Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/09/2019

Tiền bẩn, tham nhũng, cưỡng chế đất, camera, công an đánh chết người

Tổng hợp

Tiền ‘bẩn’ tại Việt Nam sẽ bị xử lý như thế nào ? (RFA, 27/09/2019)

Tham nhũng là quốc nạn

Tại buổi làm việc với Chính quyền tỉnh Đắk Lắk về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, diễn ra vào chiều 24 tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận dù công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm 2019 có kết quả tốt tuy nhiên vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, trong những hạn chế, thì tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng vẫn còn thấp…

xahoi1

Báo chí tại Đức với thông tin về hồ sơ Panama hôm 7/4/2016. AFP

Ông cho rằng các cơ quan chức năng cần quản lý các dòng tiền, nhất là tiền ‘bẩn’ do tham nhũng mà có : "Tiền bẩn vào ngân hàng là chuyển sang đất đai, tài sản ; chuyển từ cá nhân này sang cá nhân kia, doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia. Nếu quản lý tốt dòng tiền này thì các đối tượng dù có tham nhũng cũng không tiêu tiền được", trích nguyên văn câu nói của Bộ trưởng Tô Lâm trên báo quốc nội.

Người đứng đầu Bộ Công an Việt Nam tuyên bố như vừa nêu trong bối cảnh Tổ chức Liêm chính Tài chính Tòan cầu (Global Financial Integrity-GFI), có trụ sở ở Mỹ vừa công bố một nghiên cứu cho thấy Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về nhận được dòng tiền bất hợp pháp từ hình thức rửa tiền dựa trên thương mại.

Nghiên cứu của GFI được thực hiện trong 10 năm từ năm 2006 đến 2015, dựa theo các dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và của Liên Hiệp Quốc (Liên Hiệp Quốc). GFI ghi nhận chỉ riêng trong năm 2015, Việt Nam đã thu về 22,5 tỷ đô la Mỹ (USD).

Đài RFA nêu vấn đề trên với Luật sư Vũ Đức Khanh, một nhà quan sát tình hình Việt Nam, rằng có phải Chính phính phủ Hà Nội đang quyết tâm một cách mạnh mẽ hơn nữa trong việc chống tham nhũng và rửa tiền, nhất là qua lời tuyên bố của ông Bộ trưởng Tô Lâm hay không ? Từ Canada, Luật sư Vũ Đức Khanh vào ngày 26 tháng 9 nêu lên nhận xét của ông :

"Việt Nam thực sự ra từ năm 2005 cũng đã có một đạo luật về phòng, chống tham nhũng và thậm chí từ năm 1994 của thế kỷ trước thì các lãnh đạo của Việt Nam mà đặc biệt là ông Nông Đức Mạnh từng nói rằng tham nhũng là quốc nạn và Chính phủ cũng như Nhà nước Việt Nam cần có những quốc sách để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên cho đến những giờ phút hiện tại thì vẫn cũng chỉ là những lời tuyên bố. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng tham nhũng đã là quốc nạn của Việt Nam 25 năm rồi, mà trong 25 năm qua thì tham nhũng ngày càng trầm trọng hơn nữa. Có lẽ họ có quyết tâm, nhưng họ có làm được hay không thì còn cần phải xét lại".

Luật sư Vũ Đức Khanh còn cho rằng không loại trừ yếu tố lời tuyên bố của Bộ trưởng Công an Tô Lâm được cố tình đưa ra trong thời điểm đang chuẩn bị cho Đại hỏi Đảng lần thứ XIII và trong công cuộc "đốt lò" của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, là mục đích nhằm đấu đá nội bộ để tranh giành chức quyền trong thời gian tới ở Việt Nam.

Trong khi đó, từ trong nước, nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng tuyên bố của Bộ trưởng Tô Lâm liên quan đến một vấn đề rất trừu tượng vì quá thiếu các dẫn chứng thực tế cũng như những báo cáo cụ thể. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định :

"Tình hình rửa tiền ở Việt Nam, là một trong những nước rửa tiền ghê gớm nhất thế giới, mà những báo cáo về rửa tiền, quản lý về công tác phòng, chống rửa tiền ở Việt Nam là rất mờ nhạt, rất trừu tượng, rất mơ hồ và nói chung là công tác quản lý, điều hành về phòng, chống rửa tiền, tiền bẩn ở Việt Nam thì tôi cho là cực kỳ yếu kém".

xahoi2

Ngân hàng Nhà nước, hồi tháng 05/19, lần đầu tiên công bố báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam. Courtesy : Ảnh chụp màn hình tintaynguyen.com

Sẵn sàng phòng, chống rửa tiền ?

