Trọng Nghĩa, RFI, 06/05/2022
Trong một bức thư phản đối đề ngày 04/05/2022, Hội Nghề Cá Việt Nam đã lên tiếng tố cáo việc Trung Quốc lại đơn phương ban hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông cho năm 2022 này. Lời phản đối của Hội Nghề Cá được đưa ra ít lâu sau tuyên bố phản đối hôm 29/04 vừa qua của Bộ Ngoại Giao Việt Nam.
Ảnh tư liệu chụp ngày 26/03/2016 : Các tàu cá neo đậu tại cảng cá Thọ Quang, Đà Nẵng, miền trung Việt Nam. AP - Hau Dinh
Vào cuối tháng Tư, như thông lệ, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, dự kiến trong thời hạn ba tháng, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/05/2022. Vấn đề là phạm vi cấm đánh bắt còn bao gồm cả một phần vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa đang có tranh chấp chủ quyền với Việt Nam.
Theo Hội Nghề Cá Việt Nam, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm các quyền và lợi ích khác của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Trước đó, hôm 29/4/2022, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng cho rằng "một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa", và "yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông".
Trong bài phân tích về lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc, chuyên san Nhật Bản The Diplomat vào hôm nay đã nhắc lại một ghi nhận của chuyên gia về Biển Đông Bill Hayton theo đó lệnh cấm mà Bắc Kinh đơn phương ban hành không áp dụng đối với các tàu cá Trung Quốc có giấy phép chính thức để đánh cá trong vùng biển tranh chấp.
Trọng Nghĩa
**********************
RFA, 05/05/2022
Hội Nghề cá Việt Nam vào ngày 4/5 ra công văn phản đối lệnh cấm đánh bắt tại Biển Đông của Trung Quốc. Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng lệnh của phía Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt tại Biển Đông ở một phần vùng biển Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa là phi lý, và rằng "Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam".
- AFP
Chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có nhiều toan tính sau các lệnh cấm đánh bắt cá. Còn ngư dân Việt thì nói họ bị Trung Quốc tấn công, xua đuổi dù đang trong vùng biển Việt Nam, bất kể thời điểm có áp dụng lệnh cấm hay không.
Trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự do về công văn phản đối của Hội Nghề Cá Việt Nam, ông Nguyễn Chu Hồi, Phó chủ tịch thường trực Hội, cho biết :
"Thực ra cái lệnh này thì hàng năm đã nêu và cũng không có lý do gì khác những năm trước cả, vẫn là lý do để bảo vệ nguồn lợi dưới biển. Cũng giống như những năm trước, nó chỉ là một hành động lặp lại, năm nào cứ đến thời gian này họ làm, thì mình phải phản đối thôi".
Thạc sĩ, chuyên gia nghiên cứu Biển Đông Hoàng Việt cho biết thêm rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc trên Biển Đông bắt đầu tuyên bố từ năm 1999, nhưng ban đầu gần như là không áp dụng.
Đến khoảng những năm 2007 trở đi thì Trung Quốc mới bắt đầu xây dựng đội tàu của mình mạnh lên, trong đó có đội tàu ngư chính của hải cảnh Trung Quốc. Đội tàu này bắt đầu đi bắt bớ, hốt đổ và đâm chìm tàu cá ngư dân nước ngoài, mà trong đó có cả Việt Nam. Ngoài ra, họ cũng bắt một số tàu cá để đòi tiền chuộc…
"Những năm trước 2015 thì Trung Quốc chỉ tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá khoảng nửa tháng là chấm dứt, nhưng sau này thì Trung Quốc bắt đầu kéo dài ra, và mỗi năm lại kéo dài thêm. Năm nay là tuyên bố tới ba tháng lận".
