Kỷ luật và đề nghị kỷ luật một số quan chức lãnh đạo trung ương và địa phương (RFA, 08/07/2019)
Một loạt cán bộ lãnh đạo cấp trung ương và cấp tỉnh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đảng đề nghị kỷ luật. Truyền thông trong nước loan tin ngày 8 tháng 7.
Nhiều cán bộ lãnh đạo bị kỷ luật. RFA
Những người bị nêu danh trước hết là nguyên Phó thủ tướng chính phủ, Vũ Văn Ninh. Tin nói rõ trong thời gian giữ chức Phó thủ tướng chính phủ, ông Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh, trái với kết luận của Bộ Chính Trị.
Ngoài ra, trong thời gian giữ chức Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để xảy ra sự việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà Nước ; nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự trong vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho Thuê Tài Chính II (ALC II) vay tiền.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam cũng kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Văn Công, ủy viên Ban Cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Giao Thông- Vận Tải ; ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ ; Ông Trần Ngọc Thành, nguyên ủy viên Ban chấp hành đảng bộ khối doanh nghiệp trung ương, nguyên Bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.
Hai thứ trưởng khác của Bộ Giao thông và vận tải là ông Nguyễn Nhật và Nguyễn Ngọc Đông bị kỷ luật khiển trách. Cùng bị kỷ luật khiển trách là ông Nguyễn Ngọc Huệ, nguyên bí thư đảng ủy, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban bí thư xem xét, thi hành thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ GT-VT nhiệm kỳ 2011-2016 và ông Nguyễn Hồng Trường, nguyên ủy viên Ban Cán sự đảng, nguyên Thứ trưởng GT-VT.
Đối với cấp tỉnh, Ủy Ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật Giám đốc Công an Đồng Nai, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh vì 'gây hậu quả rất nghiêm trọng'.
Thẹo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương sau kỳ họp thứ 37, diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 7 năm 2019, tại Hà Nội, ban lãnh đạo Công an Đồng Nai đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo.
Cụ thể, Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Đồng Nai đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, giám sát… để xảy ra nhiều vi phạm trong điều tra, xử lý các vụ án. Ngoài ra, Công an Đồng Nai còn sai phạm trong công tác quản lý đất đai, sử dụng vũ khí, tài chính…
Ngoài ra, Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, cũng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai.
Hàng loạt các phó giám đốc Ngô Minh Đức, Lý Quang Dũng, Nguyễn Văn Kim, Nguyễn Xuân Kim cùng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm vừa nêu.
Cũng tại kỳ họp thứ 37, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật cảnh cáo ông Đỗ Thế Nhữ và ông Nguyễn Đức Luyện, đều là nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông, do những sai phạm trong việc quản lý đất và rừng.
Ngoài ra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng kỷ luật một số cán bộ tại tỉnh Đắk Nông như việc thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Nguyễn Mạnh Cường, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Nông.
Theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong thời gian giữ chức Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Mạnh Cường đã thiếu trách nhiệm để xảy ra một số vi phạm khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh và trong đầu tư mua sắm, quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, gây thiệt hại ngân sách nhà nước.
*****************
Ông Vũ Văn Ninh : Con đường từ Huân chương hạng Nhất đến kỷ luật (BBC, 08/07/2019)
Vào ngày 20/6/2017, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Huân chương Độc lập hạng Nhất cho ông Vũ Văn Ninh, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Huy hiệu 50 năm, 45 năm và 30 năm tuổi Đảng cho các ông Trần Quốc Toản, Đoàn Mạnh Giao và Vũ Văn Ninh
Hôm nay (8/7), hai năm sau đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản nói ông Vũ Văn Ninh có vi phạm "nghiêm trọng", và đề nghị Bộ Chính trị xem xét kỷ luật.
Thông cáo của Ủy ban kỷ luật của Đảng nói khi làm phó thủ tướng, ông Vũ Văn Ninh có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị.
Ngoài ra, khi còn là Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Vũ Văn Ninh đã "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị xử lý hình sự trong vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền".
Sinh năm 1955 ở Nam Định, ông Ninh có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh.
Xuất phát điểm của ông là từ Bộ Tài chính liên tục từ 1977.
Năm 1999, ông được phong thứ trưởng tài chính.
Đến năm 2003, ông được điều động về làm phó chủ tịch Hà Nội, cho tới tháng Giêng năm 2006.
Sau Đại hội Đảng X năm đó, ông trở thành Bộ trưởng tài chính, cũng là ủy viên Trung ương Đảng.
5 năm sau, ông tiếp tục ngồi trong Trung ương Đảng, trở thành Phó Thủ tướng.
Tháng 4/2016, ông nhận quyết định nghỉ hưu, được nhận xét rằng đã "hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao".
Thanh tra cảng Quy Nhơn
Tình hình chính trị biến chuyển khi vào tháng 2/2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Ba tháng sau, Ban Bí thư tổ chức họp, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuộc họp này ra quyết định cảnh cáo nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Văn Thiện.
Một trong các lý do kỷ luật là ông Thiện đã thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy ký văn bản đề nghị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh.
Sang năm 2018, vào tháng 10, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra toàn diện cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Kết luận này kiến nghị thu hồi 75,01% cổ phần tại Công ty Cổ phần Cảng Quy Nhơn về sở hữu Nhà nước.
*********************
Cựu phó thủ tướng, nhiều quan chức giao thông, công an Việt Nam đối mặt kỷ luật (VOA, 08/07/2019)
Một cựu phó thủ tướng Việt Nam cùng một số quan chức hàng đầu tại Bộ Giao thông - Vận tải và công an tỉnh Đồng Nai đang đối mặt với các hình thức kỷ luật, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản thông báo hôm 8/7.
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh "trong tầm ngắm" của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam cho hay, kết luận nêu trên được đưa ra sau khi Ủy ban Kiểm tra họp trong 3 ngày, từ 2 - 4/7.
Một phần nội dung bản kết luận nói rằng ủy ban "xem xét, thi hành kỷ luật" ông Vũ Văn Ninh, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Phó Thủ tướng, vì "có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các cảng Quy Nhơn, Quảng Ninh trái với kết luận của Bộ Chính trị". Sai phạm này xảy ra trong nhiệm kỳ ông Ninh giữ chức phó thủ tướng từ năm 2011-2016.
Một sai phạm khác của ông Ninh, theo ủy ban của đảng, là trong thời gian từ 2006 đến 2011, khi giữ cương vị Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam, ông Ninh đã "thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, để xảy ra vụ việc gây thiệt hại lớn tiền của Nhà nước".
Ủy ban Kiểm tra cho biết đó là vụ án kinh tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II) vay tiền. Liên quan đến vụ này, nhiều cán bộ, đảng viên đã bị xử lý hình sự.
Vi phạm của cựu phó thủ tướng bị đánh giá là "nghiêm trọng" và Ủy ban Kiểm tra "đề nghị Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật" đối với ông Ninh.
