Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

19/09/2019

Thương phế binh miền Nam, lùi ngày tọa đàm vì sợ, phù điêu trên vách núi

RFA tiếng Việt

Tuyên bố mới về Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa (RFA, 19/09/2019)

Vào ngày 19 tháng 9 năm 2019, Dòng Chúa Cứu Thế cộng đoàn Cần Thạnh, Nhà Cần Giờ, ra tuyên bố về việc tiếp tục Chương trình Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa (thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa).

phebinh1

Tri ân Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa tại Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn từ ngày 28 tháng 12 năm 2015 đến ngày 6 tháng 01 năm 2016. Photo by Huỳnh Công Thuận

Trong tuyên bố, các Tu sĩ, Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ cho biết, theo tinh thần và mục tiêu phát triển con người toàn diện của Giáo Hội Công Giáo toàn cầu, Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ muốn tiếp tục lựa chọn tinh thần tri ân đối với thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa, rằng sự đồng hành của họ không chỉ là một trợ giúp về mặt vật chất, mà còn là sự biết ơn và quý thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa, những người đã gìn giữ hòa bình và an ninh không tiếc thân thể của mình.

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ, được Cha Giuse Hồ Đắc Tâm giao phó điều hành trực tiếp chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa, hôm 19/9 cho RFA biết về chương trình :

"Như quý vị biết, trước đây chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa thực hiện tại Cộng đoàn Sài Gòn, nhưng trong nhiệm kỳ vừa rồi Cha Thanh bị chuyển về Vĩnh Long còn tôi về Cần Giờ. Chương trình cũ trước đây được Cha bề trên của Cộng đoàn Sài Gòn giao cho một thành viên mới của Cộng đoàn Sài Gòn. Tôi về Cần Giờ được ba tháng, tôi thấy nhu cầu cấp thiết của các ông thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa và được sự đồng ý của Cha bề trên Cộng đoàn Cần Giờ Giuse Hồ Đắc Tâm, chúng tôi tiếp tục chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa".

Tuy nhiên, tuyên bố của các Tu sĩ, Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Cần Giờ cho biết, chỉ tiếp nhận và phục vụ quý ông bà thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa sinh sống ngoài vùng Sài Gòn. Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ, giải thích về việc tiếp nhận này :

"Tôi chia như vậy là để thuận lợi cho công việc của tôi ở đây, cũng như thuận lợi cho các ông thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa, nếu vị nào ở vùng Sài Gòn thì có thể đến Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, họ cũng tiếp tục chương trình thương phế binh nhưng họ dùng từ hỗ trợ thương phế binh, còn chúng tôi vẫn giữ tin thần cũ là tri ân thương phế binh. Tôi không còn ở Cộng đoàn Sài Gòn nữa, nên tôi sẽ đi ra các vùng xa, theo thời khóa biểu của tôi, vừa thuận tiện cho các ông thương phế binh ở đó, vừa thuận tiện cho công việc của tôi. Chứ không có sự chia địa phận gì ở đây".

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết, không thể tổ chức kiểu quy tụ ở Cần Giờ như ở Sài Gòn trước đây, do không gian và quãng đường đi không thuận tiện. Ngoài ra, ông cũng không chọn cách quy tụ vào dịp cuối năm, như những năm qua. Theo chương trình mới công bố, Linh mục Vũ sẽ chọn cách đi thăm viếng các thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa.

Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn khai trương phòng Công lý và Hòa Bình vào ngày 24/3/2013 tại khu nhà Hiệp nhất B của Nhà Dòng, nơi tổ chức Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa.

Ủy ban Công lý và Hòa bình là một tổ chức trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam được thành lập vào năm 2010, có nhiệm vụ cổ vũ công lý và hòa bình tại Việt Nam theo đường hướng và mô hình Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình của Giáo hội Công giáo Hoàn vũ nhưng thích ứng với điều kiện văn hóa và xã hội ở Việt Nam.

Linh mục Phạm Trung Thành nguyên linh mục Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế, hôm 19/9, kể lại với RFA về việc hình thành Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn :

"Trong quá khứ, vào năm 2012, chúng tôi tiếp nhận danh sách hơn 140 thương phế binh- Việt Nam Cộng Hòa từ Hòa thượng Thích Không Tánh vì hoàn cảnh của Chùa Liên Trì không thể tiếp tục chương trình này. Lúc đó, Cha bề trên nhà Sài Gòn Giuse Hồ Đắc Tâm và Cha phụ trách Phòng công lý Hòa Bình Giuse Đinh Hữu Thoại có xin ý kiến tôi tiếp nhận, tôi thấy không có gì trở ngại để nâng đỡ những con người đó vì mục đích của Hội đoàn chúng tôi là chia sẻ với những người nghèo và bị bỏ rơi… và từ đó chương trình hoạt động cho đến tháng năm vừa rồi. Con số thương phế binh đến với chương trình ngày càng nhiều, cho đến năm cuối cùng là gần 7 ngàn. Chúng tôi phục vụ cho tất cả các anh thương phế binh từ Quảng Trị trở vào, duy nhất có một anh lấy vợ ở Nghệ An và sống ở đó".

