Chính quyền chỉ trích mạng xã hội ‘đưa thông tin xấu về Thủ Thiêm’ (VOA, 01/08/2019)
Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/7 lên án các trang mạng xã hội và một số nhà báo của Trung ương vì đã đưa thông tin xấu về vấn đề Thủ Thiêm, hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương.
Ông Lê Văn Minh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Phát biểu của ông Lê Văn Minh, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, được đưa ra tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước về hoạt động thông tin cơ sở 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.
"Hiện nay, hằng ngày, hằng giờ, một số trang mạng xã hội đưa thông tin không chính thống và xấu về vấn đề Thủ Thiêm", báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Văn Minh nói tại hội nghị.
Chính vì vậy, theo ông, các đơn vị "không nên né tránh hoặc đối đầu với báo chí. Thay vào đó, hãy gặp gỡ báo chí với tinh thần thiện chí cầu thị để trao đổi, cung cấp thông tin chính thống kịp thời", trích báo Tuổi Trẻ.
Ngoài ra, ông Lê Văn Minh còn nêu lên tình trạng một số phóng viên báo chí thuộc các hội của Trung ương không có thẻ nhà báo mà chỉ có giấy giới thiệu của cơ quan đã "hoạch hỏi và gợi ý một số vấn đề nhạy cảm, gây phiền phức cho địa phương", vẫn theo Thanh Niên.
Trước đó, ngày 26/7, thông tin về việc lãnh đạo UBND Thành phố Hồ Chí Minh "vận động" Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm giao đất để chính quyền làm đường ven sông đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, khiến cho nhiều ý kiến trong công luận tỏ ra bất bình vì thái độ "tiền hậu bất nhất" và "nuốt lời hứa" của chính quyền. Hồi đầu năm nay, Bí thư Thành ủy tp. HCM Nguyễn Thiện Nhân và các lãnh đạo thành phố trong dịp đi thăm, chúc Tết Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã hứa sẽ giữ lại hai cơ sở tôn giáo này.
Nói với VOA về động thái "vận động" của chính quyền, bà Trương Thị Yến, một trong số những người dân bị cưỡng chế giải tỏa nhà liên quan đến dự án Thủ Thiêm, nói bà không còn tin vào bất cứ lời hứa hay thông tin chính thức nào từ chính quyền sau khi đã bị bội tín hết lần này đến lần khác.
"Tôi tin Facebook. Tôi không tin nhà báo nữa. Tất cả nhà báo từ chính quyền đều nói sai hết. Những bình luận (từ) người dân chân thật cái gì cũng thật tình. Cái gì sai nói sai, trái nói trái.."., bà Yến nói với VOA.
Người phụ nữ đã có "thâm niên" đi khiếu kiện hơn 20 năm nói bà nghi ngờ chính quyền lại lấy đất của hai cơ sở tôn giáo trên để "phân lô bán nền, chứ không có đường ven sông nào hết !", như đã từng làm với Chùa Liên Trì trước đây.
Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đến thăm Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm vào ngày 2/2/2019
Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm được xem là hai di sản văn hóa của khu vực vì là những công trình kiến trúc tôn giáo đầu tiên ở Thủ Thiêm, được xây dựng từ những năm 1840 và 1859.
Tuy nhiên, bất chấp ý kiến từ các nhà chuyên môn và phản đối ôn hòa từ các tu sĩ và người dân, chính quyền thành phố nhiều lần tìm cách ép buộc các tu sĩ phải di dời và bàn giao cơ sở tôn giáo của họ cho nhà nước.
Sau khi phá dỡ một trong ba khu nhà của Trường tiểu học Thủ Thiêm, vốn thuộc sở hữu của Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm trước đây, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 5 năm ngoái ra quyết định đấu giá 9 lô "đất vàng", trong đó bao gồm cả Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.