Theo tìm hiểu của VOA, tài liệu xét xử hồi tháng 6/2019 cho hay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho ALC II vay hàng nghỉn tỷ đồng một cách "dễ dàng" và 1.700 tỷ đồng đã bị "thất thoát".Có ít nhất 6 người, bao gồm cả 2 cựu tổng giám đôc Bảo hiểm xã hội, đã bị truy tố.
Vẫn bản kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đăng tải hôm 8/7 trên trang Facebook Thông tin Chính phủ thông báo rằng ông Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải, Ủy viên Ban cán sự đảng của bộ, cùng tập thể Ban cán sự đảng của bộ, cũng thuộc diện bị "xem xét, thi hành kỷ luật".
Những thông tin VOA thu thập được cho thấy, ông Trường và một số quan chức Bộ Giao thông và vận tải "để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm" trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tuyên bố hôm 8/7 rằng họ đề nghị Ban Bí thư của đảng "xem xét, thi hành kỷ luật" Ban cán sự đảng Bộ Giao thông và vận tải nhiệm kỳ 2011 – 2016 và cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường
Bên cạnh đó, ủy ban ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức "cảnh cáo" ông Nguyễn Văn Công, một cựu thứ trưởng khác của Bộ Giao thông và vận tải, và thi hành kỷ luật bằng hình thức "khiển trách" ông Nguyễn Ngọc Đông, cũng từng là thứ trưởng Bộ Giao thông và vận tải.
Một nội dung chiếm phần đáng kể trong bản kết luận mới đây của Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói rằng một loạt quan chức hàng đầu của công an tỉnh Đồng Nai có những vi phạm "gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Ủy ban đã tiến hành kiểm tra và xác định rằng Ban Thường vụ Đảng ủy Công an tỉnh Đồng Nai "để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong hoạt động điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc ; trong công tác quản lý, sử dụng vũ khí, đất đai, tài chính, tài sản và công tác cán bộ ; để nhiều cán bộ, chiến sĩ bị xử lý hình sự".
Những người phải chịu trách nhiệm chính về các sai phạm, theo ủy ban, là Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Khánh, cựu Giám đốc Công an tỉnh ; ngoài ra là 5 đại tá công an, trong đó có ít nhất 1 phó giám đốc công tỉnh.
VOA quan sát thấy, dư luận Việt Nam có phản ứng trái ngược về các động thái kỷ luật mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa công bố.
Một số người viết trên mạng xã hội rằng họ "cảm ơn" Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vì thực hiện đúng những gì đã nói là "chống tham nhũng không có vùng cấm". Những người này nhận xét thêm rằng "chưa khi nào công cuộc chống tham nhũng trong cả nước lên cao và rầm rộ đến vậy" và bảy tỏ hy vọng "sau công cuộc này đất nước sẽ hồi sinh và phát triển".
Trong khi đó, khá nhiều người lại đưa ra quan điểm rằng điều quan trọng là phải thu hồi được các tài sản hoặc số tiền thất thoát, đi cùng với xử lý hình sự như xét xử, bỏ tù các quan chức vi phạm. Bằng không, theo những người có cái nhìn khắt khe, việc cảnh cáo, bãi chức khi quan chức đã nghỉ hưu "chẳng răn đe, phòng ngừa được ai cả" hay chỉ xem như là "trò hề cả thôi".
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, cùng một loạt các thứ trưởng thuộc Bộ Giao thông và vận tải vừa bị Ủy ban kiểm tra trung ương đảng kết luận là có sai phạm trong việc "quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải".
Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng ở Hà Nội - Courtesy of ubkttw.vn
Kết luận này được Ủy ban Kiểm tra Trung ương đưa ra vào chiều ngày 5/5 sau kỳ họp thứ 35 tại Hà Nội từ ngày 24 đến 26/4, do Chủ nhiệm Ủy ban là ông Trần Cẩm Tú chủ trì.
Kết luận của Ủy ban cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông và vận tải đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, để xảy ra nhiều vi phạm trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ.
Có 4 thứ trưởng của Bộ Giao thông và vận tải bị kết luận có sai phạm là Nguyễn Hồng Trường, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Ngọc Đông, và Nguyễn Nhật.
Ngoài ra, ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng bị kết luận là có vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu cho lãnh đạo chính phủ về chủ trương cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc bộ.
Kết luận của Ủy ban cho rằng những vi phạm của các cá nhân trên đã "gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và ngành giao thông vận tải, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Cũng tại kỳ họp lần này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Quân chủng Hải quân và trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng thời kỳ ông là Tư lệnh Quân chủng Hải quân.
Cùng với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Phó đô đốc Nguyễn Văn Tình, chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo cũng bị kết luận là phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng Ủy quân chủng trong việc quản lý, sử dụng đất quốc phòng.
Ủy ban kết luận những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng Ủy Quân chủng Hải quân và những cá nhân nêu tên đã gây thiệt hại lớn về tiền và tài sản cho nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Trong kỳ họp lần này, Ủy ban cũng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với đại tá Trương Thanh Nam và cảnh cáo đối với Trung tướng Nguyễn Hoàng ThỦy thuộc Quân khu 9. Ông Nguyễn Hoàng ThỦy là Tư lệnh quân khu 9 còn ông Trương Thanh Nam là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 8, Quân khu 9.
Kết luận của Ủy ban cho biết Trung tướng ThỦy và đại tá Nam đã có những vi phạm liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất tại Sư đoàn 8, để nhiều tổ chức đảng và đảng viên liên quan bị xử lý kỷ luật.
*******************
Đảng cộng sản đề nghị kỷ luật cựu phó thủ tướng Vũ Văn Ninh và nhiều tướng lĩnh (BBC, 05/05/2019)
Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu kỷ luật đảng đối với một cựu phó thủ tướng trong bối cảnh không rõ sức khỏe của người đứng đầu Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hiện ra sao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong một chuyến đi thăm Ấn Độ hồi 2013
Nhiều lãnh đạo của Bộ Giao thông và vận tải cùng nhiều tướng tá quân đội cũng bị yêu cầu kỷ luật đảng trong kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, diễn ra từ ngày 24 đến 26/4/2019.
Kết luận của Ủy ban Kiểm tra được công bố hôm 5/5.
Bộ Giao thông và vận tải thời hậu Đinh La Thăng tiếp tục sóng gió
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, người từng có chân trong Ban chấp hành Trung ương Đảng và là phó thủ tướng từ 8/2011 đến 4/2016, bị xác định đã có sai phạm trong việc "quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải", kết luận của Ủy ban Kiểm tra nói.
Ông Ninh bị đề nghị kỷ luật và "xử lý trách nhiệm" cá nhân bên cạnh bốn quan chức khác của Bộ Giao thông và vận tải.
Những người này gồm các thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Nguyễn Nhật và Nguyễn Hồng Trường. Riêng ông Trường đã nghỉ hưu từ 8/2017.
Cựu Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Viết Muôn cũng bị đề nghị phải chịu hình thức kỷ luật, với 'sai phạm' trong việc "tham mưu cho lãnh đạo Chính phủ về chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải".
