Dự án làng đại học Đà nẵng đã bị "treo" suốt hơn 20 năm qua, gây khó khăn cho hàng trăm hộ dân nằm trong quy hoạch. Ruộng đồng bỏ hoang, nhà cửa xuống cấp mà không thể sửa chữa và xây dựng mới vì đều nằm trong vùng quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng.
Một góc của dự án làng đại học ở Đà Nẵng Photo : RFA
Dự án đầu tư xây dựng làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/3/1997. Sau gần 22 năm, dự án mới chỉ có 3 cơ sở được hoàn thiện gồm : Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin, Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông của Đại học Đà Nẵng.
Hầu hết các hộ dân khi chia sẻ với chúng tôi đều chung một ý là từ khi Dự án làng đại học Đà Nẵng xây dựng đường vành đai Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường cống thoát nước bao bọc thì độ khoảng 5-6 năm trở lại đây đất đai trong vùng trở nên khô cằn vì thiếu nước, mùa vụ liên tiếp thất thu nên nhiều hộ dân phải bỏ hoang ruộng đồng để đi kiếm việc làm khác.
Bà Liên (67 tuổi) có đất ruộng ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Thành phố Đà Nẵng) đang thu hoạch mè nói trước đây việc làm nông của bà con nơi đây có ăn lắm. Khi chưa khoanh vùng quy hoạch Dự án thì một mùa vụ bà con có thể thu được 9-10 bao đậu, gấp đôi hiện tại. Thế nhưng…
"Từ hồi dự án "treo" ni đây, với lại chổ đường này đây thì nó rút nước đi mô hết nên làm thất bại. Như năm ngoái làm có một đám đậu mà tôi tưới nước cả tháng rưỡi luôn đó mà nhổ được có năm bao đậu.
Làm nhiều lắm. Trước đây họ làm nghề nông, họ sống bằng cây dưa, cây mè được lắm. Sống đầy đủ. Giờ nó khô quá, làm không được cái họ bỏ họ đi làm cây xanh những đồ. Họ đi làm hết. Làm không được họ bỏ đi làm, bỏ đất bỏ hoang rứa đó".
Đất bỏ hoang ở dự án làng đại học Photo : RFA
Ngồi nghỉ dưới ánh nắng chưa hè, bà Im cũng ở phường Hòa Qúy nhìn đám ruộng thiếu nước của gia đình mà không tránh khỏi bức xúc khi nghe chúng tôi hỏi những vấn đề liên quan đến việc quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng đã để "treo" suốt hơn 20 năm qua.
"Có hồi làm ngập lụt, có hồi làm thì khô rang luôn. Kêu gọi làm được mấy cái cống ngoài ấy, làm sâu quá chừ khô rang luôn. Còn giải tỏa, bên ấy giải tỏa hết rồi còn lại mấy sào là để y rứa đó, bỏ bò ăn chứ không có làm được".
Chúng tôi thắc mắc tại sao việc Dự án làm cống thoát nước lại khiến cho đất đai trồng trọt của bà con thiếu nước dẫn đến hiện tượng khô cằn ? Bà Trái giải thích :
"Nó đào con mương nó sâu quá. Nó xây cái cống nếu xây theo mặt đất hoặc thấp xuống một tí thì được còn cái này nó làm mà người ta đi dưới ấy cũng được luôn nên chi hỏng mạch nước. Chứ đất ni hồi chừ nhổ đậu, tỉa dưa cả bốn mùa làm miết. Đất có hồi nào bỏ không".
Ông Côi (53) sinh sống ở phường Hòa Qúy chia sẻ thêm rằng, bản thân không có làm nông nhưng cha mẹ làm. Trước đây, vùng đất này là một vùng giữ nước, bà con thuận theo tự nhiên khi mưa xuống đất đai giữ nước thì bà con gieo giống, đến khi nước cạn thì bà con thu hoạch. Còn nay…
"Thì bà con họ nghĩ từ khi bắt đầu làm con đường đó là bắt đầu cả khu vực này bà con trồng trọt là nó bị ảnh hưởng đến mạch nước hay sao ấy. Chú cũng không chắc về chuyện đó nhưng cứ nghĩ là vậy, ít nhiều cũng ảnh hưởng đến lòng đất".
Để giải quyết bài toán khô cạn nước, nhiều hộ dân có đất trồng trọt trong vùng quy hoạch Dự án đã góp tiền lại mua máy bơm về bơm nước để phục vụ việc tưới tiêu. Ông Côi chia sẻ tiếp :
"Nói chung ở đây nhà chú thì không đóng nhưng bà con ở đây họ không có tiền nhiều, bốn, năm nhà họ chung lại đóng một cái máy rồi nhà này tưới ngày này, ngày kia tưới nhà khác thay phiên nhau để giữ lại cây trồng của họ".
Tuy nhiên, bà con lại gặp nan giải khác là việc kéo đường dây điện, chính quyền địa phương lại không giúp đỡ bà con trong việc kéo đường dây điện với lý do
"Đi đóng giếng để cho hỗ trợ, đi theo con đường kia kìa dẫn vào trong này mà hồi đầu mấy ổng nói cho, sau cái mấy ổng kêu chừ thôi giải tỏa rồi là không cho. Không hỗ trợ gì hết luôn" - bà Im nói.
Rất nhiều cuộc họp bà con phường Hòa Qúy mong chính quyền địa phương giúp kéo đường dây điện chứ để bà con tự kéo quá tốn kém. Nhưng chính quyền địa phương chỉ nói cho qua. Cuối cùng bà con phải kéo đường dây dùng tạm điện sinh hoạt từ nhà những hộ dân lân cận để dẫn điện vào máy bơm nước.
Một phụ nữ ở phường Hòa Hải nhưng còn đất dính vào vùng quy hoạch Dự án ở phường Hòa Qúy nói :
"Giải tỏa rồi cô còn hai trăm mấy mét chừ ứ ở chổ Việt-Hàn (trường Cao đẳng), để hoài vậy chứ không giải tỏa. Họ đổ đất xuống còn khoảng trống đó, đất đỏ tràn xuống chừ cô làm không được luôn. Cô bỏ luôn đó. Cô tỉa đậu đen cũng chết mà đậu phụng cũng chết, mè cũng chết luôn".
Ngồi giữa đám đất trồng trọt của gia đình đang khô cằn vì dính vào quy hoạch Dự án "treo" quá lâu, bà Hiệp (74 tuổi) than thở :
"Mùa vụ mất hết trơn ri, có làm được cái gì mà ăn. Ai có đi làm thợ làm đồ thì kiếm về mà sống qua ngày chứ dân làm nông không làm gì. Như bọn tôi già ri không biết làm chi cho ra đồng bạc. Khổ dễ sợ ! Hồi làm được thì mùa kiếm được đôi ba trăm mua cá mua mắm còn giờ biết cái chi bán hết trơn. Có cái gì đâu mà bán. Làm như ri đây, làm thì có mà không thu thì thôi".
Báo chí Việt Nam dẫn nguồn thông tin từ Chính quyền Quảng Nam và Đà Nẵng cho biết dự án làng đại học Đà Nẵng "treo" hơn 20 năm qua là do thiếu hụt vốn và thay đổi quy hoạch phát triển nên ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ triển khai xây dựng Dự án.
Trong khi đó trả lời phỏng vấn báo Giáo dục và Thời đại vào hồi đầu tháng 3/2019, ông Huỳnh Kim- Chủ tịch UBND phường Hòa Qúy cho biết địa phương có gần 900 hộ nằm trong khu quy hoạch dự án Làng đại học Đà Nẵng. Dự án "treo"kéo dài khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công tác quản lý Nhà nước tại các khu dân cư cũng gặp nhiều bất cập.
Tuy nhiên, cuộc sống thiếu thốn và khó khăn của bà con nằm trong vùng quy hoạch làng đại học Đà Nẵng không chỉ ở mỗi vấn đề đất đai khô cằn, ruộng đồng bỏ hoang vì thiếu nước và điện mà còn ở chổ nhà cửa xuống cấp không được xây dựng mới, không được cơi nới. Nếu muốn sửa chữa thì phải làm giấy xin phép, phải đợi chờ chính quyền địa phương đồng ý hay không rất tốn công sức và mất thời gian. Ông Côi giải bày :
"Không được. Xây cũng không được. Nằm trong vùng này là không được, nhiều lúc tôn rách hết mà lợp lại họ cũng không cho. Nhiều lúc họ còn khó khăn khi đi xin xỏ. Khổ lắm !".
Dự án làng đại học Photo : RFA
Còn nếu các hộ dân tự ý sửa chữa hay làm mới lại nhà cửa thì sẽ bị lực lượng chức năng địa phương đến ngăn cản.
"Dự án này bên nhà cô hồi nớ chừ cứ nói giải tỏa hoài thôi. Chừ mấy đứa con nhà đông, con lớn cũng không cho làm phòng thêm hoặc nới ra cho con nó ở mà họ không cho làm, không cho nới ra. Còn nhà ai tôn mà sập thì phải xin kìa, còn gỡ ra lợp lại là mấy ông xuống không cho làm", bà Im cho biết.
Bà Hiệp cũng nói lời như bà Im là dân khổ đủ thứ hết.
"Sửa là quy tắc nó tới đập phá chứ có cho sửa chi mô. Nhà hư hết trơn. Hai, ba năm ni may không có bão chứ không nó bay tuốt đầu hết. Mấy năm nay không bão nên đỡ. Dân khổ đủ thứ khổ hết".
Các hộ dân ở phường Hòa Qúy không biết chừng nào Dự án mới tới "giải thoát" cho mình nên hiện tại phải sống chờ đợi bởi đi cũng không được mà ở cũng không xong. Thời gian Dự án "treo" kéo hơn 20 năm, chừng ấy khoảng thời gian hơn ngàn hộ dân Quảng Nam và Đà Nẵng nằm trong vùng quy hoạch sống trong điều kiện nhà cửa hết sức bức bí. Nhiều hộ dân chịu không nổi đã bỏ nhà thành hoang phế. Bà Im nói :
"Nhà cô từ hồi xưa đến giờ có đổ một tấm rồi chừ có sập gì cũng để rứa ở thôi. Nói giải tỏa, mình làm ra mà tiền đâu mà làm. Mà làm ra thì mấy ổng không cho, có tiền mình đi vay mượn lỡ mai mốt giải tỏa thì tiền mô. Rứa đó rồi họ cũng để, cũng chần chờ miết rứa đó".
Gia cảnh nghèo khó, nhà cửa xuống cấp không sữa chửa được, tuổi cao sức yếu nhưng bà Hiệp còn phải nuôi một người con trai năm nay đã 49 tuổi mắc bệnh tâm thần. Đà Nẵng nhiều năm qua đã đẩy mạnh thành tích "toàn dân thoát nghèo" nên hộ gia đình bà Hiệp dù thực sự rất khó khăn nhưng vẫn phải "thoát nghèo" điều này đồng nghĩa với việc nhiều phúc lợi dành cho người nghèo sẽ bị cắt. Bà Hiệp thốt lời kêu cứu đến Chính phủ :
"Về báo lại với ông Chính phủ là làm sao để con dân có đường sống chứ để kiểu ni là tắt thở đó.
Bởi vậy dân mới kêu ca. Kêu mà kêu Chính phủ không tới, kêu ở địa phương như phường, quận thì nó không giải quyết được".
Bà Hiệp cũng như nhiều hộ dân trong vùng quy hoạch dự án làng đại học Đà Nẵng đều mong muốn Dự án và Chính quyền địa phương phải có cầu trả lời dứt khoác là
"Giải tỏa thì giải tỏa, còn không giải tỏa thì làm cách nào để dân nó sống lại chứ để ri thôi dân không cách chi mà sống nổi" - lời của bà Hiệp (5).
"Ai cũng nguyện vọng là : Một là giải tỏa. Hai nữa là nếu không giải tỏa thì để cho dân họ xây dựng, họ làm cái chi để họ tính được. Chứ còn cứ nói hoài, đài báo gì đủ thứ nói, xin đủ thứ hết rồi cuối cùng cũng hứa hẹn hoài", bà Mỹ nói.
Người dân phường Hòa Qúy cũng khó lòng chịu đựng thêm như lời động viên của đaị diện chính quyền địa phương là dân cố gắng để làm ăn chứ giờ cũng không có khả năng để mà giúp đỡ cho dân. Bà Mỹ nói :
"Bởi mỗi khi họp là càng ngày dân họ ít đi họp lắm. Họ nản hung rồi tại vì bao nhiêu lần đi họp khiếu nại về giải tỏa khu vực này, nói hoài, cứ nói hoài năm này qua năm nọ, hẹn hoài. Còn mấy chục nhà nói họp họ không đi, đi lên họp họ cũng nói vậy".
