Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/06/2017

Chuyến đi 'không đột phá, nhưng có kết quả'

BBC tiếng Việt

Chuyến thăm Mỹ và Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc là 'thành công, có kết quả', tuy nhiên không tạo ra được sự 'đột phá' trong bang giao hai nước, một số khách mời là chuyên gia và nhà quan sát chính trị, bang giao Mỹ - Việt nói Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.

chuyendi1

Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phúc tuy không tạo đột phá, nhưng cũng đạt được một số kết quả, thành công, theo ý kiến học giả và nhà quan sát.

Trước hết, từ Học viện Ngoại giao của Việt Nam, hôm 01/6/2017, Tiến sĩ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngoại giao, nói :

"Về cơ bản, tôi cho rằng đây là một chuyến đi rất thành công của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sang Mỹ, tôi nghĩ rằng nó thành công ở mấy phương diện... Thứ nhất về mặt chính trị, chuyến đi này tiếp tục duy trì đà quan hệ và đà phát triển quan hệ trong thời kỳ của Tổng thống Donald Trump, đồng thời với đó, nó mở ra khuôn khổ hợp tác mới, tôi có thể nói nó đã định hình một tầm nhìn, một định hướng trong quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới.

"Thứ ba, hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin đối với nhau, tôi nghĩ đây là điểm rất quan trọng. Việc Thủ tướng Phúc sang Mỹ làm việc, ông Donald Trump đón tiếp Thủ tướng Phúc từ rất sớm và đã nhận lời sang Việt Nam, thăm Việt Nam và dự cấp cao APEC, thì tôi nghĩ rằng nó đã xây dựng, củng cố lòng tin giữa hai bên, đó là điểm thứ nhất, thành tựu thứ nhất.

"Điểm thứ hai, tôi cho rằng những thông điệp truyền tải tới cộng đồng doanh nghiệp của Mỹ là khá rõ rệt, nhất là về một môi trường Việt Nam đầu tư, làm ăn kinh tế... Chúng ta thấy là đích thân Thủ tướng cũng đã giải thích về thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam rằng đây là thâm hụt có lợi cho Mỹ, chứ không phải là những thâm hụt mà không có lợi. Tôi nghĩ rằng những thông điệp đó đã được chuyển đi rất là tốt.

"Điểm thứ ba trong ý thứ hai này là sau khi Mỹ rút khỏi TPP, hai bên muốn tìm kiếm một khuôn khổ mới để thúc đẩy quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước, tôi nghĩ cái này vẫn còn nhiều bước tiến nữa, phải đàm phán và phải ngồi với nhau ; nhưng ít nhất về mặt cam kết chính trị, hai bên đã đạt được đồng thuận về khuôn khổ này. Tôi nghĩ điểm này cũng là một điểm rất thành công".

Theo chuyên gia về chiến lược ngoại giao của Việt Nam, một thành công thứ ba của chuyến đi là điều mà ông gọi là 'thông điệp' với xã hội và người dân Mỹ, qua chuyến đi Mỹ của Thủ tướng Phúc, ông Trần Việt Thái nói tiếp :

"Tôi cho rằng chuyến đi này đã củng cố sự hiểu biết lẫn nhau, đặc biệt là giúp người Mỹ và chính quyền mới ở Mỹ, cũng như người dân và xã hội Mỹ hiểu hơn về một đất nước Việt Nam đổi mới, năng động và phát triển. Tôi cho rằng đây là điểm thành công rất quan trọng. Để từ đó, nó thúc đẩy những giao lưu, hợp tác về giao lưu con người, hợp tác văn hóa giáo dục và các lĩnh vực khác.

"Thứ tư, tôi cho rằng nó (chuyến đi) thành công ở chỗ là nó chuyển đi thông điệp ở khu vực và đối với quốc tế, đặc biệt đối với Liên Hợp Quốc, chuyến đi này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng thời với dịp dự sự kiến 40 năm ngày Việt Nam tham gia Liên Hợp Quốc và Thủ tướng đã có cam kết rất mạnh mẽ về việc Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp ngày càng tích cực hơn cho các công việc của Liên Hiệp Quốc, ví dụ như trong các hoạt động gìn giữ hòa bình chẳng hạn."..

'Không đột phá, nhưng có kết quả'

chuyendi2

Việt Nam muốn vận động hành lang ở Mỹ 'không dễ' vì Trung Quốc

Từ Washington D.C, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ, sau khi xem xét bối cảnh của chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam, đưa ra đánh giá về kết quả chuyến đi với Bàn tròn, ông nói :

"Một số sự kiện nhỏ cho thấy có kết quả chứ không phải có kết quả, không có đột phá, nhưng cũng có kết quả là tăng cường bang giao giữa hai nước. Chúng ta thấy trong việc này, ông Phúc có được dịp để phát biểu giải thích quan điểm của Việt Nam.

