Công cuộc phòng chống tham nhũng : "Lò vẫn cháy" (RFA, 26/06/2019)
Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, những vụ án tham nhũng được ban tổng kết đến nay là 54 vụ với hơn 670 bị cáo. Trong số này có 10 người bị tuyên mức án tử hình, 21 người với mức án chung thân, 9 người bị tù 30 năm, 19 người bị tù 20 năm ; số từ 12 tháng đến 20 năm tù là hơn 570 người.
Cuộc gặp cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 26/6. Nguồn : truyenhinhnghean.vn
Thông tin vừa nêu do Ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương, Phó trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng đưa ra tại cuộc gặp cử tri huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.
Ông Phan Đình Trạc được truyền thông trong nước dẫn lời rằng những cán bộ bị kỷ luật về mặt đảng không có nghĩa được loại trừ xử lý về hình sự. Tuy nhiên kỷ luật đảng phải đi trước và tạo điều kiện, tạo thuận lợi cho cơ quan điều tra đi sâu xử lý tiếp theo.
Nguyên văn của Ông Phạm Đình Trạc được Báo Nghệ An dẫn lại là ‘lò vẫn cháy, củi tươi cũng cháy, củi ướt cũng cháy, chứ không chỉ củi khô’.
Hình ảnh ‘lò cháy’ biểu tượng cho công cuộc chống tham nhũng mà Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chủ xướng.
Cho đến nay một cựu ủy viên Bộ Chính Trị, nguyên bí thư thành phố Hồ Chí Minh là ông Đinh La Thăng đang phải thụ hai bản án tù tổng cộng 30 năm vì những sai phạm trong thời gian công tác về tội ‘cố ý làm trái qui định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.’Ông này cũng bị buộc phải bồi thường hơn 630 tỷ đồng.
*****************
Việt Nam cảnh cáo : 'Chớ quảng cáo trên các kênh YouTube có nội dung độc hại' (VOA, 26/06/2019)
Bộ Thông tin và truyền thông Việt Nam chủ trì một buổi họp hôm thứ Ba 25/6, quy tụ các nhà quảng cáo hàng đầu và yêu cầu họ ngưng trả tiền đăng quảng cáo trên các kênh YouTube có chứa những "nội dung độc hại".
Logo của Google, Twitter, YouTube TV và Facebook. YouTube, Google và Twitter hàng ngày tải hàng hà sa số clip video, bình luận, chia sẻ nhiều tới mức không thể nào kiểm duyệt hết. (AP Photo)
Bản tin của Pháp Tấn xã được tải lại trên kênh truyền hình France24 của Pháp, cho biết có mặt tại cuộc họp có các nhà quảng cáo của 10 nhãn hàng lớn, trong đó có Yamaha, Grab, tập đoàn FLC và nhà bán lẻ Vincom.
Truyền thông nhà nước trước đó tường thuật rằng Việt Nam đã gửi lời cảnh cáo tới các tập đoàn khác như hãng sản xuất hàng điện tử Samsung, tập đoàn công nghệ Huawei, về những mục quảng cáo trên những trang web mà họ cho là "bất hợp pháp".
Trang mạng congthuong.vn tường thuật rằng hôm 10/6, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đã chính thức công bố 21 nhãn hàng, thương hiệu lớn "đăng quảng cáo gắn với các clip xấu độc, phản động", trong đó có : Huawei, Samsung Việt Nam, FPT Shop, Công ty Yamaha Motor Vietnam, Grab, Sun Group, Shopee...
Một số công ty đã bắt đầu đáp ứng yêu cầu dừng quảng cáo của Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử vì lo ngại sẽ gặp rắc rối với pháp luật Việt Nam, theo AFP.
Bản tin dẫn lời ông Trần Tuấn Anh của nhà bán lẻ trên mạng Shopee, nói rằng công ty của ông đã ngưng đăng quảng cáo trên YouTube trong lúc này. Ông Trần Tuấn Anh được AFP trích lời, nói :
"Chúng tôi đang tái xét cẩn thận tất cả các kênh mà chúng tôi đang hoạt động để giảm nguy cơ trong tương lai".
Trước đó, các giới chức Việt Nam nói có khoảng 55,000 video clip trên YouTube có nội dung "xấu, độc hại" vi phạm pháp luật, trong đó 8000 clips đã bị YouTube xóa bỏ.
Trang web congthuong.com dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục Trưởng Cục Phát Thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, nói rằng trong 2 năm qua, Google đã tích cực hợp tác với Bộ Thông tin và truyền thông để ngăn chận, gỡ bỏ những video clip xấu độc trên YouTube theo yêu cầu của phía Việt Nam.
Cục Phát Thanh, Truyền hình khen ngợi sự hợp tác của Google là "tích cực hơn hẳn Facebook", tuy nhiên nói thêm rằng việc gỡ bỏ các video "vẫn chưa phát huy tác dụng do cơ chế quản lý nội dung trên YouTube còn nhiều bất cập".
Google và Facebook chưa trả lời yêu cầu phản hồi của Đài VOA.
Các tổ chức bảo vệ tự do báo chí và bênh vực nhân quyền bày tỏ lo ngại về động thái này. Họ nói chính quyền Việt Nam thường dùng chữ "xấu, độc hại" để miêu tả những nội dung phản biện, "chỉ trích hoặc chống đối nhà nước Việt Nam", và thường nhắm tới các nhà báo độc lập, các blogger và giới bất đồng chính kiến.