Trao đổi với chúng tôi bằng tin nhắn, một giảng viên ở Đại học Đà Nẵng nói "khi thành lập dự án làng đại học Đà Nẵng, đội ngũ giảng viên chỉ biết là có đất đó sẽ làm làng đại học nhưng không rõ thực hiện thế nào ? Giảng viên thì phần lớn không ai muốn trường chuyển qua đó chỉ có thể là trường mới thành lập".
Vị giảng viên này chia sẻ không biết đội ngũ giảng viên vào công tác và sinh viên vào học tại làng đại học Đà Nẵng có được những lợi ích, ưu tiên gì.
Vị giảng viên này chia sẻ thêm, dự án làng đại học Đà Nẵng bị treo quá lâu là "do kinh phí. Nếu xây mới, hiện đại thì cũng có thể các trường sẽ vào. Hồi mới có dự án mà làm ngay thì các trường vào nhưng bây giờ thì các trường không muốn vào nữa vì các trường đã đầu tư khang trang rồi".
Vị giảng viên nói nếu có đề xuất để tháo gỡ "khó khăn" cho dự án làng đại học Đà Nẵng thì đây thuộc "tầm vĩ mô. Đề xuất thì các vị quan chức nhưng ý kiến có rồi mà không tiền thì chịu thôi. Kế hoạch treo thì ở Việt Nam nhiều lắm nhưng kêu thì cũng chả giải quyết được".
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 227/QĐ-TTg, phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng Đại học Đà Nẵng, tỷ lệ 1/2.000, quy mô khoảng 286,5ha trong đó có 96,5 ha thuộc phường Hòa Qúy (Đà Nẵng) và 190ha thuộc phường Điện Ngọc (Quảng Nam). Đây là khu chức năng đặc thù, là trung tâm giáo dục, đòa tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế. Về quy mô đào tạo và các khu chức năng, Quyết định nêu rõ, tổng quy mô phục vụ đến năm 2035 là 66.000 người gồm 60.000 sinh viên và khoảng 6.000 giảng viên, cán bộ.
Từng là nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ hùng hậu bậc nhất miền Trung và cũng là nơi từng được mệnh danh là "làng chài tỷ phú", tuy nhiên 3 năm trở lại đây, sai lầm tiếp nối sai lầm vô tình kéo cả làng chài ở xã Nghĩa An- thành phố Quảng Ngãi lâm vào cảnh nợ nần, đói khổ, nhiều gia đình ly tán, tha phương cầu thực. Tàu thuyền được trang bị để ra khơi đánh bắt- kế sinh nhai duy nhất của họ cũng bị nằm bờ, mục nát…
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019. RFA
Chúng tôi đến làng chài tại hai thôn Phổ An, Phổ Trường thuộc xã Nghĩa An, Thành phố Quảng Ngãi vào một buổi chiều cuối tháng 7. Khung cảnh nơi đây thật ảm đảm, chỉ thấy toàn người già và trẻ nhỏ. Chúng tôi gặp, hỏi chuyện với vài người dân địa phương và được họ chia sẻ : Vài năm trước thanh niên trai tráng của xã nhiều lắm nhưng ba năm trở lại đây do cuộc sống khó khăn, nợ nần chồng chất nên có lớp bỏ đi làm ăn xa, lớp qua xã bên làm lụng lặt vặt để kiếm cái ăn cái mặc qua ngày.
Bà Khâm (thôn Phổ Trường) cho biết, bà có người con trai vốn là chủ tàu, nhưng do những chuyến đi biển liên tiếp bị thua lỗ nên ngoài việc cầm cố đất đai, nhà cửa, người con trai của bà còn mượn thêm sổ đỏ (quyền sử dụng đất) của vợ chồng bà vay ngân hàng 250 triệu đồng trả nợ. Nhưng rồi số tiền đó cũng không thấm tháp vào đâu, anh đành bỏ tàu nằm bờ, đưa vợ con đi xứ khác làm ăn.
"Kể cái sổ của cô không là 250 triệu đồng, còn sổ của nó bây giờ nhà cửa nó bán rồi, bán trả nợ không đủ".
"Đi vay nợ ngân hàng. Tới tháng không có tiền trả thì phải đi bốc tiền nóng để trả tiền ngân hàng. Chuyến biển có thì trả tiền "nóng" cho họ, còn chuyến biển vào không có thì tiền "nóng" nó cứ tăng hoài thôi. Lâu ngày bán trả nợ cũng không đủ thì phải đi xứ khác làm kiếm ăn chứ làm sao đây".
Hiện tại bà Khâm ở nhà trông giữ cháu, sống nhờ tiền lương hưu ít ỏi của chồng và phải nhờ người con trai kế trả nợ lãi suất ngân hàng 2,5 triệu VNĐ/tháng thay cho khoản nợ của người anh.
Ông Trần Văn Liêm (thôn Phổ An) cho biết, trước đây ông là chủ của cặp tàu giã cào, khoảng 3 năm nay, nghề đi biển không có thu nhập ổn định, có khi còn trắng tay về, nên ai cũng nản, cuối cùng ông đành bán cặp tàu cho người con trai, ở nhà nuôi gà. Tuy nhiên, từ đầu năm đến giờ người con trai của ông Liêm cũng cho tàu neo bến để đi làm thuê kiếm thu nhập mỗi ngày, tuy ít ỏi nhưng không bấp bênh như đi tàu.
"Tôi vừa rồi thiếu nợ bán đôi tàu cho thằng con. Nguyên tài sản trước sau đổi máy là 9 tỷ mấy đồng giờ bán lại cho nó là 6 tỷ mấy đồng. Nó đi được mấy phiên giờ đậu bờ".
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019. RFA
Bà Nguyễn Thị Lập (thôn Phổ An) cho biết bà có 3 người con theo nghề biển, không phải là chủ tàu nhưng những người con của bà cũng đang có cuộc sống hết sức khó khăn.
"Khó khăn lắm ! Đi ghe nào cũng không có tiền chia ăn".
"Làm biển không có, đói lắm. Ba đứa con đi từ hồi ra giêng giờ không có tiền chia luôn".
Bà Lập chia sẻ thêm, bà có người em chồng là chủ tàu, sau nhiều chuyến ra khơi chỉ đủ hoặc lỗ nên lâm vào cảnh nợ nần phải đi vay mượn giấy tờ đất đai của gia đình bà để xoay vốn đi tiếp nhưng từ năm 2014 đến nay, người em cũng không khấm khá hơn. Bà Lập giờ đi bán dạo bánh xèo để kiếm tiền trả lãi suất ngân hàng giúp người em chồng. Rất nhiều hộ ngư dân ở xã Nghĩa An rơi vào tình cảnh như hộ gia đình bà Lập.
"Cả xã Nghĩa An này vay Nhà nước, lấy sổ đỏ cho mấy người đó (chủ tàu) mượn hết, giờ họ không đưa tiền lời cho Nhà nước, giờ mình mắc mình chịu, mình mắc mình cũng phải đưa cho nhà nước vì giờ họ làm ăn không có lấy gì họ đưa cho mình tiền lời nhà nước. Mình phải khổ theo luôn. Khổ theo vậy đó".
"Cô trả nợ một tháng 3, 4 triệu có, 3,5 triệu có và 3,6 triệu có. Giờ cô thả tay rồi, cô trả không nổi".
Hoàn cảnh của gia đình bà Lê Thị Cận khá chật vật, bà cũng có ba người con trai theo nghề biển. Vào năm 2006, bão Chanchu đi qua vùng biển miền Trung đã cướp đi của bà một người con trai. Còn lại hai người con trai hiện đã có vợ có con, vẫn theo nghề biển nhưng không kham nổi cuộc sống nên phải để vợ đi gánh mướn kiếm sống. Bản thân bà Cận tuy tuổi đã cao nhưng vẫn phải làm lụng vất vả để nuôi bản thân.
"Có ba đứa đi biển nhưng chết một đứa rồi. Giờ còn hai đứa mà nó ở riêng hết rồi. Giờ mình ở vậy làm thuê gánh mướn sống qua ngày".
"Đi biển. Vợ nó ở nhà ai kêu gánh cát, gánh đất gì là nó gánh".
Được biết vài năm trước đây xã Nghĩa An là địa phương có lực lượng tàu giã cào đánh bắt xa bờ lên đến 1.000 chiếc, hùng hậu bậc nhất miền Trung, ngư trường đánh bắt trải khắp như Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, Trường Sa…Nhiều gia đình có những đôi tàu trị giá hàng chục tỷ đồng trở lên nên được mệnh danh là "làng chài tỷ phú".
Năm 2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (nay là Nghị định 17) do Chính phủ Việt Nam ban hành về một số chính sách phát triển thủy sản, đúng vào thời điểm "đi biển" được mùa nên rất nhiều hộ ngư dân ở xã Nghĩa An đã tham gia đăng ký hưởng ứng để vay tiền ngân hàng, cầm cố tài sản gia đình để nâng cấp hoặc đóng mới tàu, sắm máy móc có công suất lớn hơn. Thậm chí có hộ còn thế chấp chính con tàu của mình với lãi suất "nóng" để sắm thêm tàu, gia tăng hoạt động đánh gĩa cào. Thế rồi không hiểu sao những chuyến ra biển trở về của làng chài "tỷ phú" bỗng thưa thớt cá, tôm, thậm chí có người đã "đi có về không"…
"Cạn kiệt vì hồi kia đánh bắt máy nó nhỏ, làm lượng dầu nó ít nên thu hoạch được chút đỉnh. Bây giờ tàu công suất nó lớn, nghe ở đâu có cá thì có năm, mười đôi tàu bu lại đánh, đánh chừng một hai bữa là sạch trơn"… - lời của ông Liêm.
Chưa hết, việc đánh bắt của bà con còn gặp thêm khó khăn muôn phần khi phải cạnh tranh gay gắt với lực lượng tàu đánh bắt của Trung Quốc vừa quy mô vừa đông đúc trên biển Đông. Đặc biệt tại ngư trường Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa, tàu Trung Quốc luôn xâm phạm ngư trường của Việt Nam, còn tàu Việt Nam khai thác, đánh bắt quanh ngư trường giữa hai nước thì bị đuổi bắt, đánh gần bờ thì bị kiểm ngư Việt Nam bắt xử phạt. Ông Liêm nói :
"Ngư trường ở miền Bắc, tàu mình đánh qua đó thì Trung Quốc nó bắt, nó đuổi. Còn đánh trong bờ thì kiểm ngư của mình cũng bắt. Dân chết thôi, đây còn chết nữa".
Bản thân bà con ngư dân xã Nghĩa An cũng cho biết đã mắc sai lầm. Trước đây bà con đánh bắt tàu nhỏ, dùng máy móc của Nhật Bản nên ít hao tốn dầu nhớt, thu hoạch mỗi chuyến đi tuy ít nhưng lại có lãi. Một năm tổng kết các chuyến đi, nhiều tàu kiếm được tiền tỷ không khó. Giờ nâng cấp tàu công suất lớn hơn, đổi qua dùng máy móc Trung Quốc có giá thành rẻ nhưng hao tốn dầu nhớt hơn máy móc Nhật Bản rất nhiều lần. Trung bình mỗi ngày tiêu tốn hơn chục lít dầu, rồi thuế phí tăng, cộng trung bình mỗi chuyến tàu trong một ngày phải giã cào cho được mấy chục tấn cá may ra mới có lời lãi. Mà kiếm đâu ra hải sản mấy chục tấn… Ông Liêm phân trần :
"Trước đây tôi là một cặp 850CV, làm thu hoạch trả Nhà nước được, nợ khoảng 3 tỷ mà làm trả nhà nước được một năm, hai năm gì đó tính ra còn nợ khoảng 1,7 tỷ đồng sau là còn 1,3 tỷ đồng. Bắt đầu đổi máy lớn, mình bỏ thêm 3 tỷ đồng Nhà nước cho vay thêm. Từ ngày sắm máy lớn đến giờ là đứng hình hết. Một ngày đi là tốn khoảng 45-50 triệu đồng tiền tổn, hồi kia đi khoảng 10 triệu thành ra sản phẩm làm ít mà có dư còn bữa nay làm nhiều lại không có dư".
Thời điểm "ăn nên làm ra" việc trả nợ ngân hàng không gặp vấn đề gì nhưng sau mấy năm thay máy móc lớn, bắt đầu làm ăn không có, nợ nần chồng chất, thời gian đáo hạn ngân hàng lại bị rút ngắn nên hầu hết ngư dân ở đây đều phải "đụng" đến vay nóng của "xã hội đen" để trả nợ ngân hàng.
Làng chài ở xã Nghĩa An, Quảng Ngãi năm 2019. RFA
Thất nghiệp, không thể xoay sở để trả nợ, nợ ngập thêm nợ, nhiều người phải bỏ xứ trốn nợ, tha phương cầu thực, nhiều bà con ngư dân cho neo đậu tàu ở cảng biển dọc miền Trung từ Thanh Hóa, Nghệ An cho đến Quảng Ngãi …để tránh chủ nợ siết tàu hoặc vứt hẳn tàu thuyền cho mục nát rồi tự chìm.
