cũng xin cảm ơn Quỹ Nghiên cứu Biển Đông mà tôi là thành viên. Tôi học được và làm được nhiều điều nhờ Quỹ và các thành viên của Quỹ mà tôi luôn kính trọng như anh Dương Danh Huy, anh Lê Vĩnh Trương, bác Nguyễn Quang A, bác Phan Văn Song.
Diễm Thi : Những kết quả đạt được lúc này sau khi công khai Kiến nghị ?
Lê Trung Tĩnh : Hiện nay đã có hơn 1.500 người ký và để lại những lời bình ủng hộ Kiến nghị. Dầu các kênh phổ biến hiện giờ chủ yếu trong cộng đồng người Việt, nhiều người nước ngoài từ khắp thế giới tham gia ký và để lại ý kiến, từ Anh, Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật, Philippines... Điều này cho thấy đây là vấn đề được sự quan tâm và ủng hộ mạnh của nhiều nước, người trên thế giới.
Diễm Thi : Bước tiếp theo ông sẽ thực hiện là gì ạ ?
Lê Trung Tĩnh : Mong muốn của chúng tôi là đưa Kiến nghị này đến với cộng đồng quốc tế hơn nữa để số chữ ký tăng lên thật nhiều. Chúng tôi sẵn lòng trả lời các kênh truyền thông quốc tế ví dụ như BBC tiếng Anh, VOA tiếng Mỹ, CNN hay Al Jazeera để thông tin và giải thích về công việc này.
Chúng tôi cũng hy vọng các lãnh đạo thế giới, đặc biệt là các nước hiện đang là Thành viên Hội đồng Bảo an, thường trực như Anh, Mỹ, Pháp hay không thường trực hiện giờ như Đức, Indonesia hay Việt Nam quan tâm, bàn luận và thực hiện yêu cầu trong Kiến nghị.
Chúng tôi biết con đường còn nhiều khó khăn và cần sự hỗ trợ, lên tiếng của mọi người, và dĩ nhiên là nhiều người Việt.
Diễm Thi : Liên quan mạng xã hội, Facebook lại đang bị phía chính quyền Việt Nam ‘ép’. Facebook đã phải nhượng bộ chính quyền Việt Nam trong việc kiểm duyệt các thông tin. Theo ông, hướng giải quyết là gì ?
Lê Trung Tĩnh : Chúng tôi công bố Kiến nghị trên Facebook cá nhân và chúng tôi cảm ơn Facebook đã giúp Kiến nghị lan tỏa.
Tuy nhiên chúng tôi cũng nhận được phản hồi nhiều người từ Việt Nam không vào được trang Change.org để ký Kiến nghị, hay các post Facebook không đến với người nhận một cách bình thường. Chúng tôi đang theo dõi diễn biến của việc này.
Theo tôi, một trong những cách giải quyết cho việc kiểm duyệt thông tin đối với những người hoạt động xã hội là không nên phụ thuộc vào một mạng xã hội duy nhất, có thể dùng thêm các mạng xã hội, phương tiện truyền thông khác như Twitter, Youtube để phát huy tự do ngôn luận hay chống lại bá quyền China. Livenguide là một mạng xã hội do tôi và một vài người lập ra cũng có thể giúp làm việc này. Tuy còn nhỏ nhưng Livenguide có lợi thế độc lập và là nơi người viết có thể lưu trữ chắc chắn các bài của mình mà không sợ bị xóa, kiểm duyệt. Tôi lúc nào cũng post song song trên Facebook và Livenguide.
Diễm Thi : Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho RFA.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 28/04/2020
Việt Nam trúng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (VOA, 07/06/2019)
Việt Nam vừa đắc cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sau phiên bỏ phiếu ngày 7/6, với tỷ lệ bầu chọn 192/193.
Các thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong một buổi họp của Hội đồng. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an.
Viết trên trang Twitter ngay sau khi có kết quả bỏ phiếu, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nói "Việt Nam tự hào và vinh dự được bầu làm ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021".
"Chúng tôi sẽ dùng hết khả năng để thực hiện nghĩa vụ của một ủy viên Hội đồng nhằm góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế", ông Phạm Bình Minh viết tiếp.
