Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/09/2019

Chống tham nhũng : Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tìm củi đưa vào lò

Tổng hợp

Bài về ‘khu mộ Chủ tịch Trần Đại Quang’ gây xôn xao (BBC, 10/09/2019)

Khu mộ Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang ở tỉnh Ninh Bình rộng khoảng 55.000 mét vuông, theo một nhà văn vừa đến tận nơi.

lo6

Hình ảnh khu mộ ông Trần Đại Quang

Ông Tạ Duy Anh, một nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, gây xôn xao hôm 10/9 với bài mô tả trên trang Facebook cá nhân.

Dường như đây là lần đầu tiên có một người đến thực địa, chụp hình và mô tả về khu mộ.

Ông cho biết mới đây, cùng một nhóm bạn, ông đã đến tận nơi để xem khu mộ chủ tịch nước ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, Ninh Bình.

Một lý do, theo nhà văn, sau khi ông Trần Đại Quang từ trần, đã có nhiều tin đồn về khu mộ.

"Mạng xã hội đưa ra các con số khác nhau, dao động từ 5 đến 6,4 ha", theo ông Tạ Duy Anh.

Đến nơi, ông Tạ Duy Anh mô tả : "Chiều dài của khu mộ dọc theo con mương kè đá trên dưới 600 mét (những người đưa thông tin 640 mét là do họ gộp cả phần đất còn lại của người dân, hiện nằm bên ngoài ranh giới với khu mộ".

"Việc sắp tới nó có bị giải tỏa để khu mộ hoàn hảo hơn hay không, thì chúng tôi không biết), còn chiều rộng kéo từ bờ mương đến phần tiếp giáp ruộng lúa thì khoảng 100 mét".

"Tóm lại, tính khiêm tốn thì khu mộ Chủ tịch nước rộng khoảng 55.000 mét vuông. Tức là 5 héc ta rưỡi, tức là khoảng 15 mẫu Bắc bộ".

lo7

Hình ảnh khu mộ ông Trần Đại Quang

"Sống đã thế, chết về với cát bụi lại càng phải giản dị. Sống đã hy sinh vì dân, lo trước dân, hưởng sau dân, thì chết đi lẽ nào, như những lời đồn đại, chỉ vì ngôi mộ mà khiến hàng trăm người dân, vĩnh viễn qua các đời, không có đất cấy trồng !" ông Tạ Duy Anh viết.

Bài này, chỉ sau ba tiếng lên mạng, đã có hơn 400 người chia sẻ với các bình luận trái chiều.

Chủ tịch Trần Đại Quang qua đời ngày 21/9/2018.

Trong sổ tang, người đứng đầu Đảng Cộng sản hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận xét : "Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta".

**********************

Cựu tướng công an Phan Văn Vĩnh bị khởi tố thêm tội (RFA, 10/09/2019)

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao hôm 10/9 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Phan Văn Vĩnh, cựu trung tướng, nguyên thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an, về tội "ra quyết định trái pháp luật" theo điều 371 Bộ luật hình sự năm 2015.

lo1

Cựu tướng Công an Phan Văn Vĩnh (đeo kính, giữa trên cùng) bị đưa ra tòa ở Phú Thọ hôm 30/11/2018. Reuters

Truyền thông trong nước dẫn kết quả điều tra ban đầu của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao xác định trong quá trình mở rộng điều tra vụ án Trương Huy Liệu và đồng phạm về tội "Buôn lậu" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", phát hiện ông Phan Văn Vĩnh vào năm 2013 khi đó đang còn đương chức thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chỉ đạo và ra quyết định trái pháp luật trong việc xử lý vật chứng và tổ chức bán đấu giá gỗ vật chứng của vụ án.

Hiện cơ quan điều tra Viện kiểm sát Nhân dân tối cao đang tiếp trục mở rộng điều tra, làm rõ trách nhiệm và hành vi của những người có liên quan để tiến hành xử lý theo quy định pháp luật.

Ông Phan Văn Vĩnh, cựu tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát, hiện đang phải thụ án phạt 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng với số tiền lên tới hàng nghìn tỷ đồng do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đứng đầu.

Vụ án Trương Huy Liệu kéo dài 8 năm với rất nhiều lần Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng phải trả hồ sơ bổ sung. Trong khi vụ án chưa có quyết định cuối cùng, số tang vật gỗ lậu thu được đã bị bán đấu giá với giá trị hơn 60 tỷ đồng.

Trong bản án sơ thẩm vào tháng 8/2018, hội đồng xét xử tòa án Nhân dân Đà Nẵng kiến nghị khởi tố, điều tra việc bán lô gỗ lậu vì cho rằng việc này gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước cùng quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Các đối tượng liên quan vụ án đã bị xét xử và nhận án tù, trong đó ông Trương Huy Liệu với mức án cao nhất lên tới 7 năm tù về tội "Buôn lậu".

