Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

11/09/2019

Bào chế ma túy, nước mắm ‘bẩn’, đường hư hỏng, vi khuẩn lạ

Tổng hợp

Bắt giữ một số người Trung Quốc bào chế ma túy ở Kon Tum, Bình Định (Người Việt, 11/09/2019)

Mười ba tấn hóa chất và tiền chất dùng để sản xuất ma túy cùng hàng trăm lít dung dịch bị thu giữ sau khi Bộ Công an Việt Nam tiến hành đột kích một khu nhà xưởng do nhóm người Trung Quốc thuê tại tỉnh Kon Tum hôm 11 tháng Chín.

vn1

Công an khám xét nhà xưởng của người Trung Quốc tại tỉnh Kon Tum. (Hình : Zing)

Theo báo Zing, trong vụ này, nhà chức trách áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 10 người, trong đó có tám người mang quốc tịch Trung Quốc liên quan đường dây sản xuất ma túy quy mô lớn.

Tờ báo cho biết thêm : "Khu nhà xưởng của Công Ty Xuất Nhập Khẩu Đồng An Viên được một số người Trung Quốc thuê lại để tổ chức sản xuất ma túy. Doanh nghiệp hoạt động từ tháng Bảy, 2013 về lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị xây dựng. Người đại diện pháp luật đồng thời là chủ sở hữu công ty là ông Trần Ngọc An, quê ở Bình Thuận".

Cùng ngày, báo Tuổi Trẻ tường thuật : "Công an tỉnh Bình Định phát hiện một lượng hóa chất cực lớn được cất giữ trong 286 thùng phuy, 300 bao bột và nhiều dụng cụ để tinh chế ra ma túy do một nhóm người Trung Quốc cầm đầu. Hai kho chứa hóa chất dùng để chế biến ma túy đặt tại tổ 8, khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn. Sáu người Trung Quốc được phân công nhiệm vụ coi kho tại đây đã bị bắt giữ".

Hiện chưa rõ hai vụ nêu trên có liên quan gì đến vụ một người đàn ông Trung Quốc bị bắt vì dùng xe bán tải chở 895 bánh heroin, nặng gần 300 kg, tại khu vực ngã tư An Sương, Sài Gòn hồi tháng Ba, 2019.

vn2

Lượng hóa chất dùng để tinh chế ma túy ở Bình Định. (Hình : Tuổi Trẻ)

Công luận đang chờ đợi xem liệu nhóm nghi phạm Trung Quốc tham gia sản xuất ma túy ở Việt Nam có phải ra tòa hay sẽ được trao trả cho nhà chức trách nước họ.

Việc Bộ Công an trả nghi phạm Trung Quốc về nước đã có tiền lệ và làm dấy lên quan ngại việc Hà Nội và Bắc Kinh có thể đã âm thầm thiết lập Luật Dẫn Độ mà người dân không hề được biết.

Hồi đầu tháng Tám, 2019, giới luật sư Việt Nam bày tỏ bức tức trước việc hơn 380 người Trung Quốc bị phát hiện tham gia điều hành đường dây đánh bạc ứng dụng công nghệ qua mạng Internet được Bộ Công an dẫn giải lên cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị ở Lạng Sơn để trao trả cho nhà chức trách Trung Quốc. Nhóm nghi phạm này được ghi nhận đặt cơ sở tại khu đô thị Our City Hải Phòng trong nhiều năm liền mà nhà chức trách địa phương không thể xâm nhập.

Do bị công luận chỉ trích, ông Lê Quý Vương, thứ trưởng Bộ Công an sau đó thanh minh trên báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4 tháng Chín : "’Thiệt hại trong vụ này là về phía Trung Quốc chứ không có thiệt hại gì phía Việt Nam. Giữa hai bộ trưởng Công An Việt Nam và Trung Quốc cũng đã có ký thỏa thuận giữa về hợp tác công tác phòng chống tội phạm. Toàn bộ ứng dụng đánh bạc đều bằng tiếng Trung Quốc. Khó khăn đặt ra cho Cơ quan Điều tra Công an Hải Phòng là tạm giữ một lúc gần 400 người, lấy đâu ra phiên dịch để khai thác họ. Chúng ta bàn giao người nhưng tất cả vấn đề gì có liên quan tới vụ án này, Trung Quốc phải thông báo kết quả cho phía Việt Nam".

