Việt Nam lên tiếng vụ 9 người trong đoàn chủ tịch quốc hội trốn ở lại Hàn Quốc (RFA, 25/10/2019)
Người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc vào ngày 25/9 được truyền thông trong nước dẫn lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc "không thuộc thành phần đoàn ngoại giao" và chỉ "đi nhờ máy bay".
Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Screen capture
Phát biểu vừa nêu của ông tổng thư ký quốc hội Việt Nam khóa 14 được đưa ra sau vài ngày giữ im lặng hoàn toàn về vụ việc. Truyền thông Việt Nam hôm 25/9 bất ngờ dẫn phát ngôn của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, người phát ngôn của Quốc hội : "Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Số người bỏ trốn nêu trên thuộc thành phần của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc".
"Sự kiện này do Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tổ chức. Những người bỏ trốn không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao".
"Trong quá trình chuẩn bị phục vụ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Quốc hội đến Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức diễn đàn nêu trên có liên hệ cho đoàn của họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính thức. Hiện lãnh đạo Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp các bên có liên quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Tuy vậy, truyền thông Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người "đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân" và tại sao những người này có được "đặc quyền" đó.
Hơn 10 tháng sau khi phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7/12/2018.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc sau đó xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, có chín người nhập cư bất hợp pháp, hai trong số họ đã trở về nước, bảy người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Liên quan đến vụ này, ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, nói với RFA : "Phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn đại biểu Quốc hội thì vị nào chuyên về việc đó thì đi".
"Theo tôi biết thì trước kia chưa có ai trong đoàn Quốc hội trốn cả, các đoàn kinh tế bình thường thì hồi xưa, hàng chục năm trước cũng có, các đoàn công tác thì cũng có người ở lại, nhưng rất là hạn hữu. Còn đoàn của Quốc hội đi nước ngoài thì tôi chưa thấy trốn bao giờ".
Theo tin Thông tấn xã Việt Nam đăng tải hồi tháng 12/ 2018, chuyến thăm Hàn Quốc của đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam "có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới".
Theo Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, Quốc hội Hàn Quốc "đã không thông báo cho phía Việt Nam biết về việc chín người Việt Nam bỏ trốn, cũng như đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra, hay yêu cầu đảm bảo tránh sự việc tương tự tái diễn trong tương lai".
*******************
Đi theo bà Kim Ngân rồi trốn ở Hàn Quốc : Việt Nam ‘đang điều tra’ (BBC, 25/09/2019)
Các quan chức cao cấp của Việt Nam thừa nhận họ đã biết từ trước về việc 9 người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc khi đi cùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đoàn doanh nghiệp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tham dự buổi họp.
Vụ bỏ trốn hy hữu xảy ra khi bà Kim Ngân dẫn đoàn thăm Hàn Quốc từ 4 đến 7/12/2018, nhưng chỉ mới được truyền thông Hàn Quốc công bố hôm 23/9.
Ngày 25/9, phản ứng về tin của báo Hàn Quốc, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng xác nhận vụ việc có thật.
Theo trang VietnamNet, ông Chí Dũng cho biết bộ của ông khi đó được giao tổ chức các đoàn doanh nghiệp tháp tùng lãnh đạo trong các chuyến thăm và làm việc tại các nước cũng như tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại ở nước ngoài.
Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư 'rất buồn'
"Chúng tôi đã tổ chức hàng trăm cuộc như thế, chẳng may có một cuộc có một số trường hợp trốn lại rất là đáng tiếc. Chúng tôi cũng buồn lắm", Bộ trưởng KH-ĐT nói với báo Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc lập danh sách các doanh nghiệp đi cùng lãnh đạo là do bộ này thành lập thông qua các hiệp hội thông báo cho các doanh nghiệp có nhu cầu.
"Chúng tôi xét duyệt, xem xét từng trường hợp tham gia. Trong quá trình đó, có thể sơ suất, ai đó lợi dụng sang đó rồi bỏ trốn. Chúng tôi giữ cả hộ chiếu mà họ còn bỏ trốn. Đây là những nhân vật có ý đồ, cố tình, là sự việc đáng tiếc", ông Dũng nói.