"Nhất là trong bài diễn văn của ông ở Heritage Foundation (Quỹ Di sản), ông nói rõ là Việt Nam muốn hưởng quy chế thị trường, Việt Nam muốn có thêm thiết bị quốc phòng của Mỹ và điều quan trọng nhất ông nói một cách rõ rệt rằng Việt Nam muốn các nước như Mỹ và Trung Quốc, hai nước lớn hành xử một cách minh bạch và có trách nhiệm, để đừng (gây) hậu quả xấu, ảnh hưởng xấu đến những nước khác...

"Đồng thời ông có nói câu 'Trâu bò đánh nhau, ruồi muỗi chết', nghĩa là ông nói rõ Việt Nam vừa sợ hai bên cấu kết với nhau, nhưng mà cũng vừa sợ hai bên đánh nhau. Về phương diện thương mại, ông tuyên bố tại Heritage Foundation là sẽ ký hiệp ước thương mại đạt đến 15 tỷ đô-la, nhưng trong thông cáo chung hai nước chỉ nói đến 8 tỷ thôi, tuy rằng kết quả này có tính cách khiêm nhường, nhưng đã được ông Trump khen ngợi.

"Ông khen ngợi cá nhân ông Phúc là làm việc rất tuyệt vời, ông gọi là 'fantastic job', ông khen ngợi việc ký hiệp ước là... tạo hàng tỷ (đô-la giá trị về) công ăn việc làm cho nước Mỹ và ông nói chúng tôi đánh giá cao việc làm này.

"Còn về điểm đáng để ý là về phương diện Biển Đông, tuy ông Trump trong cuộc gặp các nhà báo cùng với ông Phúc chỉ nói hai điều là vấn đề thương mại và vấn đề Bắc Hàn, mà không nói đến Biển Đông, nhưng trong thông cáo chung, hai ông đã nói đến Biển Đông, và quan điểm nói trong thông báo chung phù hợp với quan điểm Việt Nam là tôn trọng luật quốc tế, tự do hàng hải v.v... đều có lợi cho Việt Nam hết.

"Có một điểm rất đặc biệt về phương diện quốc phòng là chúng ta thấy trước khi đi, để đáp ứng quan tâm (quan ngại) của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc cấu kết với nhau, thì Mỹ có cuộc tuần tra, tác động tuần tra hàng hải ở ngay đảo mà Trung Quốc đang chiếm giữ, và cũng trao thiết bị một tàu tuần duyên cho Việt Nam, nhưng trong thông cáo chung đó, hai bên nói một điều là trao đổi về khả năng tàu sân bay của Mỹ thăm cảng Việt Nam và các biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác giữa lực lượng hải quân hai bên.

"Tôi nghĩ đây là một điều... nhỏ nhưng khá quan trọng trong cộng tác quốc phòng giữa hai nước ; một điểm nữa mà tôi nghĩ ông Phúc muốn có mà Mỹ cũng đồng ý để ông (Phúc) có được điều đó là nói rằng hai bên cùng nhất trí các cơ chế đối thoại song phương hiện có, mà trong đó có cả quan hệ kênh đảng, là điều mà ông (Tổng Bí thư) Nguyễn Phú Trọng sang đây được và bây giờ ông Phúc tiếp tục nhấn mạnh điều đó".

'Đề cập tổ chức đa quốc gia'

chuyendi3

Tổng thống Mỹ nhắc Việt Nam về thâm hụt thương mại

Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia, đồng thời là nhà nghiên cứu về chính trị và bang giao quốc tế, bổ sung thêm một đánh giá về kết quả chuyến thăm, ông nói :

"Nhiều người để ý quá nhiều về thương mại và kinh tế, đặc biệt là vấn đề nhập siêu của Mỹ đối với Việt Nam.

"Tôi nghĩ đây thật ra không phải là vấn đề quan trọng lắm, bởi vì xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ một năm là 32 tỷ Mỹ kim thôi, trong khi xuất siêu của Trung Quốc sang Mỹ, mỗi tháng lớn hơn số xuất siêu của Việt Nam sang Mỹ trong một năm.

"Thành ra, nếu so sánh, tôi nghĩ rằng những người ở trong chính phủ Mỹ họ biết vấn đề này, cho nên vấn đề này không phải là vấn đề quan trọng, vấn đề này để cho ông Trump có hãnh diện đối với dân chúng Mỹ thôi.

"Nhưng tôi nghĩ có một vấn đề rất quan trọng mà Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng và Tiến sĩ Trần Việt Thái có đề cập sơ qua, nhưng không đi vào chi tiết, đó là trong chuyến đi này, phía bên Việt Nam và Thủ tướng Phúc có đề cập các tổ chức đa quốc gia.

"Trước hết là Liên Hợp Quốc, vấn đề Liên Hiệp Quốc trong tuyên bố chung nói một vài lần, vấn đề nữa là vấn đề ASEAN và vấn đề kia là vấn đề APEC.

"Vấn đề ASEAN, hai bên đồng ý là ASEAN rất quan trọng và Việt Nam và Mỹ muốn tăng cường đối tác chiến lược đối với ASEAN và Việt Nam và Mỹ cũng sẽ nỗ lực chung để xây dựng cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

"Mà tôi nghĩ đây là vấn đề rất quan trọng cho Mỹ trong tương lai, bởi vì hiện nay mặc dù ông Trump không thích các tổ chức đa phương, nhưng không có các tổ chức đa phương, nhất là đa phương có quan hệ đến khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, thì Mỹ sẽ khó có vai trò lâu dài trong khu vực đó, cái đó là một, đối với ASEAN, tôi nghĩ đó là vấn đề quan trọng nhất.

