Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

17/09/2019

Tài chính bất hợp pháp, sách chống Nguyễn Phú Trọng, cần than cho nhiệt điện

Tổng hợp

Việt Nam đứng đầu thế giới về nguồn tài chính bất hợp pháp (VOA, 16/09/2019)

Việt Nam là quốc gia nhận được dòng tiền bất hợp pháp lớn nhất trên thế giới từ một hình thức rửa tiền dựa trên thương mại, theo một nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu (GFI).

taichinh1

Theo tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, Việt Nam đứng đầu thế giới trong danh sách những nước nhận nguồn tài chính bất hợp pháp lớn nhất trong năm 2015.

GFI (Global Financial Integrity), có trụ sở ở Washington, Mỹ, cho biết Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ USD chỉ riêng trong năm 2015 trong nghiên cứu được tiến hành trong 10 năm từ 2006-2015 dựa trên các dữ liệu của Quỹ Tài chính Quốc tế (IMF) và Liên Hợp Quốc (UN).

"Chúng tôi khá ngạc nhiên về con số (22,5 tỷ USD) và chúng tôi muốn biết về con số này", kinh tế gia cao cấp của GFI Rick Rowden nói với VOA về dòng tiền bất hợp pháp chảy vào Việt Nam từ hoạt động "thương mại với hóa đơn sai" (trade misinvoicing). "Chúng tôi không thể biết vì sao con số này lại lớn đến như vậy và cái gì gây ra dòng tiền bất hợp pháp lớn đó chảy vào Việt Nam".

Việt Nam đứng trên Thái Lan và Panama, lần lượt là 20,9 tỷ USD và 18,3 tỷ USD.

"Thương mại với hóa đơn sai" là một hình thức rửa tiền dựa trên kinh doanh thương mại thông qua việc các đối tác thương mại tự viết hóa đơn hoặc chuẩn bị các hóa đơn cho bên thứ 3 (thường là ở nơi được coi là thiên đường trốn thuế), theo GFI.

Chuyển dịch dòng tiền bất hợp pháp thông qua hệ thống thương mại là một phương thức rất cổ xưa và truyền thống, theo ông Rowden. Kinh tế gia này cho biết động cơ chủ yếu của hoạt động "tội phạm" này là nhằm trốn thuế hoặc đưa nguồn tiền từ một nước có ngoại tệ yếu sang một nước có ngoại tệ mạnh.

Nghiên cứu của GFI cho biết nguồn gốc của dòng tiền bất hợp pháp gồm có nguồn gốc không rõ, dòng tiền không được công khai cho chính phủ, tiền không được đánh thuế và các hoạt động bất hợp pháp như buôn lậu ma túy.

"Một trong những lý do có thể khiến gian lận thương mại gia tăng ở Việt Nam trong những năm gần đây là vì dòng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao và việc chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác", ông Rowden cho biết.

Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng GDP năm 2019 dự kiến là 6,8%, theo đánh giá của ADB. Xuất khẩu từ Việt Nam tăng gấp ba lần về giá trị kể từ năm 2010 và đi kèm với đó là gian lận thương mại nhiều hơn. Kinh tế gia cao cấp của GFI nhận định rằng, gần đây thương mại cũng có thể được chuyển hướng qua Việt Nam để tránh thuế quan của cuộc chiến thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhận định về sự dịch chuyển đồng vốn từ Trung Quốc sang Việt Nam, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng điều này đồng nghĩa với việc dịch chuyển gian lận thương mại sang Việt Nam.

"Điều này đã xảy ra đặc biệt trong ngành thép và tôn", theo TS Dũng. "Thép và tôn Trung Quốc đã tập kết về Việt Nam rồi dán nhãn Việt Nam để xuất sang thị trường khác, đặc biệt là Hoa Kỳ".

Từ năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp mức thuế quan nặng lên các sản phẩm thép vận chuyển từ Việt Nam nhưng được cho là có xuất xứ Trung Quốc để né trốn thuế chống bán phá giá của Mỹ.

Nghiên cứu của GFI còn cho thấy dòng tiền bất hợp pháp chảy ra khỏi Việt Nam trong năm 2015, dựa trên dữ liệu của Liên Hợp Quốc, là 9,1 tỷ USD, sau các nước như Mexico và Brazil.

Trong khi đó TS Dũng cho rằng số tiền bất hợp pháp chảy vào và ra khỏi Việt Nam còn cao hơn nếu tính cả số tiền đưa ra nước ngoài để trốn thuế rồi một phần trong đó được đưa trở lại Việt Nam.

