Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/10/2019

Tăng thuế nhôm nhập khẩu : Việt Nam muốn lấy lòng Hoa Kỳ ?

Tổng hợp

Việt Nam đánh thuế nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc (RFI, 03/10/2019)

Bộ Công thương Việt Nam vừa ban hành quyết định tạm thời áp thuế đối với nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc, với lý do hàng Trung Quốc bán phá giá, nhưng thực ra, còn nhằm chứng minh với Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn hàng Trung Quốc tái xuất từ Việt Nam vào Mỹ, trong bối cảnh đang diễn ra chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

nhom3

Ống thép chuẩn bị được xuất khẩu từ một cảng ở Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc). Ảnh chụp ngày 08/12/2018. Reuters/Stringer

Báo chí trong nước cho biết, theo quyết định ngày 28/09/2019 của Bộ Công thương, kể từ ngày 04/10/2019, thanh nhôm nhập khẩu từ 16 doanh nghiệp Trung Quốc sẽ bị áp các mức thuế từ 2,49% đến 35,58%.

Trong năm 2018, nhập khẩu nhôm của Trung Quốc vào Việt Nam đã tăng gấp đôi so với 2017, lên tới 62 ngàn tấn.

Vào lúc đang diễn ra cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền Washington đã cảnh báo là một số mặt hàng của Trung Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam để tái xuất sang Hoa Kỳ nhằm tránh bị đánh thuế.

Năm 2018, Mỹ đã cho mở điều tra đối với một số sản phẩm nhôm nhập khẩu từ Việt Nam. Theo kết luận sơ bộ, các mặt hàng này đã lẩn tránh thuế chống phá giá và thuế chống trợ giá và Washington đã quyết định áp dụng mức thuế 374,15%.

Trong năm nay, chính quyền Hà Nội đã tuyên bố tìm mọi cách ngăn chặn hàng Trung Quốc nhập khẩu bất hợp pháp vào Việt Nam, để tái xuất sang Hoa Kỳ. Tháng 06/2019, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá, từ 3,45% đến 34,27% đối với tấm tôn (còn gọi là thép phủ mầu) của Trung Quốc.

RFI tiếng Việt

*****************

Việt Nam áp thuế chống bán phá giá với nhôm Trung Quốc (RFA, 01/10/2019)

Theo quyết định của Bộ Công thương do Vietnamfinance loan tin vào ngày 1/10, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%.

hang1

Ảnh minh họa Courtesy of Vietnamfinance

Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 1/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10 năm ngoái.

Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, khi hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%. Thậm chí, giá bán nhôm Trung Quốc còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất.

Được biết, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62 nghìn tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017. Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5 nghìn tấn.

Cũng trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép nhập khẩu từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của vụ việc này vừa được công bố cách đây 2 tuần cho thấy sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang lẩn tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó. Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam.

*****************

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ‘truy vấn’ tổng thầu Trung Quốc về tàu Cát Linh-Hà Đông (RFA, 01/10/2019)

Hôm 1/10, theo báo Người Lao Động, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có cuộc "truy vấn" đối với ông Đường Hồng, Giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông về việc dự án này chậm trễ tiến độ, không biết đến khi nào mới vận hành.

hang2

Hình minh họa. Đoàn tàu Cát Linh Hà Đông - Photo : RFA

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được trích lời :

"Vấn đề phải sớm, phải nhanh ! Các ông hứa bao giờ làm xong ? Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều !"

Ông Đường Hồng được ghi nhận đáp lời :

"Hiện đơn vị tổng thầu cũng rất sốt ruột. Chúng tôi ở đây càng kéo dài thời gian thì lợi nhuận cũng như thành quả càng kém, vì vậy chúng tôi cũng muốn hoàn thành nhanh để bàn giao, để giảm chi phí cho nhà thầu. Tổng thầu đã làm nhiều dự án tương tự ở Trung Quốc và đường sắt cao tốc cũng làm rất nhiều. Thông tin nói nhà thầu chúng tôi không có kinh nghiệm là không có cơ sở".

"Còn việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.

Các báo Việt Nam ghi nhận dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông "đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, phần còn lại không nhiều, chủ yếu là khâu dự phòng".

Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các dự án giao thông vận tải hôm 12/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông-Vận tải cần phân công trách nhiệm rõ ràng hơn, giao công việc có thời hạn rõ hơn, tìm ra nguyên nhân chậm trễ dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông để khắc phục. Đồng thời, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Nguyễn Văn Thể phải chịu trách nhiệm báo cáo thủ tướng trước ngày 30/9/2019 về tiến độ chạy thử và đưa vào sử dụng dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông, tuyệt đối không để tình trạng chậm trễ kéo dài, gây mất lòng tin trong dân.

Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông-Vận tải , tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, đưa ra nhận định với RFA về khả năng kiện nhà thầu Trung Quốc do chậm tiến độ :

"Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án, xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa xong. Ngoài ra cần đặt vấn đề kỷ cương ở đâu, tại sao các cơ quan có thẩm quyền lại bất lực việc chây lì của nhà thầu Trung Quốc".

Quay lại trang chủ
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)