‘Né’ báo chí, Hà Nội hủy họp báo về vụ cháy Rạng Đông (Người Việt, 10/09/2019)
Do tình trạng hỗn loạn về mặt thông tin từ cơ quan chức năng về vụ cháy công ty Rạng Đông nên rất đông phóng viên chờ hỏi tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức, nhưng vào phút chót, Hà Nội bất ngờ hủy nội dung họp này.
Nhiều người dân, cửa hàng kinh doanh xung quanh khu vực cháy công ty Rạng Đông tháo chạy rời bỏ nhà cửa dọn đi nơi khác lánh nạn. (Hình : Việt Nam Plus)
Theo báo Zing, tại cuộc "họp giao ban báo chí" do Thành ủy Hà Nội tổ chức vào chiều 10/09/2019, do tình trạng hỗn loạn về mặt thông tin từ cơ quan chức năng về vụ cháy Công ty cổ phần Bóng Đèn Phích Nước Rạng Đông (công ty Rạng Đông) nên rất đông phóng viên chờ đặt câu hỏi cho ông Trần Xuân Hà, phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Tuy nhiên, khi mở đầu buổi họp, ông Hà đã lưu ý với báo chí : "Hôm nay chỉ có một nội dung huyện Đông Anh báo cáo tình hình thôi".
Trả lời câu hỏi của báo Thanh Niên về việc tại sao Hà Nội dự kiến họp báo rồi lại hủy, ông Trần Xuân Hà cho biết : "Tại sao lại hoãn họp báo, thì hiện nay các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc, đang điều tra, đánh giá những nội dung xung quanh vụ cháy này. Nếu có gì tới đây mới, chúng tôi sẽ cung cấp ngay cho các cơ quan báo chí".
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội giữa "vòng vây" của các phóng viên. (Hình : Zing)
Mặc dù vậy, rất nhiều phóng viên vẫn kiên nhẫn đợi và tiếp tục đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vụ cháy này, như các điểm trái ngược về kết quả quan trắc giữa Bộ Tài Nguyên Môi Trường và Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội, việc người dân xung quanh công ty Rạng Đông phải rời bỏ nhà cửa do lo ngại nhiễm độc thủy ngân và những mâu thuẫn trong khuyến cáo của chính quyền địa phương…
Tuy nhiên, ông Hà đều né tránh không trả lời trực tiếp vào các câu hỏi, chỉ nói chung chung là "Thành phố sẽ làm tất cả những gì có thể làm để khắc phục hậu quả, bảo đảm cuộc sống người dân. Các cơ quan báo chí cứ yên tâm. Cơ quan hữu trách đang tích cực vào cuộc, điều tra và sẽ đánh giá lại. Nếu có vấn đề mới sẽ cung cấp ngay cho báo chí để người dân hiểu và chia sẻ với thành phố".
Bên cạnh đó, ông Hà nhiều lần đề nghị báo chí "phối hợp chia sẻ với chính quyền tuyên truyền tạo sự đồng thuận với người dân để người dân cùng cơ quan hữu trách khắc phục hậu quả".
Báo Zing cho hay, rất đông nhà báo không hài lòng với trả lời của ông Trần Xuân Hà và đề nghị trả lời thêm. Tuy nhiên, ông Hà từ chối và chỉ nhắc lại câu "thành phố vẫn đang làm hết sức".
Phóng viên báo Thanh Niên vẫn kiên nhẫn hỏi : "Đó mới chỉ là lời hứa, có gì minh chứng là Hà Nội đã làm hết sức mình ?" thì ông Hà nói phải rời phòng họp vì "phải tham dự một cuộc họp khác".
Bảng tin của khu dân cư sát nhà máy Rạng Đông không có thông báo nào liên quan đến vụ cháy, việc khám sức khỏe miễn phí cho người dân, chỉ có thông báo về cuộc thi tìm hiểu dịch vụ công thành phố. (Hình : Thanh Niên)
Trước đó, chiều tối 9 tháng Chín, ông Mai Tiến Dũng, bộ trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ cộng sản Việt Nam, đã ký văn bản "truyền đạt chỉ đạo" của Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về "xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại công ty Rạng Đông", nhằm giảm bớt áp lực từ công luận sau khi qua kiểm tra và quá trình đấu tranh, công ty Rạng Đông thừa nhận "toàn bộ 480,000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam" như phúc trình của chính công ty này.