Toan tính của Trung Quốc sau các lệnh cấm đánh bắt cá
Phía Trung Quốc nêu lý do của lệnh cấm đánh bắt cá trên khu vực Biển Đông là vì muốn bảo vệ nguồn tài nguyên dưới biển, tránh tình trạnh khai thác quá mức. Nhưng mục đích thực sự của các lệnh cấm đánh bắt cá này, theo thạc sĩ Hoàng Việt, Trung Quốc đang có toan tính khác. Ông nói :
"Vấn đề thứ nhất là không biết Trung Quốc có phải thực sự muốn bảo vệ nguồn cá hay không. Cái này phải trở lại vấn đề là đã có rất nhiều tổ chức về việc đánh cá không kiểm soát, đánh cá lậu… thì Trung Quốc là quốc gia bị xếp vào nhóm có hoạt động đánh cá lậu không kiểm soát lớn nhất trên thế giới.
Không chỉ Biển Đông hay biển Hoa Đông mà Trung Quốc còn đi ra tới những vùng biển rất xa, mà đánh cá theo biện pháp gọi là "tận diệt", và cái này có rất nhiều báo chí và báo cáo của các tổ chức phi chính phủ trên thế giới nghiên cứu về vấn đề này".
Nếu Trung Quốc không có ý định bảo về nguồn tài nguyên dưới biển, vậy mục đích thực sự của việc ban hành các lệnh cấm đánh bắt cá, đều đặn trong hàng chục năm qua là gì ? Theo thạc sĩ Hoàng Việt, là do Trung Quốc muốn củng cố và hiện thực hóa cái mà Trung Quốc cho là Đường chín đoạn trên Biển Đông. Ông lý giải về nhận định của mình :
"Một trong những lý thuyết mà Trung Quốc giải thích với thế giới về Đường lưỡi bò hay Đường chín đoạn là Trung Quốc đã có Quyền lịch sử rất lâu đời ở trên này, và các Quyền lịch sử này phải được ưu tiên cho Trung Quốc vì Trung Quốc có trước cả Công ước Luật biển.
Trung Quốc muốn năm nào cũng đưa ra một tuyên bố, một lệnh cấm đánh bắt cá như vậy, tức là một cái cách để Trung Quốc hỗ trợ và đẩy mạnh cái gọi là Quyền lịch sử của mình. Có nghĩa là Trung Quốc khẳng định Quyền lịch sử của mình. Và Trung Quốc đã có những thể hiện này, những tuyên bố này, để nói với tất cả cộng đồng quốc tế rằng chúng tôi đã bảo vệ nguồn cá như vậy…
Đây là một dạng của Trung Quốc dùng để mà hiện thực hóa và hỗ trợ các nền tảng pháp lý sau này cho Đường lưỡi bò hay là Đường chín đoạn của Trung Quốc.
Trong luật quốc tế, khi có những tuyên bố như của Trung Quốc mà anh không lên tiếng thì mặc nhiên bị coi là chấp thuận. Và lập luận của các nhà nghiên cứu của Trung Quốc cũng hay đưa ra là Trung Quốc đã tuyên bố Đường lưỡi bò từ rất lâu mà không có quốc gia nào phản đối cả.
Vì cái luận điểm như vậy cho nên đó là lý do mà Hội Nghề cá hàng năm phải lên tiếng phản đối, để khẳng định một điều là chúng tôi không chấp nhận chuyện này cái yêu sách này của Trung Quốc".
Bản đồ vùng cấm đánh bắt cá trên Biển Đông do Trung Quốc mới ban hành hè năn 2022
Ngư dân bị tấn công bất kể có áp dụng lệnh cấm hay không
Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã có hành động dùng vũ lực tấn công, khống chế, cướp hải sản, trang thiết bị của các tàu cá Việt Nam hoạt động tại khu vực Biển Đông. Thông tin về các vụ được đưa lên các mặt báo ở trong nước là ít hơn nhiều so với thực tế.
Một ngư dân tên Thanh, từng hoạt động đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa, nói với RFA rằng không chỉ trong khoảng thời gian áp dụng lệnh cấm đánh bắt thì hải cảnh Trung Quốc mới tấn công, xua đuổi tàu cá Việt Nam, mà điều đó xảy ra ở hầu hết các thời điểm trong năm, thường xuyên "như cơm bữa" :
"Nghề của mình là đi xa nhất có thể của vùng lãnh thổ Việt Nam, thường thì sẽ tầm hai tháng đổ lên, khoảng 70 ngày. Mình hay đánh bắt ở ngư trường Trường Sa. Hầu như trong mọi chuyến đi biển thì dù tàu của mình hoạt động trong lãnh hải Việt Nam, mà mỗi khi gặp đầu Trung Quốc đều bị họ đuổi. Chuyện này thường như cơm bữa.
