Chín án tử hình trong một phiên tòa (BBC, 23/03/2017)
Báo trong nước cho hay phiên tòa kéo dài hơn ba tuần từ 27/2 mới kết thúc chiều 21/3 cho thấy quy mô và tính chất phức tạp của vụ án.
Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình vừa xử 23 bị cáo tội vận chuyển mua bán trái phép gần 500kg ma túy từ Lào, chín người lĩnh án tử hình, chín người khác tù chung thân.
Báo trong nước cho hay phiên tòa kéo dài hơn ba tuần từ 27/2 mới kết thúc chiều 21/3 cho thấy quy mô và tính chất phức tạp của vụ án.
Theo cáo trạng, 23 bị cáo phạm tội mua bán trái phép 1.415 bánh heroin và các tội khác là tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, không tố giác tội phạm.
Tổng cộng trọng lượng 1.415 bánh heroin là vào khoảng 495kg.
Chín người bị án tử hình là Trần Đức Duy, Nguyễn Trung Kiên, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thành Nam, Lương Xuân Vững, Chu Văn Hậu, Phạm Văn Mạnh, Lý Tiến Đông và Triệu Văn Duy.
Hai ông Lý Tiến Đông và Triệu Văn Duy trước đó đã bị tòa Hà Nội cũng tuyên án tử hình về tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Hai bị cáo Trần Đức Duy và Nguyễn Văn Hùng còn bị 2 và 3 năm tù giam về tội tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng.
Quá trình điều tra bắt đầu từ tháng 1/2015, xác định từ năm 2012 đến đầu năm 2015, các bị can trong vụ án đã hình thành đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý từ Lào, vận chuyển qua Việt Nam sang Trung Quốc.
Băng đảng này được nói đã "thu lời bất chính hơn 13 tỷ đồng và 708.000 Nhân dân tệ", tương đương khoảng 720.000 đôla Mỹ.
******************
Thủ tướng yêu cầu kỷ luật việc bổ nhiệm người nhà (BBC, 23/03/2017)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh thành xem xét, xử lý kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong tuyển dụng, bổ nhiệm.
Lâu nay tại một số địa phương diễn ra tình trạng quan chức bổ nhiệm người thân vào các vị trí trong bộ máy chính quyền.
Trang tin Chính phủ cho hay ông Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các tỉnh thành báo cáo thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2017 về việc xem xét kỷ luật sai phạm trong lĩnh vực này.
Riêng biệt, ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính xem xét có hình thức kỷ luật đối với cá nhân vi phạm pháp luật trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và báo cáo trước ngày 30/4.
Truyền thông trong nước từng đưa tin tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vị cục trưởng đưa vợ vào làm trưởng phòng thanh tra và sau đó cũng đề nghị quy hoạch bà này làm cục phó, trong khi em vợ cục trưởng cũng giữ vị trí kiểm tra thuế viên...
Trước đó cũng có cáo giác Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đưa người thân giữ vị trí chủ chốt trong các cơ quan của tỉnh, điều ông bí thư bác bỏ.
Trong khi đó, bà Phạm Thị Thanh Trà, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Yên Bái, bị cáo buộc bổ nhiệm chức Giám đốc Sở Tài nguyên - Mội trường cho em bà là ông Phạm Sỹ Quý.
Bà Trà cũng phản bác rằng "đây là quyết định của tập thể Thường trực Tỉnh uỷ và Thường vụ Tỉnh uỷ tỉnh Yên bái, theo quy trình cực kỳ chặt chẽ" và không ưu ái em bà.
Đây không phải lần đầu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo về việc bổ nhiệm sai nguyên tắc trong cơ cấu chính quyền.
Ngay từ khi mới nhậm chức, tháng 8/2016 ông đã nhấn mạnh không để chính phủ tai tiếng vì công tác cán bộ : "Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài chứ không phải tìm người nhà".
Cũng từ lúc đó, ông đã yêu cầu : "Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc. Ngay ngày hôm nay phải thành lập tổ công tác theo dõi kết luận của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng thực hiện đến đâu".
*********************
Nhà quan sát Hà Nội nói gì về 'giấc mơ Singapore' ? (BBC, 23/03/2017)
Nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đang thăm Việt Nam, một nhà quan sát ở Hà Nội bình luận về những phát ngôn thể hiện 'giấc mơ Singapore' của quan chức nước nhà.
Hôm 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Phủ Chủ tịch
Hôm 23/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chính thức đón Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại Phủ Chủ tịch.
Trước đó, khi đặt chân đến Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lý viết trên mạng xã hội rằng "Singapore là bạn tốt của Việt Nam" và "thành phố [Hồ Chí Minh] sôi động hơn rất nhiều so với lần thăm năm 2006".
