Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/03/2017

Sơn Trà : ai đứng sau lưng vụ 40 biệt thự xây dựng không phép ?

tổng hợp

Yêu cầu tháo dỡ móng biệt thự không phép ở Sơn Trà (RFA, 29/03/2017)

Tháo dỡ 40 móng xây biệt thự trái phép ở Sơn Trà là yêu cầu của Thành ủy Đà Nẵng. Đây là nội dung thông báo số 190-TB/TU do Thành ủy Đà Nẵng nhắm đến 40 công trình đã khởi công trái phép tại Sơn Trà do Công ty cổ phần Biển Tiên Sa chịu trách nhiệm xây dựng trong dự án du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

sontra5

Các móng biệt thự xây dựng không phép tại Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa. Courtesy of tuoitre.

Ngoài lệnh tháo dỡ, nội dung thông báo còn yêu cầu lãnh đạo thành phố Đà Nẵng ban hành chỉ thị về việc tăng cường công tác quản lý trật tự, xây dựng đô thị, an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố trước ngày 30 tháng Tư.

Vào chiều ngày 28 tháng 3, ông bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Nguyễn Xuân Anh, nhắc lại với với tờ Lao Động trong nước kết luận cuộc họp Thường vụ Thành ủy đưa ra trong cùng ngày. Theo đó yêu cầu chủ đầu tư dự án Khu du lịch Sinh thái Biển trên bán đảo Sơn Trà dừng ngay việc thi công, tháo dỡ những hạng mục đã thi công nhưng không bảo đảm các thủ tục về xây dựng theo qui định của pháp luật.

Ông Nguyễn Xuân Anh đề cập đến dự án của Intercon ở Sơn Trà mà theo ông này là được cả về kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, ông cũng nêu quan điểm trong phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường thì môi trường là quan trọng.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nói sẽ kiến nghị lên thủ tướng bãi bỏ những dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cảnh quan môi trường. Còn những dự án được cho là giúp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm các yếu tố quốc phòng, an ninh, hài hòa với cảnh quan môi trường thì phải công khai cho người dân ; sau khi có đồng thuận cao mới thực hiện.

Tuy nhiên, lời nói và công tác triển khai trong thực tế lâu nay của các cấp lãnh đạo không đi đôi khiến công luận mất niềm tin.

***********************

40 biệt thự Sơn Trà xây vội vàng để làm gì ? (Đất Việt, 29/03/2017)

Khi làm xong hầm chui sông Hàn, hệ thống trục giao thông Đông-Tây thành phố sẽ được hoàn thiện, kinh doanh bất động sản sẽ tăng.

Cách làm bạo lực với môi trường

Liên quan đến câu chuyện làm biệt thự trên bán đảo Sơn Trà, trước ý kiến của Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - Nguyên Chủ tịch Hội quy hoạch Đà Nẵng trong hai bài viết "Hầm chui sông Hàn liên quan đến 40 biệt thự Sơn Trà ?" và "Ai muốn xây dựng hầm chui sông Hàn ?", trao đổi với Đất Việt, ngày 28/3, Kiến trúc sư Phan Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng cho biết :

"Với các dự án xây biệt thự trên bán đảo Sơn Trà gây xôn xao dư luận thời gian qua, theo tôi là do cách triển khai thực hiện của họ chưa đúng quy trình.

Một dự án nhạy cảm với môi trường mà lại chưa hoàn thiện thủ tục đã tiến hành, chưa có đánh giá tác động môi trường mà đã xây dựng là không chấp nhận được.

Ai cũng biết dự án trên đã được thành phố đồng ý chủ trương cho xây dựng theo quy hoạch, nhưng thành phố phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện dự án như thế nào, có đúng quy trình, đúng như giấy phép hay không, ở đây không có việc này".

sontra2

Xây dựng nhanh 40 biệt thự trên bán đảo Sơn Trà

Theo thông tin được ông Hải chia sẻ thì dự án trên được phê duyệt chủ trương xây dựng cách đây hơn 10 năm, cũng đã từng tiến hành thi công, nhưng một thời gian sau thì phải dừng lại một phần vì chất lượng dự án, một phần do nhà đầu tư chưa đủ nguồn lực. Giờ sau khi Đà Nẵng phát triển, có nguồn lực triển khai lại, nhưng phía thành phố lại không theo dõi sát sao nên xảy ra nhiều chuyện như vậy.

