Tại sao Bộ Công an công bố danh sách ‘khủng bố’ vào lúc này ? (VOA, 14/08/2019)
Hai tổ chức chính trị của người gốc Việt có trụ sở ở Mỹ, là Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời, nằm trong danh sách mà Việt Nam "chỉ định" là "khủng bố, tài trợ khủng bố" khi bổ sung thêm danh sách của Liên Hợp quốc.
Đặc công, bộ đội, công binh, cảnh sát... của Việt Nam tham gia buổi diễn tập quy mô lớn về chống khủng bố, cứu con tin và ngăn chặn biểu tình, bạo loạn. (Ảnh chụp từ trang Tuổi Trẻ)
Bộ Công an Việt Nam hôm 9/8 đưa ra "chỉ định" này cùng lúc công bố danh sách liên quan đến khủng bố do Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chỉ định.
Danh sách của Liên Hiệp Quốc, được cập nhật ngày 21/5/2019 và có đường dẫn tới bản tin của Bộ Công an ra hôm 9/8, có tên 260 thành viên và 84 tổ chức, nhưng không có tên của Việt Tân và Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm thời.
Tổng bí thư Đảng Việt Tân Lý Thái Hùng cho rằng chính phủ Việt Nam đã cố ý gây "hiểu lầm" khi Bộ Công an công bố danh sách do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chỉ định cùng với danh sách do Việt Nam chỉ định vào cùng một sự kiện.
"Danh sách mà Liên Hợp quốc đưa ra toàn là những người bị các tổ chức quốc tế cũng như Liên Hiệp Quốc gán ghép, mà đa số là những người nằm trong lực lượng khủng bố hồi giáo, ông Hùng nói. "Cho nên Cộng sản Việt Nam lập lờ đánh lận con đen – họ công bố danh sách của Liên Hiệp Quốc rồi nhân đó đề cập đến Việt Tân hay Chính phủ quốc gia lâm thời và tạo một sự hiểu lầm".
Theo Việt Tân, động thái này của Bộ Công an "làm cho người dân nghĩ rằng Việt Tân đã bị các định chế quốc tế cho vào danh sách khủng bố".
Cả Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, cùng có trụ sở ở California, đều bị chính phủ Việt Nam coi là các tổ chức "khủng bố".
Tháng 10/2016, Bộ Công an Việt Nam gắn mác "tổ chức khủng bố" cho Việt Tân khi cáo buộc tổ chức này "tuyển mộ và huấn luyện cho thành viên cách thức sử dụng vũ khí" và "tiến hành các hoạt động khủng bố".
Theo ông Hùng, Việt Nam đưa Việt Tân vào mục "khủng bố" trên trang web của Bộ Công an sau khi đảng này và một số nhà đấu tranh trong nước hoạt động chống lại dàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc tiến vào khu vực thềm lục địa của Việt Nam.
"Mục tiêu của họ là muốn cô lập tổ chức Việt Tân cũng như ngăn chặn những ai đến hỗ trợ và tiếp xúc với Việt Tân", ông Hùng, người cũng có tên trong danh sách "đen" của Bộ Công an, cho biết.
Gần 1 năm sau đó, Bộ Công an liệt Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời vào "tổ chức khủng bố" hồi cuối tháng 1/2018, không lâu sau khi Bộ này kết án 15 người thực hiện vụ đặt bom tại nhà xe và cổng ga đến quốc tế ở sân bay Tân Sơn Nhất ở Thành phố Hồ Chí Minh vào dịp 30/4 mà theo Hà Nội là dưới sự chỉ đạo của nhóm này.
Sau khi bị cáo buộc là tổ chức khủng bố, chủ tịch Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời Đào Minh Quân nói với VOA rằng những cáo buộc mà Việt Nam đưa ra là "nói láo" và "không có bằng chứng". Người đứng đầu tổ chức này nói rằng nhóm của ông có "bằng chứng (chính phủ Hà Nội) đã hành hạ, khủng bố người dân Việt Nam, và chúng tôi có nộp hồ sơ kiện họ tại Tòa án Hình sự Quốc tế".
Bộ Công an cho biết họ đưa ra danh sách, gồm 2 tổ chức trên cùng 30 thành viên của 2 nhóm trên, dựa trên cơ sở khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính (FATF) về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố và đề nghị của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Tuy nhiên, Bộ này không nói rõ những khuyến nghị mà FATF và ADB đưa ra là gì.