Hồi trung tuần tháng 5 năm 2019, Ngân hàng Nhà nước lần đầu tiên công bố báo cáo kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và tài trợ khủng bố tại Việt Nam. Theo đó, trong thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, rủi ro về tài trợ khủng bố quốc gia ở mức ‘thấp’, nguy cơ rửa tiền ở Việt Nam ở mức ‘trung bình’ và rủi ro rửa tiền quốc gia là ‘trung bình cao’.

Ông Phạm Gia Bảo, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền, thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết nguy cơ rửa tiền, các lĩnh vực ngân hàng, bất động sản, hệ thống chuyển tiền ngầm được đánh giá ở mức ‘cao’ và mảng kinh doanh kiều hối được xếp mức ‘trung bình cao’. Đáng chú ý, nguy cơ rửa tiền liên quan tội phạm tham ô, tham nhũng, chiếm đoạt tài sản…là rất lớn.

Ông Phạm Gia Bảo còn nêu lên mặc dù nhiều vụ án tham ô tài sản được đưa ra xét xử và qua đó các khoản tiền tham nhũng là rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng ; tuy nhiên Việt Nam chỉ mới khởi tố và xét xử duy nhất một vụ án về tội rửa tiền có nguồn gốc từ tham ô, là vụ ông Giang Kim Đạt đã tham ô 260 tỷ đồng ở Công ty Vinashin.

Trước các số liệu nêu trên, tiến sĩ Phạm Chí Dũng đưa ra thêm các dẫn chứng cho thấy thực trạng hiện tại trong công tác xử lý tiền ‘bẩn’ do tham nhũng tại Việt Nam không đạt được kết quả :

"Tôi từng nghe một quan chức nói cách đây chừng hơn 1 năm thôi rằng bây giờ chỉ có ai ngu thì mới dùng tiền (tham nhũng) để xây lâu đài và sắm xe hơi đắt tiền. Còn biết khôn thì hãy chuyển sang của "chìm" hết đi, đừng có làm của "nổi"".

Theo ghi nhận của Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, thì có một sự chuyển đổi tỷ lệ tài sản tham nhũng "của nổi-của chìm" trong giới quan chức tham nhũng tại Việt Nam tính từ mốc năm 2016, tức là thời điểm Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động chiến dịch chống tham nhũng. Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói rằng trước thời điểm "đốt lò" thì thường là 50-50 phần trăm cho "của nổi và của chìm" (như đổi ra ngoại tệ, mua vàng và tuồn ra gửi ở ngân hàng nước ngoài..) và sau này thì tỷ lệ thay đổi là 20-80% "của nổi-của chìm", thậm chí của "chìm" chiếm tới 90%.

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn nhắc lại hồ sơ Panama được công bố trong cùng năm 2016 từng gây chấn động trong dư luận thế giới :

"Tôi muốn dẫn lại một minh họa khác là vào Hồ sơ Panama đã công bố hồi năm 2016 và gây ra một chấn động lớn. Trong công bố này, cho thấy chỉ riêng trong năm 2015 đã có 19 tỷ đô la Mỹ (USD) chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài. Sau đó, một số chuyên gia độc lập trong và ngoài nước đánh giá sở dĩ có số tiền nhiều như vậy thì có thể nói tiền đầu tư ra nước ngoài là ít mà tiền bẩn mang ra rửa là nhiều và sẽ có ít nhất 1/3 trong số 19 tỷ USD đó là tiền được rửa và sau đó quay trở lại Việt Nam dưới dạng tiền sạch. Tiền ở Việt Nam là tiền tham nhũng, đổi ra ngoại tệ và tuồn ra nước ngoài và quay trở lại Việt Nam dưới dạng đầu tư, kiều hối…dưới dạng tiền sạch".

Một chuyên gia tài chính độc lập ở trong nước, không muốn nêu tên, qua email còn cho RFA biết tại Việt Nam có muôn hình vạn trạng cách quan chức tham nhũng có thể "hợp thức hóa" tài sản mà họ tham nhũng, đơn giản từ một món quà tết là một chậu mai kiểng của một công ty tặng cho một vị cán bộ và sau đó vị cán bộ này tuyên bố bán chậu mai kiểng "nhà trồng" trong nhiều năm với giá mấy tỷ đồng.