Các sai phạm ở Bộ Giao thông và vận tải, được xác định là xảy ra dưới thời ông Đinh La Thăng làm bộ trưởng, đã "gây thất thoát lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành giao thông vận tải", tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra viết.
Ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Giao thông và vận tải trong thời gian từ 8/2011 đến 4/2016, dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Đinh La Thăng hiện đang thi hành hai án tù liên quan tới các sai phạm ở PetroVietnam
Ông Thăng hiện đang thi hành hai bản án tù do các sai phạm ở PetroVietnam, nơi ông giữ vị trí lãnh đạo trong thời gian từ 2005 đến 2011.
Kỷ luật nhiều tướng lĩnh cao cấp trong quân đội
Dàn lãnh đạo đảng trong quân chủng hải quân bị đề nghị kỷ luật hàng loạt trong kỳ họp vừa rồi của UBKT.
Các sai phạm khiến Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, và Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo phạm phải được cho là có liên quan tới "công tác quản lý, sử dụng đất quốc phòng", theo kết luận cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra, "gây thiệt hại thiệt hại lớn về tiền và tài sản của Nhà nước".
Các ông Nguyễn Văn Hiến và Nguyễn Văn Tình từng là ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Quân ủy Trung ương, và là hai người giữ chức vụ đảng cao nhất trong Đảng ủy Quân chủng Hải quân.
Ông Hiến từng giữ chức thứ trưởng quốc phòng, thời kỳ 2011-2016.
Đô đốc Nguyễn Văn Hiến tham dự hội nghị các bộ trưởng quốc phòng ASEAN tại Subang, Malaysia hồi 11/2015
Cũng liên quan tới vấn đề đất đai, Tư lệnh Quân khu 9, Trung tướng Nguyễn Hoàng Thủy và Phó tham mưu trưởng Quân khu 9, Đại tá Trương Thanh Nam cũng bị đề nghị xử lý kỷ luật đảng.
Một gương mặt khác nữa bị nêu danh trong kỳ họp này của Ủy ban Kiểm tra là ông Nguyễn Bá Cảnh, Phó ban Dân vận Đà Nẵng.
Ông Bá Cảnh bị đề nghị kỷ luật do "vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống" và vi phạm các quy định về "những điều đảng viên không được làm", thông cáo báo chí của Ủy ban Kiểm tra viết.
Tuy nhiên, vấn đề kỷ luật đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh đã được Thành ủy Đà Nẵng họp bàn và thống nhất biểu quyết từ chiều 12/4, nhiều ngày trước khi Ủy ban Kiểm tra ra kết luận.
Kỳ họp thứ 35 của Ủy ban Kiểm tra diễn ra trong lúc có nhiều đồn đoán về sức khỏe của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Lần cuối cùng ông Nguyễn Phú Trọng xuất hiện công khai là 14/4, trong chuyến đi công tác tới tỉnh Kiên Giang.
Việt Nam hôm 25/04 chính thức xác nhận nhà lãnh đạo Đảng có vấn đề về sức khỏe nhưng "sẽ sớm quay trở lại làm việc bình thường".
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng đã không tới dự lễ quốc tang cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh hôm 3/5, sự kiện mà ông trước đó được tuyên bố đảm nhiệm vị trí trưởng ban tang lễ.
Không xuất hiện công khai, nhưng ông Trọng trên danh nghĩa vẫn thực hiện các hoạt động đối ngoại, với việc gần đây nhất là gửi thư chúc mừng tới tân vương Thái Lan nhân dịp Quốc vương Vajiralongkorn đăng quang trong dịp cuối tuần rồi.
*******************
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị ‘sờ gáy’ (Người Việt, 05/05/2019)
Hôm 5 tháng Năm, Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam phát đi thông cáo cho biết, Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh (thời Nguyễn Tấn Dũng, nhiệm kỳ 2011-2016), bị đề nghị kỷ luật vì "có vi phạm, khuyết điểm trong việc quyết định chủ trương thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải".
Cựu Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh. (Hình : BaoChinhphu.vn)
"Vi phạm của Ban Cán sự Đảng Giao thông và vận tải và các đồng chí nêu trên [ông Ninh và một số quan chức khác] đã gây thất thoát lớn tiền và tài sản của nhà nước, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và ngành giao thông, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Các báo nhà nước ở Việt Nam cùng ngày đăng lại nguyên văn thông cáo nêu trên mà không đưa bình luận hoặc có thêm chi tiết gì về "vi phạm" của ông Ninh.
Chuyện ông Ninh bị "sờ gáy" diễn ra trong bối cảnh người ta vẫn chưa rõ bệnh tình của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thế nào sau ba tuần ông này vắng mặt liên tiếp tại các sự kiện quan trọng từ khi bị đột quỵ trong chuyến thăm tỉnh Kiên Giang.
Việc "cái lò" của ông Trọng "đốt" tới một cựu phó thủ tướng như ông Ninh cũng làm một số người hồ hởi, dấy lên suy đoán về khả năng ông Nguyễn Tấn Dũng rồi đây cũng sẽ nằm trong danh sách cựu quan chức có sai phạm "gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật".
Trước khi ngồi vào ghế phó thủ tướng, ông Ninh từng làm thứ trưởng rồi sau đó là bộ trưởng Tài Chính, chủ tịch Hội Đồng Quản Lý Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam ; chủ tịch Hội đồng quản trị (nay Là Hội đồng thành viên) Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, trưởng Ban Chỉ dạo Trung ương về Giảm nghèo bền vững, trưởng Ban Chỉ đạo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.
Ông Ninh được ghi nhận có bằng cao học Tài chính Ngân sách, Quản trị Kinh doanh và bằng Lý luận Chính trị Cao cấp.
Một bài trên trang tin tài chính CafeF.vn hồi tháng 12/2015, dẫn lời ông Vũ Văn Ninh : "Bộ Giao thông và vận tải đã rất tích cực trong việc cổ phần hóa, có vướng mắc là bàn bạc và tìm giải pháp để tháo gỡ ngay. Một vấn đề cần phải rút kinh nghiệm đó là cần phải xử lý kịp thời những vướng mắc. Từ thực tiễn cổ phần hóa, rút ra điều quan trọng, đó là quá trình cổ phần hóa của Bộ này đạt được kết quả này là quyết tâm chính trị của người đứng đầu, mà cụ thể là Bộ trưởng Đinh La Thăng. Bộ trưởng đã tích cực họp với các đơn vị có liên quan để tìm phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp cổ phần hóa".
"Quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông và vận tải hiện đã hoàn thành cơ bản và có những chính sách, trong đó có những đề xuất, cơ chế của Bộ đã chuyển thành cơ chế chung, ví dụ như cơ chế bán vốn theo lô đã tháo gỡ kịp thời những vướng mắc của việc bán vốn nhà nước. Đối với những doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ tỷ lệ chi phối, bộ cũng đã cơ bản hoàn thành. Điều quan trọng là sau cổ phần hóa những doanh nghiệp này đã nâng cao năng lực hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh tốt, đã thể hiện rõ qua các chỉ tiêu như tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, lợi nhuận đều tăng, trong khi nợ phải trả đã giảm mạnh", ông Vũ Văn Ninh được trang tin dẫn lời thời điểm đó. (T.K.)