Linh mục Phạm Trung Thành cho biết, khi đó, vì khả năng giới hạn, nên khi các anh em thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa đến thì Dòng Chúa Cứu Thế tiếp nhận, phó thác vào Thiên Chúa qua đóng góp của các nhà hảo tâm. Ông cho biết cứ làm thôi, nhiều khi tưởng không có tiền thì tự nhiên có người đến giúp, và chương trình càng ngày càng mở rộng, từ hơn 100 người lên 400 người rồi hơn 6 ngàn người, cứ như một giấc mơ trong vòng vài năm.

Đến khi về hưu vào năm 2015, Linh mục Phạm Trung Thành vẫn là người tha thiết với chương trình và vẫn giúp đỡ. Ông nói tiếp :

"Nhưng vào những tháng cuối thì có hiện tượng các Cha phụ trách chương trình (tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa - pv) bị đổi đi các đoàn khác hết, tôi xin nói thêm là các thầy tu đổi đi là một chuyện không phải là bất bình thường. Cuối cùng, vào tháng 5 năm 2019, tôi nhận được thông báo của Cha Lê Xuân Lộc, người còn lại duy nhất của chương trình, ngài thông tin rằng, bề trên mới thông báo tạm ngưng chương trình. Bề trên mới thông báo sẽ tiếp tục chương trình thương phế binh nhưng với nhân sự mới và cách thức mới".

phebinh2

Những thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa trong một buổi nhận tiền từ thiện tại chùa Liên Trì, Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/4/2015. AFP photo

Vào ngày 20 tháng 05 năm 2019, Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa đã khép lại tại Dòng Chúa Cứu Thế, qua việc thuyên chuyển vị trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình thuộc Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn là Linh mục Lê Ngọc Thanh từ Sài Gòn về Giáo phận Long Xuyên, thuộc Nhà Vĩnh Long, Linh mục Trương Hoàng Vũ, thủ quỹ Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa thôi làm thành viên Nhà Sài Gòn để về làm thành viên Nhà Cần Giờ. Trước đó, Linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, được thuyên chuyển ra Quảng Nam.

Sau đó Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã thay đổi tên gọi của "Phòng Công lý và Hòa bình" thành "Phòng Phát triển con người toàn diện". Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa cũng bị đổi tên thành Chương trình trợ giúp thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, theo ghi nhận của RFA, cho đến nay, ngoài việc tiếp nhận hồ sơ, "Phòng Phát triển con người toàn diện" vẫn chưa bắt đầu Chương trình trợ giúp thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa.

Hôm 19/9/2019 RFA liên lạc Linh mục Giuse Nguyễn Ngọc Bích, hiện là linh mục Giám tỉnh của Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, tuy nhiên ông không đồng ý trả lời.

Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết thêm :

"Theo tôi được biết, Cha bề trên mới ở Sài Gòn khi tiếp nhận công việc có hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các ông thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, theo cái cách của Cha bề trên mới ở Sài Gòn, nhưng đến thời điểm này, Cha vẫn chưa khởi động chương trình. Hy vọng là thời gian tới Cộng đoàn Sài Gòn sẽ khởi động lại chương trình thương phế binh".

Tùy vào nguồn hỗ trợ, tùy hoàn cảnh các thương phế binh, Linh mục Giuse Trương Hoàng Vũ cho biết có thể trao quà hay hỗ trợ tức thời. Ông nói tiếp :

"Mong quý vị ân nhân xa gần tiếp tục tin tưởng chúng tôi trong chương trình cũ, mang tên cũ, đó là Chương trình Tri ân thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa. Trong thông báo mới, quý vị có thể đọc rõ tin thần của chúng tôi, ngoài vật chất, đây là chương trình hỗ trợ tinh thần, nó mang ý nghĩa nặng hơn, sâu hơn. Vì các ông thương phế binh- Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh một phần thân thể của mình để bảo vệ cho người dân miền Nam Việt Nam, chúng tôi nghĩ mình chịu ơn họ".

