Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

07/06/2019

Chống diễn biến, video độc, tăng phí BOT, Sharp, Hải Phòng

RFA tiếng Việt

Thủ tướng Việt Nam kêu gọi báo chí đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá (RFA, 07/06/2019)

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan và những người làm thông tin đối ngoại cả nước cần đấu tranh ngăn chặn làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá, luận điệu xuyên tạc, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động.

chong1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng chính phủ trưa 27/2. Ảnh : Ngọc Thành (ngoisao.net)

Lời kêu gọi này được Thủ tướng Việt Nam đưa ra trong phát biểu tại buổi lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại năm 2018, được tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội.

Để công tác thông tin đối ngoại thiết thực và quan trọng hơn, Thủ tướng Việt Nam yêu cầu những người làm nghề cần nâng cao khả năng phân tích, dự báo, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế ; đồng thời xây dựng các kịch bản và phương án để chủ động phòng ngừa và xử lý khi vụ việc phức tạp xảy ra.

Mục tiêu được ông Nguyễn Xuân Phúc nói là nhằm bảo đảm giữ vững môi trường hoa bình cho phát triển, củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam.

Đây không phải là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có những phát biểu về thế lực thù địch, phản động. Trong chuyến thăm Cộng Hòa Séc từ ngày 16/4 đến 18/4, phát biểu trước cộng đồng người Việt ở Séc, ông Nguyễn Xuân Phúc nói : 

"Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không ? Đó là gì ? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn".

Đoạn video phát biểu của ông Phúc đã lan truyền mạnh trên mạng và gặp phải nhiều phản đối của người Việt tại hải ngoại.

********************

Bộ Thông tin Truyền thông : 55 ngàn video độc trên Youtube (RFA, 07/06/2019)

Báo Tiền phong trích thông tin từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử cho biết ba sai phạm chính của Google ở Việt Nam là, cơ chế quản lý nội dung đăng tải lỏng lẻo, không kiểm soát được hoạt động đăng quảng cáo, cho phép người dùng mua quảng cáo trực tiếp với Youtube, Google không thông qua đại lý quảng cáo trong nước.

chong2

Hình minh họa. AFP

Trong khi đó, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thời gian qua Google đã ngăn chặn, gỡ bỏ gần 8000 video clips xấu độc trên Youtube theo yêu cầu của Cục nhưng do cơ chế quản lý nội dung trên Youtube nên vẫn còn nhiều video xấu độc khác xuất hiện trên Youtube.

Ngoài ra, còn có những sai phạm được cho là do các nhà sáng tạo nội dung của Việt Nam trên Youtube. Theo Cục, những nội dung sai chủ yếu là gợi dục, kích động bạo lực, giang hồ mạng, cổ vũ cờ bạc, ma túy, sử dụng nhạc và hình vi phạm bản quyền

Hồi đầu năm nay, Bộ Thông tin Truyền thông cũng cáo buộc Facebook vi phạm pháp luật Việt Nam vì không đáp ứng tốt việc bóc gỡ các fanpage có những hoạt động chống phá Nhà nước Việt Nam theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

Báo cáo Minh bạch mới đây của Facebook cho biết trong 6 tháng cuối năm 2018, số nội dung bị giới hạn từ Việt Nam đã tăng hơn 500% so với 6 tháng trước đó. Nguyên nhân là do Việt Nam thắt chặt kiểm soát nội dung trên các trang mạng xã hội.

*****************

Bộ giao thông vận tải muốn tăng phí BOT (RFA, 07/06/2019)

Bộ Giao thông và vận tải đề xuất tăng phí 37 dự án BOT với lý do doanh thu sụt giảm. Truyền thông trong nước đưa tin hôm 7/6.

chong3

Hình ảnh phản đối của người dân tại các trạm BOT. (Ảnh minh họa) - RFA Edited

Theo Bộ Giao thông và vận tải, nếu không tăng phí BOT thì đến năm 2021 sẽ có 9 dự án bị phá vỡ phương án tài chính, do đó bộ này có văn bản lấy ý kiến bộ, ngành, địa phương trước khi trình Thủ tướng.

Tờ Tuổi Trẻ dẫn thông tin hầu hết hợp đồng BOT được ký giữa Bộ Giao thông và vận tải và nhà đầu tư tư nhân đều có điều khoản cho điều chỉnh thời gian thu phí, hoàn vốn khi doanh thu thực tế tăng hoặc giảm hai năm liên tiếp từ 2-5% so với tính toán trong hợp đồng.

