Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

21/10/2019

Đã tìm thấy thủ phạm đổ dầu bẩn vào nước sạch sông Đà

Tổng hợp

Dầu thải gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà là của gốm sứ Thanh Hà (RFA, 21/10/2019)

Số dầu thải đổ ra đầu nguồn của nhà máy nước sạch sông Đà (Viwasupco) gây ô nhiễm nước cho hàng vạn hộ dân ở Hà Nội có nguồn gốc từ Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ.

songda1

Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ - Courtesy of 24h.com.vn

Thông tin trên do ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà, xác nhận với báo giới trong nước hôm 21/10.

Người đại diện Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cũng xác định ông Trần Thành Chung, thủ kho vật tư của công ty, là người đã lén lút bán dầu thải từ các loại máy cơ khí cho nhóm người xả thải gây ô nhiễm nguồn nước.

Trước đó hôm 20/10, truyền thông trong nước đưa tin người chủ mưu vụ đổ dầu xuống nguồn nước Viwasupco là Lý Đình Vũ (sinh năm 1982) đã ra đầu thú. Cơ quan chức năng trước đó, vào hôm 18/10, đã bắt giữ hai nghi phạm khác là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986).

Theo báo trong nước, ông Lý Đình Vũ đã khai nhận với phía công an rằng đã được một nữ giám đốc tên Trang của Gốm sứ Thanh Hà thuê đổ dầu thải.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà bác bỏ thông tin trên và khẳng định công ty không có giám đốc nào tên Trang.

Tuy nhiên, ông này xác nhận cơ quan chức năng đã làm việc với con gái ông (tên Trang) hiện làm tại phòng kinh doanh của công ty và quản lý kho Trần Thành Chung.

Ông Truyền ngoài việc thừa nhận số dầu thải đổ ra sông Đà là của công ty gốm sứ Thanh Hà, ông cũng cho rằng từ trước đến nay công ty không có chủ trương đưa dầu thải tới các mối nhỏ lẻ gây ô nhiễm môi trường, mà luôn thu gom và chuyển cho công ty môi trường xử lý theo đúng quy định.

Theo thông tin ban đầu từ phía công an, nhóm nghi phạm hôm 6/10 đã lái một xe tải và một xe ô tô 4 chỗ từ Bắc Ninh đến Công ty Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để nhận 10 thùng chứa khoảng 10m3 dầu thải.

Vào ngày 8/10, nhóm nghi phạm đã chở các thùng dầu thải đến khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để tiến hành xả thải.

Lượng dầu thải nói trên được xác định đã đổ vào suối Trầm dẫn đến hồ Đầm Bài, là nơi cung cấp nước nguyên liệu của Viwasupco cách đó khoảng 2,5km.

****************

Công ty nước Sông Đà công bố lãi lớn giữa bê bối nước nhiễm dầu (RFA, 21/10/2019)

Báo cáo tài chính quý 3/2019 của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) –đơn vị vừa cung cấp nước nhiễm dầu cho hàng ngàn hộ dân tại Hà Nội, cho thấy Viwasupco lãi hơn 72,4 tỉ đồng.

songda2

Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà Viwasupco. Courtesy 24h

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói hôm 21/10 trích dẫn báo cáo tài chính của Viwasupco.

Cụ thể, trong Báo cáo tài chính quý 3/2019, Viwasupco có doanh thu thuần đạt 137,8 tỉ đồng, tăng 17% và lợi nhuận sau thuế hơn 72,4 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước.

Nếu tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Công ty nước Sông Đà đạt 401,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 199 tỉ đồng, so với cùng kỳ năm 2018, doanh thu tăng 21% và lợi nhuận tăng 30%.

Hiện công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà có 2 cổ đông chính là Công ty MTV Năng lượng Gelex nắm hơn 60% cổ phần và Công ty Cơ điện lạnh REE nắm gần 36%.

Công ty nước Sông Đà là công ty cung cấp nước sạch cho một số quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và huyện Hoài Đức… của Hà Nội từ vùng thượng lưu sông Đà thuộc tỉnh Hòa Bình.

Hôm 8/10, người dân tại một số quận ở Hà Nội thuộc khu vực được Công ty nước Sông Đà cung cấp nước sạch, thông báo nước sinh hoạt chuyển màu đen và có mùi khét. Tổng cục Môi trường sau đó đã điều tra và cho biết nước sạch từ nhà máy nước sông Đà cung cấp cho nhiều hộ dân tại Hà Nội có mùi lạ là do nhiễm bẩn dầu nhớt ở đầu nguồn.

Ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ chất styren có trong nước ở một số khu vực tại Hà Nội cao hơn 1,3 đến 3,6 lần mức bình thường. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước này cho mục đích ăn uống.

Viwasupco cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ngày đêm cho thành phố Hà Nội.

Hiện vụ việc đã được cơ quan điều tra huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình khởi tố vụ án hình sự… Đã có 3 người bị bắt vì liên quan đến việc đổ dầu thải vào đầu nguồn nước nhà máy Nước sạch Sông Đà.

*****************

Ai đổ chất dầu thải xuống sông Đà ? (BBC, 20/10/2019)

Sáng 19/10, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà xác nhận nguồn dầu thải đổ xuống sông Đà là của ông, theo Báo Lao Động.

songa3

Vết dầu nhớt được phát hiện ở tỉnh Hòa Bình gần kênh dẫn nước vào nhà máy

Hôm 18/10, công an Hòa Bình đã bắt giữ hai đối tượng, Nguyễn Chương Đại, 25 tuổi và Hoàng Văn Thám, 33 tuổi và đang truy bắt Lý Đình Vũ, 37 tuổi.