Riêng đối với dự án xây dựng trên bán đảo Sơn Trà, theo ông Hải, kiến trúc phải định hướng kiến trúc xanh, đã lấy của thiên nhiên một phần thì phải trả lại tương đương như vậy, thậm chí nhiều hơn, nếu không tác động môi trường sẽ rất lớn. Với cách xây dựng nếu có ý thức môi trường thì làm kiểu cuốn chiếu sẽ ít ảnh hưởng hơn, làm tới đâu trồng lại cây xanh tới đó.

Nhưng chủ đầu tư dự án Sơn Trà đã xử lý quá vội vã, cách làm hiện nay là minh chứng sự tác động bạo lực vào môi trường.

Trong khi, chúng ta đáng lẽ phải vừa xây dựng, vừa bảo tồn cảnh quan tự nhiên, đặc biệt rừng vàng Sơn Trà, được coi là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia. Những giá trị này sẽ không bao giờ lấy lại được nếu đã mất đi.

Bây giờ còn có một số dự án quy hoạch 100% đất rừng, được yêu cầu giữ lại 60% cây xanh, nhưng thực chất, họ xây dựng xong nhưng không trả lại, phần lớn là mất đi. Do vậy, thực chất giữa vấn đề giấy tờ và giám sát xây dựng thực tế hoàn bồi cây xanh là khoảng trống không ai định lượng được. Nên việc phát triển càng nhiều dự án thì mất càng nhiều cây xanh, tác động đến môi trường đất đai, cảnh quan.

Với Sơn Trà, ông Hải cho biết : "Chủ trương của thành phố là làm cho bán đảo Sơn Trà thành điểm sáng, bằng cách quy định từ bình độ 200m trở xuống, tùy theo vị trí quy hoạch, cho phép có khu vực phát triển dịch vụ dân sinh, làm các tuyến giao thông, bao quanh bán đảo.

Tất nhiên khi có chủ trương đó, thì một số vị trí sẽ được đầu tư, nhưng nhất định không phải khu vực rừng nguyên sinh. Khu vực nào có cây xanh, kiến trúc, nhà đầu tư phải chú ý cố gắng bảo tồn được thảm thực vật một cách tốt nhất.

Còn hiện nay chúng ta trong quá trình quản lý đầu tư xây dựng rất yếu, lấy đi nhưng không trả lại, khi đó, diện tích cây xanh trên bề mặt sẽ mất dần. Do đó, nếu cách quản lý điều hành không tốt, thì các nhà đầu tư sẽ bê tông hóa, lúc đó sẽ không còn cây xanh, mất rừng vĩnh viễn".

Tuy nhiên, thực tế, cách đây 10 năm, Đà Nẵng cũng không quá mạnh bạo đầu tư vào bán đảo Sơn Trà, ngoài các khu vực vẫn phát triển lâu nay.

Bán đất để phát triển ?

Còn về câu chuyện Đà Nẵng phát triển phụ thuộc vào nguồn thu bán đất, ông Hải cho rằng, thực ra cách đây 10 năm đúng là thành phố dựa vào nguồn thu từ việc bán quỹ đất, phát triển hạ tầng, ngân sách khi đó cũng tới 50% là từ bán đất.

Tới giai đoạn này nguồn thu đã phong phú hơn nào là từ dịch vụ, du lịch... nhưng nguồn thu từ quá trình bất động sản vẫn là nguồn thu chính của sự phát triển Đà Nẵng, vì nó là nguồn thu quan trọng.

Nguồn thu bất động sản không phải chỉ từ đất, mà tạo ra động lực phát triển kinh tế của vùng đô thị qua du lịch, kinh tế, mua bán trao đổi, đó là xu thế tất yếu.

sontra3

Mô hình hầm chui sông Hàn

Nhắc đến dự án làm hầm chui sông Hàn, theo ông Hải, dự án này nếu được xây dựng sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế hai bên bờ sông, khu vực bán đảo Sơn Trà, các vùng ven biển về phía Tây thành phố, thậm chí đi ra ngoài khu vực Hải Vân chứ không riêng dự án biệt thự trên bán đảo Sơn Trà.

Nhưng trước mắt đúng là giá cả của đất đai bên bán đảo Sơn Trà tăng lên đáng kể sau khi có dự án làm hầm chui sông Hàn.