Luật Sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân : Hoá ra việc trao trả người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam về cho Trung Quốc là trên cơ sở thỏa thuận giữa bộ trưởng công an hai nước chứ không phải trên hiệp định, hiệp ước gì ráo ! Điều này rõ ràng bộ trưởng công an [Tô Lâm] đã lạm quyền và vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam. Thiệt hại trong vụ án này không chỉ thiệt hại về vật chất mà là trật tự kỷ cương mà pháp luật hình sự Việt Nam bảo vệ. Việt Nam cũng thất thu hàng ngàn tỉ đồng tiền phạm pháp. Nếu tổ chức cá nhân Việt Nam tổ chức đánh bạc xuyên biên và chỉ cho người dùng địa chỉ IP ở nước ngoài tham gia thì liệu họ có bị công an Việt Nam khởi tố hình sự không ? Việc trao trả nghi phạm về Trung Quốc cần phải căn cứ vào quy định pháp luật chứ không phải căn cứ vào điều kiện phá án !" (T.K.)

***************

Việt Nam phát hiện nhiều kho xưởng chứa hóa chất sản xuất ma túy do người Trung Quốc đứng đầu (RFA, 11/09/2019)

Bộ Công an Việt Nam hôm 11/9 thông báo vừa phát hiện một công xưởng tập kết hóa chất dùng để sản xuất ma túy tại huyện Đắk Hà, tỉnh Kom Tum với khối lượng rất lớn lên tới hơn 13 tấn.

vn3

Cơ quan chức năng kiểm tra tại kho xưởng. RFA Edited

Thông tin trên do đại tá Vũ Văn Hậu, phó Cục trưởng Cục cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy của Bộ Công an, xác nhận tại buổi họp báo thông báo kết quả hội nghị cấp bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia vào chiều 10/9 tại Hà Nội.

Theo thông tin của Bộ Công an, vào ngày 6/8 hàng trăm cảnh sát đã ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên tại thị trí Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và phát hiện số lượng lớn rất lớn hóa chất dùng để sản xuất ma túy cùng với nhóm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc đang tham gia sản xuất tại xưởng này.

Trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu giữ hàng tram lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Kho xưởng sản xuất ma túy này thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên do ông Trần Ngọc An làm chủ với hoạt động chính về buôn bán vật liệu xây dựng…nhưng được nhóm người Trung Quốc thuê lại và hoạt động sản xuất ma túy.

Vào ngày 11/9 Công an Bình Định cũng vừa phát hiện một khối lượng hóa chất cực lớn được giấu kín trong 2 kho xưởng và nhiều dụng cụ để tinh chế, sản xuất ma túy cũng do nhóm người Trung Quốc đứng đầu.

Công an tỉnh Bình Định cho biết sau khi tiến hành kiểm tra 2 kho hàng chứa hóa chất tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, phát hiện khối lượng khổng lồ hóa chất dùng để sản xuất ma túy được cất giấu trong 286 thùng phuy, trên 300 bao bột và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất ma túy, cùng với nhóm 6 người Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ kho xưởng này.

Hội nghị ba bên cấp Bộ trưởng Campuchia – Lào –Việt Nam về hợp tác phòng chống ma túy lần thứ 18 diễn ra tại Hà Nội, cũng công bố từ tháng 12 năm 2018 đến tháng 7/2019 lực lượng phòng chống ma túy của 10 tỉnh giáp biên giới Việt Nam và Lào đã phát hiện và bắt giữ 128 vụ án, tháo gỡ 70 đường dây tội phạm ma túy, bắt giữ 4.471 người và thu về hơn 156 kilogram heroin, gần 2000 kg ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật tài sản khác liên quan vụ việc.

