Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

10/09/2019

Việt Nam lọt vào top 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí

Tổng hợp

CPJ : Việt Nam trong số 10 nước kiểm duyệt báo chí nhiều nhất thế giới (RFI, 10/09/2019)

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ), trụ sở ở Mỹ, hôm nay, 10/09/2019, công bố danh sách 10 quốc gia kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới, trong đó có Việt Nam.

cpj1

Blogger Anh Ba Sàm ( Nguyễn Hữu Vinh ) và trợ lý Nguyễn Thi Minh Thúy tại phiên tòa ở Hà Nội ngày 22/09/2016. Mandatory credit VNA/Doan Tan/via Reuters

Đứng đầu danh sách kiểm duyệt tệ hại nhất là Eritrea, tiếp theo là Bắc Triều Tiên và Turkmenistan. Tại ba nước này "truyền thông chỉ là cái loa tuyên truyền của nhà nước, và tất cả các nhà báo độc lập đều phải ra nước ngoài tị nạn".

Việt Nam, Trung Quốc, Saudi Arabia và Iran bị cáo buộc "bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo cũng như gia đình họ, đồng thời giám sát công nghệ số, kiểm duyệt internet và mạng xã hội".

Tại ba nước còn lại trong danh sách là Guinea xích đạo, Belarus và Cuba, chính quyền kiểm soát chặt chẽ báo chí.

Bảng xếp hạng dựa trên các yếu tố như : siết chặt báo chí tư nhân hoặc độc lập, hạn chế tin giả, luật hình sự về tội vu khống, chận các trang web, giám sát các nhà báo, ra điều kiện khi cấp giấy phép, tấn công tin học vào các đối tượng cụ thể…

Giám đốc điều hành của CPJ Joel Simon tố cáo chính phủ các nước nói trên kết hợp các biện pháp kiểm duyệt truyền thống với công nghệ mới, thường là mua của các công ty phương Tây, để bóp nghẹt đối lập và kiểm soát truyền thông. Riêng Trung Quốc có bộ máy kiểm duyệt tinh vi nhất thông qua "Vạn Lý Hỏa Thành", chính quyền kiểm soát cả mạng xã hội Trung Quốc lẫn báo chí ngoại quốc.

Thụy My

*******************

Việt Nam là một trong 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới (RFA, 10/09/2019)

Việt Nam là một trong 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất trên thế giới. Tổ chức Bảo vệ Ký giả (CPJ) vào ngày 10 tháng 9 công bố phúc trình với nhận định như vừa nêu. Ngoài Việt Nam danh sách bị CPJ nêu tên gồm Eritrea, Bắc Hàn, Turkmenistan, Saudi Arabia, Trung Quốc, Iran, Guinea Xích Đạo, Belarus và Cuba.

cpj2

Hình minh họa. Các tờ báo của Việt Nam - AFP

Nhóm 4 nước gồm Việt Nam, Trung Quốc, Saudi Arabia, Iran bị cho đã bỏ tù và sách nhiễu các nhà báo cùng gia đình họ ; cơ quan chức năng cũng có những biện pháp giám sát mạng, kiểm duyệt Internet, mạng xã hội.

Báo cáo của CPJ cũng đề cập đến trường hợp của nhà báo - blogger Trương Duy Nhất, người được cho là đã bị an ninh Việt Nam bắt cóc ở Thái Lan và đưa về Việt Nam hồi cuối tháng 1 vừa qua.

Theo báo cáo của CPJ, việc kiểm duyệt báo chí tại Việt Nam được thông qua các chỉ thị từ chính phủ đến các biên tập viên các báo, đài, TV, bắt các chủ đề nào phải được nói tới, chủ đề nào phải bị lọa bỏ. Không có bất cứ một cơ quan báo chí nào độc lập khỏi nhà nước ở Việt Nam. Những phóng viên cơ quan báo chí thuộc giáo hội Công giáo hoặc báo nước ngoài thường trú ở Việt Nam bị theo dõi chặt chẽ và giới hạn hoạt động. Phóng viên nước ngoài có visa báo chí bị bắt phải thuê người của chính phủ để đi cùng họ.

Luật An Ninh Mạng bắt đầu có hiệu lực tại Việt Nam kể từ đầu năm 2019 cũng bị cho có những qui định tùy tiện, mơ hồ giới hạn quyền tự do biểu đạt của người dân. Theo CPJ, luật này cho phép giới chức chính quyền kiểm duyệt chặt chẽ hơn các nội dung trên mạng.

Theo CPJ, các nước trong nhóm 10 nước kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất trên thế giới sử dụng kết hợp những chiến thuật thẳng tay như sách nhiễu, bắt giữ tùy tiện, cũng như theo dõi một cách tinh vi và đưa vào diện xâm nhập mạng với mục tiêu dập tắt truyền thông độc lập.

Việc xếp hạng các nước được căn cứ vào những dữ liệu gồm các biện pháp giới hạn truyền thông tư nhân hay độc lập ; luật hình sự về tội phỉ bang ; những hạn chế về thông tin giả ; biện pháp chặn các trang chủ ; cơ quan chức năng giám sát các phóng viên ; những qui định về cấp phép truyền thông ; hoạt động xâm nhập phi pháp vào các trang web…

Quay lại trang chủ
Read 465 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)