"Mong muốn của tôi là Nhà nước xem xét sao cho dân bớt đói chứ dưới này đói nhiều lắm".-Lời của bà Nguyễn Thị Lập.
"Bây giờ làm sao ngân hàng hạ bớt lãi suất xuống cho dân làng này. Chứ lãi suất càng ngày càng cao, không riêng gì cô mà mọi người ở đây, những người chủ, những gia đình khó khăn đi vay tiền yêu cầu ngân hàng lãi suất sao hạ xuống bớt cho bà con để bà con nhờ được phần nào. Lãi suất ngân hàng càng ngày càng cao thì ở đây càng bể nữa" - lời của bà Khâm.
Ước chừng có 400 hộ gia đình xã Nghĩa An sẽ đối diện cảnh mất nhà vì thuế chấp ngân hàng và vay "nóng". Trước tình cảnh toàn xã ngập tràn trong "biển nợ", hàng trăm hộ ngư dân ký đơn cầu cứu chính quyền các cấp và ngân hàng.
"Mong muốn của bà con Nghĩa An đây là mong muốn Nhà nước sáng suốt xuống xem xét lại tình hình Nghĩa An hiện giờ. Phải có cái hướng nào đó để xoay chuyển tình thế chứ để như giờ khoảng năm sau đậu bờ 95% , thậm chí khả năng tới 100% vì máy Trung Quốc này đi khoảng 5 năm, đại tu hết 100 triệu đồng, làm ăn không có phải bỏ bờ và máy cũng hư, ghe cũng hư" - ông Liêm kết lời.
Trả lời báo đài Việt Nam vào nữa đầu tháng 7/2019, bà Võ Thị Lệ Thu, Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho biết địa phương không có vốn hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nên không biết phải xoay sở giúp đỡ bà con như thế nào… Trong khi đó, ông Trần Văn Chinh, phụ trách nghề cá của xã Nghĩa An cho biết lối thoát duy nhất giúp ngư dân thoát khỏi nợ nần là nhà nước hỗ trợ họ chuyển đổi nghề nghiệp !
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA, 26/07/2019
"Tôi thấy khoán thuế đối với người buôn gánh bán bưng cũng tốt. Điều đó có nghĩa tránh thuế chồng thuế, mấy cán bộ sẽ không còn được dịp quạnh quẹ người bán nghèo khó. Và nếu được kiểm soát tốt, chính quyền địa phương sẽ mất phần hụi chết mà người dân phải cống nạp để có chỗ bán yên thân. Chính quyền sẽ thêm cơ hội để liêm chính".
Đánh thuế các người dân lam lũ bán ở chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè, xe ôm, bốc vác - Ảnh minh họa
Bày tỏ ý kiến trên là một người đàn ông đã ngoài 50, sống bằng nghề sửa xe ở đầu con hẻm gần khu chế xuất Tân Thuận, quận 7, Sài Gòn. Ông cho biết tên thật, nhưng yêu cầu nếu… đăng báo, hãy gọi ông theo thứ của gia đình miền Nam.
Phóng viên : Những người mà nhóm PV VNTB tiếp xúc, họ chung thắc mắc là thuế khoán có khác gì hụi chết, vì cũng buộc phải đóng một cục, bất kể mua bán khó khăn, trong khi đồng vốn làm ăn nhiều khi là tiền góp đứng, góp nằm…
Ông Tư : Theo tôi biết, ngay hôm giáng sinh 25/12, trước phản ứng của dư luận, phía Tổng cục Thuế đã lên tiếng với báo chí rằng họ không có ý định nào về chuyện sẽ đánh thuế các người dân lam lũ bán ở chợ tạm, chợ cóc, các khu vực giải tỏa, vỉa hè, xe ôm, bốc vác, làm thuê trong lúc nông nhàn tại bến xe, bến tàu...
Có thể ngành thuế chùn tay vì không ngờ dư luận ném đá phản đối dữ quá, nhứt là trong giai đoạn cơ cấu nhân sự của đảng. Tôi nghĩ nếu đã tự tin về lý thuyết thuế là sự điều chỉnh cho lẽ công bằng trong phân phối và sự ổn định xã hội, thì cần dứt khoát thực hiện.
Sở dĩ mà dư luận vừa qua phản đối chuyện khoán thuế với người buôn gánh bán bưng vì suy cho cùng, người làm luật thuế phải biết được "túi tiền" của người dân đang nằm ở đâu, làm cách nào để động viên cho hợp lý, phải suy tính khoản tiền nào thì nhà nước cần động viên, khoản nào thì để lại cho người dân.
Nói như vậy để thấy rằng một khi chưa hiểu rõ dân tình mưu sinh ra sao, chật vật như thế nào mà vội vã đầy quan liêu tin rằng sẽ tạo được nguồn thu bổ sung cho ngân sách từ chuyện khoán thuế, cho thấy vấn đề quản lý nhà nước trong ngành này đang có lỗ hỏng lớn lắm. Càng chậm giải quyết, dân tình càng khổ dài dài bởi những người đã ngồi sai chỗ, nhưng lại được trao nhiều quyền lực.
Phóng viên : Nếu ông nói như vậy, thế thì vì sao lúc đầu ông lại ủng hộ chuyện khoán thuế với người buôn gánh, bán bưng ?
Ông Tư : Bộ các nhà báo nghĩ lâu nay mấy người như tụi tui không có đóng thuế mà yên ổn làm ăn được à ?
Đóng thuế khoán, dẫu gì thì tụi tui vẫn có được tờ hóa đơn hay biên lai thu tiền thuế từ ông nhà nước lớn. Mấy ông nhà nước con như xã, phường sẽ khó kiếm cớ để vòi vĩnh tiền trà nước đối với tụi tui. Còn khoán bao nhiêu là hợp lý để tụi tui đóng thuế lại là chuyện khác. Và nếu đã đóng thuế có chứng từ rõ ràng, thì dứt khoát phải để cho tụi tui yên ổn làm ăn, không có nay đuổi, mai đuổi kiểu kiếm chác nữa. Khi ấy, nhà nước sẽ liêm chính hơn.
Hơn thế, là một nhà nước luôn hô hào của dân, do dân và vì dân thì nhà nước đó khi thu thuế cũng sẽ hiểu đồng thời phải chi ngân sách cho phúc lợi xã hội, thúc đẩy công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội phát triển. Tốt quá đó chứ.
Phóng viên : Nói ông đừng giận, thực sự khá bất ngờ khi một thợ sửa xe lề đường lại lập luận như một quản trị gia có nghề. Ông có thể kể đôi chút về mình hay không ?
Ông Tư : Có gì lạ đâu, tôi vốn là giám đốc tài chính mà. Làm ăn thất bát, may là chưa phải vào tù. Ngồi đây sửa xe vừa kiếm tiền phụ gia đình, vừa được trò chuyện với bà con, tôi thêm kinh nghiệm cho kỳ vọng sẽ có ngày trở lại khởi nghiệp.
Sẳn nói chuyện thuế, tôi góp ý vầy nhà báo coi có được không. Lâu nay ngành thuế hay nói cải cách hành chánh giúp tiết kiệm thời gian cho người đi đóng thuế. Chuyện đó thì đáng hoan nghênh, nhưng cái cần hơn và cũng là gốc của vấn đề mà ngành thuế nên mạnh dạn tiến hành, đó là cải tố cách chọn nhân sự.
Đọc báo, tôi thấy ông Nguyễn Phú Trọng đang họp bàn về nhân sự cho bộ máy đảng cầm quyền. Tôi hiểu nỗi lo lắng và cả lo sợ của ông. Như nghề sửa xe nè, chiếc xe chỉ có thể chạy ngon lành khi máy móc và cả các bộ phận khác như bánh xe, khung sườn, nhông, sên líp... đồng bộ ngon lành. Dĩ nhiên là nhiên liệu xăng dầu cũng phải ngon lành luôn. Không thể chăm chăm vào pít tông, súp bắp, nòng xy lanh như kiểu cơ cấu đảng ở thượng tầng.
Tôi ủng hộ khoán thuế cho người buôn gánh, bán bưng vì biết cán bộ cấp dưới của ông Trọng ưa nhũng nhiễu, và tìm mọi cách để ăn của dân mà không từ bất kỳ thứ gì. Thà dùng thuế rạch ròi vẫn hơn.
Người dân là người sử dụng chiếc xe gắn máy đó. Nếu chiếc xe không nổ máy ngọt, chạy hao xăng mà còn dằn xóc, sửa tới sửa lui tốn bộn tiền song vẫn cứ ạch đụi thì để kinh tế hơn, người dân sẽ dành dụm, thậm chí cả vay mượn… chọn mua xe khác. Chính phủ có nhiệm kỳ, nhưng đảng thì chỉ có một. Vậy là người dân đành cam chịu chiếc xe hư lên, hư xuống. Tôi nghĩ rằng cần phải cạnh tranh trong quản trị quốc gia, cạnh tranh trong người tài điều hành đất nước thì Việt Nam mới có thể giàu có bền vững được.
Tỷ như nếu có người tài tử tế, lúc khoán thuế cho buôn gánh, bán bưng, cho những người thợ sửa xe lề đường như tôi…, thì người tài ấy cũng biết phải sử dụng tiền thuế thu được ra sao cho bù đắp an sinh thỏa đáng với bà con nước mình. Bởi biết chi ngân sách cho phúc lợi xã hội, tất yếu sẽ thúc đẩy công bằng xã hội, tạo điều kiện cho mọi người dân trong xã hội phát triển…
Phóng viên : Cảm ơn ông. Chúc ông sức khỏe và sớm trở lại làm doanh nhân.
Nhóm phóng viên
Nguồn : VNTB, 27/12/2018
Phẫn nộ : Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! (VNTB, 26/12/2018)
Vừa qua, Bộ Tài chính cho hay việc đề nghị các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thu phí bảo vệ môi trường đối với khí thải ngày 26/11/2018 của Bộ Tài chính là xuất phát từ kiến nghị của cử tri tỉnh Lào Cai và Hà Nội.
Chính quyền vắt kiệt sức dân bằng thuế phí ! - Ảnh minh họa
Tuyên bố này gây ra nhiều tranh cãi, ngay sau đó báo điện VNN vào cuộc làm rõ, hóa ra ‘đúng là có việc cử tri Lào Cai kiến nghị về thu phí đối với khí thải. Thế nhưng cử tri Lào Cai chỉ kiến nghị thu phí đối với khí thải công nghiệp’. Thế nhưng, khi Bộ Tài chính tiếp nhận, thì đã loại bỏ chữ công nghiệp, và kiến nghị của cử tri Lào Cai đã trở thành một kiến nghị thuế phí mới, với đối tượng, phạm vi áp dụng rộng rãi hơn.
Chưa bao giờ, người ta nhận thấy Bộ Tài chính lại ‘năng nổ’ trong tiếp nhận và triển khai kiến nghị của cử tri đến thế. Nhưng sự năng nổ này lại áp dụng khi cử tri muốn ‘tăng’ thay vì giảm. Có quá nhiều lý do để giải thích cho sự việc này, và một trong số đó là : ngân khố trong tình trạng suy kiệt. Và thay vì giải quyết triệt để vấn đề thâm thủng ngân sách theo hướng siết chặt chi tiêu cơ bản, minh bạch hóa ngân sách, chống tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư công thì ngược lại, tiến hành đẻ các loại thuế phí (đặc biệt là thuế gián thu) để bổ sung ngân sách.
Đó là lý do vì sao rất nhiều Facebooker bày tỏ sự phẫn nộ, Facebooker Nguyễn Đăng Giang cho biết, việc lắng nghe cử tri là điều cần làm, nhưng lắng nghe phải cho đúng, cho đủ, thay vì cố tình xuyên tạc lời người dân. Còn Facebooker Ngan Cao Trọng phải thừa nhận trong một phản hồi liên quan đến tin tức trên rằng : giữ túi tiền quốc gia nhưng không quản lý được thì chỉ còn biết đè dân đen ra thu chứ biết làm gì nữa. Chỉ một tỉnh miền núi Lào Cai có là đại diện cho 63 tỉnh thành cả nước không ? Và đặc biệt là tỉnh miền núi nên không phải là tỉnh có tỉ lệ xe quá cao so với các tỉnh thành cả nước.
Ngoài ra, liệu có đáng phẫn nộ hay không khi mà đã có thuế bảo vệ môi trường, giờ đây lại có phí môi trường ? Có sự khác nhau gì ngoài cái tên và bản chất bóc lột đồng tiền của người dân ?
Nhưng tại sao một số cơ quan nhà nước lại tìm cách lắp-ghép quan điểm của người dân theo ý mình ? Câu trả lời là vì, bấy lâu nay không có công cụ nào để kiểm tra và giám sát việc làm của họ, và họ dựa vào tính quyền lực (thông qua cưỡng chế) nhà nước và bộ máy truyền thông khổng lồ để ‘nhân danh nhân dân’ và ‘bóc lột nhân dân’.
