Vụ án Mobifone mua AVG : ‘Lò của ông Tổng Bí Thư bùng cháy bất ngờ’ (RFA, 09/03/2018)
Sau Tết Nguyên Đán 2018 vài tuần lễ, câu hỏi từng râm ran trong dư luận "Lò của ông Trọng phải chăng đã nguội ?" đã có câu trả lời. Đó chính là quyết định "khẩn trương xử lý vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG" được đưa ra sau cuộc họp ngày 8/3/2018 của Ban bí thư dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Truyền hình An Viên (AVG) - Courtesy of truyenhinhavg.org
Vì sao sau gần 2 năm kết thúc việc thanh tra Tổng công ty Mobifone và chưa đưa ra được kết luận, vụ án được chính Tổng bí thư khơi gợi lại và chỉ đạo phải sớm kết thúc ?
Thời điểm thuận lợi
Vào tháng 8/2016, truyền thông trong nước đưa tin về quyết định bắt đầu thanh tra toàn diện dự án Mobifone mua 95% cổ phần của công ty AVG (Công ty truyền hình An Viên) theo chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư trung ương lúc đó là ông Đinh Thế Huynh.
Sau đó, hoàn toàn không có bất kỳ thông tin nào liên quan đến kết quả thanh tra toàn diện vụ Mobifone mua 95% cổ phần AVG, ngoại trừ quyết định thuyên chuyển ông Lê Nam Trà, Tổng giám đốc MobiFone về công tác tại văn phòng Bộ thông tin và Truyền thông. Sự im lặng của tất cả cơ quan ban ngành có trách nhiệm liên đới đến MobiFone kéo dài cho đến ngày 8/3/2018.
Luật sư Trần Quốc Thuận từ Sài Gòn, cho chúng tôi biết đây là một giai đoạn mới, sẽ có những tình tiết mới. Về phương diện luật pháp, ông nói rằng thanh tra mà chưa công bố là không có giá trị.
"Giá trị chỉ khi nào có một tòa án xử bản án có hiệu lực pháp luật. Nếu trường hợp kể cả ra tòa, mà có tình tiết mới thì đôi khi cũng bị lật lại".
Một trong những cái mới trong vụ MobiFone, theo ông là tất cả những nhân sự trong giai đoạn trước của vụ MobiFone đã được thay đổi, từ Thường trực Ban bí thư cho đến Tổng Thanh tra chính phủ và Phó Tổng thanh tra, ông Ngô Văn Khánh, là người chủ trì trong công cuộc thanh tra lúc đó nghỉ hưu ngày 1/3/2018.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cho biết vào thời điểm 2016, vụ án MobiFone chưa "nổi đình nổi đám" và chưa được hứa hẹn là một đại án quốc gia. Cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang toàn tâm toàn trí vào một vụ khác.
"Lúc đó chưa bộc phát một cách chính thức chiến dịch được coi là chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Và lúc đó toàn tâm toàn ý của ông Nguyễn Phú Trọng đặt vào ông Trịnh Xuân Thanh và chiếc xe Lexus. Từ đó tập kích vào Đinh La Thăng.
Thời điểm hiện nay ông Trọng đang ở thế thượng phong. Đồng thời ông Trần Quốc Vượng kiêm luôn 2 chức, Thường trực Ban bí thư và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra nên có thể nói là một lợi thế rất lớn để phía ông Trọng đem ra vụ này".
Ngay sau khi ông Tổng bí thư chính thức bổ nhiệm ông Trần Quốc Vượng thay thế ông Đinh Thế Huynh ở vị trí Thường trực Ban bí thư, vụ án MobiFone được "mở lại". Không những thế, báo chí thuộc Ban Tuyên giáo của nhà nước loan tin rằng Ban bí thư cho đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, phức tạp, nhạy cảm và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Việc mở lại vụ MobiFone một cách ‘đột ngột’ ông Nguyễn Phú Trọng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đánh giá là ‘một bước ngoặt lớn và quyết liệt".
Vì sao nhạy cảm ?
Đầu năm 2016, dư luận cả nước bàn tán về thương vụ được gọi là ‘bí ẩn nhất’. Bí ẩn không phải vì con số thực MobiFone mua lại 95% cổ phần AVG là bao nhiêu, mà chính vì AVG từ khi bước vào thị trường truyền hình cho đến lúc "bán được" cho MobiFone bị cho rằng đang kinh doanh thua lỗ.