Ông Dũng nói thêm : "Chúng tôi đã tích cực phối hợp tìm kiếm nhưng quan trọng nhất là rút ra bài học kinh nghiệm sắp tới làm chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên, nếu làm chặt quá thì doanh nghiệp lại kêu không tạo điều kiện cho họ".
Trên trang chính thức của Quốc hội Việt Nam ngày 25/9, Tổng Thư ký Quốc hội Việt Nam Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Văn phòng Quốc hội Việt Nam đang phối hợp với các bên liên quan để tiếp tục xác minh, xử lý.
Thông cáo của Quốc hội nói : "Theo những thông tin ban đầu thì đây là vụ việc liên quan đến những người tham gia Đoàn các doanh nghiệp Việt Nam dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc phối hợp tổ chức, không thuộc thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam".
Quốc hội làm việc với Bộ Công an
Thông cáo nói tiếp : "Thị thực nhập cảnh cấp cho những người này là để đi dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại Việt Nam - Hàn Quốc chứ không phải thị thực ngoại giao, tham dự thành phần Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam".
"Để thuận tiện cho việc tham dự Diễn đàn, Đoàn doanh nghiệp này đã đi nhờ chuyên cơ của Đoàn công tác của Quốc hội Việt Nam. Trước khi Đoàn này về nước, các cơ quan hữu quan đã phát hiện có 09 người bỏ trốn, cố ý ở lại Hàn Quốc trái pháp luật".
Văn bản của Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên xác nhận rằng ngay khi vụ bỏ trốn được phát hiện, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản trao đổi với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao để phối hợp Đại sứ quán Việt Nam ở Hàn Quốc và các cơ quan chức năng của Hàn Quốc để tìm đưa những người này trở về Việt Nam.
Nhưng đến nay chỉ mới có hai người được đưa về Việt Nam.
****************
9 người trong đoàn của Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ trốn ở Hàn Quốc (VOA, 24/09/2019)
Nhiều tháng sau khi phái đoàn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm và làm việc tại Hàn Quốc, truyền thông nước này phát hiện ra 9 trong số những quan chức của đoàn Việt Nam đã trốn ở lại trái phép.
Hình ảnh Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và phái đoàn Việt Nam trong một buổi làm việc tại Hàn Quốc hồi tháng 12/2018 trong phóng sự điều tra của MBC News.
MBC News hôm 23/9 cho biết trong phái đoàn gồm hơn 160 người đi theo bà Ngân đến thăm Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà, Moon Hee-san, 9 người đã không quay trở lại Việt Nam sau khi kết thúc 4 ngày làm việc.
Trong thời gian làm việc ở Hàn Quốc, phái đoàn Việt Nam, trong đó có 20 bộ trưởng cao cấp, gồm cả bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trong phóng sự hình ảnh của MBC News, đã tham dự Diễn đàn Đầu tư và Thương mại.
Toàn bộ phái đoàn Việt Nam đến sân bay Gimhae ở Busan bằng một chuyên cơ của Vietnam Airlines. Theo truyền thông Việt Nam, bà Ngân và đoàn tùy tùng sau khi làm việc tại Busan đã tới Seoul, nơi bà có cuộc gặp với Tổng thống Moon Jae-in.
Chính phủ Hàn Quốc đã không biết về sự "biến mất" của những thành viên đoàn Việt Nam cho tới khi một trong số những người ở lại trái phép xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm nay và tự nguyện xin trở về Việt Nam, theo thông tin của văn phòng chính phủ và Bộ Ngoại giao Hàn Quốc được MK News trích dẫn.
Một người khác trong số 9 người ở lại trái phép đã bị buộc phải trở lại Việt Nam, theo 2 hãng tin của Hàn Quốc. Bảy người còn lại hiện không rõ tung tích.
Theo điều tra của MBC News, những người bỏ trốn đã móc nối với các đường dây trung gian để hợp thức hóa hồ sơ và đưa tên vào danh sách chuyến đi.