"Vấn đề thứ hai là vấn đề APEC, mặc dù an ninh là vấn đề quan trọng, nhưng APEC là một tổ chức mậu dịch, theo dõi hàng hóa của Châu Á - Thái Bình Dương mà ông Trump có khen ngợi là Việt Nam sẽ là chủ nhà của cuộc Hội nghị (thựợng đỉnh) sắp đến vào tháng 11, tôi nghĩ đó cũng là một vấn đề quan trọng ;

"Vấn đề thứ ba mà tôi vừa đề cập là vấn đề nhắc lại Liên Hợp Quốc, mà đây cũng là vấn đề rất quan trọng."..

'Thảm họa' với nhân quyền

chuyendi4

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cho rằng nhân quyền dường như bị giảm nhẹ trong cuộc gặp Trump - Phúc.

Từ Đại học Leiden của Hà Lan, Phó Giáo sư Tiến sĩ Jonathan London, nhà xã hội học và phân tích gia về chính trị, quan hệ quốc tế, bình luận về khía cạnh nhân quyền có vị trí ra sao trong cuộc gặp Phúc - Trump và chuyến đi của Thủ tướng Việt Nam tới Mỹ, nhưng trước tiên ông bình phẩm về Tổng thống Donald Trump :

"Tôi không đồng ý là Trump lo về vấn đề việc làm cho người Mỹ, chủ yếu ông lo về vấn đề làm giàu thêm cho những người giàu có hiện nay, ông Trump là một thảm họa cho những vấn đề nhân quyền trên thế giới, cũng như những vấn đề về khí hậu v.v...

"Tôi đã viết trong bài đối với vấn đề quốc phòng và an ninh, cũng như vấn đề thương mại, thì Mỹ và Việt Nam có một quan hệ rất tốt, và chúng ta có thể chờ đợi sự phát triển của quan hệ này một cách rất mạnh mẽ. Điều đó rất tốt và hy vọng quan hệ về lâu dài sẽ nâng cao mức sống của người dân Việt Nam và cũng sẽ có lợi ích cho cả hai nước.

"Riêng về vấn đề nhân quyền rõ ràng Trump không quan tâm, tôi biết là Đảng Cộng sản Việt Nam, chính phủ Việt Nam cũng có vị trí quan điểm riêng của họ, tôi đã viết nhiều bài nên ở đây không cần nói (nhắc lại), chỉ muốn nói là chỉ đối với những người trong nước Việt Nam, cũng như những người trên thế giới mà có quan tâm đến vấn đề nhân quyền thì rất tiếc ông Trump không thể giúp cả hai nước để trao đổi một cách xây dựng, để cố gắng khắc phục những trở ngại còn có để cho người dân Việt Nam cũng như người dân Mỹ coi trọng nhân quyền một cách đúng hơn.

"Bởi vì hiện nay, như ta thấy không chỉ ở Việt Nam, các nước khác nhau thì động thái của Trump có thể nói là... ông chẳng quan tâm gì đến nhân quyền, ngay cả bên trong nước Mỹ, nên tôi cũng hơi buồn, tôi không phải là một mình, có nhiều người cũng lo (lắng) về vấn đề này, về cơ bản, chúng ta phải thấy rõ việc mà Trump đã đón Nguyễn Xuân Phúc là họ đã có những đàm phán rất xây dựng và có vẻ có kết quả tương đối tốt.

"Đó là một điều rất mừng, đối với những chuyện khác, chẳng hạn an ninh quốc phòng cũng rất là tốt cho cả hai nước, không vấn đề gì, nhưng đối với những người ở Việt Nam, ở Mỹ và trên thế giới, muốn thấy vấn đề nhân quyền được nâng cao, thì chắc chắn phải rất buồn về việc Donald Trump cầm quyền ở Mỹ và việc đó chúng ta thấy rất rõ ràng".

Ngay trước Bàn tròn thứ Năm hôm 01/6, trong một phỏng vấn dành cho BBC Việt ngữ, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas) và thành viên nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) cũng đưa ra bình luận với BBC về các kết quả, trong đó ông cảm thấy rằng nội dung nhân quyền đã bị làm 'nhỏ đi' trong chuyến đi Mỹ của ông Phúc và cuộc gặp Phúc - Trump.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, ở phần cuối Bàn tròn, chia sẻ thêm nhận định rằng chuyến công du của ông Phúc tới Mỹ là một bước 'tăng cường' trong bang giao Việt - Mỹ và cũng là để 'nhắc nhở' chính quyền của Tổng thống Trump về những nỗ lực mà hai bên đã đạt được cho tới nay nhờ điều mà học giả này gọi là 'công phu của bao nhiêu người' trong suốt bốn mươi năm qua.

Nguồn : Bàn tròn thứ Năm, BBC, 03/06/2017

Quay lại trang chủ
Read 932 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)