****************

Giám đốc Công an Đồng Nai bị cách mọi chức vụ trong Đảng (RFA, 10/09/2019)

Ông Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa bị Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách mọi chức vụ trong Đảng và xử lý kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật đảng. Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 10/9/2019.

lo2

Ông Huỳnh Tiến Mạnh, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, vừa bị cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng và xử lý kỷ luật về hành chính tương ứng với kỷ luật đảng. Courtesy bocongan.gov.vn

Theo truyền thông trong nước, Đại tá Huỳnh Tiến Mạnh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng uỷ Công an tỉnh Đồng Nai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, vi phạm quy định về điều tra hình sự, để cấp dưới vi phạm kỷ luật và pháp luật… Ngoài ra, khi còn là Phó Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, trực tiếp phụ trách Phòng Cảnh sát Giao thông, ông Mạnh đã để xảy ra nhiều vi phạm kéo dài và đặc biệt nghiêm trọng.

Ban Bí thư cho rằng, vi phạm của ông Mạnh là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín đảng và ngành Công an cần phải thi thành kỷ luật nghiêm minh.

Cũng trong ngày 10/9, Ban Bí thư cũng thi hành kỷ luật ông Hồ Văn Năm, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai, Trưởng đoàn Đại biểu quốc hội (ĐBQH), vì đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện không đúng nhiệm vụ, can thiệp trái quy định vào việc xử lý một số vụ án, vi phạm chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 7/7/2007 của Bộ Chính trị. Với cương vị Trưởng đoàn ĐBQH, ông Năm đã ký văn bản không đúng quy định của pháp luật.

Theo Ban Bí thư, vi phạm của ông Hồ Văn Năm là nghiêm trọng. Ngoài việc bị kỷ luật, ông Năm còn bị cách chức ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Đồng Nai, cách chức Trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Đồng Nai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để ông Năm thôi làm ĐBQH khóa 14.

******************

Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông bị Thủ tướng kỷ luật (RFA, 10/09/2019)

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ra quyết định kỷ luật đối với 4 lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông. Truyền thông trong nước, vào ngày 9 tháng 9 cho biết thông tin vừa nêu.

lo3

Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, ông Nguyễn Bốn (bìa trái) và Phó Chủ tịch tỉnh Đắk Nông, ông Trương Thanh Tùng (bìa phải) bị Thủ tướng kỷ luật. Courtesy : laodong.vn, infonet.vn. RFA Edited

Theo các quyết định của Thủ tướng vừa ban hành, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (Ủy ban nhân dân) tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2016-2021, ông Nguyễn Bốn và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắc Nông nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trương Thanh Tùng lần lượt bị kỷ luật với hình thức khiển trách và cảnh cáo.

Tin cho biết quyết định kỷ luật đối với hai ông Nguyễn Bốn và Trương Thanh Tùng dựa theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp thứ 31, rằng hai vị này đã thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Đắk Nông. Cụ thể, hai ông đã trực tiếp ký quyết định cho thuê đất, giao rừng, bồi thường rừng không đúng quy định pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

Hai nguyên lãnh đạo trong vai trò nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông, bao gồm ông Đỗ Thế Nhữ và ông Nguyễn Đức Luyện cùng bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo do để xảy ra những vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2011, cũng liên quan trong công tác cho thuê và giao đất, rừng không đúng quy định pháp luật.

Các vi phạm khuyết điểm của 4 vị lãnh đạo và nguyên lãnh đạo tỉnh Đắk Nông được Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho là làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và chính quyền địa phương, gây dư luận xấu nên phải bị thi hành kỷ luật.

******************

Lạm dụng ‘tài liệu mật’ để khỏa lấp khuất tất ? (RFA, 09/09/2019)

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, hôm 8/9/2019 đã viết trên trang cá nhân của mình : "Đóng dấu MẬT trong một số trường hợp là thủ thuật phục vụ lợi ích nhóm tham nhũng".

lo4

Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre. Courtesy quochoi.vn

Theo quy định mà "đóng"

Nhận định của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận khi gần đây nhiều người đặt nghi vấn, có phải những thông tin gì Chính phủ muốn bưng bít, giấu kín, không được công khai cho dân biết thì được đóng mác "tài liệu mật" ?

Liên quan vấn đề này, RFA hôm 9/9 liên lạc Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, và được ông cho biết như sau :

"Vấn đề này có nguyên tắc, nước nào cũng có chính sách mật và bí mật, đều công khai cả. Vấn đề mật trước nhất là vì lợi ích quốc gia, vì an ninh quốc phòng, thì không thể công khai được. Còn trong làm ăn kinh tế thì công khai, nhưng cũng có những cái bí mật về nghề nghiệp, về kỹ thuật… Đó là những vấn đề chi tiết cần người có chuyên môn trao đổi mới làm rõ được".

Để tìm hiểu thêm về vấn đề ‘thông tin mật’, hôm 9/9/2019, RFA liên lạc, Thiếu tướng Lê Kế Lâm, nguyên Chuẩn Đô Đốc Hải quân Việt Nam, hiện đang sinh sống tại Hà Nội, và được ông giải thích :

"Trong nghị quyết của quốc hội về bảo mật quốc gia, họ có quy định nội dung nào là mật, nội dung nào là không mật. Vì vậy vấn đề đóng dấu mật hay không mật là phải theo nghị quyết đó của quốc hội".

