Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/10/2019

Hà Nội vẫn lo sợ những người tranh đấu cho tự do và nhân quyền

RFA tiếng Việt

Luật sư nhân quyền bị chặn khi đi gặp phái đoàn Quốc Vụ Khanh của Đức đến Thành phố Hồ Chí Minh (RFA, 01/10/2019)

Ông Đặng Đình Mạnh, luật sư thường nhận bào chữa cho các bị cáo trong những vụ án liên quan đến chính trị, nhân quyền bị một số người mặc thường phục cố ý ngăn không cho ra khỏi nhà để gặp phái đoàn của Quốc Vụ Khanh về Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh vào trưa ngày 30 tháng 9 năm 2019.

quyen1

Luật sư Đặng Đình Mạnh Courtesy of FB Manh Dang

Luật sư Mạnh xác nhận thông tin này với phóng viên Đài Á Châu Tự Do vào trưa ngày 1 tháng 10 và cho biết đây là lần đầu ông bị như vậy.

"Có một số anh em họ mặc thường phục, họ đến họ nói là muốn được tôi tiếp và tôi mới nói nếu như vậy thì mời lên văn phòng làm việc. Họ nói không, họ muốn được tôi tiếp ở nhà. Họ ngồi đó cho đến quá buổi trưa thì họ về. Nôm na là tôi không ra khỏi nhà được !"

Theo vị luật sư thuộc đoàn luật sư thành phố Hồ Chí Minh thì ông có hỏi nguyên do cũng như những người này là ai nhưng không được hồi đáp thỏa đáng.

Luật sư Đặng Đình Mạnh phán đoán rằng, có ai đó không muốn ông dự họp để có thể cung cấp những thông tin, quan điểm, cách nhìn của ông và sẽ không tốt đối với chính quyền.

Luật sư Lê Công Định, một luật sư chuyên về thương mại, nhân quyền từng bị công an Việt Nam bỏ tù vì những việc làm của mình tiết lộ có 5 luật sư được mời để cung cấp cái nhìn bao quát về hệ thống luật pháp của Việt Nam cho phái đoàn.

Duy chỉ có ông Mạnh là bị ngăn chặn mặc dù theo luật sư Định phía Đức đã kịp thời lên tiếng phản đối với Bộ Tư pháp và Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Đài Á Châu Tự Do đã liên hệ với Đại sứ quán Đức ở Hà Nội để xác định thông tin này và chưa nhận được phản hồi

Luật sư Đặng Đình Mạnh nhận xét về hệ thống luật pháp Việt Nam trong những năm vừa qua như sau :

"Với tôi có 2 vấn đề cần lưu ý đó là, thứ nhất là về mặt thể chế luật pháp thì những quy định ra sau này dường như là tiến bộ hơn rất nhiều. Nó gần như là tiệm cận với luật pháp của nhiều quốc gia trên thế giới.

Điều này rất là tốt, một phần cũng là do những hiệp ước mà Việt Nam ký với những quốc gia khác. Do ký như vậy nên mình (Việt Nam - PV) buộc phải sửa luật để phù hợp với cách chơi của họ, nên đó là điều tích cực.

Tuy nhiên điều tích cực đó chỉ thể hiện trên mặt thừa hành luật pháp thôi, tuy nhiên thực tế hiện nay việc thừa hành luật pháp không phải do những người soạn thảo mà do những người cũ.

Những người cũ này họ làm nên họ vẫn giữ nếp, quan điểm theo cách cũ. Cách cũ là cái mà mình mong phải được sửa đổi".

Ngay trong ngày 30-9 và 1-10-2019, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội và Sài Gòn cũng bị lực lượng an ninh ngăn chặn, theo dõi do trùng với kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

*******************

Giới xã hội dân sự ở Hà Nội cáo buộc ‘bị canh nhà’ nhân Quốc khánh Trung Quốc (RFA, 01/10/2019)

An ninh tăng cường canh gác quanh nhà những người hoạt động xã hội và blogger ở Việt Nam nhân dịp quốc khánh Trung Quốc, ngày 1 tháng 10.

quyen2

Hình ảnh an ninh mặc thường phục canh nhà bà Trần Thị Thảo ở Hà Nội (bên trái), và một góc phố treo cờ ở Hà Nội Courtesy of Trần Thị Thảo & FB Dao Thu

Hôm 1/10, một số blogger cáo buộc trên mạng xã hội rằng họ bị an ninh viên, công an phường và những người mặc thường phục canh nhà từ sáng sớm, khiến mọi hoạt động bị gián đoạn.

Bà Trần Thị Thảo, giáo viên nghỉ hưu ở Hà Nội, nói với RFA :

"Hiện tại tôi đang chờ họ rút đi để đi chợ chiều mua thức ăn vì họ canh nhà hai ngày nay rồi".

"Từ 5 năm nay, tôi bị canh có đến cả trăm lần rồi, vì vậy cũng quen, tôi thấy không có gì khác cả vì lực lượng canh tôi vẫn gồm : an ninh viên, công an phường (mặc thường phục), dân phòng, hội phụ nữ... Nói chung là thái độ của họ vẫn không thay đổi gì. Họ sẵn sàng thu điện thoại, sẵn sàng chửi tục, sẵn sàng bắt về đồn nếu tôi làm căng với chúng".

"Sáng nay, khi tôi xuống cầu thang định đi chợ thì họ ngăn lại nên tôi đành quay về. Vì nếu tôi cố tình đi là họ kiên quyết không cho đi, tức quá thì cự cải giở lý lẽ ra nhưng họ quá đông và trẻ khỏe nên tôi phải quay về".

Bà Thảo cho biết, vào dịp Thượng đỉnh vào tháng 11/2017, bà cũng bị canh giữ liên tục suốt 5 ngày.

Ngoài bà Trần Thị Thảo, một người khác là cô giáo Đào Thu phát Facebook live trên trang cá nhân cho thấy cảnh bà bị ít nhất ba an ninh viên chặn trước cửa nhà, không cho đi dạy học vào sáng hôm 1/10.

Dường như các hoạt động canh nhà giới blogger, xã hội dân sự hôm 1/10 chỉ xảy ra tại Hà Nội, không thấy có ghi nhận tình trạng tương tự tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Việc an ninh canh nhà các hoạt động canh nhà giới hoạt động, blogger, trí thức bất đồng, cựu tù nhân lương tâm... tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội thường xảy ra vào các dịp lễ, ngày kỷ niệm cuộc chiến biên giới phía Bắc, hải chiến Hoàng Sa, Gạc Ma, hoặc những ngày có biểu tình chống Trung Quốc, biểu tình vì môi trường. Chính quyền chưa bao giờ thừa nhận việc cho người canh nhà những người trong diện nêu trên vào các dịp "nhạy cảm".

Trong suốt 3 tháng qua, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có những căng thẳng sau khi Trung Quốc điều tàu vào vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, khác với những lần Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam trước kia, lần này không có cuộc những cuộc biểu tình lớn nổ ra ở các thành phố lớn, mà chỉ có một vài cuộc biểu tình nhỏ lẻ ở thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Quay lại trang chủ
Read 428 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)