Theo thông tư 159 của Bộ Tài chính về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng đường bộ hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ, lộ trình tăng phí của các dự án BOT là 3 năm 1 lần. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ, từ tháng 5/2016 đến nay Bộ Giao thông và vận tải chưa tăng phí với 59 dự án BOT trên cả nước.

Cũng theo báo chí trong nước thì trong số 37 dự án BOT đề xuất tăng phí có 25 dự án doanh thu thực tế giảm so với phương án tài chính trong hợp đồng BOT. Bộ Giao thông và vận tải cảnh báo nếu không tăng phí để cứu 25 dự án này thì doanh nghiệp dự án phá sản, các khoản vay nghìn tỉ từ ngân hàng để đầu tư công trình BOT trở thành nợ xấu.

Đề xuất của Bộ GT VT đưa ra vào lúc có nhiều phản đối của người dân ở nhiều địa phương phản đối các trạm thu phí BOT vì cho rằng những trạm này đặt sai vị trí hoặc thu phí bất hợp lý.

******************

Hãng Sharp muốn chuyển sản xuất máy tính cá nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam (RFA, 07/06/2019)

Sharp, gã khổng lồ điện tử Nhật Bản có kế hoạch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế xuất sang Mỹ, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày một gia tăng.

chong4

Sharp, gã khổng lồ điện tử Nhật Bản có kế hoạch chuyển sản xuất máy tính từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế xuất sang Mỹ, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày một gia tăng. Ảnh minh họa chụp tại Nhật Bản trước đây. AFP

Hãng tin NHK của Nhật Bản hôm 7/6/2019 trích các nguồn tin cho biết, công ty Sharp có kế hoạch tạm thời chuyển sản xuất máy tính cá nhân sang Đài Loan trước khi chuyển sang sản xuất sang nhà máy mới tại Việt Nam.

Nhà máy mới của Sharp dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động sau tháng 10 năm nay.

Theo NHK, Sharp ban đầu dự định sản xuất các linh kiện điện tử tại nhà máy đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng rõ ràng Sharp đang thay đổi kế hoạch, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp tục.

Đây là một động thái đáng chú ý, sau các thông báo của nhiều công ty đa quốc gia về việc chuyển sản xuất sang Việt Nam để tránh các tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Trước đó vào tháng 5 năm 2019, nhà sản xuất giày dép Brooks Running của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ chuyển phần lớn sản xuất giày từ Trung Quốc sang Việt Nam trong năm nay. Sau khi quá trình chuyển đổi hoàn tất, Việt Nam sẽ tạo ra 65% giày dép của Brooks Running, trong khi Trung Quốc sẽ chỉ sản xuất khoảng 10%.

Các nhà cung cấp của Apple cũng đã có những động thái tương tự. Nhà máy lắp ráp iPhone Đài Loan Foxconn đã đầu tư trong một khu công nghiệp ở miền bắc Việt Nam, trong khi GoerTek của Trung Quốc năm ngoái đã yêu cầu tất cả các nhà cung cấp tham gia vào việc sản xuất AirPod của mình, chuyển tất cả các vật liệu cần thiết đến Việt Nam.

Hãng Samsung tháng 12 năm ngoái đã đóng cửa một trong hai nhà máy điện thoại tại Trung Quốc để tập trung nhiều hơn vào các quốc gia có chi phí thấp như Việt Nam và Ấn Độ để sản xuất.

*****************

Trung Quốc đầu tư khu công nghiệp tại Hải Phòng để quảng bá Vành Đai Con Đường (RFA, 07/06/2019)

Khu công nghiệp VCEP (Vietnam-China Economic and Trade Cooperation Park) do Trung Quốc đầu tư năm 2018, nằm ở trung tâm sản xuất phía đông bắc của Hải Phòng và thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Thâm Quyến.

chong5

Khu công nghiệp VCEP (Vietnam-China Economic and Trade Cooperation Park) do Trung Quốc đầu tư năm 2018, nằm ở trung tâm sản xuất phía đông bắc của Hải Phòng và thuộc sở hữu của chính quyền thành phố Thâm Quyến. Photo courtesy of VCEP

Trả lời South China Morning Post hôm 3/6/2019, ông Zhang Xiaotao, Tổng giám đốc của VCEP cho biết, khu công nghiệp này được đầu tư 200 triệu USD, thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc, toàn bộ dự án ba giai đoạn dự định hoàn thành vào năm 2022. Tuy nhiên, điều quan trọng phía sau dự án này là mục đích của dự án để quảng bá cho sáng Kiến Vành Đai Con Đường chứ không phải vì lợi nhuận.

"Đánh giá của chúng tôi lúc đó là chúng tôi không thể có được lợi nhuận từ dự án. Vậy thì chúng tôi tiếp quản dự án này làm gì ? Chúng tôi phải phục vụ sáng kiến Vành Đai Con Đường vì đó là một chiến lược quốc gia", ông Zhang Xiaotao, được South Morning China Post trích lời.

