Đảng cộng sản đang gặp khó xử nào trong việc chống tham nhũng ? (BBC, 07/09/2019)
Chính quyền và Đảng Cộng sản Việt Nam đang đối diện một thế lưỡng nan 'đối nghịch' trong việc chống tham nhũng, theo một ý kiến bình luận trong hội luận trực tuyến của BBC News tiếng Việt hôm 05/9/2019.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu công cuộc chống tham nhũng trong nội bộ đảng và chính quyền hiện nay
Đó là thế đối nghịch giữa chống tham nhũng và quan ngại thay đổi thể chế chính trị, xã hội theo hướng dân chủ hóa vốn hữu hiệu hơn cho công cuộc này, một blogger và là nhà báo tự do từ Hà Nội nói.
Cũng từ Hà Nội, một ý kiến khác cho rằng có thể chống tham nhũng thậm chí trong một quốc gia với thể chế độc tài, độc đoán, dù cách làm tốt hơn là tối thiểu cần phải có tự do báo chí và tư pháp độc lập.
Thế nhưng một luật sư nhân quyền cho rằng điều này là bất khả thi, bởi vì hai điều trên là trái với thể chế chính trị độc đảng cộng sản. Cách làm duy nhất mà lãnh đạo Việt Nam cần làm là phải cải cách triệt để đất nước theo hướng tự do, dân chủ, đa đảng thì mới có thể giải quyết thấu đáo vấn đề, ý kiến từ Đức nói.
"Tôi thấy một điều rất nan giải là đảng và nhà nước này đang luôn luôn bị xung đột và giằng xé giữa hai cái, cái tạm gọi là đối nghịch mà ông Trần Quốc Thuận nêu ra. Muốn chống tham nhũng thì phải thay đổi lại thiết chế và xã hội để làm sao cho dân chủ hơn", nhà báo tự do, blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh nói với Bàn tròn thứ Năm.
"Nhưng ngược lại họ vẫn cứ sợ là nếu thay đổi dân chủ hơn, dân chủ hóa và nới rộng ra chỉ cần một chút thôi, họ lại sợ là nới ra rồi lại phanh phui những điều, những cái tệ hại hơn ở trong hệ thống mà họ đang cố hoặc là giữ, hoặc là để cố từ từ giải quyết. Thứ hai nữa là nó động đến địa vị lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
"Đây là mâu thuẫn có thể nói là gần như họ không thể giải quyết được. Tôi cho là họ không giải quyết nổi, mà có lẽ là cần một vai trò cá nhân rất là quyết đoán, rất là giỏi thì mới làm được.
"Bây giờ cũng có rất nhiều người hy vọng vào ông Nguyễn Phú Trọng có làm được điều này không. Tôi nghĩ rằng lúc này là lúc nội xâm, ngoại xâm đang đều tấn công kinh khủng, tôi không có hy vọng nhiều lắm".
'Cần xem lại thể chế'
Ngay trước Bàn tròn thứ Năm, trả lời cùng ngày 05/9, câu hỏi của BBC liên quan vai trò cá nhân của người lãnh đạo đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam trong cuộc chiến chống tham nhũng nội bộ đảng và chính quyền, cũng như liệu công việc này có được tiếp tục hay không, tiếp tục ra sao trong trường hợp có thay đổi nhà lãnh đạo, Luật sư Trần Quốc Thuận nói :
"Việc chống tham nhũng ở nước nào cũng thế, nó cũng có vai trò cá nhân thúc đẩy chuyện này, chuyện kia tích cực. Nhưng rõ ràng nó cũng được dựng trong một cơ chế, thể chế như thế nào.
"Gần đây, người ta hay nói nhiều đến thể chế. Nhưng thể chế là gì ? Thế chể chính là chế độ chính trị chứ gì ? Còn cơ chế là bộ máy đảng và nhà nước chứ gì ? Nhưng mà xây dựng bộ máy của đảng và nhà nước như thế nào mà nó để như vậy, thì phải chỉnh, xem xét lại, thì đó là chuyện rất là lớn.
"Cho nên bây giờ đã đến giờ đặt trên vai chuẩn bị cho Đại hội 13 và những vấn đề trọng đại. Phải coi lại tại sao một đảng và nhà nước mình (Việt Nam) nắm quyền, trước kia người ta bảo là do thực dân, đế quốc, do phong kiến, còn bây giờ toàn bộ là do đảng lãnh đạo, mà để đến giờ số hư thối như thế này, thế kia.
"Thì cần phải làm cho có một thể chế làm sao mà người dân người ta kiểm soát được ; mà cái này cũng có nghị quyết của đảng rồi, kiểm soát được sự làm việc và phẩm chất của những người đó. Phải có một cơ chế như thế nào, thì đó là một đòi hỏi khá lớn", nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội Việt Nam nêu quan điểm.
Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Quang A bình luận trong Bàn tròn :
"Xét về vai trò như nhiều người nói bây giờ là vai trò cá nhân rất là quan trọng và người ta bảo ông Nguyễn Phú Trọng có vai trò 'đốt lò' chống tham nhũng rất là mạnh mẽ.
"Nhưng tôi lại phải nói là ông Trọng là một người có trách nhiệm rất lớn về những vụ tham nhũng như thế này. Bởi vì ông ấy đã là Ủy viên Bộ Chính trị rất lâu rồi, ông ấy hai nhiệm kỳ làm Tổng Bí thư, mà tất cả những vụ ấy đều xảy ra ở trong thời gian đó. Thế thì với tư cách là người cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, người quyền lực cao nhất của nước Việt Nam ở những thời gian ấy, thì ông không thể thoái thác được trách nhiệm của mình".
'Độc tài cũng chống được'
Singapore, quốc gia Đông Nam Á bị cáo buộc là có chế độ độc đoán và từng được lãnh đạo bởi ông Lý Quang Diệu (trái), vẫn chống được tham nhũng, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhà hoạt động xã hội dân sự này giải thích quan điểm của mình :
"Bởi vì hệ thống này sinh ra tham nhũng, cho nên tôi nghĩ hy vọng rằng hệ thống này sẽ thay đổi, sẽ chống được tham nhũng là một hy vọng hão huyền. Chỉ có thể chống được tham nhũng khi mà phải thay đổi về thể chế. Ở đây, tôi không nói về vấn đề dân chủ, để những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nếu mà còn có sợ dân chủ, thì cũng đừng có sợ.
"Bởi chống tham nhũng không dứt khoát phải có dân chủ, chống tham nhũng là phải có một nền pháp trị nghiêm minh, hay là luật trị, không ai ở trên luật cả. Nhưng mà như chúng ta thảo luận, có các vị lãnh đạo mà được ưu ái, rồi ông Phạm Nhật Vũ được có những đối xử đặc biệt v.v... và v.v...
"Bản thân hệ thống mà không nghiêm thì đừng nói đến chuyện chống tham nhũng. Chống tham nhũng là phải luật phải nghiêm, không ai được ngồi trên luật cả, đấy là cái thứ nhất. Thứ hai là tư pháp phải độc lập. Tư pháp bây giờ không thể độc lập thì đừng nói chuyện đến xử nghiêm minh. Điểm thứ ba là phải có một nền báo chí tự do, để báo chí có thể phanh phui, có thể cất lên tiếng nói và để người dân có thể cất lên tiếng nói.
"Đó là ba điểm quan trọng nhất để có thể giảm tham nhũng và như thế về mặt khung khổ, không cần phải sợ dân chủ.
"Cho nên muốn chống tham nhũng nay không, tôi nghĩ là ông Nguyễn Phú Trọng nếu ông muốn làm được, thì ông thay đổi thể chế theo ít nhất là ba điểm mà tôi vừa nói. Không có ông Trọng, đảng cộng sản Việt Nam vẫn có thể làm được chuyện ấy, nếu mà làm được ba điều như tôi nói.
"Còn nếu không muốn làm điều ấy, tất cả mọi thứ vẫn độc quyền, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn muốn 'ngồi xổm' trên hệ thống, ngồi trên pháp luật, thì không bao giờ có thể chống được tham nhũng cả. Đánh ông (Nguyễn Bắc) Son, ông (Trương Minh) Tuấn, thì sẽ lại sinh ra ông Son, ông Tuấn khác, không thể chống được", nhà hoạt động xã hội dân sự từ Việt Nam nêu quan điểm.
Có dám làm cải tổ ?
Liệu ông Nguyễn Phú Trọng và ban lãnh đọa có dám làm theo gương của cựu lãnh đạo Liên Xô cũ, Gorbachev, để cải tổ toàn diện đất nước, khách mời của Bàn tròn thứ Năm của BBC đặt vấn đề
Từ Cộng hòa Liên Bang Đức, luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài nêu bình luận tại chỗ về ý kiến trên, ông nói với Bàn tròn :
"Tôi có quan điểm hơi khác với Tiến sĩ Nguyễn Quang A một chút, tôi cho rằng vấn đề tham nhũng ở đây xuất phát từ bản chất của chế độ.
"Bởi vì với chế độ cộng sản, tư pháp độc lập và báo chí tự do thì lại trái với nguyên tắc của chế độ độc đảng rồi. Cái đó hoàn toàn không có.
"Không bao giờ có thể có tư pháp độc lập, không bao giờ có thể có báo chí tự do ở trong chế độ độc đảng cộng sản cả.