Văn bản ghi : "Hà Nội chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy, nổ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, chú trọng thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố cháy, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường…"
Trong khi đó, sáng 9 tháng Chín, ông Phạm Gia Hữu, trưởng Phòng Giáo Dục và Đào Tạo quận Thanh Xuân, cho biết có 320 trên tổng số 1,310 học sinh trường Tiểu Học Hạ Đình nghỉ học do phụ huynh lo lắng vụ cháy ở công ty Rạng Đông gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Ngoài ra, gần 10 người muốn xin chuyển trường cho con đi nơi khác học.
"Phụ huynh cho con nghỉ một phần vì nhà gần khu vực cháy chứ không hẳn trường học không bảo đảm. Nhiều người đã cho con về quê hoặc chuyển tạm chỗ ở nên số lượng nghỉ nhiều như vậy", ông Hữu nói với báo VnExpress. (Tr.N)
****************
112 người nhiễm thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông (RFA, 10/09/2019)
30 trong số 38 kết quả xét nghiệm mẫu máu, nước tiểu của người dân ở Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) có nồng độ thủy ngân trong máu, tuy nhiên kết quả nằm dưới ngưỡng 10 mcg/L (mức tối đa cho phép).
Hình minh họa. Trạm y tế phường Hạ Đình, Hà Nội, nơi có nhà máy Rạng Đông - Courtesy of thoidai.com.vn
Thông tin vừa nêu được truyền thông trong nước loan đi ngày 10 tháng 9, nâng tổng số người bị nhiễm thủy ngân lên con số 112 người sau vụ cháy kho của nhà máy bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng công bố, trong hơn 100 người tới khám, xét nghiệm nồng độ thủy ngân trong máu và nước tiểu ở Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã có 82 trường hợp có thủy ngân trong máu thấp dưới 10 mcg/lít (mức tối đa cho phép).
Tuy nhiên, báo chí nhà nước không cho biết con số chính xác thủy ngân trong máu của các trường hợp này là bao nhiêu và có phải điều trị hay thải độc gì cho những người này hay không.
Sở Y Tế Hà Nội còn cho biết thêm trong 5 ngày từ hôm 6 tháng 9 đến 10 tháng 9 có gần 1200 người đã đến khám bệnh tại các trạm y tế phường Hạ Đình và Thanh Xuân Trung. Báo Tuổi Trẻ trích lời ông Nguyễn Khắc Hiền, giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết có gần 400 người đã được chuyển đến bệnh viện tuyến trên, 34 người trong số này được giữ lại bệnh viện điều trị. Tuy nhiên xét nghiệm trên 34 người này đều chưa phát hiện trường hợp nào có thủy ngân vượt ngưỡng cho phép.
Vào chiều ngày 10 tháng 9, Thành ủy Hà Nội tiến hành họp giao ban và vụ cháy nhà máy Rạng Đông được cho là báo giới tập trung nêu câu hỏi. Tuy nhiên theo mạng báo Tiền Phong thì nhiều câu hỏi của phóng viên chưa được cơ quan chức năng Hà Nội trả lời thỏa đáng.
Mạng báo Tin tức thì cho biết nhiều người dân đến đăng ký khám chũa bệnh tại trạm y tế Hạ Đình và sinh sống gần khu vực nhà máy bị cháy có yêu cầu minh bạch thông tin về tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm thủy ngân.
Văn phòng thủ tướng chính phủ Việt Nam vào ngày 9 tháng 9 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả vụ cháy nhà máy Công ty bóng đèn, phích nước Rạng Đông vào ngày 28 tháng 8 vừa qua.
*******************
Có dễ kiện, khởi tố công ty Rạng Đông về gây ô nhiễm môi trường ? (VOA, 09/09/2019)
Sau khi chính phủ và báo chí Việt Nam khẳng định công ty Rạng Đông "gian dối" về lượng thủy ngân phát ra môi trường trong vụ cháy ở công ty cách đây vài tuần, một số tiếng nói nhiều ảnh hưởng trên mạng xã hội kêu gọi nhà chức trách khởi tố công ty vì đã gây ra "thảm họa".