Theo danh sách mà Bộ Công an công bố trên trang web của họ và được truyền thông trong nước đăng tải lại, tổ chức Việt Tân có 5 người trong đó có ông Đỗ Hoàng Điềm, hiện là chủ tịch Việt Tân.
Trong danh sách của bộ này về Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời có ông Đào Minh Quân, hiện là chủ tịch của nhóm. Ngoài ra Bộ Công an còn đưa ra tên và lý lịch của 6 người khác của nhóm này đang sống ở Mỹ và Canada cũng như 15 thành viên của tổ chức này hiện đang ở Việt Nam.
VOA không thể liên lạc được với ông Quân để yêu cầu bình luận về sự kiện này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không coi Việt Tân là "khủng bố" và một người phát ngôn của Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn hồi tháng 1/2013 nói rằng "mặc dù Việt Tân là một tổ chức hòa bình truyền bá cho cải cách nhân quyền thì chính phủ (Việt Nam) lại coi họ là một ‘tổ chức phản động.’"
Theo ông Hùng, ngoài việc Việc Nam phải công bố danh sách khủng bố Hồi giáo của Liên Hiệp Quốc vì Việt Nam là một quốc gia thành viên của Interpol, thì việc Dàn khoan Hải Dương 8 đang ở vùng biển đặc quyền của Việt Nam là một lý do khác cho việc Bộ Công an đưa ra danh sách "khủng bố" Việt Tân và Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời.
"(Sự kiện Bãi Tư Chính) không chỉ gây căm phẫn cho người dân mà cho cả những đảng viên trong nước khi họ lo sợ những cuộc biểu tình rộng lớn bùng nổ và (do đó) họ muốn ngăn ngừa Việt Tân và một số lực lượng khác (bằng cách) đưa ra (danh sách) khủng bố để răn đe".
Sự kiện tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đang gây ra những phản đối trong nhân dân khi nhiều người kêu gọi chính phủ kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế.
Cùng với việc công bố các danh sách trên, Bộ Công an "yêu cầu" các tổ chức, cá nhân cũng như các cơ quan liên quan "có trách nhiệm không trì hoãn việc phong tỏa, niêm phong, tạm giữ, xử lý tiền, tài sản liên quan tới các tổ chức, cá nhân khủng bố, tài trợ khủng bố do Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc chỉ định hoặc do Việt Nam chỉ định.
Việt Tân hôm 14/8 cho VOA biết rằng cho đến giờ này họ "không hề bị ảnh hưởng gì trong lĩnh vực tài chính hay ngoại giao với các quốc gia trên thế giới".
******************
Nikkei Asian Review : Các công ty Trung Quốc chạy sang Việt Nam giữa thương chiến (VOA, 14/08/2019)
Các công ty Trung Quốc đang nối gót với các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc để tìm các cơ sở sản xuất thay thế nhằm tránh tác động của cuộc chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ, và theo Nikkei Asian Review, nước Việt Nam ở kế cận là đích đến lý tưởng đối với các công ty này.
Các công nhân làm việc ở nhà máy Foxconn, chuyên sản xuất linh phụ kiện cho Apple, ở Quảng Đông, Trung Quốc. Foxconn đang tìm cách chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.
Kể từ tháng 6 vừa qua, 33 công ty được niêm yết trên sàn chứng khoán đã thông báo với hai sàn chứng khoán Trung Quốc về kế hoạch thiết lập hoặc mở rộng sản xuất ra nước ngoài, theo dữ liệu do Nikkei Asian Review thu thập được.
Đối với các nhà sản xuất nước ngoài, những đợt áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cộng với lương bổng và chi phí gia tăng, đang buộc các công ty Trung Quốc phải chuyển ra khỏi nước.
Theo dữ liệu của tờ báo tài chính lớn nhất toàn cầu, gần 70% trong số 33 công ty kể trên nói Việt Nam là đích đến mà họ ưa chuộng nhất, những công ty còn lại chọn Campuchia, Ấn Độ, Malaysia, Mexico, Serbia và Thái Lan.