"Tôi ví dụ cụ thể, tuyến đường ven biển từ bán đảo Sơn Trà về Quảng Nam, có trục giữa là đường Phạm Văn Đồng, nhưng phía Nam Phạm Văn Đồng phát triển rất mạnh, nhất là bất động sản vì giao thông đi lại thuận tiện, còn phía Bắc phát triển rất chậm, cũng tăng nhưng không mạnh bạo.

Tiếp tục trục Đông - Tây của thành phố, đó là giữa bán đảo Sơn Trà và phía Tây thành phố, trước đây thành phố đã xây dựng cầu Thiên Sơn nhưng tải trọng thấp, mà lại cao nên ít người đi lại. Do vậy, thành phố lâu nay quyết tâm làm hầm chui sông Hàn là vì như vậy, sẽ là trục nối Đông - Tây.

Mặc dù đã có nhiều ý kiến phản đối, nhưng vừa rồi thành phố vẫn muốn điều chỉnh quy hoạch để làm hầm chui, nghĩa là quyết tâm làm để có một vệt giao thông tuyệt đối ở khu vực bán đảo Sơn Trà. Khi đã có tuyến giao thông xuyên suốt như vậy, thì bất động sản khu vực bên bán đảo Sơn Trà sẽ phát triển mạnh lên", ông Hải phân tích.

Theo ông Hải, xây dựng hầm chui sông Hàn mà là phục vụ cho dân thì không phải cho hiện tại, mà là định hướng phát triển tương lai. Động lực việc xây dựng chỉ là kéo theo sự phát triển, tăng nhu cầu đi lại, phương tiện, thì lúc đó các công trình đang được xây dựng sẽ thỏa mãn.

"Tôi vẫn giữ nhận định làm hầm chui qua sông Hàn chỉ nên là dự định trong tương lai, vì hiện nay thành phố còn cần tiền để đầu tư và làm nhiều việc khác cần thiết hơn", ông Hải nói thêm.

Phải rà soát lại tất cả các dự án

Qua những phân tích của mình, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng thẳng thắn : "Chúng ta nên xem xét, rà soát lại các dự án một cách kỹ lưỡng, có quy chế quản lý kiến trúc, quy hoạch, thiết kế, giám sát kỹ lưỡng.

Nhà đầu tư khi xây dựng trong khu vực nào thì cũng phải có ý thức bảo vệ tự nhiên, hoàn lại môi trường xanh. Với dự án biệt thự Sơn Trà, trong quá trinh thẩm định đánh giá tác động môi trường của dự án tôi có hỏi 1 câu : "Người ta hay thường nói tới hệ số khác, hệ số nước, nhưng tôi quan tâm hệ số bức xạ nhiệt, cây xanh thì mát, nhưng bê tông hóa trên đó bằng đường xá, công trình, thì ai khẳng định bức xạ nhiệt khu vực đó sau khi dự án hoàn thành tăng lên bao nhiêu" ?

sontra4

Những chú Voọc Chà Vá trên bán đảo Sơn Trà

Sở dĩ tôi đặt câu hỏi này, vì nếu có hệ số bức xạ nhiệt thì sẽ có biện pháp giảm bằng cách nào, phải nghĩ tới kiến trúc xanh.

Hiện nay trên bán đảo Sơn Trà có những khu được đầu tư rất tốt, như Inter Continental Danang Sun Peninsula Resort 5 sao, tạo ra điểm nhấn, công trình nổi tiếng của Đà Nẵng với thế giới, họ biết cách làm, cải thiện được thiên nhiên kết hợp với phát triển, trở thành điểm hấp dẫn, đó là do cách làm của nhà đầu tư".

Qua câu chuyện cảng Tiên Sa, theo ông Hải, nên đánh giá lại và đưa ra các quy chế, quản lý kiến trúc một cách chặt chẽ, chi tiết hơn với các dự án được phê duyệt, có biện pháp về hạn chế xử lý môi trường, cảnh quan tự nhiên trong khu vực rừng đặc dụng.

Đối với thế giới, một khu du lịch nổi tiếng là phải có nhiều yếu tố không đụng chạm đến môi trường, còn làm môi trường xấu đi chắc chắn không ai đồng ý. 