Khu nhà kho Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông bị phá hủy do vụ cháy hôm 28/8/2019 - Ảnh Lê Quân
Tuy nhiên, một kỹ sư môi trường và một luật sư nói với VOA rằng việc khởi tố có thể "không dễ dàng", mặc dù vậy, những người bị ảnh hưởng do vụ cháy hoàn toàn có thể kiện công ty để đòi bồi thường.
Luật sư Lê Công Định, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh, và cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Lê Kế Sơn cuối tuần qua đăng những bài riêng rẽ trên các trang Facebook cá nhân của họ về việc cần xem xét trách nhiệm hình sự của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông sau vụ cháy nhà kho công ty ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội hôm 28/8.
Cho rằng công ty Rạng Đông phạm tội "gây ô nhiễm môi trường", căn cứ theo Điều 235 của Bộ luật Hình sự, luật sư Lê Công Định viết rằng công ty "lẽ ra đã phải bị khởi tố", và đặt câu hỏi "Vì sao cơ quan chức năng vẫn chưa khởi tố vụ án và bị can ?"
Bà Lê Hoài Anh có chung câu hỏi như ông Định, sau khi bà đưa ra nhận định rằng vụ cháy nhà máy Rạng Đông "ảnh hưởng" tới sức khỏe và cuộc sống của "vài vạn dân".
Dẫn đường link một bài báo chính thống trong nước mang tít "Công ty Rạng Đông gian dối về sự cố thủy ngân phát tán ra môi trường", phó giáo sư-tiến sĩ Lê Kế Sơn, một cựu quan chức Bộ Tài nguyên và Môi trường, bày tỏ ý kiến ngắn gọn : "Có thể lập án, khởi tố tội gian trá, gây hậu quả nghiêm trọng".
Một loạt các tờ báo, trang tin trong đó có Tuổi Trẻ, Soha, VietnamNet, và Zing hôm 8 và 9/9 trích dẫn một thông báo của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay tổng lượng thủy ngân trong hàng triệu bóng đèn "đã phát tán ra ngoài môi trường do sự cố cháy nổ là 15,1 kg đến 27,2 kg".
Theo Tổng cục Môi trường, được báo chí dẫn lại, các con số này là tính toán của các nhà khoa học, sau khi tổng cục "kiểm tra thực tế" vào ngày 31/8 và "đấu tranh với lãnh đạo công ty", với kết quả là công ty "thừa nhận" họ sử dụng thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn so với viên Amalgam trong sản xuất bóng đèn.
Kết quả nêu trên khác hẳn với "báo cáo ban đầu" của công ty gửi đến nhà chức trách sau vụ cháy, trong đó nói rằng "chỉ còn vài kilogam Amalgam", là hỗn hợp gồm thủy ngân, kẽm và kim loại khác, trong kho chứa hóa chất lúc vụ cháy xảy ra, vẫn theo thông báo của Tổng cục Môi trường.
Tổng cục Môi trường khẳng định rằng tại thời điểm cháy, lượng thủy ngân và các chất khí độc hại "đã gây ô nhiễm môi trường xung quanh", với ước tính là phạm vi ô nhiễm trải rộng khoảng 200 mét tính từ tường rào của công ty, và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500 mét.
Thông báo của tổng cục cũng bao gồm cả kết quả quan trắc môi trường không khí xung quanh ngoài hàng rào công ty, theo đó, các đo đạc cho thấy "hàm lượng Hg [thủy ngân] không vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn nhưng cũng đã xác định được hàm lượng đáng kể". Tổng cục cho biết thêm rằng ở thời điểm quan trắc, trời mới mưa, mát với nhiệt độ thấp.