Trong phóng sự độc quyền của MBC News, phóng viên Na Se-woong đặt câu hỏi với một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc về việc liệu những người này đã đến Hàn Quốc với mục đích ở lại Hàn Quốc trái phép ngay từ đầu hay không. Quan chức này nói rằng "có vẻ là như vậy" và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.
Quốc hội Hàn Quốc đã không thông báo cho phía Việt Nam biết về vụ việc và Bộ Ngoại giao nước này đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra cũng như không thể đảm bảo tránh cho một sự việc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
Việt Nam là nhà nhập khẩu lớn thứ 3 của Hàn Quốc và là đối tác quan trọng nhất của nước này trong Chính sách Hướng Nam.
Cho tới lúc này, Việt Nam vẫn chưa lên tiếng về thông tin các thành viên trong phái đoàn Việt Nam bỏ trốn ở Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam không ngay lập tức trả lời VOA về việc liệu Việt Nam có tiến hành điều tra về vụ việc này hay không.
Việc người Việt Nam đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại đã từng xảy ra. Có các quan chức người Việt đi công tác ở Châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam. Hồi năm ngoái, 152 người Việt đi du lịch ở Đài Loan và đã ‘mất tích’ ở đó.
Hàn Quốc hồi tháng 6 vừa qua đã thay đổi chính sách cấp visa 5 năm cho những người Việt Nam sống ở các thành phố lớn do sự tăng đột biến của những hồ sơ xin thị thực có hộ khẩu giả cũng như lượng người có visa 5 năm đã ở lại Hàn Quốc quá hạn.
***************
9 người trong đoàn Đại biểu quốc hội bỏ trốn tại Hàn Quốc : Thể diện quốc gia ở đâu ? (RFA, 24/09/2019)
Hơn 10 tháng sau khi phái đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam sang thăm và làm việc tại Hàn Quốc do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu, Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc mới loan tin cho biết 9 trong số 160 người đi theo đoàn đã không quay trở lại Việt Nam sau chuyến thăm từ ngày 4 đến ngày 7 tháng 12 năm 2018.
Ảnh chụp màn hình Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, hôm 23/9/2019 đưa tin về người Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc. Screen capture
Tin cho biết, phái đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam sang Hàn Quốc theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang. Ngoài Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, còn có 20 quan chức cấp cao là các Bộ trưởng và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo Hãng tin MK News, chính phủ Hàn Quốc đã không biết gì về việc 9 thành viên trong đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam bỏ trốn cho tới khi một người trong số đã bỏ trốn xuất hiện ở sân bay hồi đầu năm 2019 và xin trở về Việt Nam thì vụ việc mới được vỡ lẽ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc khi trả lời phóng viên BBC tiếng Hàn hôm 24/9/2019 cho biết đã xác nhận với Bộ Tư pháp Hàn Quốc rằng, trong chuyến thăm của phái đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam, có 9 người nhập cư bất hợp pháp, 2 trong số họ đã trở về nước, 7 người vẫn còn đang ở bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Bộ Ngoại giao sẽ có hành động tiếp theo dựa trên cuộc điều tra của Bộ Tư pháp, và dựa trên mối quan hệ Việt - Hàn và mối quan hệ liên Triều để tìm hiểu tiếp về vụ việc.
Hiện tại Chính phủ Việt Nam cũng như báo chí nhà nước chưa lên tiếng về việc này.
Quy trình nhân sự của QH có vấn đề
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, không bàn về vụ việc 9 người trong đoàn Đại biểu quốc hội trốn ở lại bất hợp pháp tại Hàn Quốc, tuy nhiên ông cho RFA biết thông tin liên quan việc tổ chức đi nước ngoài của Quốc hội, vào 24/9 :
"Hàng năm, theo yêu cầu xây dựng pháp luật hay học tập kinh nghiệm về hoạt động Quốc hội, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội có xem xét quyết định các đoàn ra nước ngoài, số lượng thì tùy theo nguồn kinh phí hàng năm của các cơ quan thuộc Quốc hội".
