Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

28/09/2019

Việt Nam sốt ruột vì EVFTA chưa được thông qua

RFA tiếng Việt

Phái đoàn Việt Nam thăm Châu Âu thúc giục việc thông qua EVFTA (RFA, 27/09/2019)

Truyền thông trong nước vào ngày 27 tháng 9 loan tin một đoàn đại biểu cấp cao của đảng cộng sản Việt Nam đang có mặt tại Châu Âu tham gia Diễn đàn Kết nối Âu-Á do Ủy ban Châu Âu (EC) tổ chức.

evfta1

Hình minh họa. Ông Nguyễn Văn Bình khi còn là thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại một hội thảo ở trụ sở của IMF ở Washington hôm 9/10/2013 - AFP

Phái đoàn do ông Nguyễn Văn Bình, ủy viên Bộ Chính trị, Bí thứ trung ương đảng, Trưởng ban kinh tế trung ương dẫn đầu. Trong thời gian ở Châu Âu, đoàn đã có những cuộc làm việc với Phó chủ tịch Nghị viện Châu Âu Dimitrios Papadimoulis ; Ủy viên Thương Mại của EU Cecilia Malmstrom ; Chủ tịch Ủy ban Thương Mại Quốc tế của Nghị viện Châu Âu Bernd Lange.

Tin cho biết ông Nguyễn Văn Bình đề nghị hai phía thúc đẩy tiến trình Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn EVFTA cũng như Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA).

Một phái đoàn khác của Việt Nam từ ngày 24 đến 26 tháng 9 do Ông Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu đến thăm Đức.

Trong cuộc gặp với phía Đức, Việt Nam cho rằng quan hệ đối tác chiến lược giữa Berlin và Hà Nội đang trên đà phát triển mạnh mẽ.

Vào tháng 9 năm 2017, sau khi xảy ra vụ cựu quan chức dầu khí Việt Nam Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam sang Berlin bắt cóc đưa về Hà Nội, chính phủ Đức tuyên bố tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với phía Việt Nam.

Vụ việc này bị phía Đức tố cáo như là một hành động như trong phim gián điệp thời Chiến tranh Lạnh.

*******************

Kêu gọi Nghị viện Châu Âu đặt nhân quyền trước tự do mậu dịch với Việt Nam (RFA, 27/09/2019)

Một thư ngỏ đề ngày 25 tháng 9 gửi cho Chủ tịch Nghị viện Châu Âu, Chủ tịch tiểu ban nhân quyền của Nghị viện Châu Âu cùng các nghị viên Châu Âu kêu gọi hoãn xem xét việc phê chuẩn hiệp đinh mậu dịch tự do với Việt Nam.

evfta2

Hình minh họa. Lễ ký EVFTA giữa Việt Nam và EU ở Hà Nội hôm 30/6/2019 - AFP

Thư ngỏ được ký bởi các tổ chức dân sự xã hội và đảng phái độc lập cả trong và ngoài nước gồm những tổ chức như Phóng Viên Không Biên Giới, Hội Bầu Bí Tương Thân, Đảng Việt Tân…

Nội dung thư nêu rõ hiệp định mậu dịch tự do EU-Việt Nam (EVFTA) là một thỏa ước thương mại tự do tham vọng nhất tính đến lúc này ; và điều thiết yếu là hiệp định phải cổ xúy cho các giá trị nhân quyền của EU thông qua mậu dịch.

Tuy nhiên cho đến nay, những hứa hẹn từ phía Việt Nam trong lĩnh vực này chỉ là lời hứa suông. Sau khi đàm phán dự thảo của hiệp định vào năm 2016, chính phủ Hà Nội tiến hành chiến dịch kiên trì đàn áp những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo công dân, và những nhà hoạt động vì môi trường.

Hệ thống luật lệ, tòa án và pháp lý được sử dụng để hình sự hóa việc thực thi một cách ôn hòa các quyền được quốc tế bảo vệ ; cũng như khước từ quyền được xét xử công bằng và tiếp cận việc chữa trị bệnh hiệu quả.

Những quyền mà chính phủ Hà Nội hình sự hóa gồm quyền tự do biểu đạt, quyền tự do hội họp, lập hội, quyền tham gia vào hoạt động công và quyền tham gia các tổ chức cổ xúy cho quyền con người.

Nạn nhân trở thành đối tượng của tình trạng giam giữ tùy tiện và những sự tàn độc khác.

Chính phủ Việt Nam thay vì xây dựng niềm tin cho những cam kết nhân quyền, lại gia tăng đàn áp, và tiếp tục vi phạm các chuẩn mực cùng luật pháp quốc tế mà Hà Nội phê chuẩn.

Luật An Ninh Mạng đe dọa quyền tự do biểu đạt và quyền riêng tư của người sử dụng mạng toàn cầu. Luật này hình sự hóa việc chia sẻ thông tin về các vấn đề xã hội ; cho phép biện pháp kiểm duyệt Internet trái với yêu cầu minh bạch và quyền lợi của những nhà đầu tư Châu Âu vào Việt Nam.

Những tổ chức và đảng phái độc lập gửi thư ngỏ yêu cầu EU chỉ mở rộng quan hệ thương mại với Việt Nam khi chính phủ Hà Nội đáp ứng được những chuẩn mực nhân quyền đề ra trong thư của 32 nghị viên Châu Âu ngày 17 tháng 9 năm ngoái trong đó có việc loại bỏ những điều khoản trong luật hình sự trực tiếp vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị. Tiếp đến là phải tuân thủ những nguyên tắc lao động mà Hà Nội đề nghị phê chuẩn, đặc biệt các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế gồm công ước 87 về quyền tổ chức, công ước 98 về quyền thương lượng tập thể, và công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Điểm thứ ba là phải thực thi những khuyến nghị do các cơ quan giám sát của Liên hiệp quốc đưa ra.

EVFTA được ký vào ngày 30 tháng 6 vừa qua ; tuy nhiên hiệp định này cần phải được nghị viện Liên Minh Châu Âu và quốc hội Việt Nam phê chuẩn mới có hiệu lực thi hành.

Quay lại trang chủ
Read 491 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)