TS Dũng, cũng là một nhà báo độc lập hiện đang sống ở TP HCM, trích dẫn dữ liệu từ Hồ sơ Panama năm 2016, nhưng không được công bố trên truyền thông trong nước, cho thấy số tiền của Việt Nam chuyển ra quốc tế lên tới 19 tỷ USD.

Ngoài mục đích đầu tư và chuyển tài sản ra nước ngoài của các doanh nhân, giới đại gia và quan chức, thì "một lượng tiền rất lớn, mà người ta đánh giá là có tới 1/3 trong số 19 tỷ USD liên quan đến rửa tiền – chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài với mục đích sau đó là chuyển lại từ nước ngoài về Việt Nam", theo TS Dũng. "Nguồn gốc của các nguồn tiền đó là hoàn toàn biến mất", ông cho biết.

Có khoảng 200 cá nhân và tổ chức liên quan đến Việt Nam có tên trong danh sách Hồ sơ Panama được công bố, theo truyền thông trong nước.

Hoạt động gian lận thương mại xảy ra ở các nước đang phát triển, đặc biệt như Việt Nam, nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển do hệ thống "cân bằng và kiểm soát" lỏng lẻo và kém toàn diện, theo ông kinh tế gia Rowden của GFI, và ông nói rằng "Việt Nam nằm trong số những nước tham nhũng nhất thế giới".

Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transperency International) xếp Việt Nam thứ 117/180 nước về chỉ số tham nhũng năm 2018.

Theo ông Rowden, hình thức gian lận thương mại với hóa đơn sai khiến cho chính phủ mất đi nguồn thu thuế rất lớn, bởi nếu không số tiền thất thoát đó đã có thể được dùng để đầu tư phát triển công như y tế, giáo dục và cơ sở hạ tầng.

GFI ước tính các quốc gia đang phát triển trên toàn thế giới mỗi năm mất đi khoảng 200 tỷ USD do hình thức gian lận thương mại này.

*******************

Bà Đầm Xòe viết sách chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng (VOA, 16/09/2019)

"Tôi đã 41 năm theo Đảng và Nhà nước rồi, bây giờ ngoảnh lại thấy dân tộc này cái gì cũng tụt lùi, nguyên nhân tại đâu? Nguyên nhân là chúng ta không có dân chủ, nguyên nhân là Đảng Cộng sản duy trì sự độc tài!.". Blogger Bà Đầm Xòe, còn được biết với tên là nhà báo độc lập Phạm Thành ở Hà Nội, nói với VOA.

taichinh2

Sách "Nguyễn Phú Trọng : Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo" của Nhà báo Phạm Thành. Photo Facebook Phạm Thành

VOA vừa phỏng vấn Blogger Bà Đầm Xòe nhân dịp ông vừa xuất bản quyển sách Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo, một tác phẩm mà tác giả gọi là "ấn phẩm đầu tiên lên án nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam".

Nhà báo Phạm Thành từng là Đảng viên, có nhiều năm làm việc cho Đài Tiếng Nói Việt Nam (VOV), tự ứng cử Đại biểu Quốc hội năm 2016, và đồng thời là tác giả của sách Nền Kinh tế Thị trường Định hướng xã hội chủ nghĩa Xuống hố cả lũ và tiểu thuyết Cò hồn Xã nghĩa.

VOA: Thưa nhà báo Phạm Thành, trước hết xin ông cho biết nội dung quyển sách viết về Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng?

BĐX: "Quyển sách này là một bằng chứng, một dữ liệu về những lời ăn tiếng nói, hành xử của ông Trọng, trong những chính sách đối nội và đối ngoại của ông ấy, đối với Trung Quốc cũng như đối với thế giới.
"Tôi đã theo sát ông Trọng từ năm 2006 cho đến nay, từ khi tôi còn làm Ban thư ký Biên tập cho Đài Tiếng nói Việt Nam. Từ đó đến nay, ông Trọng nói những gì, làm những gì trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, tôi đều bám sát những chuyện đó và đưa ra những bình luận.

"Cuối cùng, tôi nhận ra rằng ông Trọng là người mà làm tất cả những điều gì mà Trung Quốc muốn".

