Báo cáo : Việt Nam trả đũa, uy hiếp các nhà hoạt động hợp tác với Liên Hiệp Quốc (VOA, 27/09/2019)
Việt Nam là một trong những nước bị Liên Hiệp Quốc nêu tên vì nghi ngờ có hành động trả đũa và uy hiếp các nhà hoạt động hợp tác với cơ quan thế giới này về các vấn đề nhân quyền.
Bùi Thị Kim Phượng (giữa), vợ của tù nhân Nguyễn Bắc Truyển, chụp hình cùng các thành viên của phái đoàn thuộc Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, tháng 9 năm 2019, Việt Nam.
Các vụ việc được nêu trong một báo cáo hàng năm của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trình bày trước Hội đồng Nhân quyền ở Geneva vào thứ Năm tuần trước. Việt Nam đã bác bỏ các cáo buộc này trong cuộc tranh luận kéo dài hai giờ tại Hội đồng, Reuters đưa tin.
Văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết họ đã ghi nhận những vụ việc bị nghi là trả đũa nhắm vào các nạn nhân, những thành viên của xã hội dân sự và các nhà hoạt động, xảy ra ở "ngày càng nhiều quốc gia nữa, cho thấy một sự gia tăng khắp toàn cầu".
"Đã liên tục có những báo cáo về các hành vi tàn ác nghiêm trọng nhắm vào những người dám đến Liên Hiệp Quốc hoặc chia sẻ thông tin với chúng tôi - giam giữ cấm tiếp xúc với bên ngoài, tra tấn và ngược đãi, biệt giam kéo dài, và thậm chí tử vong trong khi bị giam giữ", Andrew Gilmour, Trợ lí Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách Nhân quyền, phát biểu trước diễn đàn ở Geneva khi trình bày báo cáo.
Người nhà, người đại diện pháp lí, và nhân chứng của họ cũng bị nhắm mục tiêu, ông nói.
Sự uy hiếp đang xảy ra "ngay trước mắt chúng ta, với việc các nhà hoạt động bị ghi hình hoặc ghi âm bí mật tại các sự kiện của Liên Hiệp Quốc", ông Gilmour nói. "Thường có những báo cáo về việc trả đũa nhắm vào một số cá nhân khi họ trở về nhà".
Báo cáo nêu ra một số trường hợp cụ thể từ Việt Nam như vụ của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, được nói là đã bị công an thẩm vấn và tịch thu hộ chiếu khi bà trở về Việt Nam sau khi tham gia phiên kiểm điểm định kì phổ quát tại Geneva vào tháng 1, nơi bà tới để vận động trả tự do cho chồng là ông Trương Minh Đức, người đang chịu án tù 12 năm.
Vào tháng 3, bà Bùi Thị Kim Phượng bị cấm xuất cảnh khi định đến Geneva để vận động sự quan tâm của Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc cho trường hợp của chồng bà, ông Nguyễn Bắc Truyển, một người tranh đấu cho nhân quyền đã phải đối mặt với sự trả đũa của nhà chức trách Việt Nam sau chuyến thăm năm 2014 của Báo cáo viên Đặc biệt về tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Ủy ban Nhân quyền bày tỏ lo ngại về những vụ trả đũa này vào tháng 3, theo bản báo cáo.
Phúc trình nói chính phủ Việt Nam đáp lại các cáo buộc hồi tháng 6, nói rằng không có chuyện "đe dọa" hoặc "ngăn chặn quyền đi lại" của bà Thanh và bà Phượng và tuyên bố rằng việc tổng hợp và soạn thảo các báo cáo liên quan đến phiên kiểm điểm định kì phổ quát và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) được Hà Nội thực hiện một cách "cởi mở, minh bạch và bao quát".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc của tổ chức vận động nhân quyền Ủy ban Cứu người Vượt Biển (BPSOS) ở Mỹ, nói tổ chức của ông đã phối hợp cung cấp thông tin cho bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc và rằng Việt Nam đã không thành thật hoặc tìm cách biện minh cho những vụ việc mà ông nói là có chứng cứ cụ thể.
"Việt Nam rất ngần ngại khi bị nêu đích danh bởi Tổng Thư kí Liên Hiệp Quốc ngay tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, một sự kiện rất là quan trọng", ông nói với VOA. "Do đó họ đã dựng chuyện lên để thoái thác để mà chạy tội".
