Công an Đà Nẵng bắt giữ 5 người Trung Quốc thuê trẻ em làm phim sex (RFA, 17/09/2019)
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đà Nẵng tối 14/9 tiến hành bắt khẩn cấp và tạm giam 5 người Trung Quốc và một người Việt Nam (phiên dịch) vì có hành vi lôi kéo các cô gái trẻ, trong đó có cô gái mới 15 tuổi, để quan hệ tình dục và quay clip sex bán trên mạng xã hội.
Những người bị bắt giữ ở Đà Nẵng Courtesy of Phụ Nữ Pháp Luật
Truyền thông trong nước loan tin ngày 17 tháng 9, theo đó Công an Đà Nẵng xác định có ít nhất 4 cô gái trẻ đã bị lôi kéo, dụ dỗ vào đường dây "sản xuất clip sex", trong đó có cháu K.D mới 15 tuổi 3 tháng.
Sau khi tiến hành bắt khẩn cấp, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Đà Nẵng đã thực hiện lệnh tạm giam 6 đối tượng nói trên về hành vi "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi".
Mạng báo Thanh Niên loan tin nhóm đối tượng Trung Quốc bị bắt khai nhận, song song việc bán các phim sex, clip sex cho các trang web sex ở nước ngoài để lấy tiền, nhóm này còn sử dụng hình thức livestream các cảnh trụy lạc, quan hệ tình dục trực tuyến để trục lợi bất chính.
Tin nói rõ nhóm đối tượng Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam theo visa du lịch. Từ tháng 2 năm nay cho đến thời điểm hiện tại, nhóm lập được cái gọi là ‘sào huyệt’, thực hành mọi hành vi phạm tội như vừa nêu.
******************
Nguy cơ Việt Nam trở thành điểm đến của tội phạm người Trung Quốc (RFA, 16/09/2019)
Quản lý lỏng lẻo…
Truyền thông trong nước hôm 11/9 cho hay một đường dây sản xuất ma túy với số lượng được cho là rất lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành tại tỉnh Bình Định đã bị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và phát hiện. Bốn người trong số 6 nghi phạm người Trung Quốc liên quan đến đường dây sản xuất ma túy đã bị tỉnh Bình Định xử phạt vi phạm hành chính về tội "hành vi cư trú bất hợp pháp" với mức phạt gần 100 triệu đồng. Một mức phạt không đủ sức răn đe ?
Khách Trung Quốc sang du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa) AFP
Trước đó, hôm 9/9 Bộ Công an cũng tiến hành bắt giữ 8 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum, thu giữ hàng chục tấn hóa chất, tiền chất được dùng để sản xuất ma túy, 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất….Đặc biệt, người cầm đầu đường dây sản xuất ma túy này Cai Zili đã từng bị Trung Quốc bắt giữ và phạt tù vì hành vi tương tự. Và, sau khi được ân xá tại Trung Quốc, Cai Zili đã chọn đến Việt Nam và lại phạm tội.
Điểm đáng lưu ý trong các vụ phạm tội của người Trung Quốc tại Việt Nam là Công An Việt Nam phát hiện tội phạm rất trễ. Ví dụ như vụ gần 400 người Trung Quốc phạm tội về điều hành đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng, sau 6 tháng hoạt động trái phép thì Công An Việt Nam mới khám phá ra sào huyệt này. Còn vụ phát hiện xưởng sản xuất ma túy tại Kon Tum phải mất hơn 10 tháng, Công An mới rat ay. Trong 10 tháng đó, các đối tượng người Trung Quốc vận chuyển hóa chất, máy móc, thiết bị và điều hành xưởng nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không hay biết.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào năm 2013 có phát biểu rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh. Như vậy đối với những sự vụ người Trung Quốc phạm tội nhưng phát hiện chậm là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng địa phương hay vì nguyên do nào khác.
Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định, không ai có thể bác bỏ được kết luận rằng việc quản lý lỏng lẻo của các cấp địa phương "Bởi vì họ không quyết tâm làm thôi chứ làm là cái gì cũng phải ra. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh đó, chạy sang tận Đức rồi mà bằng cách này cách khác thì an ninh Việt Nam cũng sang bắt cóc đem về. Tại sao không được, họ biết quá đi chứ, an ninh khu vực hằng ngày nắm từng hộ từng gia đình, tai mắt khắp nơi những việc to lù lù như thế mà bảo không biết. Chỉ có những đứa con nít mới tin lập luận như thế, còn những người có hiểu biết đều cho rằng có sự bảo kê, từng khu vực cho đến cấp tỉnh đều có thông đồng hết".
Đồng ý với nhà báo Võ Văn Tạo, luật sư Hà Huy Sơn cho biết thêm "…nó thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng Việt Nam và cụ thể là các cơ quan công an từ địa phương cho tới Trung ương vì trong thực tế khi người dân xây dựng hay sửa chửa một căn nhà hay bất kì việc gì dù là nhỏ thì công an Việt Nam đều phát hiện được hết vì có hệ thống cảnh sát khu vực, lĩnh vực nào thì có an ninh và cảnh sát kiểm soát lĩnh vực đó nên tôi cho rằng để sự việc xảy ra lớn và kéo dài như vậy thì không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan công an từ địa phương đến Trung ương".
Việc xử lý gây nhiều tranh cãi
Vào ngày 26/8/2019, Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan tin về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ nghi phạm với Việt Nam.
Hiệp ước dẫn độ gồm 22 điều khoản bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Được ủy quyền bởi Hội đồng Nhà nước, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau và bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam vào tháng 10 năm 2013. Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh nhưng chưa chính thức có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.
Một cửa khẩu biên giới Lào Cai giữa Việt Nam và Trung Quốc. AFP
Thế nhưng trong thực tế, phần đông các vụ án liên quan đến người Trung Quốc, thường người phạm tội sẽ bị trục xuất hoặc dẫn độ về Trung Quốc để tiếp tục xử lý. Như vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 8, truyền thông Việt Nam loan tin về việc ba thanh niên mang quốc tịch Trung Quốc đã giết hại một người lái xe taxi tại Sơn La và vứt xác xuống sông nhưng lại được trục xuất về Trung Quốc hay vụ việc Bộ Công an Việt Nam dẫn độ 28 người Trung Quốc giao cho Cục công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam cùng nhiều vụ việc khác, khiến người dân vô cùng lo ngại. Họ lo rằng, tội phạm Trung Quốc sẽ coi Việt Nam là điểm đến "an toàn" để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật ?
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, hầu như tại Việt Nam không ai nghe đến hiệp ước dẫn độ được ký kết giữa hai nước, chỉ đến khi phía Trung Quốc thông tin việc Quốc hội thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam thì người dân mới ngã ngửa và bắt đầu lo ngại, tìm hiểu.
Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích : "Thật ra nhiều người cứ lầm tưởng, cứ người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam sẽ được dẫn độ về Trung Quốc nhưng không phải vậy, vì vấn đề dẫn độ được đặt ra khi mà quyền tài phán quốc gia không thực hiện được, vì lý do đối tượng vi phạm pháp luật họ bỏ trốn qua một nước khác thì khi đó quốc gia có quyền tài phán họ mới viện dẫn luật dẫn độ giữa hai quốc gia về nước để họ thực hiện quyền tài phán của họ. Luật dẫn độ nó chỉ sử dụng cho những tội liên quan về hình sự mà thôi".
Tuy nhiên, đối với trường hợp hơn 300 người có hành vi tổ chức đánh bạc trên lãnh thổ Việt Nam thì quyền tài phán Việt Nam có đủ thẩm quyền xử lý và xét xử theo luật hình sự Việt Nam ?
Nhà báo Võ Văn Tạo bình luận sự việc "Tôi nghĩ hiệp định đó cần phải được đưa ra thảo luận và xem xét lại, làm sao phải giữ được chủ quyền, công dân nước ngoài phạm tội tại nước mình thì có quyền xử lý một cách nghiêm túc. Tức nhiên do quan hệ ngoại giao quốc tế thì tùy những quốc gia".