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 15/11/2018, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020. Nhưng trong đó, một số quy định ban hành danh mục bí mật nhà nước, thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, gia hạn thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Theo đó, Luật quy định, bí mật nhà nước là thông tin quan trọng, do người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xác định, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia dân tộc.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, khi trả lời báo chí hôm 4/9/2019, đã khẳng định kết quả nhà đầu tư trúng thầu tuyến cao tốc Bắc Nam không thể công bố do đây là tài liệu mật. Theo ông Đông, theo quy định của pháp luật về đấu thầu, quá trình đánh giá, thẩm định, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện theo chế độ hồ sơ mật, không cung cấp cụ thể được (!?).

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương mại, khi trao đổi với RFA hôm 9/9, đưa ra nhận định liên quan vấn đề này :

"Nhà thầu cao tốc Bắc Nam mà ‘mật’ thì tôi thấy không đúng, bởi vì cao tốc Bắc Nam là mọi người quan tâm, nhà nước quan tâm, nhân dân quan tâm… trong và ngoài nước quan tâm. Vì cao tốc Bắc Nam rất liên quan vấn đề an ninh của cả nước, và hết sức liên quan khả năng của nền kinh tế, triển vọng của đất nước, mọi người quan tâm mà bây giờ Trung Quốc nhận thầu mà lại nói mật là bậy rồi, tôi không tán thành chuyện này là mật".

Đóng dấu "mật" tùy tiện ?

Được biết, doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp hồ sơ tham gia dự thầu 7/8 dự án thành phần thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Cao tốc Bắc Nam từ khi mời thầu đã có dư luận bày tỏ lo ngại nhà thầu Trung Quốc sẽ trúng tuyển, việc này có thể gây hại đến an ninh quốc gia và lặp lại hậu quả như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 10 năm vẫn chưa hoàn thành.

lo5

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông AFP

Luật sư Trần Quốc Thuận, nhận định :

"Những gì ký kết với nhà thầu đâu có gì phải bí mật, nó đâu phải thỏa thuận quốc phòng an ninh gì đâu mà bí mật, tên đơn vị trúng thầu, chủ thầu, tất cả phải công khai. Kể cả việc khoan dầu ở biển Đông, như ở Bãi Tư Chính của mình, nước nào khoan, khoan ở lô thứ mấy phải công khai".

Theo Luật sư Thuận, sở dĩ rất nhiều người dân không đồng tình nhà đầu tư Trung Quốc đối với dự án này vì trên thực tế các dự án nhà thầu TQ thực hiện đều không mang lại hiệu quả tốt, đơn cử như đường sắt trên không ở Hà Nội do nhà thầu Trung Quốc thực hiện, gần 10 năm vẫn cứ treo đó. Vì vậy, nếu như cao tốc Bắc Nam để nhà thầu Trung Quốc làm thì chất lượng sẽ là vấn đề cần bàn tính, chưa kể đến việc nếu xảy ra bão lụt, thậm chí chiến tranh thì rất nguy hiểm, nên người dân có ý kiến là đúng. Do đó Luật sư Thuận đúc kết, nhiều vấn đề nên phải công khai, không thể không công khai được.

Còn Thiếu tướng Lê Kế Lâm thì cho rằng, là vấn đề dân sinh, nhất là xây dựng đường sắt, đường bộ, cảng… thì đã có chủ trương của chính phủ phải đấu thầu công khai, vậy nếu đã đấu thầu công khai thì phải cho dân biết, chứ việc gì lại giấu chuyện ai trúng thầu hay không trúng thầu…

Cũng liên quan những bất cập về thông tin cần ‘bảo mật’, hôm 8/9/2019, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gởi góp ý Thủ tướng Chính phủ về dự thảo quy định Danh mục bí mật Nhà nước ngành Công thương, trong đó VCCI nêu ra nhiều nội dung không cần đóng dấu mật và chỉ ra 6 ngành nghề, lĩnh vực không cần phải đưa vào danh mục bí mật Nhà nước ngành Công Thương.

VCCI dẫn chứng, điều 2.1 của dự thảo quy định : "Các hợp đồng, đề án mang tính chiến lược của ngành thương mại, cơ khí, luyện kim, năng lượng điện, hóa chất, dầu khí, công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm và công nghiệp chế biến khác chưa công khai" thuộc diện bí mật Nhà nước.

Nhưng theo VCCI, theo điều 2.1 này, hiện không rõ như thế nào là hợp đồng, đề án mang tính ‘chiến lược’ ? Chưa kể, quy định ngành thương mại là khái niệm rất rộng, bao gồm hầu hết các ngành kinh tế…

VCCI cho rằng, quy định vừa lỏng, vừa rộng như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đóng dấu mật một cách tuỳ tiện. VCCI đề nghị chính phủ cần điều chỉnh theo hướng, chỉ áp dụng cơ chế ‘mật’ cho một số ngành rất hạn chế có liên quan đến an ninh quốc gia.

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)