Trao đổi với RFA hôm 19/9 từ Quảng Nam, Linh mục Đinh Hữu Thoại, tiền nhiệm trưởng văn phòng Công lý và Hòa bình, Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn nhận định, công việc sắp tới của Cha Tâm với Cha Vũ ở Cộng đoàn Cần Giờ, sẽ khó khăn và vất vả hơn khi thực hiện Chương trình Tri ân thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa ở Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn trước đây :

"Cộng đoàn Cần Giờ thì kỳ này gánh nặng hơn trước đây, vì về địa lý khó khăn đi lại cho các ông, cơ sở thì không bằng Kỳ Đồng nên sẽ gặp nhiều khó khăn, còn nằm trong tương lai, chưa biết sẽ tổ chức cụ thể như thế nào ? Nhưng thông báo để cho các ông yên tâm là vẫn tiếp tục chương trình, không có bỏ rơi các ông, không thay đổi tinh thần. Vì thông báo của Kỳ Đồng vừa rồi thấy thay đổi tinh thần từ tri ân sang trợ giúp, cho nên không có liên tục được chương trình trước đây, cho nên Cha Tâm với Cha Vũ muốn tiếp tục làm".

Theo Linh mục Đinh Hữu Thoại, vấn đề vật chất không phải là chính, quan trọng là thái độ mình tiếp đón các thương phế binh-Việt Nam Cộng Hòa như thế nào. Trên thực tế, tiền hỗ trợ nếu không có thì họ vẫn sống. Cho nên ông cho biết rất mừng cho các ông thương phế binh khi Cộng đoàn Cần Giờ thực hiện Chương trình Tri ân này.

*******************

Buổi tọa đàm "Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế" bị lùi lại sau ngày Quốc khánh Trung Quốc (RFA, 20/09/2019)

Buổi tọa đàm khoa học "Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế" được Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Institute for Research on Policy, Law and Development - PLD Vietnam, viết tắt là Viện PLD), trực thuộc Liên Hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (Vietnam Union of Science and Technology Associations  - VUSTA) dự định tổ chức vào sáng ngày 22/9/2019 tại Hà Nội vừa bị hoãn đến sau ngày 5/10/2019.

phebinh3

Bản đồ Bãi Tư Chính - Ảnh chụp màn hình internet

Công văn thông báo do Viện trưởng Viện PLD Hoàng Ngọc Giao ký hôm 20/9 cho biết viện đã nhận được công văn của Liên hiệp hội (cơ quan chủ quản) yêu cầu lùi ngày tổ chức tọa đàm. Lý do được công bố là : "Theo chỉ đạo của cơ quan chức năng, để có thời gian chuẩn bị và tọa đàm tốt hơn, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam có yêu cầu Viện nghiên cứu chính sách Pháp luật và Phát triển lùi thời gian tọa đàm trên sau ngày 5/10/2019".

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, người được mời dự tọa đàm nhận định với RFA về lý do khác có thể liên quan đến việc lùi ngày tổ chức.

"Tôi nghĩ có lẽ các cơ quan chức năng Việt Nam ngại buổi tọa đàm này diễn ra trước ngày quốc khánh của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10) thì sẽ mất đi tình hữu nghị, mất đi cái đại cục giữa Việt Nam và Trung Quốc".

Ông Đinh Kim Phúc cho biết ông đã phải hủy vé máy bay vào sáng ngày 20/9 vì thông báo mới.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có những căng thẳng trong thời gian khoảng 3 tháng gần đây khi Trung Quốc điều tàu hải cảnh và khảo sát vào khu vực Bãi Tư Chính nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam từ giữa tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua. Các tàu hải cảnh của Trung Quốc đã quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam tại bãi này.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ba lần lên tiếng yêu cầu Trung Quốc phải rút toàn bộ tàu khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, vào ngày 18/9 vừa qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã chính thức lên tiếng khẳng định Bãi Tư Chính là thuộc chủ quyền của Trung Quốc, đồng thời yêu cầu Hà Nội dừng ngay các hoạt động khai thác dầu khí ở khu vực này.

Học giả Đinh Kim Phúc cũng hy vọng tọa đàm được tổ chức để đáp ững nhu cầu của người dân bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề căng thẳng Biển Đông với Trung Quốc :

"Tôi hy vọng với chủ đề "Vùng biển bãi Tư chính và Luật pháp Quốc tế" là tiếng nói của Xã hội dân sự Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam sẽ góp phần hiến kế cũng như bày tỏ nguyện vọng, chính kiến của nhân dân và giới trí thức Việt Nam để đảng và Nhà nước có cơ sở vững chắc để đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông cũng như cách hành xử trong chính sách ngoại giao của mình".