Trước đây, dự án khu công nghiệp VCEP tại Hải Phòng do các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đầu tư. Sau đó dự án này đã bị đình chỉ vào năm 2014 do những bạo động của người dân phản đối Trung Quốc vào lúc đó. Khi đó chính quyền địa phương ở Việt Nam cho biết sẽ đòi lại đất trừ khi được tiếp tục lại. Chính quyền Thâm Quyến, Trung Quốc đã quyết định tiếp quản hoàn toàn dự án vào năm 2018.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 6/6/2019 từ Hà Nội, Chuyên gia kinh tế Bùi Văn, Giám đốc nội dung kênh truyền hình Kinh tế – Tài chính FBNC, Phó hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, nhận định :

"Thực chất doanh nghiệp nào cũng muốn tạo ra lợi nhuận, mà lợi nhuận đó có thể do họ tạo ra hoặc do chính phủ tài trợ theo cách này hoặc cách khác. Chính phủ Trúng Quốc họ đang cấp quỹ cho rất nhiều nước dọc theo dự án Vàng Đai Con Đường, và đương nhiên Việt Nam cũng không nằm ngoài mục đích đó của Trung Quốc. Họ đang muốn tạo ra sự ảnh hưởng nên tôi cũng không ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc tài trợ cho dự án Khu công nghiệp ở Hải Phòng. Chính phủ tạo ra ảnh hưởng này để doanh nghiệp Trung Quốc thu lợi nhuận về sau".

Theo ông Bùi Văn, Trung Quốc đầu tư khu công nghiệp ở Hải Phòng là lẽ đương nhiên, vì Hải Phòng là thành phố lớn thứ nhì miền bắc, các cảng quan trọng của miền bắc đều nằm quanh Hải Phòng, đường sắt cũng đi về Hải Phòng. Trung Quốc tham gia đầu tư vào Hải Phòng vì Hải Phòng đang trở thành một trung tâm công nghiệp và có vị trí tốt hơn các thành phố khác ở miền bắc.

Sáng kiến Vành đai Con đường được Chủ tịch Trung Quốc đưa ra vào năm 2013, khởi đầu với sáu hành lang kinh tế mà Bắc Kinh muốn vạch một con đường qua khu vực Đông Á vào tới Âu Châu. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn muốn nối liền mặt biển Đông Nam Á, Úc Châu qua Ấn Độ Dương cho tới Bắc Phi. Hiện Trung Quốc đã ký văn bản hợp tác về sáng kiến vành đai và con đường với 126 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế. Theo giới quan sát chính trị quốc tế, sáng kiến này nhằm tạo ảnh hưởng cho Trung Quốc.

Trả lời South China Morning Post hôm 3/6/2019, ông Chen Xu, Phó tổng Giám đốc VCEP cho biết : "Chi nhánh Thâm Quyến của Ủy ban kiểm soát và giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc (SASAC), giám sát tất cả các công ty thuộc sở hữu thành phố, đã yêu cầu chúng tôi biến khu công nghiệp này thành nơi trưng bày cho Sáng kiến Vành đai và Con đường, để khi các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đến thăm Việt Nam, họ có thể đến thăm Khu công nghiệp của chúng tôi".

Nghi ngờ

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển IDS một tổ chức độc lập đã tự giải thể từ Hà Nội khi trả lời RFA, tỏ vẻ nghi ngờ dự án được đầu tư bởi chính quyền Trung Quốc này :

"Nếu họ nói làm kinh tế mà không phải do lợi nhuận thì có mục đích chính trị mà thôi, hai cái đó nếu không vì cái này thì phải vì cái kia. Nhưng đối với người Trung Quốc hay chính quyền Trung Quốc, thì chuyện người ta nói một đằng, làm một nẻo là rất thường xuyên. Cho nên tôi nghĩ không nên nghe họ nói như thế nào, mà phải xem họ sẽ làm gì ở khu công nghiệp đó ở Hải Phòng ?"