Trong số những công ty chọn Việt Nam có Jinhua Chunguang, một nhà sản xuất mặt hàng cao su – công ty này loan báo vào ngày 19/7 khoản đầu tư 4,53 triệu USD để thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam. Công ty này hiện có các nhà máy ở Malaysia và Trung Quốc. Theo tạp chí Nikkei, công ty Jinhua Chunguang có trụ sở ở tỉnh Triết Giang gần Thượng Hải, nói khoản đầu tư này là để đáp ứng "những thay đổi trong môi trường quốc tế", cũng như là một phần trong các kế hoạch mở rộng trên toàn cầu của công ty.
Cũng theo tạp chí Nikkei của Nhật, một công ty khác ở Triết Giang chuyên sản xuất ghế, Zhejiang Henglin Chair Industry, cũng đang hướng về Việt Nam, nơi họ đã mua lại một nhà máy của Đài Loan trong gói đầu tư 48 triệu USD để thúc đẩy việc mở rộng sản xuất của công ty này.
Các nhà sản xuất trong ngành dệt may cũng quyết định tăng cường bộ phận sản xuất của họ tại Việt Nam, mặc dù ngày càng có nhiều lo ngại về sự hiện diện của nhiều công ty may mặc đang hoạt động ở Việt Nam, theo Nikkei.
Huafu Faship công bố hồi tháng 12 rằng họ đang đầu tư 2,5 tỷ nhân dân tệ (362 triệu USD) để xây một nhà máy ở Việt Nam. Nhà sản xuất len cuộn nói thành lập một cơ sở sản xuất ở Việt Nam sẽ cho phép công ty có nguồn nguyên liệu thô rẻ hơn, giảm chi phí lao động và tránh hàng rào thuế quan.
Nguồn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong quý 1 năm nay tăng hơn 86% lên đến 10.8 tỷ USD, trong đó đầu tư từ Trung Quốc chiếm gần phân nửa, theo dữ liệu của tờ Thời báo Chứng khoán của Nhà nước Trung Quốc được South China Morning Post trích dẫn.
Giữa lúc cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump với Trung Quốc đang leo thang, các công ty nước ngoài đã và đang chuyển dây chuyền sản xuất của họ sang Việt Nam nhằm tránh các loại thuế mới của Mỹ.
Tổng thống Trump từng chia sẻ trên Twitter rằng "nhiều công ty đang chuyển đến Việt Nam" giữa bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Theo dữ liệu về ngoại thương do Cục Khảo sát Dân số Hoa Kỳ ? công bố hồi tháng 6, thuế quan do Tổng thống Trump áp đặt đang khiến một số công xưởng sản xuất rời khỏi Trung Quốc, và Việt Nam là một trong những nước đang được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
****************
Việt Nam phản pháo Trung Quốc qua quyết định tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế ? (RFA, 14/08/2019)
Luật đặc khu chưa thông qua ?
Truyền thông quốc nội, vào ngày 13 tháng 8, trích dẫn hai văn bản chính thức của Bộ Xây dựng thông báo Bộ này đồng ý với đề nghị của Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang về việc tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu, với lý do lập quy hoạch tại thời điểm này là chưa đủ căn cứ và không phù hợp với quy định của pháp luật vì Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật Đặc khu) chưa được Quốc hội thông qua.
Phú Quốc chìm trong nước sau cơn mưa do ảnh hưởng cơn bão số 3. Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn
Điều này có nghĩa, Phú Quốc từ hồi năm 2010 đã được Chính phủ lên kế hoạch quy hoạch thành "khu hành chính-kinh tế đặc biệt" (gọi tắt là đặc khu kinh tế), nhưng sau quyết định của Bộ Xây dựng vừa ban hành thì quy hoạch đảo Phú Quốc theo định hướng "đặc khu" sẽ bị tạm dừng.
Đảo Phú Quốc với tên gọi "Đảo ngọc Phú Quốc" nằm trong khu vực Vịnh Thái Lan, thuộc tỉnh Kiên Giang là đảo lớn nhất Việt Nam, có diện tích khỏang 600 km2 và vị trí địa lý tương đồng với Singapore bỗng chốc thay đổi diện mạo hoàn toàn bởi nằm trong 3 đặc khu kinh tế trọng điểm theo quy hoạch của Chính phủ Hà Nội ; bao gồm Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc.