Quyết định này mới đây lại được chính quyền nhắc đến, sau một thời gian tạm lắng xuống vì những phản đối, khiếu nại mạnh mẽ từ người dân và công luận, dẫn đến việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ phải "vào cuộc" để làm rõ những sai phạm của thành phố trong việc thu hồi và giao đất liên quan đến dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Thông tin trên báo chí vào ngày 26/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết đã giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm lập bản đồ hiện trang vị trí 15 lô đất trong khu vực này để đưa ra đấu giá.
Lý do là để giúp cho ngân sách không bị thất thoát và thu hút nhà đầu tư, sau khi kết luận của Thanh tra Chính phủ nói rằng chính quyền thành phố đã có nhiều sai phạm và yêu cầu phải thu hồi hàng chục nghìn tỷ đồng tạm ứng sai quy định, duyệt tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng BT không đúng quy định.
Riêng với khu đất thuộc khuôn viên Nhà thờ Thủ Thiêm và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chính quyền sẽ "vận động" đại diện hai công trình tôn giáo này để họ bàn giao đất cho thành phố thi công tuyến đường ven sông Sài Gòn.
Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bắt đầu được triển khai quy hoạch từ năm 1996, đã đẩy hàng trăm gia đình rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" suốt hơn 20 năm qua, sau khi chính quyền cưỡng chế giải tỏa nhà cửa của họ.
********************
Nhà báo độc lập phản bác chỉ trích của chương trình 'Đối diện' trên VTV (VOA, 01/08/2019)
Các nhà báo độc lập đã phản bác những chỉ trích của chương trình Đối diện trên kênh truyền hình quốc gia VTV hôm 31/7, nói về "các thế lực chống phá" giữa lúc các cơ quan chính phủ Việt Nam đang mạnh tay với truyền thông xã hội.
Trang Facebook của nhà báo độc lập Bùi Thanh Hiếu được VTV nêu trong chương trình Đối diện : Mặt trái của mạng xã hội ngày 31/7/2019. Chụp từ màn hình của VTV.
Chương trình Đối diện số đầu tiên của Đài truyền hình Trung ương VTV phát ngày 31/7/2019 với chủ đề "Mặt trái của truyền thông xã hội", tổng hợp các nội dung nhằm "lật tẩy" những ý đồ "kích động", "gây rối xã hội", "chống phá Nhà nước".
Từ Berlin, Đức, nhà báo độc lập Bùi Thanh Hiếu, còn được gọi là Blogger Người Buôn gió, nêu nhận định của ông với VOA về chương trình "Đối diện" số đầu tiên :
"Nhà cầm quyền Việt Nam cho mở chương trình này với lý do là trước đây họ gặp sự phản đối của cộng đồng người Việt nước ngoài, các tổ chức tranh đấu cho nhân quyền, bảo vệ tự do ngôn luận đã lên án Việt Nam gây áp lực với Facebook, kêu gọi Facebook không hợp tác với sự kiểm duyệt của Việt Nam.
"Tiếp đến, Việt Nam cũng muốn mở một mạng xã hội khác để thay thế Facebook, nhưng họ chưa thành công. Trong khi có những bất lợi như thế thì họ tạo ra chương trình này để tạm thời đối phó với dư luận trên mạng xã hội (mạng xã hội)".
Trang mạng xã hội của Đài Á châu Tự do được VTV nêu trong chương trình 'Đối diện', ngày 31/7/2019.
Hôm 31/7, ông Bùi Thanh Hiếu viết trên Facebook : "Tên của chương trình này (Đối diện) cho thấy, chế độ cộng sản Việt Nam trước mắt không cấm được Facebook hoạt động tại Việt Nam, đành phải chọn phương án sử dụng truyền hình trung ương, nhà báo, quan chức, tướng lĩnh để đối chọi lại".
Ngoài việc "điểm mặt" trang Facebook cá nhân của ông Bùi Thanh Hiếu, VTV còn nêu các trang khác cũng có nội dung "chống phá" như các Facebook của nhà báo Lê Trung Khoa ở Đức, nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng ở Sài Gòn, hay nhà báo độc lập Đường Văn Thái ở Thái Lan, blogger Nguyễn Thúy Hạnh…và cả trang VOA và RFA của Hoa Kỳ.