Để tìm hiểu về quy định nhân sự khi theo đoàn Đại biểu quốc hội ra nước ngoài, RFA liên lạc ông Nguyễn Việt Thắng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021, thuộc đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, và được ông cho biết như sau :
"Có quy định gì đâu, các đoàn Quốc hội muốn đi thì phải có kế hoạch, đi đâu thì phải được nơi đấy mời hoặc mình đặt vấn đề nơi ấy có mời không ? Tham quan việc gì, nội dung gì, phải phụ thuộc vào đoàn đấy và nơi tiếp đón thỏa thuận với nhau. Đoàn đi thì chủ yếu từng công việc thì có từng cái nhóm, tại vì Quốc hội có nhiều vấn đề, học tập kinh nghiệm cũng có, trao đổi kinh nghiệm nhiều việc cũng có, hoặc quan hệ quốc tế giữa các Quốc hội hoặc Nghị viện với nhau. Có nhiều loại khác nhau, nhiều cấp khác nhau và nhiều nội dung khác nhau".
Đây không phải là lần đầu xảy ra việc công dân Việt Nam, hay quan chức đi công tác và tham quan nước ngoài rồi bỏ trốn ở lại, trước đây đã từng xảy ra chuyện các quan chức người Việt đi công tác ở Châu Âu đã không quay trở lại Việt Nam. Hay vụ ông Trần Ngọc Phi Long, phó trưởng Phòng Hợp tác quốc tế của Sở Ngoại vụ Thành phố Cần Thơ, được cử đi công tác tại Mỹ đã trốn ở lại quốc gia này. Tuy nhiên, vụ đi theo đoàn ngoại giao do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu thì đây là trường hợp đầu tiên.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, cũng khẳng định đây là lần đầu tiên xảy ra chuyện trốn ở lại nước ngoài của đoàn Đại biểu quốc hội :
"Trong thời gian tôi làm việc ở Văn phòng Quốc hội Việt Nam thì không xảy ra trường hợp như thế, không xảy ra chuyện phái đoàn Quốc hội đi nước ngoài rồi trốn ở lại. Chưa từng xảy ra".
Theo ông Lê Văn Cuông thì, trong đoàn đi nước ngoài của Quốc hội lúc trước thường chỉ có các Đại biểu quốc hội, hay cùng lắm có một số người liên quan dự án xây dựng luật hay công việc của quốc hội thì được cử đi, chứ người nhà hay quen thân thì không được tham gia. Ông nói tiếp :
"Các Đại biểu quốc hội là những người được chọn lựa, dân bầu tín nhiệm, và sự quản lý cũng chặt chẽ, cho nên các Đại biểu quốc hội này rất nghiêm túc thực hiện các quy định, nên tôi không thấy trường hợp nào ra nước ngoài mà trốn ở lại. Còn phía dân sự thì nhiều, đi nước ngoài trốn ở lại cũng rất nhiều, còn Đại biểu quốc hội thì cho đến nay tôi chưa thấy trường hợp nào trốn làm ảnh hưởng quốc thể như vậy".
Vậy vì sao những người bỏ trốn này có thể đi cùng đoàn Đại biểu Quốc hội ra nước ngoài ?
Một quan chức của Quốc hội Hàn Quốc khi trả lời phóng viên Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc về câu hỏi, liệu những người bỏ trốn đã đến Hàn Quốc với mục đích từ đầu như vậy hay không. Quan chức này nói rằng ‘có vẻ là như vậy’ và cho biết ông không biết liệu những người này có quan hệ thế nào với các quan chức trong đoàn làm việc của Quốc hội Việt Nam.