Từ chuyện hợp thức hóa này có thể liên tưởng đến vụ cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son nhận hối lộ 3 triệu USD trong thương vụ Mobifone mua cổ phần của AVG. Và, khi đó ông Nguyễn Bắc Son đã khai báo đưa số tiền nhận hối lộ 3 triệu USD cho con gái Nguyễn Thị Thu Huyền. Tuy nhiên, con gái vị cựu bộ trưởng này được báo giới dẫn lời lên tiếng rằng không nhận bất cứ khoản tiền nào từ bố mình. Câu hỏi mà nhiều người quan tâm là số tiền tham nhũng 3 triệu USD của ông cựu Bộ trưởng đang được tẩu tán ở đâu ?

Tiến sĩ Phạm Chí Dũng còn khẳng định số tiền tham nhũng của ông Nguyễn Bắc Son trong thương vụ đó còn lớn hơn nhiều, với lập luận :

"Thật ra mà nói số tiền tham nhũng của Nguyễn Bắc Son có thể gấp 10 đến 15 lần so với con số 3 triệu USD. Tại vì theo luật bất thành văn trong các giao dịch thương mại, như phi vụ ở Tập đoàn AVG là phải chi từ 10% đến 15% cho quan chức. Ví dụ như trong vụ Cục trưởng Cục phòng, chống tội phạm công nghệ cao Nguyễn Thanh Hóa bị bắt là cũng được đám đánh bạc công nghệ cao chi 10%. Vậy thì Nguyễn Bắc Son cũng phải được chi như vậy chứ. Số tiền 3 triệu USD chỉ là số nhỏ thôi vì số tiền tham nhũng của Bắc Son là khủng khiếp. Như vậy vấn đề là số còn lại đi đâu ?"

Cả Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Luật sư Vũ Đức Khanh cùng khẳng định Việt Nam gần như đầy đủ về mặt cơ chế và luật pháp trong quốc nội cũng như tham gia ký kết công ước, hiệp định phòng, chống rửa tiền quốc tế. Nhưng :

"Về mặt khung pháp lý, tức là đạo luật tôi vừa nhắc đến và tất cả những nghị định kèm theo cùng các văn bản hướng dẫn…Nếu nói về khung pháp lý đó thì quả thực Việt Nam có đầy đủ hết và đã sẵn sàng. Tuy nhiên, vấn đề về quyết tâm chính trị như tôi đã đề cập thì tôi nghĩ là không có và về nguồn nhân lực để thực hiện thì nếu nói về số lượng là có nhưng nếu nói về chất lượng của đội ngũ quan chức thanh tra trong vấn đề phòng, chống tham nhũng của Việt Nam thì tôi không tin là họ có đạo đức thực sự để thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng. Tôi có thể nhìn thấy thanh tra ở Việt Nam còn tham nhũng hơn cả. Tôi tạm thời gọi là "siêu tham nhũng", tức là họ lạm dụng quyền kiểm tra các vấn đề tham nhũng để tham nhũng nhiều hơn những người tham nhũng bị kiểm tra".

Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định như vừa nêu trong khi vị chuyên gia tài chính độc lập ẩn danh cũng xác nhận với RFA về giới thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu chỉ kiểm tra và báo cáo theo mức "thù lao" nhiều hay ít mà họ nhận được từ những đối tượng tham nhũng bị điều tra.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam-Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng điều quan trọng nhất mà Việt Nam muốn đạt được quyết tâm chống tham nhũng cũng như thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế trong chống rửa tiền là phải làm cho được 3 điều chính yếu ; bao gồm đổi mới cơ chế, có tự do truyền thông và nâng chế độ tiền lương cho công chức.

Còn nhà quan sát tình hình Việt Nam-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng thì cho rằng ông không nhìn thấy một dấu hiệu lạc quan nào qua tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Công an Tô lâm :

"Tôi đã nghe ít nhất 3 lần Tô Lâm nêu quyết tâm chống rửa tiền đó rồi. Nhưng mà sau đó tình hình càng ngày càng tồi tệ. Cho nên tôi thấy tất cả những quyết tâm của Tô Lâm nói riêng và của giới quan chức Việt Nam nói chung là chẳng có ý nghĩa gì cả".

**************

Xử VN Pharma : Viện Kiểm sát và Bộ Y tế bất đồng (BBC, 27/09/2019)

Viện kiểm sát tỏ ra không đồng ý khi Bộ Y tế Việt Nam cố chứng minh thuốc ung thư giả chỉ là thuốc 'kém chất lượng'.

xahoi3

Ông Nguyễn Minh Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma, trong phiên sơ thẩm năm 2018

Phiên xử sơ thẩm lần hai với 12 bị cáo bắt đầu hôm 24/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh trong vụ án.