Trong thời gian qua, lực lượng chức năng Việt Nam cho biết phá được những đường dây buôn ma túy với số lượng lớn do những đối tượng người nước ngoài gổm Trung Quốc, Đài Loan, Lào điều hành với sự tiếp tay của người trong nước.

********************

Bắt quả tang lò sản xuất nước mắm ‘bẩn’ bằng hóa chất (Người Việt, 11/09/2019)

Giới hữu trách đã bắt quả tang một cơ sở sản xuất nước mắm "bẩn" ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, bằng cách lấy nước máy pha với hóa chất rồi dán nhãn "Nước mắm cá cơm" bán cho người tiêu thụ.

vn4

Nguyên liệu sản xuất 'nước mắm' bị thu giữ ở Cơ Sở Phúc Khang. (Hình : Thanh Niên)

Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 10 tháng Chín, 2019, cho biết do tố cáo của người dân ở khu vực, Cục Quản Lý Thị Trường Bình Dương phối hợp với Cục Cảnh Sát Môi Trường Bộ Công An thành lập đoàn liên ngành bất ngờ kiểm tra Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang (ở phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) do bà Đoàn Kiều Anh (33 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, Sài Gòn) làm chủ.

Tại thời điểm kiểm tra, ông Nguyễn Đăng Hoàng Phúc (chồng bà Kiều Anh) đang thực hiện "quy trình" sang chiết nước mắm để giao cho khách hàng với hơn 550 lít nguyên liệu "không rõ nguồn gốc".

Khai với cơ quan hữu trách, ông Phúc cho biết nước mắm nguyên liệu được ông mua tại một cơ sở ở Vũng Tàu với giá 4.000 đồng ($0.17)/lít, thế nhưng ông Phúc lại không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.

vn5

Số nguyên liệu dùng để sản xuất nước mắm đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ. (Hình : Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh)

Nói với báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh, một cán bộ Cục Cảnh Sát Phòng Chống Tội Phạm Môi Trường, khẳng định cơ sở này mua hóa chất ở chợ Kim Biên (quận 5, Sài Gòn) mang về pha chế với nước máy, cùng một chút nước mắm loại rẻ tiền để làm "Nước mắm cá cơm", không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo tường thuật của tờ Thanh Niên ngày 11 tháng Chín, Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang hoạt động trong một căn nhà cấp 4, rộng khoảng 70 mét vuông. Trước sân nhà chất khoảng 30 can nhựa (loại 20 lít/can), bên trong chứa một thứ nước màu nâu đen. Phía sau căn nhà có hai bồn chứa (loại 1,200 lít/bồn) và hàng trăm can, chai nhựa lớn, nhỏ treo lủng lẳng khắp hàng rào. Kế bên hai bồn này là một cánh cửa dẫn vào nhà vệ sinh. Bên trong nhà vệ sinh bẩn thỉu, ẩm thấp và hôi thối có hàng chục ống nước nối chằng chịt với nhau, một số ống được nối với hai bồn nước dẫn thẳng vào khu sản xuất nước mắm trong nhà.

Trong khu sản xuất chỉ có ba người làm việc. Theo đó, người thứ nhất có nhiệm vụ cho chai nhựa lên băng chuyền, sau đó vặn vòi xả nước máy "có màu nâu vào bên trong". Tiếp đến, người thứ hai dùng khoan tay tự chế để đóng nắp chai, rồi bỏ từng chai xuống nền nhà. Người còn lại dán nhãn mác "Nước mắm cá cơm" Phúc Khang vào chai, sau đó dùng màng co nylon quấn các chai lại với nhau thành từng lốc tám chai.

vn6

Những chai nước mắm được ra lò trong nhà vệ sinh bẩn thỉu. (Hình : Thanh Niên)

Chỉ trong khoảng hai giờ đồng hồ, "dây chuyền sản xuất" của Cơ Sở Sản Xuất Nước Mắm Phúc Khang cho ra lò khoảng 100 chai nước mắm. Hàng "nước mắm" thành phẩm này được chở đi bán cho các chợ dân sinh, các quán cơm vỉa hè, khu công nhân, lao động nghèo ở huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 2, quận 12 (Sài Gòn) và một số khu vực tại tỉnh Bình Dương.

