Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

12/09/2019

Tàu Trung Quốc bám trụ quyết không chịu rời Bãi Tư Chính của Việt Nam

Tổng hợp

Việt Nam xác nhận đội tàu Trung Quốc quay lại vùng đặc quyền kinh tế lần 3 (RFA, 12/09/2019)

Chiều ngày 12/9, bà Lê Thị Thu Hằng - Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng xác nhận đội tàu thăm dò dầu khí Hải Dương Địa Chất 08 của Trung Quốc quay lại xâm phạm vùng biển thuộc khu vực đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam hôm 7/9/2019.

tau1

Hình minh họa.  Tàu khảo sát Địa chất Hải dương 8 quay lại xâm phạm vùng biển Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi dừng các hoạt động trái phép tại khu vực.

Đây là lần thứ 3 kể từ tháng 7 đội tàu này triển khai các hoạt động thăm dò dầu khí trong vùng biển Việt Nam theo Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982.

"Việt Nam đã nêu quan điểm về ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của nhóm tàu này với quan hệ hai nước, với hòa bình và ổn định ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động này và rút tàu.

Mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam hoàn toàn phụ thuộc Việt Nam, theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.

UNCLOS đã xác định rõ phạm vi các vùng biển và là cơ sở pháp lý duy nhất để các nước xác định quyền của mình. Điều này đã được các bên ủng hộ", mạng báo Tuổi Trẻ dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 12/9.

Đội tàu Hải Dương 8 vào vùng biển của Việt Nam từ ngày 3/7 và sau đó đã rút về Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa hôm 7/8. Tuy nhiên tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam chưa đầy một tuần sau đó.

Hôm 4/9, tàu Hải Dương 8 lại rời vùng biển Việt Nam để về lại Đá Chữ Thập, nhưng những dữ liệu theo dõi tàu trên cho thấy tàu này đã quay lại vùng biển Việt Nam hôm 7/9.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng các tàu của Trung Quốc đang hoạt động trong vùng biển của nước này.

Trung Quốc đòi chủ quyền phần lớn diện tích Biển Đông qua đường đứt khúc 9 đoạn mà nước này tự vẽ ra. Đường đứt khúc này đi sâu vào vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng.

Tòa Trọng tài Quốc tế ở The Hague hồi năm 2016 đã bác bỏ tính hợp lệ của đường đứt khúc này. Bắc Kinh không chấp nhận phán quyết của tòa.

*********************

Việt Nam lên án Trung Quốc cản trở hoạt động dầu khí ở Biển Đông (VOA, 12/09/2019)

Hôm 12/09, Việt Nam nói các hành vi cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam trên vùng biển của mình là sự vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

tau2

Ảnh trong một Thông cáo của PetroVietnam về dự án Cá Voi Xanh, ngày 12/09/2019.

Báo Lao Động dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng, nói : "Việt Nam khẳng định quan điểm nhất quán là mọi hoạt động kinh tế biển của Việt Nam, trong đó có hoạt động dầu khí đều được triển khai trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hoàn toàn thuộc Việt Nam được xác định từ lãnh thổ đất liền, được xác định theo đúng quy định của Công ước LHQ về Luật Biển 1982 mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên".

Cũng trong cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về thông tin liên quan tới ExxonMobil và dự án Cá Voi Xanh, bà Hằng nói : "Theo chúng tôi được biết, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PetroVietnam hay PVN) đã có thông tin cho biết về các dự án dầu khí ở miền Trung Việt Nam, bao gồm các dự án trên biển và trên bờ, được các tổ hợp nhà thầu gồm PVN, công ty thăm dò khai thác dầu khí và ExxonMobil triển khai theo kế hoạch".

Cũng hôm 12/09, PetroVietnam ra thông cáo ngắn trên trang web của tập đoàn : "Các dự án Dầu khí ở miền Trung Việt Nam (bao gồm các dự án trên biển và trên bờ) được Tổ hợp nhà thầu (ExxonMobil, PVN và PVEP) triển khai theo kế hoạch".

"Tập đoàn Dầu khí Việt Nam không có ý kiến bình luận đối với thông tin không chính thức xung quanh các Dự án này".

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện các đồn đoán về việc tập đoàn ExxonMobil của Mỹ, hiện thăm dò mỏ Cá Voi Xanh với PetroVietnam "bỏ cuộc", trong lúc có tin nói rằng Trung Quốc "gây áp lực" với Hà Nội về các dự án dầu khí với nước ngoài trên Biển Đông.

Hôm 12/09, giáo sư Úc Carl Thayer chuyên nghiên cứu về tình hình Việt Nam, viết trên Twitter rằng : "Rất có thể lý do ExxonMobil bán mỏ Cá Voi Xanh của Việt Nam, một dự án nhỏ ở khu vực không cốt lõi, để thoái vốn 15 tỷ đôla nhằm cân đối hạng mục đầu tư cho 5 khu vực khác" ngoài Việt Nam.

Liên quan tới việc tàu khảo sát địa chất Hải Dương 8 của Trung Quốc quay lại vi phạm chủ quyền Việt Nam ở Bãi Tư Chính, Bộ Ngoại giao ngày 12/09 khẳng định đã xác nhận và cho biết kiên quyết phản đối hành động phi pháp này của Trung Quốc.

Báo Tuổi Trẻ trích lời bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ : "Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, nhóm tàu HD (Hải Dương 08) tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

******************

Biển Đông : Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay các tàu khỏi bãi Tư Chính

Theo báo chí trong nước, bộ Ngoại Giao Việt Nam hôm nay 12/09/2019 yêu cầu Trung Quốc rút ngay lập tức tàu Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng các tàu hải cảnh đi kèm ra khỏi bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam.

tau3

Tàu Haijing 35111 ở bãi Tư Chính phạm luật quốc tế nghiêm trọng. Ảnh : SOCIAL MEDIA

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo chiều nay tuyên bố : "Việt Nam kiên quyết phản đối việc nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên vùng biển của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982".

Phía Việt Nam "yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu này ra khỏi vùng biển Việt Nam", khẳng định việc vi phạm này gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trong quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 ra khỏi bãi Tư Chính. Chiếc tàu khảo sát này đã ba lần xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam và liên tục hoạt động tại đây, lần mới nhất vào ngày 7/9. Còn các tàu hải cảnh Trung Quốc đi kèm thường xuyên quấy nhiễu, đe dọa các tàu cảnh sát biển Việt Nam đang bảo vệ giàn khoan Rosneft ở lô dầu 06.1.

Giáo sư Carl Thayer, trường đại học New South Wales khi trả lời trang tin Energy News ngày 11/9 cho biết theo những thông tin ông có được, thì ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã yêu cầu đồng nhiệm Nga Serguei Lavrov cho ngưng các hoạt động của Rosneft tại Việt Nam, nhưng ông Lavrov từ chối. Đề nghị này được đưa ra khi cả hai gặp gỡ ngày 2/8 bên lề hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Bangkok hôm 2/8.

Về tin đồn tập đoàn Mỹ ExxonMobil ngưng dự án khí đốt Cá Voi Xanh tại miền trung Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng khi trả lời câu hỏi của hãng tin Pháp AFP cho biết đối tác Việt Nam là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) đã có thông cáo khẳng định các dự án hợp tác trên biển và trên bờ vẫn được triển khai theo kế hoạch. PVN không bình luận đối với những thông tin không chính thức.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 463 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)