Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/10/2019

Hà Nội không ngừng hãm hại công dân bất đồng chính kiến

Tổng hợp

Tù nhân lương tâm Dương Thị Lanh không kháng cáo bản án sơ thẩm vì 'án bỏ túi' (VNTB, 17/10/2019)

Thân nhân của tù nhân lương tâm Dương Thị Lanh (SN 1982. Trú tại thôn 11, xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) cho biết bà Lanh đã không kháng cáo bản án sơ thẩm vụ án : "Phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam 2015 và dự kiến bà Lanh sẽ chuyển trại giam để đi thi hành án…

tnlt1

Tù nhân lương tâm Dương Thị Lanh. Ảnh : báo Đắk Nông

Chia sẻ với Việt Nam Thời Báo, em của tù nhân lương tâm Dương Thị Lanh cho biết vào ngày 10/10/2019 vừa qua, gia đình có đi Gia Nghĩa (Đắk Nông) để thăm nuôi và có gặp bà Lanh, buổi thăm nuôi diễn ra ngắn gọn với nội dung chỉ được hỏi thăm sức khỏe, hỏi chuyện gia đình và gửi đồ thăm nuôi.

Cũng tại buổi thăm nuôi này, tù nhân lương tâm Dương Thị Lanh cho gia đình được biết là vào thứ Hai tuần sau (tức ngày 14/10/2019) bà sẽ chuyển trại đi Đắk Lắk để thi hành án.

"Chỉ nói thứ Hai tuần này chỉ chuyển trại chứ không nói kháng án gì hết" - Lời của em bà Lanh.

Cùng với thời hạn quá 15 ngày làm thủ tục kháng cáo bản án sơ thẩm mà bà Lanh không làm thủ tục, điều này có nghĩa là bà Lanh đã chấp nhận bản án sơ thẩm, không kháng cáo lên cấp tòa phúc thẩm. 

Vào ngày 23/8/2019, Tóa án nhân dân tỉnh Đắk Nông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bà Lanh về tội "Phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo Khoản 1 Điều 117 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015. 

Cáo trạng của vụ án được Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Đắk Nông cho biết, Sở Thông tin và Truyền thông đã thu thập các tài liệu liên quan chứng mình bà Lanh là một trong những Facebooker thường xuyên chia sẻ các thông tin sai trái, xuyên tạc, nói xấu Đảng cộng sản, Nhà nước Việt Nam và đã chuyển cho cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Nông để thực hiện công tác điều tra.

Qúa trình điều tra, Cơ quan an ninh cáo buộc từ tháng 6/2017 cho đến trước thời điểm bị bắt, bà Lanh đã lập và sử dụng 21 trang Facebook có tên gọi và tài khoản sử dụng khác nhau. Trong số đó, Lanh dùng 13 tài khoản để đăng tải, phát tán tổng cộng 380 tài liệu mang nội dung xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ; vấn đề biên giới và lãnh thổ ; vấn đề bảo vệ chủ quyền biển đảo ; đường lối ngoại giao... còn bị cáo buộc là lợi dụng một số vụ việc, vấn đề xã hội xảy ra trong nước để xuyên tạc, bịa đặt nhằm gieo rắc sự nghi ngờ của cư dân trên mạng xã hội, bóp méo sự thật lịch sử ; kích động biểu tình, gây rối ; bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh tụ… 

Ngày 28/1/2019, Cơ quan anh ninh điều tra Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam bà Dương Thị Lanh với cáo buộc có hành vi "Phát tán thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam"...

Ngày 23/8/2019, tại phiên xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử Tòa án tỉnh Đắk Nông tuyên phạt bà Lanh 8 năm tù giam và 2 năm quản chế. 

Cũng liên quan phiên xét xử sơ thẩm vụ án, gia đình bà Lanh cáo buộc việc Tòa án mở phiên xét xử nhưng không thông báo cho phía gia đình được biết với lý do không liên quan đến gia đinh. Em của bà Lanh nói :

"Xử họ đâu có cho mình biết. Họ xử mà không cho gia đình biết. Gia đình điện thoại hỏi thì họ nói xử chủ yếu mình chị Lanh thôi, không liên quan đến gia đình nên không cho gia đình biết".