Với kiến nghị của UBND tỉnh Kiên Giang về việc dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu, Chính quyền Kiên Giang ngoài lý do luật đặc khu Quốc hội chưa thông qua, còn viện dẫn địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và hội đồng thẩm định…
Xin được nhắc lại, Dự luật Đặc khu được Quốc hội Việt Nam thảo luận hồi giữa năm 2018 và gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của người dân, qua các cuộc biểu tình vào trung tuần tháng 6 năm ngoái với lời kêu gọi không cho thuê đất đến 99 năm ở 3 đặc khu kinh tế của Việt Nam vì cho rằng đó là hình thức Việt Nam nhượng địa, bán đất cho nước ngoài mà cụ thể là cho Trung Quốc.
Cuộc biểu tình phản đối Luật Đặc khu được ghi nhận là đông đảo nhất kể từ sau ngày 30/04/1975, với sự tham gia của hàng trăm ngàn người ở những thành phố lớn và Quốc hội Việt Nam đã tuyên bố hoãn lại Dự luật Đặc khu.
Chuyển qua xin "cơ chế đặc thù"
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, vào tối ngày 14 tháng 8 lên tiếng với RFA rằng việc Chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị Trung ương cho tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu kinh tế thì không có gì là đáng ngạc nhiên. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng việc đề nghị này của tỉnh Kiên Giang là giống y như đề nghị của Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đối với quy hoạch phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn, tức là tạm dừng theo hướng đặc khu kinh tế mà chuyển qua xin "cơ chế đặc thù". Tiến sĩ Phạm Chí Dũng giải thích :
"Cơ chế đặc thù ở đây thực ra chỉ đơn thuần là vấn đề về vốn thôi, thì được xin nhiều hơn. Ví dụ như những tỉnh, thành loại 1 mà có ‘cơ chế đặc thù’ được cấp Trung ương cho phép thì sẽ được Trung ương cấp vốn nhiều hơn, được để lại ngân sách thu nhiều hơn mà không phải trích về cho Trung ương và được quyền sử dụng đồng vốn đó vào một số chương trình quan trọng của khu vực đó, của địa phương đó mà không cần phải quá phụ thuộc vào ý kiến của các bộ, ngành, chuyên ngành kinh tế-kỹ thuật. Đó chính là ‘cơ chế đặc thù’ mà một số nơi hiện nay như Quảng Ninh, Kiên Giang hay Khánh Hòa đang xin".
Chính quyền tỉnh Kiên Giang còn đề nghị với Chính phủ cho tỉnh này áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định tư vấn nước ngoài lập quy hoạch bằng cơ chế tự thỏa thuận.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ngay sau khi Bộ Xây dựng loan báo đồng ý với đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu kinh tế của tỉnh Kiên Giang, một số chuyên gia trong nước như nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường-Giáo sư Đặng Hùng Võ hay Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh-ông Lê Hoàng Châu được báo giới trích lời khẳng định rằng sẽ không có chuyện toàn bộ thị trường bất động sản bị đóng băng cũng như tốc độc phát triển quy hoạch ở Phú Quốc bị chậm lại.
Thông tin liên quan đảo Phú Quốc được chấp nhận cho tạm dừng phát triển quy hoạch theo hướng đặc khu kinh tế xuất hiện trong bối cảnh cả hòn "Đảo ngọc" bị chìm trong biển nước sau cơn mưa lớn do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Wipha). Hàng ngàn căn nhà bị ngập và tổng thiệt hại do ngập gây ra được ước tính ban đầu lên tới 107 tỷ đồng.
Truyền thông trong nước ghi nhận rất nhiều ý kiến trong dư luận lẫn của giới chuyên gia quả quyết đó là "hậu quả nhãn tiền" khi mà việc phát triển quy hoạch Phú Quốc một cách hỗn loạn trong một thập niên qua, không theo quy hoạch ban đầu được lập ra với kỳ vọng một Singapore thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.
Trước tình trạng "Đảo ngọc" Phú Quốc bị "băm nát", theo ngôn từ mô tả của báo giới nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư Kiên Giang, diễn ra ở thành phố Rạch Giá vào ngày 29 tháng 7, nhấn mạnh mặc dù Phú Quốc có tiềm năng và lợi thế để trở thành hòn ngọc tỏa sáng trên Vịnh Thái Lan, nhưng không nên đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật và không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản ở hòn đảo này. Ông Phúc còn đưa ra yêu cầu mạnh mẽ là không được "bê tông hóa" Phú Quốc.
