Phát hiện 7 con hổ đông lạnh tại Hà Nội (RFA, 26/07/2019)
Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu của Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán hổ từ Lào về Việt Nam và đã phát hiện 7 con hổ đông lạnh đang được chuyển đi tiêu thụ.
7 con hổ bị Công an thành phố Hà Nội bắt giữ. AFP
Truyền thông trong nước ngày 26/7 loan tin cho biết như vừa nêu.
Tin cho biết, cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội hôm 25/7 tiến hành kiểm tra một xe hơi tại khu vực hầm để xe của tòa nhà Indochina tại Hà Nội và phát hiện 3 người đàn ông đang vận chuyển 7 con hổ đông lạnh.
Ba người đàn ông bị bắt gồm Nguyễn Hữu Huệ (1967) giám đốc công ty kinh doanh vật liệu xây dựng Đại Minh, Phan Văn Vui sinh năm 1985 và Hồ Anh Tú sinh năm 1991, cả ba cùng cư ngụ tại tỉnh Nghệ An.
Ông Nguyễn Hữu Huệ khai với cơ quan chức năng là vừa mua số lượng hổ trên tại Lào rồi vận chuyển trái phép về Việt Nam bằng đường bộ và chuẩn bị đưa ra Hà Nội tìm nguồn tiêu thụ.
Tuy nhiên, cơ quan cảnh sát điều tra thì cho rằng ông Huệ là người đứng đầu đường dây chuyên buôn bán hổ xuyên quốc gia từ nhiều năm nay dưới vỏ bọc là một doanh nghiệp xây dựng. Đường dây này đã bị cơ quan chức năng nhiều lần phát hiện tuy nhiên đến nay mới bắt được đối tượng Nguyễn Hữu Huệ.
Theo báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Việt Nam trong những năm qua đã trở thành điểm nóng về săn bắt, khai thác, buôn bán và vận chuyển động vật hoang dã trên thế giới. Một số được tiêu thụ trong nước và phần lớn còn lại được vận chuyển sang Trung Quốc.
Số liệu thống kê từ các vụ bắt giữ cho thấy nhiều loài động vật hoang dã được vận chuyển bất hợp pháp sang Việt Nam như ngà voi, tê tê và sừng tê giác cùng với nhiều loại động vật khác được đưa vào danh sách đỏ sắp tuyệt chủng trên thế giới.
Vào ngày 23/7, Singapore vừa tiến hành bắt giữ gần 12 tấn vảy tê tê và 9 tấn ngà voi được vận chuyển từ Cộng hòa Congo tới Việt Nam với trị giá lô hàng lên tới hơn 48 triệu USD. Đây được xem là lần bắt giữ ngà voi nhiều nhất từ trước đến nay và số lượng vảy tê tê đứng thứ 3 kể từ hồi tháng 4/2019.
Hồi đầu tháng 4 năm 2019, Hải quan Singapore cũng đã bắt giữ gần 13 tấn vảy tê tê và khoảng 177 kg ngà voi, trị giá hàng chục triệu đô la từ Nigeria, Châu Phi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam.
********************
Dự án BOT ‘nghìn tỉ’ Trung Lương-Mỹ Thuận đối diện nguy cơ ‘vỡ trận’ vì… hết tiền (VOA, 24/07/2019)
Sau khi nhà thầu thi công tổ chức giăng băng rôn đòi nợ vào ngày 23/7, chủ đầu tư và nhà thầu thi công dự án Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang ngày 24/7 cảnh báo sẽ dừng dự án BOT "nghìn tỉ" này vào cuối tháng tới nếu không được rót vốn.
Nhà thầu ngừng thi công, giăng băng rôn đòi tiền cho dự án Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vào ngày 23/7/2019.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là một dự án trọng điểm quốc gia, nằm trong quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc của Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 9.668 tỉ đồng được khởi công từ năm 2009. Tuy nhiên cho đến nay, việc thi công dự án mới chỉ đạt được 22% khối lượng, do bị "lụt" tiến độ trong suốt 10 năm qua vì lý do thiếu vốn và thay thế chủ đầu tư và nhà thầu thi công nhiều lần.
Thủ tướng Việt Nam gần đây đã yêu cầu các cơ quan chức năng phải "sốc" lại dự án để đạt được mục tiêu thông xe vào năm 2020.
Trước khi nhà thầu đình công, giăng băng rôn đòi tiền nhà đầu tư vào ngày 23/7, phía chủ đầu tư, Công ty cô phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đã gửi văn bản "cầu cứu" tới Văn phòng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, yêu cầu chấp thuận cho bố sung Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả vào liên danh, thay cho Công ty TNHH Yên Khánh của Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ, đã bị bắt và khởi tố vì liên quan đến việc lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp quân đội thâu tóm hàng loạt dự án xây dựng, BOT béo bở trên khắp cả nước.