"Mặt khác nó cũng cho thấy Việt Nam đinh ninh là quốc tế không biết gì cả nên muốn nói sao thì nói. Nhưng mà năm nay có khá nhiều chứng cứ. Tất cả những báo cáo mà mình nộp cho Liên Hiệp Quốc đều có chứng cứ cả : giấy mời, biên bản cấm xuất cảnh, vân vân".
Ông Thắng cho VOA xem một biên bản "về việc chưa được xuất cảnh" của bà Bùi Thị Kim Phượng lập vào ngày 7 tháng 3 tại sân bay Tân Sơn Nhất, ghi rằng bà không được phép rời Việt Nam vì "lý do an ninh". Biên bản không nêu cụ thể lý do an ninh đó là gì mà chỉ yêu cầu bà Phượng liên hệ với Cục Quản lý xuất nhập cảnh để giải quyết.
Ông Thắng cho biết ông dự định làm một "phép thử" với trường hợp của bà Phượng bằng cách thu xếp những chuyến đi cho bà đến Mỹ hoặc Châu Âu tiếp tục vận động cho trường hợp của chồng bà để xem Việt Nam có cấm cản hay không.
"Việt Nam vừa được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc với tư cách thành viên không thường trực bắt đầu từ sang năm", giám đốc điều hành của BPSOS nói. "Trong vai trò đó, Việt Nam càng phải làm gương chứng tỏ rằng mình tuân thủ tất cả các quy định, nghị quyết và cam kết với Liên Hiệp Quốc", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như thống kê của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế cho thấy Việt Nam trong những năm gần đây tăng cường trấn áp những người có quan điểm bất đồng chính kiến, tống giam những người chỉ trích Đảng cộng sản và chính phủ dưới cáo buộc "chống phá nhà nước" hoặc "lợi dụng quyền tự do dân chủ".
Hà Nội lâu nay nói họ không trấn áp những ai bất đồng chính kiến mà chỉ xử lý những người mà họ gọi là "vi phạm pháp luật".
*****************
Facebooker Vượng Nguyễn thanh thản trong ngày bị bắt (VNTB, 27/09/2019)
Ngày 23/9/2019, Cơ quan Công an tỉnh Lâm Đồng bất ngờ bắt facebooker Vượng Nguyễn (cư ngụ : tại thôn Hải Dương, xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) trước sự chứng kiến của gia đình. Chuẩn bị tinh thần cho bản thân từ trước, anh Vượng đón nhận việc bắt bớ này một cách thanh thản, ôn hòa...
Facebooker Vượng Nguyễn - Ảnh minh họa
Được sự giúp đỡ của bạn bè, Việt Nam Thời Báo (VNTB) đã liên lạc được anh Nguyễn Quốc Doanh, anh trai của nhà hoạt động Facebooker Vượng Nguyễn để hỏi han tình hình vụ bắt bớ. Anh Doanh chia sẻ, dù việc bắt giữ đã diễn ra được mấy ngày nhưng hiện tại gia đình vẫn chưa có thông tin gì mới về Vượng cũng như chưa biết Vượng bị Công an tỉnh Lâm Đông bắt giam ở đâu ? Bắt về tội trạng gì ? Gia đình cũng không có biên bản lệnh bắt giam Vượng.
"Hiện tại bây giờ phía Cơ quan Công an chưa có cho gia đình biết thông tin gì hết" - lời của anh Doanh.
Việc bắt giữ anh Vượng diễn ra vào lúc khoảng 10h sáng ngày 23/9/2019, thời điểm Vượng có mặt tại nhà thì ước chừng cả trăm người bao gồm Công an, An ninh và các lực lượng chức năng địa phương sau khi bao vây cả khu vực xong là ập vào khống chế anh Vượng.
Anh Doanh nói thời điểm bắt Vượng khá căng thẳng, có sự hiện diện của gia đình, dù Vượng và gia đình ôn hòa chứ không phản kháng, chống đối gì.
"Có cả giao thông đủ thứ hết, có hết. Nói chung camera người đi đường quay nhiều mà người ta đâu dám đưa lên".
"Nói chung chỉ có mình, thằng cu con mình và ông bố có mặt tại đấy thôi chứ còn hàng xóm người ta đóng cửa, người ta đâu có cho ai bén mảng tới chổ Công an làm việc đâu".