Điều mà Bộ Tài chính không hề nghĩ tới (dù họ bỏ qua sự liêm sỉ) là, người dân đã khôn ngoan hơn xưa, đã có mạng xã hội để họ nhận diện phát ngôn và hành động thực của từng ‘IQ cao’. Thế nên, họ mới phát hiện ra bà lãnh đạo Bộ Tài chính đánh tráo khái niệm nhằm đạt được mục tiêu. Một trạng thái mà dân gian ví đó là ‘hở ra là đớp’, hay theo ngôn ngữ chính trị của bà Phó Chủ tịch nước thì ‘ăn của dân không từ một cái gì’.
Đặt vấn đề, giả như ngay cả khi người dân muốn có thuế phí đối với khí thải, thì người dân cũng mong muốn nó được áp dụng đúng, đủ và đầy. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong các loại thuế phí, thì thuế phí môi trường được coi là loại vô dụng nhất, bởi nó không trợ giúp kiểm soát môi trường cho cộng đồng dân sinh, mà là nguồn để bổ túc cho các nguồn chi khác, nói chính xác là thu chi sai mục đích. Trong khi đó, tình hình ô nhiễm môi trường Việt Nam bởi các hoạt động công nghiệp, đô thị hóa đang 'tăng trưởng' nhanh chóng. Nói cách khác, môi trường Việt Nam đang bị bán rẻ đến mức rẻ mạt, những nhà máy nhiệt điện vẫn cứ xả thải vô tội vạ ; những khu công nghiệp vẫn phun khói độc và dòng thải chưa qua xử lý vào lòng đất, song và biển,… Tuyệt nhiên, không bao giờ thấy tác dụng của nguồn thuế bảo vệ môi trường nào xuất hiện. Trong khi bản thân người dân bị bóc lột đến mức ‘phí chồng phí, thuế chồng thuế’.
Trong một báo cáo vào đầu năm 2018, tổ chức phi chính phủ - Green ID, cho biết 91% số ngày trong 3 tháng đầu năm 2018, mức độ ô nhiễm không khí của Hà Nội vượt tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Ánh Liên
*******************
‘Tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà’ (VNTB, 26/12/2018)
Trong thời gian thực hiện loạt bài ghi nhận ý kiến người buôn gánh bán bưng, xe ôm trước việc họ phải đối mặt thêm sắc thuế khoán trong năm 2019, Nhóm phóng viên VNTB còn nhận ra chuyện người nghèo buôn bán không chỉ phải đóng các khoản hụi chết cho lực lượng quản lý đô thị nhằm mua lấy sự yên ổn buôn bán, mà người nghèo còn vướng vào bẫy nợ của tín dụng đen. Đây sẽ là khoản hao hụt sở hụi trong doanh thu mà ngành thuế khó thể tính khi muốn khoán thuế.
Cán bộ thuế thử nghèo đi thì mới hiểu…
Với cái mẹt bày hành, tỏi, ớt bán trước khoảng sân rộng của chợ Hanh Thông Tây, quận Gò Vấp, bà Tám Bảnh đã bất ngờ nổi nóng chửi đổng khi Nhóm phóng viên VNTB đi ghi nhận ý kiến của người buôn gánh bán bưng về việc nhà nước tính thu thuế khoán với họ trong năm 2019.
"Đ. con m. bà nó. Tao bán hành tỏi ế thấy mụ nội, đã vậy còn bị mấy thằng trật tự phường đuổi chạy muốn rả cặp giò, giờ lại đè tao ra mà oánh thuế nữa hả ? Thằng con tao nói mấy trạm bốt gì đó (ý bà muốn nói đến trạm thu phí giao thông đường bộ BOT) ỷ có mấy thằng chống lưng, rồi tác oai tác quái. Cái gì, bộ tài chánh thu thuế hả ? Tao già rồi, tụi nó đ. thèm bóp vú tao đâu, tụi nó muốn bóp cổ tao đây mà… Đồ ch. chết !". Bà Tám chửi khá thô tục.
Ông Nguyễn Đức, bán quần áo sida trước cổng chợ Hanh Thông Tây, kể gia đình bà Tám Bảnh vốn đâu phải nghèo hèn gì. Hồi xưa, má của bà từng nuôi giấu cán bộ. Sau này khi đất đai quy hoạch, cả nhà bà Tám Bảnh bị đền bù giá rẻ mạt rồi tống ra đường. Con cái của bà tứ tán. Bà Tám bắt đầu chửi chế độ từ đó.
"Cán bộ thuế có ai nghèo đâu mà biết bà Tám hay tụi tui cực khổ buôn bán thế nào. Mà cũng đúng, nghèo thì làm sao có tiền để lo chạy một suất vào làm cán bộ thuế. Xóm tui có cậu kia kể để được nhận vào làm quản lý đô thị quận, cậu phải lo lót mấy chục triệu bạc mua cái bằng cấp về ngành xây dựng, sau đó là chung chi để vào làm nhân viên quản lý đô thị, chuyên đi rảo xóm để kiếm chuyện phạt…
Bán quần áo dạo như tui cũng bị mấy cậu đó bắt phạt. Muốn yên thì phải trà nước. Giờ nếu tụi tui đóng cho mấy ổng thêm thuế khoán gì đó như nhà báo hỏi, chắc đành bóp bụng chi thêm chút đỉnh nữa để khỏi đóng thuế…". Ông Nguyễn Đức tâm sự.
Một cậu sinh viên bày hàng loa vi tính, quạt máy xài USB, con chuột, đèn, tai nghe, bàn phím…, góp chuyện rằng chính sách thuế hiện nay đang đánh đồng giữa "doanh thu" và "thu nhập" đối với người kinh doanh.
"Hầu hết các hộ kinh doanh đang sử dụng mặt bằng thuê lại, cơn sốt nhà đất đã đẩy giá thuê măt bằng tại thành phố lên cao. Một quán cóc bình thường thì giá thuê mặt bằng đã trên 10 triệu đồng/ tháng, giả sử doanh thu của họ ở mức 10 triệu đồng/ tháng, tức 120 triệu đồng/ năm, có nghĩa là đang chịu lỗ vì mới đủ tiền thuê, song theo quy định hiện nay vẫn phải đóng thuế như thường. Thế nên đa số các hộ kinh doanh cá thể phải lách thuế bằng nhiều cách, tiêu cực cũng phát sinh từ đó". Cậu sinh viên tự giới thiệu tên Nguyễn Tùng, khoa công nghệ thông tin một trường đại học, nhận xét với Nhóm phóng viên VNTB.
Tín dụng đen : 10 triệu bạc doanh thu chỉ đủ đóng tiền lãi vay !
Ông N.H.Đ, một cựu sĩ quan, hiện làm bảo vệ một ngôi chợ gần doanh trại quân đội ở quận 12, Sài Gòn cho biết đừng nghĩ doanh thu một gánh bún riêu 10 triệu đồng/tháng là cao.
"Một tô bún riêu bình dân bán buổi chiều ở chợ dành cho người lao động nghèo chỉ có 15 ngàn đồng. Lời chừng 1.000 đồng/ tô. Để có doanh số 10 triệu bạc/ tháng, có nghĩa mỗi ngày phải bán đến hơn 300 tô. Không hề dễ. Số vốn ban đầu để sắm sửa ra nghề, nhiều khi là đi vay. Lãi vay này đâu có nhẹ…". Ông N.H.Đ dè dặt kể.
"Tôi chính là một nạn nhân khi đứng ra vay dùm cho một gia đình nghèo khó muốn có gánh bún riêu mưu sinh. Lần đó, vay 10 triệu để sắm sửa nồi niêu, bàn ghế và những khoản tiền ban đầu trà nước cho địa phương. Lệ thường ở chợ, lãi suất chỗ nào quen thì khoảng 5.000 đồng/triệu/ngày, chỗ không quen khoảng 7.000 đồng/triệu/ngày. Mới đầu buôn bán thì làm sao lời được. Lãi mẹ đẻ lãi con. Đứt vốn. Rốt cuộc số tiền đó lên gần 40 triệu…". Ông N.H.Đ nói rằng bận ấy để mua lấy sự yên ổn, ông đành chạy vạy người thân để gom đủ số bạc 40 triệu trả dứt nợ một lần.
"Coi như mình làm phước cho bà bún riêu. Nhưng chắc cán bộ thuế thì không biết điều đó. Họ cứ xé biên lai hoa chi đều đặn. Giờ mà họ tính thu thuế khoán bà bán bún riêu, chắc tui đành treo nợ cho bả, chứ sao đành…". Ông N.H.Đ thở dài cam chịu.
Ông Đ. tâm sự vợ của ông từng có một xe đẩy bề thế bán cơm cho công nhân. Để có vốn sắm sửa bàn ghế, chén dĩa và mướn mặt bằng rộng rãi hơn, ông đã chọn vay qua mối quan hệ quen biết hồi còn là sĩ quan quân đội.
"Ngặt còn ở chỗ lúc vay tiền mở mang chỗ bán, mấy ông thuế địa phương tưởng vợ tôi làm ăn khấm khá hơn nên đòi tăng tiền tháng…
Giờ nghe nhà báo hỏi vụ thuế khoán, nhớ hồi vay nợ đó, tôi thấy dường như mấy ông quan chức trên bộ tài chính không giống sĩ quan tụi tôi là phải đi dần từ thằng lính leo lên. Khoán thuế với người buôn gánh bán bưng, với xe ôm nơi đầu hẻm… cần nhớ rằng tiền vốn lận lưng ban đầu của họ cơ cực lắm. Nhiều khi đánh đổi bằng máu theo đúng nghĩa đen.
Nói nhà báo thương, tôi là đảng viên. Tôi thấy nhục khi đảng của mình giờ đây cứ chăm chăm tìm cách hút máu dân. Chuyện hăm he thuế khoán với dân nghèo khó mưu sinh, tôi nghĩ nếu thực sự vì lý tưởng cao đẹp của người cộng sản chân chính, thì không chỉ miễn thuế cho họ, mà cần giúp đỡ họ đồng vốn cũng như các chính sách an sinh xã hội khác.
Cũng thú thiệt với nhà báo, lần nào họp chi bộ, tôi cũng muốn nói thẳng rằng khi người yếu kém và thiếu trách nhiệm ngồi nhầm chỗ, cả một guồng máy sẽ đình trệ và người tài cũng rồi cũng hỏng hóc…". Ông N.H.Đ chia sẻ đầy uất ức.
Tạm kết
Trong nỗi niềm dồn nén của người đã cùng Nhóm phóng viên VNTB thực hiện loạt bài ghi nhận chủ đề thuế khoán sẽ đánh vào người nghèo buôn gánh, bán bưng, nhà báo P.V.P đã đầy phẫn nộ chấp bút cho phần kết của bài viết này : Không ngày nào trong cả năm qua mà không đọc thấy một hay vài ba mẩu tin nào đó cho thấy họ len lỏi vào tâm trí chúng ta, đòi kiểm soát tư tưởng và phát biểu ; họ nhòm ngó túi tiền của chúng ta, tính chuyện bóp nặn bòn rút ; họ ngắm nghía đo lường tài nguyên để tính chuyện bán sỉ, bán lẻ chia nhau ; họ bán sạch mọi tài sản mà họ nắm trong tay ; khi hết cái để bán, họ bán nốt quyền xả thải gây ô nhiễm và bảo đảm cho doanh nghiệp ô nhiễm ấy không bị dân chúng phản đối.
"Họ là ai" ?
Nhóm phóng viên
*****************
Nhăm nhe đánh thuế xe ôm, quán cóc (VNTB, 25/12/2018)
"Buôn bán có đồng ra, đồng vô, tôi hiểu cần phải đóng thuế. Nhưng chuyện khoán số tiền thuế phải đóng là điều bất hợp lý. Ngoài ra người dân đã nộp đủ thứ thuế thì họ phải được hưởng lợi ích an sinh tương ứng từ đồng thuế đó ! Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước (1)".
Ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa không thể là cứ đè dân ra mà vắt cổ chày ra nước
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ đã bày tỏ như vậy khi quán cà phê cóc mà gia đình thầy mở cạnh bên trường tiểu học ở quận 5 đang được chi cục thuế nơi đây nhăm nhe đánh thuế.
Trong dịp gặp gỡ mừng lễ Giáng sinh ở quán nhậu lề đường, nhóm bạn là giáo viên đã nhận được câu hỏi từ các phóng viên Việt Nam Thời Báo, về ý kiến ra sao trước thời sự ngành thuế sẽ khoán thuế đối với những người buôn gánh, bán bưng trên hè phố, trong ngóc ngách xóm hẻm, những bác tài xe ôm ‘truyền thống’ ở đầu đường, xó chợ ?
