Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

24/03/2017

Đề án "Phố Hàng Rong" ở Sài Gòn

RFA tiếng Việt

Trong khi chiến dịch ‘dẹp vỉa hè, lấy lối đi cho người đi bộ’ đang tiếp tục được triển khai, cơ quan chức năng thành phố Sài Gòn đề ra kế hoạch lập ‘phố hàng rong’.

rong0

Phối cảnh phố hàng rong trên vỉa hè theo đề án của UBND quận 1 (Ảnh: báo Vnexpress)

Ai được ai không ?

Báo chí trong nước dẫn lời một vị lãnh đạo quận 1 cho biết các tuyến đường Nguyễn Văn Chiêm, Chu Mạnh Trinh và Công viên Bách Tùng Diệp được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình ‘phố hàng rong’.

Những người dân liên quan tỏ ra lo âu dù ‘phố hàng rong’ chỉ mới ở gia đoạn thử nghiệm.

"Nếu mình sắp xếp theo nhu cầu mỗi người, người nào từ trước đến giờ người ta đã buôn bán, thì hãy để cho người ta buôn bán. Ưu tiên những người nào từ trước đến giờ buôn bán, chứ bây giờ quy hoạch lại thì có những người trước giờ không buôn bán rồi người ta lại được, người đã buôn bán thì không được rất là thiệt cho người ta".

Người dân quanh các khu vực thí điểm đề án ‘phố hàng rong’ vẫn chưa biết được điều kiện nào để họ có một chỗ để buôn bán. Những thông tin mà họ có được chỉ là nghe người khác nói lại chứ chính quyền chưa đưa ra một thông báo cụ thể. Một phụ nữ đã bán nước giải khát cạnh công viên Bách Tùng Diệp trên mười năm nay cho biết :

"Có, hồi sáng mới nghe nói…Nghe người ta nói lại… Mình cũng không biết nữa, ví dụ như xin phép thì sao cũng không biết… xin ở đâu".

Hay như một chị gái bán trái cây gần công viên này cũng chưa biết gì về đề án.

"Bác Sơn có nghe chưa ? Chưa có nghe ! Tụi chị nhà ở đây, chị nghĩ là bán ở đây, khu phố đây thì mình bán đây chứ đâu nghĩ là phải qua bên đó mình bán".

Người khác thì tỏ ra lo âu về phía khách muốn vào ăn uống, mua bán tại phố hàng rong.

"Để xe ở đâu ? Không lẽ người ta chạy vô công viên đó người ta mua" ?

Hầu hết những người buôn bán hàng rong đều thuộc thành phần khó khăn phải kiếm sống trên đường phố. Họ cũng mong mỏi cơ quan chức năng tạo điều kiện để việc kiếm sống được ổn định chứ không bấp bênh như lâu nay.

"Làm cho chị cái chỗ chị bán đi, để chị nuôi con chứ cứ đuổi cứ hốt chị bán không có được. Nói chung 2,3 tuần này chị bán không được. Vẫn chấp hành hết, giờ phải kiếm cho chị, giao cho chị một chỗ chị bán, mà bây giờ nói hộ khẩu trong quận nhất mà chị đâu có hộ khẩu. Mà chị bán đây rất là lâu rồi. Con chị 3 đứa mà không cho bán chị đâu nuôi con được".

Vì sao chỗ dẹp chỗ không ?

Câu chuyện dẹp vỉa hè Sài Gòn vẫn còn là một đề tài nóng vì có quá nhiều chuyện xảy ra như dân nhà mặt phố bị dẹp than phiền cách làm không công tâm của lực lượng chức năng.

"Nguyên trước mặt cô nè, có nguyên bãi giữ xe mà không đá động gì tới. Mà bên đây có chiếc xe mà không cho để đây nữa. Con thấy nó vô lý không ?

Giờ nhà nước kêu mình đập bỏ cái đường đi lên thì mình đập thôi, giờ bỏ cái đường đó bắt cầu thang lên hết sức là khó khăn. Té một cái là què luôn. Xe cô khóa ngoài, bây giờ gửi thì một tháng hai trăm rưỡi lận".

"Bây giờ chủ trương nhà nước đưa ra là làm đẹp thành phố, dành lòng lề đường cho người đi bộ chúng tôi chấp hành chúng tôi đập. Tại sao những bãi giữ xe góc đường Chu Mạnh Trinh với Nguyễn Du, Lê Duẩn với Tôn Đức Thắng vẫn còn tồn tại. Đó cũng là lấn chiếm lòng lề đường, tức là bất hợp lý. Hỏi thì mới nói ở qun cho. Tụi tui chấp hành, tụi tui là dân thì tụi tui phải đập, còn đó là cán bộ thì sao đập ? Nếu giải tỏa thì phải giải tỏa luôn những bãi gửi xe đó".

Theo ghi nhận, nhiều người dân cho biết sẵn sàng chấp hành chủ trương ‘dọn dẹp lòng lề đường thông thoáng’, ‘vãn hồi trật tự công cộng’ mà cơ quan chức năng đề ra. Tuy nhiên cách thực hiện bị chỉ trích là quá vội vàng, thiếu kế hoạch cụ thể và đồng bộ ; thậm chí phạm luật.

Quay lại trang chủ
Read 678 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)