Khống chế Vượng xong, ổn định tình hình thì phía Công an đọc lệnh bắt và tiến hành khám xét nhà. Anh Doanh nói gia đình rất bức xúc và lu bu công việc nên hoàn toàn không biết Vượng bị bắt vì tội gì ? Giam ở đâu ? Đại diện gia đình là bố của Vượng nhưng khi chấp bút ký vào biên bản ông lại không đọc nội dung văn bản gồm những gì ?. Anh Doanh nói tiếp :
"Hôm ấy người ta có đọc lệnh nhưng lúc đó mình lu bu quá nên đâu biết người đọc lệnh và cũng chẳng biết, chẳng hiểu rõ người ta bắt vì tội gì ? Người ta giam ở đâu ?
"Lúc ghi biên bản mình có xông vào xem nhưng ghi gì thì mình không được biết mà đưa cho ông bố ký thì ông bố cũng chẳng đọc, nói ký là ông bố cứ ký mà thôi".
Quá trình khám xét, phía Công an đã tịch thu một dàn máy vi tính, điện thoại và loa thùng, đây là những tài sản cá nhân của Vượng.
"Khám xét nhà người ta có tịch thu dàn máy tính, điện thoại, loa máy người ta khám xét hết nhà, khám đủ thứ mà đơn giản nhà không có cái gì tàng trữ đâu mà để lấy".
Anh Doanh cho biết, việc khám xét và thủ tục bắt giữ Vượng chỉ gói gọn trong vòng mấy tiếng đồng hồ là kết thúc. Trước khi để lực lượng giải đi, Vượng yêu cầu được thắp nén nhang cho người mẹ đã khuất của mình và dặn gia đình đừng đi thăm gì mình. Anh Vượng đã xác định ngày này trước sau gì cũng đến với mình nên anh thanh thản đón nhận, không phản kháng gì.
"Vượng dặn gia đình là đừng có lên thăm Vượng thôi. Nhiều khi mình bức xúc thì Vượng khuyên mình bình tĩnh lại chứ không có nói gì hơn ngoài câu đừng có lên thăm em".- anh Doanh chia sẻ.
Được biết anh Vượng có tài khoản Facebook Vượng Nguyễn, là một người tích cực Livestream nói về hiện tình đất nước, bất công xã hội và bày tỏ quan điểm chính kiến. Năm 2018, anh Vượng có vào Sài Gòn hưởng ứng phong trào phản đối Dự thảo luật Đặc khu và Luật An ninh mạng, sau khi về lại địa phương thì bị phiá Cơ quan Công an mời lên xã làm việc. Ngoài ra, chúng tôi cũng được biết là anh Vượng cũng từng bị phía Cơ quan Công an câu lưu nhưng gia đình không biết bởi anh Vượng không muốn gia đình bận tâm. Tiếp nữa, thời điểm Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị bắt, anh Vượng bày tỏ quan điểm muốn đi tù thay cho Blogger này.
Hoàn cảnh gia đình anh Vượng hiện khá khó khăn, gia đình chưa xác định có nên thuê luật sư giúp đỡ pháp lý cho anh Vượng hay là không...
Minh Hải
******************
‘Giới lãnh đạo Việt Nam hoang mang trước phát biểu lên án chủ nghĩa xã hội của Tổng thống Trump’ (VOA, 26/09/2019)
Các nhà tranh đấu Việt Nam nhận định với VOA rằng phát biểu lên án Chủ nghĩa xã hội của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chắc chắn khiến "giới lãnh đạo Hà Nội hoang mang". Trong khi đó, truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin rằng "Chẳng ai quan tâm Tổng thống Mỹ nói gì trước Liên Hiệp Quốc".
Phát biểu tại Liên Hiệp Quốc hôm 24/09, Tổng thống Trump nói :
"Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước. Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản chỉ vì một điều duy nhất : quyền lực của giai cấp thống trị".
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ còn nói thêm rằng : "Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà các quốc gia phải đối mặt là bóng ma của Chủ nghĩa xã hội. Nó là kẻ phá hoại quốc gia, kẻ tàn sát xã hội".
Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động dân chủ Nguyễn Tiến Trung nêu nhận định với VOA về lời kêu gọi chống chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của ông Trump.
"Tôi nghĩ rằng lời phát biểu của Tổng thống Trump đã tái khẳng định quyết tâm của ông trong việc xóa bỏ các chế độ độc tài nhân danh chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản.
"Đối thủ xã hội chủ nghĩa chính của Mỹ hiện nay chính là chế độ cộng sản Trung Quốc. Tổng thống Trung cũng đã lên án chính quyền cộng sản Trung Quốc trong bài diễn văn.
"Thêm một chế độ cộng sản sụp đổ thì các chế độ cộng sản còn lài cũng lung lay.