"Cho nên muốn chống tham nhũng thì chắc chắn phải thay đổi thể chế chính trị. Tức là phải có một nền chính trị dân chủ, đa đảng.
"Theo quan điểm của tôi, nếu không có dân chủ, đa đảng, thì không bao giờ có thể chống được tham nhũng.
"Tôi cho rằng nếu ông Nguyễn Phú Trọng bây giờ có khoảng 40 tuổi, hay 45 tuổi đi nữa, ông có thể làm thêm một nhiệm kỳ, hai nhiệm kỳ hay năm nhiệm kỳ nữa, ông ấy cũng không bao giờ có đủ sức để chống được tham nhũng ở trong một chế độ chính trị của đảng cộng sản hiện nay.
"Cho nên điều mà ông ta nên làm ở trong những năm tháng còn lại của nhiệm kỳ, với quyền lực hiện có, thì ông ta nên học gương của ông Gorbachev, để làm sao có thể thay đổi đất nước Việt Nam, không chỉ đem lại cho các thế hệ người Việt Nam hôm nay mà còn đem lại đời đời cho thế hệ con cháu.
"Tôi cho rằng đó là quyết định dũng cảm nhất mà ông ấy sẽ đi vào lịch sử Việt Nam, nếu ông ta dám tiến hành dân chủ hóa Việt Nam trước khi ông ta giã từ sự nghiệp chính trị của mình", ông Nguyễn Văn Đài nói.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : BBC, 07/09/2019
*****************
VN : 'Tham nhũng cấp cao gây khủng hoảng niềm tin' (BBC, 06/09/2019)
Tham nhũng, phạm pháp nghiêm trọng đã lên tới hàng ngũ cao cấp ở Việt Nam và đây là một mức độ chưa từng thấy đáng báo động, một cựu lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nói với BBC News Tiếng Việt.
Bị cáo buộc đưa hối lộ quan chức 6,2 triệu đôla nhưng ông Phạm Nhật Vũ (em trai của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng) đang được cơ quan điều tra đề nghị "tình tiết giảm nhẹ" như một chính sách hình sự mới mang tính 'biệt lệ'
Dấu hiệu tham nhũng cấp cao và hiện tượng nói một đằng làm một nẻo trong quan chức cấp cao của đảng và chính quyền gây ra một sự "khủng hoảng niềm tin" rất lớn không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói với BBC hôm 05/9/2019.
"Những vụ án gần đây đặc biệt nổi lên vụ án Mobiphone mua AVG, đây đúng là một vụ đại án lớn nhất, từ trước đến giờ chưa có xảy ra như vậy.
"Nếu trước đây vụ Vinashin, Vinalines, vụ dầu khí, vụ Đinh La Thăng, [những người phạm tội] tuy chức vụ thì to, nhưng khi phạm tội ở cương vị nhỏ cỡ cấp vụ.
"Còn đây là người trực tiếp là bộ trưởng ở trung ương phạm tội, thì có lẽ là lần đầu tiên. Điều này cho thấy dấu hiệu suy thoái lên ở tầm cao, là một dấu hiệu báo động rất lớn, và người ta đang nghĩ tới cần những biện pháp gì mạnh mẽ hơn nữa, kiểm soát hơn nữa.
"Trong khi đang học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh, rồi làm gương, thì hóa ra là những ông đứng ra làm gương thì những ông đó lại phạm trọng tội. Và đặc biệt đối với những ông như ông Trương Minh Tuấn, là ông đã viết ra một tác phẩm chống suy thoái, chống diễn biến, thì chính ông là người suy thoái, diễn biến lớn nhất.
"Điều này cũng cho thấy nó cũng là biểu hiện của một số ông lớn mà nói một đằng, làm một nẻo. Dấu hiệu đó tạo nên sự khủng hoảng niềm tin rất lớn, không chỉ trong đảng mà còn trong toàn dân".
Công luận đặt câu hỏi gì ?
Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, vụ án này đã được biết đến từ lâu trong nội bộ Việt Nam, nhưng tốc độ xử lý và cùng một số vấn đề khác trong quá trình điều tra, xử lý, trong đó có chính sách với các đối tượng điều tra, đã và đang được công luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông nói :
"Vụ án này tôi biết là trong nội bộ loan truyền với nhau từ rất lâu rồi. Nhưng theo quy định của luật tổ chức thanh tra, (trước đây thanh tra gọi là Thanh tra Nhà nước, nhưng từ năm 2005 thì gọi là Thanh tra Chính phủ. như vậy vai trò của thanh tra coi như cũng chỉ là một đơn vị cấp Bộ ở trong Chính phủ,) nhất nhất mọi hoạt động của Tổng thanh tra Chính phủ phải nghe lệnh của ông thủ tướng cầm đầu thì mới có thể làm được. Cho nên việc đó bị ảnh hưởng và kéo dài...