Theo Đại biểu quốc hội Nguyễn Việt Thắng, phải tùy thuộc công việc, nếu nội dung có liên quan công nghiệp thực phẩm, thì Đoàn Quốc hội cũng phải có một vài chuyên gia đi kèm am hiểu công nghiệp thực phẩm, hay một vài doanh nghiệp nào đó đi kèm, để trao đổi với nhau. Hay đi về phòng chống thiên tai thì phải có chuyên gia phòng chống thiên tai. Còn Đại biểu quốc hội thì vị nào chuyên về việc đó thì đi. Ông nói tiếp :
"Theo tôi biết thì trước kia chưa có ai trong Đoàn Quốc hội trốn cả, các đoàn kinh tế bình thường thì hồi xưa, hàng chục năm trước cũng có, các đoàn công tác thì cũng có người ở lại, nhưng rất là hạn hữu. Còn đoàn của Quốc hội đi nước ngoài thì tôi chưa thấy trốn bao giờ".
Về thông tin 9 người đi theo đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn ở lại Hàn Quốc hồi tháng 12 năm 2018, ông Thắng cho biết :
"Cái đấy tôi không nghe tin, tôi không nắm được thông tin đấy".
Xử lý thế nào ?
Khi trả lời báo chí trong nước trước đây, ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Nội vụ cho biết, các quy định hiện hành rất khó xử lý đối với những trường hợp cán bộ bỏ trốn, ở lại nước ngoài.
Ông Lê Văn Cuông cho biết, trong quy định về quy chế hoạt động của Đại biểu quốc hội có đề cập rất rõ quyền và trách nhiệm cũng như chế tài xử lý vi phạm. Còn các chuyên gia, doanh nhân đi kèm Đại biểu quốc hội nếu vi phạm cũng căn cứ vào pháp luật Việt Nam, tùy theo mức độ nặng nhẹ, các cơ quan chức năng sẽ xem xét có chế tài xử lý. Vấn đề này, pháp luật Việt Nam rất minh bạch, kể cả phạm tội ra nước ngoài thì phát lệnh truy nã quốc tế.
Theo tin TTXVN đăng tải hồi tháng 12 năm 2018, chuyến thăm Hàn Quốc của Đoàn Đại biểu quốc hội Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự coi trọng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc và mong muốn phát triển mối quan hệ lên tầm cao mới.
Theo Đài truyền hình MBC của Hàn Quốc, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông báo cho phía Việt Nam biết về việc 9 người Việt Nam bỏ trốn, cũng như đã không yêu cầu Việt Nam tiến hành điều tra, hay yêu cầu đảm bảo tránh sự việc tương tự sẽ xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, với sự vụ vỡ lẽ như trên, dư luận trong nước rất bức xúc, Nhiều người mong muốn Chủ tịch Quốc hội lên tiếng về vấn đề, chịu trách nhiệm về vấn đề này. Thậm chí, Chính phủ Việt Nam phải điều tra rõ những cá nhân, tổ chức nào đã trục lợi trên danh nghĩa Quốc hội –làm mất thể diện quốc gia, chà đạp quốc thể !
---
Cho đến ngày 25/9, người phát ngôn của Quốc hội Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc mới đưa ra lời giải thích rằng những người bỏ trốn ở lại Hàn Quốc "không thuộc thành phần đoàn ngoại giao" và chỉ "đi nhờ máy bay".
Phát biểu vừa nêu của ông tổng thư ký quốc hội Việt Nam khóa 14 được đưa ra sau vài ngày giữ im lặng hoàn toàn về vụ việc. Truyền thông Việt Nam hôm 25/9 bất ngờ dẫn phát ngôn của ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng thư ký, người phát ngôn của Quốc hội : "Đây là một sự việc rất đáng tiếc. Số người bỏ trốn nêu trên thuộc thành phần của đoàn tham gia sự kiện diễn đàn Đầu tư và thương mại Việt Nam - Hàn Quốc".
"Sự kiện này do Bộ Kế hoạch - đầu tư, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Phòng thương mại và công nghiệp Hàn Quốc tổ chức. Những người bỏ trốn không thuộc thành phần đoàn ngoại giao của Quốc hội Việt Nam và không được cấp visa ngoại giao".
"Trong quá trình chuẩn bị phục vụ chuyến thăm chính thức của chủ tịch Quốc hội đến Hàn Quốc, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức diễn đàn nêu trên có liên hệ cho đoàn của họ đi nhờ máy bay chở chủ tịch Quốc hội và chúng tôi đã đồng ý. Những người này không thuộc thành phần đoàn thăm chính thức. Hiện lãnh đạo Quốc hội đã đề nghị Bộ Công an phối hợp các bên có liên quan điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật".
