Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

30/07/2019

Dự án Làng đại học treo khiến dân khốn đốn

RFA tiếng Việt

Dự án làng đại học Đà nẵng đã bị "treo" suốt hơn 20 năm qua, gây khó khăn cho hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch. Ruộng đồng bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp mà không thể sửa chữa và xây dựng mới vì đều nằm trong vùng quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng.

daihoc1

Một góc của dự án làng đại học ở Đà Nẵng Photo : RFA

Dự án đầu tư xây dựng làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997. Sau gần 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện gồm : Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Đại học Đà Nẵng.

Ruộng đồng bỏ hoang

Hầu hết các hộ dân khi chia sẻ với chúng tôi đều chung một ý là từ khi Dự án làng đại học Đà Nẵng xây dựng đường vành đai Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường cống thoát nước bao bọc thì độ khoảng 5-6 năm trở lại đây đất đai trong vùng trở nên khô cằn vì thiếu nước, mùa vụ liên tiếp thất thu nên nhiều hộ dân phải bỏ hoang ruộng đồng để đi kiếm việc làm khác.

Bà Liên (67 tuổi) có đất ruộng ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Thành phố Đà Nẵng) đang thu hoạch mè nói trước đây việc làm nông của bà con nơi đây có ăn lắm. Khi chưa khoanh vùng quy hoạch Dự án thì một mùa vụ bà con có thể thu được 9-10 bao đậu, gấp đôi hiện tại. Thế nhưng…

"Từ hồi dự án "treo" ni đây, với lại chổ đường này đây thì nó rút nước đi mô hết nên làm thất bại. Như năm ngoái làm có một đám đậu mà tôi tưới nước cả tháng rưỡi luôn đó mà nhổ được có năm bao đậu.

Làm nhiều lắm. Trước đây họ làm nghề nông, họ sống bằng cây dưa, cây mè được lắm. Sống đầy đủ. Giờ nó khô quá, làm không được cái họ bỏ họ đi làm cây xanh những đồ. Họ đi làm hết. Làm không được họ bỏ đi làm, bỏ đất bỏ hoang rứa đó".

daihoc2

Đất bỏ hoang ở dự án làng đại học Photo : RFA

Ngồi nghỉ dưới ánh nắng chưa hè, bà Im cũng ở phường Hòa Qúy nhìn đám ruộng thiếu nước của gia đình mà không tránh khỏi bức xúc khi nghe chúng tôi hỏi những vấn đề liên quan đến việc quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng đã để "treo" suốt hơn 20 năm qua.

"Có hồi làm ngập lụt, có hồi làm thì khô rang luôn. Kêu gọi làm được mấy cái cống ngoài ấy, làm sâu quá chừ khô rang luôn. Còn giải tỏa, bên ấy giải tỏa hết rồi còn lại mấy sào là để y rứa đó, bỏ bò ăn chứ không có làm được".

Chúng tôi thắc mắc tại sao việc Dự án làm cống thoát nước lại khiến cho đất đai trồng trọt của bà con thiếu nước dẫn đến hiện tượng khô cằn ? Bà Trái giải thích :

"Nó đào con mương nó sâu quá. Nó xây cái cống nếu xây theo mặt đất hoặc thấp xuống một tí thì được còn cái này nó làm mà người ta đi dưới ấy cũng được luôn nên chi hỏng mạch nước. Chứ đất ni hồi chừ nhổ đậu, tỉa dưa cả bốn mùa làm miết. Đất có hồi nào bỏ không".

Ông Côi (53) sinh sống ở phường Hòa Qúy chia sẻ thêm rằng, bản thân không có làm nông nhưng cha mẹ làm. Trước đây, vùng đất này là một vùng giữ nước, bà con thuận theo tự nhiên khi mưa xuống đất đai giữ nước thì bà con gieo giống, đến khi nước cạn thì bà con thu hoạch. Còn nay…

"Thì bà con họ nghĩ từ khi bắt đầu làm con đường đó là bắt đầu cả khu vực này bà con trồng trọt là nó bị ảnh hưởng đến mạch nước hay sao ấy. Chú cũng không chắc về chuyện đó nhưng cứ nghĩ là vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lòng đất".

Để giải quyết bài toán khô cạn nước, nhiều hộ dân có đất trồng trọt trong vùng quy hoạch Dự án đã góp tiền lại mua máy bơm về bơm nước để phục vụ việc tưới tiêu. Ông Côi chia sẻ tiếp :

"Nói chung ở đây nhà chú thì không đóng nhưng bà con ở đây họ không có tiền nhiều, bốn, năm nhà họ chung lại đóng một cái máy rồi nhà này tưới ngày này, ngày kia tưới nhà khác thay phiên nhau để giữ lại cây trồng của họ".