Ông Daniel Bastard, Giám Đốc đặc trách khu vực Á Châu-Thái Bình Dương của Phóng viên Không Biên giới (RSF) ở Paris nói xu hướng đàn áp truyền thông độc lập đang mở rộng ở Việt Nam là điều rất đáng lo ngại trong bối cảnh tất cả các phương tiện truyền thông chính thức đều do nhà nước kiểm soát.
"Ở Việt Nam vì không thực sự có tranh luận trong giới truyền thông chính thức, cho nên tự do thông tin lẽ dĩ nhiên được thể hiện trên mạng, trên Facebook, qua các bloggers và các nhà báo công dân vv…cho nên chiến dịch đàn áp truyền thông lề trái đang được thực hiện trên quy mô lớn như vậy là điều rất đáng quan tâm".
Ông nói ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin mà Việt Nam cho là "xấu, độc hại", vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền trao đổi và nhận thông tin có ghi trong những công ước quốc tế về quyền công dân và nhân quyền mà Việt Nam đã ký kết.
*********************
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng : ‘Chi tiền cho cái xấu là giúp cái xấu phát triển’ (BBC, 226/06/2019)
Các doanh nghiệp cần phải chấm dứt việc đăng quảng cáo trên các kênh độc hại tại YouTube, Việt Nam tuyên bố hôm thứ Ba 25/6.
YouTube đang có ảnh hưởng lớn tại Việt Nam
Các video clip bị coi là độc hại gồm cả các video 'bẩn' và các video có chứa nội dung 'độc hại' tuyên truyền chống nhà nước.
Chủ trì cuộc họp với các nhà quảng cáo hàng đầu Việt Nam, Bộ Thông tin và truyền thông yêu cầu các hãng chấm dứt việc trả tiền quảng cáo trên cáo kênh YouTube có nội dung 'xấu hoặc độc hại'.
Việt Nam đã thắt chặt kiểm soát đối với các nội dung bất đồng chính kiến trên mạng, do giới chỉ trích quay sang dùng mạng xã hội để lên tiếng phản kháng.
Luật an ninh mạng gây nhiều tranh cãi đã được thông qua hồi năm ngoái.
Thông qua luật này, giới chức đòi các hãng công nghệ khổng lồ toàn cầu như Google và Facebook phải chặn các nội dung 'độc hại' trên các trang của mình, và trao nộp dữ liệu người dùng cho giới chức khi được yêu cầu.
"Chúng tôi [tính đến ngày 25/6] đã gửi công văn cảnh báo tới 100 nhãn hàng có quảng cáo đăng trên các video xấu, độc vi phạm luật Việt Nam", ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin điện tử nói.
Trong số các hãng cử đại diện tham dự cuộc họp có Yamaha, Grab, tập đoàn phát triển bất động sản FLC Group, và tập đoàn Vincom, theo hãng tin AFP.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng : "Tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các doanh nghiệp chi tiền vào đâu"
Trước đó, truyền thông nhà nước nói Việt Nam đã gửi cảnh báo tới Samsung Electronics, Huawei Technologies về việc đăng quảng cáo trên các trang bất hợp pháp.
Một số hãng có mặt trong cuộc họp nói họ đã bắt đầu tuân thủ yêu cầu của giới chức.
"Chúng tôi đang rà soát cẩn thận các kênh đang hoạt động để giảm thiểu rủi ro trong tương lai", ông Trần Tuấn Anh, giám đốc điều hành hãng bán lẻ trực tuyến Shopee Việt Nam, là hãng đã dừng việc quảng cáo trên YouTube, nói.
Ông Nguyễn Thanh Lâm nói hiện nay trên YouTube có khoảng 55.000 video clip có nội dung xấu độc vi phạm pháp luật.
Với việc mảng truyền thông độc lập bị hạn chế và biểu tình dưới mọi hình thức đều không được cho phép, các nhà hoạt động chủ yếu chuyển sang các mạng xã hội để bày tỏ sự phản kháng, hoặc kêu gọi cải tổ chính trị.
Facebook là mạng xã hội rất đông người dùng ở Việt Nam, là dịch vụ quen thuộc với hơn nửa dân số 95 triệu người. Tuy nhiên, YouTube đang ngày càng được các nhà hoạt động sử dụng nhiều, cả ở trong và ngoài Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt Nam nên quảng cáo trên nền tảng Việt Nam ?
Trong cuộc họp mới nhất này, Bộ Thông tin và truyền thông không chỉ nêu yêu cầu gỡ bỏ quảng cáo trên các nền tảng của nước ngoài, mà còn yêu cầu tăng cường mua quảng cáo trên các nền tảng của Việt Nam.
"Chúng ta mua quảng cáo trên các nền tảng sạch tức là đã giúp cho đất nước sạch hơn, giúp các công ty sạch phát triển. Ngược lại, nếu mua quảng cáo trên một nền tảng xấu độc là vô hình trung tiếp tay để hại đất nước mình", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.
"Chúng ta chi tiền cho ai, cái gì thì người đó, cái đó sẽ phát triển. Chi tiền cho cái xấu tức là giúp cái xấu phát triển. Chi tiền cho cái tốt là giúp cái tốt phát triển, làm lu mờ cái xấu. Bởi vậy, tương lai Việt Nam có tốt đẹp hay không là do các các doanh nghiệp chi tiền vào đâu, cần cân nhắc mỗi hành động của mình", Bộ trưởng chia sẻ.