Còn Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho chúng tôi biết, khung hình phạt theo Bộ Luật hình sự Việt Nam thì hành vi sản xuất ma túy với số lượng lớn như vậy phải bị xử phạt rất nghiêm và thậm chí tử hình.
Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định về vụ việc : "Theo chúng tôi hiểu thì qua giải thích của các báo Việt Nam đăng, những người có trách nhiệm trong ngành thì có nói giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệp định về dẫn độ tội phạm. Khi đó chúng tôi và cộng đồng mới ngã ngửa ra là không biết hiệp định đó nội dung như thế nào. Lẽ ra nếu có hiệp định đó thì phải công bố cho người dân Việt Nam biết, nhưng đến khi xảy ra rồi thì mới nói có hiệp định như thế, gây sự bất ngờ".
Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định : "Trước đây có vụ đánh bạc ở khu vực phía Bắc lên tới hơn 300 người, phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam mà không bị xử lý mà đưa về Trung Quốc. Khi mà người dân đã ý thức được rằng việc không thực hiện quyền tài phán thì nó sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền Quốc gia như thế nào và người dân để ý tới thì họ cho rằng rất có thể sự việc liên quan đến mấy xưởng sản xuất ma túy với số lượng rất lớn bị phát hiện thì có thể có những hậu quả pháp lý như vậy, cũng được đưa về Trung Quốc để xử lý. Nhưng thật ra điều này chưa hẳn, ban đầu việc xử phạt hành chính thì ở mức chỉ phạt họ về vấn đề cư trú không hợp pháp, chứ chưa xử lý gì về vấn đề tội phạm vì chưa có thông tin gì về vấn đề xử lý này".
Ngày 15/9/2019, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công An cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhóm đối tượng Trung Quốc nằm trong đường dây sản xuất ma túy ở Kontum và Bình Định. Đồng thời, Bộ cũng cho rằng đang phối hợp với phía Trung Quốc tiếp tục mở rộng điều tra đường dây phạm tội này. Đó được coi là động thái mạnh tay hơn của Công An Việt Nam đến thời điểm này đối với các đối tượng phạm tội người Trung Quốc tuy nhiên việc xử lý sau đó sẽ như thế nào vẫn còn là dấu chấm hỏi. Theo ý kiến của phần đông những người chúng tôi tiếp xúc khi hỏi về vấn đề này họ đều hồ nghi và nghĩ rằng : rồi sẽ lại trao trả tội phạm về cho Trung Quốc xử lý ?
****************
Công an Việt Nam & Trung Quốc phối hợp điều tra đường dây sản xuất ma túy liên tỉnh (RFA, 16/09/2019)
Tin từ truyền thông trong nước loan đi ngày 15 tháng 9 cho biết Công an Việt Nam đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam 8 đối tượng gồm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc và 1 người Việt gốc Hoa trong đường dây sản xuất ma túy nói trên.
Cơ quan chức năng kiểm tra tại kho xưởng sản xuất ma túy tại Kon tum và Bình Định. RFA edited
Người cầm đầu đường dây sản xuất ma túy tại Kontum là Cai Zili (Thái Tự Lực) sinh năm 1963 trước đây cũng đã từng liên quan đến đường dây sản xuất ma túy tại Trung Quốc và bị Công an Trung Quốc bắt giam. Sau khi được ân xá, Thái Tự Lực đã sang Việt Nam và lại phạm tội.
Ngay sau khi đường dây sản xuất ma túy tại Kontum được phát hiện thì Cảnh sát Trung Quốc cũng đã bắt giữ 22 người.
Liên quan đến vụ án này, ngày 15/9, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công An) cho biết Cảnh sát Trung Quốc và Việt Nam đang cùng phối hợp để mở rộng điều tra đường dây sản xuất ma túy được cho là lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 6/8 hàng trăm cảnh sát đã ập vào kiểm tra khu nhà xưởng của công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và phát hiện số lượng lớn hóa chất dùng để sản xuất ma túy cùng với nhóm 7 người mang quốc tịch Trung Quốc đang tham gia sản xuất tại xưởng này.
