Phó thủ tướng yêu cầu đưa tuyến đường sắt do Trung Quốc xây vào hoạt động (VOA, 02/10/2019)
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 1/10 yêu cầu đưa tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng và bị đình trệ nhiều năm, vào hoạt động trong năm nay, theo báo chính phủ.
Tàu điện của dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông do nhà thầu Trung Quốc xây dựng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu đưa dự án vào hoạt động sau nhiều năm trì hoãn. (Ảnh chụp màn hình VnExpress)
Ông Dũng đưa ra chỉ đạo này tại một buổi kiểm tra thực địa một số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội.
Dự án đường sắt với chiều dài 13km nối liền Cát Linh với Hà Đông đã khởi công từ tháng 10/2011 với mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng, theo Dân Trí.
Ban đầu, nhà thầu Trung Quốc tuyên bố sẽ hoàn thành dự án này vào năm 2013. Tuy nhiên sau đó dự án bị hoãn lại tới năm 2015 rồi năm 2016 và đến nay vẫn chưa hoàn tất như phía Trung Quốc đã hứa hẹn.
Dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018. Sau khi kết thúc 6 tháng thử nghiệm, dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019, nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện do "vướng" 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành, theo Dân Trí.
Truyền thông trong nước cho biết đây là dự án đầu tiên thuộc loại này tại Việt Nam khi được thực hiện bằng tiền vay từ quỹ hỗ trợ phát triển Trung Quốc, và do nhà thầu Trung Quốc thi công.
Trong buổi gặp với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng hôm 1/10, Tổng thầu Trung Quốc Đường Hồng được Dân Trí trích lời cho biết là "công trình đã hoàn thành 100%, hồ sơ đã trình và bàn giao, chúng tôi đang chờ ý kiến đánh giá cuối cùng của tư vấn độc lập".
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông là tâm điểm chú ý trong dư luận trong nhiều năm qua do nhà thầu Trung Quốc vài lần trì hoãn thời biểu hoàn thành và vốn bị đội lên gần gấp đôi.
Việc đội vốn của dự án cũng gây phẫn nộ cho người dân trong nước. Nhà thầu Trung Quốc thoạt đầu tính toán chi phí thực hiện là 553 triệu USD nhưng sau đó đội lên 868 triệu USD, trong đó 670 triệu USD là vốn vay từ Trung Quốc, theo Economic Times.
Theo báo Tiền Phong, năm 2021 là thời hạn hết bảo hành, thanh quyết toán để kết thúc dự án trong khi theo tính toán của các chuyên gia, mỗi ngày chậm tiến độ, dự án phải trả lãi vay khoảng 1,2 tỷ đồng.
Hồi tháng 8 năm ngoái, công chúng cũng bày tỏ phẫn nộ khi các biển báo có tiếng Trung Quốc xuất hiện ở một nhà ga trên tuyến đường sắt dài 13km đi qua ba quận nội thành của thủ đô Việt Nam. Sau đó nhà thầu Trung Quốc bị Bộ Giao thông và vận tải buộc phải gỡ bỏ các biển báo này.
*******************
Dự án Cát Linh – Hà Đông : Tổng thầu Trung Quốc "ngang bướng", thiếu trách nhiệm (RFA, 01/10/2019)
Trước buổi làm việc với Bộ Giao thông và vận tải, UBND Thành phố Hà Nội và các bên liên quan vào ngày 1/10 về dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát công trường dự án và đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông với chặng đường gần 10km từ ga Cát Linh đến ga Văn Quán và ngược lại.
Phó thủ tướng Việt Nam Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra, thị sát công trường dự án và đi thử tàu điện Cát Linh - Hà Đông với chặng đường gần 10km từ ga Cát Linh đến ga Văn Quán và ngược lại. Screen capture
Lấp liếm, chối trách nhiệm
Theo truyền thông trong nước, tại buổi thị sát dự án Cát Linh - Hà Đông, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chất vấn ông Đường Hồng, đại diện tổng thầu Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc, giám đốc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, về thời hạn thực hiện dự án và kế hoạch đưa tuyến đường đi vào vận hành, khai thác.
Trả lời Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Giám đốc tổng thầu Đường Hồng cho biết dự án đang gặp vướng mắc : "Còn việc bao giờ đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào vận hành, khai thác chính thức thì không phải do nhà thầu chúng tôi quyết định mà do chủ đầu tư quyết định" (!?).
Giám đốc tổng thầu Đường Hồng cho biết thêm, dự án đang gặp vướng mắc vì đơn vị đánh giá an toàn hệ thống tàu vào dự án muộn. Ông Đường Hồng cho rằng theo quy định, đơn vị đánh giá phải vào ngay từ khi xây dựng dự án, nhưng tư vấn vào dự án năm 2016 và lúc này tất cả các hạng mục dự án đã cơ bản hoàn thành (!?).