Vào hôm 27/09, phiên xử được cho là đi vào phần cuối cùng trước khi tòa nghị án thì có những diễn biến gây tranh cãi.

Đại diện Viện Kiểm sát Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ những thông tin của Bộ Y tế đưa ra khẳng định thuốc H-Capita (chữa ung thư) "đạt chuẩn và chỉ bị giả mạo về nguồn gốc xuất xứ".

Trước đó Cục Quản lý Dược gửi "công văn khẩn" tới Hội đồng Xét xử về việc cục này cử đoàn sang Ấn Độ để xác minh thuốc (hồi tháng 11/2017).

Công văn này nói "về bản chất lô thuốc H-Capita đạt tất cả tiêu chuẩn khi xuất xưởng" nhưng vì vì thời hạn xuất xưởng quá lâu, do vận chuyển lòng vòng, nên có việc "thay đổi nhãn mác nhằm thay đổi xuất xứ của lô thuốc".

Tuy nhiên, Viện Kiểm sát đã bác bỏ những thông tin của Bộ Y tế đưa ra với lý do tài liệu mà đoàn công tác của Bộ Y tế cung cấp "không đảm bảo tính pháp lý, khách quan, không xuất phát từ yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, và không có người của cơ quan điều tra đi cùng đoàn... nên không được sử dụng để làm căn cứ xác định nguồn gốc lô thuốc ung thư".

Phía Viện kiểm sát cũng cho rằng chính Cục Quản lý dược Bộ Y tế cũng đang bị cơ quan điều tra đang khởi tố vụ án, xem xét hành vi sai trái nên thông tin cục này đưa không đảm bảo tính pháp lý và rằng hành vi các bị cáo gây ra có trách nhiệm của Cục Quản lý dược nên không loại trừ cục này có nỗ lực "bao che".

Trong khi đó quan điểm của các luật sư bào chữa cho 12 bị cáo là các chuyên gia của Bộ Y tế tham gia phiên tòa (và kết quả kiểm định) cũng khẳng định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả.

xahoi4

VN Pharma từng cung cấp thuốc cho nhiều bệnh viện công tại Việt Nam

Cục Quản lý dược cho rằng về bản chất thì hành vi của các bị cáo trong vụ án là "giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc để trục lợi".

Phiên xử vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng'' xảy ra tại Cục Quản lý dược Bộ Y tế và các cơ quan liên quan diễn sau khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án ngày 18/09/2019.

Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, người ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu số thuốc chữa ung thư, vắng mặt dù được triệu tập.

Thuốc H-Capita 500mg được VN Pharma nhập khẩu vào Việt Nam tháng 4/2014, và đến 1/8/2014 thì bị Cục Quản lý dược Bộ Y tế có văn bản yêu cầu tạm ngừng lưu hành vì có chất "không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người".

Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.

Các bị cáo trong vụ án gồm Nguyễn Minh Hùng (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc VN Pharma), Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hàng hải quốc tế H&C), Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (Phó phòng Xuất nhập khẩu VN Pharma), cùng 6 bị cáo khác.

Khung hình phạt của tội danh này là từ 20 năm tù tới chung thân hoặc tử hình.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có ý kiến chính thức về vụ việc này hôm 20/9, khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại Cục Quản lý dược, Bộ Y tế liên quan việc cục này cấp phép cho 10 thuốc nhập khẩu từ 'công ty ma' Helix Canada .

Bà Kim Tiến đã nói với báo chí rằng vụ việc cần được xử "đúng người đúng tội, đúng sự việc, không oan sai và không bỏ sót tội".

***************

Chính quyền Đồng Nai tiếp tục cưỡng chế đất ở Long Hưng (RFA, 27/09/2019)

Dự án khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng tại xã Long Hưng, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bị người dân phản đối và khiếu kiện lâu nay nhưng vẫn chưa giải quyết được. Trong khi người dân chờ đợi thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra thì chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện cưỡng chế dân. Chúng tôi ghi nhận những phản ánh của người dân trong phóng sự sau, mời quý vị theo dõi.

xahoi5

Một mặt thì lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói đã có kết luận thanh tra chính phủ, nhưng không chịu công bố, khiến người dân Long Hưng cứ ngóng chờ kết luận của thanh tra, một mặc thì vẫn ra tay cưỡng chế nhà dân Photo : RFA

Dân chờ kết luận thanh tra

Lần cưỡng chế gần đây nhất xảy ra tại xã Long Hưng là vào ngày 28 tháng 06 năm 2019.