Thầy giáo Trần Tiến Sĩ kể rằng học trò nơi ông dạy, hầu hết là từ xóm nghèo Mã Lạng nổi tiếng du dãng, xì ke ma túy của quận 1. Ngoài giờ đến lớp, học trò của thầy Sĩ phải dành thời gian phụ cha mẹ làm đủ thứ nghề mưu sinh. Đồng tiền cho cơm gạo, cho áo quần, tập vở với các em này là chưa bao giờ dễ dàng… "Tôi đã bật cười khi đọc báo thấy đăng có mấy quan chức, cán bộ khoe ngoài giờ làm đã chạy xe ôm, bán chổi đót hoặc nuôi heo dành dụm tiền xây biệt phủ. Chắc mấy bác ngành thuế thấy vậy tin thiệt nên tính chuyện thu thuế xe ôm, bán vỉa hè để tránh bỏ sót ?". Thầy Sĩ mỉa mai nói.
Là giáo viên dạy văn vừa nghỉ hưu, cô giáo Nguyễn Thị Tiến kể ở khu chung cư quận 10 nơi cô ở, học trò khi đi học về là phụ gia đình ra vỉa hè xung quanh đó để bán hàng rong, như bán bánh tráng trộn, chè bịch, hột vịt lộn… "Gia đình các em cả chục miệng ăn, nhiều khi chỉ sống vào những gánh hàng chạy chợ đó. Mua món hàng về bán là đã một lần đóng thuế giá trị gia tăng. Để có chỗ bán bên lề vỉa hè không bị quản lý đô thị đuổi lên đuổi xuống, là phải biết điều nộp tiền ít hay nhiều tùy vào… lương tâm của các viên chức ấy. Tôi không biết cán bộ thuế khi áp mức thuế khoán, có gia trừ tình cảnh đó hay không ?". Cô Tiến thắc mắc.
Giáo viên dạy môn địa cấp 2, cô Nguyễn Thu Dung lập luận : "Bài học ở lớp từng giảng cho học trò về thời thực dân Pháp bóc lột người lao động nghèo xứ An Nam bằng loại thuế khoán, còn gọi là thuế trọn gói, thuế theo đầu người, một loại thuế có giá trị cố định đánh vào tất cả các cá nhân. Loại thuế này buộc mỗi cá nhân phải nộp cho chính phủ một khoản tiền như nhau, không phân biệt khả năng thu nhập, tích lũy, tiêu dùng... của họ. Thuế thân hay còn gọi là thuế đinh ở Việt Nam đánh trên mỗi nam giới trưởng thành trước đây chính là một sắc thuế khoán.
Dĩ nhiên tôi cũng giảng cho học trò rằng thuế khoán không gây ra sự thay đổi về giá cả tương đối giữa các sản phẩm, nên nó có hiệu quả kinh tế hơn so với các loại thuế khác, vì để chính phủ thu được một số tiền thuế bằng nhau, thì thuế khoán sẽ làm độ thỏa dụng của tất cả các cá nhân giảm đi ít hơn so với các loại thuế khác.
Tôi hiểu là nhà nước sẽ xét doanh thu tính thuế khoán đối với cá nhân nộp thuế, trong đó khoán là doanh thu được ổn định trong một năm. Tuy nhiên như ý kiến của thầy Sĩ, của cô Tiến, chúng ta làm sao xác định đúng mức doanh thu bình quân có chiết trừ gia cảnh của người nghèo buôn gánh bán bưng, của đồng tiền chạy xe ôm thất thường còn đến từ sức khỏe của bác tài ?".
Luật gia Nguyễn Cao, người từng có thời gian là thầy giáo môn toán của trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, tiếp lời bằng một dẫn chứng : "Vấn đề của cô Tiến, cô Dung đặt ra sẽ được cán bộ thuế trả lời rằng trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu khoán, không nộp hồ sơ khai thuế hoặc doanh thu tính thuế khoán xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh, thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán theo quy định của pháp luật về quản lý thuế… Thông tư 92 của Bộ Tài chính đã quy định như vậy.
Nghĩa là nếu mấy quan trên của Bộ Tài chính đã quyết vắt cổ chày ra nước, thì họ vẫn có cơ sở pháp lý để thực hiện. Chuyện công bằng an sinh như thầy Sĩ nêu, thực ra đó là một chính sách xa xỉ đối với chúng ta hôm nay. Cứ nhấp chuột vào trang đồng hồ nợ công của Việt Nam (2), sẽ nhận ra ngay mỗi người dân xứ mình đang phải è cổ gánh nợ hơn 56 triệu đồng/người ! Sống trong thấp thỏm nợ mà đòi hỏi an sinh là phù phiếm…".
Bà chủ quán nhậu mà nhóm những thầy cô giáo cùng với các phóng viên Việt Nam Thời Báo đang rôm rã luận bàn, bất ngờ xin góp chuyện. Bà nói mấy thầy cô toàn nói chuyện cao xa quá.
"Phải biết phận mình thôi, tụi em là dân vùng khác đến, người ta nói thế nào mình cũng phải chịu. Em chỉ mong sao các cấp trên quan tâm đến chị em bọn em. Bởi vì cùng là con người, vì điều kiện sống mà người ta mới phải ra đây. Tụi em đâu phải công dân hạng hai. Tụi em chỉ muốn làm ăn yên ổn, kiếm được đồng ra đồng vào cho con cái ăn học tử tế, không phải gánh đồng hồ nợ công gì đó.
Đừng phân biệt đối xử như vậy với tụi em. Tận thu, không để sót, quá sòng phẳng. Đồng ý, nhưng cần sòng phẳng luôn với dân trong việc công khai, minh bạch sử dụng tiền thuế... Chứ nghe nói mấy đại gia nhà mình ở thiên đường thuế gì ấy, sao mà bất công quá mấy thầy, cô ơi !".
Nhóm phóng viên
Chú thích :
(1) Cái chày ngày xưa thường dùng để giã gạo, bột, thuốc, tiêu, ớt... Người ta đẽo chày dài ngắn tùy theo cái cối lớn nhỏ và để đứng hay ngồi mà giã. Phần giữa thân chày được làm nhỏ cho vừa tay nắm. Việc giã thường khiến người giã tiết ra nhiều mồ hôi (do làm việt cật lực) toàn thân, và mồ hôi tuôn ra từ tay ngấm vào cổ chày.
Thân chày bằng gỗ đương nhiên không có nước, vậy thành ngữ "vắt cổ chày ra nước" là chỉ việc tận dụng triệt để đến cùng tận từ một việc, một vật, một vấn đề nào đó được phóng đại ám chỉ ai đó keo kiệt bủn xỉn không bao giờ phí bỏ một thứ gì... đến cái chày mà hắn còn vắt ra nước... Thành ngữ này ám chỉ kẻ bóc lột sức lao động của người khác, đến những giọt mồ hôi của người làm công giã gạo thấm vào thân chày mà giới cai trị còn cố vắt lấy không bỏ sót thì đủ thấy 5 chữ này đã lột tả hết sự nghiệt ngã, thân phận của người làm thuê như thế nào.
Nhà mồ Ba Chúc nằm ở thị trấn Ba Chúc, một xã vùng biên giới thuộc huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Việt Nam, giáp giới với Campuchia. Đây là nơi lưu trữ của hơn ba ngàn bộ hài cốt không còn nguyên vẹn của người dân thôn Ba Chúc trong cuộc tàn sát do Khmer Đỏ gây ra trong suốt 12 ngày chiếm đóng từ 18 đến 30 tháng 4 năm 1978.
Nhà mồ Ba Chúc RFA
Hiện tại, theo ghi chép trong khu tưởng niệm thì còn ba người trong thôn sống sót, nhưng trên thực tế, còn nhiều hơn con số 3 mà cứ liệu đã ghi. Những người chúng tôi phỏng vấn dưới đây đều là nhân chứng sống sót sau vụ tàn sát. Và có một câu hỏi đặt ra là liệu có nên giữ nhà mồ như một chứng cứ tố cáo tội ác nữa hay không, khi mà chính quyền Khmer Đỏ đã cáo chung nhiều năm nay ?
Chị Phan Thị Đậm, một trong nhiều nạn nhân sống sót sau cuộc tàn sát, chia sẻ :
"Cái lúc đó là gia đình bà ngoại chị thì kéo vô trong chùa Phi Lai rồi nhưng bà nội lôi đi, ông bà già chị bốc mang mấy chị em chị lên chân núi, hồi ức chị chỉ có vậy… Lúc đó chị nhỏ có đi lượm xương đâu, có những người họ đi ra ngoài ruộng họ lượm về luôn. Như trước nhà chị, trước bãi này cả đống xương cao chất ngất…".
Chị Đậm cho biết thêm là vụ thảm sát xảy ra vào ban đêm, lúc đó chị được tám tuổi, chị còn nhớ như in cảnh người ta dắt nhau vào trốn trong chùa Phi Lai, tức ngôi chùa nằm bên cạnh khu nhà mồ hiện nay, đông đến mức không có chỗ để đứng. Lúc đó bà nội chị mới bảo rằng những kẻ giết người kia cũng không từ ngôi chùa ra đâu, nên lên núi trốn càng sâu càng tốt. Vậy là gia đình chị kéo nhau vào núi Tượng để trốn. Gia đình chị nấp trong một hang đá nhỏ. Nhiều người ẩn nấp bên trong chùa cũng chuyển hướng lên núi Tượng và dường như họ đều bị giết trên đường chạy trốn. Tất cả những người trong chùa đều bị giết sạch.
Hơn một tuần sau thì những người sống sót mới dám trở về nhà. Dường như nhà cửa đã bị đốt sạch, phá sạch. Một đống xương cao chất ngất của những người bị giết, đốt đã được người sống sót thu về chất trước sân đình làng Ba Chúc. Và cũng sau đó vài ngày, gia đình chị phải chuyển xuống Long Xuyên tản cư bởi Ba Chúc trở nên chết chóc, nguy hiểm hơn bao giờ. Sau đó thì chiến tranh biên giới Việt Nam – Campuchia xảy ra và gia đình chị phải chật vật kiếm sống nhiều nơi trong suốt gần mười lăm năm sau mới dám quay trở về Ba Chúc.
Cũng theo chị Đậm, những người sống sót trong vụ thảm sát Ba Chúc không chỉ là ba người. Nhưng nói họ là những người bị giết chưa chết thì không sai, bởi ông Ba Lai, bà Hà Thị Nga và bà Võ Thị Ngọc Châu là những người nằm ngay trong vùng bố ráp và giết tróc của kẻ diệt chủng nhưng do chúng không nhìn thấy hoặc do số trời còn lớn nên sống sót giữa hàng trăm xác người. Nói đến chuyện người ba Chúc còn sót sau đợt thảm sát đó, có lẽ còn nhiều nhưng họ hoặc đi xa Ba Chúc trước đó vài ngày, vài tháng, hoặc chạy trốn trên núi và sau đó bỏ xứ đi nơi khác.
Ông Nguyễn Lại, là người dân ba Chúc, khi trận thảm sát xảy ra, ông còn là đứa bé lên ba, hiện tại, ông là người trong nom nhà mồ Ba Chúc, chia sẻ :
"Ở đây thì không có bà con thân nhân vì chết hết trơn rồi chỉ là nhờ khách thập phương cúng nhang khói cho các vong linh ở đây. Chỉ là đến ngày 16 tháng 3 âm lịch là ngày giỗ chung thì bà con nơi đây, rồi ban quản lý tập trung vô đây cúng cho các vong linh…".
Cũng theo ông Lại, năm 1979, chính quyền tỉnh An Giang đã xây dựng quần thể chứng tích tội ác Khmer Đỏ gồm 7 hạng mục : Nhà Mồ, Bia Căm thù, Nhà Truyền thống, Nhà Thủy tạ, Hồ sen, Nhà khách và Vòng rào. Nhà Mồ, công trình chính, chứa đựng hộp sọ của 1.159 nạn nhân trong cuộc thảm sát. Trong số đó, có 29 sọ của trẻ sơ sinh, 88 cô gái từ 16 đến 20 tuổi, 155 phụ nữ từ 21 đến 44 tuổi, 103 phụ nữ từ 41 đến 60 tuổi, 86 phụ nữ trên 60 tuổi, 23 nam giới từ 16 đến 20 tuổi, 79 nam giới 21 đến 40 tuổi, 162 nam giới từ 41 đến 60 và 38 nam giới trên 60 tuổi. Ngoài ra, còn nhiều đoạn xương lẻ và mảnh vỡ hộp sọ được bỏ vào trong các rương và bảo quản định kì.
Nói về bảo quản định kỳ, ông Lại chia sẻ :
"Cái số người chết là do bọn diệt chủng Khmer đỏ xuống thảm sát bà con ở đây, số hộp sọ 1.159 thì cứ 5 năm một lần mới đem ra tẩm thuốc một lần, tẩm hóa chất để giữ xương".