*****************

Việt Nam cần ngày càng nhiều than để sản xuất điện (RFI, 16/09/2019)

Việt Nam đang phải nhập thêm nhiều than cho các nhà máy nhiệt điện trước nguy cơ sẽ thiếu điện nghiêm trọng trong những năm tới, vì nhu cầu về điện tăng nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Nói cách khác, Việt Nam sẽ không thể một sớm một chiều từ bỏ hay hạn chế sử dụng than cho nhiệt điện.

taichinh3

Ảnh minh họa: Một nhà máy điện chạy than tại Cộng hòa Séc. Ảnh chụp ngày 09/02/2019.Reuters

Vấn đề là các nhà máy điện than phải sử dụng những công nghệ tiên tiến để hạn chế tác hại đến khí hậu, môi trường và sức khỏe của người dân. Đó là ý kiến của giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 13/08/2019.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu của năm 2018, Việt Nam nhập khẩu 17,34 triệu tấn than đá, trị giá khoảng hơn 2 tỷ đôla, tăng gần 49 % về lượng và tăng khoảng hơn 71% về trị giá so với cùng kỳ năm 2017. Cũng theo số liệu này, Úc, Trung Quốc và Indonesia là ba thị trường cung cấp than đá nhiều nhất cho Việt Nam. Nhưng nay, Việt Nam cũng đang xem xét khả năng nhập than từ thị trường Hoa Kỳ.

Theo tin từ báo chí trong nước, vào đầu tháng 8, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) vừa thảo luận với Tập đoàn Xcoal (Mỹ) về khả năng nhập khẩu than trực tiếp từ Hoa Kỳ về Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội cũng muốn tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ để giúp thu hẹp thặng dư thương mại với nền kinh tế hàng đầu thế giới và như vậy tránh bị chính quyền Trump áp thuế lên hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Thật ra, Việt Nam buộc phải tìm thêm nguồn cung cấp than đá để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Theo dự báo của bộ Công Thương, than đá sẽ chiếm khoảng 42,6% công suất nguồn điện của Việt Nam vào năm 2030, tăng so với mức 38,1% ở thời điểm hiện tại. Cũng theo dự báo của bộ Công Thương, Việt Nam sẽ thiếu điện nghiêm trọng vào năm 2021, vì tăng trưởng nhu cầu điện nhanh hơn tốc độ xây dựng các nhà máy điện mới. Như vậy, Việt nam sẽ phải nhập khẩu 680 triệu tấn than để cung cấp cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2016 - 2030.

Theo Giáo sư Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Nguyên tử Đà Lạt, do đã bỏ dự án nhà máy hạt nhân, và cũng do không thể nhanh chóng phát triển các loại năng lượng tái tạo (Mặt trời, gió…), nên Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác ngoài việc gia tăng sử dụng than:

"Trước đây, theo Quy hoạch điện 7, Việt Nam tính đủ các nguồn cung cho phát triển kinh tế cho đến năm 2020 và bây giờ tính tiếp Quy hoạch 8 cho đến năm 2030. Thế nhưng, trong quy hoạch đó thì trước đây có chủ trương hẳn hoi về làm điện hạt nhân. Nhà máy điện hạt nhân có công suất rất lớn. Cho nên nếu làm vài nhà máy hạt nhân trước năm 2030 theo như quy hoạch cũ, thì rõ ràng là ta sẽ không thiếu nguồn điện sử dụng, đến mức phải dùng than đá.

Nhưng bây giờ quy hoạch đó đã bỏ điện hạt nhân rồi, tức làm một mãng lớn không còn nữa, trong khi thủy điện của ta thì thực chất đã khai thác gần hết. Trong những năm gần đây có phát triển thêm thủy điện nhỏ, nhưng cũng không đáng kể. Nhưng dù sau thủy điện vẫn là nguồn phát điện chính ở Việt Nam hiện nay.

Một nguồn phát điện nữa là dầu và nhất là khí đốt, thì phụ thuộc vào việc khai thác dầu khí ở ngoài khơi, mà tình hình hiện nay, với sự quấy phá của Trung Quốc như thế, thì việc khai thác rất là bấp bênh, không thể được coi như là một nguồn chủ lực như đối với một số nước khác. Nhiều người cũng nói đến năng lượng tái tạo, nhưng cũng không dễ gì phát triển. Vậy thì còn cách gì khác ngoài sử dụng than?"

Vấn đề là tại hội nghị về khí hậu ở Paris năm 2015, chính phủ Việt Nam đã cam kết cắt giảm 8% lượng khí phát thải gây hiệu ứng lồng kính từ đây đến năm 2030, trong khi đó việc gia tăng sử dụng than đá cho nhà máy nhiệt điện sẽ kéo theo việc gia tăng lượng khí CO2 và khiến ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn càng nặng nề.