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện Trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, khi trả lời RFA từ Hà Nội hôm 1/10 không đồng tình với cách trả lời này của Tổng thầu Trung Quốc :
"Tôi nghĩ cách trả lời của Tổng thầu Trung Quốc là không hợp lý và không có căn cứ. Bởi vì khi anh đứng ra nhận thầu thì toàn bộ hồ sơ của anh phải luôn sẵn sàng, còn người giám sát thì có thể giám sát từ đầu hay giám sát lúc cuối cùng. Thậm chí sau khi hoàn thành cũng có thể giám sát tiếp để phát hiện những sai sót. Cách trả lời của nhà thầu Trung Quốc như vậy là không thể chấp nhận được".
Theo vị đại diện tổng thầu Trung Quốc, khi bên tư vấn vào dự án và yêu cầu phía nhà thầu Trung Quốc cung cấp một số hồ sơ, thì có những hồ sơ thời gian đã qua lâu rồi nên nhà thầu Trung Quốc không bổ sung được (!?).
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói thêm :
"Tôi không biết phía Việt Nam sẽ làm gì để nhà thầu Trung Quốc chịu đưa ra các tài liệu và các hồ sơ, chứ còn việc nói là bây giờ gần kết thúc rồi mới đến để giám sát, hỏi hồ sơ tài liệu không có, thì đấy là câu trả lời vô trách nhiệm. Không thể nói là câu trả lời trẻ con mà là một câu trả lời hoàn toàn không phù hợp đối với một nhà thầu quốc tế. Đối với một nhà thầu quốc tế thì anh phải luôn sẵn sàng các hồ sơ. "
Đường sắt Cát Linh - Hà Đông AFP
Cũng tại buổi làm việc với Tổng thầu Trung Quốc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nói với phía nhà thầu rằng : "Chúng tôi đã chờ đợi kiên trì và bây giờ đã quá mức kiên trì chờ đợi rồi. Phải nhanh, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Muốn vậy thì phải làm, không lý sự nhiều !".
Đây được cho là lần đầu tiên một lãnh đạo cấp cao "thúc" ép mạnh như vậy với Tổng thầu Trung Quốc. Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh vẫn cho rằng chủ đầu tư phải làm việc một cách nghiêm túc hơn đối với tổng thầu Trung Quốc :
"Tôi nghĩ phía chủ đầu tư phải làm việc một cách rất nghiêm túc đối với tổng thầu Trung Quốc, bởi vì một cách trả lời và hành xử như vậy là hoàn toàn thiếu trách nhiệm, chứng tỏ nhà thầu Trung Quốc không tôn trọng chủ đầu tư. Tôi nghĩ phía chủ đầu tư cần chủ động đưa ra hợp đồng mà hai bên đã ký kết. Công khai việc phía chủ đầu tư đã ký với phía nhận thầu như thế nào, để mà nhà thầu bây giờ có thể đưa ra các câu trả lời ngang bướng và hoàn toàn không đáp ứng tiêu chuẩn giao dịch quốc tế như thế này".
Hệ lụy khó lường
Ban đầu, dự án tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dài khoảng 13km, dự kiến thực hiện từ năm 2008 và hoàn thành vào tháng 11/2013. Nhưng sau đó, dự án được lùi lại đến năm 2010 mới khởi công và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2014. Tuy vậy đến nay, sau khoảng 10 lần chậm tiến độ thực hiện, dự án này vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng được truyền thông trong nước trích lời tại buổi làm việc hôm 1/10, yêu cầu Bộ Giao thông và vận tải, tổng thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ để đưa dự án vào khai thác trong năm 2019.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông và vận tải, tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 419 triệu USD, sau khi điều chỉnh phải tăng thêm 250 triệu USD. Nhưng vào năm 2011, đã đội vốn thành 552 triệu USD. Và đến năm 2019 đã thành 886 triệu USD.