Lúc chúng tôi đến đây, nhiều căn nhà của người dân nơi đây bị cưỡng chế, phá dỡ chỉ còn lại nền đất trống. Trong đó có gia đình ông Đỗ Hoàng Dũng. Ông Dũng cho chúng tôi biết, gia đình ông nhận được thông báo cưỡng chế hôm trước thì hôm sau lực lượng cưỡng chế đến phá dỡ nhà khiến cả nhà không kịp xoay sở.

- Đưa ngày trước ngày sau nó cưỡng chế á

- Nó gởi quá sát mình đâu có dọn kịp. Hăm sáu gởi hăm bảy nó cưỡng mà

Ông nói tiếp :

Xuống khoảng 200 người á, đủ các ban ngành…rồi nó vô, chú đốt xăng ‘zụt’ ra, đi vô nhà cái ngoài đây nó cắt hàng rào B40... nó đem xe cuốc vô nó cuốc…ghế đá, giường… nói chung nát hết.

Công an với cảnh sát cơ động có vũ khí có bảng che, nói chung lấy được nhà đất của dân là thành công lớn nhất là do cái sức mạnh của công an với cảnh sát cơ động.

Bà Trịnh Thị Nhàn, cũng là một trong những nạn nhân của cuộc cưỡng chế tại Long Hưng trong quá khứ, cho biết :

Xin được nhắc lại rằng dự án hơn 1000 hecta này do Liên hiệp HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai – Dona.Coop làm chủ đầu tư.

Người dân tố cáo chính quyền tỉnh Đồng Nai phê duyệt dự án không đúng cấp thẩm quyền và nhiều sai phạm khác. Ròng rã nhiều năm trời đưa đơn tố cáo thì đến năm 2013, thanh tra chính phủ đã vào cuộc thế nhưng cho đến hiện nay vẫn chưa công bố kết luận thanh tra.

Chính quyền nói làm theo chỉ đạo

Người dân cho rằng những lần tiếp xúc và làm việc trước kia của đoàn thanh tra với người dân là thiếu khách quan, bà Nhàn kể lại :

Khi làm việc thì chả hỏi nội dung tố cáo của tụi chị gì hết, mà cứ giống như chất vấn để đe dọa tụi chị, như ai là người đứng chủ mưu cái nội dung đơn, rồi ai là người xúi dục ?

Ông Nguyễn Văn Nhuần cho rằng có sự bao che hoặc dung túng cho những sai phạm của chính quyền trong dự án này. Sở dĩ nói như vậy, vì tháng 6 vừa rồi phía chính quyền vẫn tiếp tục cưỡng chế mặc cho người dân nói dự án sai phạm.

xahoi6

Thông báo cưỡng chế đất do chính quyền Long Hưng gửi, được người dân cung cấp Photo : RFA

Đoàn công tác thanh tra chính phủ vô gặp chúng tôi hỏi sơ mang tính chất làm thủ tục hành chánh, hỏi sơ là ai đứng đại diện nội dung tố cáo, ai là ủy quyền chứ hoàn toàn không có tham khảo những tài liệu chứng cứ cũng như là nội dung tố cáo của chúng tôi do đó chúng tôi thấy việc làm của đoàn công tác thanh tra CP có dấu hiệu…bao che dung túng cho sai phạm của chính quyền tỉnh Đồng Nai.

Chính vì như vậy, người dân càng nóng lòng hơn khi không nhân được câu trả lời mà phía chính quyền cứ tiếp tục cưỡng chế làm người dân rơi vào cảnh hoang mang, uất ức. Bà Nhàn cho biết tiếp :

Buổi tiếp xúc cử tri tại phường (xã) Tân Hạnh, tụi chị có lên đó gặp ông Võ Văn Thưởng cũng có những ý kiến yêu cầu công bố kết luận thanh tra, tiếp theo yêu cầu ngăn chặn cái hành vi cưỡng chế trái pháp luật nhưng mà sau đó…cưỡng chế vẫn là cưỡng chế.