Họ sử dụng loa phát thanh bằng tiếng Việt nói rằng "Đây là vùng biển thuộc chủ quyền sở hữu của Trung Quốc. Đề nghị các tàu của nước ngoài rời đi". Đôi lúc họ cũng sử dụng nước vòi rồng.
Nếu tàu của mình đi riêng lẻ thì họ sẽ áp sát. Thường thì mình bỏ chạy nên chưa bị họ tiếp cận bao giờ. Nhưng vào năm 2018, tàu của chú mình đi theo đoàn, nhưng buổi tối đánh bắt nên tách ra, và bị tàu của họ đâm trực diện dẫn đến chìm hoàn toàn.
Cũng may là chỉ bị mất tàu, may mà không có ai bị gì. Sau đó, tàu cùng đoàn đến vớt người lên, vì các tàu đều trang bị bộ đàm nên khi gặp nạn sẽ phát tín hiệu SOS".
Riêng bản thân mình, ông Thanh kể cũng đã từng một bị tấn công, cướp hải sản hồi năm 2016 :
"Có lần mình bị tàu ngư dân của họ tấn công và lấy đi một số lượng ngư phẩm. Hai tàu ngư dân của họ tiếp cận mình, họ đến và có vũ trang. Họ yêu cầu mình quỳ xuống và chắp tay ra sau đầu rồi lục lọi.
Lúc đó cả tàu không ai biết tiếng Trung nên họ chỉ dọa nạt một hồi và lấy gần một tấn mực. Tổng trị giá gần 100 triệu đồng.
Sau đó mình có báo cảnh hải cảnh Việt Nam, họ cũng có xuống kiểm định các kiểu nhưng không làm mất hút luôn".
Ông Thanh chia sẻ rằng do công việc khó khăn, vất vả mà bây giờ ngư trường bị thu hẹp, thương phẩm bị cạn kiệt dần, giá dầu thì lên cao ngất ngưởng, không có doanh thu, cho nên ông đã nghỉ đi biển gần một năm nay.
Nguồn : RFA, 05/05/2022
***********************
Hội Nghề cá Việt Nam phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc
VOA, 04/05/2022
Hội Nghề cá Việt Nam vừa gửi công văn cho các cơ quan hữu trách Việt Nam để yêu cầu phản đối và có biện pháp đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá kéo dài 3 tháng của Trung Quốc trên Biển Đông, bắt đầu từ ngày 1/5.
Tàu cá Việt Nam ở Lý Sơn.
"Việc ban hành lệnh cấm lặp lại hằng năm và kéo dài thời gian cấm đánh bắt cá trên Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu cá của ngư dân Việt Nam với lực lượng hải cảnh phía Trung Quốc, cản trở hoạt động bình thường của tàu cá và ngư dân Việt Nam trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam", báo Tuổi Trẻ dẫn công văn do Phó chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam Nguyễn Chu Hồi ký hôm 4/5 nói.
Theo Hội này, Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông, trong khu vực bao gồm một phần vùng biển vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Lệnh cấm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 và dự kiến kéo dài 3 tháng.
Hội nghề cá Việt Nam nói lệnh cấm đơn phương của Trung Quốc là một hành động "sai trái, ngang ngược" và "vô giá trị". Tổ chức này yêu cầu các cơ quan hữu trách Việt Nam phản đối mạnh mẽ và có những biện pháp quyết liệt, ngăn chặn lệnh cấm đánh bắt cá phi lý của Trung Quốc, nhằm bảo vệ tài nguyên và bảo vệ an toàn cho ngư dân Việt Nam.
