Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

25/09/2019

Đà Nẵng : Bất động sản bất chính đang trong tầm nhắm của Hà Nội

Tổng hợp

Chuyện đất Đà Nẵng "lọt" vào tay người Trung Quốc (Pháp luật, 24/09/2019)

Để doanh nghiệp Trung Quốc nắm quyền sử dụng 21 lô đất ở Thành phố Đà Nẵng là do cán bộ quản lý thực hiện chưa nghiêm.

Mới đây, ngày 21/9/2019, Tổng Cục Quản lý đất đai - Bộ Tài nguyên và môi trường đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng Thành phố Đà Nẵng liên quan đến vấn đề 21 lô đất ven biển trên địa bàn đang thuộc sở hữu của doanh nghiệp người Trung Quốc làm chủ.

batchinh1

Dư luận lên án mạnh mẽ việc người Trung Quốc nắm quyền sử dụng đất ở Việt Nam.

Thật ra, câu chuyện người Trung Quốc núp bóng người Việt để mua đất vien biển đã có từ lâu, không riêng gì địa phương này, mà ở nhiều địa phương khác trên cả nước. Thậm chí, đất vườn, đất ở nông thôn người Trung Quốc cũng có, xung quanh những khu công nghiệp cũng có… Việc này họ thông qua người Việt và kết hôn giả, vợ/chồng hờ, chưa kể có sự thông đồng tiếp tay của cán bộ thực thi pháp luật.

Ngoài chuyện mua đất, sở hữu đất, người Trung Quốc đang tạo ra những ác cảm nhất định cho người Việt Nam với hàng loạt việc làm thị phi. Ví như : 3 người Trung Quốc đánh cắp dữ liệu thẻ ATM của hàng trăm khách hàng tại Nghệ An bị công an bắt giữ. Đến việc hàng trăm người Trung Quốc với các thiết bị máy tính viễn thông vận hành hệ thống đánh bạc lên đến 12.000 tỉ đồng bị phát hiện tại Thành phố Hải Phòng hồi tháng 7 vừa qua.

Hay, Bộ Công an bắt giữ 08 đối tượng có hành vi sản xuất ma túy tại Kon Tum ngày 9/9, thu giữ 20 tấn máy móc thiết bị sản xuất ma túy, hàng chục tấn hóa chất, tiền chất ma túy. Mới đây nhất, cộng đồng phẫn nộ trước tin nhóm người Trung Quốc lôi kéo trẻ em Việt "đóng phim người lớn". Cơ quan Cảnh sát điều tra Đà Nẵng đã bắt tạm giam nhóm 5 người Trung Quốc để điều tra vào ngày 17/09/2019.

Điểm chung của các vụ án này là người Trung Quốc vi phạm pháp luật Việt Nam, nhưng lại không xử theo luật pháp Việt Nam.

Thế nên, trở lại với câu chuyện nhiều khu đất vàng nằm trong tay người Trung Quốc, người dân (cử tri) Thành phố Đà Nẵng phản ảnh rất bức xúc là đúng, còn chính quyền thành phố phản ứng trước tình trạng đó như thế nào ? Cơ quan pháp luật Đà Nẵng vào cuộc ra sao ? Đó lại là vấn đề khiến cho dư luận ít nhiều phải suy nghĩ.

Phía đại diện chính quyền Đà Nẵng cho rằng, việc doanh nghiệp Trung Quốc sở hữu quyền sử dụng 21 lô đất ven biển hiện nay là đúng theo quy định của pháp luật. Đúng là, đối với 21 lô đất mà doanh nghiệp Trung Quốc đang nắm quyền sử dụng ở Đà Nẵng mặc dù về Luật Đầu tư 2014 là không sai nhưng vấn đề ở đây là các quy định về việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, trên thực tế lại biến tướng rất tinh vi. Khi một cá nhân người Việt Nam đứng ra mua và sở hữu quyền sử dụng khu đất này, sau đó, thành lập công ty, góp vốn với doanh nghiệp Trung Quốc thành công ty liên danh rồi thực hiện dự án.