Đà Nẵng muốn hướng tới phát triển du lịch bền vững thì phải chú ý môi trường, cái gì phát triển không gắn liền môi trường sẽ không bền vững. Chủ đầu tư làm phải dưới sự giám sát của người dân, tổ chức xã hội.

Châu An

**************************

Hầm chui sông Hàn liên quan đến 40 biệt thự Sơn Trà ? (Đất Việt, 24/03/2017)

Dự án xây dựng hàng loạt biệt thực trên bán đảo Sơn Trà thực chất có mối liên hệ với dự án xây dựng hầm chui vượt sông Hàn.

Những giá trị của rừng quốc gia Sơn Trà

Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Thành phố Đà Nẵng những ngày qua khiến dư luận lo ngại vì có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến môi trường khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà khi một vệt rừng tại khu vực bãi Tiên Sa bị cày xới.

Sau khi được báo chí phản ánh, các ngành chức năng của Thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra và phát hiện một loạt các sai phạm trong giấy phép xây dựng của dự án.

Theo lý giải của chủ đầu tư, do nôn nóng muốn hoàn thành dự án đúng thời hạn nên doanh nghiệp đã thi công đổ móng 40 căn biệt thự khi chưa hoàn tất các thủ tục xin cấp phép. Hiện 40 móng biệt thự này được xác định là công trình xây dựng chưa được thành phố cấp phép.

Trước những thông tin về dự án trên, ngày 23/3, Đất Việt đã liên hệ với Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm - nguyên Chủ tịch Hội Quy hoạch Thành phố Đà Nẵng, ông cho biết : "Sơn Trà không chỉ là rừng mà là rừng vàng. Nếu làm sáng tỏ những giá trị qúy hiếm của Sơn Trà, khu sinh quyển thiên nhiên thì Sơn Trà sẽ tôn vinh Đà Nẵng và người ta sẽ biết đến Đà Nẵng nhiều hơn.

sontra5

Nền móng của 40 biệt thự đang được xây dựng

Năm 1977, Sơn Trà đã được Chính phủ công nhận là một trong mười khu rừng quốc gia.

Năm 1987, Quảng Nam - Đà Nẵng đã đề xuất và năm 1992, Bộ Lâm nghiệp đã công nhận Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích bán đảo 4400ha.

Và Sở Lâm nghiệp Đà Nẵng đã đề xuất xây dựng Sơn Trà thành rừng Quốc gia Vạn tháo độc nhất vô nhị của Việt Nam và thế giới.

Chỉ cần đưa ra một phép so sánh đơn giản như sau : Vườn Bách thảo Hà Nội chỉ có 30 loài cây. Vườn Bách thảo Sài Gòn mới có 100 loài. Vườn quốc gia của Hoàng gia Anh vô địch thiên hạ cũng chỉ có 250 loài cây mà đã nổi tiếng thế giới, trở thành trường học của bao nhiêu nhà lâm nghiệp thế giới...

Theo điều tra từ 1987 đến 1992 rừng quốc gia Sơn Trà có 986 loài cây, trong đó có 163 loại thảo dược qúy hiếm, trong khi Việt Nam có trên 9000 loài cây.

Rừng quốc gia Sơn Trà đa dạng sinh học với nghìn loại cây qúy giá biết bao nhiêu cho Việt Nam và nhân loại, nhất là trong bối cảnh khí hậu thế giới đang bị biến đổi vùng sinh quyển thế giới Bạch Mã, Bà Nà, Hải Vân, Sơn Trà, Cù Lao Chàm đều cần được bảo vệ và tôn trọng.

Cùng với đó là hàng trăm loài động vật trong đó có loài Voọc Chà vá xinh đẹp qúy hiếm gần bị tuyệt chủng trên thế giới.

Nếu xây dựng rừng Quốc gia Sơn Trà thành vườn Vạn tháo, vườn Sinh thái, khu bảo tồn thiên nhiên, nguồn gien động vật, thực vật khu sinh quyển... thì giá trị của nó sẽ gấp nhiều so với bài toán bất động sản. Các công trình cầu Thuận Phước, cầu Rồng chỉ là công trình ở đâu cũng có, còn Sơn Trà có thương hiệu qúy giá như vậy, nó là của cả nước, của thế giới thì đừng nên sử dụng tùy tiện.