Từ Hà Nội, kỹ sư Đào Nhật Đình, một chuyên gia độc lập với 30 năm kinh nghiệm về môi trường công nghiệp, đưa ra nhận định với VOA về rủi ro từ vụ cháy đối với người dân :
"Hiện nay chưa phát hiện điểm nào tích lũy đủ thủy ngân để gây rủi ro lâu dài, ngoại trừ trầm tích ở sông Tô Lịch. Ở sông này, trầm tích của nó có một lượng thủy ngân lớn, vượt quy chuẩn Việt Nam một ít, nghĩa là có thể gây rủi ro lâu dài. Nhưng cũng may là sông Tô Lịch không ai khai thác thủy sản gì ở đấy cả".
Khi được hỏi căn cứ vào những gì đã xảy ra do vụ cháy, công ty Rạng Đông có thể bị khởi tố hay không, kỹ sư Đình nói ông muốn nhường lời cho giới luật sư và chính quyền.
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ là người dân hoặc các doanh nghiệp ở khu vực xung quanh công ty, họ có thể kiện, ông Đình nêu ra quan điểm. Chuyên gia môi trường này phân tích với VOA :
"Có một số cơ sở để kiện. Những thông báo khác nhau của nhà máy Rạng Đông không thống nhất. Đầu tiên họ nói ‘chúng tôi chỉ làm dạng Amalgam hỗn hống’, sau đó, ‘chúng tôi có thủy ngân ở trong bóng đèn ở dạng lỏng’. Riêng chi tiết đó tôi nghĩ là luật sư cứng có thể kiện được rồi".
Cũng về vấn đề này, luật sư Trần Thu Nam nói với VOA rằng "có thể xem xét trách nhiệm" liên quan đến sự gian dối của công ty sau vụ cháy. Ông Nam giải thích :
"Thực tiễn họ có sử dụng thủy ngân lỏng. Họ hoàn toàn có thể biết được cái đó bị thất thoát ra môi trường do cháy hoặc rò rỉ mà gây ra thảm họa về sức khỏe, thiệt hại về người và vật chất, nhưng họ cố tình giấu giếm sự nguy hiểm đó, thì cần xem xét trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự".
Theo luật sư Nam, những người đi kiện hoặc cơ quan chức năng cũng cần chứng minh rằng sự gian dối của công ty có mang lại những hậu quả về sức khỏe, môi trường.
Báo chí trong nước đưa tin cho hay hôm 6/9, Sở Y tế Hà Nội cử bác sĩ khám sàng lọc miễn phí cho người dân sống gần khu vực vụ cháy công ty Rạng Đông. Đến cuối ngày, ít nhất 179 người đến khám, trong đó 52 người được cho là "có sự bất thường", được chuyển đến các bệnh viện để xét nghiệm và điều trị.
Bình luận về những lời kêu gọi từ một số người cho rằng cần khởi tố công ty Rạng Đông vì đã gây ra ô nhiễm môi trường, luật sư Nam nói sẽ có một số khó khăn :
"Vụ hỏa hoạn này có phải là trường hợp bất khả kháng hay không ? Rơi vào trường hợp bất khả kháng, rất khó có thể khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu nói đến tội phạm, gây ô nhiễm môi trường, nó phải là lỗi cố ý. Trong trường hợp họ chứng minh được vụ hỏa hoạn là trường hợp bất khả kháng thì cần có thời gian nghiên cứu thêm".
Mặc dù vậy, cả luật sư Trần Thu Nam lẫn kỹ sư Đào Nhật Đình đều thống nhất quan điểm là "hoàn toàn có thể khởi kiện về mặt dân sự" về những ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày, bao gồm việc người dân phải di dời nơi ở, trẻ em phải nghỉ học, các cửa hàng, hàng quán bị đình trệ hoặc phải đóng cửa, chăn nuôi, trồng rau bị thiệt hại, v.v…
"Người dân, các cơ sở kinh doanh có thể kiện để đòi bồi thường", ông Nam nói.
Trong hai tuần qua, các cấp chính quyền Hà Nội chịu nhiều chỉ trích từ người dân do đưa ra các thông điệp trái ngược nhau về mức độ nghiêm trọng của vụ cháy.
Hôm 9/9, thủ tướng Việt Nam yêu cầu chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan tiếp tục xử lý hậu quả vụ cháy, trong đó chú trọng "thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy" và "điều tra, xác định nguyên nhân" cũng như "xử lý nghiêm các hành vi vi phạm".