*****************

Tạc phù điêu trên vách núi Bà Hỏa : Phản cảm và không thiết thực (RFA, 19/09/2019)

Không phù hợp về nhiều mặt

Tỉnh Bình Định dự kiến chi hơn 86 tỷ đồng để tạc bức phù điêu "Lạc Long Quân - Âu Cơ" và cội nguồn đại đoàn kết dân tộc vào vách núi Bà Hỏa ở cửa ngõ TP Quy Nhơn với chiều dài 81m, cao 35m và hệ thống sân vườn, cảnh quan kiến trúc phụ trợ khoảng 3.000m2.

phebinh4

Bức phù điêu có tổng chiều dài 81,5m được điêu khắc vào vách núi với chủ đề "Lạc Long Quân - Âu Cơ và cội nguồn sức mạnh đại đoàn kết dân tộc".

Theo kế hoạch, để tạc bức phù điêu trực tiếp vào vách núi thì phải cắt sâu vào núi khoảng 25m, tạo một mặt phẳng đứng. Phần mặt phẳng nằm tạo thành sân quảng trường để làm nơi sinh hoạt cộng đồng.

Bức phù điêu được cho biết sẽ khắc họa ba lớp nhân vật. Lớp thứ nhất ở giữa, khắc họa hình tượng cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ khoác áo choàng, đầu đội mũ lông chim. Sau lưng, dưới chân là những lớp mây gợi lại huyền sử về dòng dõi Rồng Tiên.

Lớp thứ hai nằm hai bên lớp thứ nhất, là hình ảnh 18 đời vua Hùng với dáng đứng uy nghi, hai tay chắp ngang ngực, cung kính lắng nghe lời căn dặn của cha mẹ.

Lớp thứ ba đại diện cho 54 dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc khắc họa một người nam và một người nữ cùng với trang phục truyền thống, nắm chặt tay nhau thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.

Dự án tạc bức phù điêu này đang gây nhiều tranh cãi trong dư luận bởi hai vấn đề chính liên quan đến văn hóa và kinh tế.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện - chuyên ngành Hán Nôm - lên tiếng rằng việc các tỉnh muốn làm tượng đài hoành tráng, những bức phù điêu hoặc những bức tượng to là ý muốn của các quan chức lãnh đạo. Riêng đối với tỉnh Bình Định, tiến sĩ Diện cho rằng :

"Thứ nhất là phải bạt núi đi để làm, thu hút sự chú ý của người dân vào đấy thì về bên khoa học giao thông là người ta hết sức tránh.

Thứ hai, ai cũng biết truyền thuyết Lạc Long Quân - Âu Cơ là huyền thoại về tổ của người Kinh người Việt. Còn tại tỉnh Bình Định vốn là đất cũ của Chiêm thành ngày xưa thì bức phù điêu này sẽ không phù hợp, nó xa lạ với tâm thức dân gian ở đây.

Thứ ba là chi phí quá lớn mà ngay cả dư luận người dân trong tỉnh họ cũng không đồng ý".

Vách núi Bà Hỏa nằm sát bên nút giao nhau của bốn tuyến phố Trần Hưng Đạo với Võ Nguyên Giáp, Đống Đa, Nguyễn Tất Thành, có mật độ dân cư đông đúc. Việc tạc phù điêu vào vách núi sát nhiều tuyến đường giao nhau sẽ rất nguy hiểm trong giao thông, rất dễ xảy ra tai nạn khi người đi đường bị chi phối tầm nhìn vào bức phù điêu.

Trả lời với truyền thông trong nước chiều 14/9, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định cho biết, "Dự án tạc tượng vẫn đang nằm trong kế hoạch, chưa triển khai vì còn phải lấy ý kiến của nhân dân. Bình Định là tỉnh đang phát triển, làm sao cho phù hợp đô thị và dân đồng ý".

Về việc này, bà Kim Lan, một người dân Bình Định nói với RFA rằng :

"Bây giờ cộng sản nó muốn là nó làm, chớ nó không làm thì lấy gì nó ‘ăn’ ! Không ai nói được đâu. Nó có hỏi ý kiến dân đâu. Dân thì không có ăn, khổ cực quá mà tiền thì nó phung phí, nó làm hết cái này tới cái kia để nó bỏ túi".