Hội này cho biết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tỉnh Hội thủy sản, Hội nghề cá địa phương và các đơn vị liên quan để tuyên truyền cho ngư dân chấp hành đúng luật khi đánh bắt trên biển và hỗ trợ, vận động ngư dân "ra khơi bám biển", góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Từ nhiều năm qua, Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hằng năm ở Biển Đông, kéo dài nhiều tháng với lý do bảo vệ nguồn lợi thủy hải trong mùa sinh sản. Tuy nhiên, các quốc gia láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông cho rằng đây là một trong những biện pháp mà Bắc Kinh áp đặt nhằm khẳng định chủ quyền trong các khu vực trên, thông qua việc cấm ngư dân các quốc gia khác đánh bắt trong thời hạn mà Bắc Kinh đưa ra.
Tuần trước, khi được hỏi quan điểm của Việt Nam về lệnh cấm của Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói lập trường của Việt Nam là nhất quán và được khẳng định rõ trong những năm qua.
"Theo đó, một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam", bà Hằng nói, và yêu cầu Trung Quốc "tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông".
Nguồn : VOA, 04/05/2022
Trung Quốc sẽ tập trận suốt tháng 5 tại Vịnh Bắc Bộ
RFA, 30/04/2021
Quân Đội Trung Quốc vào tháng năm sẽ tiến hành tập trận suốt cả tháng tại phía tây bán đảo Lôi Châu, tức Vịnh Bắc Bộ.
Hình minh hoạ. Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia tập trận ở Tây Thái Bình Dương hôm 18/4/2018- Reuters
Tin VTC dẫn nguồn từ thông báo ngày 30 tháng tư năm 2021 của Cục Hải Sự Trung Quốc như vừa nêu. Theo đó, tàu thuyền không được đi vào khu vực có bán kính 7 km từ điểm có tọa độ 21-14.23 Bắc và 109-32.80 Đông trong thời gian diễn tập suốt tháng 5/2021.
Đây là cuộc diễn tập lần thứ sáu trong năm nay mà Trung Quốc cho tiến hành tại Vịnh Bắc Bộ như vừa nêu. Quy mô tập diễn tập trong tháng năm so với tháng tư tại Vịnh Bắc Bộ mà phía Trung Quốc tiến hành có mở rộng thêm.
Ngoài hoạt động diễn tập tại Vịnh Bắc Bộ, trong hai tháng ba và tư vừa qua, Trung Quốc còn tiến hành những cuộc tập trận khác trên các vùng biển quanh Hoa Lục gồm Hoàng Hải, biển Hoa Đông và Biển Đông.
Vào năm ngoái, Trung Quốc cho thực hiện chín cuộc tập trận tại Vịnh Bắc Bộ và 11 cuộc tập trận tại Biển Đông.
************************
Trọng Nghĩa, RFI, 30/04/2021
Chính quyền Việt Nam vào hôm qua 29/04/2021 đã chính thức lên tiếng bác bỏ lệnh cấm đánh cá mà Trung Quốc vừa ban hành trên các vùng biển bao quanh Trung Quốc trong đó có Biển Đông.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc mới ban hành hôm 27/04 đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời đi ngược lại các thỏa thuận giữa hai nước.
Theo ông Việt, Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
Phản đối của Việt Nam nhắm vào lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc vừa ban hành, áp dụng trên các vùng biển : Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và một phần Biển Đông từ vĩ tuyến 12 trở lên phía bắc. Thời gian lệnh cấm có hiệu lực là từ 01/05 đến 16/09/2021.
Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh liên tục ban hành các lệnh cấm đánh cá, với lý do là để bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Vấn đề là lệnh cấm này bao trùm lên vùng biển của các láng giềng mà Trung Quốc cho là của họ, và luôn luôn bị phản đối.
Theo ông Đoàn Khắc Việt, việc bảo vệ tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS, và không được xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
Hãng tin Trung Quốc Tân Hoa Xã trích dẫn lực lượng Hải Cảnh Trung Quốc đe dọa sẽ tăng cường tuần tra và giám sát chặt chẽ hơn các tàu đánh cá.