*******************
Hậu vụ cháy Rạng Đông : Dân kéo nhau khám sức khỏe, ‘cầu cứu’ lãnh đạo (VOA, 07/09/2019)
Một ngày sau khi Hà Nội công bố nồng độ thủy ngân trong khu vực xung quanh vụ cháy Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông vượt ngưỡng từ 10-30 lần mức độ cho phép, người dân trong khu vực hôm 6/9 đã đổ xô đến các địa điểm khám miễn phí để kiểm tra sức khỏe, giữa lúc một nhóm hàng chục người khác, trên tay cầm đơn thư cầu cứu gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, kéo nhau đến trụ sở công ty Rạng Đông yêu cầu đối thoại với lãnh đạo công ty.
Người dân kéo đến trụ sở công ty Rạng Đông đòi "đối thoại" vào ngày 6/9/2019.
Phản ứng của người dân chỉ bắt đầu diễn ra sau hơn một tuần xảy ra vụ cháy kho hàng của công ty Rạng Đông khiến cho gần 30 kg thủy ngân tự do phát tán ra môi trường suốt tuần qua.
Từ ‘thu hồi’ đến ‘hỏa tốc’
Báo Người Lao Động phỏng vấn một số người dân đi "biểu tình" trước trụ sở công ty Rạng Đông cho biết họ thấy "bất an" và lo ngại cho sức khỏe sau khi nghe kết quả phiên họp báo Chính phủ ngày 4/9, trong đó thông tin về nồng độ thủy ngân trong khu vực lần đầu được công khai cho biết "vượt ngưỡng từ 10 đến 30 lần cho phép", sau khi hàng triệu bóng đèn compact chứa thủy ngân đã bị tiêu hủy trong vụ cháy.
Những người dân đi đòi "đối thoại" tại công ty Rạng Đông được mô tả là "đều mang theo đơn, thư cầu cứu gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cũng như các cơ quan chức năng".
Trong khi đó, hàng trăm người dân khác đồng loạt kéo đến các điểm khám miễn phí dành cho người dân trong khu vực cháy vào ngày 6/9 để kiểm tra sức khỏe sau khi Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo thành lập các tổ khám trong khu vực.
Trước đó, khi vừa xảy ra vụ cháy vào tối 28/8, Ủy ban nhân dân phường Hạ Đình đã ra thông báo yêu cầu người dân không ăn thực phẩm trong vòng bán kính 1 km xung quanh đám cháy trong vòng 21 ngày, sơ tán trẻ em, người già, người ốm bệnh ra khỏi khu vực… Nhưng thông báo này ngay lập tức bị thu hồi vào ngày hôm sau vì lý do "ban hành không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở". Chính vì vậy, người dân trong khu vực lại tiếp tục sinh hoạt, đi lại, ăn uống vô tư trong khu vực bị ảnh hưởng.
Tại cuộc họp báo ngày 4/9, một tuần sau khi xảy ra vụ cháy, lãnh đạo Bộ Tài Nguyên Môi trường mới công bố có khoảng 27,2 kg thủy ngân đã bị phát tán ra môi trường và cho biết đã kiến nghị Bộ Quốc phòng tiến hành tẩy độc khu vực.
Kế đó, ngày 5/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra công văn "hỏa tốc" yêu cầu Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam Châu Văn Minh mời các chuyên gia trong và ngoài nước đến giúp công an thành phố thực hiện giám định để xác minh mức độ ô nhiễm đất, nước và không khí trong khu vực bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường, ông Hoàng Văn Thức, tại cuộc họp ngày 5/9 vẫn khẳng định "không phải di dân" mặc dù thừa nhận mức độ thủy ngân đã phát tán ra môi trường "nằm trong ngưỡng Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe", theo Vietnamnet.
Và 2.000 khẩu trang chống độc từ dân
Phản ứng chậm chạp và bất nhất của giới lãnh đạo trong suốt một tuần "hậu thảm họa" khiến cho người dân càng thêm hoang mang và phẫn nộ.