Tôi còn nhớ trước đây, khi ông Nguyễn Bá Thanh còn sống và đang làm Bí thư thành phố, tôi đã gửi những phân tích của mình về vấn đề này đến cho anh, thì anh đã có suy nghĩ tích cực và đã dừng lại dự án 2000 ngôi biệt thự, chân núi Sơn Trà từ độ cao 200m trở xuống.

Thế nhưng, đến nay, họ lại dựa vào những đề án thời đó để làm, nhưng những cơ sở pháp lý, những dự án khoa học, những kiến nghị tâm huyết bị lãng quên. Giờ người ta chỉ biết ăn xổi, dựa vào địa thế cảnh quan thiên nhiên hiếm sẵn có để làm lợi cho một ít người nào đó".

Bên cạnh đó, theo ông Diệm, đáng lẽ cần phải chỉ rõ vì sao rừng Quốc gia Sơn Trà Đà Nẵng được Chính phủ công nhận là một trong mười rừng quốc gia của Việt Nam tù năm 1977 và năm 1992 đã được Bộ Lâm nghiệp công nhận là Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà với diện tích 4400ha đất Quốc phòng bảo vệ an ninh quốc gia... lại bị chia cắt ra thành từng mảng khác nhau với những mục đích của các quyết định trước đây.

Khi nó bị băm nát thì các nhà khảo cổ học, sinh vật cảnh, bảo tồn trên thế giới sẽ trách móc. Mà được biết, dự án trên không chỉ là 40 biệt thự, mà là hơn 1000ha đất rừng Sơn Trà.

"Khi tôi còn làm ở Hội quy hoạch thì Khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà có diện tích 4400ha, nhưng sau 20 năm thì bị lấn dần làm các resort cao cấp phía Đông khu bán đảo, nên chỉ còn hơn 3000ha.

Bây giờ, nếu xây dựng biệt thự tiếp thì mất thêm 1000ha nữa, mà lại tập trung vào những vùng cây qúy hiếm, những vùng sinh sống của động vật hoang dã, diện tích rừng chỉ còn 2000ha, khu đang lấn chiếm là khu phía Tây của bán đảo Sơn Trà (khu đất quản lý của quân đội).

Những chỗ còn được giữ lại là trơ trọc, con người không đến được, tất nhiên chỗ đó, không có nước cho voọc uống", ông Diệm chỉ rõ.

Mối liên kết với dự án hầm chui sông Hàn

Ở góc độ khác phân tích thêm, ông Diệm nói thêm : "Chắc các bạn còn nhớ dự án hầm chui vượt sông Hàn vừa qua được thành phố đề xuất xây dựng, nó liên quan đến dự án xây hàng loạt các biệt thự bên bán đảo Sơn Trà.

sontra6

Mô hình hầm chui qua sông Hàn

Tôi đã từng phân tích nếu hầm chui sông Hàn được xây lên thì cũng chỉ phục vụ hơn 200.000 dân ở 2 phường (Thọ Quang và Mân Thái) bên bờ đông. Chưa kể ngư dân 2 phường biển này ít có nhu cầu qua trung tâm Thành phố hằng ngày, vì họ là dân đánh cá, bám biển là chủ yếu.

Rõ ràng, mục đích hưởng lợi nếu xây hầm ở đây là gì, chắc chắn không phải làm để phục vụ cho người dân ?. Cuối cùng chỉ có những Tập đoàn, các doanh nghiệp bất động sản, các đại gia đầu tư vào các công trình xây dựng, kể cả xây dựng chung cư bên phía bán đảo Sơn Trà sẽ có lợi.

sontra7

Các mảnh đất Sơn Trà đều được rao bán cùng với dự án hầm chui sông Hàn

Trước khi có thông tin làm hầm chui sông Hàn, thì giá đất bên bán đảo Sơn Trà là từ 20 triệu đồng/m2, tăng lên 48 triệu đồng/m2, họ bắt đầu làm các công trình biệt thự phía chân núi, cũng liên quan đến việc xây hầm. Các nhà kinh doanh bất động sản tranh thủ tận dụng thông tin xây dựng hầm, người mua bán đất thấy có công trình này nối liền, thì đi lại thuận tiện hơn, mức giá đất tăng đột biến.

Nhưng sau khi Thủ tướng có quyết định xem xét lại dự án trên dựa theo quy hoạch chung, thì giá đất hiện nay lại trở về thời điểm ban đầu, thậm chí thấp hơn. Đó chỉ cần qua một góc kinh tế thị trường có thể là minh chứng về việc xây dựng hầm chui sông Hàn chỉ phục vụ cho đại gia bất động sản.