Trong công ty liên danh, doanh nghiệp Việt Nam chiếm cổ phần lớn hơn bằng việc góp vốn bằng đất còn doanh nghiệp Trung Quốc góp vốn bằng cách bỏ tiền xây dựng tài sản trên đất. Sau khi làm xong dự án, doanh nghiệp trong nước chuyển đổi cổ phần, phía doanh nghiệp Trung Quốc mua lại và chiếm cổ phần lớn hơn trong công ty liên danh.

Trước sự bức xúc và lên tiếng mạnh mẽ của dư luận, các cơ quan chức năng nên tiến hành thanh tra kiểm tra ngay lập tức các công ty góp vốn cổ phần có yếu tố nước ngoài đang thông qua người Việt để gián tiếp sở hữu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi phát hiện ra các công ty nước ngoài (Trung Quốc) thuê người Việt Nam mua đất, dùng vốn đầu tư để thuê đất cần có biện pháp xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu quốc hội Bùi Văn Xuyền cho rằng : "Rõ ràng đây là một hiện tượng lách luật để người nước ngoài có quyền sử dụng đất ở Việt Nam. Trong khi đó, việc chuyển nhượng cổ phần giữa doanh nghiệp trong nước cho doanh nghiệp nước ngoài cũng đã có quy định rất rõ ràng. Vì thế, vấn đề ở Đà Nẵng cần xem xét lại việc quản lý của các cơ quan chức năng, họ làm chưa nghiêm nên mới xảy ra tình trạng đó".

Tức là, cần nghiêm túc xem lại trách nhiệm của cán bộ quản lý trên địa bàn. Đồng thời, áp dụng giải pháp trước mắt là dùng quy hoạch để hạn chế giao dịch đất đai ở những vị trí quan trọng, liên quan an ninh-quốc phòng. Cụ thể thế nào thì cần phải bàn kỹ, chứ còn quy định cứng người này được mua, người kia không được mua thì không ổn.

Còn về lâu dài, cần sớm có giải pháp pháp lý để giải quyết vấn đề này. Bởi đây không chỉ là vấn đề riêng của Đà Nẵng, mà đã vượt ra khỏi khuôn khổ một địa phương, không chỉ liên quan đến vấn đề kinh tế-xã hội, mà còn liên quan đến chuyện an ninh-quốc phòng.

Thanh Bình

******************

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị xét xử phúc thẩm lại vụ Vũ "nhôm" thâu tóm đất công (RFA, 25/09/2019)

Theo tin của Vietmanplus, Viện Kiểm sát nhân dân tối caoxác định bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm có những nhận định và kết luận về giá trị thiệt hại không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án.

batchinh2

Hình minh họa. Phan Văn Anh Vũ (hàng đầu) trong một phiên tòa ở Hà Nội hôm 30/1/2019 AFP

Cụ thể, Viện Kiểm sát nhân dân tối caokháng nghị phần kết luận các giao dịch liên quan đến 7 tài sản của Nhà nước là giao dịch dân sự vô hiệu và xử lý hậu quả của giao dịch vô hiệu: phần nội dung ghi thêm trong bản án in so với nội dung bản án đã tuyên tại Hội trường xét xử.

Viện Kiểm sát nhân dân tối caoxác định, bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm có những nhận định và kết luận về giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm gây ra cho Nhà nước không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, không có căn cứ và không đúng pháp luật.

Cụ thể, theo Viện Kiểm sát, mục đích của Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm là lợi dụng chức vụ, quyền hạn tác động đến những người có thẩm quyền trong các cơ quan quản lý Nhà nước để được chuyển giao quyền sở hữu, quyền quản lý, khai thác đối với 7 tài sản của Nhà nước sang cá nhân Vũ và các công ty của Vũ không thông qua đấu giá theo quy định của pháp luật.

Từ đó, Vũ "nhôm" có toàn quyền quyết định việc chuyển nhượng, cho thuê, khai thác, sử dụng, góp vốn... nhằm hưởng lợi từ những giá trị tăng thêm của các bất động sản. Đồng thời, trong quá trình chuyển giao, Vũ và các đồng phạm dùng quyền lực để Vũ và các công ty của Vũ còn được hưởng những ưu đãi về giá, hệ số sinh lợi của bất động sản, từ đó gây thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước.

Trên thực tế, trong thời gian từ khi thực hiện hành vi phạm tội đến khi Vũ "nhôm" bị phát hiện khởi tố, giá trị của 7 tài sản của Nhà nước nêu trên đã tăng lên gần 10 lần.

