Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

29/03/2017

Vì sao kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm ?

tổng hợp

Việt Nam : Kinh tế tăng trưởng chậm nhất trong ba năm (BBC, 29/03/2017)

Quyết định giảm sản lượng điện thoại Note 7 của Samsung là một trong các ly do khiến kinh tế Việt Nam tăng trưởng mức chậm nhất trong quý‎‎‎ Một, theo hãng tin AFP.

gdp1

Ông Nguyễn Bích Lâm – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Mức tăng trưởng 5,1% theo năm trong quý Một năm nay là mức kém nhất kể từ 2014, và cách xa mức 6,7% trong quý trước đó, theo Tổng cục Thống kê

Mức tăng này cũng không đạt dự báo 6,3% mà Bloomberg News đưa ra khi làm khảo sát.

"Nếu không có đột biến gì lớn thì khó có thể đạt tăng trưởng 6,7%," ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, được dẫn lời.

"Công nghiệp tăng thấp nhất kể từ năm 2011 đến nay, điều này kéo tụt tăng trưởng GDP, ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế đất nước ", ông Lâm nói. "Dự báo kinh tế nước ta sẽ có nhiều thách thức hơn thuận lợi, khó có thể đạt được mục tiêu đã đề ra".

Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc, vốn đầu tư nhiều vào Việt Nam, bị buộc phải giảm lượng điện thoại di động sau sự cố pin dòng điện thoại Galaxy Note 7 bị nổ khiến ngưng sản xuất loại này.

gdp2

Ảnh minh họa - HOANG DINH NAM/GETTY IMAGES

Đây là một trong những lý do được xem là yêu tố dẫn tới kinh tế quý một của Việt Nam tăng ở mức chậm nhất trong ba năm.

Sản lượng tập đoàn Samsung tại Việt Nam giảm 38% trong quí Một và ngành điện tử chiếm khoảng 1/3 lượng xuất khẩu 40 tỉ USD của Việt Nam.

Thời báo Kinh tế Việt Nam cho biết khu vực nông - lâm - thuỷ sản, ngành nông nghiệp cho thấy dấu hiệu khả quan với mức tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước (giảm 2,69%), lâm nghiệp và thuỷ sản đều có tăng trưởng tốt.

"Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chỉ tăng 3,85% so với cùng kỳ, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây, trong đó ngành khai khoáng sụt giảm mạnh 11,4% so với cùng kỳ ; ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng 8,3%, tăng thấp nhất kể từ năm 2015.

"Ngành xây dựng tăng 6,1%, thấp hơn so với mức 8,6% của năm 2016", báo này cho biết.

Việt Nam được xem là một trong các nền kinh tế phát triển tốt nhất trong khu vực Đông Nam Á với động lực chính là hàng xuất khẩu từ giày Nike tới điện thoại thông minh.

Nhưng tăng trưởng hàng năm giảm từ 6,7% vào năm 2015 xuống 6,2% vào năm ngoái.

Chính phủ Việt Nam vào hôm thứ Tư cho biết chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

***********************

Haut du formulaire

Ba nguyên nhân khiến tăng trưởng GDP quý I đạt thấp (Tin Tức, 29/03/2017)

Bas du formulaire

Công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng GDP của quý I năm nay chỉ đạt 5,1%, thấp hơn so với cùng kỳ của hai năm gần đây nhất (lần lượt là 5,48% và 6,12%).

Lý giải tăng trưởng kinh tế 3 tháng đầu năm nay đạt thấp, tại cuộc họp sáng nay 29/3, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) - cho rằng có 3 nguyên nhân. 

Thứ nhất, khô hạn, xâm nhập mặn 2016 tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả trồng trọt vụ lúa mùa và đông xuân của quý I/2017 ở Đồng bằng sông Cửu Long, vụ đông ở miền Bắc và một số loại cây lâu năm khác. Trong đó, vụ lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long, diện tích giảm 55 ngàn ha, vụ đông xuân diện tích giảm 17 ngàn ha (cả hai vụ làm cho trồng trọt giảm 4,1%). Điều này khiến sản lượng lúa mùa và đông xuân quý I/2017 tiếp tục giảm so với quý 1/2016 hơn 330 ngàn tấn. Vì vậy kết quả chung của trồng trọt cả nước vẫn tăng trưởng âm.

gdp3

Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty thủy sản Trung Sơn. Ảnh : Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Thứ 2, ngành công nghiệp tăng trưởng thấp, chỉ tăng 4,1% (thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ của năm 2016 là 7,4%), mà chủ yếu tập trung vào ngành chế biến chế tạo. Ngành này quý I năm nay chỉ có 8,3% (quý I năm trước là 8,94%), trong đó sản xuất điện tử tăng trưởng âm 1% (cùng kỳ năm trước tăng trưởng 11%).

Thứ 3 là, hiện nay chung ta đang tiếp tục tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Mục tiêu giữa tăng trưởng và tài nguyên thiên nhiên được Nhà nước điều chỉnh nên có tác động đến ngành khai khoáng. Cả khai khoáng dầu thô, khí, than đều tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm trước. 

Cũng theo ông Hà Quang Tuyến, dù kinh tế thế giới có chuyển biến tích cực nhưng không đồng đều giữa các khu vực và còn nhiều khó khăn, thách thức. Đánh giá của các tổ chức tài chính, ngân hàng thế giới thì kinh tế thế giới trong quý I năm 2017 có xu hướng tăng trưởng chậm hơn 2016. 