"Đây là thảm họa cho thành phố Hà Nội mà tại sao lại cứ để cho phường, Sở Tài nguyên Môi trường thu hồi rồi phát biểu linh tinh, trước sau bất nhất như thế ? Tôi nghĩ đây cũng lại là chuyện bưng bít thông tin mà không tập trung vào để xử lý ngay, gây ra những tác hại rất lớn cho người dân", doanh nhân Lê Hoài Anh, người đã có sáng kiến mua 2.000 khẩu trang chống độc để cung cấp miễn phí cho người dân trong khu vực trong khi chính quyền chưa có biện pháp khẩn cấp để giúp người dân, bức xúc nói với VOA.
"Quan trọng nhất là thành phố và Bộ Tài nguyên Môi trường. Tại sao cảnh sát điều tra không vào cuộc ? Tại sao số lượng thủy ngân đó không được điều tra ngay, không tính chính xác được số lượng đó ngay lập tức để có thông báo kịp thời cho người dân ? Chứ bây giờ, nói thẳng ra là khói bụi nhân dân cũng đã hít rồi !", bà Lê Hoài Anh nói về lối phản ứng mà bà gọi là "rất coi thường tính mạng dân" của giới hữu trách.
Nữ doanh nhân thường lên tiếng phản biện về nhiều vấn đề xã hội cho biết việc tặng khẩu trang chống độc của bà cũng gặp không ít khó khăn vì bị "ngăn cản" và "không được hoan nghênh".
Bà nói với VOA : "Tôi cũng không biết lý do vì sao họ ngăn cản nữa. Khẩu trang của tôi không có chữ, không có bất cứ gì, không quảng cáo, không bán hàng hay có cái gì tuyên truyền cả, tụi tôi chỉ nói với họ rằng chỉ có dùng loại khẩu trang này chứ khẩu trang thông thường là không được, thì cũng bị họ ngăn cản và không welcome việc làm của mình".
Nữ doanh nhân cho biết 2.000 mặt nạ chống độc của bà không thể đủ để phát cho số lượng người dân quá đông trong khu vực nên chỉ dành ưu tiên cho người già, trẻ em, phụ nữ mang thai hay những người bán hàng rong trong khu vực.
"Vì thu hồi lại công văn nên người ta vẫn sinh hoạt bình thường, không mang khẩu trang phòng độc nên tôi rất lo…", bà Hoài Anh lo lắng nói với VOA.
Trước đó, khi vừa xảy ra vụ cháy, đã có 10 phóng viên tác nghiệp trong khu vực hỏa hoạn đã có những triệu chứng chóng mặt, buồn nôn. Một số người dân trong khu vực cũng có những biểu hiện tương tự.
Tuy nhiên, phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/9, Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng việc đeo mặt nạ phòng độc trong khi người khác đeo khẩu trang (loại bình thường, không chống độc) là "phản cảm".
"Cá nhân tôi đánh giá đây là một hành động phản cảm. Người dân xung quanh, cán bộ đi cùng, đồng nghiệp của mình xung quanh vẫn như thế, mà tại sao mình lại xử sự như thế, có cần thiết không ?", báo Vietnamnet dẫn lời ông Chung nói.
Khánh An
*******************
Lo ngại về nhiễm độc thủy ngân sau vụ cháy nhà máy Rạng Đông (VOA, 06/09/2019)
Lo ngại về nguy cơ sức khỏe gia tăng sau vụ cháy một nhà máy ở Hà Nội làm thủy ngân phát tán ra môi trường bên ngoài và sau khi nhà chức trách công bố kết quả quan trắc không khí cho thấy hàm lượng thủy ngân vượt ngưỡng cho phép.
Nhân viên Sở Tài nguyên và môi trường tiến hành quan trắc không khí tại địa điểm nhà kho bị cháy của công ty Rạng Đông, quận Thanh Xuân, Hà Nội, ngày 31 tháng 8, 2019.
Nhà kho của nhà máy sản xuất bóng đèn phích nước Rạng Đông bốc cháy dữ dội vào ngày 28/8 giữa một khu dân cư ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, khiến người dân hoảng loạn tháo chạy thoát thân. Hơn một tuần sau, sinh hoạt của cư dân vẫn bị gián đoạn trong khi nỗi lo sợ nhiễm độc thủy ngân làm gia tăng sự bất an.