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên việc thăm nuôi của gia đình dành cho bà Lanh gặp rất nhiều hạn chế. Sau 10 tháng giam giữ, gia đình mới đi thăm gặp bà Lanh được 2 lần. 

Gia đình cho biết, sức khỏe bà Lanh cơ bản là yếu thấy rõ và mỗi lần gặp mặt trò chuyện đều có công an đứng bên cạnh nên cũng hạn chế hỏi han vấn đề bà Lanh có bị bạc đãi, đánh đập gì trong quá trình tạm giam. Em bà Lanh nói với Việt Nam Thời Báo :

"Nói chung thăm gặp là mới có một lần. Sức khỏe của chị Lanh nói cũng yếu".

"Điều này thì tôi cũng chưa biết được. Mình chưa hỏi được vì chưa gặp mặt trực tiếp. Lần trước gặp thì công an đứng bên cạnh nên không hỏi chuyện được, thăm có chút xíu nên chẳng hỏi được gì. Chỉ hỏi thăm sức khỏe mẹ con vậy thôi chứ không hỏi gì chuyện đó được". 

Được biết tài khoản Facebook có tên SG Ngọc Lan của bà Lanh có livetream một video với nội dung bà Lanh xác nhận bản thân có tham dự cuộc biểu tình chống dự thảo Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng vào tháng 6/2018 tại TP.Hồ Chí Minh và sau đó bị câu lưu tại Công an Q.1.

Minh Hải

******************

Y án đối với tài xế chống BOT ‘bẩn’ Hà Văn Nam (RFA, 18/10/2019)

Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh sáng ngày 18 tháng 10 năm 2019 tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam với cáo buộc tội danh "Gây rối trật tự công cộng" theo điều 318 Bộ luật hình sự 2015.

tnlt2

Hình minh họa. Ông Hà Văn Nam - Photo : RFA

Bà Trần Thị Thu Thủy, một người được vào chứng kiến phiên xử nói với phóng viên Đài Á Châu Tự Do như sau:

"Khi mà Hà Văn Nam quá trình khai và tự bào chữa thì nhiều lần Viện kiểm sát, thẩm phán đã không cho anh ấy trình bày. Thẩm phán cố ý mớm cung anh Nam khi nói hành vi của anh ấy là hành vi xúi giục, trong khi hành vi của anh ấy không phải là hành vi xúi giục mà là phổ biến pháp luật cho người khác.

Mà hành vi phổ biến pháp luật là đúng chứ không phải sai, không phải xúi giục, tuy nhiên tòa cứ cố suy diễn theo hướng xúi giục".

Cũng theo bà Thủy, luật sư của ông Hà Văn Nam trong phiên xử phúc thẩm là Trần Thu Nam đã nhấn mạnh đến nguyên nhân để dẫn đến việc ông Hà Văn Nam và các tài xế khác phản đối trạm BOT Phả Lại đặt tại xã Đức Long trên Quốc lộ 18 đoạn tiếp giáp giữa 2 tỉnh Bắc Ninh - Hải Dương.

Tuy nhiên Viện kiểm sát bác bỏ các lời bào chữa này và yêu cầu tập trung vào việc bào chữa xem có đúng với điều khoản mà tòa sơ thẩm áp dụng đối với ông Hà Văn Nam hay không.

Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ xét xử và nghị án, Hội đồng xét xử của tòa án tỉnh Bắc Ninh đã tuyên y án sơ thẩm 30 tháng tù giam đối với ông Hà Văn Nam. Theo bà Thủy, một người ủng hộ việc phản đối các trạm BOT có vấn đề thì đây là một bản án không công bằng.

"Bản án này rất là bất công, việc mà để cho người dân phải đi đòi quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã là một bất công lớn và khi họ đòi hỏi lại cố tình hình sự hóa các vấn đề dân sự, rồi quy cho họ tội Gây rối trật tự công cộng", bà Thủy nói.

Một người đề nghị không nêu danh tính do vấn đề an toàn cũng nhận xét cho rằng, nếu được tăng án lên mức kịch khung thì tòa án cũng sẽ tăng do "đây chỉ là án bỏ túi".

