Kỷ luật và đề nghị kỷ luật một số quan chức lãnh đạo trung ương và địa phương (RFA, 08/07/2019)
Một loạt cán bộ lãnh đạo cấp trung ương và cấp tỉnh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đề nghị kỷ luật. Truyền thông trong nước loan tin ngày 8 tháng 7.
Nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật. RFA
Những người bị nêu danh trước hết là nguyên Phó thủ tướng chính phủ, Vũ Văn Ninh. Tin nói rõ trong thời gian giữ chức Phó thủ tướng chính phủ, ông Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh, trái với kết luận của Bộ Chính Trị.
Ngoài ra, trong thời gian giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra sự việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà Nước ; nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự trong vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho Thuê Tài Chính II (ALC II) vay tiền.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Công, ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giao Thông- Vận Tải ; ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ ; Ông Trần Ngọc Thành, nguyên ủy viên Ban chấp hành đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương, nguyên Bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Hai thứ trưởng khác của Bộ Giao thông và vận tải là ông Nguyễn Nhật và Nguyễn Ngọc Đông bị kỷ luật khiển trách. Cùng bị kỷ luật khiển trách là ông Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban bí thư xem xét, thi hành thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ GT-VT nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng GT-VT.
Đối với cấp tỉnh, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giám đốc Công an Đồng Nai, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh vì 'gây hậu quả rất nghiêm trọng'.
Thẹo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp thứ 37, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 2019, tại Hà Nội, ban lãnh đạo Công an Đồng Nai đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, giám sát… để xảy ra nhiều vi phạm trong điều tra, xử lý các vụ án. Ngoài ra, Công an Đồng Nai còn sai phạm trong công tác quản lý đất đai, sử dụng vũ khí, tài chính…
Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cũng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai.
Hàng loạt các phó giám đốc Ngô Minh Đức, Lý Quang Dũng, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Kim cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm vừa nêu.
Cũng tại kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Thế Nhữ và ông Nguyễn Đức Luyện, đều là nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, do những sai phạm trong việc quản lý đất và rừng.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật một số cán bộ tại tỉnh Đắk Nông như việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Mạnh Cường đã thiếu trách nhiệm để xảy ra một số vi phạm khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh và trong đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
*****************
Ông Vũ Văn Ninh : Con đường từ Huân chương hạng Nhất đến kỷ luật (BBC, 08/07/2019)
Vào ngày 20/6/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huy hiệu 50 năm, 45 năm và 30 năm tuổi Đảng cho các ông Trần Quốc Toản, Đoàn Mạnh Giao và Vũ Văn Ninh
Hôm nay (8/7), hai năm sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản nói ông Vũ Văn Ninh có vi phạm "nghiêm trọng", và đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật.
Thông cáo của Ủy ban kỷ luật của Đảng nói khi làm phó thủ tướng, ông Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh đã "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự trong vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền".
Sinh năm 1955 ở Nam Định, ông Ninh có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Xuất phát điểm của ông là từ Bộ Tài chính liên tục từ 1977.
Năm 1999, ông được phong thứ trưởng tài chính.
Đến năm 2003, ông được điều động về làm phó chủ tịch Hà Nội, cho tới tháng Giêng năm 2006.
Sau Đại hội Đảng X năm đó, ông trở thành Bộ trưởng tài chính, cũng là ủy viên Trung ương Đảng.
5 năm sau, ông tiếp tục ngồi trong Trung ương Đảng, trở thành Phó Thủ tướng.
Tháng 4/2016, ông nhận quyết định nghỉ hưu, được nhận xét rằng đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Thanh tra cảng Quy Nhơn
Tình hình chính trị biến chuyển khi vào tháng 2/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Ba tháng sau, Ban Bí thư tổ chức họp, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc họp này ra quyết định cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện.
Một trong các lý do kỷ luật là ông Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề nghị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh.