Sau cuộc cưỡng chế ngày 28 tháng 06, thì hôm sau báo trong nước dẫn lời lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói rằng, ‘UBND tỉnh đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật trong thực hiện phê duyệt quy hoạch, bồi thường, thu hồi đất đối với Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng. Dự án triển khai thực hiện theo đúng quy trình của Chính phủ và Thanh tra Chính phủ đã có kết luận đây là dự án triển khai đúng quy định.’ 8402, 8403, 8404.

Rõ ràng, một mặt thì lãnh đạo tỉnh Đồng Nai nói đã có kết luận thanh tra chính phủ, nhưng không chịu công bố, khiến người dân Long Hưng cứ ngóng chờ kết luận của thanh tra, một mặc thì vẫn ra tay cưỡng chế nhà dân. Có gì khuất tất trong cách hành xử của chính quyền địa phương ? Một người dân cho biết vẫn chưa nhận được kết luận thanh tra nào :

Đến nay vẫn chưa có công bố kết luận thanh tra. Việc mà chúng tôi tố cáo khiếu nại, kết thúc cuối cùng chúng tôi yêu cầu công bố kết quả giải quyết cho tụi tui, yêu cầu là đảm bảo khách quan trung thực, đúng với quy định pháp luật. Công khai cái kết luận đó.

Thanh tra sớm kết luận để coi cái dự án này nó đúng sai cỡ nào để người dân ta được yên tâm, không lẽ thanh tra lại kết luận sai hay sao ? Mình hy vọng là thanh tra sao nó đúng pháp luật cho dân được nhờ.

Sự việc này kéo dài quá lâu, người dân Long Hưng hơn 10 năm sống vất vưởng trong khu tạm cư, thiếu thốn đủ bề. Phần đông những người chúng tôi gặp đều mong mỏi công lý được thực thi để trả lại cho họ những gì đáng ra là của họ.

Những người dân tố cáo ông Ao Văn Thinh với Đinh Quốc Thái nay cũng 10 năm rồi. Thì quan điểm tất cả anh em trong đoàn luôn mong muốn được thanh tra chính phủ đã làm việc hai lần rồi thì yêu cầu thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra, còn kế theo nữa nếu vô làm việc với người dân thì có thể làm việc đối chất đi. Nếu người dân chúng tôi tố cáo thì chúng tôi cung cấp những cơ sở pháp lý để nói cái sai.

Chính phủ mà cứ để 10 năm 20 năm ví dụ như Long Hưng, Thủ Thiêm, Sơn Tiên, mà kéo dài như vậy thì đời người của người dân sống được bao năm.

Với tư cách là Đại biểu quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ngày 20/8/2019 đã gửi công văn đến Tổng thanh tra Chính phủ đề nghị sớm có kết luận thanh tra dự án Khu đô thị sinh thái kinh tế mở Long Hưng, Biên Hòa. Trong các cuộc tiếp xúc cử tri ở Biên Hòa, ông Thưởng đã nghe người dân phản ánh về dự án trên và ông cũng đã từng gửi công văn cho Phó thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ sớm chỉ đạo để có kết luận thanh tra dự án…

*********************

Camera-công cụ giám sát tham nhũng hay bảo vệ quan chức ? (RFA, 27/09/2019)

Theo thông tin của tỉnh Sóc Trăng, kinh phí gần 1 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tư gia của 16 cán bộ trong Ban Thường vụ được lấy từ nguồn dự phòng ngân sách Đảng cho Văn phòng tỉnh Ủy.

xahoi7

Hệ thống camera giám sát. (Ảnh minh họa) AFP

Tiền dùng không đúng chỗ

Thông tin từ Zing.vn đăng ngày 27/9, Đại tá Nguyễn Minh Ngọc, phó giám đốc công an tỉnh Sóc Trăng cho biết đã từng kiến nghị lắp camera tại trụ sở các cơ quan của Đảng, Nhà nước và cán bộ trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vì đây là mục tiêu bảo vệ của cơ quan công an. Nhưng xem ra, việc lắp đặt camera tại nhà các quan chức quan trọng hơn…. !

Nhiều bạn đọc ngay khi biết thông tin này đã bình luận tại sao không dùng số tiền đó đầu tư vào những việc có ích khác như xây trường học, đường xá hoặc cầu đường giúp dân (bạn đọc Jennie Nguyễn) hoặc như bạn đọc khác cho rằng tại sao không lắp camera tại các cơ quan công quyền để phát hiện tham nhũng, cán bộ nhũng nhiễu khi tiếp dân như tỉnh Quảng Ngãi đã từng làm mà lại lắp cho cá nhân các quan chức lãnh đạo ?