Nghĩa là việc xây dựng hầm chui sông Hàn cũng là một phần dự án trong việc phát triển xây dựng và bán nhanh các biệt thự bên bán đảo Sơn Trà, các công trình xây dựng hầu như đều có liên kết với nhau hết.

Bởi vì mục tiêu làm giảm ùn tắc giao thông là không có, Đà Nẵng chỉ khoảng 800.000 dân nội đô (ven 15km bờ sông Hàn) đã có 10 cây cầu. Mỗi cầu ở Đà Nẵng hiện mới chỉ gánh 100.000 dân. Cho nên, việc xây dựng cầu có thể nhìn thấy rõ chỉ phục vụ cho một nhóm người".

Theo ông Diệm, khi làm được hầm chui, biệt thự xây dựng ở bán đảo Sơn Trà sẽ bán với giá rất cao vì cảnh quan rất đẹp, khí hậu trong lành, hơn nữa ở đó lại là vùng sinh quyển thế giới, chỉ có đại gia mới mua được, thậm chí người bình thường có tiền cũng không mua được.

Vì nếu làm hầm chui thì từ trung tâm qua hầm là đến Sơn Trà, rồi từ điểm đó ra khu biệt thự đang xây tầm 5-6km, nhưng đường vô cùng đẹp, nên đi lại thuận tiện, giá đất sẽ càng đắt.

Nên dừng ngay các dự án

Trước thực trạng trên, nguyên Chủ tịch Hội quy hoạch Thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh : "Tôi nghi ngờ trình độ của những nhà quy hoạch, những nhà quản lý lâm nghiệp, những nhà quản lý môi trường, quản lý lãnh thổ Đà Nẵng hiện nay. Bởi vì họ đã và đang sửa đổi quy hoạch đã được Chính phủ duyệt theo hướng xấu hơn về lợi ích kinh tế, lợi ích về an ninh quốc phòng, về bảo vệ môi trường và hệ sinh thái đặc biệt qúy hiếm.

Không thấy giá trị của Sơn Trà về nhiều mặt mà thế giới đang quan tâm, chỉ biết tận dụng cảnh quan thiên nhiên xinh đẹp của Sơn Trà cho lợi ích của một số ít người.

Theo tôi, nên để Sơn Trà làm du lịch và những chức năng đúng giá trị của nó, biến nó thành thương hiệu có một không hai của Đà Nẵng. Xây dựng khách sạn và những công trình khác ở địa điểm gần đó nhưng không được động đến rừng, đến bờ biển Sơn Trà".

Từ đó, ông kiến nghị, nên dừng ngay lập tức các công trình đang xây dựng, sẽ xây dựng, đưa ra khỏi Sơn Trà trước khi các tổ chức thế giới về bảo vệ môi trường, bảo vệ sinh quyển, bảo vệ động vật qúy hiếm thế giới can thiệp, cần quyết định sớm để có uy tín với thế giới.

Đắp ngay những đập nhỏ giữ nước suối ngọt cho động vật có nước uống và rừng có độ ẩm để phát triển phục hồi và tái sinh

Tạo những đường mòn nhỏ đi Bộ đến các điểm tham quan. Kêu gọi mọi người bằng uy tín cá nhân bằng quan hệ cá nhân của mình lên tiếng cho những người yêu Sơn Trà. yêu Đà Nẵng toàn quốc và thế giới có tiếng nói để xem xét lại việc sử dụng Sơn Trà một cách khách quan khoa học đúng với giá trị và vị thế của nó.

Còn về dự án hầm chui vượt sông Hàn, ông Diệm nói rõ : "Cần xem xét quy hoạch một cách cụ thể, và tốt nhất không nên xây dựng, vì hiện nay nhu cầu đi lại của người dân là chưa cần thiết, còn bỏ vài nghìn tỷ đồng ra trong lúc thành phố còn khó khăn, còn nhiều việc cần chi để giúp cho các đại gia bất động sản buôn bán đất là không chấp nhận".

Châu An

****************************

Yêu cầu dừng ngay dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (Tin Tức, 29/03/2017)

Ngày 29/3, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng có thông báo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về công tác quản lý trên lĩnh vực xây dựng, thi công công trình trên địa bàn thành phố.