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao khẳng định Tòa án cấp phúc thẩm không nhận định, đánh giá hậu quả thiệt hại của hành vi phạm tội mà Vũ "nhôm" và đồng phạm đã gây ra mà lại xác định số tiền hơn 135 tỷ đồng cùng với khoản thu lợi từ việc cho thuê tài sản 5,82 tỷ đồng là hậu quả của hợp đồng vô hiệu giữa Vũ và các cơ quan Nhà nước là không đúng với chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, "dân sự hóa" hành vi phạm tội của Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm, dẫn đến sai lầm nghiêm trọng trong giải quyết vụ án.

Việc đánh giá, xác định thiệt hại cho Nhà nước của Tòa án cấp phúc thẩm như trên là chưa phù hợp với quan điểm, đường lối xử lý đối với tội phạm về tham nhũng, kinh tế, đặc biệt là yêu cầu thu hồi triệt để tài sản do tham nhũng mà có và khắc phục hậu quả hành vi phạm tội tham nhũng, kinh tế đã gây ra trong giai đoạn hiện nay.

Qua một số những phân tích về giá trị thiệt hại không phù hợp với các tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân tối caođề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy một phần Bản án hình sự phúc thẩm số 346/2019/HSPT ngày 13/6/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội để xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật về các nội dung sau : Xác định giá trị thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm gây ra tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.159 tỷ đồng: hủy phần tuyên bố các giao dịch, hợp đồng của Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79, Công ty cổ phần Nova Bắc Nam 79 liên quan đến việc giao, mua/bán: thuê/cho thuê đối với 7 tài sản của Nhà nước bị vô hiệu toàn bộ theo quy định của pháp luật dân sự và xử lý tài sản do giao dịch vô hiệu, để xét xử phúc thẩm lại.

********************

Nhốn nháo 'cò' bất động sản (Đại Đoàn Kết, 25/09/2019)

Lợi dụng nhu cầu cấp thiết về chỗ ở, cũng như sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, thời gian qua nhiều công ty, sàn giao dịch bất động sản (bất động sản) đã lừa gạt khách hàng. Từ việc phân lô bán nền khi chưa đủ điều kiện, đến rao bán, giới thiệu không đúng thực tế…, tạo ra sự xáo trộn cho thị trường nhiều tỉnh, thành phía Nam, gây bức xúc và thiệt hại cho người dân.

batchinh3

Một số công ty bất động sản "chào hàng" đất nền ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng thực tế lại đưa khách ra các tỉnh vùng ven để giới thiệu.

Ép khách về tỉnh

Theo lời hẹn, đúng 6g30 sáng, anh Trịnh Xuân Hoàng (quận Tân Bình) có mặt ở một địa điểm ở quận Bình Thạnh để trao đổi mua bán đất nền. Tại đây, anh được các nhân viên môi giới giới thiệu một dự án ven sông tại phường An Phú Đông, quận 12. Theo lời người môi giới này, đây là dự án mới của công ty, chỉ có 50 lô, với diện tích từ 60 đến 100 m2/lô, tùy vị trí lô sẽ có mức giá từ 25 - 30 triệu đồng/m2. Sau khi tập trung đủ khách, tất cả được mời lên 3 xe ôtô loại 50 chỗ ngồi về xem dự án. Xe lăn bánh được chừng 40 phút thì nhân viên môi giới lập tức đảo chiều, giới thiệu một dự án mới tại Bà Rịa–Vũng Tàu… Lúc này, biết bị lừa, nhiều khách la ó, đòi xuống xe nhưng xe tiếp tục băng băng.