Hộp sọ và xương bên trong nhà mồ Ba Chúc. RFA
Sau khi chúng tôi phỏng vấn ông Lại, ông giới thiệu với chúng tôi các vị bô lão đang tu tập trong chùa Phi Lai và cho biết họ cũng là những người sống sót sau vụ thảm sát, họ biết khá nhiều chuyện. Nhưng khi chúng tôi gặp và đề cập đến vụ thảm sát Ba Chúc thì các bô lão này hỏi giấy tờ tùy thân, hỏi giấy giới thiệu phỏng vấn và đưa ra quan điểm chính trị của họ rằng đây là vấn đề nhạy cảm, không phải lúc nào cũng trả lời được, hơn nữa, họ từ chối trả lời phỏng vấn vì lý do họ được chỉ đạo khi họp chi bộ Đảng cộng sản là không được nói thêm về thông tin thảm sát Ba Chúc một khi chưa có văn bản chỉ đạo của cấp trên.
Cũng có vị nói rằng họ không phải là người thôn Ba Chúc mà họ từ nơi khác đến. Nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi thì họ đều là người Ba Chúc và khi cuộc thảm sát xảy ra, trong số họ có người đã cầm súng chiến đấu, có người đã lập gia đình… Như vậy, chắc chắn phải còn mối ẩn khuất nào đó từ câu chuyện thảm sát Ba Chúc.
Và chúng tôi cũng lấy làm lạ là chính quyền khmer Đỏ đã cáo chung từ rất lâu, những bộ hài cốt cần được an nghỉ theo phong tục của người dân nơi đây là hỏa thiêu hoặc chôn cất tử tế chứ chẳng mấy ai muốn mỗi năm, các hộ hài cốt và hộp sọ lại được mang ra lau rửa, nhúng hóa chất một lần theo định lỳ. Hay nói cách khác, các bộ hài cốt và hộp sọ không được phép trở về với cát bụi theo qui luật tự nhiên mà phải bằng mọi giá tồn tại như một chứng tích nhắc nhớ tội ác của một nhóm chính trị đã tiêu vong từ rất lâu !
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA, 05/10/2018
Ba tháng hè đã trôi qua, nhiều bậc phụ huynh ở Việt Nam đang tất bật chuẩn bị cho con mình bước vào năm học mới. Với số lượng hơn 22 triệu học sinh dự kiến đến lễ tựu trường năm nay, đi kèm đó cũng là vô vàn lo âu của các bậc cha mẹ.
Nhiều người đau xót ví von tiếng trống tựu trường như tiếng trống bắt đầu một vở tuồng mới - RFA
Chia sẻ về nỗi lo của mình, anh Minh, một phụ huynh có con vào lớp 1 chia sẻ :"Về môi trường giáo dục của mình, quy trình giáo dục, sách giáo dục của mình thì biên soạn mới ngày càng mất đi ngôn ngữ của người Việt Nam cũng như tính logic, khoa học. Điều thứ hai mình lo là lo về môi trường, sinh hoạt trong môi trường tập thể, hiện nay từ mầm non đã thấy trường hợp giáo viên bạo hành, bạn bè bạo hành. Lên một chút thì chúng ta thấy bạo hành đó nó gia tăng thêm từ những áp lực về trạng thái xã hội. Những áp lực từ những mỗi quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường, mọi thứ luôn tạo cho trẻ sự căng thẳng".
Không riêng gì anh Minh, nhiều phụ huynh khác cũng có những nối lo tương tự. Hầu hết họ đều cho rằng hiện tại là khoảng thời gian rất áp lực đối với họ. Từ chuyện loay hoay chạy khắp các hiệu sách tìm giáo trình cho con cho đến việc đặt mua đồng phục của các trường, chuyện quy định giờ giấc đón học sinh cũng thay đổi. Nhưng tất cả không là gì so với việc họ cảm giác rằng cả mình và con nhỏ đang bị sốc.
Như trường hợp anh Minh, anh chia sẻ thêm rằng với số lượng mỗi lớp học trên 45 học sinh như hiện tại, anh không tin con mình sẽ nhận được sự quan tâm đúng mực từ giáo viên. Bởi việc giữ trật tự và giữ vững thành tích thi đua thôi cũng đủ để ngốn hết thời gian trên lớp của giáo viên, lấy đâu ra thời gian để họ chỉ cho con anh cách ngồi đúng tư thế, cách đánh vần, viết các chữ cái.
Anh vẫn thắc mắc vì sao người ta từ việc thống nhất sách giáo khoa rồi lại loạn xà ngầu sách giáo khoa, mỗi trường mỗi khác khiến việc tìm mua sách đối với anh đã mất rất nhiều thời gian. Rồi đến chuyện cả nhà anh đang loạn lên vì việc thay nhau dạy cho cháu biết đọc biết viết trước ngày khai giảng, lúc cháu chính thức bước vào lớp 1.
Anh cho rằng có chuyện này một phần cũng do sự quản lý thiếu khoa học của các trường hiện nay. Trước đây anh không muốn bắt ép con mình học chữ trước khi vào lớp 1, bởi lứa tuổi mẫu giáo là tuổi ăn tuổi chơi, các cháu tự do phát triển sáng tạo, và dù muốn hay không đến lúc vào lớp 1 rồi, con anh sẽ buộc phải chạy theo guồng máy giáo dục hiện tại, không còn thời gian để ngủ, nghỉ, chơi mặc dù chẳng biết tương lai sẽ về đâu.
Anh đã từng nghĩ đó là một nỗ lực để con có thời gian trẻ thơ của riêng mình, nhưng giờ đây điều đó lại làm gia đình anh lo lắng bởi khi mà đến lớp, các bạn hầu như đã biết chữ, cô giáo viết lời dặn dò, viết thời khóa biểu lên lớp các bạn có học kèm, học hè trước đó đều viết lại được, nhưng con anh thì chịu thua.
Anh bức xúc cho rằng nếu các trường không chạy theo thành tích, rồi xếp lớp thì con anh đã không phải chịu cảnh học ngày học đêm để thuộc chữ như hiện nay. Chưa kể đến việc bao nhiêu giáo viên trẻ phải chạy đôn chạy đáo xin vào các trường tư để dạy, hoặc ở nhà trồng rau, nuôi gà, làm trái nghề thì việc nhiều trường gia hạn thêm hợp đồng để các giáo viên đã về hưu đứng lớp cũng đã là một thất bại trong quản lý giáo dục hiện nay.
Khi mà nỗi lo về giáo trình và sự bỡ ngỡ của con chưa tìm ra lối thoát, thì nhiều bậc cha mẹ lại giật mình bởi một mối lo mới : nỗi lo về nhân cách con trẻ.
Nói về vấn đề này, chị Thương, một người mẹ có con học lớp 9 chia sẻ :"Đi học như việc bạn bè quẹt qua quẹt về là chuyện thường nhưng mà có băng nhóm. Như đứa mạnh, to, khỏe, ốm yếu… do cái môi trường, nó chia phe chia nhóm theo kiểu nhà nghèo, xấu đẹp… có khuyết điểm gì đó thì những đứa khác mang ra để trêu chọc".
Theo chị Thương, mặc dù con của chị là một đứa trẻ ngoan nhưng chị cũng rất lo cho cháu bởi chẳng có gì bất ngờ khi tối lại, sau khi hai mẹ con tâm sự, chị nhận ra sự lo lắng của con gái mình về việc tới trường bởi ở trường cháu có quá nhiều vấn đề để bàn.
Đó là việc một giáo viên đi nhà trọ với một giáo viên khác hoặc hiệu trường, một ông cán bộ nào đó bị lọt ra ngoài và trở thành vấn đề bàn tán của đám học sinh.
Rồi thì một nhóm trong lớp học của con gái chị lập thành băng nhóm, chuyên giật áo của những bạn gái khác mà chúng không vừa ý, rồi thì tán tỉnh cả thầy giáo. Hoặc là chuyện một bạn gái nào đó bỗng dưng được điểm cao đủ để lên lớp bù cho một năm học toàn điểm thấp của mình sau khi quen một thầy giáo nào đó.
Một phụ huynh khác không muốn nêu tên chia sẻ :"Nó thiếu người cầm lái như một chiếc xe người cầm lái không biết lái xe mà người ta lên cầm lái. Triết lý giáo dục hay là phương hướng cũng như là một người cầm lái mà người ta không biết cầm lái mà người ta lên đó người ta xoay vô lăng người ta chơi thôi".
Theo vị này vấn đề méo mó nhân cách của nhiều học sinh hiện nay không phải lỗi của các em mà là lỗi của ngành giáo dục. Một ngành giáo dục không có triết lý và được xây dựng dựa trên những huyễn hoặc về tài nguyên quốc gia, hào khí dân tộc, được lãnh đạo bởi một bộ phận không nhỏ những giáo sư, tiến sĩ giấy, được truyền đạt thông qua một bộ phận giáo viên thiếu nhân cách… thì thử hỏi tương lai của học sinh sẽ về đâu ?
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA, 05/09/2018
Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 sắp về. Thông thường không khí trước dịp Tết đến thật nhộn nhịp. Tuy nhiên đối với nhiều người hiện nay, nhất là dân thành phố, Tết không còn là dịp mà họ háo hức đón chờ. Điều này được ghi nhận trong phóng sự mà chúng tôi thực hiện tại Sài Gòn vào thời điểm đầu tháng 12 Âm lịch năm Đinh Dậu 2017.
Một người bán hàng rong ở Hà Nội những ngày giáp Tết. AFP
Một số người mà chúng tôi tiếp xúc cho rằng tuổi đã lớn không còn mong Tết như xưa nữa.
Bà Mai Thị Tuyết Nga, một người nội trợ cho chúng tôi biết, có Tết hay không Tết không phải là chuyện quá quan trọng khiến bà háo hức nữa.
Già rồi háo hức gì con. Hưởng 66 năm rồi.
Cô cũng không chuẩn bị gì hết á. Nói ra nhà cô nghèo nên cũng không chuẩn bị gì hết. Thí dụ có gì thì ăn cái đó thôi chứ không chuẩn bị gì hết. Cũng đi chợ bình thường vậy thôi.
Chú Nguyễn Văn Huệ, một người bán nước dạo cũng cùng tâm trạng.
Không, chú lớn rồi đâu mong tết. Tết đủ thứ tiền hết á con. Kinh tế khó khăn đủ thứ tiền hết.
Năm nay chú thấy nó không có được xôn xao như mọi năm. Không biết khúc cuối cuối còn 20 mấy ngày, 10 mấy ngày nữa sao.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong năm nhuận Đinh Dậu 2017, việc kinh doanh của một số người buôn bán nhỏ lẻ không được thuận lợi cho lắm. Nguyên nhân theo họ là mọi người có xu hướng mua đồ trong siêu thị nhiều hơn, việc bán buôn bị ảnh hưởng do chiến dịch làm sạch vỉa hè. Ngoài ra, yếu tố khách quan năm nhuận khiến tiêu thụ hàng chậm cũng được nhắc tới.
Chú Huệ chia sẻ về tình hình buôn bán của gia đình từ tết năm ngoái cho đến năm nay.
Trước chú bán tới 11, 12 giờ đêm. Giờ con biết không, khoảng 7 giơ tối là đóng cửa rồi đó. Kỳ cục vậy không biết nữa. Mấy năm trước bán được lắm á. Năm nhuần đa số là vậy á. Nguyên một năm là vắng vẻ. Ai cũng than trời than đất chứ không phải mình chú đâu.
Riêng với quán tạp hóa nhỏ của cô Dung trong hẻm, cô cho biết, năm nay có phần buôn bán khó khăn hơn do chiến dịch "làm sạch vỉa hè", cũng như sự phát triển của các siêu thị.
Dọn lòng lề đường thì mình cũng chấp hành dẹp vô, có điều nhiều khi ngõ hẻm khuất quá mình đưa ra tí xíu. Khách vãng lai đi ngang qua nhiều khi người ta đi ngang qua biết mình nhưng không thấy. Nên ló ra chút xíu cho buôn bán thuận lợi tí. Có điều mình không xâm chiếm vỉa hè thôi.
Mấy năm sau thì 30 Tết bán chậm lại, tại người ta đi siêu thị này kia người ta mua rồi. Ba cái mì gói rồi này kia đôi khi người ta làm biếng ra, người ta ra mua vậy. Mấy năm nay thì bán chậm, không có bán được như mọi lần. Mặt hàng giờ cũng nhiều lắm, phong phú, rồi siêu thị cũng bán nhiều. Sẵn gia đình người ta đi siêu thị rồi cũng mua sắm này kia.
Với thu nhập vừa đủ chi tiêu, những người buôn bán nhỏ lẻ có cách đón Tết đơn giản, không quá cầu kỳ. Những món chuẩn bị cho ngày Tết cũng chỉ là vài ba ký thịt, củ kiệu. Ăn uống không khác ngày thường là bao.
Đơn giản như gia đình chú Huệ, món ăn ngày Tết cũng chỉ dân dã với thịt, củ kiệu để tranh thủ về quê nhanh khói cho ba mẹ, sau đó lại trở lại với cuộc sống buôn bán từ ngay mùng 3 Tết.