"Việc thay Tổng Thanh tra Chính phủ là ông Phan Văn Sáu bằng anh Lê Minh Khái là một Tổng thanh tra trẻ, thì từ khi anh Lê Minh Khái lên, vụ án này mới vỡ ra.
"Và cơ quan này chuyển hồ sơ sang cho các cơ quan điều tra thì mới làm vụ án thành một vụ án được điều tra mà chúng ta biết kết quả rồi và dẫn đến là bắt cả những người là đương là Bộ trưởng, đó là một chuyện chưa từng có. Ông Trương Minh Tuấn khi về làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo thì hàm chức đó cũng là Bộ trưởng.
"Trong quá trình điều tra, người ta thấy có nhiều vấn đề.
"Có những dấu hiệu như tại sao vụ Mobiphone mua AVG lại là "đóng dấu mật", rồi lại có nguồn tin hình như trên mạng công khai "người ta hạn chế nói", hay là không biết có lệnh cấm gì không ?
"Lúc đầu người ta hăm, người ta bảo là nếu nhà nước không mua AVG, thì AVG sẽ bán cho Trung Quốc, mà bán cho Trung Quốc thì vấn đề an ninh, quốc phòng, ngoại giao phức tạp, cho nên 'giá nào' cũng mua, hay đó là tin giả ? Rồi tin giả lại 'ẩn' dưới tài liệu gọi là 'mật', nhưng bây giờ người ta 'khui ra' thì đâu phải 'mật' ?
"Bởi vì chúng ta biết rằng vấn đề mật hay không mật có quy định rất chặt chẽ về pháp luật về danh mục nào mật, danh mục nào không mật. Mà danh mục nào mật phải có trong Nghị định của Chính phủ, tùy từng bộ có danh mục, mà nếu vào danh mục đó thì mới gọi là 'mật', 'tối mật', hay 'tuyệt mật', chứ không phải là muốn 'mật' thì đóng dấu 'mật'. Cho nên riêng tài liệu mà Mobiphone mua AVG mà đóng dấu 'mật' cũng là một dấu hiệu khác không bình thường".
"Hư hỏng cán bộ chứng tỏ điều gì ?"
Theo cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, điều không bình thường mà công luận đặt dấu hỏi còn nằm ở mức giá cả giao dịch mua bán giữa các bên trong vụ án.
Ông nói :
"Cái mà người ta nói là không bình thường lớn nhất là người ta phóng cái giá lớn lên như thế. Phóng giá lên một số tiền là 6.600 tỷ VNĐ mà tiền lại quả, hối lộ chỉ là 140 tỷ VNĐ, thì số tiền hối lộ đó rất nhỏ.
"Cho nên người ta yêu cầu phải điều tra tới nơi về việc số tiền nói vống lên, khoảng 2.000 tỷ VNĐ, đẩy giá lên đến gần 9.000 tỷ VNĐ, số tiền chênh lệch đó được chia cho ai, vào tay ai ? Người ta vẫn cảm giác rằng vụ án này chưa làm tới nơi, tới chốn".
Một vụ án nữa, cũng trong số nhiều vụ đại án đang được công luận Việt Nam quan tâm, đó là vụ án doanh nhân Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm).
Theo dõi vụ việc này đến nay, Luật sư Trần Quốc Thuận nhận xét :
"Vụ đó cũng cho thấy rằng phẩm chất của những người lãnh đạo trong bộ máy nhà nước là có vấn đề, có những lỗ hổng nghiêm trọng, suy thoái nghiêm trọng, liên quan đến tướng lãnh, liên quan đến lãnh đạo, hàm thứ trưởng, bộ trưởng...
"Điều đó cho thấy rằng một lớp người đáng kể là hư hỏng. Người ta bảo trước kia sau năm 1975, thường người ta nói là những người mà hư hỏng thì đây là tàn dư của chế độ cũ, nhưng mà tàn dư gì bây giờ là gần 45 năm rồi ? Những người này là do chế độ này đào tạo, mà bây giờ hư cỡ đó thì điều đó chứng tỏ là có vấn đề.
"Cho nên vấn đề là cần chọn lựa, đào tạo, xây dựng một đội ngũ cán bộ như thế nào, phải có một sự cạnh tranh như thế nào, có một cơ chế, thể chế như thế nào, để loại bỏ những thành phần như thế không ngoi lên những vị trí cấp cao lãnh đạo của đảng và nhà nước của chúng ta (Việt Nam) hiện nay"..
Quốc Phương
Nguồn : BBC, 07/09/2019