Ngư dân Kỳ Nam, Hà Tĩnh tiếp tục biểu tình (RFA, 21/03/2017)
Hàng trăm ngư dân tại xã Kỳ Nam, thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào sáng ngày 21 tháng 3 biểu tình với lý do không được đền bù thỏa đáng do thảm họa môi trường biển mà Fomosa gây ra từ hồi tháng 4 năm 2016.
Người dân biểu tình phản đối tập đoàn Formosa tại Hà Nội vào ngày 1 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Tin tức ghi nhận được cho biết những người biểu tình mang theo lưới kéo nhau đến trước trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Kỳ Nam. Người dân phản đối việc bồi thường không công bằng như có trường hợp người thân của cán bộ xã không làm nghề biển lại nhận được tiền bồi thường ; trong khi chính những nạn nhân trực tiếp thì lại không.
Tin cũng nói cơ quan chức năng huy động cảnh sát cơ động, công an, an ninh ra trấn áp những người biểu tình.
Một số hình ảnh loan truyền trên mạng cho thấy có người biểu tình bị đánh đập.
Vào đầu tháng tư năm ngoái, thảm họa môi trường xảy ra do nhà máy Formosa tại khu công nghiệp Vũng Áng, Hà Tĩnh thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển. Nhà máy này sau đó thừa nhận hành vi xả thải và đồng ý bồi thường 500 triệu đô la để khắc phục cũng như bồi thường cho các đối tượng bị tác động.
Chính phủ Hà Nội nhận tiền và có ra thông báo về việc chi trả.
********************
Mưu sinh bên hè phố (VOA, 21/03/2017)
Một hộp xi, một chiếc bàn chải lông ngựa, một cái áo thun cũ, một chiếc hộp gỗ đựng các lọ keo dán giày và vài chiếc ghế nhựa dành cho khách ngồi. Chọn một gốc cây hoặc một góc phố. Vậy là ngày làm việc mới bắt đầu, một ngày giản đơn đi qua.
Tại Việt Nam hiện nay, những người già chưa đủ 85 tuổi, nếu không có người thân, phải tự bươn bả kiếm sống qua ngày.
Anh Vinh, làm nghề đánh giày ở thành phố Hải Phòng chia sẻ với VOA : "Một ngày thì kiếm được một trăm rưỡi ngàn đồng đến hai trăm ngàn đồng, chưa trừ chi phí, chưa ăn uống gì cả".
Mức thu nhập mà anh Vinh cho VOA biết cũng là khá cao đối với nghề đánh giày. Không phải ai cũng có thu nhập trung bình mỗi ngày hai trăm ngàn đồng vào mùa nắng như anh Vinh. Không có địa điểm làm việc cố định, rày đây mai đó, mưa nắng thất thường thì thu nhập cũng thất thường.
Cụ Tứ, 83 tuổi, bơm bong bóng ở thành phố Nam Định cho biết : "Được vài ba chục ngàn, năm chục, hôm nào đắt hàng thì được một trăm ngàn. Già rồi, hết sức rồi, làm được đồng nào ăn đồng đó. Tôi đi từ sớm, tầm 5 giờ chiều, đến 8 giờ, đến 9 giờ tối về".
Tại Việt Nam hiện nay, những người già chưa đủ 85 tuổi, nếu không có người thân, phải tự bươn bả kiếm sống qua ngày. Từ 85 tuổi trở lên, mỗi tháng được trợ cấp 180 ngàn đồng, tương đương 8 đô la. Và họ cũng phải bươn bả kiếm sống như thường, nhưng bớt sợ đói hơn một chút vì có thể mua gói mì tôm, ký gạo để cầm hơi.
Một góc ngã tư đường trước công viên nhà thờ Nam Định là nơi kiếm cơm mỗi ngày của cụ Tứ. Gian hàng bóng hơi xanh, tím, đỏ, vàng nuôi sống đôi vợ chồng già trên tám mươi tuổi.
"Tôi thì ăn cơm với ít lạc, vừng thôi, trộn vào là ăn, không cần chan nước gì cả. Nhưng nhà tôi thì phải làm ít nước chan, ông ấy không còn răng, không thể nhai", cụ Tứ nói.
Làm việc tùy vào thời tiết, đó là tất cả những gì đặc trưng của những nghề như đánh giày hay bơm bong bóng. Thường thì mùa mưa, thu nhập từ việc đánh giày và bơm bong bóng xuống đến mức thấp nhất, không đủ để mua hai dĩa cơm bình dân mỗi ngày.
Anh Vinh cho biết : "Trung bình mỗi ngày được đánh được hai mươi đôi. Có ngày nhiều ngày ít, tùy vào đầu năm hay cuối năm. Mùa hè thì ít, mùa đông thì nhiều. Vì mùa hè người ta ít đi giày, mùa hè người ta đi dép nhiều".
Công việc đánh giày, bán vé số, bơm bong bóng, bán chổi, lượm ve chai, bán hàng rong các loại có mặt ở hầu hết các tỉnh thành Việt Nam.
Thành phố càng lớn thì lực lượng lao động này càng lớn. Mỗi thành phố lớn như một chiếc xe buýt chật kín, người người chen chúc với nỗi lòng ‘thị dân hạng hai’ kiếm cơm qua ngày. Và ranh giới giàu-nghèo trong xã hội ngày càng cách biệt rõ rệt.