********************
Con trai Nguyễn Bá Thanh bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật (RFA, 05/05/2019)
Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng vừa có đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Bá Cảnh, phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận Thành Ủy Đà Nẵng, con trai của cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh.
Ông Nguyễn Bá Cảnh - Courtesy of Báo Lao Động
Kết luật của Ủy ban đưa ra sau kỳ họp lần thứ 35 từ ngày 24 đến 26 tháng 4 cho biết ông Nguyễn Bá Cảnh đã vi phạm về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và các quy định của Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trước đó, vào ngày 12/4, Thành ủy Đà Nẵng đã bỏ phiếu đồng ý đề nghị cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Bá Cảnh.
Theo quy trình, Thành ủy Đà Nẵng trình Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo Ban Bí thư xem xét, quyết định kỷ luật ông Cảnh theo thẩm quyền.
Ông Cảnh bị xác định là vi phạm Luật hôn nhân và gia đình, đồng thời vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Tổng bí thư Trọng sẽ ‘mất mặt’ nếu không công khai tài sản (VOA, 11/05/2018)
Nếu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không minh bạch hóa tài sản của mình thì người dân sẽ tiếp tục nghi ngờ ông không trong sạch và cuộc chiến chống tham nhũng của ông được coi là không thực tâm.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được yêu cầu công khai tài sản cho dân chúng để làm gương cho những đảng viên khác noi theo.
Đó là nhận định của ba trong số những người ký vào bức thư gửi tới người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đề ngày 6/5, trong đó kêu gọi ông Trọng "hãy làm gương là người công khai ‘Bản kê khai tài sản’ của mình trên báo chí, cổng thông tin điện tử và Internet đầu tiên.’
TBT Trọng, theo 2 nhà nghiên cứu Nguyễn Quang A và Nguyễn Xuân Diện, và nhà báo tự do Võ Văn Tạo, là người dẫn đầu cuộc chiến chống tham nhũng cho nên ông phải là người "gương mẫu" trong việc minh bạch hóa tài sản của mình "để làm gương cho những người khác làm theo".
Công khai tài sản để chống tham nhũng
Luật Phòng Chống Tham nhũng của Việt Nam yêu cầu các quan chức chính phủ kê khai tài sản nhưng theo nhận định của Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore với VNExpress, "việc yêu cầu quan chức kê khai tài sản của mình cho thấy không có hiệu quả".
Theo Tiến sĩ Quang A, các quan chức Việt Nam kê khai tài sản "xong rồi đút ngăn kéo, để biết thế mà thôi".
Kêu gọi Tổng bí thư Trọng ‘làm gương’ công khai tài sản (VOA)
Do đó, ngày 3/10/2017, Ban Bí thư Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó ông Trọng là người đứng đầu, ban hành Quyết định 99 yêu cầu cán bộ và đảng viên các cấp phải công khai tài sản của mình trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, theo nhà báo tự do Võ Văn Tạo, việc ban hành quy định này chỉ mang tính "hình thức" và "chưa trở thành thực tế".
Cho tới thời điểm này "vẫn chưa có một công bố kê khai tài sản nào cả và gây bức xúc trong nhân dân", theo nhận định của Tiến sĩ Quang A, cũng là một nhà hoạt động xã hội.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện của Viện Nghiên cứu Hán-Nôm Việt Nam cũng nói rằng "cho đến bây giờ tôi chưa thấy có một ông nào, bà nào, một quan chức nào làm việc ấy cả. Ngay cả công khai trên mạng cũng không có". Người đồng ký tên vào bức thư gửi ông Trọng tỏ ra bức xúc khi cho biết "trong khi đó trước đây khi ứng cử đại biểu quốc hội, chúng tôi công khai toàn bộ tài sản và lý lịch của chúng tôi lên trên mạng để mọi người biết".
"Chúng tôi làm việc này (gửi thư tới ông Trọng) là để bày tỏ một sự tán thưởng đối với công cuộc chống tham nhũng và chúng tôi ghi nhận kết quả bước đầu của công cuộc chống tham nhũng do ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra".
Cựu ủy viên Bộ Chính trị, Đinh La Thăng (trái), và cựu lãnh đạo ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị kết án trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là "đốt lò".
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng bí thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến "những nơi nhạy cảm" từng được coi là "vùng cấm" với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Lần đầu tiên một ủy viên Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị kết án trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là "đốt lò".
Vì sao vẫn còn người ủng hộ Nguyễn Phú Trọng 'chống tham nhũng'
Tuy nhiên những nhà quan sát chính trường Việt Nam cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hiện đã lan sang cả ngành ngân hàng và công an, là một cuộc thanh trừng nội bộ và mang mục tiêu chính trị.
Việc không công khai tài sản của các quan chức chính phủ sẽ tạo thêm tiêu cực và càng thêm tham nhũng trong xã hội, theo nhà báo Tạo và ông cho rằng "chỉ có con đường duy nhất là kê khai và phải công khai để người dân giám sát".
"Thường những cán bộ Đảng viên có chức có quyền ít khi họ kê thật. Họ giấu bớt tài sản nhưng tai mắt nhân dân thì rất nhiều", theo ông Tạo, người từng viết cho báo nhà nước.
Theo chỉ số tham nhũng của Transparency International công bố năm ngoái, Việt Nam đứng thứ 107 trên 180 quốc gia được khảo sát.
Không công khai thì "mất mặt"
Mặc dù cùng ký vào bức thư gửi ông Trọng, nhưng cả Tiến sĩ Quang A, Tiến sĩ Diện và nhà báo Tạo đều không kỳ vọng việc ông Trọng sẽ hồi đáp hay công khai tài sản của mình ra công chúng.
Nhưng theo họ, nếu ông Trọng không công khai tài sản để làm gương thì người dân sẽ tiếp tục mất lòng tin vào Đảng.
"Thì người dân có quyền tiếp tục nghi ngờ là các ông không sạch sẽ gì trong chuyện là tài sản có vấn đề. Và như vậy là bất chấp đòi hỏi chính đáng của người dân", theo nhà báo Tạo. "Mà chính (yêu cầu công khai tài sản) là quy định của nội bộ Đảng. Trung ương Đảng ra quyết định như thế nên chúng tôi yêu cầu ông, là đảng viên – đặc biệt là đảng viên cao cấp và lãnh đạo đảng thì phải chấp hành các quy định của Đảng. Nếu không làm thì ông ý tự bộc lộ bộ mặt và thực chất của ông ý".
Tiến sĩ Quang A nói nếu ông Trọng không thực hiện yêu cầu này thì sẽ "mất mặt".
"Ban bí thư ra quy định như thế. Ông ấy là người đầu trò và ông ấy phải gương mẫu làm đầu tiên mà ông không làm thì có nghĩa là tất cả những lời nói của ông ý và những quyết định của Ban bí thư là không có ý nghĩa gì cả. Tức là toàn bộ là giả dối".