Sang năm 2018, vào tháng 10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra toàn diện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Kết luận này kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
*********************
Cựu phó thủ tướng, nhiều quan chức giao thông, công an Việt Nam đối mặt kỷ luật (VOA, 08/07/2019)
Một cựu phó thủ tướng Việt Nam cùng một số quan chức hàng đầu tại Bộ Giao thông - Vận tải và công an tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với các hình thức kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản thông báo hôm 8/7.
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh "trong tầm ngắm" của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay, kết luận nêu trên được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra họp trong 3 ngày, từ 2 - 4/7.
Một phần nội dung bản kết luận nói rằng ủy ban "xem xét, thi hành kỷ luật" ông Vũ Văn Ninh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Phó Thủ tướng, vì "có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị". Sai phạm này xảy ra trong nhiệm kỳ ông Ninh giữ chức phó thủ tướng từ năm 2011-2016.
Một sai phạm khác của ông Ninh, theo ủy ban của đảng, là trong thời gian từ 2006 đến 2011, khi giữ cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Ninh đã "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước".
Ủy ban Kiểm tra cho biết đó là vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền. Liên quan đến vụ này, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý hình sự.
Vi phạm của cựu phó thủ tướng bị đánh giá là "nghiêm trọng" và Ủy ban Kiểm tra "đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Ninh.
Theo tìm hiểu của VOA, tài liệu xét xử hồi tháng 6/2019 cho hay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay hàng nghỉn tỷ đồng một cách "dễ dàng" và 1.700 tỷ đồng đã bị "thất thoát".Có ít nhất 6 người, bao gồm cả 2 cựu tổng giám đôc Bảo hiểm xã hội, đã bị truy tố.
Vẫn bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đăng tải hôm 8/7 trên trang Facebook Thông tin Chính phủ thông báo rằng ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy viên Ban cán sự đảng của bộ, cùng tập thể Ban cán sự đảng của bộ, cũng thuộc diện bị "xem xét, thi hành kỷ luật".
Những thông tin VOA thu thập được cho thấy, ông Trường và một số quan chức Bộ Giao thông và vận tải "để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm" trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuyên bố hôm 8/7 rằng họ đề nghị Ban Bí thư của đảng "xem xét, thi hành kỷ luật" Ban cán sự đảng Bộ Giao thông và vận tải nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Bên cạnh đó, ủy ban ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức "cảnh cáo" ông Nguyễn Văn Công, một cựu thứ trưởng khác của Bộ Giao thông và vận tải, và thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách" ông Nguyễn Ngọc Đông, cũng từng là thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải.
Một nội dung chiếm phần đáng kể trong bản kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng một loạt quan chức hàng đầu của công an tỉnh Đồng Nai có những vi phạm "gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Ủy ban đã tiến hành kiểm tra và xác định rằng Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai "để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc ; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự".
Những người phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm, theo ủy ban, là Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, cựu Giám đốc Công an tỉnh ; ngoài ra là 5 đại tá công an, trong đó có ít nhất 1 phó giám đốc công tỉnh.
VOA quan sát thấy, dư luận Việt Nam có phản ứng trái ngược về các động thái kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa công bố.
Một số người viết trên mạng xã hội rằng họ "cảm ơn" Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vì thực hiện đúng những gì đã nói là "chống tham nhũng không có vùng cấm". Những người này nhận xét thêm rằng "chưa khi nào công cuộc chống tham nhũng trong cả nước lên cao và rầm rộ đến vậy" và bảy tỏ hy vọng "sau công cuộc này đất nước sẽ hồi sinh và phát triển".
Trong khi đó, khá nhiều người lại đưa ra quan điểm rằng điều quan trọng là phải thu hồi được các tài sản hoặc số tiền thất thoát, đi cùng với xử lý hình sự như xét xử, bỏ tù các quan chức vi phạm. Bằng không, theo những người có cái nhìn khắt khe, việc cảnh cáo, bãi chức khi quan chức đã nghỉ hưu "chẳng răn đe, phòng ngừa được ai cả" hay chỉ xem như là "trò hề cả thôi".