Theo Kết luận điều tra của công an tỉnh Bắc Ninh, trạm BOT Phả Lại đặt trên Quốc lộ 18 thuộc huyện Quế Võ được thu phí từ ngày 24/12/2018. Tuy nhiên, một số người dân quanh trạm cho rằng việc thu phí với tài xế ở địa phương là sai nên tập trung phản đối.

Cuối tháng 12 năm ngoái, ông Hà Văn Nam gọi điện cho Nguyễn Quỳnh Phong nói đã xem clip về việc người dân phản đối thu phí, hẹn khi rảnh sẽ về giúp.

Hai ngày sau, nhóm 7 người tập trung tại BOT Phả Lại cùng khoảng 100 người khác đồng thời dừng ở làn thu phí gây kẹt xe, khiến trạm này phải xả, không thu phí nên chịu thất thoát hơn 23 triệu đồng.

Đến ngày 5/3/2019, ông Nam bị bắt giữ vì cáo buộc hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Trước đó không lâu, ông Hà Văn Nam khi đang phát video trực tiếp trên Facebook bị một nhóm người lạ mặt hành hung, đánh gãy xương sườn nói là "đem về đồn" nhưng bỏ ông lại ở một nơi hoang vắng.

Hôm 30/7/2019, tòa án lưu động huyện Quế Võ, Bắc Ninh tuyên phạt ông Nam 30 tháng tù giam.

Sáu tài xế khác gồm các ông Nguyễn Quỳnh Phong, Lê Văn Khiển, Nguyễn Tuấn Quân, Vũ Văn Hà, Ngô Quang Hùng và Trần Quang Hải phải lãnh nhận các mức án từ 18 tháng đến 36 tháng tù giam với cùng một tội danh sau khi cùng nhau phản đối trạm thu phí BOT Phả Lại.

Liên quan phong trào phản đối các trạm thu phí đường bộ BOT đặt sai vị trí hay thu phí quá thời hạn, bất hợp lý, vào tối ngày 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như,  một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT dạng này, bị công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bắt giữ và dẫn giải về quê nhà ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khám xét, vì cáo buộc có hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ khoảng 10 tài xế tham gia phản đối các trạm thu phí và đưa ra xử án. Ngoài trường hợp  Ông Hà Văn Nam như vừa nêu, có thể kể đến trường hợp tài xế Vũ Ngọc Hoàng, người phản đối Trạm BOT An Sương vì thu phí quá thời hạn, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên 18 tháng tù với cáo buộc ‘cố ý làm hư hỏng tài sản’ vào ngày 15 tháng 7 vừa qua.

********************

Công an bắt giam bà Đặng Thị Huệ sau các cuộc phản đối BOT (RFA, 17/10/2019)

Tối 16/10/2019, bà Đặng Thị Huệ hay còn có tên gọi khác là Huệ Như - một người thường lên tiếng phản đối các trạm thu phí BOT có vấn đề bị công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội bắt giữ và dẫn giải về quê nhà ở Vũ Thư, tỉnh Thái Bình khám xét, vì cáo buộc có hành vi "Gây rối trật tự công cộng".

tnlt3

Hình minh họa. Chị Đặng Thị Huệ - Courtesy of FB Huệ Như

Bà Trần Thị Thu Thủy, một người chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện và thực hiện live stream trên Facebook buổi khám xét nhà bà Huệ Như, nói với Đài Á Châu Tự Do vào chiều 17/10 như sau :

"Tôi với chị Huệ vừa ngồi xuống quán nước ở ven đường đế uống nước thì họ lao vào bắt. Chị Huệ bảo các anh định làm gì, họ nói chúng tôi có quyết định bắt giữ.

Họ đưa cho chị Huệ một nắm giấy tờ nhưng không cho chị Huệ đọc mà cả chục người lôi chị lên xe biển xanh của cảnh sát trước sự chứng kiến của tôi và rất nhiều người", chị Thủy thuật lại vụ việc vào tối 16/10.

Các đoạn video quay trực tiếp vào tối 16/10 cho thấy hàng chục công an thường phục và sắc phục khám xét căn hộ của bà Đặng Thị Huệ ở Thái Bình.

Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện cho Công an huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội vào chiều ngày 16, người trực ban cho biết sẽ xem lại vụ việc và thông báo sau, tuy nhiên các cuộc gọi sau đó không có người bắt máy, hoặc bắt máy nhưng không nói chuyện.

Chúng tôi cũng gọi cho ông Lê Ngọc Ly, Trưởng công an huyện Sóc Sơn theo số điện thoại ghi trên cổng thông tin điện tử chính thức của huyện này, tuy nhiên người này từ chối mình là Trưởng công an.

Bà Thu Thủy là người cùng với bà Đặng Thị Huệ tham gia các cuộc phản đối BOT Tân Đệ hay Bắc Thăng Long - Nội Bài. Người này cho biết khả năng bà Huệ bị bắt giam bắt nguồn từ vụ việc bà từ chối trả tiền phí để phản đối trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài hôm 11-6 dẫn đến việc bà Huệ bị giữ trong 12 giờ và chiếc ô tô đó đến giờ vẫn chưa được trả lại.

Sau vụ việc, bà Huệ khởi kiện Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải do đồng ý để Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 đặt trạm trên con đường đã hết hạn thu phí từ lâu và thu phí cho tuyến tránh thành phố Vĩnh Yên.

Bà Huệ cũng đồng thời khởi kiện việc bắt giữ người trái phép, giữ xe và việc bị hành hung dẫn đến xẩy thai.

Trước việc chỉ tham gia phản đối BOT "bẩn" nhưng lại bị bắt giam vì tội gây rối, bà Thủy cho rằng công an đang dồn người dân đến bước đường cùng.

"Tôi nghĩ rằng công an huyện Sóc Sơn, Bộ công an, ngành công an nói chung đã dồn người dân đến bước đường cùng. Họ đã đứng bảo kê cho BOT bẩn, đứng giữa giao dịch dân sự giữa người dân và doanh nghiệp, bảo kê cho doanh nghiệp.

Đuổi cùng giết tận người dân khi người ta cất tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình", bà Thủy nói qua ứng dụng Messenger.

Bà Đặng Thị Huệ sinh năm 1981, là một nhân viên hành chính của trường tiểu học ở Thái Bình. Bà nhiều lần tham gia phản đối các trạm BOT cùng với ông Hà Văn Nam, các trạm này bị cho là đặt không đúng vị trí mà vẫn lạm thu người dân.

Từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt Nam bắt giữ khoảng 10 tài xế tham gia phản đối các trạm thu phí trong đó có ông Hà Văn Nam bị tuyên án 30 tháng tù giam vì cáo buộc "gây rối". Ông Hà Văn Nam sẽ ra tòa phúc thẩm vào ngày 18/10 tới đây.

*************************

Một dân oan bị tuyên án tù vì "Lợi dụng quyền tự do dân chủ" nói xấu lãnh đạo (RFA, 17/10/2019)

Vào ngày 17 tháng 10, Tòa án Nhân dân huyên la Grai, tỉnh Gia Lai, đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Huệ (sinh năm 1968) 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo điều 331 Bộ luật Hình sự. Truyền thông trong nước loan tin này vào cùng ngày.

tnlt4

Bà Nguyễn Thị Huệ tại tòa ở tỉnh Gia Lai hôm 17/10/2019 - Courtesy of Nông Nghiệp Việt Nam

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân được báo chí trong nước trích đăng, bà Nguyễn Thị Huệ đã sử dụng mạng xã hội facebook với các tên Nguyễn Thị Huệ, Công Lý Về Tôi, Nguyễn Huệ, Vũ Quỳnh Hương, Den Quang để nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước, những người trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc có liên quan đến gia đình của bà Huệ. Bà Huệ bị cáo buộc đã gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, danh dự của nhiều lãnh đạo, đồng thời làm mất niềm tin của nhân dân vào vai trò lãnh đạo của đảng và nhà nước.