Nhưng vị tiến sĩ từng viết cuốn sách "Tham nhũng và Nhân quyền Việt Nam" hy vọng rằng ông Trọng "đủ khôn để không bị lâm vào cảnh trớ trêu như vậy".
******************
Đinh La Thăng bị đề nghị y án 13 năm tù tội "cố ý làm trái" (VOA, 11/05/2018)
Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Hà Nội hôm 10/5 đề nghị giữ nguyên bản án 13 năm tù giam được tuyên cho cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng vào tháng 1 vì tội danh "cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng".
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng (bị còng tay) không nhận tội tại phiên tòa phúc thẩm đang diễn ra tại Hà Nội. Viện Kiểm Sát Nhân dân cấp cao ở Hà Nội đã đề nghị giữ nguyên bản án 13 năm tù được tuyên vào tháng 1 vừa qua.
Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, Viện kiểm sát nhân dân đề nghị tòa phúc thẩm không giảm nhẹ hình phạt với ông Đinh La Thăng, từng giữ chức chủ tịch PetroVietnam (PVN) từ 2008 đến 2011, và giữ nguyên hình phạt như án sơ thẩm.
Ông Thăng và 13 bị cáo khác, chủ yếu là các cựu lãnh đạo của PetroVietnam, đang kháng cáo tại các phiên tòa phúc thẩm kéo dài trong 10 ngày bắt đầu hôm 7/5 tại Hà Nội. Một cựu lãnh đạo khác của PVN, Trịnh Xuân Thanh, đã bất ngờ rút đơn kháng cáo và không tham dự tòa phúc thẩm.
Theo đại diện Viện kiểm sát được ZingNews trích lời nói, hầu hết các bị cáo đều nhận tội tại tòa phúc thẩm. Tuy nhiên ông Thăng, từng là Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Giao thông vận tải, không nhận tội và khẳng định làm đúng quy trình và thẩm quyền trong việc chỉ định PVC, một công ty con của PetroVietnam, làm tổng thầu thi công Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.
Ông Thăng, 57 tuổi, phủ nhận liên quan trách nhiệm trực tiếp khi tạm ứng hơn 1.000 tỷ đồng cho PVC, theo ghi nhận của VnExpress về phiên tòa phúc thẩm.
Ngoài bản án 13 năm tù giam vì tội "cố ý làm trái", ông Thăng còn nhận bản án 18 năm tù giam trong một phiên tòa khác vào ngày 29/3 trong vụ án thất thoát 800 tỷ đồng (35 triệu USD) của PetroVietnam khi đầu tư vào ngân hàng OceanBank.
Hãng tin AP nói vụ xử Đinh La Thăng là một phần trong cuộc chiến bài trừ tham nhũng chưa có tiền lệ do Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo. Hãng này cho rằng ông Trọng có thêm quyền lực kể từ khi tái đắc cử vào năm 2016, sau khi hất cẳng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi chính trường.
Cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng đã lan sang ngành ngân hàng và công an.
*******************
Ông Đinh La Thăng hiện đang phải hầu tòa vì hai tội danh Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam PVN.
Trong vụ việc tại Tổng công ty xây lắp dầu khí PVC, thuộc PVN, ông Thăng bị cáo buộc cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN và PVC, và bị kết án 13 năm tù tại phiên tòa sơ thẩm.
Cụ thể là việc sử dụng khoản tiền 1.115 tỷ đồng sai mục đích từ dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 để xử lý theo quy định pháp luật.
Và dù PVC không đủ năng lực tài chính, chuyên môn nhưng ngoài tổng thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tập đoàn này còn được chỉ định thầu xây dựng một số dự án lớn khác như dự án Ethanol Phú Thọ, Xơ sợi Đình Vũ.
Chính phủ xác định các dự án này cũng làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, theo Vietnamnet hôm 23/1.
Vị cựu chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN còn bị kết án 18 năm tù khác trong vụ gây thiệt hại 800 tỷ đồng ngân sách khi PVN đầu tư vào Ocean Bank.
Ông Thăng đã kháng cáo cả hai bản án.
Ông đã bị Ủy ban trung ương Bộ Chính trị đề nghị kỷ luật mức cao nhất tại kỳ họp vào cuối tháng 4.
Theo quy định 102 về xử lý đảng viên, đảng viên vi phạm pháp luật bị tòa tuyên phạt từ cải tạo không giam giữ trở lên thì phải khai trừ.
Luật sư Nguyễn Khả Thành bình luận với BBC hôm 29/3 rằng : "Với chức vụ chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, ông Thăng là người chịu trách nhiệm chính, để thất thoát một số tiền 800 tỷ là quá lớn".
"Ông phải bị đưa ra xét xử là điều tất yếu".
Phiên tòa phúc thẩm vụ án Cố ý làm trái ở PVN liên quan đến dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đang diễn ra.
******************
Thêm lãnh đạo công ty lọc hóa dầu Bình Sơn bị tạm giam để điều tra tham nhũng (RFA, 10/05/2018)
Hai lãnh đạo thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn vừa bị công an khởi tố và bắt tạm giam vào ngày 10/5 với cáo buộc lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.
Hình chụp do Thông tấn xã Việt Nam cung cấp : phiên tòa xử cựu Chủ tịch Ocean Bank Hà Văn Thắm (hàng đầu thứ hai từ phải sang) và cựu Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn (hàng đầu thứ hai từ trái sang) tại Hà Nội hôm 29/9/2017 - AFP
Báo Zing trích nguồn tin từ Bộ công an cho biết Bộ công an hôm 10/5 tiến hành khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn với cáo buộc làm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản theo điều 355 Bộ luật Hình sự 2015.
Báo Zing cho biết việc bắt giam ông Giang dựa trên kết quả điều tra vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra ở công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Ngân hàng Đại Dương – Oceanbank.
Ngoài ông Giang, Bộ công an cũng có quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Phạm Xuân Quang, kế toán tưởng công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn về cùng tội danh.
Trong phiên tòa hồi tháng 9 năm ngoái, cựu Tổng giám đốc Oceanbank, Nguyễn Minh Thu cho biết đã chi tiền chăm sóc cho 3 khách hàng lớn trong đó có Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn với số tiền gần 19 tỷ đồng. Theo lời khai, ông Nguyễn Hoàng Giang đã nhận tiền khoảng 7 đến 8 lần từ ngân hàng Oceanbank, mỗi lần từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Ông Giang đã bác bỏ lời khai này.
Bị cáo Thu cũng nói đã chi lãi ngoài cho ông Quang nhiều lần, mỗi lần từ 200 đến 300 triệu đồng. Ông Quang cũng đã bác bỏ cáo buộc này.
Hôm 27/4, Bộ công an cũng đã khởi tố và bắt tạm giam Vũ Mạnh tùng, Phó Tổng giám đốc công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn với cùng tội danh.
Đại án Oceanbank được đưa ra xét xử vào năm ngoái có liên quan đến nhiều quan chức của các tập đoàn nhà nước, trong đó có ông Đinh La Thăng, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, người vừa bị kết án tù hơn 30 năm vì tội cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng.