Khi trả lời RFA từ Hà Nội, Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh thuộc Học viện tài chính Việt Nam, nhận định :
"Bây giờ nếu mà giở ra thì cuối cùng nhiều nguyên nhân lắm, bắt đền ai, làm thế nào để xử lý được, quả tình là rất khó. Nói để bạn biết, thực tế khối lượng công việc của dự án Cát Linh – Hà Đông chỉ còn mỗi 1%, chứ không nhiều nhặn gì, thế nhưng 1% này cực kỳ nghiệm trọng và không thể nào đưa dự án vào hoạt động được. Lý do là vì 1%, nhưng lại ảnh hưởng an ninh chạy tàu, các quy trình chạy tàu, các điều kiện đảm bảo an toàn chạy tàu, đều không có nên làm sao chạy ? Phía Việt Nam không làm cách nào để chạy được dù chỉ còn 1% và không có cách nào để bắt Trung Quốc đưa phía Việt Nam chạy tàu được cả".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu khi trả lời RFA trước đây cho rằng, nếu bây giờ mà khởi kiện tổng thầu Trung Quốc thì phải căn cứ theo hợp đồng, mà hợp đồng của phía Việt Nam và Trung Quốc bản chất là một hợp đồng thương mại, trách nhiệm chính là do nhà thầu. Mặc dù hợp đồng không rõ ràng, tuy nhiên theo Luật sư Hậu, Việt Nam cứ nên khởi kiện :
"Tôi thấy mình cứ khởi kiện thôi, có thể là trọng tài hoặc tòa án, xử lý chuyện này từ một dự án được kỳ vọng mà sau 11 năm phê duyệt, 8 năm thi công, mà 10 lần lùi tiến độ, đội vốn 40%, đến giờ vẫn chưa xong".
Trong khi đó, theo ông Mai Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết thì Hà Nội đã làm thủ tục vay để chuẩn bị cho công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng và tuyển dụng, đào tạo khoảng 1.000 người từ năm 2017. Đến nay đã 2 năm, và từ năm 2018, mỗi năm thành phố đã phải trả lãi số tiền lên đến gần 300 tỉ đồng. Theo vậy, nếu nhà thầu Trung Quốc tiếp tục trì hoãn việc vận hành tuyến đường sắt này thì chính phủ Hà Nội tiếp tục nợ chồng nợ !
*****************
21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người Trung Quốc : Các bộ, ngành đùn đẩy trách nhiệm (RFA, 01/10/2019)
Bộ Xây dựng né trách nhiệm ?
Theo thống kê của Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ xây dựng đưa ra trong buổi họp báo thường ký Quý 3 diễn ra vào chiều ngày 30/9, thì tính đến nay, có khoảng gần 3.000 tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt định cư tại nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Cổng vào sân bay Nước Mặn - Photo : báo giaothong
Riêng việc liên quan đến vụ 21 lô đất ven biển Đà Nẵng đứng tên người nước ngoài, trước thông tin người Trung Quốc ‘núp bóng’ để đầu tư nhà đất tại Việt Nam, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản khẳng định ‘Bộ không quản lý về đầu tư nước ngoài, dù là đầu tư của người Trung Quốc hay nước nào khác’ và ‘người Trung Quốc núp bóng đầu tư đề nghị hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư.’
Phát biểu của người đại diện Bộ Xây dựng ngay lập tức được báo chí trong nước và các diễn đàn cho rằng đang ‘đá’ trách nhiệm cho bên khác.
Nhận xét về việc này, Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn bày tỏ :
"Chắc chắn các bộ đá sự vụ qua cho nhau như vậy thể hiện họ né tránh trách nhiệm. Họ biết rõ ràng việc cho Trung Quốc thuê thứ nhất là rất nhạy cảm, thứ hai là điều công chúng rất quan tâm, lo lắng. Nên họ sợ họ là tác nhân gây nên chuyện đó nên họ né tránh. Thật ra việc người nước ngoài đứng tên mua nhà, mua đất thì tùy trường hợp. Nếu là doanh nghiệp thì mới liên quan đến Bộ Kế hoạch đầu tư hoặc Sở Kế hoạch đầu tư của tỉnh. Còn nếu không thì chỉ liên quan thuần túy đến Bộ Tài nguyên và môi trường quản lý về nhà đất thôi".
Còn theo nhà báo Minh Hải ở Quảng Nam, việc các bộ ngành đá trách nhiệm cho nhau khi sự việc vỡ lở không phải là lần đầu tiên và nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này là do luật pháp Việt Nam còn những lỗ hổng để nhiều người lợi dụng lách luật.
Theo kinh nghiệm cá nhân và từ những người quen, nhà báo Ngô Nhật Đăng tại Hà Nội lại chia sẻ :
"Có những kinh nghiệm nhiều năm trước khi mà tôi đã đầu tư ở Việt Nam và tìm hiểu một số bạn bè nước ngoài đầu tư ở Việt Nam, có thể thấy trong những luật đầu tư của Việt Nam không có bộ nào chịu trách nhiệm rõ ràng về việc đấy. Ví dụ Bộ Kế hoạch – Đầu tư có thể kêu gọi nước ngoài ; nhưng Bộ Xây dựng thành những người ở Việt Nam từ chuyên môn gọi là xây dựng định mức ; và Sở Tài nguyên – Môi trường lại làm nhiệm vụ tách ra như cấp giấy chứng nhận đầu tư ; Sở Kế hoạch – Đầu tư cấp chứng nhận đầu tư nhưng giao đất đai cho Sở Tài nguyên – Môi trường. Tức là họ tách ra thành từng công đoạn nhỏ và không người nào đứng ra chịu trách nhiệm khi mọi việc xảy ra".