Cáo trạng cũng cho biết, từ năm 2016 đến 2018, các cơ quan chức năng của tỉnh đã giải quyết một số vụ án liên quan đến gia đình bà Huệ, nhưng bà Huệ thường xuyên đến các cơ quan tố tụng, ban tiếp dân và các ban ngành khác của huyện la Grai và tỉnh Gia Lai để khiếu nại, chửi bới, xúc phạm các cán bộ đang làm nhiệm vụ.

Bà Huệ bị công an bắt tạm giam để điều tra vào ngày 12/3, theo thông tin từ con gái của bà Huệ là chị Quỳnh Thương.

Hôm 19/3, chị Quỳnh Thương nói với đài Á Châu Tự Do về lý do mẹ mình bị bắt giam:

"Lý do là họ nghĩ mẹ em là đi cấu kết với các tổ chức khác để phá nhà nước, nhưng mẹ em không có làm như thế.

Mẹ em chỉ có là 2 hồ sơ oan của nhà em thì mẹ em đi đòi, rất nhiều lần gửi đơn lên các cơ quan công an điều tra công an huyện mà họ cứ đùn đẩy họ không giải quyết.

Vừa rồi thêm một vụ nữa mẹ em đã gửi đơn rồi mà công an không giải quyết tiếp tay cho bà đó ở đây xù nợ ở đây hàng bao nhiêu tỷ, mẹ em cũng bị mất khoảng 10 triệu.

Mẹ em mới lên mẹ em bực, mẹ em nói, mẹ em chửi. Ở trên đấy nói mẹ em đi gửi đơn khiếu nại, khiếu kiện nhiều nơi nên ảnh hưởng, và lợi dụng tự do dân chủ để chửi cán bộ nhưng không phải, nhà em đi tìm công lý thôi",

Từ đầu năm đến nay, theo thống kê của đài Á Châu Tự Do, đã có ít nhất 17 người bị bắt giữ tại Việt Nam với các cáo buộc liên quan đến an ninh quốc gia và tuyên truyền, nói xấu lãnh đạo đảng, nhà nước.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) chỉ trích chính quyền Việt Nam đã mạnh tay đàn áp các tiếng nói đối lập. Theo thống kê của tổ chức này, hiện Việt Nam đang giam giữ ít nhất khoảng 133 người vì thực hiện những quyền tự do căn bản.

******************

Ân xá Quốc tế kêu gọi viết thư phản đối Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh trong tù (RFA, 17/10/2019)

Ân xá Quốc tế kêu gọi cần có hành động khẩn cấp bằng cách viết thư gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre tố cáo tình trạng tù nhân chính trị-Kỹ sư thủy sản Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh bất tỉnh trong trại giam.

tnlt5

Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh tại phiên tòa ở tỉnh Bến Tre hôm 06/06/19. AFP

Trong thông cáo báo chí phổ biến vào ngày 16 tháng 10, Tổ chức Ân xá Quốc tế đề cập về tình trạng sức khỏe của Kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh bị thương nghiêm trọng ở đầu và chân sau khi bị tù hình sự đánh đến bất tỉnh hồi đầu tuần tháng 10 và không được trại giam cho chữa trị mà còn lại bị đưa vào phòng biệt giam.

Tổ chức Ân xá Quốc tế còn nhấn mạnh vụ việc tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh bị đánh vừa xảy ra là diễn biến tiếp theo sau nhiều tháng người tù chính trị này bị sách nhiễu về tinh thần do hàng ngày bị tù hình sự dọa giết trước sự làm ngơ của ban quản giáo trại giam Bến Tre.

Do đó, tổ chức này kêu gọi cộng đồng cần khẩn cấp viết thư gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre, Đại tá Võ Hùng Minh để yêu cầu trại giam Bến Tre cần phải đối xử với tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh theo các quy định tối thiểu của tiêu chuẩn Liên Hiệp Quốc (chiếu theo Các nguyên tắc Nelson Mandela), đặc biệt không được tra tấn bao gồm hình thức biệt giam và phải cho phép được chăm sóc y tế trong trường hợp cần thiết. Đồng thời yêu cầu phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tù chính trị Nguyễn Ngọc Ánh.

Ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách chiến dịch của Ân xá Quốc tế tại Việt Nam và Campuchia phát biểu với RFA như sau:

"Trong trường hợp này chúng tôi nhận thấy rằng anh Nguyễn Ngọc Ánh đang ở trong trường hợp hết sức nguy hiểm và cần phải có sự can thiệp  nay tức khắc. Và trong trường hợp này chúng tôi cũng xác định công an tỉnh Bến Tre phải chịu trách nhiệm chính nên chúng tôi đưa họ vào danh mục để tất cả những lời kêu gọi nhắm vào họ".

Bà Nguyễn Thị Châu, vợ của ông Nguyễn Ngọc Ánh, vào ngày 11 tháng 10 cho Đài Á Châu Tự Do biết ông báo bị đánh đến bất tỉnh trong tù. Thông tin này được ông cho bà hay trong lần thăm gặp mới nhất trong cùng ngày.

Hồi tháng 6/2019, kỹ sư nuôi tôm Nguyễn Ngọc Ánh, 39 tuổi, một người hoạt động vì môi trường, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bến Tre tuyên án 6 năm tù và 5 năm quản chế với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam", theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự 2015.

Truyền thông trong nước trích cáo trạng cho biết trong khoảng thời gian từ 2013 – 2014, ông Ánh đã tạo một tài khoản mạng xã hội Facebook lấy tên là "Nguyễn Ngọc Ánh" với mục đích ban đầu là để trao đổi thông tin liên quan đến nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên từ tháng 4 – 2016 đến tháng 8 – 2018, ông Ánh đã tiếp tục tạo một số tài khoản Facebook khác nhau, thường xuyên tham gia cá buổi phát trực tiếp, đăng tải nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân về các chính sách, pháp luật và quan hệ ngoại giao của Nhà nước.

Cáo trạng cũng cho biết ông Ánh đã tạo các nhóm kín chia sẻ, thảo luận, kêu gọi biểu tình vào các ngày 4 tháng 9 năm 2018 và 30 tháng 4 năm 2019.

Ông Nguyễn Ngọc Ánh bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ vào ngày 30/8/2018. Ông từ chối có luật sư bào chữa trước phiên tòa sơ thẩm.

******************

Hoãn phiên xử thầy giáo dạy nhạc/nhà hoạt động Nguyễn Năng Tĩnh (RFA, 17/10/2019)

tnlt6

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh - Ảnh minh họa

Phiên xử thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh dự kiến diễn ra vào ngày 17/10 đã bị hoãn lại do các luật sư đã không hiện diện tại tòa án vì phản đối thẩm phán Nguyễn Đăng Phồn không cho sao chụp hồ sơ.

Bố của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh, ông Nguyễn Ngọc Định cho RFA biết :

"Sáng nay bố mẹ Nguyễn Năng Tĩnh có đến và được vào tòa. Họ không thông báo hoãn gia đình cũng không được thông báo hồi nào xử họ nói dự kiến xử ngày 17, hôm nay gia đình vô, người ta cho chỉ có bố mẹ đẻ và vợ. Đến giờ khai mạc tòa, chủ tọa làm tất cả thủ tục khai mạc, trong đó có 3 luật sư và 5 người làm chứng vắng. Đầu tiên ý kiến của bị cáo, Nguyễn Năng Tĩnh nói người bào chữa cho tôi vắng lý do trước đây họ không được tiếp xúc hồ sơ không được sao chép hồ sơ, lý do thứ 2 không cung cấp hồ sơ cho họ rồi người làm chứng vắng nên Tĩnh đề nghị hoãn phiên tòa, sau đó ý kiến Viện kiểm sát, thì lý do của bị cáo đưa ra thì theo luật cũng được hoãn và họ tuyên bố hoãn phiên tòa, từ khai mạc đến khi hoãn phiên tòa là 38 phút. Họ tuyên bố theo luật người có mức án dưới 20 năm lần thứ 2 xử nếu luật sư không tham dự họ vẫn xử. Họ không cho biết ngày nào".

Thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh bị cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Tuy nhiên, hai luật sư của thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh là luật sư Nguyễn Văn Miếng và luật sư Đặng Đình Mạnh đã không được sao chụp hồ sơ vụ án để làm căn cứ bào chữa. Do đó hai vị luật sư này đã nộp đơn đề nghị hoãn phiên tòa từ hôm 11 tháng 10 nhưng đã không nhận được trả lời của tòa án. Để phản đối hành vi ngăn cản luật sư làm việc bào chữa cho thân chủ của mình, các luật sư của thầy giáo Tĩnh đã không đến tòa án vào sáng ngày 17 tháng 10.

Ông Nguyễn Năng Tĩnh, sinh năm 1976, giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An. Ông cũng được giới hoạt động trong nước cho biết là người năng nổ trong công tác xã hội, văn hóa tại Giáo Phận Vinh. Ông bị cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt giam vào ngày 29 tháng 5 năm 2019.

******************

Ông Hà Văn Thành, người tìm quy chế tị nạn ở Mỹ, sẽ bị trục xuất trong tháng 10 (RFA, 16/10/2019)

Ông Hà Văn Thành, một người từng tham gia vào các cuộc biểu tình phản đối Công ty Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung, đã đào thoát khỏi Việt Nam đến Mỹ xin tị nạn, vào hôm 16 tháng 10, nói cho một người bạn biết, ông sẽ bị trục xuất trong vài ngày tới.

tnlt7

Ông Hà Văn Thành tham gia biểu tình phản đối Formosa ở Nghệ An (người đứng bên phải trên, đội mũ bảo hiểm) Courtesy of Facebook Nguyễn Đình Thuc

Ông Lê Thanh Tùng, ở Hoa Kỳ thường xuyên liên lạc qua điện thoại với ông Hà Văn Thành, trong cùng ngày nói với RFA thông tin vừa nêu và cho biết cụ thể cuộc điện thoại vào sáng sớm giữa hai người :

"Anh Thành bị ép ký giấy để chuyển trục xuất về Việt Nam khi anh Thành ở trại tù tại tiểu bang Texas. Lúc đó họ ép anh Thành phải ký giấy, nhưng anh Thành vẫn kiên quyết là không ký giấy cho nên đó là lý do tại sao sau vài ngày ở trại tù Texas cách đây 2 tuần thì họ lại đưa anh Thành về ngược lại trại tù ở tiểu bang New Mexico. Rồi, khi anh Thành về đó được khoảng 1 tuần thì tầm 4 ngày trước họ lại đưa anh Thành về lại trại tù tiểu bang Texas. Và tối hôm qua thì họ chuyển anh Thành về trại tù ở tiểu bang Arizona. Theo anh Thành vừa gọi ra sáng nay báo cho biết là trong vài ngày tới họ sẽ trục xuất anh Thành về Việt Nam cùng với những người di dân lậu từ Việt Nam mới sang. Bắt đầu từ sáng nay anh Thành muốn tuyệt thực để phản đối việc trục xuất anh Thành về Việt Nam vì anh Thành lo ngại khi về Việt Nam sẽ bị nhà cầm quyền Cộng sản bách hại".

Từ Việt Nam, vào tối ngày 16 tháng 10, Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục, quản xứ Giáo xứ Song Ngọc cũng cho RFA biết ông vừa nhận được tin nhắn từ vợ của ông Hà Văn Thành, là bà Hồ Thị Thắm :

"Tin nhắn từ vợ của anh Thành cho biết là ‘Anh Thành vừa gọi cho con bảo là anh chuyển trại đến Arizona. Anh Thành nói con báo cho Cha, nhờ Cha cầu nguyện và nhờ Cha báo nhờ xem có cách gì giúp cho anh Thành với’".

Ông Hà Văn Thành, sinh năm 1982, ở thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã đào thoát khỏi Việt Nam từ ngày 12/05/2018 vì ông lo sợ sẽ bị chính quyền địa phương bắt bỏ tù như một số nhà hoạt động về môi trường khác ở khu vực là Hoàng Đức Bình và Nguyễn Nam Phong. Họ là những người đã cùng tham gia xuống đường tuần hành tập thể với hàng trăm nạn nhân của thảm họa môi trường biển Formosa diễn ra tại khu vực 4 tỉnh Bắc Trung bộ kể từ khi biến cố xảy ra hồi đầu tháng 4 năm 2016.