Tuy vậy, truyền thông Việt Nam không cho biết thêm chi tiết về danh tính và nghề nghiệp của những người "đi nhờ máy bay của bà Nguyễn Thị Kim Ngân" và tại sao những người này có được "đặc quyền" đó.
*********************
Chín thành viên trong đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn tại Nam Hàn (Người Việt, 24/09/2019)
Chín người trong đoàn Quốc hội Việt Nam do bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội dẫn đầu, đã bỏ trốn bất hợp pháp tại Nam Hàn. Sự việc xảy ra hồi tháng Mười Hai năm ngoái nhưng nay truyền thông Nam Hàn mới loan tin.
MBC News tiếng Hàn tiết lộ vụ các thành viên đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn. (Hình : Chụp qua màn hình)
Tối ngày 23/09/2019, tờ MBC News tiếng Hàn, cho hay "vào đầu tháng 12/2018, đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Việt Nam do bà Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã có chuyến thăm chính thức 4 ngày tại Nam Hàn, theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Nam Hàn là ông Moon Hee-sang".
Đoàn này có tổng cộng 162 người, trong đó có 20 bộ trưởng và thứ trưởng đi riêng một máy bay của Vietnam Airlines.
Theo lịch trình, đoàn đáp xuống phi trường Gimhae (Busan), sau khi làm việc tại Bunsan tiếp tục đến Seoul để gặp mặt với Quốc hội Nam Hàn, hội kiến Tổng thống Moon Jae-in và tham gia diễn đàn Thương mại Đầu tư Hàn – Việt. Sau đó quay trở về Việt Nam từ sân bay Incheon.
Tuy nhiên, có 9 thành viên trong đoàn đã không có trên trong danh sách những người rời khỏi xứ sở này.
Bài của MBC News tiếng Hàn về vụ các thành viên đoàn Quốc hội Việt Nam bỏ trốn. (Hình : Chụp qua màn hình)
Thực tế chính phủ Nam Hàn cũng không biết sự việc này cho đến đầu năm 2019, một trong số 9 người nói trên đã ra trình diện để xin về lại Việt Nam. Sau đó, chính quyền sở tại bắt được một người nữa và trục xuất về Việt Nam. Bảy người còn lại hiện vẫn chưa bị bắt, dù 9 tháng đã trôi qua.
Điều tra ban đầu từ báo chí Nam Hàn cho hay những người bỏ trốn này đã móc nối với các đường dây trung gian để hợp thức hóa hồ sơ, được đưa tên vào danh sách chuyến đi. Theo đó, thì Quốc hội Nam Hàn cấp giấy mời, Bộ Ngoại giao thẩm tra và cấp visa, và Bộ Tư pháp quản lý việc xuất nhập cảnh của đoàn.
Thậm chí, ngay cả đơn vị chịu trách nhiệm cấp visa trực tiếp cho đoàn đại biểu này là Đại sứ quán Nam Hàn tại Việt Nam cũng không hề giữ danh sách chính xác của đoàn Việt Nam sang thăm Nam Hàn trong thời gian này.
Bài báo trên MBC News cho rằng Bộ Ngoại giao Nam Hàn đã không chính thức yêu cầu phía Việt Nam phải giải quyết sự việc này cũng như không yêu cầu Việt Nam hứa ngăn chặn đừng để sự việc tương tự tái diễn. Thay vào đó, Quốc hội và Bộ Ngoại giao Nam Hàn tuyên bố rằng họ sẽ chú ý hơn đến việc sàng lọc thị thực ngoại giao.
Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước cộng sản Việt Nam tới Nam Hàn trong năm 2018 và là chuyến thăm đầu tiên tới quốc gia này của bà Nguyễn Thị Kim Ngân trên cương vị Chủ tịch Quốc hội Việt Nam. (N.L)