Việt Nam có thể khởi tố hình sự những vụ ngư dân đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài (RFA, 21/06/2019)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 21/6 yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa ngư dân đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài, thậm chí khởi tố hình sự một số vụ để răn đe.
Tàu đánh cá Việt Nam bị tàu hải giám Đài Loan xua đuổi - Ảnh minh họa AFP
Theo truyền thông trong nước, ông Trịnh Đình Dũng đưa ra yêu cầu này trong cuộc họp với các bộ, ngành để đánh giá công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm tìm cách gỡ "thẻ vàng" cảnh cáo mà Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp dụng cho Việt Nam.
Thẻ vàng đối với các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo định của Việt Nam (hay còn gọi là khai thác IUU) được EC áp dụng với Việt Nam từ năm 2017 tới nay.
Theo Tổng cục Thủy sản, EC sẽ cử một phái đoàn sang Việt Nam vào tháng 10/2019 để đánh giá các biện pháp trong việc thực hiện cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam. Nếu tình hình không được cải thiện, Việt Nam có thể sẽ phải nhận thẻ đỏ, tức là toàn bộ sản phẩm thủy sản từ Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành và các lãnh đạo của 28 tỉnh thành phố khu vực ven biển cần triển khai các biện pháp hoạt động nhằm để tháo bỏ "thẻ vàng" của Châu Âu và nếu phát hiện vi phạm Bộ Công an cần tiến hành điều tra xem xét khởi tố hình sự những vụ việc điển hình để răn đe.
Theo truyền thông trong nước, trong năm 2018, số vụ vi phạm của tàu cá Việt Nam tiếp tục tăng với 85 vụ, gồm 137 tàu cá và hơn 1162 ngư dân. Tăng 28 vụ với 46 tàu và 379 ngư dân so với năm 2017.
Số vụ vi phạm trong 5 tháng đầu năm 2019 là 41 vụ với 69 tàu cá và 271 ngư dân. Các tỉnh có nhiều tàu vi phạm bao gồm các khu vực Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận…
******************
Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc "xâm phạm chủ quyền" Hoàng Sa (VOA, 20/06/2019)
Hà Nội hôm 20/6 cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh xử lý tàu của họ cũng như bồi thường cho các ngư dân Việt bị ảnh hưởng.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ)
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về việc gần đây một số tàu cá, ngư dân Việt Nam đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu công vụ Trung Quốc khống chế, tịch thu ngư cụ, tài sải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết "hành động nói trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Truyền thông trong nước hôm 7/6 đưa tin một tàu chụp mực của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc chặn và cướp đi 2 tấn mực khô ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, sau khi đe dọa sẽ "cắt lưới, lấy hết tài sản và lai dắt tàu về Trung Quốc" nếu tái phạm.
Theo bà Hằng hành động trên của tàu Trung Quốc còn "vi phạm luật quốc tế" đối với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết đối với vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc" và "đe dọa an toàn tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này".
"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ Trung Quốc vi phạm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội.
Việt Nam còn yêu cầu Trung Quốc phải "bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam" và kêu gọi Bắc Kinh "có hình thức giáo dục các nhân viên của phía Trung Quốc không để tái diễn vụ việc tương tự".
Bà Hằng cho biết, đại diện Bộ Ngoại giao hôm 19/6 đã "giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối hành động nêu trên".
Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp này.
Hồi tháng 3, một tàu cá và 5 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm tàu hải cảnh xua đuổi tàu cá Việt Nam và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân.
Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông trong suốt 20 năm qua, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 chính thức lên tiếng phản đối và bác bỏ lệnh cấm này.
****************
Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc sách nhiễu tàu cá Việt Nam (RFA, 20/06/2019)
Đối với tình trạng một số tàu của Việt Nam đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tịch thu hải sản, ngư cụ ; người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại tuyên bố Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông.
Hình minh họa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại một họp báo ở Hà Nội, hôm 14/3/2019 AP
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hành động mà tàu Trung Quốc gây nên đối với tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế ; vi phạm Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ; đe dọa an toàn, tài sản của các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này.
Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, một tàu cá của Philippines là tàu FB Gemvir-1 của Philippines bị một tàu Trung Quốc đâm chìm gần Bãi Cỏ Rong khiến 22 ngư dân Philippines trôi nổi trên biển nhiều giờ.
Tàu cá TGTG-90983-TS của ngư dân Ngô Văn Thẻng người Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã đến cứu những ngư dân Phillippines.
Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các tàu cá khi hoạt động trên biển có trách nhiệm thực thi các công ước quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và các sáng kiến của Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO). Theo đó các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển.
Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và IMO và tàu cá Việt Nam thực hiện các nghia vụ quốc tế của mình.