Vào đầu tháng 6 năm 2019, từ trại giam di trú ở tiểu bang New Mexico, Hoa Kỳ, ông Hà Văn Thành liên lạc với RFA qua điện thoại và cho biết ông bắt đầu cuộc đào tỵ bằng cách đi qua Lào rồi sang Thái LanSau đó, ông Thành mua vé máy bay qua Cuba và tiếp tục mua vé máy bay đến Panama. Ông Thành xin tị nạn ở Panama và trong lúc chờ đợi, ông Thành gặp được một nhóm người Cuba rồi đi theo họ đến Mexico. Từ thành phố Bonne Terre ở Mexico, ông Thành đã đi bộ đến biên giới Mỹ và xin tị nạn với cảnh sát tại cửa khẩu Hoa Kỳ vào hôm 24/07/2018.

Cũng trong dịp tháng 6, qua cuộc điện thoại với RFA, ông Hà Văn Thành còn cho biết sau 3 lần ra tòa, Tòa án Di trú Mỹ ra phán quyết từ chối cấp quy chế tị nạn cho ông vào 10/05/19 và sẽ trục xuất trong vòng 30 ngày sau đó.

tnlt8

Giáo dân Nguyễn Văn Thanh, tham gia lên tiếng phản đối Công ty Formosa xả thải ra khu vực biển miền Trung hồi năm 2016, vừa bị bắt về tội hiếp dâm trẻ vị thành niên. Courtesy : Facebook Anthanh Linhgiang

Ngày 16/10, Linh mục Nguyễn Đình Thục lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do về sự quan ngại của ông rằng ông Hà Văn Thành sẽ bị bắt ngay sau khi bị trục xuất về Việt Nam trong vài ngày nữa :

"Nếu mà anh Thành về tới Việt Nam thì nhất định anh Thành sẽ bị bắt. Không bắt bằng cách này thì sẽ cũng bắt bằng cách khác, giống như họ vừa bắt anh Thanh (Nguyễn Văn Thanh-pv) ở Quảng Bình và họ viết về một thông báo rằng anh Thanh bị bắt vì phạm tội hiếp dâm. Trước đây, anh Nam Phong cũng bị bắt và họ viết giấy thông báo là anh Nam Phong phạm tội mua dâm. Nhưng sau đó, họ xử anh Nam Phong tội ‘chống người thi hành công vụ’. Trường hợp anh Thành về thì anh Thành sẽ bị bắt. Có lẽ họ không dám bắt anh Thành về tội là nhà đấu tranh hay về tội anh ấy đi vượt biên. Thế nhưng, họ sẽ bắt về một cái tội khác, một cái tội mà bên nước ngoài như nước Mỹ chẳng hạn cũng không can thiệp được. Khi anh Thành về thì nhất định họ bắt vì họ thấy trước đây anh Thành đã tham gia hoạt động như vậy thì về cũng sẽ tiếp tục hoạt động và lý do thứ hai nữa là đối với Chính quyền Cộng sản thì họ bắt nhằm để trả thù cũng như để răn đe những người khác".

Đài RFA ghi nhận Đài Truyền hình An ninh từng loan tin gọi ông Hà văn Thành là "thành phần phản động" ; đồng thời ông Thành cũng nhận được ba giấy triệu tập làm việc với công an. Ngoài ra, ông Thành cũng bị công an canh chừng trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày. Sau khi ông Thành đào thoát khỏi Việt Nam, bà Hồ Thị Thắm cho RFA biết công an địa phương đến nhà gây khó dễ và tra hỏi vợ con cùng hàng xóm để truy tìm ông Thành.

Liên quan trường hợp kêu cứu của ông Hà Văn Thành sau khi Tòa án Di trú Mỹ ra quyết định trục xuất về Việt Nam, vào tháng 6 năm 2019, Dân biểu Alan Lowenthal và Thị trưởng thành phố Westminster, tiểu bang California-ông Tạ Đức Trí cùng một số tổ chức phi chính phủ (NGOs) vận động Chính phủ Hoa Kỳ xem xét cho ông Hà Văn Thành được hưởng quy chế tị nạn.

Quay lại trang chủ
Read 540 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)