Tuy nhiên, bà con lại gặp nan giải khác là việc kéo đường dây điện, chính quyền địa phương lại không giúp đỡ bà con trong việc kéo đường dây điện với lý do

"Đi đóng giếng để cho hỗ trợ, đi theo con đường kia kìa dẫn vào trong này mà hồi đầu mấy ổng nói cho, sau cái mấy ổng kêu chừ thôi giải tỏa rồi là không cho. Không hỗ trợ gì hết luôn" - bà Im nói.

Rất nhiều cuộc họp bà con phường Hòa Qúy mong chính quyền địa phương giúp kéo đường dây điện chứ để bà con tự kéo quá tốn kém. Nhưng chính quyền địa phương chỉ nói cho qua. Cuối cùng bà con phải kéo đường dây dùng tạm điện sinh hoạt từ nhà những hộ dân lân cận để dẫn điện vào máy bơm nước.

Một phụ nữ ở phường Hòa Hải nhưng còn đất dính vào vùng quy hoạch Dự án ở phường Hòa Qúy nói :

"Giải tỏa rồi cô còn hai trăm mấy mét chừ ứ ở chổ Việt-Hàn (trường Cao đẳng), để hoài vậy chứ không giải tỏa. Họ đổ đất xuống còn khoảng trống đó, đất đỏ tràn xuống chừ cô làm không được luôn. Cô bỏ luôn đó. Cô tỉa đậu đen cũng chết mà đậu phụng cũng chết, mè cũng chết luôn".

Ngồi giữa đám đất trồng trọt của gia đình đang khô cằn vì dính vào quy hoạch Dự án "treo" quá lâu, bà Hiệp (74 tuổi) than thở :

"Mùa vụ mất hết trơn ri, có làm được cái gì mà ăn. Ai có đi làm thợ làm đồ thì kiếm về mà sống qua ngày chứ dân làm nông không làm gì. Như bọn tôi già ri không biết làm chi cho ra đồng bạc. Khổ dễ sợ ! Hồi làm được thì mùa kiếm được đôi ba trăm mua cá mua mắm còn giờ biết cái chi bán hết trơn. Có cái gì đâu mà bán. Làm như ri đây, làm thì có mà không thu thì thôi".

Báo chí Việt Nam dẫn nguồn thông tin từ Chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng cho biết dự án làng đại học Đà Nẵng "treo" hơn 20 năm qua là do thiếu hụt vốn và thay đổi quy hoạch phát triển nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai xây dựng Dự án.

Trong khi đó trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại vào hồi đầu tháng 3/2019, ông Huỳnh Kim- Chủ tịch UBND phường Hòa Qúy cho biết địa phương có gần 900 hộ nằm trong khu quy hoạch dự án Làng đại học Đà Nẵng. Dự án "treo"kéo dài khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công tác quản lý Nhà nước tại các khu dân cư cũng gặp nhiều bất cập.

Nhà cửa lớp bỏ hoang, lớp xuống cấp không thể xây mới

Tuy nhiên, cuộc sống thiếu thốn và khó khăn của bà con nằm trong vùng quy hoạch làng đại học Đà Nẵng không chỉ ở mỗi vấn đề đất đai khô cằn, ruộng đồng bỏ hoang vì thiếu nước và điện mà còn ở chổ nhà cửa xuống cấp không được xây dựng mới, không được cơi nới. Nếu muốn sửa chữa thì phải làm giấy xin phép, phải đợi chờ chính quyền địa phương đồng ý hay không rất tốn công sức và mất thời gian. Ông Côi giải bày :

"Không được. Xây cũng không được. Nằm trong vùng này là không được, nhiều lúc tôn rách hết mà lợp lại họ cũng không cho. Nhiều lúc họ còn khó khăn khi đi xin xỏ. Khổ lắm !".

daihoc3

Dự án làng đại học Photo : RFA

Còn nếu các hộ dân tự ý sửa chữa hay làm mới lại nhà cửa thì sẽ bị lực lượng chức năng địa phương đến ngăn cản.

"Dự án này bên nhà cô hồi nớ chừ cứ nói giải tỏa hoài thôi. Chừ mấy đứa con nhà đông, con lớn cũng không cho làm phòng thêm hoặc nới ra cho con nó ở mà họ không cho làm, không cho nới ra. Còn nhà ai tôn mà sập thì phải xin kìa, còn gỡ ra lợp lại là mấy ông xuống không cho làm", bà Im cho biết.

Bà Hiệp cũng nói lời như bà Im là dân khổ đủ thứ hết.

"Sửa là quy tắc nó tới đập phá chứ có cho sửa chi mô. Nhà hư hết trơn. Hai, ba năm ni may không có bão chứ không nó bay tuốt đầu hết. Mấy năm nay không bão nên đỡ. Dân khổ đủ thứ khổ hết".