*****************
Xét xử 7 phụ nữ chặn xe chở cát chống ô nhiễm môi trường (RFA, 10/05/2018)
Tòa án nhân dân huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh ngày 10/5/2018 mở phiên tòa sơ thẩm xét xử 7 phụ nữ cư ngụ ở ấp Tân Tiến, xã Tân Phú, huyện Tân Châu với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’.
7 nữ bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm ngày 10/5/2018 -Screenshot of tuoitre.vn
Báo Tuổi trẻ trích cáo trạng cho biết, từ ngày 27 – 29/11/2017, do bức xúc việc xe tải chở cát của Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Úc - chi nhánh 2 chạy trên đường DH 805 gây ô nhiễm và nguy hiểm cho các phương tiện khác, 7 người phụ nữ này cùng những người dân địa phương khác đã 3 lần ra đường để đứng, ngồi, nằm trước đầu xe không cho lưu thông, dẫn đến ách tắc giao thông.
Cáo trạng quy buộc các hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, trực tiếp xâm hại đến trật tực ông cộng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động bình thường của người dân và tình hình trật tự giao thông trên địa bàn.
Cũng theo báo Tuổi Trẻ cho biết 7 bị cáo gồm bà Vũ Thị Cương, 52 tuổi, Trần Thị Nhẫn, 62 tuổi, Ngô Thị Trúc Mai, 50 tuổi, Trần Thị Thoại, 61 tuổi, Hà Thị Mơ, 61 tuổi, Đào Thị Tiến, 58 tuổi và Phạm Thị Bang, 72 tuổi đều có mặt ở tòa. Riêng Công ty Việt Úc không cử đại diện và cũng rút đơn yêu cầu bồi thường số tiền hơn 420 triệu đồng.
Bà Cương và bà Nhẫn bị bắt tạm giam 3 tháng hôm 12/12/2017 nhưng đến ngày 9/2 được cho bảo lãnh tại ngoại.
*******************
Cả gia đình bé Nguyễn Đắc Q.H (13 tuổi) đã phản đối việc chính quyền thành phố Vũng Tàu cướp đất, thế nhưng sự việc bất thành liền bị lực lượng công an hùng hậu còng tay đưa về phường. Trong số đó có cả bé Q.H.
Bé Q.H. bị còng tay không được đến trường để thi cuối cấp. Ảnh : Facebook Hoàng Tuấn
Như thường lệ, sáng ngày 9/5/2018 bé Q.H (học lớp 7) chuẩn bị đến trường để thi học kỳ thì lực lượng cưỡng chế gồm đủ mọi thành phần, nhưng đông nhất là công an hú còi inh ỏi chặn trước cổng nhà.
Cả gia đình gồm người cha là Nguyễn Văn Đằng (56 tuổi), mẹ Lê Thị Loan, anh trai Nguyễn Hoàng T. (22 tuổi) liền đóng cửa lại để cố thủ bên trong. Lực lượng cưỡng chế hàng trăm người liền ào ào xông vào để bắt cả gia đình nhưng bị sự kháng cự quyết liệt của gia đình bé Q.H.
Theo công an thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, cả gia đình bé Q.H khóa trái cửa, từ trong nhà ném đá vào lực lượng cưỡng chế. Chưa hết, bà Lê Thị Loan còn đổ xăng lên người chảy tràn ra khắp nơi dọa sẽ tự thiêu nếu đoàn cưỡng chế tiếp tục cướp đất của bà.
Bất chấp sự kháng cự quyết liệt từ gia đình bé Q.H nhưng với lực lượng đông gấp bội, đoàn cưỡng chế đã xông vào nhà đánh đập và bắt cả gia đình bé Q.H. Những người này nhanh chóng bị còng tay đưa về phường, ngoại trừ bà Lê Thị Loan. Bà Loan đã cố thủ, đổ xăng lên người dọa tự thiêu. Trước việc phản đối gay gắt, đến 11h30 phút, đoàn cưỡng chế buộc phải rút lui.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Xuân Hoàng, trưởng công an phường Phước Nguyên (thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết gia đình bé Q.H đã chuẩn bị hai bình gas, 20 lít xăng để sống chết cùng lực lượng cưỡng chế nhằm giữ lại căn nhà cho mình. Bà Lê Thị Loan cũng đã thừa nhận điều này vì cho rằng chính quyền thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu đã o ép, không đền bù thỏa đáng cho gia đình.
Trả lời truyền thông, ông Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, việc còng tay ba cha con bé Q.H tại phường là không để cho cả nhà quay trở lại, nhằm gây nguy hiểm.
Chiều ngày 10/5, khi trả lời truyền thông, ông Lê Tôi Sủng- giám đốc công an thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu thừa nhận việc còng tay bé gái 13 tuổi là "sai sót" và yêu cầu lực lượng công an tham gia cưỡng chế phải giải trình với Bộ công an và tổ chức xin lỗi gia đình bé Q.H.
Ngôi nhà của gia đình bé Q.H. nơi xảy ra vụ cưỡng chế. Ảnh : Tuổi Trẻ
Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình ông Nguyễn Văn Đằng sở hữu ngôi nhà 28m2 và toàn bộ khu đất mua lại từ Quân khu 7 là 1030m2 nằm trong dự án xây dựng công viên thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu và buộc phải giải tỏa trắng. Có đến 100 hộ gia đình buộc phải di tản đi nơi khác, nhưng đó là những gia đình đã được đền bù một cách thỏa đáng. Trong khi nhà cửa và đất đai của gia đình ông Đằng đang sở hữu được mua lại từ đất của Quân khu 7, có giấy tờ chứng minh hẳn hoi. Rất nhiều lần ông Đằng yêu cầu chính quyền xuống đo đạc, kiểm đếm lại. Chính quyền cũng đã cho người xuống làm công việc trên, nhưng không chịu cấp số liệu cho gia đình ông Đằng.
Chính từ việc không rõ ràng, lập lờ nên đã không làm hài lòng gia đình. Ông Đằng cùng gia đình phải khiếu kiện khắp nơi. Chính quyền tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã cho phái đoàn Thanh tra tỉnh xác minh nội dung khiếu kiện và có văn bản ghi rõ sẽ cung cấp kết quả trước ngày 27/4/2018 nhưng vẫn không nhận được kết luận từ phái đoàn Thanh tra. Đang trong giai đoạn chờ kết luận từ phái đoàn thanh tra tỉnh thì bất ngờ ông nhận được thông báo cưỡng chế từ chính quyền thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu diễn ra vào ngày 9/5.
Theo ông Đằng, việc chính quyền thành phố cưỡng chế gia đình ông là hành vi đuổi ra khỏi chỗ ở một cách bất hợp pháp. Do đó, gia đình ông đã phải chống lại bằng mọi cách để bảo vệ quyền lợi cho mình.
Người Quan Sát
**********************
Nguyên nhân công nhân đình công vì đối thoại kém (RFA, 10/05/2018)
Nguyên nhân hằng trăm cuộc đình công xảy ra mỗi năm trong giới lao động tại Việt Nam là vì thiết chế đối thoại, thương lượng, giải quyết tranh chấp lao động tập thể thiếu hiệu quả.