Lời đe dọa được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc vừa cho áp dụng Luật Hải Cảnh mới, cho phép lực lượng cảnh sát biển của họ sử dụng võ lực, kể cả nổ súng vào tàu nước ngoài bị cho là không tuân thủ luật lệ của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, vào hôm qua, 29/04, Quốc hội Trung Quốc cũng đã phê chuẩn một bộ luật sửa đổi, tăng thêm quyền hạn cho các cơ quan phụ trách an toàn hàng hải.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, Ủy Ban Thường Vụ Quốc hội Trung Quốc đã thông qua dự thảo sửa đổi Luật An Toàn Giao Thông Hàng Hải, sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/09 tới đây.
Căn cứ vào luật mới này, Cục Hải Sự, thuộc Bộ Giao thông và vận tải Trung Quốc, có quyền ra lệnh cho các tàu nước ngoài rời khỏi vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là lãnh hải nếu đánh giá tàu đó có thể đe dọa an ninh. Luật này cũng cho phép ngăn chặn các tàu nước ngoài xâm nhập vùng biển mà Trung Quốc cho là của họ nếu các tàu không thuộc diện qua lại vô hại theo luật quốc tế.
Theo hãng Kyodo, luật kể trên đang làm dấy lên lo ngại về việc căng thẳng lại gia tăng giữa Trung Quốc và các láng giềng ở Biển Đông cũng như ở các vùng biển khác trong khu vực.
Trọng Nghĩa
Bắc Kinh : Hà Nội 'không có quyền' bình luận về lệnh đánh bắt cá trên Biển Đông (VOA, 12/05/2020)
Trung Quốc phản pháo lại sự chống đối của Việt Nam về lệnh đánh bắt cá mà Hà Nội gọi là "đơn phương" mới được Bắc Kinh ban hành cho hơn ba tháng mùa hè.
Tàu Hải cảnh Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh minh họa
Theo Tân Hoa Xã, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 11/5 tuyên bố rằng Việt Nam "không có quyền bình luận về lệnh đánh bắt cá vào mùa hè này của Trung Quốc trên vùng Biển Nam Trung Hoa (Việt Nam gọi là Biển Đông) vì các biện pháp này thuộc quyền hành chính của Trung Quốc".
Phát ngôn của ông Triệu Lập Kiên được đưa ra 3 ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lên tiếng phản đối "quyết định đơn phương" của Trung Quốc. Bà Hằng hôm 8/5 đề nghị phía Trung Quốc "không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông".
Lệnh cấm của Bắc Kinh có hiệu lực trong vòng 3 tháng rưỡi, từ ngày 1/5 cho đến 16/8, và lực lượng hải cảnh Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nhất để ngăn chặn "mọi hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp".
Lệnh cấm này được Bắc Kinh đưa ra sau khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng sự tập trung của cộng đồng quốc tế vào đại dịch virus corona để bành trướng trên Biển Đông.
Tân Hoa Xã cho biết, lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm vừa được ban hành áp dụng cho vùng hải lý phía bắc trên vĩ tuyến 12 của biển Nam Trung Hoa – tức Biển Đông. Hơn 50.000 tàu đánh cá của Trung Quốc sẽ ngừng hoạt động trong thời gian lệnh cấm.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hôm 8/5 cho rằng ngư dân Việt Nam "hoàn toàn có quyền đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".
Ông Lập nói với các phóng viên tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm 11/5 rằng không thể tranh cãi về việc Tây Sa – mà Việt Nam gọi là Hoàng Sa – là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Người phát ngôn này nhấn mạnh rằng việc tiến hành lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp lệ của Trung Quốc nhằm thực hiện các quyền hành chính và các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp. Theo ông Lập, biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và sự phát triển bền vững trên Biển Đông.
Người phát ngôn BNG Trung Quốc nói rằng Việt Nam "không nên khuyến khích ngư dân của mình vi phạm các quyền và lợi ích của Trung Quốc cũng như làm suy yếu sự phát triển bền vững của các nguồn lợi thủy sản" trên Biển Đông.
Theo Tuổi Trẻ, Hội Nghề cá Việt Nam vào tuần trước đã gửi công văn tới Văn phòng Chính phủ và nhiều bộ sở khác để "kịch liệt phản đối hành động hết sức phi lý của phía Trung Quốc".