Đại và Thám khai nhận đã lấy chất thải từ Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà ở Phú Thọ để đem về Hưng Yên, rồi lên khu vực xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình để xả dầu thải.

"Tôi thực sự rất bất ngờ. Khi biết thông tin trên, tôi lập tức gọi điện cho bộ phận kho thì được xác nhận đúng là có vụ việc như vậy. Tôi khẳng định quan điểm của cá nhân và công ty là không ủng hộ việc vi phạm làm ô nhiễm môi trường," ông Truyền nói.

Ông Truyền cho biết đã ký với Công ty Môi Trường Xanh để xử lý chất thải. Nhưng cũng phải tích đủ một khối lượng nhất định thì Công ty Môi Trường Xanh mới đến chở đi.

Ông cho rằng một người làm ở bộ phận kho của Công ty gốm sứ Thanh Hà đã lén lút đem cho hoặc bán số lượng dầu trên cho nhóm Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

Sau khi lấy được dầu, nhóm Đại, Thám đã mang về Hưng Yên để sơ chế, giữ lại những gì có thể sử dụng được, rồi phần còn lại đem xả trộm ở Hòa Bình.

"Lượng dầu cặn này mà xử lý phải mất tới 3,5 triệu đồng/khối nên tôi nghĩ đây hoàn toàn là bài toán kinh tế, vì lòng tham của con người thôi. Không có chuyện thuê mướn để hại nhau đâu…," ông Truyền nói.

Nước đã 'đạt chuẩn styren'

Cũng trong hôm 18/10, 10 ngày sau khi có sự cố đổ dầu thải xuống sông Đà, 4 mẫu nước của nhà máy nước sông Đà, và 15 mẫu nước ở 15 hộ dân đã "đạt chuẩn styren".

songda4

Hình ảnh tại nhà máy nước sông Đà

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình cho thấy, vào tối ngày 8, rạng sáng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại hai xã Phúc Minh và Phúc Tiến, Kỳ Sơn, Hòa Bình - cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.

Sau đó, khu vực Suối Trâm có mưa to khiến số dầu nhớt lan nhanh đến kênh dẫn nước của Nhà máy nước mặt Sông Đà.

"Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện sự việc, Viwasupco đã thuê người dân vớt dầu. Theo báo cáo của công ty này, toàn bộ dầu loang đã được thu gom," Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường ông Hoàng Văn Thức nói.

Sự cố đổ trộm dầu thải đã khiến hàng loạt hộ dân ở Hà Nội rơi vào cảnh thiếu nước sinh hoạt.

Ngày 16/10, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội gây ô nhiễm môi trường.

Sáng 17/10, một số khu vự ở Hà Nội đã được cấp nước trở lại nhưng vẫn lo ngại về nguồn nước ở nhà máy, nên nhiều người dân vẫn tiếp tục đi mua nước đóng chai.

Đến 18/10, công an đã bắt khẩn cấp hai đối tượng Nguyễn Chương Đại và Hoàng Văn Thám.

*******************

Người chủ mưu đổ dầu vào nguồn nước sạch Sông Đà ra đầu thú, khai được một nữ chủ doanh nghiệp thuê (RFA, 20/10/2019)

Ngày 20/10, một người có tên Lý Đình Vũ, sinh năm 1982, người được cho là chủ mưu vụ đổ dầu xuống nguồn nước sạch Sông Đà vào ngày 8/10, đã ra đầu thú, theo truyền thông trong nước.

songda5

Khu vực suối đầu bị đổ dầu chảy vào nguồn cung cấp nước cho nhà máy nước sạch Sông Đà. Courtesy of Bộ Tài nguyên Môi trường

Như vậy, đến lúc này đã có ba người bị công an bắt giữ liên quan đến vụ đổ dầu xuống nguồn nước cung cấp cho nhà máy Nước sạch Sông Đà, công ty cung cấp khoảng 300.000 m3 nước/ ngày đêm cho thành phố Hà Nội.

Hai người bị bắt giữ trước đó vào ngày 18/10 là Nguyễn Chương Đại (sinh năm 1994) và Hoàng Văn Thám (sinh năm 1986). Cả hai khai được Vũ thuê đổ dầu thải vào ngày 8/10.

Báo Thanh Niên trích lời đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết, Vũ khai đã được một nữ giám đốc doanh nghiệp có tên Trang thuê đổ dầu thải. Tuy nhiên báo không cho biết thêm công ty này là công ty nào, ở đâu.

Trong khi đó, Sở Y tế Hà Nội vào ngày 20/10 cho biết các mẫu nước lấy tại một số vị trí ở Hà Nội vào ngày 19/10 cho thấy hàm lượng Styren đều đạt quy chuẩn của Việt Nam. Styren là chất có thể gây ung thư.

Trước đó, vào ngày 15/10, UBND thành phố Hà Nội công bố kết quả xét nghiệm xác định tỷ lệ chất styren có trong nước ở một số khu vực tại Hà Nội cao hơn 1,3 đến 3,6 lần mức bình thường. Chính quyền thành phố khuyến cáo người dân không nên dùng nguồn nước này cho mục đích ăn uống.

Quay lại trang chủ
Read 516 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)