Ông Phúc cho biết cơ sở Phúc Khang sản xuất năm loại "nước mắm" với các dung tích khác nhau (5 lít, 900 ml, 650 ml, 500 ml và 200 ml) bằng quy trình sản xuất, pha chế như sau : 20 can nước mắm nguyên liệu (khoảng 1- 2% độ đạm) + 6 can nước (20 lít/can) + caramen để tạo màu, sau đó sang chiết vào các chai có dung tích như trên rồi dán nhãn mác và bán ra thị trường.

Do làm bằng nước lã với hóa chất… nên giá bán các loại nước mắm cũng "siêu rẻ", chỉ từ 4.000 – 35.000 đồng (0,17 USD - 1,51 USD) tùy theo loại và dung tích.

Đoàn kiểm tra đã lập biên bản thu giữ toàn bộ hàng trăm lít nước mắm bẩn cùng nguyên liệu, chất tạo màu, mùi tại cơ sở chờ kiểm nghiệm để "xử lý theo quy định của pháp luật". (Tr.N)

******************

Yêu cầu xử lý tổ chức, cá nhân liên quan dự án đường 250 tỉ bị hư hỏng (RFA, 11/09/2019)

Bộ Giao thông và vận tải hôm 11/9 đã ra thông cáo yêu cầu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc quản lý, thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai sau khi xuất hiện những hư hỏng nền, sạt lún nghiêm trọng.

vn7

Mặt đường tại đoạn đường tránh qua thị trấn Chư Sê, Gia Lai bị nứt toác sau trận mưa lớn - Courtesy of Người Lao động

Bộ Giao thông và vận tải cũng đã có yêu cầu đình chỉ chức vụ các cá nhân liên quan đến dự án trên để ‘tập trung khắc phục sự cố’.

Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê, tỉnh Gia Lai do Ban Quản lý Dự án 6 thực hiện với kinh phí 250 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành khối lượng xây lắp vào tháng 6 năm nay và đang được thực hiện các thủ tục nghiệm thu để đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên từ ngày 3/9, trên mặt đường dự án đoạn Km 10+200 – Km10+350 xuất hiện những hư hỏng, sạt lún nghiêm trọng.

Bộ Giao thông và vận tải yêu cầu Ban Quản lý Dự án 6 khẩn trương rà soát, kiểm tra hiện trường toàn tuyến và báo cáo cơ quan thẩm quyền nguyên nhân, đề xuất xử lý, khắc phục hư hỏng trước ngày 20/9.

Bộ Giao thông và vận tải xác định vụ việc trên đã làm ảnh hưởng uy tín ngành Giao thông và vận tải và niềm tin nhân dân.

Tình trạng các tuyến đường giao thông mới xây dựng tại Việt Nam với chất lượng kém bị truyền thông loan tải khá nhiều.

Cao tốc dài 139km Đà Nẵng-Quảng Ngãi được xây dựng năm 2013 với tổng kinh phí 34,5 tỷ đồng được nói đã xuất hiện các hố và vết nứt ở đoạn Tam Kỳ-Quảng Ngãi ngay sau khi được đưa vào sử dụng hồi tháng 8/2017.

Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận trên cao tốc quốc gia 1 đoạn Thanh Hóa – Cần Thơ, dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Nội Bài – Lào Cai và cầu Thăng Long ở Hà Nội.

Hồi tháng 6 năm nay, ông Nguyễn Văn thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận Tải, thừa nhận trước quốc hội rằng những dự án giao thông tại Việt Nam có chất lượng thấp vì nhà thầu yếu kém.