Giáo sư Phạm Duy Hiển giải thích cụ thể hơn về tác hại của các nhà máy nhiệt điện đối với khí hậu và môi trường không khí:

"Thứ nhất, đó là một nguồn phát ra khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính, làm biến đổi khí hậu, trong khi Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tương đối nặng nề. Đấy là một nhược điểm lớn. Nhiều nước trên thế giới đang muốn từ bỏ điện than vì lý do đã cam kết giảm khí thải CO2%.

Tại hội nghị COP21 ở Paris, Việt Nam cam kết sẽ giảm 8% lượng khí phát thải CO2. Nếu như được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế hay các nước phát triển, thì Việt Nam sẽ phát triển các năng lượng tái tạo nhanh và do đó cam kết sẽ giảm đến 20%.

Đấy là những cam kết mà bây giờ rất khó thực hiện, bởi vì lúc đưa ra những cam kết thì (trong quy hoạch) còn điện hạt nhân. Nếu có điện hạt nhân thì cam kết như thế là tương đối dễ, bởi vì điện hạt nhân không phát ra CO2. Bây giờ là rất khó, vì bỏ điện than không phải là đơn giản.

Một lý do chính khác mà nhiều người phản đối và nay cũng đang gây xôn xao dư luận trong nước nhiều nhất, đó là các nhà máy điện chạy than gây ra ô nhiễm môi trường khí, vì phát ra các bụi, các khí độc như SO2, Nox. Ngoài ra còn có nhiều tạp chất độc hại trong than phát ra ngoài như thủy ngân…

Cho nên, ô nhiễm môi trường do các nhà máy điện chạy than ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Người ta phản đối điện than mạnh nhất là ở chổ đó. Như trường hợp của Trung Quốc chẳng hạn. Đúng là các nhà máy điện than của Trung Quốc đã gây ô nhiễm môi trường khí rất nặng nề tại rất nhiều vùng của nước này, thậm chí gần như toàn bộ, nhất là về mùa đông. Ở Việt Nam, kịch bản cũng gần giống như thế.

Có điều là có những phát biểu trên báo chí rằng điện than ở Việt Nam giết chết hàng năm 4.300 người. Các chuyên gia của EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), các chuyên gia về ngành điện, ngành năng lượng đã bức xúc phản đối (phát biểu đó). Với tư cách chuyên gia nghiên cứu môi trường từ nhiều năm nay, tôi thấy là không nên phát biểu như thế, vì nó không dựa trên một cơ sở khoa học nào, mặc dù có trích các chuyên gia của Havard nói chung cho cả vùng Đông Nam Á".

Tuy nhiên, theo giáo sư Phạm Duy Hiển, có thể giảm thiểu những tác hại đến khí hậu và môi trường bằng cách sử dụng các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than:

"Hiện nay, các công nghệ điện than đã phát triển rất mạnh để vừa nâng cao hiệu suất của các nhà máy điện than, đồng thời giảm bớt các ô nhiễm đấy. Do đó, dùng điện than là phải dùng các công nghệ tương đối hiện đại để giải quyết cả hai bài toán, từ khí CO2, cho đến các khí gây ô nhiễm, cho đến nâng cao hiệu suất.

Hiện nay, ở Việt Nam lần đầu tiên có nhà máy Vĩnh Tân 4, công suất 600 megawatt, lần đầu tiên sử dụng công nghệ tương đối là hiện đại, đó là công nghệ hơi nước siêu bảo hòa, nâng hiệu quả của sản xuất điện than, đồng thời giảm bớt các khí phát thải.

Ngoài ra, ta bắt buộc phải đầu tư vào các hệ thống làm giảm bớt bụi, hút bụi, làm sạch khí CO2, khí NOx. Làm như thế thì sẽ nâng giá thành đầu tư của nhà máy điện than lên cao, ví dụ từ mức trung bình là 1.000 đôla/kw công suất chạy điện than tốt, không ảnh hưởng nhiều đến môi trường, thì phải tăng thêm vài trăm đôla nữa. Nhưng như thế thì nó gặp vấn đề là giá thành điện năng, ảnh hưởng đến giá bán điện. Giá bán điện hiện nay chưa đủ đáp ứng nhu cầu này".

Cái nan giải đối với chính phủ Việt Nam hiện nay chính là ở chổ đó. Muốn có thêm vốn đầu tư phát triển các công nghệ tiên tiến cho các nhà máy điện than thì phải tăng giá điện bán ra. Nhưng tăng giá điện thì dân chúng sẽ bất bình phản đối vì vật giá hiện đã quá cao rồi.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ
Read 412 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)