"Chắc chắn phát biểu của Tổng thống Trump có ảnh hưởng đến Việt Nam vì Việt Nam là một quốc gia do Đảng cộng sản cai trị theo đường lối chủ nghĩa xã hội".
Cũng tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái, ông Trump nói : "Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".
Nhà hoạt động Vi Đức Hồi, cựu viên chức Đảng cộng sản ở Hà Nội, nói :
"Chắc chắn giới lãnh đạo ở Hà Nội rất hoang mang, mặc dù họ một mực vẫn nói rằng kiên đị nh đi theo chủ nghĩa xã hội".
"Giai đoạn hiện nay là giai đoạn đang tuyệt vọng, họ đang tìm cách chống trả, nhưng có vẻ sẽ không ổn… Họ đang kéo dài và cầm cự chế độ này để con cháu của họ có thể bảo lưu tài sản nhưng đồng thời cũng đang để tìm một phương hướng mới mà không phải thay đổi chế độ".
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung nhận định :
"Quan hệ tốt với Mỹ sẽ là một trụ đỡ rất lớn cho sự cầm quyền ổn định của Đảng cộng sản Việt Nam. Người bảo trợ chính cho Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng cộng sản Trung Quốc : thông qua vận mệnh tương liên, tức là đảng này sụp đổ thì đảng kia sẽ sụp đổ theo, vì vậy chắc chắn rằng giới lãnh đạo Việt Nam sẽ rất hoang mang và lo lắng, nhất là khi Tổng thống Trump đã khai mào cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
"Trong khi đó Đảng cộng sản Trung Quốc đang gây áp lực lớn lên Đảng cộng sản Việt Nam. Và nếu Hoa Kỳ cũng gây áp lực lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thì như vậy Đảng cộng sản Viêt Nam cùng một lúc đối đầu với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Nhưng tôi nghĩ Việt Nam sẽ không có khả năng đối đầu với cả hai như vậy".
Các nhà tranh đấu có cùng nhận định rằng chính quyền Việt Nam nên thiết lập mối quan hệ khắng khít hơn với Hoa Kỳ và giảm bớt sự lệ vào Trung Quốc để có thể giúp Hà Nội thoát khỏi sự hoang mang và nên phải nhanh chóng tìm một phương hướng mới để tránh một cuộc khủng hoảng chính trị.
Nhà báo độc lập Nguyễn Đình Ngọc, còn gọi là Blogger Nguyễn Ngọc Già, nhận định :
"Đương nhiên trước những phát biểu của Tổng thống Trump thì nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam sẽ khó chịu, không thích. Nhưng họ buộc phải nhìn nhận lại".
Chính quyền Việt Nam chưa có phản ứng chính thức nào về phát biểu của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ. Truyền thông trong nước cũng không đề cập đến lời chỉ trích này, chỉ nói rằng ông Trump có bàn về chủ nghĩa xã hội. Báo Đất Việt hôm 26/09, đăng bài với dòng tít : "Chẳng ai quan tâm Tổng thống Mỹ nói gì trước Liên Hiệp Quốc", nhấn mạnh rằng "ông Trump không mang đến điều gì mới mẻ hoặc thú vị !".
Nhà hoạt động Nguyễn Tiến Trung nói :
"Con đường thoát duy nhất cho Đảng cộng sản Việt Nam lúc này : về đối nội phải dân chủ hóa, trao trả quyền làm chủ cho người dân Việt Nam, tạo niềm tin với thế giới rằng Việt Nam là một quốc gia dân chủ, văn minh ;
"Về đối ngoại, Việt Nam cần nhanh chóng trở thành một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ, và các đồng minh của Mỹ ở Châu Á để góp phần cùng thế giới ngăn chặn chủ nghĩa bá quyền, bành trướng xâm lược của cộng sản Trung Quốc ở Châu Á".
Ông Nguyễn Đình Ngọc nói :
"Cộng sản Việt Nam, cụ thể là Bộ Chính trị buộc phải suy nghĩ lại vì họ không thể duy trì triết lý phản khoa học bấy lâu nay là vừ a hợp tác vừa đấu tranh, hay chính sách ba không (Không tham gia liên minh quân sự với nước nào, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam, và Không về phe nước nào chống lại một nước khác), để chứng tỏ rằng họ trung lập, không lệ thuộc vào ai, nhưng thực tế không phải như vậy.
"Nhà cầm quyền Việt Nam nên thay đổi một cách ôn hòa, trước mắt phải liên minh với Hoa Kỳ để bảo vệ tổ quốc Việt Nam".