Kỹ sư Trần Bang từ Sài Gòn nhận định với RFA vào ngày 27/9 khi chúng tôi nêu vấn đề này với ông : "Tôi không rõ mục đích của họ theo dõi cái gì mà họ lấy ngân sách ra để họ theo dõi những người lãnh đạo như vậy thì tôi thấy lãng phí ngân sách của người dân. Dùng tiền của dân theo dõi cán bộ của Đảng như vậy là sai và tốn thuế của dân. Nếu tôi là các ông tỉnh ủy viên như vậy thì tôi cởi áo bỏ đảng về quê làm ruộng, coi sóc như thế chắc gì bình đẳng, ví dụ theo dõi 100 người, thiên vị 10 người còn 90 người còn lại mang ra tố cáo để 10 người này trúng cử thì sao nên chỉ có người dân, người ta mới phản ánh đúng tư cách của cán bộ".

Ngoài ra, ông Bang còn cho hay với chi phí 1 tỷ đầu tư vào việc lắp đặt hệ thống như vậy thì phải trừ đi 50% chi phí để dành được đấu thầu này tức là việc lại quả, đút lót 50%, không bằng tiền thì cũng bằng cách này hay cách khác nhưng ông đảm bảo việc đi mua sắm công tại Việt Nam chắc chắn sẽ mất 50%.

Nhà báo Phạm Thành từ Hà Nội nhận định về vụ việc cho rằng các quan chức Việt Nam lo ngại việc một số người dân không đồng tình với cách lãnh đạo của họ sẽ tìm cách hành hung, ném gạch, ném chất bẩn… vào tư gia quan chức nhằm gây sức ép nên việc lắp đặt hệ thống giám sát để bảo vệ các quan chức này.

"Nếu đúng như thế thì thật ra phơi bày bộ mặt lãnh đạo, cho dân vì dân nhưng lại sợ bị trả thù của lớp cán bộ, vì cán bộ tử tế thì cần lắp camera để làm gì. Tất nhiên dùng tiền công lắp đặt như thế nhằm bảo vệ cá nhân tại tư gia thì nó không đúng vì không có luật nào quy định cả. Mấy ông là người có chức có quyền thì họ cứ lấy tiền ngân sách trang bị cho cá nhân mà thôi, chẳng có luật pháp gì các ông có chức có quyền thì làm thôi".

Có thể giám sát tham nhũng ?

Với quyết tâm giảm tham nhũng trong bộ máy công quyền, vào ngày 3/7/2019 chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng yêu cầu các cơ quan địa phương đưa ra giải pháp nhằm phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động công vụ. Trong đó, giải pháp lắp đặt hệ thống ghi âm, ghi hình trực tuyến tại các địa điểm có cán bộ, công chức, tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp được nhiều người đồng tình.

Vị Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng "Hệ thống camera giám sát ngăn chặn tình trạng cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn vòi vĩnh, sách nhiễu trong thực thi công vụ. Tỉnh kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất" (trích từ zing.vn đăng 3/7/2019).

Vào tháng 5/2019 trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh Phú Yên cũng cho biết vừa lắp đặt 6 camera ghi lại tất cả bộ phận trong việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu của người dân. Mọi hình ảnh từ trung tâm sẽ được truyền trực tiếp về lãnh đạo trung tâm và lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh. Ngoài ra, nhiều tỉnh thành khác cũng bắt đầu triển khai lắp đặt hệ thống giám sát tại các cơ quan công quyền nhằm kiểm soát cán bộ cũng như các hoạt động tại đây.

Cài đặt camera được lãnh đạo các địa phương đặt nhiều kỳ vọng nhằm giảm thiểu hoặc chí ít phát hiện tham nhũng đã bị Kỹ sư Trần Bang phản bác, ông cho rằng việc phòng ngừa cán bộ tham nhũng, tiêu cực không chỉ qua việc lắp đặt camera giám sát ; điều đó chỉ phản ánh được một phần của sự vụ :

"Để quản lý cán bộ tốt thì trả lại quyền cho nhân dân lựa chọn cán bộ, lựa chọn người làm chính sách và làm chính sách công, cái gì dính đến công thì do người dân lựa chọn, vì người dân có trăm tay nghìn mắt chứ bây giờ đưa về trung tâm nào đó phân tích như bộ phận an ninh chẳng hạn, ban tuyên giáo hay ủy ban kiểm tra trung ương đảng thì nó vẫn là độc quyền. Bản thân người kiểm tra cho qua chuyện đó, thậm chí xóa những hình ảnh xấu đi, đút lót, hối lộ, hoặc thiếu tư cách chẳng hạn…thì người dân đâu được biết".