*********************
Trung Quốc nói Việt Nam 'không có quyền' phản đối lệnh cấm đánh cá trên Biển Đông (BBC, 12/05/2020)
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Hai nói Việt Nam không có quyền bình luận về lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè của Trung Quốc ở vùng biển Biển Đông vì biện pháp này thuộc về quyền hành chính của Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã.
Năm 2019, ngư dân Việt Nam được chính phủ động viên ra khơi bám biển trong thời gian TQ áp lệnh cấm đánh bắt cá, nhưng các tàu có giấy phép khai thác chung trên biển được khuyến cáo không đi quá sang phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đưa ra phát biểu này sau khi người đồng cấp Việt Nam lên tiếng phản đối lệnh cấm đánh bắt cá của nước này và yêu cầu Trung Quốc không "làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông".
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm của Trung Quốc trong năm nay bắt đầu vào ngày 1/5 và dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 16/ 8 ở vùng biển phía bắc, trong phạm vi từ 12 độ vĩ Bắc đến vùng biển giao giữa tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, một phần khu vực Vịnh Bắc Bộ và bãi cạn Scarborough, theo tin từ truyền thông Việt Nam.
Còn theo Tân Hoa Xã, hơn 50.000 tàu đánh cá sẽ bị cấm hoạt động tại khu vực nói trên trong thời gian kéo dài ba tháng rưỡi.
Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ tăng cường tàu chấp pháp giám sát hai tới ba lần một ngày để bắt và xử phạt các trường hợp tàu cá bị coi là vi phạm.
Trong bài phát biểu, ông Triệu Lập Kiên nói rằng "không thể chối cãi rằng Quần đảo Hoàng Sa là một phần của lãnh thổ Trung Quốc", đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển có liên quan của Biển Đông theo luật pháp quốc tế và luật pháp trong nước của Trung Quốc.
"Thực hiện lệnh cấm đánh bắt cá mùa hè ở vùng biển có liên quan của Biển Đông là một biện pháp hợp pháp của Trung Quốc để thực hiện các quyền hành chính và thực thi các nghĩa vụ quốc tế có liên quan theo luật pháp", ông này nói. Ông nói thêm rằng biện pháp này có lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và phát triển bền vững ở Biển Đông.
"Việt Nam không nên khuyến khích ngư dân xâm phạm quyền và lợi ích của Trung Quốc và làm suy yếu sự phát triển bền vững của nguồn lợi thủy sản ở Biển Đông", ông Triệu Lập Kiên nói, theo trích dẫn của Tân Hoa Xã.
Khu vực Trung Quốc đơn phương cấm đánh bắt cá ở Biển Đông theo đồ họa Google được VnExpress công bố
Việt Nam nói gì ?
Tuần trước, bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết : Việt Nam yêu cầu Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông.
Hôm 04/5/2019, bà Lê Thị Thu Hằng nói :
"Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc".
Hồi năm 2019, Trung Quốc cũng đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá tương tự. Và sau khi lệnh này được dỡ bỏ sau ba tháng rưỡi, Trung Quốc cho hơn 3. 000 tàu cá của mình ra khơi, khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng.
Cùng lúc đó, hồi tháng 8/2019, tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc cùng một số tàu hộ tống đã quay trở lại khu vực Bãi Tư chính thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của Việt Nam sau một thời gian ngắn rút đi, khiến bầu không khí tưởng chừng đã dịu đi chút ít giữa Bắc Kinh và Hà Nội trở nên căng thẳng trở lại.
Lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm được Trung Quốc bắt đầu đưa ra từ năm 1999.
Lệnh này, theo Trung Quốc, là nhằm để bảo vệ các nguồn tài nguyên biển và môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, Việt Nam luôn phản đối và coi đây là lệnh cấm bất hợp pháp.
Quyền đánh bắt cá đã trở thành một trong những vấn đề gây căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực.
Hồi năm 2019, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã rút lại thỏa thuận miệng mà ông nói đã hứa với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi 2016, theo đó cho phép ngư dân Trung Quốc vào đánh bắt ở vùng biển có tranh chấp quanh khu vực bãi Cỏ Rong.
Lệnh cấm đánh bắt cá năm 2020 của Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đã leo thang, khi Trung Quốc bị cáo buộc lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 để tăng cường các hoạt động tại vùng biển này.