****************************

Vi khuẩn bệnh ‘ăn thịt người’ tấn công miền Bắc Việt Nam (Người Việt, 10/09/2019)

Căn bệnh Whitmore từng bị lãng quên ở Việt Nam giờ bùng phát trở lại và chỉ trong vòng một tháng qua đã có bốn ca chết tại Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội.

vn8

Một bệnh nhân nữ mắc bệnh Whitmore điều trị ở Bệnh Viện Bạch Mai, Hà Nội. (Hình : VietNamNet)

Nói với báo VietNamNet ngày 10 tháng Chín, 2019, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đỗ Duy Cường, giám đốc Trung Tâm Bệnh Nhiệt Đới Bệnh Viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết suốt 5-10 năm trước đây, bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân mắc bệnh Whitmore (do vi khuẩn gram âm B. Pseudomallei, hay còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người). Thế nhưng từ đầu năm 2019 đến nay, trung tâm đã tiếp nhận tới 20 trường hợp mắc bệnh này. Hầu hết các bệnh nhân từ các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Riêng tháng Tám, 2019, có đến 12 bệnh nhân Whitmore nặng, trong đó đã có bốn ca đã chết do vi khuẩn "ăn" nhiều bộ phận trên cơ thể của bệnh nhân.

Mới nhất, trung tâm điều trị cho một nữ bệnh nhân quê ở Thanh Hóa bị Whitmore ăn cụt cánh mũi. Đây là trường hợp bệnh nhân nữ đầu tiên mắc Whitmore ở phía Bắc. Trước đó, nữ bệnh nhân này được bệnh viện tỉnh chẩn đoán "nhiễm trùng do tụ cầu" nhưng khi bác sĩ Bệnh Viện Bạch Mai cấy mủ, phát hiện dương tính với vi khuẩn Whitmore.

"Khi đó chúng tôi phải thay đổi hoàn toàn phác đồ điều trị, nếu không bệnh nhân sẽ nguy hiểm tính mạng. Rất may bệnh nhân chỉ tổn thương da ở cánh mũi, chưa tổn thương xương. Sau hai tuần điều trị, vết thương đã hết mủ và đang kéo da non. Tuy nhiên, bệnh nhân cần tiếp tục giai đoạn duy trì bằng thuốc và điều trị trung bình ít nhất ba tháng nữa để tránh tái phát vì nếu bị lại, tỉ lệ chết rất cao", ông Cường nói.

Ông Cường khuyến cáo, những năm gần đây, số ca nhiễm bệnh Whitmore ở Việt Nam được báo cáo không ngừng gia tăng, cao điểm thường tập trung vào mùa mưa từ tháng Bảy đến tháng Mười Một. Vi khuẩn gây bệnh sống trong bùn đất và nước, đường lây truyền chủ yếu qua vùng da tổn thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn.

Đặc biệt, người bệnh tiểu đường, bệnh phổi và bệnh thận mạn tính thì nguy cơ dễ mắc bệnh này khiến phổi, thận, gan… bị tổn thương càng lớn, nguy cơ chết càng cao. Các biểu hiện lâm sàng đa dạng gồm sốt cao, đau cơ, có các ổ nhiễm khuẩn trên da, áp xe cơ, áp xe gan lách, viêm phổi… nên cần đến các cơ sở y tế để chẩn đoán sớm.

"Khi nhiễm vi khuẩn Whitmore, thông thường 40-60% bệnh nhân mắc bệnh sẽ chết. Căn bệnh này hiện chưa có vaccine phòng bệnh và khi đã khởi phát, diễn biến của bệnh rất nhanh, có thể cướp đi mạng sống bệnh nhân chỉ sau 48 giờ nhập viện. Song, tỉ lệ chết sẽ giảm đáng kể nếu bệnh nhân được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị kháng sinh theo phác đồ hướng dẫn", ông Cường cho hay. (Tr.N)

Quay lại trang chủ
Read 457 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)