Tại cuộc họp báo của chính phủ hôm 4 tháng 9, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết kết quả quan trắc nước mặt, không khí trong khuôn viên khu vực bị cháy vượt từ 10 tới 30 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, tức ở mức ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người.
Hai trên chín điểm quan trắc nước mặt có giá trị Hg nằm ngoài khoảng khuyến cáo của WHO ảnh hưởng đến sức khỏe con người là ở hồ Hạ Đình và ở sông Tô Lịch, cách khu vực cháy 1,5 km về phía hạ lưu, theo báo Tuổi Trẻ.
"Chúng tôi xác định 15,1- 27,2 kg thủy ngân đã phát tán ra môi trường", ông Nhân nói, theo Vietnamnet.
Ông cho biết thêm đây là "sự cố mất an toàn hóa chất ở quy mô trung bình", với các khuyến cáo phạm vi vùng ô nhiễm theo tiêu chuẩn của WHO và Châu Âu là 500m tính từ hàng rào kho đến khu vực xung quanh.
Một số người dân bày tỏ lo ngại về những nguy cơ đối với sức khỏe của mình trong khi có ít những khuyến cáo được nhà chức trách đưa ra để phòng vệ.
Trung tâm Chống Độc của Bệnh viện Bạch Mai được báo nhà nước trích thuật rằng kể từ sau vụ cháy đã có trên 100 người được làm xét nghiệm thủy ngân máu. Kết quả cho thấy có 82 trường hợp cho kết quả có nồng độ thủy ngân máu thấp dưới 10 mcg/L là mức tối đa cho phép, theo báo Giao Thông. Các trường hợp khác đang đợi kết quả.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, được truyền thông trong nước dẫn lời cho biết các triệu chứng nhiễm độc thủy ngân khác nhau tùy thuộc dạng ngộ độc, khoảng thời gian, cường độ tiếp xúc và một vài điều kiện cơ thể.
Ông nói thủy ngân có tác hại ghê gớm nhất là khi bị hun nóng và bốc hơi ra không khí, dẫn tới hàm lượng thủy ngân trong một số điểm quan trắc vượt ngưỡng cho phép.
Trao đổi với VOA, bác sĩ nội khoa Phan Hoàng Anh đang công tác tại Bệnh viện Methodist Willowbrook ở Houston, bang Texas, Hoa Kỳ, giải thích : "Những trường hợp bị nhiễm hoặc ngộ độc thủy ngân thường qua ba con đường : hít thở, tiếp xúc trực tiếp và ăn uống".
"Nếu thủy ngân nung nóng lên thì nó sẽ đi vào đường phổi của chúng ta đầu tiên hết và nó đi nhanh hơn là những đường kia. Tác hại của việc hấp thụ thủy ngân qua đường tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn uống phát triển từ từ theo thời gian. Thủy ngân ở dạng hơi hấp thụ vào phổi rất nhanh và có tác hại rất nhanh".
Bác sĩ Hoàng Anh cho biết hít phải thủy ngân quá nhiều có thể đưa tới suy hô hấp hoặc phù phổi gây khó thở. Nếu mức độ hấp thụ quá nhiều và trở thành ngộ độc thì có thể ảnh hưởng tới thận và não, làm cơ bị yếu đi và tinh thần rối loạn.
Nữ bác sĩ khuyến cáo những người bị ảnh hưởng nên đi gặp bác sĩ để làm xét nghiệm để xác định chính xác liệu các triệu chứng có phải do thủy ngân hay không để tiến hành điều trị phù hợp. Trong trường hợp bệnh nhân nhiễm độc nặng có chiều hướng suy thận hoặc khó thở thì nên vào bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.
Đối với những người dân sống gần sát khu vực cháy, bác sĩ Hoàng Anh khuyên tốt hơn hết là tạm thời lánh đi nơi khác một thời gian, thay vì đeo khẩu trang.
"Cho dù có đeo khẩu trang đi nữa thì thủy ngân vẫn ở trong không khí. Chúng ta vẫn có thể hít vào được", bác sĩ Hoàng Anh khuyến cáo. "Khẩu trang chỉ có thể giúp cho chúng ta một tí mà thôi chứ không thể lọc hết thủy ngân trong không khí".