Ngay trước lệnh đánh bắt cá, Trung Quốc đã tiến hành khai thác khí tự nhiên trên Biển Đông, đưa tàu và máy bay tới diễn tập, khánh thành hai trạm nghiên cứu ở Đá Subi và Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng cho đánh chìm tàu cá của Việt Nam, và ra quyết định nâng cấp đơn vị hành chính của quần đảo mà nước này gọi là Tây Sa, Nam Sa thành quận Tây Sa, quận Nam Sa, thuộc thành phố Tam Sa - nằm trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Trước đó, trả lời BBC News tiếng Việt hôm 4/5, Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên lãnh đạo Ban Biên giới Chính phủ Việt Nam nói rằng ngoài tiếp tục lên tiếng phản đối, Việt Nam cần cung cấp và trang bị thêm cho ngư dân một số biện pháp nâng cao hơn để giúp cho việc tự bảo vệ và đấu tranh pháp lý hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đức Huy cho VOA biết sau sự kiện này, ban tổ chức sẽ tiếp tục có những buổi trao đổi với Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và các dân biểu về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.
Ngày 11/5 đánh dấu ngày bác sĩ bất đồng chính kiến Nguyễn Đan Quế vào năm 1990 ra công bố Tuyên ngôn củ a Phong trào đấu tranh bất bạo động cho Nhân quyền tại Việt Nam.
Từ năm 1994, ngày này được Quốc hội Mỹ công nhận là Ngày Nhân quyền Việt Nam để nhấn mạnh sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với việc bảo vệ và khuyến khích các quyền tự do căn bản của công dân tại Việt Nam được quốc tế công nhận.
Kể từ 1995, Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5 được tổ chức hằng năm tại trụ sở Quốc hội Hoa Kỳ.
Việt Nam có thể khởi tố hình sự những vụ ngư dân đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài (RFA, 21/06/2019)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 21/6 yêu cầu Bộ Công an điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, móc nối đưa ngư dân đánh bắt cá trái phép ở nước ngoài, thậm chí khởi tố hình sự một số vụ để răn đe.
Tàu đánh cá Việt Nam bị tàu hải giám Đài Loan xua đuổi - Ảnh minh họa AFP
Theo truyền thông trong nước, ông Trịnh Đình Dũng đưa ra yêu cầu này trong cuộc họp với các bộ, ngành để đánh giá công tác thực hiện chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm tìm cách gỡ "thẻ vàng" cảnh cáo mà Ủy ban Châu Âu (EC) đã áp dụng cho Việt Nam.
Thẻ vàng đối với các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo định của Việt Nam (hay còn gọi là khai thác IUU) được EC áp dụng với Việt Nam từ năm 2017 tới nay.
Theo Tổng cục Thủy sản, EC sẽ cử một phái đoàn sang Việt Nam vào tháng 10/2019 để đánh giá các biện pháp trong việc thực hiện cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp của tàu cá Việt Nam. Nếu tình hình không được cải thiện, Việt Nam có thể sẽ phải nhận thẻ đỏ, tức là toàn bộ sản phẩm thủy sản từ Việt Nam sẽ bị cấm xuất khẩu vào EU.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ ngành và các lãnh đạo của 28 tỉnh thành phố khu vực ven biển cần triển khai các biện pháp hoạt động nhằm để tháo bỏ "thẻ vàng" của Châu Âu và nếu phát hiện vi phạm Bộ Công an cần tiến hành điều tra xem xét khởi tố hình sự những vụ việc điển hình để răn đe.
Theo truyền thông trong nước, trong năm 2018, số vụ vi phạm của tàu cá Việt Nam tiếp tục tăng với 85 vụ, gồm 137 tàu cá và hơn 1162 ngư dân. Tăng 28 vụ với 46 tàu và 379 ngư dân so với năm 2017.