Là ứng viên duy nhất trong nhóm các nước Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam khá tự tin vào khả năng trúng cử vào cơ quan chuyên giải quyết xung đột và khủng hoảng đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc tế của Liên Hiệp Quốc.
Trưởng phái đoàn Việt Nam, Đại sứ Đặng Đình Quý, trong một cuộc phỏng vấn với TTXVN trước đó cho biết đã có 120 nước trong số 193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc thể hiện sự ủng hộ đối với Việt Nam qua văn bản, còn khoảng 30-40 nước cam kết ủng hộ miệng do chưa hoàn thành thủ tục.
Sau khi trúng cử, Việt Nam sẽ thay thế vị trí của Kuwait tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc kể từ ngày 1/1/2020.
Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có 15 ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực và 10 ủy viên không thường trực được bầu theo nhiệm kỳ mỗi 2 năm.
Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Trước đó, Việt Nam từng giữ vị trí này trong nhiệm kỳ 2008-2009.
********************
Xuất hiện trên ‘văn bản’, ông Trọng chỉ đạo ‘kiên định chủ nghĩa xã hội, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng’ (VOA, 06/06/2019)
Sau nhiều tuần lễ vắng mặt, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ngày 6/6 tái xuất hiện qua một văn bản chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp hướng tới Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong văn bản đó, "kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội" và "tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng" là 2 trong số các "quan điểm định hướng" mà ông Trọng nhấn mạnh cần phải "quán triệt".
Hình ảnh ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện lần đầu tiên vào ngày 14/5/2019 trên truyền thông Việt Nam.
Trong bài viết dài gần 7 trang gửi cho các cấp ủy đảng về công tác chuẩn bị đại hội, mà báo chí Việt Nam đồng loạt đăng tin vào ngày 6/6, người đứng đầu nhà nước và đảng Cộng sản Việt Nam đưa ra 6 "quan điểm định hướng".
Ngoài hai quan điểm đầu tiên là "kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" và "tăng cường vai trò của Đảng", ông Nguyễn Phú Trọng nhắc đến việc "phát huy dân chủ rộng rãi, tập hợp cao độ trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân", "chỉnh đốn Đảng", "nâng cao niềm tin" đối với Đảng, "đổi mới công tác nhân sự", tiếp tục phòng chống tham nhũng…
"Một Đảng mà giấu giếm khuyến điểm của mình là một Đảng hỏng", ông Trọng dẫn lại lời của Hồ Chí Minh trong bài viết khi đề cập đến công tác "phê bình" và "tự phê bình" trong đảng.
Bài viết "định hướng" đánh dấu lần tái xuất tiếp theo sau ba tuần vắng bóng kể từ lần xuất hiện trở lại đầu tiên của ông Trọng vào giữa tháng 5, sau một tháng vắng mặt trước đó vì tình trạng "sức khỏe bị ảnh hưởng" sau chuyến công tác ở Kiên Giang hồi tháng 4.
Riêng trong phần chỉ đạo về công tác cán bộ, ông Trọng đề cập đến việc phải nghiêm cấm tình trạng "chạy quyền", "chạy chức", "chạy cơ cấu", "nâng người này, hạ người kia", "bè phái", "lợi ích nhóm"…
Ông cũng không quên nhắc đến công tác báo chí, tuyên truyền, khi cho rằng thời điểm chuẩn bị đại hội "cũng là thời điểm các thế lực thù địch, phản động và những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị triệt để lợi dụng để kích động, xuyên tạc, chống phá…"
Sự vắng mặt liên tục của ông Nguyễn Phú Trọng trong gần hai tháng qua đã gây ra nhiều chú ý và đồn đoán về tình trạng sức khỏe của ông.
Bất chấp sự kiện ông bất ngờ xuất hiện trở lại trong một buổi họp giữa các lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam vào ngày 14/5 và vài ngày sau, những đồn đoán có vẻ như đã chấm dứt sau lần xuất hiện này lại nổi lên, sau khi ông Trọng tiếp tục vắng bóng, nhất là trong ngày trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 hôm 29/5, mà báo chí trước đó loan tin rằng ông Trọng sẽ là người trực tiếp trình lên Quốc hội.
Chính thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã phải nêu ra đề xuất đó với họ…
VOV – Đài Tiếng nói Việt Nam và bị xem là một trong những ‘con vẹt’ của đảng Cộng sản Việt Nam – vừa giật tít chói lọi : "Việt Nam đã sẵn sàng ngồi vào ghế HĐBA Liên Hợp Quốc".