Cho đến tháng 11/2016, trong báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, Mobifone mới hé lộ mức giá của giao dịch là 8.889 tỷ đồng.
Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết trong bản báo cáo kết quả thanh tra vào tháng 4/2016, có một nội dung khá đặc biệt.
"Bản kết luận có một cái chữ mà người ta cũng hơi suy nghĩ, đó là đề nghị chính phủ phải công bố, đảm bảo đúng pháp luật, xử lý nghiêm minh để thu hồi tiền, nhưng đó là vụ án mang tính chất tế nhị. Là vụ án lại có chữ tế nhị. Tôi nghe cũng hơi lạ. Để chờ nó có liên quan đến ai mà lại có 2 chữ tế nhị ?"
Câu hỏi này được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng đưa ra suy luận của ông, cũng là một chi tiết từng được dư luận trong nước nhắc đến.
"Cũng có những lời đồn đoán là trong vụ này có liên quan đến trách nhiệm của bà Nguyễn Thanh Phượng, con gái của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Không biết đó có phải là lý do đặc biệt hay không mà cho đến mãi gần đây vụ này tương đối êm ả. Có những lời thanh minh cho bà Phượng là không dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Loại trừ ‘đối phương’ ?
Không ít những người quan tâm sự việc cũng như chính dư luận trong nước từng biết về thương vụ bí ẩn MobiFone đã đặt nghi vấn, vụ án này là một mục đích ‘loại trừ đối phương’ thay vì là một bước kế tiếp trong chiến dịch chống tham nhũng ?
Trả lời vấn đề này, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho biết quan điểm của ông :
"Thật sự loại trừ đối phương là một việc nhỏ. Vấn đề bài trừ tham nhũng cho Việt Nam là một việc rất là lớn. Việc đấy là việc nhà cầm quyền Việt Nam cần phải làm tích cực hơn nữa. Những cái hiện giờ đương đưa ra theo nhận xét của tôi chỉ là một chỏm của tảng băng".
Ý kiến của Giáo sư Tương Lai đưa ra cũng cho thấy ông chưa muốn đưa ra kết luận nào về vụ án MobiFone thực chất là cuộc chiến thanh trừng hay chống tham nhũng.
"Hết chuyện này đến chuyện khác thôi. Một truyền hình nhiều tập về chống tham nhũng. Sụ thực nó như thế nào thì đằng sau nó nhiều uẩn khúc lắm. Mà thông tin ở đất nước này rất mập mờ".
Ý kiến của Luật sư Trần Quốc Thuận thì cho rằng dư luận khoan phán xét hay đưa ra kết luận gì.
"Bây giờ nó đang ồn ào trong dư luận, trên mạng đủ kiểu, người ta có quyền suy ra. Nhưng từ cái chữ ‘tế nhị’ đó người ta cũng hơi suy nghĩ một chút".
Một điểm đặc biệt đươc ông Phạm Chí Dũng đề cập đến, đó là vài ngày trước khi ông Ngô Văn Khánh từ chức, một bài viết có tiêu đề ‘Thanh tra Chính phủ sẽ công bố kết luận vụ Mobifone mua AVG trong tháng 3’ ký tên Công Lý đăng trên mạng xã hội cho rằng Nguyễn Thanh Phượng chính là nhân vật chủ mưu trong vụ Mobifone mua AVG.
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Chí Dũng, ông cho rằng đây là một bài viết được đề nghị và được cung cấp thông tin.
"Theo kinh nghiệm của tôi, đó là thông tin nội bộ. Tác giả hoặc là gửi trong nội bộ hoặc có dính dáng đến nội bộ hoặc những vấn đề gọi là phe cánh chính trị thì mới có được những thông tin như vậy".
3 ngày sau khi xuất hiện bài báo, cuộc họp của Thường trực Ban bí thư cùng với ông Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra.
Liên đới giữa các sự kiện với nhau, ông Phạm Chí Dũng đưa ra vấn đề :
"Giả thuyết đặt ra nếu bà Nguyễn Thanh Phượng dính dáng sâu đến vụ MobiFone và AVG thì thế nào ? Liệu bà có bị khởi tố, thậm chí bị bắt giam hay không ?"