Dự án tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận cho biết sau khi được bổ sung nhà đầu tư đủ năng lực thay thế, dự án đã được triển khai trở lại từ đầu năm nay nhưng lại tiếp tục gặp vướng mắc về vốn khi 2.180 tỉ đồng mà chính phủ hỗ trợ cho dự án vẫn chưa được giải ngân, trong đó có 500 tỉ là vốn dành cho giai đoạn 2016-2020, theo Dân Trí.
Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang, ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, nói những vướng mắc này đã "vượt ra khỏi khả năng của doanh nghiệp dự án" và "vượt ra khỏi sức chịu đựng của các nhà thầu" nên họ buộc phải đưa ra một kế hoạch dự kiến cho việc dừng dự án.
Đại diện doanh nghiệp này cho biết tính đến nay, phía nhà đầu tư và nhà thầu đã đổ vào dự án khoảng 3.000 tỉ đồng và chỉ còn khả năng cầm cự cho đến giữa tháng 8/2019, theo Tuổi Trẻ.
Sau khi nghe phía doanh nghiệp trình bày, ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, liên tục trấn an phía nhà đầu tư, thi công phải "bình tĩnh".
Ông Dũng cho biết tỉnh Tiền Giang hiện đã giải tỏa được gần 3.200 hộ dân để chuẩn bị mặt bằng cho dự án và được người dân "đồng thuận rất cao", thì "không có lý do gì" mà khi các nhà thầu, doanh nghiệp nhìn thấy "khó khăn chút ít vậy thôi mà các anh không quản lý được".
Tỉnh Tiền Giang cho biết là đã đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến của Bộ Giao Thông Vận tải về những khó khăn, vướng mắc, giải pháp… cho dự án nhưng "thời gian giải quyết những vướng mắc cụ thể nói trên vào thời điểm nào thì tỉnh Tiền Giang vẫn chưa thể biết trước", báo Tuổi Trẻ dẫn lời bà Nguyễn Thị Thanh Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp Tiền Giang, nói.
Theo Công ty cổ phần BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, sau khi được triển khai trở lại vào đầu năm 2019, tuyến cao tốc dài 51 km này đã có hơn 40 km nền đất yếu cần phải gia cố trở lại.
*********************
18 ngư dân Việt bị Malaysia phạt hơn 600.000 đô la vì đánh bắt cá bất hợp pháp (RFA, 26/07/2019)
Một tòa án ở Malaysia hôm 25/7 đã tuyên phạt 18 ngư dân Việt Nam tổng số tiền hơn 2,5 triệu Ringid, tương đương khoảng hơn 620.000 đô la vì đánh bắt cá trộm và tìm cách phi tang bằng chứng. Đây là mức phạt cao nhất được ghi nhận tại Malaysia đối với những ngư dân nước ngoài. Trang tin BenarNews, một nhánh của RFA, dẫn lời của giới chức tòa án Malaysia cho biết.
Hình minh họa. Tàu cá ngư dân Việt Nam ở Phú Quốc hôm 13/3/2014 - AFP
Chánh án Azman Mustapha được BenarNews trích lời cho biết : "Sau khi xem xét các tình tiết của vụ án và nghe các tranh luận được phía công tố và luật sư bào chữa đưa ra, tòa thấy rằng những bị cáo đã phạm tội sử dụng tàu có lưới rà để đánh bắt cá và tìm cách phi tang bằng chứng".
18 ngư dân này bị cáo buộc vi phạm vùng nước của Malaysia ở Kuala Terengganu, phía đông bang Terengganu vào khoảng thời gian từ 7 :05 đến 8 giờ sáng ngày 19/5/2018.
Tòa cho biết những người này sẽ không được thả cho đến khi họ trả đủ tiền phạt. Những ngư dân này có thể phải ngồi tù đến 3 năm nếu không trả tiền phạt.
Toàn bộ tàu và tài sản trên tàu của những ngư dân bị bắt giữ được tòa phán phải chuyển về cho chính phủ Malaysia.
Hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Nội vụ Malaysia cũng cho biết nước này đã bắt giữ 25 tàu cá Việt Nam cùng 123 ngư dân ở xâm phạm vùng nước của Malaysia.
Malaysia đã chính thức gửi công hàm phản đối Việt Nam về tình trạng tàu cá xâm phạm vùng nước của quốc gia này hồi tháng 5 vừa qua.
Chính phủ Malaysia cho biết từ năm 2006 đến năm 2019, Malaysia đã bắt giữ tổng cộng 748 tàu cá Việt Nam với hơn 7.200 ngư dân.