Theo Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến xây dựng công trình không phép, trái phép. Một số công trình thi công không đảm bảo chất lượng, xuống cấp ngay sau khi đưa vào sử dụng, mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường, cảnh quan đô thị, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

sontra8

Các phần móng biệt thự xây dựng trái phép khi chưa được cấp giấy phép xây dựng tại dự án Khu du lịch Sinh thái Biển Tiên Sa. Ảnh : Trần Lê Lâm/TTXVN

Để chấn chỉnh tình trạng nêu trên, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên địa bàn thành phố, hoàn thành trước ngày 30/4/2017. 

Liên quan đến các công trình xây dựng của dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, Tổ hợp khách sạn và căn hộ Central Coast, công trình cải tạo tại số 03 đường Phạm Hùng, quận Cẩm Lệ, khẩn trương báo cáo Chính phủ và các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan về tình hình xảy ra vụ việc tại địa phương để biết, theo dõi, chỉ đạo. 

Báo cáo cụ thể, làm rõ nguyên nhân, đề xuất hình thức xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có liên quan thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách, kể cả trách nhiệm người đứng đầu, trên tinh thần thượng tôn pháp luật, đúng, sai rõ ràng, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực quản lý Nhà nước về quản lý đất đai, xây dựng cơ bản, đồng thời, đảm bảo môi trường đầu tư thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia phát triển thành phố.

Riêng đối với dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng và địa phương có liên quan ; yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay việc thi công ; xử lý, tháo dỡ các hạng mục công trình xây dựng đã thi công nhưng không đảm bảo các thủ tục về xây dựng theo quy định của pháp luật. 

Tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc chỉ đạo rà soát các thủ tục pháp lý liên quan đến việc triển khai dự án, đặc biệt lưu ý các yếu tố đảm bảo quốc phòng, an ninh và cảnh quan môi trường sinh thái tại khu vực theo quy định của pháp luật.

Đồng thời nghiên cứu, rà soát lại quy hoạch tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025 định hướng đến năm 2050 (theo Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 09/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ), báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng an ninh, bảo tồn cảnh quan tự nhiên, môi trường sinh thái tại khu vực bán đảo Sơn Trà. 

Theo đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ những dự án ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, cảnh quan môi trường ; đối với những dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các yếu tố về quốc phòng, an ninh, hài hòa với cảnh quan môi trường thì công khai cho dư luận biết để tạo sự đồng thuận cao khi triển khai thực hiện.

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu các cơ quan chức năng và các địa phương khẩn trương thực hiện việc tăng cường công tác thanh, kiểm tra trên lĩnh vực xây dựng ; yêu cầu các nhà đầu tư, nhà thầu thi công chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật về xây dựng, an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ ; công khai đầy đủ thông tin về dự án tại công trình theo quy định (tên công trình, chủ đầu tư, các pháp lý liên quan...).

Đồng thời có biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng rơi vãi vật liệu xây dựng, đất đá xuống đường, vệ sinh xung quanh công trình xây dựng... ; rào chắn công trình với các hình ảnh quảng bá về thành phố cũng như tuyên truyền các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn, như : Tuần lễ cấp cao APEC, Lễ hội Pháo hoa quốc tế 2017... 

Nếu các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng không thực hiện nghiêm túc sẽ nghiêm khắc đình chỉ thi công, rút giấy phép xây dựng... Các cơ quan chức năng và các địa phương tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị, vỉa hè, tạo chuyển biến tích cực về cảnh quan đô thị theo chỉ đạo của Thường trực Thành ủy tại Công văn số 1067-CV/TU ngày 15/3/2017.

Đồng thời, yêu cầu chủ sở hữu các khu đất lớn chưa đầu tư xây dựng tại các trục đường chính khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, trồng cỏ, tạo cảnh quan và duy trì thường xuyên công tác này theo chủ trương của thành phố, hoàn thành trước ngày 30/4/2017. Trường hợp chủ sở hữu các khu đất không triển khai thực hiện, cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo triển khai bằng nguồn ngân sách ; sau này, yêu cầu các chủ sở hữu có trách nhiệm hoàn trả kinh phí.

Văn Sơn (TTXVN)

Quay lại trang chủ
Read 848 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)