Theo Giáo sư Tương Lai, nếu thật sự đây là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng, thì người cần xử lý đầu tiên là Bộ trưởng Bộ Thông tin.
"Vụ MobiFone này, người dính đầu tiên là ông Trương Minh Tuấn".
Đưa ra giải thích cụ thể hơn, nhà báo độc lập Nguyễn Chí Dũng cho biết
"Từ năm 2016, đã có thông tin ông Nguyễn Bắc Son, nguyên cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông, ông Trương Minh Tuấn lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin truyền thông hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp đã dính dáng đến vụ MobiFone mua AVG".
Do đó, ông Phạm Chí Dũng cho rằng nếu vụ án này trở thành vụ đại án thì ông Nguyễn Bắc Son và cả ông Trương Minh Tuấn sẽ khó thoát khỏi trách nhiệm.
Ông phân tích thêm về những diễn biến có thể xảy ra có thể được xem là điều mà dư luận quan tâm nhất trong vụ án này :
"Nếu quả thực vụ này bà Nguyễn Thanh Phượng có dính dáng và ông Nguyễn Phú Trọng có ý muốn làm rõ vụ này và điều tra đến bà Nguyễn Thanh Phượng, thì đây là lô cốt cuối cùng trong 3 người con của ông Nguyễn Tấn Dũng bị tập kích".
Năm 2016, báo chí trong nước cho rằng có những câu hỏi lớn trong thương vụ MobiFone mua AVG. 2 năm sau, mở lại vụ án, liệu dư luận có được câu trả lời hay không ? Đáp án đang được chờ đợi ở ‘cái lò của ông Nguyễn Phú Trọng’.
***************
Kỷ luật em trai cựu Bí thư Lê Thanh Hải (BBC, 09/03/2018)
Ông Lê Tấn Hùng, em trai nguyên Bí thư Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải bị kỷ luật Đảng vì 'sai phạm tài chính', theo báo Việt Nam.
Ông Lê Thanh Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12
Trang VNF hôm 08/03/2018 viết rằng chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách, đối với ông Lê Tấn Hùng.
Là Tổng giám đốc Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), ông bị kỷ luật cùng "nhiều cá nhân khác tại công ty Sagri".
Vẫn theo trang báo này, trích nguồn chính thức, đây là các "sai phạm tài chính tại doanh nghiệp này" liên quan đến Luật Kế toán của Việt Nam.
Hiện các báo Việt Nam chưa đăng các ý kiến phản hồi từ chính ông Lê Tấn Hùng.
Nhưng trong hệ thống của Việt Nam, việc kỷ luật thường do Đảng Cộng sản quyết định và những cán bộ bị nêu tên ít có cơ hội nói với báo chí về quan điểm của họ.
Ông Lê Tấn Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải.
Lần lượt rời chính trường
Bản thân ông Hải giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ 2006 đến Đại hội Đảng cộng sản 12.
Hồi cuối tháng 1/2016, tại Đại hội 12, ông bị mất chức Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư đô thị đông dân nhất Việt Nam.
Vào tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020 dù ông không trúng cử tại Đại hội Đảng bộ tháng 10 năm trước
Vào tháng 2/2016, báo chí Việt Nam đăng bài nói ông Lê Thanh Hải chúc mừng ông Đinh La Thăng "được Bộ Chính trị tin tưởng, giao trọng trách" làm tân Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh trong một buổi lễ có mặt ông Đinh Thế Huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi lễ, ông Lê Thanh Hải cũng khóc khi chia tay ông Võ Văn Thưởng từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội là tân Trưởng ban Tuyên giáo trung ương.
Con trai ông là Lê Trương Hải Hiếu, được giao chức Chủ tịch UBND kiêm Phó bí thư Quận 12 năm 2015, khi mới 34 tuổi.
Sang tháng 5/2016, Bí thư Đinh La Thăng trao quyết định của Ban bí thư chỉ định ông Lê Trương Hải Hiếu vào Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2015-2020.
Đây là quyết định gây nhiều chú ý của dư luận vì mới tháng 10/2015, tại Đại hội Đảng bộ thành phố này, ông Hải Hiếu đã không trúng cử vào Ban chấp hành.