Hôm 23/3, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Nguyễn Cảnh Bình, Giám đốc Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam, người có nhiều năm nghiên cứu chính trị Singapore, nói : "Có thể nói trong khu vực Asean, Singapore là quốc gia thân thiện nhất với Việt Nam".
"Và có nhiều điều Hà Nội có thể học đảo quốc này về cách thức phát triển quốc gia".
"Phát triển quốc gia cũng tương tự như phát triển một tổ chức hoặc doanh nghiệp, yếu tố quyết định là nhà lãnh đạo".
"Vấn đề là nhà lãnh đạo ấy phải có kiến thức, ý chí, quyết tâm chứ không chỉ những ước mơ hay tuyên bố suông".
"Dù rằng việc lãnh đạo ra tuyên bố bày tỏ mục đích, dự định của họ là điều tốt".
"Nếu có dịp đọc bộ Hồi ký Lý Quang Diệu, người ta sẽ nhận thấy hầu như không thể có nhà lãnh đạo nào ở Việt Nam có thể làm được như ông ấy : đi học ở Đại học Cambridge, rồi cầm quyền trong hơn 30 năm".
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (áo hồng) tại tầng 49 tòa nhà Bitexco ở Thành phố Hồ Chí Minh
'Nền tảng'
"Tới nay, chúng ta chỉ có những nhà lãnh đạo học Đại học Bách khoa, Kinh tế Quốc dân, may mắn thì biết nói tiếng Anh trôi chảy thì đã được xem là siêu sao, rồi cầm quyền nhiều thì 10 năm và vô cùng bận rộn trước, trong và sau đấy... thì giấc mơ Singapore vẫn chỉ là giấc mơ".
"Tôi hy vọng Bí thư Đinh La Thăng cũng như các nhà lãnh đạo khác ở Việt Nam có thời gian đọc sách về Lý Quang Diệu để hiểu thêm về cách thức phát triển đất nước Singapore, để biết địa phương mình có thể và cần phải làm gì".
Ông Cảnh Bình cho biết thêm : "Theo tôi, muốn phát triển được như Singapore thì Việt Nam cần tính đến việc hình thành thế hệ nhà lãnh đạo trẻ, biết tiếng Anh để có thể dễ dàng tiếp cận văn minh phương Tây, cũng như tạo nền tảng cho những nhà lãnh đạo phát huy năng lực của họ".
"Trong chuyện phát triển đất nước, Singapore có phần may mắn hơn Việt Nam là cái ngưỡng phát triển của họ từ thập niên 1950, 1960 trong điều kiện [kinh tế khu vực] khá trống trải".
"Trong lúc Việt Nam bây giờ muốn phát triển thì phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực".
Singapore là một trung tâm tài chính và thương mại khu vực Đông Nam Á
Ông cũng nói rằng "Việt Nam có những yếu tố, điều kiện khác biệt so với Singapore trong chuyện một đảng cầm quyền và sự ổn định chính trị" song từ chối bình luận về chuyện Việt Nam độc đảng.
Đề cập về làn sóng start-up Việt Nam đổ xô mở văn phòng tại Singapore thời gian qua, ông Cảnh Bình nói : "Đó là xu hướng bình thường trong thời toàn cầu hóa".
"Tôi biết có doanh nghiệp đã hoạt động ở Việt Nam hơn 10 năm và khi tính đến việc mở văn phòng tại các nước, lựa chọn đầu tiên của họ là Singapore và điều đó không có gì đáng tranh cãi".
Tháng trước, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, gây tranh cãi khi tuyên bố "muốn xây dựng Quận 1 thành một Singapore thu nhỏ".
Truyền thông Việt Nam khi tường thuật về việc ông Hải chỉ đạo chiến dịch giành lại vỉa hè tại Quận 1 đều nhắc đến mong muốn này.
***********************
Singapore - Việt Nam ký 6 văn kiện hợp tác (RFA, 23/03/2017)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (trái) bắt tay Tổng Bí thư dảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2017. AFP photo
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 23 tháng 3 có những cuộc gặp với thủ tướng và chủ tịch nước Việt Nam trong chuyến công du chính thức đến Hà Nội lần này.
Tin cho biết trong cuộc hội đàm với thủ tướng nước chủ nhà, thủ tướng Singapore khẳng định sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam nâng cao năng lực cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển, chia sẻ kinh nghiệm về an ninh hàng hải và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Đối với tình hình tranh chấp tại khu vực Biển Đông, hai phía đồng ý với quan điểm xây dựng khu vực hòa bình, hữu nghị, tuân thủ hợp tác quốc tế, tôn trọng tự do hàng không, hàng hải…
Thủ tướng Lý Hiển Long của Singapore nhấn mạnh các bên liên quan cần phải hợp tác nhằm thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên tại Biển Đông - DoC, và tham gia, tiến đến đạt cho được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông - CoC.
Trong chuyến công du lần này của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Việt Nam, hai phía ký kết 6 văn kiện hợp