Gần 4000 công nhân Công ty Yamani Dynasty đình công từ ngày 21 đến ngày 26/03/2018, tại Nam Định. Courtesy : Liên đoàn Lao động Việt Tự do
Đây là thừa nhận được đưa ra tại Hội Thảo Tham Vấn Ý Kiến về Báo Cáo Quan Hệ Lao Động Việt Nam năm 2017 diễn ra hôm 9 tháng 5 tại Hà Nội.
Hội thảo vừa nêu do chính Bộ Lao Động- Thương Binh & Xã Hội Việt Nam tổ chức.
Theo đánh giá được đưa ra tại Hội Thảo thì các thiết chế hỗ trợ quan hệ lao động như Ủy Ban Quan Hệ Lao Động, Hội Đồng Trọng Tài, Hòa Giải Viên Lao Động được đưa ra nhưng hoạt động thiếu hiệu quả.
Thống kê cho thấy từ khi Bộ Luật Lao Động năm 1995 của Việt Nam thừa nhận khái niệm về quan hệ lao động cho đến năm 2017, trên khắp cả nước xảy ra chừng 8 ngàn cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công.
Từ năm 2006 đến nay, trung bình mỗi năm tại Việt Nam diễn ra chừng 600 cuộc đình công của người lao động tại các nhà máy, xí nghiệp.
Sau Tết Nguyên Đán 2018 vài tuần lễ, câu hỏi từng râm ran trong dư luận "Lò của ông Trọng phải chăng đã nguội ?" đã có câu trả lời. Đó chính là quyết định "khẩn trương xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" được đưa ra sau cuộc họp ngày 8/3/2018 của Ban bí thư dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Truyền hình An Viên (AVG) - Courtesy of truyenhinhavg.org
Vì sao sau gần 2 năm kết thúc việc thanh tra Tổng công ty Mobifone và chưa đưa ra được kết luận, vụ án được chính Tổng bí thư khơi gợi lại và chỉ đạo phải sớm kết thúc ?
Vào tháng 8/2016, truyền thông trong nước đưa tin về quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG (Công ty truyền hình An Viên) theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh.
Sau đó, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngoại trừ quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông. Sự im lặng của tất cả cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên đới đến MobiFone kéo dài cho đến ngày 8/3/2018.
Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn, cho chúng tôi biết đây là một giai đoạn mới, sẽ có những tình tiết mới. Về phương diện luật pháp, ông nói rằng thanh tra mà chưa công bố là không có giá trị.
"Giá trị chỉ khi nào có một tòa án xử bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trường hợp kể cả ra tòa, mà có tình tiết mới thì đôi khi cũng bị lật lại".
Một trong những cái mới trong vụ MobiFone, theo ông là tất cả những nhân sự trong giai đoạn trước của vụ MobiFone đã được thay đổi, từ Thường trực Ban bí thư cho đến Tổng Thanh tra chính phủ và Phó Tổng thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, là người chủ trì trong công cuộc thanh tra lúc đó nghỉ hưu ngày 1/3/2018.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết vào thời điểm 2016, vụ án MobiFone chưa "nổi đình nổi đám" và chưa được hứa hẹn là một đại án quốc gia. Cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang toàn tâm toàn trí vào một vụ khác.
"Lúc đó chưa bộc phát một cách chính thức chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Và lúc đó toàn tâm toàn ý của ông Nguyễn Phú Trọng đặt vào ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus. Từ đó tập kích vào Đinh La Thăng.
Thời điểm hiện nay ông Trọng đang ở thế thượng phong. Đồng thời ông Trần Quốc Vượng kiêm luôn 2 chức, Thường trực Ban bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nên có thể nói là một lợi thế rất lớn để phía ông Trọng đem ra vụ này".
Ngay sau khi ông Tổng bí thư chính thức bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, vụ án MobiFone được "mở lại". Không những thế, báo chí thuộc Ban Tuyên giáo của nhà nước loan tin rằng Ban bí thư cho đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Việc mở lại vụ MobiFone một cách ‘đột ngột’ ông Nguyễn Phú Trọng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt".
Đầu năm 2016, dư luận cả nước bàn tán về thương vụ được gọi là ‘bí ẩn nhất’. Bí ẩn không phải vì con số thực MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là bao nhiêu, mà chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc "bán được" cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.
Cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong bản báo cáo kết quả thanh tra vào tháng 4/2016, có một nội dung khá đặc biệt.
"Bản kết luận có một cái chữ mà người ta cũng hơi suy nghĩ, đó là đề nghị chính phủ phải công bố, đảm bảo đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh để thu hồi tiền, nhưng đó là vụ án mang tính chất tế nhị. Là vụ án lại có chữ tế nhị. Tôi nghe cũng hơi lạ. Để chờ nó có liên quan đến ai mà lại có 2 chữ tế nhị ?"
Câu hỏi này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra suy luận của ông, cũng là một chi tiết từng được dư luận trong nước nhắc đến.
"Cũng có những lời đồn đoán là trong vụ này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đó có phải là lý do đặc biệt hay không mà cho đến mãi gần đây vụ này tương đối êm ả. Có những lời thanh minh cho bà Phượng là không dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Không ít những người quan tâm sự việc cũng như chính dư luận trong nước từng biết về thương vụ bí ẩn MobiFone đã đặt nghi vấn, vụ án này là một mục đích ‘loại trừ đối phương’ thay vì là một bước kế tiếp trong chiến dịch chống tham nhũng ?
Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết quan điểm của ông :
"Thật sự loại trừ đối phương là một việc nhỏ. Vấn đề bài trừ tham nhũng cho Việt Nam là một việc rất là lớn. Việc đấy là việc nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm tích cực hơn nữa. Những cái hiện giờ đương đưa ra theo nhận xét của tôi chỉ là một chỏm của tảng băng".
Ý kiến của Giáo sư Tương Lai đưa ra cũng cho thấy ông chưa muốn đưa ra kết luận nào về vụ án MobiFone thực chất là cuộc chiến thanh trừng hay chống tham nhũng.
"Hết chuyện này đến chuyện khác thôi. Một truyền hình nhiều tập về chống tham nhũng. Sụ thực nó như thế nào thì đằng sau nó nhiều uẩn khúc lắm. Mà thông tin ở đất nước này rất mập mờ".
Ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng dư luận khoan phán xét hay đưa ra kết luận gì.
"Bây giờ nó đang ồn ào trong dư luận, trên mạng đủ kiểu, người ta có quyền suy ra. Nhưng từ cái chữ ‘tế nhị’ đó người ta cũng hơi suy nghĩ một chút".
Một điểm đặc biệt đươc ông Phạm Chí Dũng đề cập đến, đó là vài ngày trước khi ông Ngô Văn Khánh từ chức, một bài viết có tiêu đề ‘Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận vụ Mobifone mua AVG trong tháng 3’ ký tên Công Lý đăng trên mạng xã hội cho rằng Nguyễn Thanh Phượng chính là nhân vật chủ mưu trong vụ Mobifone mua AVG.