Sang tháng 5/2017, ông Đinh La Thăng bị mất chức Ủy viên Bộ chính trị và sau bị bắt, xử tù.
Ông Đinh Thế Huynh nay cũng không còn là Thường trực Ban bí thư của trung ương Đảng cộng sản Việt Nam nữa, và chức này đã do ông Trần Quốc Vượng nắm.
******************
Báo cáo : Việt Nam giàu lên nhanh nhất thế giới (VOA, 09/03/2018)
Việt Nam là quốc gia có tốc độ thịnh vượng tăng nhanh nhất trên thế giới trong một thập niên qua, theo đánh giá của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth đưa ra đầu năm nay.
Một người lái xích lô ngang qua một chiếc Mercedes Benz trị giá 99.000 USD trong khu trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Một báo cáo mới cho thấy Việt Nam là quốc gia có tốc độ giàu lên nhanh nhất thế giới.
Nguyên nhân chính đằng sau sự tăng trưởng nhanh chóng này là vì Việt Nam nổi lên để trở thành ‘công xưởng mới của thế giới’, theo một báo cáo mới được Visual Capitalist công bố sau khi tổng hợp các dữ liệu của New World Wealth.
Mức độ giàu lên của Việt Nam tăng ở mức 210% trong 10 năm qua kể từ 2007, và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ như vậy trong 10 năm tiếp theo.
Việt Nam đứng đầu trong danh sách những nước giàu lên nhanh nhất thế giới trong 10 năm qua.
Phần lớn sự phát triển này là do con số các cá nhân ‘siêu giàu’ ở Việt Nam tăng nhanh - đây là những người sở hữu giá trị tài sản ròng hơn 30 triệu USD, không kể bất động sản dùng làm nơi cư trú.
Trong thập niên qua, số những người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh hơn so với bất kỳ nền kinh tế nào trên thế giới, và trong thập kỷ tới đây, sẽ tiếp tục đà tăng kỷ lục này, theo các số liệu thống kê của một nghiên cứu quốc tế mới đây.
Báo cáo Wealth Report của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank có trụ sở ở London, Anh, cho thấy Việt Nam có 200 cá nhân thuộc thành phần siêu giàu. Nhóm này tăng gấp 3 lần trong thời gian từ 2000 đến 2016, vượt Ấn Độ với mức 290% ở vị trí thứ 2, và Trung Quốc với 281% ở vị trí thứ 3.
Phân tích của Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về sự gia tăng số người siêu giàu với mức tăng 170% lên tổng số 540 người vào năm 2026. Sự gia tăng được dự đoán trong các lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế gồm ngân hàng, chế tạo và dịch vụ y tế.
Con số các tỷ phú đô la của Việt Nam cũng tăng gấp đôi trong năm qua.
Tạp chí Forbes vừa công bố danh sách những người giàu nhất thế giới trong đó con số tỷ phú ở Việt Nam tăng từ 2 lên 4 người. Ngoài ông Phạm Nhật Vượng, tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam và là chủ nhân của tập đoàn bất động sản Vingroup, đang sở hữu khối tài sản trị giá 4,3 tỷ USD, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của hãng hàng không giá rẻ VietJet Air, với khối tài sản 3,1 tỷ USD, Việt Nam đã có thêm 2 tỷ phú lọt vào danh sách này. Đó là Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải Trần Bá Dương và Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long.
Cũng theo Wealth Report, số lượng triệu phú USD ở Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng từ 14.300 hiện nay lên 38.600 trong 10 năm tới.
Tuy nhiên đi kèm với sự gia tăng nhanh chóng của số người giàu và siêu giàu ở Việt Nam, khoảng cách giàu nghèo cũng tăng mạnh và đang đe dọa đến sự ổn định của Việt Nam.
Một báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đưa ra cách đây vài năm cho thấy thu nhập gia đình tăng chủ yếu trong nhóm những người giàu có. Những người nghèo nhất Việt Nam chỉ kiếm được 521.000 đồng một tháng (24 USD), trong khi những người khá giả hơn thu nhập khoảng 4.8 triệu đồng (227 USD) vào năm 2014.
Báo cáo này cũng cho thấy sự bất ổn trong xã hội Việt Nam tăng cao với tình trạng tham nhũng tràn lan, thị trường bất động sản bong bóng và nhiều cuộc biểu tình hơn.