Đứng ở góc độ khác phân tích, nhà báo Phạm Thành cho rằng, việc sử dụng ngân sách quốc gia để lắp đặt hệ thống camera nhằm chống tham nhũng, tiêu cực, là trò hề. Nhà báo giải thích :

"…vì chống tham nhũng dựa trên nền tảng xã hội mà nền tảng đó đủ để chống và ngăn tham nhũng phát sinh, phát triển. Chứ tham nhũng không phải từ chỗ có camera thì tôi không có tham nhũng, lắp camera ngăn chặn được hành vi tham nhũng, xin thưa không vì tham nhũng ở đây nó ở trong phòng kín, trong một không gian khác chứ không phải lắp ở đó là có thể chống được tham nhũng. Nó rất là buồn cười và trẻ con…".

Còn đối với Luật sư Nguyễn Văn Hậu phó chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh thì lại có cách nhìn nhận tích cực hơn, ông nói : "Có camera ghi hình tại trụ sở thì tôi thấy nó dễ làm rõ mọi chuyện hơn, cũng như có tác dụng cảnh báo ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật của cả hai phía. Việc lắp camera tại nơi tiếp dân ở các cơ quan công quyền thì đây là một chương trình cải cách hành chính mà nhiều nơi đã thực hiện lắp đặt. Nó thể hiện sự công khai minh bạch tức là qua hệ thống camera tôi có thể kiểm soát được hoạt động của cơ quan công quyền và chính vì điều đó để có thể kiểm soát được công việc".

Đồng thời, luật sư Hậu còn nói :

"Lấy tiền từ ngân sách để làm những việc này còn hơn là để xảy ra những việc tiêu cực, tham nhũng mà mình không kiểm soát được, người dân thấy nó minh bạch hơn, tôi thấy nếu trích ra một ít ngân sách như vậy mà tiết kiệm được nhiều tiền hơn nữa và người dân giám sát dễ dàng hơn nữa".

*********************

2 cựu công an đánh chết người bị bắt ngay tại tòa (RFA, 27/09/2019)

Tăng án, bắt giam tại tòa đối với 2 cựu công an đánh chết người.

xahoi8

Tòa Phúc thẩm Thành phố Cần Thơ hôm 27/9 đã không chấp nhận kháng cáo của 2 cựu công an đánh chết người, đồng thời tăng án phạt, bắt giam tại tòa. Courtesy cantho.com.vn

Tòa Phúc thẩm Thành phố Cần Thơ hôm 27/9 đã không chấp nhận kháng cáo của 2 cựu công an đánh chết người, đồng thời tăng án phạt, bắt giam tại tòa.

Truyền thông trong nước loan tin cho biết bị cáo Bùi Đức Nghĩa, 32 tuổi và Nguyễn Tuấn Anh, 30 tuổi, là cựu công an thuộc Công an quận Ô Môn, Cần Thơ, bị xét xử cùng tội danh ‘cố ý gây thương tích’.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 9/8/2018, khi xử lý người vi phạm giao thông là anh Nguyễn Chí Hiếu, 30 tuổi, ngụ phường Trường Lạc, quận Ô Môn, 2 cựu công an Bùi Đức Nghĩa và Nguyễn Tuấn Anh đã đánh gây thương tích cho anh Hiếu. Đến ngày 13/8/2018 anh Hiếu đã chết tại bệnh viện.

Trong phiên tòa phúc thẩm, cả 2 bị cáo đều có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt vì đã chủ động bồi thường cho gia đình bị hại. Nhưng phía bị hại lại yêu cầu tăng số tiền bồi thường, tăng án đối với 2 cựu công an này, với lý do các bị cáo quanh co chối tội.

Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm nhận định, hành vi của 2 bị cáo có tính chất côn đồ, nên đã chấp nhận một phần kháng cáo của đại diện bị hại, tăng hình phạt đối với bị cáo Nghĩa. Riêng bị cáo Tuấn Anh đã thành khẩn khai báo nên tòa xem xét không tăng hình phạt.

Nhưng tòa cho rằng đề nghị tăng mức bồi thường của phía bị hại là không phù hợp với quy định của pháp luật vì các bị cáo đã khắc phục hậu quả, bồi thường cho bị hại.

Quay lại trang chủ
Read 517 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)