Trong bài ghi nhận của RFA liên quan "giấc mộng Singapore" của Phú Quốc có thể nào cứu vãn được hay không sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không được "bê tông hóa" hòn "Đảo ngọc" này, một giám đốc dự án của một công ty xây dựng và du lịch tại Phú Quốc đưa ra lời nhận xét rằng "không thể nào cứu vãn được". Vị giám đốc không muốn nêu tên này trả lời với RFA rằng không có sự lạc quan nào cho dù Phú Quốc được tạm dừng phát triển theo hướng đặc khu kinh tế :
"Không lạc quan. Lý do để khẳng định điều này là nếu theo cơ chế điều hành như thế là quản lý theo kiểu không có giám sát, không có phản biện, cho dẫu thuê nước ngoài làm quy hoạch…mà theo hình thức quy hoạch, xây dựng, quản lý, kiểm soát cũng giống như những gì đang diễn ra hiện nay thì bình cũ rượu mới thôi".
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng cho rằng khi Phú Quốc được quy hoạch theo "cơ chế đặc thù" thì ông cũng không nhìn thấy bức tranh sáng sủa cho hòn đảo này vì theo như ông lý giải là bản chất của "cơ chế đặc thù" chỉ liên quan đến tiền : làm sao có tiền và làm sao sử dụng tiền, chứ không liên quan tới sáng tạo hay kiến tạo những giải pháp có thể đóng góp cho địa phương để quản lý tốt hơn về mặt môi trường, quy hoạch, kiến trúc…
Còn Kiến Trúc sư Sơn Đặng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân của ông rằng "Một hòn đảo ngọc tuyệt vời đã nát bấy thành một đống xà bần. Nếu muốn chứng kiến thành quả quái thai của sự giao hợp giữa chủ nghĩa tư bản tân tự do man rợ với cơ chế lãnh đạo tập trung quyền lực tối đa vào tay một ít người, mời các bạn đến Phú Quốc. Đừng đến đó để nghỉ dưỡng".
Tuy nhiên, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhấn mạnh điểm mốc quan trọng cần lưu ý qua việc Chính quyền tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch Phú Quốc theo hướng đặc khu kinh tế cũng như Bộ Xây dựng tán đồng đề nghị này, ông nhận định :
"Tôi cho rằng rất nhiều khả năng việc Chính quyền Trung ương ở Hà Nội gợi ý cho chính quyền địa phương là Kiên Giang chủ động đề xuất không làm đặc khu mà chỉ xin cơ chế đặc thù thì đó là cái đòn phản pháo của giới chóp bu Việt Nam đối với mưu đồ Dự án Luật Đặc khu của Trung Quốc thông qua trợ lý của Tập Cận Bình là Đào Nhất Đào và thậm chí có thể là thông qua việc ngừng Luật đặc khu thì Việt Nam muốn phản ứng một cách gián tiếp đối với Dự án ‘Một vành đai-Một con đường’ của Trung Quốc, đồng thời phản ứng với việc Trung Quốc cho tàu Hải Dương 8 và có thể cả giàn khoan khổng lồ xâm nhập vào khu vực Bãi Tư Chính hành hạ tinh thần và thể xác của giới chóp bu Việt Nam".
Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhắc lại bà Đào Nhất Đào, là cố vấn và kiến trúc sư trưởng của chiến lược "Một vành đai, Một con đường" của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng góp ý kiến với Chính phủ Hà Nội như cho Quảng Ninh những cơ chế đặc thù hay cho thời hạn thuê đất ở 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn-Bắc Vân Phong và Phú Quốc tới 120 năm, khi bà đến Việt Nam tham dự Hội thảo Khoa học quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế hồi tháng 3 năm 2014. Đồng thời, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cũng ghi nhận sự kiện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Sáng kiến "Một vành đai-Một con đường" (BRI), diễn ra lần thứ 2 ở Bắc Kinh hồi tháng 4 năm 2019, thế nhưng đã không có những ký kết nào giữa Việt Nam và Trung Quốc liên quan BRI. Một số nhà quan sát cho rằng giới lãnh đạo Hà Nội có thể đã nhận thức được Dự án BRI không có lợi cho Việt Nam.