Ảnh minh họa. AFP
Vẫn theo nhà báo Ngô Nhật Đăng, chính vì những cơ chế lỏng lẻo, chồng chéo như thế nên tạo ra những lỗ hổng để những nhà đầu tư chui lợi dụng rửa tiền. Và, vì không minh bạch như vậy đã mang lại rất nhiều thứ, trong đó có vấn đề an ninh quốc gia là việc rất quan trọng. Nhà báo Đăng còn cho rằng dù những sự việc như vậy bị phanh phui nhưng công luận vẫn không thể nào tìm ra được ai là người chịu trách nhiệm trực tiếp…
Trách nhiệm thuộc về ai ?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gần đây cũng đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng xử lý theo đúng pháp luật đối với vụ việc người Trung Quốc đứng tên 21 lô đất ven biển Đà Nẵng.
Thế nhưng xử lý như thế nào và cơ quan nào vào cuộc để tìm ra chân tướng sự việc ắt còn lâu vì chỉ trong cuộc họp báo, quá nhiều khó khăn, vướng mắc được nêu ra. Cụ thể, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nói rằng Luật Nhà ở, Nghị định 99, thông tư 19 quy định rất rõ khu vực nào được mua, đối tượng nào được mua, điều kiện được mua ; tuy nhiên vẫn còn vướng mắc đó là liên quan đến khu vực an ninh quốc phòng, có địa phương chưa được công bố rõ ràng nên không biết. Ông Cục trưởng cho rằng, lý ra các địa phương phải làm việc với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để nắm rõ khu vực đất không ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng để người nước ngoài được phép mua nhà...
Dưới góc nhìn của người am hiểu pháp luật, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam cho rằng vấn đề mua nhà ở cho người nước ngoài đã được nêu rõ trong Nghị định 99 mà Chính phủ ban hành năm 2015. Có chăng do Bộ Xây dựng đang trốn tránh trách nhiệm :
"Theo quan điểm của tôi về việc này thì trách nhiệm thuộc về Bộ Xây dựng. Đối với xác nhận người đó có đầu tư tại Việt Nam là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên một số không đủ điều kiện nhưng được sở hữu đầu tư thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về Bộ Xây dựng vì Bộ Xây dựng chức năng là quản lý nhà nước về vấn đề nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở. Như vậy người nước ngoài được sở hữu những loại nhà sau đây : nhà ở thương mại bao gồm những căn chung cư, nhà riêng lẻ hoặc cá nhân nước ngoài sở hữu dưới hình thức mua, thuê, nhận tặng, cho và nhận thừa kế. Nhưng nếu người nước ngoài không đủ (tiêu chuẩn) luật nhà ở Việt Nam quy định thì trách nhiệm này là của Bộ Xây dựng".
Còn theo Nhà báo Minh Hải, nếu để quy trách nhiệm, thì phải xét ở mức cao hơn :
"Nếu không có sự nhũng nhiễu thì làm gì có chuyện đấy. Nếu nói ra chuyện này thì phải nhìn về chiến lược của thành phố chứ đừng bao giờ đổ lỗi cho một ngành quản lý không. Cả một thành phố ra hoạch định, chủ trương an ninh quốc phòng thế nào và trong chiến lược quốc phòng anh thấy tầm nhìn đó có nên cho phát triển quỹ đất hay không ?"
Nhiều ý kiến bày tỏ trên các trang mạng xã hội khi chia sẻ sự việc này đã nhắc đến trường hợp hàng trăm người Trung Quốc sang Việt Nam phạm pháp và cách xử lý lúng túng của cơ quan có thẩm quyền.
Theo Luật sư Đặng Đình Mạnh, những vụ việc này luôn luôn liên quan đến vấn đề lập pháp của Việt Nam, ông tiếp lời :
"Các nhà lập pháp Việt Nam thường không tiên liệu trước sự vận động của xã hội nảy sinh vấn đề gì để có luật pháp quy định trước mà thường là cứ phải chạy theo sự vụ. Tức là khi xảy ra một sự kiện, sự việc gì rầm rộ thì cơ quan lập pháp mới giật mình, nhận ra mình có thiếu sót và yêu cầu sự cầu cứu. Trước nay Việt Nam vẫn hay bị tình trạng này do khả năng lập pháp kém của Việt Nam".
Do đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng từ vụ việc này cũng giúp cho các nhà bất động sản phải suy nghĩ, đặc biệt là trong việc sửa đổi các quy định pháp luật như luật nhà ở, luật đất đai sắp đến đây của Việt Nam.