Thì chú ăn cũng bình thường à. Năm nào cũng ký, 2 ký thịt vậy thôi. Không làm khách khứa đâu nhiều con. Chừng ký, 2 ký thịt, củ kiệu này kia xong. Năm nào chú cũng vậy à, cũng mua ít thịt mua củ kiệu này kia. Mùng 1 về quê rồi, mùng 2 ở nhà chơi mùng 3 khách lên rồi xong. Mùng 3 làm việc bình thường. Năm nào chú cũng vậy con ơi. Không có xôn xao như người ta. Giàu nghèo gì cũng vậy.
Còn cô Dung, Tết cũng chẳng mấy cầu kỳ. Với cô, Tết có nhiêu xài nhiêu, chủ yếu đừng để dư thừa. Người nhà thì thay phiên nhau đảm đương những công chuyện ngày tết để phù hợp với việc bán buôn.
Tết có ít thì mình xài ít còn nhiều mình xài nhiều vậy thôi. Năm nào cũng vậy, đều đều, ăn uống hạn chế, không dư thừa như mọi năm. Cái gì cũng vậy, ít ít thôi. Rồi giờ nhiều khi mắc bận thì người ta chuẩn bị mứt, củ kiệu này kia người nhà chuẩn bị. Thiếu gì thì mua thêm vô.
Tết với mỗi người có một giá trị tinh thần riêng. Với nhiều người thì đây là dịp để gia đình sum họp, vui vầy bên nhau và mang ý nghĩa rất lớn. Nhưng với một số người thì Tết nay không còn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt khiến người ta háo hức, chộn rộn khi nghĩ về những ngày đầu năm được cho là ‘thiêng liêng’ nữa.
Nhóm Phóng viên
Ngày 18/12/2017 vừa qua, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã công bố Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 (National Security Strategy - NSS 2017) - tài liệu chính thức định hình chính sách đối ngoại và các quyết sách về an ninh quốc gia của Mỹ trong thời gian tới. Giới quan sát từ Việt Nam có sự theo dõi và đánh giá về những chính sách này dưới góc độ quan hệ quốc tế và an ninh trong khu vực, trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp tạo lập uy thế trên Biển Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền tại Washington DC, ngày 18 tháng 12 năm 2017. AFP
Bản Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 của Chính quyền Tổng thống Donald Trump được công bố sớm hơn các nhiệm kỳ tổng thống trước, dựa trên sự tham vấn và đồng thuận của nhiều cơ quan hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, như Hội đồng An ninh Quốc gia, CIA, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Thương mại.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng – nhà ngoại giao Việt Nam kỳ cựu, nhìn nhận, bản Chiến lược An ninh quốc gia của Chính quyền tổng thống Trump thể hiện quan điểm "cứng rắn".
"Về cái độ rắn của nó, người ta xếp nó ở giữa cái NSS của G.W.Bush và Obama. Bush ngày xưa đưa ra chiến lược "đánh phủ đầu". Còn Obama thì nặng về ngoại giao. Ông này đặt ở giữa".
Bản Chiến lược này đề cập đến bốn trụ cột chính gồm : Bảo vệ đất nước và người dân Mỹ ; thúc đẩy thịnh vượng của Hoa Kỳ ; duy trì hòa bình thông qua sức mạnh ; và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trên toàn cầu. Bốn điều này là những mục tiêu cơ bản mà các nước lớn đều muốn hướng tới.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, Chính quyền Tổng thống Mỹ muốn xây dựng một chính sách "Trump-nomic" – giống như tên gọi "Abe-nomic" của Nhật.
"Làm sao để giữ được vị thế nước Mỹ nằm ở hàng đầu các quốc gia trên thế giới – vừa có sức mạnh kinh tế, sức mạnh về văn hóa, sức mạnh của chủ nghĩa nhân văn".
Trong bản Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã gọi đích danh Trung Quốc và Nga là hai "đối thủ", là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại - muốn làm thay đổi trật tự thế giới, đe dọa vị thế và lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Điều này khiến giới quan sát ngạc nhiên, bởi trong năm 2017, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Mỹ vào mùa hè, và Tổng thống Trump đã thăm Bắc Kinh hồi tháng 11, hai bên đã có những lời lẽ ngoại giao, ca ngợi quan hệ song phương và những cam kết hợp tác.
Quan điểm này khác so với các nhiệm kỳ tổng thống trước và cương lĩnh khi tranh cử của ông Trump.
"Trong chiến lược quốc gia của các tổng thống trước, họ đều nhấn mạnh đến tính hai mặt – tức là tính đối tác và đối thủ của Trung Quốc. Nhưng riêng lần này, Trump chỉ nhấn mạnh tính đối thủ thôi. Mà đây không chỉ là Trung Quốc, mà cả Nga nữa. Thì điều này cho thấy, Trump có độ ngoặt tương đối lớn so với chương trình tranh cử".
Theo giáo sư Nguyễn Khắc Mai, việc Hoa Kỳ xác định cả Trung Quốc và Nga đều là "đối thủ" sẽ khiến cho nước này phải gồng mình đối phó với cả hai, thay vì "hòa hoãn" với Nga để tập trung đối phó với Trung Quốc.
"Tôi cho rằng, Trump đánh giá Trung Hoa là một thế lực phát triển hung hăng. Mà cái hung hăng này là nó cộng cả cốt tính của người Hoa – đại Hán, bành trướng, tham lam".
Các tổng thống và quan chức cấp cao của Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh đến vị trí quan trọng của Biển Đông đối với thương mại toàn cầu, gắn bó với lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ tại khu vực Tây Thái Bình Dương, nên Hoa Kỳ sẽ nỗ lực bảo vệ và thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực này, bất chấp phản ứng của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, trong bản Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017, Chính quyền tổng thống Trump đã nhắc đến vai trò của ASEAN, và Hoa Kỳ sẽ có trách nhiệm đối với các nước "đối tác" trong khu vực – mà Việt Nam là một bộ phận trong đó.
"Qua tuyên bố chính sách của nước Mỹ đối với khu vực, đặc biệt là đối với Trung Quốc, thì chúng ta có thể hiểu rằng, Mỹ sẽ không buông xuôi, Mỹ sẽ không để mặc cho Trung Quốc "múa gậy vườn hoang" trong khu vực, đặc biệt là trong vấn đề tự do, an toàn đi lại trên Biển Đông".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhắc lại chiến lược "Indo-Pacific" mà Tổng thống Trump đưa ra tại Tuần lễ cấp cao APEC Việt Nam tháng 11/2017 vừa qua tại Đà Nẵng, và cho rằng, nó có sự liên hệ với Chiến lược An ninh quốc gia được công bố.
"Bây giờ đặt vấn đề "tứ giác kim cương" (tức "Indo-Pacific", bao gồm : Ấn Độ - Úc – Nhật – Mỹ) là cái khôn ngoan. So với sách lược chuyển trục (dưới thời tổng thống Obama), thì sách lược này hay hơn, chiến lược hơn, có tầm hơn. Tôi mong rằng cái "tứ giác kim cường" này hình thành, để ngăn chặn cái ác ở Phương Đông".
Với vị thế là các bên có tranh chấp chủ quyền và lợi ích với Trung Quốc trên Biển Đông, theo Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam cần xây dựng mối quan hệ chặt chẽ, hợp tác và chia sẻ quyền lợi trong chiến lược an ninh quốc gia với Hoa Kỳ, để bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia, trong bối cảnh hiện nay Trung Quốc đã mở rộng, quân sự hóa các thực thể mà nước này chiếm được trên Biển Đông.
"Không chỉ Việt Nam đâu, mà bất cứ thành viên nào của ASEAN, kể cả những nước lớn như Indonesia. Nếu một mình anh đối chọi với Trung Quốc, thì cũng là "trứng chọi đá", đặc biệt trong bối cảnh hiện nay".
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai có chung quan điểm với Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, và ông cho rằng Việt Nam cần ứng xử khéo léo với Trung Quốc bởi sự phức tạp trong quan hệ.
"Việt Nam là nước yếu, Trung Hoa là nước mạnh, đời đời ăn hiếp mình, xâm lược mình, bắt nạt mình, cướp bóc mình. Bây giờ có một thế lực ngăn chặn bớt, thì tốt quá chứ, mừng quá chứ. Sống với những người bạn như thế thì cũng yên tâm. Tôi nghĩ rằng, Việt Nam nên thấy điều đấy".
Nhóm phóng viên
Nguồn : RFA, 04/01/2018
Chương trình Tường trình từ Việt Nam xin gửi đến quí thính giả lời chào năm mới 2018, kính chúc quí vị một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công ! Thưa quí thính giả, trong chương trình này, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số chia xẻ về tình hình Việt Nam năm 2018.
Cụ già bán hoa đang cầu nguyện cho năm mới bình an ở Hội An - TTVN
Chương trình Tường trình từ Việt Nam xin gửi đến quí thính giả lời chào năm mới 2018, kính chúc quí vị một năm mới bình an, hạnh phúc và thành công ! Thưa quí thính giả, trong chương trình này, chúng tôi xin gửi đến quí vị một số chia xẻ về tình hình Việt Nam năm 2018.
Đầu tiên, sau nhiều năm xì hơi, liệu cái bong bóng địa ốc Việt Nam có thể tự phục hồi và hoạt động trở lại một cách bình thường ?
Nói về vấn đề này, một người am tường về thị trường địa ốc, sống tại tại Đà Nẵng, chia sẻ :
"Tình hình địa ốc của năm 2018 sẽ không có gì thay đổi, thậm chí là nó sẽ đi xuống. Vì giá đất người ta bơm cao quá, cái bong bóng nó cao đến độ vỡ thì bây giờ nó xì nó sẽ tiếp tục xì. Cứ tưởng tượng một mét đất người ta mua của người nông dân khoảng vài ngàn, vài chục ngàn, vài trăm ngàn đồng/mét rồi thổi lên vài chục, vài trăm triệu/mét. Cái giá đó khó mà người ta mua nổi, cũng có thể vài nơi, một vài gia đình, người ta mua để dự trữ hoặc rửa tiền thì cũng có thể mua nổi nhưng đó chỉ là một phân khúc nhỏ của giới nhà giàu. Riêng tình hình chung thì đất đai năm 2018 này sẽ không thay đổi, nhất là khi vật giá leo thang, mọi thứ không ổn định, tình hình chính trị không ổn định, khi mà các phe phái đấu đá nhau như vậy thì kéo theo tình hình kinh tế ảnh hưởng không nhỏ".
Sự phục hồi của ngành địa ốc Việt Nam có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam, bởi trong suốt hơn 20 năm nay, hệ thống kinh tế cũng như giới nhà giàu, được gọi là đại gia, hầu hết đều phất lên nhờ địa ốc, từ Vũ Nhôm Đà Nẵng cho đến các tập đoàn như Vin Group, Hoàng Anh Gia Lai, FLC cho đến tất cả các tập đoàn kinh tế tưởng như không dính dự gì đến địa ốc đều thủ đắc một quĩ đất khá lớn và xem như đó là nguồn vốn mạnh nhất của họ.
Và khi các tập đoàn kinh tế này thay nhau bơm giá địa ốc lên mức cao ngất ngưởng so với giá địa ốc khu vực. Cái bong bóng giá đất bị bơm lên đến mức chính nó không thể chịu nổi và xì hơi. Bởi sức mua của người dân Việt Nam không thể đáp ứng được mức giá phổ thông sau khi hô biến những mảnh đất từ vài chục, vài trăm ngàn đồng trên mỗi mét vuông thành vài triệu hoặc vài chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng trên mỗi mét vuông.
Vị này dự đoán thêm là tình hình địa ốc năm 2018 sẽ không có gì khởi sắc bởi mọi thứ vật giá leo thang, tình hình nợ công và sự chết đi của một số nhóm lợi ích sẽ khiến cho nền kinh tế có phận trì trệ. Thị trường địa ốc có thể xuất hiện những cái bong bóng giá ảo nhưng sẽ có kết cục xấu.
Một nhà kinh doanh địa ốc khác chia sẻ rằng vấn đề các khu chung cư cao cấp vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc. Bởi hầu hết các nhà đầu tư ở phân khúc này vẫn trong tâm thế lưỡng lự suốt ba năm nay. Tình trạng nhiều nhà đầu tư rao bán tháo các chung cư và chịu lỗ càng khiến cho phân khúc chung cư cao cấp càng thêm ảm đạm.
Khác với những năm đầu khi các khu chung cư cao cấp mới được hình thành và rao bán trên thị trường được các nhà đầu tư hưởng ứng mua và xông xáo đầu tư, thậm chí không khí đầu tư có phần chộn rộn, chạy đua… Thì hiện tại, việc chạy đua đầu tư vào các chung cư cao cấp nghe ra có vẻ không còn nữa, mà thay vào đó là không khí trầm lắng, ảm đạm. Các nhà đầu tư lớn, nhỏ trong phân khúc này tìm mọi cách để rao bán chung cư và chấp nhận thua lỗ.