"Chúng tôi cũng khảo sát 20 nước phát triển, đang phát triển thì thấy có 11 nước có mức tăng trưởng quý I /2017 cao hơn cùng kỳ năm trước. Nhưng có 9 nước có mức tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn, trong đó có Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ,... Tăng trưởng quý I của Việt Nam tăng trưởng chậm hơn hấp nằm trong xu hướng chung của thế giới", ông Tuyến cho biết.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm, với mức tăng trưởng quý I là 5,1%, để đạt được mức tăng trưởng cả năm là 6,7% thì 9 tháng còn lại GDP phải tăng 7%. Đây là một thách thức không nhỏ với nền kinh tế.

Để thực hiện được mục tiêu này, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt ; thực hiện nghiêm Luật Ngân sách nhà nước và kỷ luật tài khóa. nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách ; có giải pháp phù hợp để huy động vốn đầu tư công cho xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ...

Xuân Phong

***************************

Quý I/2017, tăng trưởng GDP chững lại (Tin Tức, 29/03/2017)

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2017 sáng 29/3 tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê cho biết tăng trưởng GDP quý I cả nước chỉ đạt 5,1%.

gdp4

Quang cảnh cuộc họp báo công bố số liệu kinh tế xã hội quý I/2017. Ảnh : Hoàng Hùng/TTXVN

Mức tăng trưởng này cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu chững lại so với tốc độ tăng 6,12% của cùng kỳ năm 2015 và 5,48% của cùng kỳ năm 2016. 

Giải thích nguyên nhân này, Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho rằng, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,03% so cùng kỳ năm trước, cao hơn quý I năm 2016, song vẫn thấp nhất kể từ năm 2011 tới nay. 

Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,17% so cùng kỳ năm trước, thấp nhất trong giai đoạn 2011 đến nay và thấp hơn cả 2 năm nền kinh tế rất khó khăn đó là năm 2013 và 2014 do ngành công nghiệp khai khoáng giảm 10%, cũng là năm có mức giảm lớn nhất. 

Các ngành công nghiệp và xây dựng đều có mức tăng thấp hơn so với mức tăng của quý I/2016. Điều này đã kéo tốc độ tăng của cả khu vực xuống thấp hơn mức tăng của năm 2016 là 2,99 điểm phần trăm, ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng chung của GDP. 

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho biết, xét về các ngành thì ngoài ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng âm, các ngành công nghiệp còn lại và xây dựng có mức tăng thấp hơn so với quý I/2016 ; hoạt động nông nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, tăng trưởng đang trên đà phục hồi, khu vực dịch vụ tăng trưởng tốt, hầu hết các ngành, lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so với quý I/2016. 

Theo đó, khu vực dịch vụ tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước và đạt mức cao nhất kể từ năm 2012 trở lại đây. Ở khu vực này, hầu hết các ngành kể cả dịch vụ kinh doanh và các ngành hoạt động chủ yếu từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn duy trì được mức tăng trưởng tốt và cao hơn so với quý I/2016. 

gdp5

Sản xuất giày dép xuất khẩu tại công ty giày da Mỹ Phong, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Ảnh : Vũ Sinh/TTXVN

Kim ngạch xuất khẩu quý I ước đạt 43,7 tỷ USD, tăng 12,8% với một số mặt hàng chủ lực vẫn tăng cao như : điện tử máy tính và linh kiện tăng 42,3%, hàng dệt may tăng 10,2%, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 34,6% … 

Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện quý I năm 2017 theo giá hiện hành ước đạt 297.800 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2016. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 80.500 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I/2017 ước tính đạt 921.100 tỷ đồng, tăng 9,18% so với cùng kỳ, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, tốc độ tăng là 6,2%, thấp hơn mức tăng 7,5% của quý I năm 2016. Điều này phản ánh tổng cầu và sức mua của nền kinh tế vẫn tăng nhưng có dấu hiệu chậm hơn so với quý I năm 2016. 

Cũng trong quý I/2017, tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động của cả nước là 35.749 doanh nghiệp ; trong đó, có 26.478 doanh nghiệp thành lập mới và 9.271 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động. 

Đối với số doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký là 271.238 tỷ đồng, tăng 11,4% về số doanh nghiệp và tăng 45,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp cho rằng, trong quý I, quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa đang giảm dần, dẫn đến giá trị của doanh nghiệp thấp đi. 

Ông Hà Quang Tuyến cho biết thêm, liên quan đến đầu tư và tăng trưởng, kinh tế quý I vẫn chủ yếu dựa vào vốn, tuy nhiên, gần đây đóng góp vốn đang giảm dần từ 60% xuống 55%, vốn vay ưu đãi chiếm tỷ trọng thấp, vốn nhà nước chỉ chiếm 34-35%, còn lại là các thành phần vốn tư nhân và FDI nên nếu thiếu hụt vốn đầu tư từ nhà nước, thì giải pháp sẽ là tăng huy động vốn từ khu vực ngoài nhà nước, cùng với đó, tránh đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. 

Nhận định chung về tình hình kinh tế - xã hội trong quý 1, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng đã có những yếu tố tích cực như : xuất khẩu, thu hút khách du lịch quốc tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt khá ; môi trường kinh doanh được cải thiện ; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định ; thiếu đói trong nông dân giảm mạnh cả về số hộ và số nhân khẩu so với cùng kỳ năm trước. 

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, nhìn chung, tình hình kinh tế các tháng còn lại của năm 2017 sẽ có nhiều khó khăn, thách thức hơn là thuận lợi. Với kế hoạch tăng trưởng 6,7% năm 2017 dự kiến khó đạt nếu nền kinh tế không có sự bứt phá trong các quý còn lại. Bên cạnh đó, các cân đối lớn như nợ công/GDP, tích lũy, tiêu dùng sẽ gặp khó khăn trong các năm sau… 

"Do đó, Chính phủ, các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội phải chủ động, linh hoạt chỉ đạo điều hành để vượt qua khó khăn, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua."., Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh.

Thúy Hiền (TTXVN)

Quay lại trang chủ
Read 754 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)