"Chúng tôi được đưa tới một dự án ở vùng ven Thành phố Bà Rịa-Vũng Tàu. Ở đó là một dự án chừng 100 nền, đường đã đổ nhựa nhưng trông rất sơ sài, điện nước chưa có, phía trong cỏ mọc um tùm. Một nhân viên luôn miệng : "Anh chị đầu tư vào đây sẽ rất tiềm năng, vì sắp triển khai dự án đường rộng 40m đi Long Hải, phía trước quy hoạch khu sinh thái" nhưng nhìn mãi chúng tôi không thấy khu vực này có tiềm năng gì về sinh thái, cũng như dự án đường mở rộng. Khi khách hàng hỏi pháp lý dự án thì một thanh niên ăn mặc bảnh bao, biện bạch : Dự án của chúng em đã được chính quyền địa phương duyệt, khoảng 6 tháng nữa sẽ ra sổ. Tôi hỏi chưa có sổ, hạ tầng chưa xong sao lại mở bán ? Nhân viên đáp, ở đây tụi em giao dịch theo hình thức góp vốn, các anh chị yên tâm, đầu tư vào đây rất tốt đấy" – anh Hoàng kể lại.

Tương tự như trường hợp của anh Hoàng, anh Trần Nam Quân (ngụ quận 8), kể : Vợ chồng anh làm công chức được gần 20 năm, tích lũy được số vốn nhỏ, muốn tìm một miếng đất phù hợp với túi tiền để "cắm dùi". Chẳng biết từ nguồn nào mà họ lại biết anh có nhu cầu và gọi điện nói rằng có bán khu đất ở khu vực quận 8, với giá chỉ 25-30 triệu đồng/m2. Do chưa mua đất bao giờ nên khi thấy họ giới thiệu giá đó, anh Quân đồng ý đến điểm hẹn tại một quán cà phê bên Thảo Cầm Viên (quận 1). Sau khi ăn sáng xong, mọi người lên xe, chạy ra đường Võ Văn Kiệt rồi chạy thẳng về một bãi đất trống ở huyện Bến Lức (Long An) cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh chừng 40 km.

"Tôi hỏi, tại sao ban đầu giới thiệu là dự án khu dân cư quận 8, giờ lại đưa đến Long An ? Một nhân viên bán hàng nhanh nhảu : Thông cảm cho tụi em, giờ cạnh tranh rất khốc liệt nên tụi em phải dùng chiêu này. Anh đầu tư vào dự án này đi, chắc chắn sinh lời, bên em cam kết lợi nhuận 30%/năm" – anh Quân kể lại giọng vẫn chưa hết bức xúc.

batchinh4

Còn chị Nguyễn Thị Nga (quận Thủ Đức), cho biết khi đến điểm hẹn, nhân viên môi giới giới thiệu khu dự án ở quận 9, cách xa điểm tập trung tới 20km, phần vì là phụ nữ, lại không biết địa chỉ nên tôi đồng ý lên xe của họ, khi lên xe họ kéo hết rèm kín các khung kính "cho đỡ nắng" rồi chạy một mạch tới thẳng một xã ở huyện Long Thành (Đồng Nai), cách điểm xuất phát tới 45 km, rồi giải thích rằng dự án ở quận 9 như đã giới thiệu với các anh/chị chưa thể mở bán nên chúng em thay thế dự án này. Rồi vạch ra những chiều hướng sinh lợi nếu khách hàng đầu tư. Khách hàng rất bức xúc nhưng không làm gì được vì đã lỡ leo lên xe của họ".

Phải nhanh chóng chấn chỉnh

Theo số liệu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 300.000 người hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản, trong đó có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề. Trong vòng 3 năm gần đây, mức độ tăng trưởng của môi giới bất động sản trên thị trường khá nhanh, đạt trung bình khoảng 15%.

Tiến sĩ Trần Minh Hoàng- Phó Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết, một số lượng lớn các sản phẩm được môi giới bất động sản chào bán không đủ tiêu chuẩn đưa vào kinh doanh. Trên 90% tin rao bán bất động sản nhà ở riêng lẻ thiếu chính xác, có sai lệch thông tin hoặc về vị trí, giá cả hoặc thông tin về pháp lý bất động sản, quy hoạch... Bên cạnh đó, hiện tượng thông tin ảo, đồn thổi, thổi phồng giá, giấu giếm, thậm chí đưa thông tin sai lệch về quy hoạch, pháp lý bất động sản diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Những tệ nạn đó có sự đóng góp không nhỏ của người môi giới.

"Người dân dễ gặp phải rủi ro khi giao dịch bất động sản thông qua hoạt động môi giới không chuyên nghiệp : như bị thiệt hại tài sản, thậm chí bị lừa đảo, chiếm dụng vốn. Hình ảnh nghề môi giới bất động sản vì thế không tạo được sự thiện cảm mà phải chịu ấn tượng xấu trong xã hội"- ông Hoàng nhấn mạnh.