Các hộ dân ở phường Hòa Qúy không biết chừng nào Dự án mới tới "giải thoát" cho mình nên hiện tại phải sống chờ đợi bởi đi cũng không được mà ở cũng không xong. Thời gian Dự án "treo" kéo hơn 20 năm, chừng ấy khoảng thời gian hơn ngàn hộ dân Quảng Nam và Đà Nẵng nằm trong vùng quy hoạch sống trong điều kiện nhà cửa hết sức bức bí. Nhiều hộ dân chịu không nổi đã bỏ nhà thành hoang phế. Bà Im nói :

"Nhà cô từ hồi xưa đến giờ có đổ một tấm rồi chừ có sập gì cũng để rứa ở thôi. Nói giải tỏa, mình làm ra mà tiền đâu mà làm. Mà làm ra thì mấy ổng không cho, có tiền mình đi vay mượn lỡ mai mốt giải tỏa thì tiền mô. Rứa đó rồi họ cũng để, cũng chần chờ miết rứa đó".

Gia cảnh nghèo khó, nhà cửa xuống cấp không sữa chửa được, tuổi cao sức yếu nhưng bà Hiệp còn phải nuôi một người con trai năm nay đã 49 tuổi mắc bệnh tâm thần. Đà Nẵng nhiều năm qua đã đẩy mạnh thành tích "toàn dân thoát nghèo" nên hộ gia đình bà Hiệp dù thực sự rất khó khăn nhưng vẫn phải "thoát nghèo" điều này đồng nghĩa với việc nhiều phúc lợi dành cho người nghèo sẽ bị cắt. Bà Hiệp thốt lời kêu cứu đến Chính phủ :

"Về báo lại với ông Chính phủ là làm sao để con dân có đường sống chứ để kiểu ni là tắt thở đó.

Bởi vậy dân mới kêu ca. Kêu mà kêu Chính phủ không tới, kêu ở địa phương như phường, quận thì nó không giải quyết được".

Bà Hiệp cũng như nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng đều mong muốn Dự án và Chính quyền địa phương phải có cầu trả lời dứt khoác là

"Giải tỏa thì giải tỏa, còn không giải tỏa thì làm cách nào để dân nó sống lại chứ để ri thôi dân không cách chi mà sống nổi" - lời của bà Hiệp (5).

"Ai cũng nguyện vọng là : Một là giải tỏa. Hai nữa là nếu không giải tỏa thì để cho dân họ xây dựng, họ làm cái chi để họ tính được. Chứ còn cứ nói hoài, đài báo gì đủ thứ nói, xin đủ thứ hết rồi cuối cùng cũng hứa hẹn hoài", bà Mỹ nói.

Người dân phường Hòa Qúy cũng khó lòng chịu đựng thêm như lời động viên của đaị diện chính quyền địa phương là dân cố gắng để làm ăn chứ giờ cũng không có khả năng để mà giúp đỡ cho dân. Bà Mỹ nói :

"Bởi mỗi khi họp là càng ngày dân họ ít đi họp lắm. Họ nản hung rồi tại vì bao nhiêu lần đi họp khiếu nại về giải tỏa khu vực này, nói hoài, cứ nói hoài năm này qua năm nọ, hẹn hoài. Còn mấy chục nhà nói họp họ không đi, đi lên họp họ cũng nói vậy".

Trao đổi với chúng tôi bằng tin nhắn, một giảng viên ở Đại học Đà Nẵng nói "khi thành lập dự án làng đại học Đà Nẵng, đội ngũ giảng viên chỉ biết là có đất đó sẽ làm làng đại học nhưng không rõ thực hiện thế nào ? Giảng viên thì phần lớn không ai muốn trường chuyển qua đó chỉ có thể là trường mới thành lập".

Vị giảng viên này chia sẻ không biết đội ngũ giảng viên vào công tác và sinh viên vào học tại làng đại học Đà Nẵng có được những lợi ích, ưu tiên gì.

Vị giảng viên này chia sẻ thêm, dự án làng đại học Đà Nẵng bị treo quá lâu là "do kinh phí. Nếu xây mới, hiện đại thì cũng có thể các trường sẽ vào. Hồi mới có dự án mà làm ngay thì các trường vào nhưng bây giờ thì các trường không muốn vào nữa vì các trường đã đầu tư khang trang rồi".

Vị giảng viên nói nếu có đề xuất để tháo gỡ "khó khăn" cho dự án làng đại học Đà Nẵng thì đây thuộc "tầm vĩ mô. Đề xuất thì các vị quan chức nhưng ý kiến có rồi mà không tiền thì chịu thôi. Kế hoạch treo thì ở Việt Nam nhiều lắm nhưng kêu thì cũng chả giải quyết được".

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 227/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000, quy mô khoảng 286,5ha trong đó có 96,5 ha thuộc phường Hòa Qúy (Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc (Quảng Nam). Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục, đòa tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Về quy mô đào tạo và các khu chức năng, Quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ.

Nhóm phóng viên

Quay lại trang chủ
Read 451 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)