Số vụ vi phạm trong 5 tháng đầu năm 2019 là 41 vụ với 69 tàu cá và 271 ngư dân. Các tỉnh có nhiều tàu vi phạm bao gồm các khu vực Kiên Giang, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Bình Định, Bình Thuận…
******************
Việt Nam cáo buộc tàu Trung Quốc "xâm phạm chủ quyền" Hoàng Sa (VOA, 20/06/2019)
Hà Nội hôm 20/6 cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam và yêu cầu Bắc Kinh xử lý tàu của họ cũng như bồi thường cho các ngư dân Việt bị ảnh hưởng.
Một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm thẳng vào khi đang đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam. (Ảnh chụp màn hình Tuổi Trẻ)
Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng về việc gần đây một số tàu cá, ngư dân Việt Nam đánh bắt tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị tàu công vụ Trung Quốc khống chế, tịch thu ngư cụ, tài sải, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết "hành động nói trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa".
Truyền thông trong nước hôm 7/6 đưa tin một tàu chụp mực của ngư dân Quảng Nam bị tàu Trung Quốc chặn và cướp đi 2 tấn mực khô ở khu vực đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, sau khi đe dọa sẽ "cắt lưới, lấy hết tài sản và lai dắt tàu về Trung Quốc" nếu tái phạm.
Theo bà Hằng hành động trên của tàu Trung Quốc còn "vi phạm luật quốc tế" đối với "Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết đối với vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc" và "đe dọa an toàn tài sản của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này".
"Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc xử lý nghiêm các nhân viên và tàu công vụ Trung Quốc vi phạm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói với phóng viên tại buổi họp báo thường kỳ ở Hà Nội.
Việt Nam còn yêu cầu Trung Quốc phải "bồi thường thỏa đáng cho ngư dân Việt Nam" và kêu gọi Bắc Kinh "có hình thức giáo dục các nhân viên của phía Trung Quốc không để tái diễn vụ việc tương tự".
Bà Hằng cho biết, đại diện Bộ Ngoại giao hôm 19/6 đã "giao thiệp với đại diện Đại sứ quán Trung Quốc phản đối hành động nêu trên".
Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc cản trở tàu cá và ngư dân Việt Nam đánh bắt trên vùng biển có tranh chấp này.
Hồi tháng 3, một tàu cá và 5 ngư dân ở tỉnh Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Sau đó, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc xử lý nghiêm tàu hải cảnh xua đuổi tàu cá Việt Nam và bồi thường thỏa đáng cho ngư dân.
Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông trong suốt 20 năm qua, bất chấp phản đối từ các nước láng giềng có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 4/5 chính thức lên tiếng phản đối và bác bỏ lệnh cấm này.
****************
Việt Nam phản đối tàu Trung Quốc sách nhiễu tàu cá Việt Nam (RFA, 20/06/2019)
Đối với tình trạng một số tàu của Việt Nam đánh bắt hải sản tại ngư trường truyền thống Hoàng Sa bị tàu Trung Quốc xua đuổi, tịch thu hải sản, ngư cụ ; người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lặp lại tuyên bố Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa tại Biển Đông.
Hình minh họa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại một họp báo ở Hà Nội, hôm 14/3/2019 AP
Theo bà Lê Thị Thu Hằng, hành động mà tàu Trung Quốc gây nên đối với tàu cá Việt Nam tại Biển Đông là xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa theo luật pháp quốc tế ; vi phạm Thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ; đe dọa an toàn, tài sản của các ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển này.
Vào ngày 9 tháng 6 vừa qua, một tàu cá của Philippines là tàu FB Gemvir-1 của Philippines bị một tàu Trung Quốc đâm chìm gần Bãi Cỏ Rong khiến 22 ngư dân Philippines trôi nổi trên biển nhiều giờ.
Tàu cá TGTG-90983-TS của ngư dân Ngô Văn Thẻng người Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã đến cứu những ngư dân Phillippines.
Về vụ việc này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng các tàu cá khi hoạt động trên biển có trách nhiệm thực thi các công ước quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, và các sáng kiến của Tổ chức Hàng Hải Quốc Tế (IMO). Theo đó các tàu cá có trách nhiệm đối xử nhân đạo và hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển.
Việt Nam là quốc gia thành viên của UNCLOS 1982 và IMO và tàu cá Việt Nam thực hiện các nghia vụ quốc tế của mình.