Theo bà Lan, nhà nước nên dùng số tiền 86 tỷ đồng này vào những việc thiết thực, có lợi cho dân như đầu tư vào bệnh viện hay trường học, chứ xây tượng đài hay phù điêu thì chỉ quan chức "hưởng". Bà cho biết nơi bà ở không có bệnh viện mà chỉ có trạm xá. Nếu bệnh nặng mà không có tiền lên bệnh viện tỉnh thì chỉ có nước nằm chờ chết. Còn trường học thì quá xa nhà, học trò thì phải đóng đủ thứ tiền. Tới trường thì được dạy qua loa để học sinh phải đi học thêm.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cũng có suy nghĩ khi cho rằng, cho dù trong 86 tỷ đồng ấy có thể có nguồn tiền xã hội hóa, nhưng tỉnh Bình Định không thiếu những việc để làm có ý nghĩa cho quốc kế dân sinh. Không thể vung tay làm một công trình quá tốn kém và không mang lại nguồn lợi về mặt kinh tế cũng như văn hóa cho người dân.

Vì sao quá nhiều tượng đài ?

Không chỉ tỉnh Bình Định đưa ra một dự án hàng chục tỷ đồng như thế, mà một tỉnh được cho là nghèo nhất nhì nước như Sơn La cũng từng có dự án tượng đài Bác Hồ 1.400 tỷ, gây nên làn sóng phản đối mạnh mẽ trong công chúng vào năm 2015.

Đây được cho là một trong 14 tượng đài Bác Hồ trong đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa ra năm 2015.

Tuy nhiên, thời điểm đó, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Lý luận và Ứng dụng thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh lại có nhận định với RFA :

"Cùng với việc xây dựng kinh tế thì văn hóa cũng phải được phát triển và văn hóa có nhiều khía cạnh…

Bởi vì làm kinh tế cuối cùng để nâng hạnh phúc đời sống cho con người, cho nên việc đồng thời xây dựng kinh tế thì xây dựng văn hóa, xây dựng cái này cái khác là cần thiết. Tất nhiên tượng đài cũng cần nhưng có mức độ thôi, nghĩa là quy hoạch như thế nào chứ không phải xây dựng tràn lan".

Năm 2018, tỉnh Quảng Bình cũng có dự án xây dựng tượng đài Hồ Chí Minh với số tiền gần 79 tỷ đồng. Với tượng đài mẹ VNAH tại Quảng Nam với chi phí 411 tỷ đồng cũng là một dự án gây nhiều tranh cãi.

Vì sao mà các tỉnh lại cứ phải làm phù điêu, làm những tượng đài hoành tráng như thế ?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện thì đấy là những dự án lớn không gặp khó khăn về mặt ngân sách vì nó có ý nghĩa chính trị. Khi người ta định làm tượng ông Hồ Chí Minh chẳng hạn, thì nếu người nào phản đối sẽ dễ bị quy chụp "chuyện nọ chuyện kia" :

"Tượng Hồ Chí Minh, tượng các phong trào cách mạng hay hình tượng công nhân, hay hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ thì nó rất dễ thuyết phục, rất dễ kiếm dự án và rất dễ kiếm tiền".

Ông Diện kể thêm rằng, năm 2014, lãnh đạo tỉnh Bình Định định xây dựng lại, phục hồi lại hoàn toàn công đường quan huyện huyện Bình Khê thời nhà Nguyễn với chi phí 50 tỷ đồng với lý do đấy là nơi ông Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, tức ông Nguyễn Sinh Sắc, đã từng làm Tri huyện ở đấy. Mà ông Nguyễn Sinh Sắc là thân phụ của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Người ta tưởng dựng lại để ghi lại kỷ niệm về cuộc đời và thân thế của cụ Nguyễn Sinh Huy là một điều vinh dự và ghê gớm lắm, nhưng họ không biết rằng trong lịch sử thì chỉ ghi chép rằng ông Nguyễn Sinh Huy, tức Nguyễn Sinh Sắc, về làm quan huyện ở Bình Khê, ngồi ở ghế tri huyện chỉ có gần 8 tháng mà thôi !".

Quay lại dự án bức phù điêu tạc vào núi, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện nói thêm về mặt cảnh quan, môi trường bên cạnh yếu tố văn hóa và kinh tế mà ông đã phân tích, rằng khi nhìn trên đồ án thì ông thấy bản thân núi đó đã đẹp rồi. Màu của núi xanh như ngọc, nằm ưỡn vào lòng thành phố rất đẹp. Vì sao phải vạt núi đi, tức là phải can thiệp vào môi trường thiên nhiên ?

Quay lại trang chủ
Read 527 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)