Cảnh báo về các hình thức lừa đảo phổ biến trong giao dịch bất động sản, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, giới đầu nậu và không ít công ty bất động sản, sàn giao dịch cấu kết với nhau, lừa khách hàng bằng các thỏa thuận đặt cọc, góp vốn, hợp tác đầu tư để giao kết việc mua bán, lừa gạt khách hàng về địa điểm và tên gọi dự án… Tất cả những thủ đoạn này đều vi phạm quy định luật kinh doanh bất động sản, cần phải chấn chỉnh nghiêm khắc.

batchinh5

Các doanh nghiệp dùng chiêu thức tiếp cận khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng lại chở khách về tỉnh để giới thiệu bán dự án.

Theo các chuyên gia bất động sản, hiện nay hành lang pháp lý trong lĩnh vực môi giới bất động sản còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như quy định cá nhân không bắt buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khoá học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề. Chế tài xử lý đối với cá nhân, tổ chức vi phạm chưa đủ sức răn đe. Đề xuất giải pháp để quản lý và phát triển hiệu quả hoạt động môi giới bất động sản trong tương lai, các chuyên gia bất động sản cho rằng, nên quản lý thông qua cấp chứng chỉ hành nghề, cấp mã số hành nghề (định danh) cho nhà môi giới bất động sản. Các môi giới chỉ được cấp chứng chỉ hành nghề khi hoàn tất các chương trình và thời lượng đào tạo chuyên môn phù hợp với từng chuyên môn hành nghề: có thời gian trải nghiệm, thực hành các hoạt động giao dịch bất động sản phù hợp với từng cấp độ hành nghề: cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có lý lịch tư pháp trong sạch, không vi phạm pháp luật.

Nhiều khả năng nạn nhân của Alibaba mất trắng tiền mua đất ảo

Chỉ tính từ ngày 19/9 đến nay đã có hơn 300 người đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an Thành phố Hồ Chí Minh, số 674 đường 3 tháng 2, Q.10) để nộp đơn tố cáo do bị Công ty cổ phần địa ốc Alibaba (công ty Alibaba) lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Có rất nhiều nạn nhân từ các tỉnh, thành, trong số 6.700 khách hàng của Alibaba được Cơ quan Cảnh sát điều tra thống kê sơ bộ nằm trong nguy cơ mất trắng hơn 2.500 tỷ đồng đã đầu tư vào các dự án của công ty "ma" này tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Thuận, Bà Rịa–Vùng Tàu,…

Quốc Định

Có nạn nhân đến từ Đồng Nai, đón xe đò từ nửa đêm để hôm sau vào trình báo Công an. Số tiền gần 300 triệu đồng mà gia đình nạn nhân gom góp nhiều năm từ buôn ve chai phế liệu đã đổ hết vào mua nền đất tại dự án Diamond City, tại xã Long Phước, huyện Long Thành của chủ đầu tư "ma" Alibaba. Còn có trường hợp ở tận Đắc Nông tìm đến cơ quan công an tố cáo công ty Alibaba chiếm đoạt gần 600 triệu đồng tiền mua nền đất tại dự án Ali Aqua Nhơn Trạch, tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch…

Và, mặc dù đã được các cán bộ điều tra thuộc Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn, giải thích về việc bảo vệ quyền lợi của mình khi đến tố cáo, nhưng không ít nạn nhân đã không giấu được vẻ thất thần sau khi "bộ sậu" lãnh đạo của công ty Alibaba bị khởi tố, bắt tạm giam.

Ngày 24/9, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có quyết định triệu tập làm việc đối với gần 20 giám đốc công ty thành viên của Tập đoàn địa ốc Alibaba để làm rõ về những hành vi, trách nhiệm liên quan. Theo cơ quan Cảnh sát điều tra, Alibaba được hai anh em Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh thành lập từ năm 2016, với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng nhưng chỉ hơn 1 năm, Alibaba đã nâng số vốn điều lệ lên đến 1.600 tỷ đồng. 

Lê Anh

Quay lại trang chủ
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)