Và có một vấn đề tưởng chừng không liên quan nhưng thực ra lại chi phối thị trường địa ốc rất mạnh, đó là thiên tai. Hầu hết các thị phần địa ốc ở những vùng bị thiên tai tác động đều có khuynh hướng tuột dốc, khó cứu vãn. Trong khi đó, thị trường điạ ốc Việt Nam chịu một qui luật rất khắc khe, đó là muốn có được một diện tích đất tốt, nhà đầu tư phải biết chung chi mạnh tay cho nhà quản lý và mua với giá rẻ bèo, sau đó hô biến thành đất vàng, bán với giá rất cao. Điều này dễ gây bất mãn trong nhân dân và gây bất an cho các nhà đầu tư nhỏ.
Nhưng dù sao thì giới kinh doanh địa ốc cũng hi vọng một năm mới khởi sắc. Bởi nếu thị trường địa ốc tiếp tục xì hơi sẽ kéo theo các mắc xích kinh tế khác khủng hoảng và điều này hoàn toàn bất lợi cho kinh tế quốc gia.
Ông Phùng Chí Kiên, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội, chia sẻ :
"Cái này sẽ phụ thuộc rất lớn vào mấy cái vụ lớn xét xử đầu năm. Từ Vũ nhôm đến Thăng rồi Thanh, tình hình sẽ có những cái thay đổi lớn. Riêng chúng tôi vẫn không có gì thay đổi, chúng tôi vẫn giữ nguyên trình tự làm việc của mình nhưng chuyển sang một hướng khác, theo chiều hướng bất tuân dân sự, nâng cao dân trí và hiểu biết về xã hội dân sự. Nhìn chung thì tình hình không có gì thay đổi…".
Theo ông Kiên, tình hình nhân quyền năm 2018 có thể nói là 50/50. Nghĩa là cũng như mọi năm, mọi dự đoán có tính nước đôi, điều này hoàn toàn phụ thuộc vào quyền lợi cũng như chiến lược của nhà cầm quyền. Hơn nữa, trong nhiệm kỳ của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, vấn đề nhân quyền Việt Nam dường như ít được quan tâm đúng mức nên các nhà hoạt đồng nhân quyền Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn so với thời kỳ các vị tổng thống tiền nhiệm của ông Trump.
Nhưng vị này cũng dự đoán ngược lại là tình hình nhân quyền Việt Nam sẽ tốt hơn trong năm 2018 bởi câu chuyện đốt lò của trung ương đảng Cộng sản Việt Nam đã chi phối quá nhiều về vấn đề an ninh. Ngành an ninh Việt Nam không thể bị chi phối nhiều hơn nữa một khi bóp chặt nhân quyền. Bởi làm như vậy sẽ gây ra hiệu ứng ngược, tạo phản ứng mạnh trong nhân dân và họ phải đối phó thêm một chuyện phức tạp mới.
Bên cạnh tình hình nhân quyền, lĩnh vực y tế, giáo dục cũng là vấn đề nổi cộm của năm 2018. Một nhà giáo về hưu, chia sẻ :
"Mình thì mình nghĩ nó sẽ ì ì vậy thôi, vẫn ì ạch, không có gì thay đổi cả, chả có gì đổi mới cả. Các ông ấy nói thì thay đổi phương pháp rồi mở bao nhiêu hội thảo rồi hết hội thảo cũng vậy thôi, cứ ì ì mãi. Chỉ thấy là năm 2018 mấy ông lại ra sách giáo khoa mà không biết trong đó là cái gì thôi".
Theo vị này, có vẻ như tình hình giáo dục Việt Nam năm 2018 không có gì thay đổi, cũng không có gì khả quan hơn vì mọi sự chỉ thay đổi về lịch biểu chứ không có gì mới về thời gian biểu hoặc kế hoạch đào tạo, kế hoạch giáo dục. Nhìn chung tình hình giáo dục Việt Nam không có gì thay đổi.
Tình hình y tế, một bác sĩ mệnh danh là người có năng lực, tâm đức và được giới sinh viên ngành y khu vực đồng bằng sông Cửu Long rất mến mộ, chia sẻ :
"Nói chung là thấy không có gì khả quan hết, vì đâu thấy động thái gì thay đổi đâu. Thì cũng sẽ có một vài bệnh viện này bệnh viện kia mở ra nhưng cái chính là không có gì thay đổi hết. Trong khi đó thì thu nhập của dân chúng nó giảm chứ không tăng được, thuế phí, tùm lum thứ hết, cho nên khả quan chắc là không có".
Như vậy, có thể nói rằng mọi lĩnh vực không có gì thay đổi trong năm 2018, nếu không muốn nói là nguy cơ tình hình thêm xấu đi rất có thể xảy ra nếu như mức thuế tiếp tục tăng, vật giá leo thang và thiên tai xảy ra giống như năm 2017.
Nhưng dù sao, tất cả chúng ta có quyền hi vọng một năm mới tốt đẹp hơn, kinh tế ổn định hơn và mọi lĩnh vực đều được củng cố theo chiều hướng tốt hơn ở năm 2018. Một lần nữa, xin cầu chúc quí thính giả thân tâm an lạc, may mắn và hạnh phúc !
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
Nguồn : RFA, 02/01/2018
Gần hai năm trôi qua, kể từ ngày biển Bắc miền Trung nhiễm độc do Formosa Hà Tĩnh xả thải, đến nay, đời sống của người dân Kỳ Anh vẫn chưa có gì phục hồi. Khó khăn, đói kém, tha phương cầu thực, trốn sang Lào, Trung Quốc để làm thuê… Đó là bài ca chung của người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, tình trạng môi trường không khí phía Tây Hà Tĩnh bị ô nhiễm trầm trọng đang gây nhức nhối. Các dự án phía Tây Hà Tĩnh đình trệ kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho đời sống nơi đây.
Formosa vẫn tiếp tục hoạt động sau thảm họa môi trường - TTVN
Bà Trần Thị Hà, người buôn bán ở chợ Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, chia sẻ : "Tôi nhận thấy thì hiện tại tiền đền bù trước đó họ tiêu hết rồi, chỉ có một vài người làm ăn nhỏ lẻ, có thêm đồng vốn họ chịu khó làm ăn thì có lên chút. Còn chủ yếu là người dân tiêu hết sạch, thậm chí hiện tại nhiều người còn nợ nần nhiều, không còn gì hết, đời sống khó khăn. Vào làm công ty thì độc hại nhiều, làm ăn không ăn thua. Người dân giờ rất khó khăn, chợ búa chúng tôi có bán được gì đâu, cái gì cũng giảm khoảng 80%".
Bà Mai Thị Lợi, cư dân xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ : "Đời sống của thanh niên hiện tại hư hỏng nhiều. Từ lúc Trung Quốc, Đài Loan qua đây thì tệ nạn xã hội nhiều, thanh niên nghiện ngập, phụ nữ thì bỏ chồng bỏ con đi theo Trung Quốc, làm bồ bịch của hắn này, thì nó chơi gái nó cho trả ít tiền rồi ham tiền đi theo hắn, bỏ chồng bỏ con nhiều, ở Kỳ Thịnh, Kỳ Anh này nhiều lắm !"
Bà Lợi chia sẻ thêm là hiện tại, đời sống kinh tế của người dân chung quanh bà không có gì thay đổi kể từ sau vụ biển nhiễm độc đến nay. Nghĩa là đời sống vẫn chưa thể hồi sinh, mọi thứ vẫn còn trong trạng thái chết, nghề nghiệp đánh bắt chết, nghề buôn bán chết, công việc không có, sức mua chết… Với những người buôn bán nhỏ lẻ, đặc biệt là buôn bán hải sản, kiếm được 100 ngàn đồng mỗi ngày là chuyện quá khó khăn, nhưng trước khi biển nhiễm độc, họ kiếm mỗi ngày 500 ngàn đồng một cách dễ dàng.
Trong khi đó, giá thành mọi thứ tăng vọt bởi người Trung Quốc sống ở đây nhiều vô kể và họ xài tiền dễ dãi, chính sức mua không tiếc tiền của họ đã kéo nhiều thứ vật giá leo thang. Người dân bản địa phải chật vật vì thời giá bị lái hoàn toàn bởi sức mua người Trung Quốc. Đời sống khó khăn, kiếm tiền chật vật nhưng tệ nạn xã hội tăng rất nhanh.
Theo bà Lợi, một số thanh niên làm việc thuê cho người Trung Quốc, có được chút tiền lại chuyển sang chơi bời, nhậu nhẹt, phá phách, xài hàng đá, theo con đường xì ke, ma túy. Đặc biệt, một số gia đình có tiền đền bù đất trước đây và còn một ít đất để bán ăn dần có vẻ như họ bị lún tệ nạn xã hội nặng nhất. Hầu hết con cái trong các gia đình này dính xì ke, ma túy, chơi hàng đá và suốt ngày chơi bời, phá phách, không có công việc ổn định.
Riêng vấn đề hôn nhân gia đình ở Kỳ Thịnh nói riêng và Kỳ Anh nói chung có vẻ như đã hết thuốc chữa. Con số các phụ nữ đã có gia đình riêng, có chồng và hai, ba đứa con nhưng do kinh tế suy sụp, họ đã bỏ chồng theo các thanh niên, đàn ông Trung Quốc. Đi theo một thời gian dài thì bị hất hủi, lại quay về gia đình nhưng lúc này chồng con không muốn nhìn họ nữa, họ lại lang thang rày đây mai đó để làm công việc buôn phấn bán hương.
Nhiều gia đình phải tan nát, nhiều số phận bị lún bùn đen, nhiều tương lai bị chặn đứng bởi gia đình, cha mẹ đổ vỡ. Có thể nói rằng có quá nhiều đớn đau đến với người dân Hà Tĩnh kể từ khi các công trình của người Trung Quốc mọc lên ở đây.
Chị Lê Thị Cúc, cư dân Kỳ Anh, chia sẻ : "Trước khi có khu công nghiệp vào đây thì còn bán được, chứ hai năm nay không bán được nữa. Thu nhập ngày trăm bạc cả vốn lẫn lãi, trừ vốn thì lãi được khoảng 20 ngàn bạc, không có gì cả. Bão lụt gì họ cho mỗi nhà được 5kg gạo chứ không có gì cả".
Chị Nguyễn Thị Liên, cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh, chia sẻ : "Ở đây thì đời sống kinh tế Việt Nam khó khăn rồi, bởi Trung Quốc sang đây làm ô nhiễm, biển chết, ảnh hưởng đến người dân, chứ nó không qua đây thì biển không bị như vậy, dân còn con cá biển mà ăn".
Hai phụ nữ này chia sẻ thêm là hiện tại, tình trạng sống ngay trên đất quê mà có cảm giác như đang sống nhờ, sống tạm ở một vùng đất nào đó là tình trạng chung của những người dân nghèo nơi đây. Bởi dường như mọi quyền lợi hay tiếng nói đều thuộc về những người đến từ phương Bắc. Người ta nói mạnh vì gạo, bạo vì tiền, hiện tại, người Trung Quốc có đủ cả mạnh vì gạo bạo vì tiền, họ có thể ung dung làm bất kì điều gì họ muốn trên đất Hà Tĩnh, kể cả việc dụ dỗ vợ người khác bỏ chồng, bỏ con chạy theo đồng tiền của họ.
Cũng theo chị Cúc và chị Liên, vấn đề đền bù do xả độc ra biển ở Kỳ Anh có nhiều chuyện bất minh và bất công. Nhiều gia đình không làm gì liên quan đến biển nhưng có người thân làm cán bộ thì được nhận đền bù với số lượng lớn, ngược lại, người buôn bán hải sản và làm nghề biển như gia đình các chị, suốt hai năm nay khó khăn, chồng và con trai lớn các chị phải sang Lào làm thuê, bữa được bữa mất vì trốn chui trốn nhủi trên nước bạn, vì không có thị thực của nước bạn, các chị phải ở nhà tần tảo nuôi con, kiếm tiền vô cùng khó… Nhưng các chị chẳng nhận được đồng tiền đền bù nào.
Và đáng sợ hơn cả, theo các chị là mặc dù đang sống trên quê cha đất tổ nhưng tiếng nói của người bản địa lọt thỏm giữa ồn ào thanh âm người nước lạ. Mọi sinh hoạt bị đảo lộn, đời sống ngày thêm cơ cực và luôn thấy mình giống như người tha hương, sống tạm ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Có thể nói rằng sau gần hai năm, đời sống người dân làm nghề biển và các dịch vụ biển nói riêng, người dân Hà Tĩnh nói chung vẫn chưa hết đảo lộn và chưa hề có dấu hiệu phục hồi sau những mất mát.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
Nguồn : RFA, 24/11/2017