Thông tin lan truyền trên mạng xã hội cho biết quan chức ngủ ngồi ngủ sau bảng hiệu VIET NAM là Nguyễn Nam Dương – Tham tán, Hội động Bảo an & Ủy ban 6, nằm trong Danh sách cán bộ ngoại giao thuộc phái đoàn Đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Hiệp quốc (New York) :
Nhưng một tờ báo in của Đức lại vừa rút tít : "Trong khi đoàn của Thụy Sĩ rất vui vẻ thì Việt Nam đi ngủ".
Và một tờ báo của Algerie đưa tin : "Cán bộ ngoại giao ngủ giữa Hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc. Một người thuộc phái đoàn Việt Nam đã ngủ rất say giữa phiên họp toàn thể của Liên Hiệp Quốc tại New York"
Chưa hết. Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – quan chức thay thế cho một Trần Đại Quang vừa chết để dự phiên họp toàn thể của Liên Hiệp Quốc tại New York – cắm cúi đọc bài diễn văn "Tâm huyết của Việt Nam với tương lai thế giới", thì các hàng ghế cử tọa trống vắng đến khó tin. Có tờ báo nước ngoài tường thuật rằng nhiều quan chức ngoại giao các nước đã đứng dậy bỏ ra ngoài khi đến phiên Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn.
Trong khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cắm cúi đọc bài diễn văn "Tâm huyết của Việt Nam với tương lai thế giới", thì các hàng ghế cử tọa trống vắng đến khó tin.
Tháng 10//2007, chính thể độc đảng ở Việt Nam lần đầu được bầu làm thành viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2008 – 2009. Và đây là lần thứ hai chính thể này đang đôn đáo vận động cho một ‘thành tựu đối ngoại’ mới nhằm ‘không ngừng nâng cao vị thế việt Nam trên trường quốc tế’.
Có thể hiểu là vào lần này, nhu cầu ‘uy tín đối ngoại’ của nhà nước cộng sản Việt Nam còn khẩn thiết hơn nhiều so với năm 2007. Bởi vào năm 2007 nền kinh tế và ngân sách Việt Nam còn tương đối vững, viện trợ nước ngoài và kiều hối đổ vào chế độ ‘ăn của dân không chừa thứ gì’ còn tương đối nhiều, tài nguyên còn chưa bị khai thác đến mức cạn kiệt, chưa xuất hiện một cách rõ ràng quốc nạn nợ công và nợ xấu, và đặc biệt chưa hiện hình vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng 11 năm sau, tất cả những cảnh khốn cùng nêu trên đã biến thành hiện thực. Và đặc biệt nhất là vụ mật vụ Việt Nam bị cảnh sát Đức tố cáo (kèm bằng chứng) đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã khiến nổ tung cuộc khủng hoảng Đức – Việt và còn gây ra cơn địa chấn khủng hoảng kéo sang Slovakia, Pháp và cả Liên minh Châu Âu.
Đó hẳn là nguồn cơn thê thiết và trực tiếp mà đã khiến Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu của ông ta đặc biệt chạy vạy các sự kiện quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, như Hội nghị Thượng đỉnh kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng Mười Một năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới các nước ASEAN được tổ chức tại Hà Nội vào tháng Tám năm 2018, kể cả đề xuất đăng cai hụt về tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Trump của Mỹ và Chủ tịch Bắc Triều Tiên Kim Jong Un tại Việt Nam…
Cuộc vận động để chính thể Việt Nam được trở thành thành viên Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc cũng rốt ráo không kém. Và đương nhiên lôi kéo cả hệ thống tuyên giáo đảng vào cuộc theo cách ‘nhét chữ vào miệng người’.
Chẳng hạn báo Lao Động giật tít : ‘Lãnh đạo nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc’.
Những nước nào vậy ?
Cuba, Buglaria, Croatia, Fiji, Saint Lucia ?
Chỉ có điều, thông tin trong bản tin của báo Lao Động đã hoàn toàn không cho thấy ‘lãnh đạo các nước’ trên chủ động ủng hộ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc’’, mà chính thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đã phải nêu ra đề xuất đó với họ.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 30/09/2018