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Chí Dũng, ông cho rằng đây là một bài viết được đề nghị và được cung cấp thông tin.
"Theo kinh nghiệm của tôi, đó là thông tin nội bộ. Tác giả hoặc là gửi trong nội bộ hoặc có dính dáng đến nội bộ hoặc những vấn đề gọi là phe cánh chính trị thì mới có được những thông tin như vậy".
3 ngày sau khi xuất hiện bài báo, cuộc họp của Thường trực Ban bí thư cùng với ông Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra.
Liên đới giữa các sự kiện với nhau, ông Phạm Chí Dũng đưa ra vấn đề :
"Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào ? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không ?"
Theo Giáo sư Tương Lai, nếu thật sự đây là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, thì người cần xử lý đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Thông tin.
"Vụ MobiFone này, người dính đầu tiên là ông Trương Minh Tuấn".
Đưa ra giải thích cụ thể hơn, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Dũng cho biết
"Từ năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Do đó, ông Phạm Chí Dũng cho rằng nếu vụ án này trở thành vụ đại án thì ông Nguyễn Bắc Son và cả ông Trương Minh Tuấn sẽ khó thoát khỏi trách nhiệm.
Ông phân tích thêm về những diễn biến có thể xảy ra có thể được xem là điều mà dư luận quan tâm nhất trong vụ án này :
"Nếu quả thực vụ này bà Nguyễn Thanh Phượng có dính dáng và ông Nguyễn Phú Trọng có ý muốn làm rõ vụ này và điều tra đến bà Nguyễn Thanh Phượng, thì đây là lô cốt cuối cùng trong 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng bị tập kích".
Năm 2016, báo chí trong nước cho rằng có những câu hỏi lớn trong thương vụ MobiFone mua AVG. 2 năm sau, mở lại vụ án, liệu dư luận có được câu trả lời hay không ? Đáp án đang được chờ đợi ở ‘cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng’.
***************
Kỷ luật em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải (BBC, 09/03/2018)
Ông Lê Tấn Hùng, em trai nguyên Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bị kỷ luật Đảng vì 'sai phạm tài chính', theo báo Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12
Trang VNF hôm 08/03/2018 viết rằng chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách, đối với ông Lê Tấn Hùng.
Là Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), ông bị kỷ luật cùng "nhiều cá nhân khác tại công ty Sagri".
Vẫn theo trang báo này, trích nguồn chính thức, đây là các "sai phạm tài chính tại doanh nghiệp này" liên quan đến Luật Kế toán của Việt Nam.
Hiện các báo Việt Nam chưa đăng các ý kiến phản hồi từ chính ông Lê Tấn Hùng.
Nhưng trong hệ thống của Việt Nam, việc kỷ luật thường do Đảng Cộng sản quyết định và những cán bộ bị nêu tên ít có cơ hội nói với báo chí về quan điểm của họ.
Ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Lần lượt rời chính trường
Bản thân ông Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12.
Hồi cuối tháng 1/2016, tại Đại hội 12, ông bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư đô thị đông dân nhất Việt Nam.
Vào tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 dù ông không trúng cử tại Đại hội Đảng bộ tháng 10 năm trước
Vào tháng 2/2016, báo chí Việt Nam đăng bài nói ông Lê Thanh Hải chúc mừng ông Đinh La Thăng "được Bộ Chính trị tin tưởng, giao trọng trách" làm tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi lễ có mặt ông Đinh Thế Huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải cũng khóc khi chia tay ông Võ Văn Thưởng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội là tân Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.
Con trai ông là Lê Trương Hải Hiếu, được giao chức Chủ tịch UBND kiêm Phó bí thư Quận 12 năm 2015, khi mới 34 tuổi.
Sang tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.
Đây là quyết định gây nhiều chú ý của dư luận vì mới tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ thành phố này, ông Hải Hiếu đã không trúng cử vào Ban chấp hành.
Sang tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị và sau bị bắt, xử tù.
Ông Đinh Thế Huynh nay cũng không còn là Thường trực Ban bí thư của trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nữa, và chức này đã do ông Trần Quốc Vượng nắm.
******************
Báo cáo : Việt Nam giàu lên nhanh nhất thế giới (VOA, 09/03/2018)
Việt Nam là quốc gia có tốc độ thịnh vượng tăng nhanh nhất trên thế giới trong một thập niên qua, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth đưa ra đầu năm nay.
Một người lái xích lô ngang qua một chiếc Mercedes Benz trị giá 99.000 USD trong khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Một báo cáo mới cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ giàu lên nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân chính đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng này là vì Việt Nam nổi lên để trở thành ‘công xưởng mới của thế giới’, theo một báo cáo mới được Visual Capitalist công bố sau khi tổng hợp các dữ liệu của New World Wealth.
Mức độ giàu lên của Việt Nam tăng ở mức 210% trong 10 năm qua kể từ 2007, và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ như vậy trong 10 năm tiếp theo.
Việt Nam đứng đầu trong danh sách những nước giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua.
Phần lớn sự phát triển này là do con số các cá nhân ‘siêu giàu’ ở Việt Nam tăng nhanh - đây là những người sở hữu giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD, không kể bất động sản dùng làm nơi cư trú.
Trong thập niên qua, số những người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, và trong thập kỷ tới đây, sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục này, theo các số liệu thống kê của một nghiên cứu quốc tế mới đây.
Báo cáo Wealth Report của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank có trụ sở ở London, Anh, cho thấy Việt Nam có 200 cá nhân thuộc thành phần siêu giàu. Nhóm này tăng gấp 3 lần trong thời gian từ 2000 đến 2016, vượt Ấn Độ với mức 290% ở vị trí thứ 2, và Trung Quốc với 281% ở vị trí thứ 3.
Phân tích của Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự gia tăng số người siêu giàu với mức tăng 170% lên tổng số 540 người vào năm 2026. Sự gia tăng được dự đoán trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế gồm ngân hàng, chế tạo và dịch vụ y tế.
Con số các tỷ phú đô la của Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong năm qua.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới trong đó con số tỷ phú ở Việt Nam tăng từ 2 lên 4 người. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và là chủ nhân của tập đoàn bất động sản Vingroup, đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, với khối tài sản 3,1 tỷ USD, Việt Nam đã có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách này. Đó là Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Cũng theo Wealth Report, số lượng triệu phú USD ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 trong 10 năm tới.
Tuy nhiên đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng mạnh và đang đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam.
Một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra cách đây vài năm cho thấy thu nhập gia đình tăng chủ yếu trong nhóm những người giàu có. Những người nghèo nhất Việt Nam chỉ kiếm được 521.000 đồng một tháng (24 USD), trong khi những người khá giả hơn thu nhập khoảng 4.8 triệu đồng (227 USD) vào năm 2014.
Báo cáo này cũng cho thấy sự bất ổn trong xã hội Việt Nam tăng cao với tình trạng tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản bong bóng và nhiều cuộc biểu tình hơn.