Trang Facebook của nhà báo độc lập Đường Văn Thái.
Ông Đường Văn Thái, cựu phóng viên của một tờ báo nhà nước đang tị nạn ở Bangkok, chia sẻ :
"Chương trình kéo dài 45 phút hôm 31/7 đã nêu tên của tôi, anh Phạm Chí Dũng, anh Bùi Thanh Hiếu cùng một số nhà hoạt động khác, trong đó họ vu khống trắng trợn".
Trang Facebook của nhà báo Lê Trung Khoa. Chụp từ màn hình của VTV.
Ông Lê Trung Khoa, chủ bút trang Thoibao.de, nói với VOA :
"Cả một kênh rất lớn là VTV1, lại phát vào giờ vàng trong một chương trình kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ về "Mặt trái của mạng xã hội" là một điều hay ! Bởi vì khi nhà nước không cấm được mạng xã hội thì buộc họ phải đối diện với mạng xã hội, chung sống với mạng xã hội.
"Tôi rất hoan nghênh những phản biện của họ, vì như vậy chúng tôi có điều kiện để nghe những nhận định của chính quyền, các cơ quan truyền thông của Việt Nam, để đi đến chân lý cuối cùng là phản ánh đúng sự thật".
Ông Khoa, người từng phổ biến những thông tin liên quan đến cáo buộc Hà Nội dùng mật vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin như truyền thông Đức phản ánh, và những nghi ngờ về chất lượng xe ôtô Vinfast, nói về những lý do khiến trang cá nhân của ông được nhiều người theo dõi và là vì sao chính quyền Việt Nam không hài lòng với trang này.
"Người dân trong nước không ngoại ngữ (tiếng Đức) và bị ngăn chặn tiếp cận đến những thông tin nêu lên sự thật, cho nên những thông tin chúng tôi đưa ra rất khác với những điều mà truyền thông trong nước đề cập, vì vậy trang của tôi có đông người xem.
"Cũng chính vì thế mà truyền thông nhà nước, có sự chỉ đạo của Đảng, họ không ưa điều này. Do đó, họ đưa ra chương trình này nhằm phản bác những thông tin chúng tôi nêu".
Ông Đường Văn Thái nói :
"Hiện giờ ở Việt Nam, các tờ báo chính thống đã bị lép vế so với mạng xã hội. Tôi rất bức xúc khi có những thông tin chúng tôi đưa ra có chứng cứ, phản ánh sự thật mà họ cho rằng mình đưa tin không đúng, sai lệch".
Ông Nguyễn Văn Giang. Chụp từ màn hình của VTV.
Trong chương trình Mặt trái của mạng xã hội, đài VTV1 dẫn lời Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang, Phó Cục trưởng Cục An ninh Mạng và Phòng, chống Tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Bộ Công An, nói :
"Các thông tin bịa đặt do các đối tượng đưa ra vào các thời điểm nhạy cảm như trước thềm đại hội Đảng các cấp, quá trình xử lý các vụ án tham nhũng… nhằm tăng hiệu ứng tâm lý đối với dư luận, họ bình luận các nội dung sai sự thật, bội nhọ hình ảnh, hạ uy tín lãnh đạo".
VTV nói rằng Đối diện là một chương trình chính luận, "có tính chiến đấu cao", "đề cập một cách tổng quan, toàn diện về các điểm nóng của xã hội", nhưng các nhà báo độc lập nói với VOA rằng chương trình này với số đầu tiên công kích mạng xã hội chỉ giúp công chúng trong nước càng thêm háo hức để đến với trang mạng cá nhân của họ.
Ông Bùi Thanh Hiếu nói :
"Tôi nghĩ họ chỉ đối phó tạm thời thôi. Khi mà họ đưa lên truyền hình trung ương như thế này thì cũng bất lợi cho họ, vì dân tình lại càng thắc mắc, họ tự hỏi rằng những người bị chương trình lên án đã viết những gì và họ lại càng vào tìm đọc, từ đó thành ra thông tin đa chiều, chứ chương trình này cũng không hoàn toàn bất lợi cho chúng tôi".