Từ Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, cho rằng, về mặt kinh tế thị trường thì doanh nghiệp nào đầu tư đều tính đến lợi nhuận, nhưng đối với sự đầu tư của chính phủ hay với sự chỉ đạo của chính phủ như Trung Quốc, thì nó không chỉ bao hàm ý nghĩa về kinh tế là lợi nhuận, mà nó còn bao hàm ý nghĩa về mặt chính trị. Ông nói tiếp :

"Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc nhằm kết nối lâu dài về giao thương với thế giới và mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế, chính trị, văn hóa… ra thế giới. Việc Trung Quốc đầu tư vào Khu công nghiệp ở Hải Phòng thì mục tiêu của nó rộng hơn là chỉ nhắm đến lợi nhuận, mà nó có thể hướng tới mục tiêu chính trị xã hội. Để từ đó thuyết phục chính phủ và nhân dân Việt Nam ủng hộ chính sách Một Vành Đai, Một Con Đường".

chong6

Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ phát biểu tại Diễn đàn Vành Đai và Con Đường tại Bắc Kinh vào ngày 14 tháng 5 năm 2017. AFP photo

Hội nghị Thượng đỉnh Bắc Kinh về Sáng kiến Vành đai – Con đường lần đầu tiên được tổ chức từ ngày 12 đến 14 tháng 5 năm 2017, với đại diện từ 100 quốc gia tham dự.

Tính đến nay, Trung Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác Vành đai – Con đường với 126 quốc gia, mới đây nhất là Jamaica vào đầu tháng 4 năm 2019.

Tại Đông Nam Á, có đến 4 nước đã tham gia Sáng kiến Vành đai – Con đường bao gồm : Lào, Malaysia, Thái Lan và Indonesia. Chỉ riêng tại Việt Nam tính đến thời điểm này vẫn chưa chính thức có dự án nào liên quan đến Sáng kiến Vành đai – Con đường.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 25/4/2019 đã bày tỏ sự ủng hộ của Việt Nam đối với sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc, một dự án gây nhiều tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều chuyên gia Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng Việt Nam gia nhập sáng kiến này.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhớ lại :

"Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc thì nếu tôi nhớ không lầm, thì cách đây khoảng 5 năm, Việt Nam có tổ chức hội thảo về Sáng kiến Vành đai Con đường này, thì về cơ bản những người trình bày và độc giả bên dưới đều thống nhất : ‘Những con đường và vành đai như thế là để thế giới về chầu Bắc Kinh’".

Theo các chuyên gia Việt Nam, sự phụ thuộc quá mức vào ngoại tệ và vốn Trung Quốc có thể gây ra rủi ro cho Việt Nam về biến động tỷ giá hối đoái và những ảnh hưởng khác. Ngoài ra các chuyên gia cũng cảnh báo rằng Việt Nam nên tránh việc trở thành sân sau của Trung Quốc về công nghiệp bẩn thỉu.

Tuy nhiên ông Zhang có quan điểm ngược lại, ông cho biết Trung Quốc không chuyển tất cả các ngành công nghiệp cấp thấp của mình sang Việt Nam, điều này sẽ là vô trách nhiệm. Trung Quốc đang cố gắng giúp đỡ Việt Nam bằng sự chân thành, ngay cả khi Trung Quốc không kiếm được lợi nhuận, thì Trung Quốc vẫn muốn tiến hành dự án.

Theo ông Chen Xu, Phó tổng Giám đốc VCEP, hiện có 1.500 người đang làm việc tại VCEP, với số lượng cộng ty Trung Quốc muốn thành lập các nhà máy trong khu công nghiệp cao gấp tám lần so với số lượng 21 công ty Trung Quốc đăng ký hồi tháng 7 năm 2018.

Ông Chen cũng cho biết VCEP không chào đón các nhà sản xuất sử dụng nhiều lao động như các nhà máy sản xuất giày dép, bởi vì sẽ làm xấu hình ảnh của Trung Quốc. Thay vào đó, VCEP sẽ tập trung vào kỹ thuật công nghệ cao - chính xác là loại công nghiệp mà Trung Quốc đang khao khát nuôi dưỡng trên chính mảnh đất của mình.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quang A tỏ ra nghi ngờ về những gì Trung Quốc đưa sang Việt Nam. Ông nói :

"Khi đầu tư vào đường sắt trên cao Hà Đông – Cát Linh ở Hà Nội, tôi chỉ thấy hình ảnh và cách làm của người ta thì tôi nghĩ chính phủ Trung Quốc đã nâng đỡ một công ty cấp huyện, cấp xã nào đó của người ta, để mang sang đầu tư ở Việt Nam, để biến Việt Nam thành nơi để người ta luyện tay nghề, chứ hoàn toàn không như công nghệ cao mà Trung Quốc quảng bá".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, những cái Trung Quốc mang đến Việt Nam rất lạc hậu. Không chỉ đường sắt, mà còn có các dự án khác, hay hàng loạt nhà máy nhiệt điện Trung Quốc đầu tư… thì Việt Nam thật sự đã trở thành một bãi thải công nghệ, ô nhiễm lạc hậu.

Trung Khang

Quay lại trang chủ
Read 466 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)