Trong quá trình khám xét, cơ quan chức năng thu giữ hàng trăm lít dung dịch, khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị dùng để sản xuất trái phép tiền chất ma túy. Kho xưởng sản xuất ma túy này thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Đồng An Viên do ông Trần Ngọc An làm chủ với hoạt động chính về buôn bán vật liệu xây dựng…nhưng được nhóm người Trung Quốc thuê lại và hoạt động sản xuất ma túy.
5 ngày sau đó vào ngày 11/9 Công an Bình Định cũng đã phát hiện một khối lượng hóa chất cực lớn được giấu kín trong 2 kho xưởng và nhiều dụng cụ để tinh chế, sản xuất ma túy cũng do nhóm người Trung Quốc đứng đầu.
Công an tỉnh Bình Định cho biết sau khi tiến hành kiểm tra 2 kho hàng chứa hóa chất tại khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, thành phố Quy Nhơn, phát hiện khối lượng khổng lồ hóa chất dùng để sản xuất ma túy được cất giấu trong 286 thùng phuy, trên 300 bao bột và nhiều dụng cụ dùng để sản xuất ma túy, cùng với nhóm 6 người Trung Quốc có nhiệm vụ canh giữ kho xưởng này.
Cũng trong ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 4 người Trung Quốc trong đường dây sản xuất ma túy nêu trên về hành vi cư trú bất hợp pháp với số tiền 95 triệu đồng.
4 đối tượng gồm ông Huang Zengfang (SN 1989, làm nghề khảo sát máy móc liên quan cắt xẻ đá), ông Lin Cunzhou (SN 1988, công nhân cưa đá) ; bà Zhou Meilian (SN 1968, nội trợ) và ông Zhou Liuging (SN 1981, nghề nghiệp làm nông).
***************
Bắt giữ nhóm người Trung Quốc làm giả thẻ ATM (RFA, 16/09/2019)
Công an tỉnh Nghệ An vừa bắt giữ nhóm người Trung Quốc làm giả thẻ ATM và cài đặt thiết bị điện tử vào các máy ATM để đánh cắp thông tin tài khoản khách hàng. Báo trong nước đưa tin ngày 16/9.
Một trạm đặt các cây ATM ở Thành phố Hồ Chí Minh - AFP
Theo đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 333 thẻ ngân hàng nghi là giả, trong đó có 22 thẻ đã bị rút tiền ra khỏi tài khoản với số tiền gần 300 triệu đồng ; ba bộ thiết bị điện tử, 2 máy tính xách tay, 1 đầu ghi thông tin thẻ từ, 8 thẻ nhớ và các vật dụng liên quan.
Ba người bị bắt đều ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, gồm Trường Tài ; Đặng Thông Thông và Luyện Vũ.
Cũng theo điều tra của cơ quan chức năng, để chiếm đoạt được tiền trong thẻ ATM, Thông và Vũ lắp đặt 2 bộ thiết bị điện tử ; trong đó một bộ đặt vào khe đặt thẻ ATM và một bộ vào bàn phím trước màn hình để quét thông tin khi có người đến rút tiền tại cây ATM.
Sau khi có thông tin, mật khẩu về tài khoản thẻ, Tài sẽ gửi dữ liệu về Trung Quốc bằng một đường truyền riêng để giải mã. Sau đó Tài chịu trách nhiệm chế tạo các thẻ ATM giả để rút tiền. Sau khi các đối tượng dùng thẻ giả này rút tiền xong, chủ tài khoản có thẻ thật đến rút tiền tại cây ATM sẽ bị nuốt thẻ và không giao dịch được.
Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Vinh (Nghệ An) đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng trên về hành vi "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 290, Bộ luật Hình sự 2015.
Liên quan vụ gắn thiết bị vào cây ATM, hôm 30/8/2019, bảo vệ ngân hàng Ngân hàng Sacombank, chi nhánh quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện một người nước ngoài gắn thiết bị bất thường vào máy ATM. Anh này đã báo công an xử lý nhưng người nước ngoài trên không thừa nhận hành vi gắn thiết bị lạ vào máy ATM.